Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Nhật ký

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3849 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhật ký
Franz Kafka

Phần 1
Franz Kafka là một trong những nhà văn phức tạp nhất của thế kỉ XX - phức tạp ngay trong chính tư tưởng sáng tác của ông, phức tạp cả ở sự tiếp nhận, đánh giá ông của công chúng và các nhà nghiên cứu, phê bình khắp thế giới. Ðể hiểu ông hơn phải cần đến những chìa khoá dẫn vào cánh cửa tâm hồn ông. Nhật kí của Kafka, nhiều trăm trang, được viết rải rác trong nhiều năm, là một trong những chìa khoá quan trọng đó. Vì vậy, trong khi làm Tuyển tập tác phẩm Kafka, chúng tôi cố gắng chọn dịch một số trang nhật kí của ông, nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu cuộc đời và tác phẩm của nhà văn "bí ẩn" này. Dịch nhật kí rất khó, đặc biệt là nhật kí Kafka, chúng tôi là người đầu tiên làm việc này, - nghĩa là dịch nhật kí Kafka sang tiếng Việt, mà lại qua một thứ tiếng trung gian, - nên chắc chắn không thể nào tránh khỏi sai sót (ngay ở hai bản tiếng Nga của cùng một dịch giả mà chúng tôi sử dụng đã có những khác biệt nhiều khi trái nghĩa nhau, nên rất khó xử lí). Chúng tôi chỉ hi vọng rằng đây mới là bước đầu có ích cho người khác về sau tiếp tục công việc hoàn chỉnh, tốt hơn. Mong được bạn đọc thông cảm, các nhà nghiên cứu, phê bình chỉ bảo, giúp đỡ.
Bản dịch nhật kí này được Ðoàn Tử Huyến thực hiện từ bản tiếng Nga (của E. Caxeva in trong tạp chí Những vấn đề văn học số 3 năm 1968, tham khảo thêm văn bản lấy từ Internet), có sử dụng một số đoạn do Nguyễn Văn Thảo và Nguyễn Kiều Diệp phác dịch và Ðoàn Tử Huyến hiệu đính. Người dịch cám ơn dịch giả tiếng Ðức Lê Chu Cầu, hiện đang sống và làm việc ở Cộng hoà Liên bang Ðức, đã nhiệt tình đọc đối chiếu với nguyên bản tiếng Ðức và góp nhiều ý kiến sửa chữa cho bản dịch này.



