Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Chết có thật đáng sợ không?

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13413 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chết có thật đáng sợ không?
Ven. Dr K. Sri Dhammananda

PHẦN I

Mạng sống mong manh – Cái chết là điều chắc chắn
Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong đạo Phật. Biết rõ cái chết là điều chắc chắn và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ chết. Theo bản năng, tất cả chúng ta đều sợ chết vì chúng ta không biết làm sao để tránh khỏi nó. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào thân xác của chúng ta, vì vậy trở nên đầy tham dục và luyến ái.
Một đứa nhỏ ra đời đem niềm vui và hạnh phúc cho những người thân yêu. Dù người mẹ đau đớn cùng cực lúc sanh nhưng vẫn vui mừng và thích thú ngắm nhìn đứa con mới sanh. Người mẹ cảm thấy được đền bù xứng đáng sau nhiều khó khăn đau đớn. Tuy nhiên, đứa trẻ lọt lòng ra đã khóc hình như nó muốn nói là nó cũng phải chịu đau khổ của kiếp người. Đứa trẻ trở thành một thiếu niên rồi trưởng thành, tạo các loại hành vi tốt và xấu. Rồi nó trở nên già nua, và cuối cùng từ giã cõi đời này, bỏ lại bạn bè, và thân quyến đau buồn : Đó là bản chất cuộc sống của một con người. Con người cố gắng tránh khỏi nanh vuốt của tử thần, nhưng không một ai có thể thoát khỏi. Đến lúc gần chết, đầu óc liên tưởng đến cái tích luỹ, và lo sợ quá đáng về những đứa con thân yêu của mình. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, con người lo lắng quá sức về thân xác quý báu của mình; mặc dù với sự chăm sóc chu đáo và cẩn trọng nhưng nay đã suy nhược, kiệt quệ và tan rã. Thật đau đớn khi phải xa lìa thân xác. Không thể chịu đựng được thế, nhưng không tránh nổi. Đó là tâm trạng của mọi người khi từ giã cõi đời này, với than van rên rĩ. Sự đau đớn về cái chết thật là khủng khiếp, đó là thái độ của kẻ do ngu muội mà ra.
SỢ CHẾT
Con người lo âu không phải vì ngoại cảnh mà vì hy vọng và tưởng tượng về đời sống tương lai của mình. Cái chết, chẳng hạn, tự nó không khủng khiếp và khiếp sợ hay kinh hãi, chỉ do tâm trí của chúng ta tưởng tượng mà ra. Chúng ta thường không đủ can đảm để đối đầu với ý tưởng về cái chết. Với những kẻ không dám đối đầu với thực tế, khổ đau thật sự khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta biết đương đầu với sự