1910

19 tháng 7
Tôi thường nghĩ đến điều này và lần nào cũng đi đến kết luận: sự giáo dục tôi được nhận đã mang hại cho tôi rất nhiều. Lời trách móc này liên quan đến vô số người, quả thật, họ đang đứng ngay đây, và như trên những bức ảnh chụp chung đã cũ, họ không biết phải làm gì với nhau: họ không nghĩ đến việc cúi nhìn xuống, mà mỉm cười vì chờ đợi căng thẳng cũng không dám. Ở đây có cha mẹ tôi, một số là họ hàng, thầy giáo của tôi, chị làm bếp mà tôi còn nhớ, một vài cô học trường múa, một vài người khách trước kia thường đến thăm nhà tôi, một vài nhà văn, thầy giáo dạy bơi, người soát vé, viên thanh tra học đường, rồi những người tôi chỉ mới gặp một lần trên phố, và còn thêm những người nào đó mà bây giờ tôi không thể nhớ ra, và cả những người tôi sẽ không bao giờ nhớ đến, và cuối cùng là những nguời mà giờ lên lớp của họ, vì mải nghĩ đến một chuyện gì đó mà tôi hầu như không chú ý tới, - tóm lại, họ nhiều đến nỗi cần phải gắng ghi nhớ để không nhắc tới một người nào đó hai lần. Và tôi hướng lời trách móc của mình tới tất cả bọn họ, bằng cách đó giới thiệu họ với nhau, và không chấp nhận bất cứ lời phản đối nào. Thật sự là tôi đã nghe chúng quá đủ rồi và bởi vì phần lớn những lời phản đối này tôi không thể tranh cãi nổi, nên tôi chẳng làm được điều gì khác ngoài việc ghi chúng vào sổ nợ và nói rằng, hệt như sự giáo dục tôi được nhận, những lời phản đối của họ cũng mang hại cho tôi nhiều lắm.
Có thể, mọi người nghĩ dường như tôi được nuôi dạy ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó? Không, tôi đã được nuôi dạy ở thành phố, ở chính trung tâm thành phố. Không phải nơi bãi hoang, không phải nơi rừng rú, không phải trên bờ hồ. Cha mẹ tôi và những người quanh họ tới giờ cau có và tái xám mặt mày vì những lời trách móc của tôi, nhưng rồi họ dễ dàng bỏ qua và mỉm cười, vì rằng tôi đã thu hai tay về và đặt lên trán và nghĩ: giá như tôi là một cư dân nhỏ bé của bãi hoang, tai lắng nghe tiếng quạ kêu, phơi mình dưới ánh trăng lạnh - cứ cho là đầu tiên tôi còn quá yếu dưới sức nặng của những đức tính tốt đẹp mà chúng sẽ phải phát triển thật mạnh mẽ trong tôi như loài cỏ dại được sưởi ấm bởi ánh nắng từ mọi phía xuyên qua những khe đổ nát và chiếu sáng chỗ nằm của tôi được kết lại bằng dẫy trường xuân[1]
27 tháng 11
Bernhard Kellermal đọc thành tiếng: "Một vài đoạn chưa in trong bản thảo của tôi", - ông ta bắt đầu như vậy. Có vẻ ông ta là một người dễ thương: bộ tóc gần như bạc trắng, dựng ngược, mũi nhọn, mày râu nhẵn nhụi và đôi lưỡng quyền chuyển động như những đỉnh sóng trên đôi gò má. ông ta là một nhà văn tầm tầm nhưng cũng có những đoạn khá. (một người đàn ông đi ra hành lang, húng hắng ho và nhìn quanh xem có ai ở ngoài đó không); một người trung thực, muốn đọc hết những gì đã hứa, nhưng thính giả không muốn, vì câu chuyện đầu tiên về bệnh viện tâm thần làm cho họ sợ: vì buồn chán bởi cách đọc, những người nghe, mặc dù câu chuyện có nội dung ít nhiều hấp dẫn, vẫn từng người một hăng hái bỏ ra khỏi phòng như thể việc đọc sách đang xảy ra ở phòng bên cạnh chứ không phải ở đây. Khi ông ta đọc xong một phần ba câu chuyện, dừng lại để uống cốc nước, có khối người đã bỏ đi. Ông ta lo lắng: "Sắp hết rồi", - ông ta nói dối. Khi ông ta kết thúc, mọi người đứng dậy, có tiếng vỗ tay rời rạc như thể giữa đám đông đã đứng cả dậy, có người nào đó vẫn ngồi và vỗ tay cho chính mình nghe. Kellermal muốn đọc tiếp - thêm một hoặc thậm chí vài truyện nữa. Nhưng nhìn thấy mọi người đều ra về hết, ông ta há hốc miệng. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của ai đó, ông ta nói: "Tôi muốn đọc thêm một chuyện cổ tích ngắn nữa, chỉ mất mười lăm phút. Sẽ nghỉ giải lao năm phút". Một số ở lại, và ông đọc câu chuyện cổ tích khiến cho người nghe như thể được quyền leo qua đầu mọi người để chạy bán sống bán chết ra cửa.
15 tháng 12
Tôi khó có thể tin vào những kết luận được rút ra từ tình trạng kéo dài đã một năm nay của mình - tình trạng của tôi quá ư là nghiêm trọng. Tôi thậm chí còn không biết liệu tôi có thể nói rằng đây là tình trạng mới? Ðúng ra tôi nghĩ: đây là tình trạng mới, tôi đã từng gặp phải những điều tương tự, nhưng như thế này thì chưa bao giờ. Tôi dường như là một phiến đá, dường như là tấm bia mộ của mình, không có đến cả một kẽ hở để tin hay nghi ngờ, để yêu hay căm ghét, để can đảm hay sợ hãi trước một điều gì đó đặc biệt hay nói chung - chỉ có một mảnh hi vọng bấp bênh, chẳng hơn gì những lời văn bia trên mộ. Hầu như không có một từ nào tôi viết ra được kết hợp với các từ khác, tôi nghe thấy các phụ âm cọ vào nhau loảng xoảng, còn các nguyên âm hát phụ hoạ theo như những gã da đen trên sân khấu. Những hoài nghi vây chặt từng từ, tôi nhìn thấy chúng trước khi nhìn thấy các từ, - mà tôi nói gì vậy! - tôi hoàn toàn không thấy từ, tôi chỉ bịa ra nó. Nhưng đấy vẫn chưa phải là điều bất hạnh nhất, - giá mà tôi có thể bịa ra được những từ có thể xua tan đi mùi tử khí, để nó không xộc vào mũi tôi và mũi độc giả.
Khi ngồi vào bàn viết, tôi cảm thấy tình trạng của mình còn tồi hơn cả người bị ngã gãy cả hai chân trong dòng xe cộ ở Place de l Opéra. Những cỗ xe lặng lẽ, mặc cho tiếng động do chúng gây ra, kéo đến và tản về mọi hướng, và cái trật tự, - còn tốt hơn cái trật tự do cảnh sát lập nên, - khiến cho người đó đau đớn, bịt mắt anh ta lại và xua trống quảng trường và đường phố - không cho xe cộ quay lại. Cuộc sống sôi động làm anh ta đau đớn bởi vì anh ta đang cản trở sự hoạt động, nhưng cả sự trống vắng cũng không kém khổ sở vì nó bỏ mặc anh ta cho sự đau đớn.
16 tháng 12
"Con đường cô đơn" của W. Fred[2]. Những cuốn sách loại này được viết như thế nào? Một người vừa đạt được một cái gì đấy nho nhỏ đã đem tài năng của mình rải căng lên cả một cuốn tiểu thuyết lớn khiến đến buồn nôn, thậm chí cả khi ta thán phục sự hăng hái mà anh ta dùng để cưỡng hiếp tài năng của mình.
Ðể làm gì cái lối coi thường các nhân vật phụ mà tôi đã đọc trong các cuốn tiểu thuyết, kịch và v.v? Tôi cảm thấy thật gần gũi với họ! Trong cuốn "Những cô gái ở Bishofsberg"[3] (nó được gọi như thế thì phải?) có nói về hai cô thợ may may đồ cho cô dâu. Cuộc sống của hai cô gái ra sao? Họ sống ở đâu? Họ đã làm cái gì nên tội để người ta không cho họ vào vở kịch? Họ chỉ được phép chìm nghỉm trong cơn mưa rào, từ phía ngoài một lần cuối áp mặt vào ô cửa sổ của con tàu Noe để khán giả ngồi ở hàng ghế của tầng trệt trong thoáng chốc nhìn thấy một cái gì đó lờ mờ.
17 tháng 12
Nếu người Pháp mà có tính cách của người Ðức, thì hẳn là người Ðức sẽ khâm phục họ lắm!
Việc tôi vứt bỏ và gạch xoá quá nhiều - mà đó là cái tôi đã làm với hầu hết những gì tôi viết ra trong năm nay - cũng rất cản trở việc viết lách của tôi. Ðó là cả một ngọn núi, nhiều gấp năm lần những gì nói chung tôi đã từng viết trước đây. Và chỉ riêng bằng cái khối lượng ấy nó đã hút đi mất tất cả những gì tôi đang viết từ ngay dưới ngòi bút của tôi.
19 tháng 12
Bắt đầu đi làm. Sau bữa trưa tôi đến nhà Max[4]
Ðọc một ít nhật kí của Goethe[5]. Thời gian đã tráng một lớp lặng tờ lên cuộc đời ông, những cuốn nhật kí làm cho nó toả sáng. Sự rõ ràng của tất cả các sự kiện làm chúng trở thành bí ẩn, cũng như hàng rào công viên làm dịu mắt khi ta quan sát những bãi cỏ rộng và đồng thời khiến sự ngưỡng mộ của chúng ta được tăng lên.
Bà chị gái vừa lập gia đình đến thăm chúng tôi lần đầu tiên.
20 tháng 12
Tôi lấy gì để biện hộ lời nhận xét ngày hôm qua về Goethe (gần như nó không đúng, cũng như cái cảm giác đã được ghi lại, bởi vì cảm xúc thật đã bị tan đi khi chị gái tôi đến)? Không có gì cả. Tôi lấy gì để biện hộ việc hôm nay tôi chưa viết được chữ nào? Không có gì cả. Hơn nữa tình trạng của tôi không phải là xấu nhất. Bên tai tôi lúc nào cũng vang lên lời kêu gọi: "Hãy đến đi, hỡi toà án vô hình."

21 tháng 12
Ở nhà Baum[6], tôi đã nghe những đoạn tuyệt vời. Tôi đuối sức như xưa nay vẫn thế. Một cảm giác như tôi đang bị trói chặt và đồng thời lại một cảm giác khác, giống như nếu tôi được cởi trói ra thì còn tồi tệ hơn.
Những chỗ đáng chú ý trong truyện "Những chiến công của Alecxander Ðại đế" của Mikhail Kuzmil[7]: "Ðứa trẻ, nửa trên của nó đã chết, còn nửa dưới cho thấy tất cả dấu hiệu của sự sống. Một cái xác sơ sinh với đôi chân nhỏ đỏ hỏn đang động đậy". "Những ông vua tà giáo Gog và Magog ăn sâu và ruồi bị đẩy vào những bãi đá chìm và bị dán đạo bùa Salomon cho đến ngày tận thế". "Những dòng lũ đá, thay vào nước là những luồng cát đá chạy ầm ầm, ba ngày chạy xuống phía Nam, ba ngày chạy lên hướng Bắc". "Những ngưòi đàn bà Amazon, ngực phải bị đốt cháy, tóc cắt ngắn, đi ủng đàn ông". "Những con cá sấu đốt cháy cây bằng nước tiểu của mình."
22 tháng 12
Hôm nay tôi thậm chí không dám trách móc mình. Nếu những lời trách móc ấy vang lên trong ngày trống rỗng này thì chúng sẽ có tiếng vọng thật tởm lợm.
27 tháng 12
Tôi không còn sức để viết một câu nào nữa. Và nếu nói về lời, nếu như có thể thêm một lời đủ để quay đi trong nhận thức thanh thản rằng lời đó chứa đầy bản thân ta.

1911

12 tháng 1
Chân dung Schiller, do Schadow[8] vẽ năm 1804 tại Berlin, nơi ông được long trọng tổ chức lễ mừng. Không thể tóm được khuôn mặt vào đâu chắc hơn là vào cái mũi này. Nó hơi bị kéo dài xuống dưới do thói quen vuốt mũi trong lúc làm việc. Một người dễ mến, đôi má hơi hóp, gương mặt cạo nhẵn khiến trông như một ông già.
14 tháng 1
Tiểu thuyết "Hai vợ chồng" của Beradt[9]. Dùng không đúng nhiều từ Do Thái. Thường xuyên tác giả xuất hiện bất ngờ không hiểu để làm gì, chẳng hạn: "Tất cả mọi người đều vui vẻ, nhưng có một người ngồi không vui". Hoặc: "Và có một ngài Stern nào đó đến (người mà chúng ta đã biết đến tận xương tuỷ)". Những đoạn tương tự như vậy cũng có ở Hamsun[10], nhưng ở đó rất tự nhiên, như những cành lá mọc trên cây. Còn ở đây nó bị cấy ghép vào hành động như người ta trộn thuốc vào đường. Một cách vô cớ, sự chú ý bị hút vào những câu kì quái nào đó. Ví dụ như: "Anh ta loay hoay trên mái tóc cô này, loay hoay, loay hoay mãi." Những khuôn mặt riêng rẽ, mặc dù không được chiếu rọi bằng một luồng ánh sáng mới, nổi lên khá rõ, rõ đến mức đôi chỗ nếu có những sai sót thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Các nhân vật phụ phần lớn là vô vọng.
19 tháng 1
Có lẽ vì tôi đã kiệt sức đến tận cùng - năm vừa qua tôi chỉ tỉnh táo được chưa đầy năm phút, ngày nào tôi cũng mong mỏi được biến khỏi mặt đất này, hay, - mặc dù điều này không cho tôi một hi vọng nào - bắt đầu tất cả lại từ đầu như một đứa bé con. Bề ngoài tôi sẽ dễ dàng hơn khi đó. Bởi vì hồi đó tôi chỉ có thể mơ hồ hình dung làm cách nào để đạt được điều đó, cố hướng đến một hình ảnh mà bằng mỗi lời nói gắn chặt với cuộc đời tôi, mà tôi có thể ép chặt vào lồng ngực và có thể kéo tôi ra khỏi chỗ. Tôi bắt đầu với những nỗi thống khổ thật khủng khiếp (thật ra, chúng không thể so sánh với những nỗi thống khổ hiện tại). Những điều viết ra đã ám ảnh tôi bao nhiêu ngày bằng sự lạnh lẽo! Nhưng sự nguy hiểm ẩn trong nhận thức của tôi lớn tới mức những quãng nghỉ mà nó giành cho tôi nhỏ nhoi đến nỗi tôi đã hoàn toàn không còn cảm nhận sự lạnh lẽo đó, - điều này tất nhiên chẳng làm tôi thấy đỡ bất hạnh hơn.
Một lần tôi định viết cuốn tiểu thuyết nói về hai anh em thù địch lẫn nhau. Một người bỏ đi sang Mỹ, trong khi người kia phải ngồi tù ở Châu Âu. Tôi chỉ thỉnh thoảng viết được một đôi câu là đã cảm thấy mệt. Một chiều chủ nhật chúng tôi đến nhà ông bà chơi; sau khi ăn no bánh mì đặc biệt mềm với bơ mà ông bà luôn đưa ra mời khách, tôi bắt đầu viết về cái nhà tù đó. Hoàn toàn có thể là tôi làm điều đó vì hiếu danh, và bằng tiếng sột soạt của tờ giấy trên khăn trải bàn, bằng tiếng gõ bút chì, bằng cái nhìn quanh lơ đãng dưới ánh đèn, tôi muốn gợi cho ai đó ý muốn cầm lấy những gì tôi vừa viết ra, đọc nó và tỏ ra khâm phục tôi.
Trong một đoạn tôi tập trung mô tả hành lang nhà tù, chủ yếu là bóng tối và sự lạnh lẽo; tôi viết những lời đầy thông cảm về người em trai bị bỏ tù, vì anh ta là người tốt. Có thể tôi cảm thấy mình miêu tả không được biểu cảm lắm, nhưng từ ngày đó tôi không bao giờ còn để ý đến những cảm giác như thế mỗi khi ngồi bên chiếc bàn tròn trong căn phòng quen thuộc giữa những người thân quen (sự rụt rè trong tôi lớn đến nỗi giữa những gì thân quen tôi đã thấy mình hạnh phúc một nửa), và không một phút nào tôi quên rằng mình còn trẻ và cuộc sống bình lặng hiện nay không phải để cho tôi) - có điều gì đó lớn lao đang gọi tôi đến.
Cuối cùng, một người chú vốn thích giễu cợt cầm lấy một trang giấy tôi viết, - tôi chỉ giữ lại một cách yếu ớt - liếc nhìn qua rồi trả lại tôi, thậm chí chẳng buồn cười lấy một tiếng; ông quay sang những người khác đang theo dõi cử chỉ của ông, phán: "Toàn chuyện cũ rích." Còn với tôi ông chẳng nói một lời nào. Tôi vẫn ngồi im như cũ, mặt cúi xuống trang giấy hoá ra là vô dụng của mình, nhưng thực sự tôi đã bị đẩy ra khỏi cộng đồng bằng một cú đá; nhận xét của người chú về sau bám rễ trong tôi, một thế giới lạnh lẽo của cuộc sống chúng tôi đã mở ra trước mặt tôi ngay trong gia đình, cái thế giới mà tôi cần phải dùng lửa để sưởi ấm, nhưng ngọn lửa ấy tôi chỉ mới đang dự định đi tìm.
19 tháng 2
Hôm nay khi tôi muốn dậy khỏi giường thì lại ngã vật xuống. Nguyên nhân rất đơn giản: tôi đã làm việc quá sức. Không phải vì phải đi làm ở công sở, mà vì công việc khác của tôi. Ði làm chỉ chỉ chiếm một phần khiêm tốn vì rằng: giá như tôi không phải đi đến công sở để có thể bình thản sống vì công việc của mình và hàng ngày không phải tiêu phí sáu tiếng đồng hồ ở đấy, tôi cực kì chán các ngày thứ 6 và thứ 7 bởi vì tôi có nhiều việc phải làm, tôi chán đến mức Ông không thể tưởng tượng nổi đâu. Xét cho cùng - tôi biết - đây là chuyện vớ vẩn, chỉ mình tôi có lỗi, công việc ở Sở chỉ đưa ra những yêu cầu chính đáng và đơn giản. Nhưng đối với tôi đó là cuộc sống hai mặt đáng sợ, lối thoát của nó, có lẽ, chỉ có một - là tôi sẽ hoá điên. Tôi viết ra điều này vào buổi sáng rạng rỡ, và chắc là tôi đã không viết ra nếu đó không phải là sự thật và nếu tôi không thương Ông như một người con thương cha.

Tuy nhiên, ngày mai có lẽ tất cả lại như cũ, và tôi sẽ đi làm, ở đó câu đầu tiên tôi nghe thấy là Ông muốn tống tôi ra khỏi phòng do ông phụ trách.
20 tháng 12
Những chàng trai trẻ, trông chỉn chu, ăn mặc đẹp đang đi dạo bên cạnh tôi khiến tôi nhớ lại thời trẻ của mình và vì thế họ gây cho tôi cảm giác khó chịu.
Những bức thư của anh chàng Kleist[11], 22 tuổi. Từ chối không theo đường binh nghiệp. Ở nhà mọi người hỏi: Ðể theo nghề kiếm ăn nào? - người ta chỉ có thể nghĩ về một nghề như vậy mà thôi. Cậu có thể lựa chọn - luật sư hay tài chính. Nhưng cậu có quan hệ nào ở trong triều không? "Thoạt đầu tôi bối rối trả lời là không có, nhưng sau đó tôi tuyên bố đầy tự hào rằng, giả sử nếu tôi có những quan hệ nào đấy, tôi, theo quan điểm hiện nay của mình, sẽ lấy làm xấu hổ nếu phải hi vọng vào chúng. Mọi người cười; tôi cảm thấy mình đã trả lời một cách xốc nổi. Cần phải tránh nói to lên những chân lí như vậy."
28 tháng 3[12]
"Dường như có một sức hút mạnh kéo tôi đến với thần trí luận, nhưng đồng thời tôi cảm thấy rất sợ nó. Tôi sợ nó sẽ gây cho tôi một cơn hoảng loạn mới, nó có thể rất nguy hiểm đối với tôi, bởi vì tình trạng bất hạnh hiện nay của tôi chính là do hoảng loạn mà ra. Nguyên nhân của sự hoảng loạn là: hạnh phúc của tôi, tất cả những khả năng và cơ hội trở thành có ích của tôi đã từ lâu rồi nằm trong việc viết lách của tôi.Và ở đây tôi thấy xuất hiện những trạng thái (không thường xuyên), theo tôi rất giống với những trạng thái thấu thị tiên tri mà Ngài đã mô tả, thưa tiến sĩ; lúc đó tôi sống hoàn toàn với từng mơ tưởng và mỗi một mơ tưởng đó tôi thể hiện và cảm nhận không chỉ nơi tột cùng sức lực của riêng tôi, mà của con người nói chung. Nhưng những trạng thái này lại bị tước đi, mặc dù không hoàn toàn, sự yên ổn vốn thường mang lại cho nhà tiên tri niềm hưng phấn. Tôi cảm thấy như thế vì những tác phẩm khá nhất của tôi được viết ra không phải trong các trạng thái đó.
Nhưng tôi đã không thể hiến hết mình cho việc sáng tác như lẽ ra phải thế, vì nhiều lí do: không kể hoàn cảnh gia đình, tôi sẽ không thể tồn tại được chỉ bằng lao động văn học ít ra là vì tôi viết các tác phẩm của tôi rất chậm và vì tính chất đặc biệt của chúng; ngoài ra, sức khoẻ và bản tính của tôi không cho phép tôi hiến mình cho một cuộc sống mà trường hợp tốt nhất vẫn là bất ổn định. Chính vì vậy tôi trở thành nhân viên của một Sở Bảo hiểm xã hội. Nhưng hai nghề này không bao giờ có thể dung hoà được với nhau và cho phép tôi cảm thấy hạnh phúc đồng thời với cả hai. Một chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhất do nghề này đem lại sẽ gây ra một bất hạnh lớn từ nghề kia. Nếu buổi tối tôi viết được cái gì đó hay ho, thì hôm sau đi làm sẽ như phát sốt suốt ngày và không thể làm được gì cả. Tâm trạng bị giằng co như vậy ngày càng trở nên không chịu nổi. Khi đến nhiệm sở, vẻ ngoài tôi thực hiện chức trách của mình; nhưng chức trách bên trong của mình tôi không thực hiện được, mà mỗi một chức trách bên trong không được thực hiện lại biến thành nỗi bất hạnh trong tôi, và nỗi bất hạnh đó từ đấy không rời bỏ tôi nữa. Và thế rồi thêm vào hai lực kéo không bao giờ dung hoà được này phải chăng giờ đây tôi lại phải chịu thêm một lực kéo nữa - thần trí học? Liệu nó có cản quấy hai công việc kia và hai công việc kia có cản quấy nó hay không? Liệu tôi có thể, ngay cả bây giờ đã bất hạnh nhường ấy, ôm cả bộ ba này đến tận cùng? Tôi đến đây, thưa tiến sĩ, để hỏi Ngài điều này, vì tôi cảm thấy rằng nếu Ngài cho là tôi có khả năng, tôi quả thật có thể gánh vác tất cả..."
2 tháng 10
Ðêm mất ngủ. Ðã là đêm thứ ba liên tiếp. Tôi thiếp đi dễ dàng, nhưng sau một tiếng thì tỉnh dậy, dường như chui đầu vào một lỗ hư ảo. Giấc ngủ hoàn toàn tan biến. Tôi có cảm giác như thể mình chưa ngủ được chút nào hoặc chỉ mới nửa thức nửa ngủ; tôi cần làm lại tất cả từ đầu để thiếp đi, và tôi cảm thấy mình đã bị đuổi khỏi giấc mơ. Và từ đó trở đi, suốt đêm đến khoảng năm giờ tôi dường như vẫn ngủ và đồng thời vừa thức vừa mộng mị. Tôi có vẻ như ngủ "bên cạnh" mình, - còn trong khi đó chính tôi lại đang phải vật lộn với những giấc mơ. Khoảng đến năm giờ sáng thì những tàn tích cuối cùng của giấc ngủ đã bị tiêu diệt, tôi chỉ mộng mị thảng thốt và điều này khiến tôi kiệt sức nhiều hơn cả khi không ngủ được. Nói tóm lại, suốt đêm tôi ở trong trạng thái mà người khoẻ mạnh chỉ cảm thấy một phút trước lúc ngủ. Khi tôi tỉnh dậy, tất cả những giấc mơ vây lấy tôi, nhưng tôi tránh nghĩ đến chúng. Rạng sáng, tôi thả đầu vào gối, vì rằng tất cả hi vọng vào đêm hôm trước đã tan biến rồi. Tôi nghĩ đến những đêm mà khi đêm tàn tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ rất sâu như là tôi đã bị nhốt lại trong vỏ một quả hồ đào vậy.
....Có lẽ, tôi mất ngủ chỉ vì tôi viết. Mà dù tôi viết được ít và viết chẳng ra gì, thì những chấn động nhỏ này vẫn làm tôi trở nên dễ bị tổn thương, tôi cảm thấy - nhất là vào các buổi tối, và các buổi sáng thì còn hơn thế nữa - cái hơi thở, sự lại gần của trạng thái mãnh liệt khiến tôi có thể làm mọi thứ chuyện, và sau đó tôi không thể nào tìm thấy sự yên tĩnh vì tiếng âm vang kéo dài; nó gào xé nặng nề trong tôi, nhưng để chế ngự nó tôi không có thời gian. Nói cho cùng, tiếng âm vang đó không phải cái gì khác mà chính là sự hài hoà bị đè nén và kìm hãm; được thả tự do chắc nó sẽ hoàn toàn xâm chiếm tôi, mở rộng ra rồi lại tràn ngập trong tôi. Còn bây giờ cái tình trạng này, chỉ tạo ra những hi vọng yếu ớt, lại mang hại cho tôi, bởi vì tôi không đủ sức để chịu đựng sự pha trộn hiện nay, thế giới nhìn thấy được ban ngày hỗ trợ tôi, còn ban đêm thì nó thoả sức xén tôi ra thành từng mảnh. Trong khi đó tôi lúc nào cũng nghĩ về Paris, nơi vào thời kì bị bao vây và cả sau đó, đến thời công xã, dân ngoại thành phía Bắc và phía Ðông, trước kia xa lạ đối với dân Paris, nhiều tháng trời, từng nhích, từng nhích như kim đồng hồ, cứ từng giờ từng giờ một tiến gần về trung tâm Paris qua các đường phố nhỏ.
Niềm an ủi của tôi - mà tôi nằm xuống ngủ cùng với nó - là lâu rồi tôi không viết, và việc viết lách còn chưa thể có chỗ trong cuộc sống hiện nay của tôi, tuy vậy nó cần phải - với đôi chút quả cảm - có chỗ dù chỉ tạm thời.
4 tháng 10
Tôi lo lắng và cay cú. Hôm qua trước lúc ngủ tôi cảm thấy có một đốm lửa mát lạnh chập chờn trong phần nửa trên của đầu. Một sức nặng bị dồn ép nào đó đã đồn trú một cách chắc chắn trên mắt trái. Khi nghĩ về điều này tôi cảm thấy không thể chịu nổi nơi nhiệm sở thậm chí cả khi người ta bảo tôi rằng tôi sẽ được nghỉ việc sau một tháng. Thế nhưng tôi vẫn hoàn thành chức trách của mình, và khá yên tâm nếu tôi có thể tin rằng sếp hài lòng về tôi, và tôi không cho rằng tình trạng của mình đến mức kinh khủng: Thêm vào đó, chiều hôm qua tôi cố tình biến thành một kẻ vô cảm, đi dạo, đọc Dickens[13], sau đó tôi cảm thấy khoẻ hơn đôi chút và không còn sức mà buồn nữa, nỗi buồn này tôi cho là cũng phải chăng khi nó hơi bị lùi ra xa để tạo cho tôi hi vọng có một giấc ngủ ngon. Giấc ngủ đã sâu hơn, nhưng vẫn chưa đủ và thường đứt quãng. Tôi tự an ủi rằng, đổi lại tôi đã chế ngự được nỗi xúc động lớn nảy sinh trong tôi, rằng tôi không muốn đánh mất khả năng điều khiển bản thân như trước đây sau những thời kì như thế, rằng chính những cơn đau sau khi sinh nở của nỗi xúc động này gây ra sẽ không làm tôi mất sáng suốt như vẫn thường xảy ra trước kia. Có thể bằng cách ấy tôi sẽ biết tìm ra được một lực đề kháng nào đó còn tiềm ẩn trong mình.
9 tháng 10
Nếu tôi sống đến 40 tuổi, có lẽ tôi sẽ lấy một cô gái vẩu quá lứa làm vợ... Nhưng tôi khó lòng sống được đến 40 tuổi lắm và minh chứng cho điều này, chẳng hạn, là cảm giác dường như có cái gì đó trương lên trong nửa đầu bên trái của tôi, nó giống như một vết lở bên trong, khi tôi cố quên đi sự khó chịu và chỉ muốn quan sát cảm giác này, nó như hình cắt ngang của cái đầu trong các quyển sách giáo khoa phổ thông, hay giống như ca mổ không gây đau đớn nơi một cơ thể sống, khi mũi dao lạnh, rất thận trọng, chốc chốc lại dừng, quay lui, có lúc nằm yên một chỗ, tiếp tục tách các lớp mô mỏng gần các bộ phận chức năng của não.

17 tháng 10
Tôi chợt nhớ ra một giai thoại do Napoléon kể tại bữa ăn trong hoàng cung ở Erfurt: "Khi tôi còn là một thiếu uý quèn của trung đoàn thứ năm...(Các quan trong triều bối rối nhìn nhau, Napoléon nhận ra điều đó và sửa lại)... khi tôi còn vinh hạnh là một thiếu uý... " - những đường gân trên cổ tôi nổi phồng lên vì một sự tự hào nhỏ giả tạo của tôi.
28 tháng 10
"Những định đề về kịch" của Max trên tạp chí "Sân khấu". Mang tính của một chân lí viển vông, chính cái tên "Ðịnh đề" nói lên điều đó. Nó càng được thổi lên viển vông chừng nào, thì việc tiếp nhận nó càng phải thận trọng chừng ấy. Những nguyên tắc sau đây được đưa ra:
_ Thực chất của kịch nằm trong một thiếu hụt nào đó của con người, đó là luận đề.
_ Kịch (trên sân khấu) nói được nhiều hơn so với tiểu thuyết, vì chúng ta nhìn thấy được tất cả những gì mà trong tiểu thuyết chúng ta chỉ đọc.
Nhưng đó chỉ là cảm thấy thế, vì trong tiểu thuyết tác giả chỉ có thể đưa ra cho chúng ta điều quan trọng nhất, còn trong kịch, ngược lại, chúng ta nhìn thấy tất cả - diễn viên, cảnh trí - và vì vậy không chỉ những gì quan trọng, có nghĩa là chúng ta thấy ít hơn. Vì vậy, xét từ góc độ tiểu thuyết, thì một vở kịch hay nhất là vở kịch không gợi nên điều gì cả, ví dụ như một vở kịch triết lí, do các diễn viên ngồi trong một căn phòng với bất kì một cảnh trí nào đọc lên thành tiếng.
Nhưng dù sao vở kịch tốt nhất là vở kịch, phụ thuộc vào thời gian và địa điểm, gợi ra nhiều cảm hứng nhất, thoát ra khỏi những đòi hỏi của cuộc sống, chỉ giới hạn bằng những lời nói, những suy nghĩ trong độc thoại, bằng những thời điểm kịch tính của sự kiện, còn tất cả những điều còn lại, được điều khiển bằng những cảm hứng, bệ trên một tấm khiên do các diễn viên, hoạ sỹ, đạo diễn nâng lên theo các cảm hứng tối cao.
Cái sai trong lập luận này là: nó thay đổi vị trí quan sát - mà không chỉ ra điều đó, - xem xét các sự vật lúc thì từ phòng làm việc của nhà văn, lúc thì từ chỗ ngồi của khán giả. Cứ cho là công chúng không nhìn thấy tất cả bằng con mắt của tác giả, cứ cho là vở diễn khiến chính tác giả ngạc nhiên, nhưng bởi vì tác giả mang trong mình toàn bộ vở kịch với tất cả các chi tiết, đi từ chi tiết này đến chi tiết khác, và chỉ vì ông ta tập hợp tất cả các chi tiết vào trong lời thoại, nên mới tạo cho chúng trọng lượng và sức mạnh. Chính vì thế, vở kịch trong điểm đỉnh phát triển của nó được nhân cách hoá đến không chịu nổi, và trách nhiệm của người nghệ sĩ là giảm thiểu, để nó được chấp nhận, làm cho vai diễn sôi lên hoặc lắng lại, mang theo hơi thở của nó. Bằng cách ấy, vở kịch bay lượn trên không nhưng không giống như mái nhà bị bão cuốn lên, mà như cả một toà nhà bị một sức mạnh, cho đến ngày hôm nay vẫn còn giống như sự điên loạn, giật tung khỏi mặt đất và nhấc bổng lên không trung.
Ðôi khi có cảm tưởng rằng vở diễn lơ lửng mãi trên trần nhà, các diễn viên xén nó ra từng dải băng, để biểu diễn họ cầm chặt các đầu giải trong tay hoặc quấn quanh mình, và chỉ đây đó một dải băng nào đó kéo người diễn viên lên cao khiến cho khán giả lo sợ.
1 tháng 11
Quá trưa ngày hôm nay, cơn đau vì sự cô đơn của tôi hoành hành tôi dữ dội đến nỗi tôi nhận ra: chính bằng cách đó đã tan biến đi cái sức lực mà tôi có được nhờ sự viết lách, cái sức lực mà tôi định dùng, trong bất kì trường hợp nào, không phải cho việc này.

5 tháng 11
Nỗi đau mà hôm qua tôi cảm thấy khi Max đọc một truyện ngắn về xe hơi của tôi ở nhà Baum. Tôi thu mình lại và ngồi, không dám ngẩng đầu lên, cằm dí sát vào ngực. Những câu văn lủng củng với nhiều chỗ trống có thể nhét được cả hai tay vào. Một câu cao, một câu thấp, tuỳ tiện; câu nọ chèn câu kia, như lưỡi chèn vào răng sâu hoặc là răng giả vậy; có câu còn thô thiển chòi lên trước khiến cả truyện cứng đơ trong sự ngơ ngác đáng buồn, đôi chỗ sự bắt chước Max lại chồi nổi lên như một con sóng (cốt truyện khi thì bị khoả lấp, khi thì phô nổi ra), đôi khi điều này trông như những bước chân thiếu tự tin trong 15 phút đầu tiên của giờ học khiêu vũ. Tôi tự giải thích điều đó, rằng tôi có quá ít thời gian và sự yên tĩnh để có thể bộc lộ hết những khả năng của mình. Chính vì vậy mà tôi chỉ luôn luôn tạo ra được cái phần mở đầu, nó ngay tức khắc bị cắt ngang; chẳng hạn như toàn bộ câu chuyện về chiếc ô tô cũng bị cắt ngang. Nếu như tôi có thể lúc nào đó viết được cả một truyện dài được kết cấu hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, thì khi đó câu chuyện ấy sẽ không bao giờ có thể bị tách hẳn ra khỏi tôi và tôi sẽ có quyền bình thản ngẩng cao đầu, như cha ruột của tác phẩm lành mạnh, nghe đọc nó; còn giờ đây, những mẩu con câu chuyện, như những kẻ vô gia cư, chạy nhông khắp thế giới, và dồn tôi sang phía bên kia (thêm vào đó, tôi còn phải hài lòng, nếu cách giải thích này là đúng).
21 tháng 11
Bà vú trước đây của tôi, mặt vàng xạm, mũi thẳng và một mụn cơm đâu đó trên má có thời tôi đã từng rất thích, hôm nay đến thăm tôi lần thứ hai. Lần trước tôi không có nhà, còn hôm nay tôi muốn được yên và ngủ nên bảo mọi người nói tôi đi vắng. Tại sao bà ấy nuôi dạy tôi tồi thế, bởi vì trước kia tôi là một đứa trẻ ngoan, bây giờ chính bà ấy đang nói thế với chị làm bếp và chị phục vụ ở phòng ngoài, tôi dễ tính và dễ bảo. Tại sao bà ấy lại không sử dụng điều này có lợi cho tôi và tạo dựng cho tôi một tương lai tốt đẹp? Bà ấy đã có chồng hay đang ở goá, có con, nói luôn mồm không cho tôi ngủ, bà ấy nghĩ rằng tôi là một quí ngài cao to, khoẻ mạnh đang ở độ tuổi 28 tuyệt vời, tôi thích thú nhớ lại thời thơ trẻ của mình và nói chung tôi biết, nên làm gì với mình. Còn tôi thì nằm đây trên ghế đi văng, bị đá văng ra khỏi thế giới, đợi chờ giấc ngủ không buồn đến, còn nếu đến, thì cũng chỉ chạm phớt qua tôi với các khớp xương đau nhức vì mệt mỏi. Tấm thân tôi bị vò nát trong cơn run rẩy của những lo lắng mà nó không dám nhận thức rõ ràng, thái dương như bị ai gõ mạnh. Mà ở đây có ba người phụ nữ đứng ngoài cửa, một người khen tôi thủa nhỏ, hai người kia khen tôi hiện tại. Chị nấu bếp nói rằng tôi, ngay lập tức - ý chị ta là đi thẳng, không phải qua đường vòng - sẽ lên thiên đường. Rồi sẽ như thế thôi.
8 tháng 12
Thậm chí nếu không tính đến tất cả những trở ngại khác (thể trạng, cha mẹ, tính cách), những lời biện hộ rất tốt cho việc tôi, bất chấp tất cả, không tập trung vào văn học, tôi đứng trước một tình trạng hai mặt: đến tận khi nào tôi chưa viết được một tác phẩm lớn khiến tôi hoàn toàn hài lòng, tôi sẽ không dám làm một điều gì cho bản thân. Ðó là điều chắc chắn.
13 tháng 12
Tôi bắt đầu viết lại sau một thời gian nghỉ, tôi dường như kéo từng từ một ra từ chỗ trống. Tôi nhận được một từ - thì tôi chỉ có một từ đó mà thôi, và lại phải bắt đầu tất cả lại từ đầu.

16 tháng 12
Vào những lúc giao thời, - mà đối với tôi đó là một tuần vừa qua và, ít ra cũng là cả thời điểm hiện nay, - tôi thường cảm thấy một sự ngạc nhiên buồn bã nhưng lặng lẽ trước sự vô cảm của mình. Tôi bị tách ra khỏi tất cả bởi một không gian trống rỗng, mà tôi thậm chí không tìm cách vượt qua biên giới của nó.
Khi nào tôi thôi việc, tôi sẽ lập tức thực hiện mong muốn viết cuốn sách tự thuật của mình. Ðể biết cách sắp xếp một khối lớn các sự kiện, mục tiêu đầu tiên khi bắt đầu viết cần phải là chính sự thay đổi triệt để đó. Tôi không thấy có sự thay đổi nào hiệu quả hơn - tự nó đã là quá không hiện thực. Lúc đó việc viết một cuốn sách tự thuật sẽ là một niềm vui lớn, bởi vì tôi sẽ viết nó dễ dàng, giống như việc ghi lại các giấc mơ, nhưng đồng thời nó sẽ đem đến một kết quả lớn hoàn toàn khác, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tôi và sẽ đến được với trí tuệ và tình cảm của mỗi người.
24 tháng 12
Thủa nhỏ tôi cảm thấy sợ hãi, còn nếu như không phải là nỗi sợ, thì là một cảm giác khó chịu, khi bố tôi nói về ngày cuối cùng của tháng, về Ultimo, mà vốn là một nhà doanh nghiệp, ông thường xuyên nói về điều này. Bởi vì tôi không phải là một đứa trẻ tò mò, - còn nếu như có một lần nào đó tôi hỏi, thì do khả năng tư duy chậm tôi sẽ không thể hiểu đủ nhanh câu trả lời, và nếu đôi khi tôi có hơi tò mò, thì chính bản thân câu hỏi và câu trả lời sẽ thoả mãn trí tò mò của tôi mà không cần đến ý nghĩa của chúng, - nên khái niệm "ngày cuối cùng" với tôi vẫn là một bí ẩn đầy day dứt, nếu nghe chăm chú hơn tôi đã phân biệt được từ "Ultimo" nhưng nó không gây cho tôi ấn tượng mạnh đến vậy. Tệ hơn nữa là tôi chưa bao giờ có thể làm chủ được cái "ngày cuối cùng" được chờ đợi lâu với nỗi sợ hãi đó, vì rằng, nó chỉ vừa mới trôi qua - không một dấu hiệu đặc biệt nào, thậm chí không một sự chú ý đặc biệt nào (việc nó luôn đến khoảng sau 30 ngày mãi về sau tôi mới nhận ra) - và ngày đầu tháng đã bình yên đến, và người ta lại bắt đầu nói về "ngày cuối tháng", thật ra họ không tỏ ra quá sợ hãi, nó vô hình lẫn vào những điều khó hiểu khác.
25 tháng 12
Những gì Leowy[14] cho tôi biết về văn học Do Thái hiện đại ở Varsava và những gì tôi phần nào có thể tự mình biết được trong văn học Sec hiện đại chứng minh rằng, rất nhiều đóng góp lớn của văn học là sự đánh thức trí tuệ; là sự bảo tồn tính trọn vẹn ý thức dân tộc thường không thể hiện rõ ra ở cuộc sống bên ngoài và thường xuyên tan rã; là lòng tự hào và chỗ dựa mà mỗi dân tộc thấy được cho mình trong văn học và trước sự bao vây của kẻ thù; là việc ghi lại như một quyển nhật kí dân tộc, nhưng hoàn toàn không phải là viết sử, nhờ nó mà diễn ra quá trình phát triển nhanh hơn, nhưng vẫn luôn luôn được đánh giá có phê phán một cách toàn diện hơn; là sự khởi hứng sâu sắc đời sống xã hội rộng lớn; là sự thu hút những phần tử bất mãn mà ngay tức khắc trở nên có ích ở nơi mà sự thiếu trách nhiệm có thể gây nên tổn thất; là sự tập trung sự chú ý của dân tộc vào việc nghiên cứu những vấn đề của mình và sự tiếp nhận những điều lạ chỉ dưới dạng được phản ánh; là sự khơi gợi lòng kính trọng đối với những người hoạt động văn học; là sự thôi thúc những khát vọng cao cả, tuy nhất thời nhưng mang lại kết quả trong thế hệ trẻ; là sự đưa các hiện tượng văn học vào vấn đề thời sự chính trị; là việc khuyến khích và tạo ra khả năng bàn luận về mâu thuẫn giữa hai thế hệ cha và con; là sự phô bày đầy đau đớn những khuyết tật dân tộc nhưng gợi nên sự thông cảm, thanh lọc; là sự xuất hiện một cách sôi động và vì thế ý thức được giá trị của mình của nghề buôn sách và lòng thèm khát sách - toàn bộ những điều trên có thể đạt được thậm chí đối với một nền văn học mà do thiếu vắng tài năng kiệt xuất có bề ngoài mạnh mẽ phát triển nhưng trên thực tế lại không phát triển mạnh mẽ. Tính tích cực của nền văn học tương tự thậm chí còn lớn hơn nền văn học nhiều tài năng, bởi vì ở đây không có nhà văn nào bằng tài năng của mình có thể khiến phần lớn người đa nghi ít ra phải im tiếng, nên cuộc luận chiến văn học thực sự có tính chính đáng. Chính vì vậy trong một nền văn học không bị những tài năng lớn bóp chẹt sẽ không có kẽ hở để những kẻ thờ ơ chui vào. Sự đòi hỏi được quan tâm của nền văn học như vậy sẽ càng cấp bách hơn. Tính độc lập của từng nhà văn được bảo đảm tốt hơn - tất nhiên, chỉ trong giới hạn các ranh giới dân tộc. Sự thiếu vắng các uy tín dân tộc tuyệt đối sẽ loại hẳn những kẻ thực sự bất tài khỏi việc sáng tác văn học. Nhưng có được những khả năng bình thường cũng chưa đủ để rơi vào ảnh hưởng của các nhà văn hiện đang thống lĩnh văn đàn không có những đặc điểm riêng biệt, hay để tiếp nhận thành tựu của các nền văn học khác, hay bắt chước nền văn học khác đã được tiếp nhận, điều có thể nhận thấy được, thí dụ, ở bên trong một nền văn học giầu tài năng lớn như văn học Ðức, các nhà văn kém tài nhất tìm cách sao chép những đề tài lớn lồng vào khung cảnh trong nước. Cũng trong hướng đó, sức sáng tạo và khả năng chuyển đổi của một nền văn học, cho dù có ít nhiều yếu kém, được thể hiện mãnh liệt nhất khi người ta bắt đầu công việc đưa các nhà văn quá cố vào văn học sử. Ảnh hưởng không thể tranh cãi đương thời và hiện nay của họ trở thành một cái gì đó hiện thực đến mức có thể lẫn lộn điều đó với sự nghiệp sáng tác của họ. Người ta nói về tác phẩm nhưng lại hàm ý về ảnh hưởng của họ, hơn thế nữa - thậm chí đang đọc tác phẩm mà lại chỉ nhìn thấy ảnh hưởng. Nhưng vì cái ảnh hưởng đó không bị quên đi, còn tác phẩm thì không tự tác động lên kí ức nên không có cả sự lãng quên lẫn không có sự sống lại. Lịch sử văn học mang đến một cơ sở bất biến, có sức thuyết phục, mà tính thời thượng ít có thể gây hại được.
Kí ức của một dân tộc nhỏ không nhỏ hơn kí ức của một dân tộc lớn, chính vì thế nó lĩnh hội tư liệu có được tốt hơn. Quả thật, số các nhà hoạt động văn học sử ít hơn, nhưng văn học là sự nghiệp không chỉ của ngành văn học sử, mà còn là của cả dân tộc, chính nhờ vậy nó được gìn giữ rất chắc chắn, mặc dù không ở dạng ban đầu thuần tuý. Bởi vì những đòi hỏi mà ý thức dân tộc của một dân tộc nhỏ đưa ra đối với mỗi người bắt mỗi người phải luôn sẵn sàng biết, gánh vác và bảo vệ cái phần văn học của anh ta - bảo vệ trong bất kì trường hợp nào, thậm chí cả khi anh ta không biết đến và không gánh vác nó.
Các tác phẩm cũ nhận được nhiều cách bàn luận, những bàn luận này ứng xử với các "chất liệu" non yếu một cách khá hăng hái, thật ra sự hăng hái này còn bị kìm bớt bởi vì e ngại, có vẻ như để không quá dễ dàng đào đến bản chất, cũng như bởi sự kính trọng mà người ta đã nhất trí với nhau. Tất cả đều diễn ra một cách hết sức trung thực, nhưng chỉ với một sự rụt rè nào đó không bao giờ hết, nó loại trừ mọi sự mệt mỏi, và bằng cử động của một cánh tay khéo léo của ai đó truyền xa nhiều dặm xung quanh. Nói cho cùng, sự rụt rè này không chỉ cản trở việc nhìn thấy viễn cảnh, mà còn cản trở việc đi sâu vào các tác phẩm, vì điều này làm tất cả những nhận xét trên bị xoá hết.
Bởi vì không có những con người hoạt động chung nên không có cả những hoạt động văn học chung. (Một hiện tượng nào đó được đẩy sâu đến độ sâu để có thể quan sát nó từ trên cao, hoặc là được đưa lên cao để có thể tự khẳng định mình ở trên đó cùng với nó. Sai.) Tuy một hiện tượng riêng lẻ đôi khi được xem xét một cách bình tĩnh, thì dù sao người ta vẫn không đạt đến những ranh giới của nó, nơi nó được tiếp nối với các hiện tượng đồng loại khác, người ta thường đạt được ranh giới đối với chính trị, hơn nữa người ta gắng nhìn thấy cái ranh giới này thậm chí trước cả khi nó xuất hiện, và thường tìm thấy cái ranh giới hẹp này khắp nơi. Sự hạn hẹp của không gian, rồi việc nhìn lại tính đơn giản và đều đặn, cuối cùng, sự toan tính rằng, do tính độc lập bên trong của văn học mà mối quan hệ bên ngoài của nó với chính trị khá an toàn, - kết quả của tất cả những cái đó là văn học được truyền bá trong nước là nhờ nó bám chắc vào các khẩu hiệu chính trị.
Nói chung, người ta sẵn lòng soạn các tác phẩm văn học đề tài nhỏ, những đề tài này chỉ có quyền lớn đến mức có thể tạo ra một sự thán phục nhỏ, và có được những chỗ dựa và viễn cảnh mang tính luận chiến. Những lời nhiếc mắng được đưa ra một cách văn học lăn qua lăn lại, còn trong lãnh địa những tính cách mạnh mẽ thì chúng bay như tên bắn. Những gì ở các nền văn học lớn diễn ra ở bên dưới và tạo thành tầng hầm của một toà nhà, tầng hầm mà không có nó cũng chẳng sao, thì ở đây lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật; những gì mà ở kia chỉ tạo ra một tập hợp chốc lát, thì ở đây ít ra dẫn đến một quyết định sống chết đối với tất cả.
29 tháng 12
Những khó khăn của việc kết thúc ngay cả một tác phẩm nhỏ không phải là ở chỗ cảm xúc của chúng ta đòi hỏi phải có lửa đối với đoạn kết tác phẩm, ngọn lửa mà chính nội dung thực sự cũng không thể nhóm lên được; những khó khăn này xuất hiện trước hết bởi vì ngay cả một tác phẩm nhỏ cũng đòi hỏi ở tác giả sự tự thoả mãn và thâm nhập sâu vào bản thân, ra khỏi trạng thái đó để quay trở lại không khí thường nhật quen thuộc mà không cần đến quyết tâm lớn và tác động bên ngoài là rất khó, vậy nên trước khi hoàn thiện tác phẩm và lặng lẽ tách ra khỏi nó, tác giả trong cơn bồn chồn lo lắng đã rời bỏ vị trí và sau đó buộc phải từ bên ngoài, bằng đôi tay cần không chỉ để làm việc mà còn để bám víu vào một cái gì đó, làm nên đoạn kết.



Chú thích

[1] Ðoạn viết ngày 19/7 được ghi lại trong "Nhật kí" thành ba dị bản (ở đây dịch theo bản thứ ba). Trong ba dị bản, chỉ có một câu trong bản thứ hai tương đối khác: "Nói ngắn gọn, lời trách móc này như một con dao găm đâm vào cả xã hội, và không một ai, - tôi lặp lại: rất tiếc, không một ai, - có thể tin rằng mũi dao nhọn sẽ không bất ngờ đâm vào phía trước, hay từ đằng sau, hay từ bên cạnh".
[2] W. Fred. (1879 - 1922) - nhà viết tiểu luận và phê bình nghệ thuật.
[3] "Những cô gái vùng Bishofsberg": - vở hài kịch của nhà văn Ðức Gerhart Hauptmann (1862 - 1946).
[4] Max Brod (1884 - 1968) - nhà văn và nhà phê bình người Áo, bạn thân nhất và là người được ủy thác thực hiện di chúc Kafka, in và xuất bản những tác phẩm và Nhật kí của Kafka; nghiên cứu và viết tiểu sử Kafka.
[5] Johann Wolfgang Goethe (1749 - 1832) - đại văn hào Ðức.
[6] Oskar Baum (sinh năm 1883) - nhà văn áo, bạn thân của Kafka.
[7] Mikhail Alecxandr Kuzmin (1875 - 1936) - nhà văn Nga; "Những chiến công của Ðại đế Alecxandr" được đăng năm 1910 ("Tuyển tập truyện ngắn thứ hai". M. và "Nhện độc"). Tuyển tập của M. Kuzmin lần đầu bằng tiếng Ðức (năm 1912), những ghi chép trong nhật kí ngày 21/12/1910 của Kafka được dịch rất chính xác, có thể nói như là nguyên bản.
[8] Johann Golttfried Schadow (1764 - 1850) - nhà điêu khắc người Ðức.
[9] Martin Beragd (1881 - 1949) - cộng tác viên của tờ tuần báo Berlin "Chứng khoán" (1911 - 1914).
[10] Knut Hamsun, tên thật là Pedersen (1859 - 1952) - nhà văn Nauy, giải thưởng Nobel năm 1920.
[11] Có lẽ là Heinrich von Kleist (1777 - 1811) - nhà viết kịch, nhà văn và nhà thơ Ðức.
[12] Ðoạn trước trong "Nhật kí" miêu tả cuộc viếng thăm nhà thần trí học Rudolf Steiner của Kafka. Ở đây chúng tôi trích dịch "Những câu nói đã chuẩn bị trước" của Kafka để trả lời câu hỏi của tiến sĩ Steiner "Ông là nhà văn Kafka?" "Ông nghiên cứu thần trí luận đã lâu chưa?"
[13] Charles Dickens (1812 - 1870) - nhà viết tiểu thuyết người Anh nổi tiếng thế giới.
[14] Icak Loewy - diễn viên một đoàn kịch Do Thái lưu động, chơi thân với Kafka.

Phần 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 211

Return to top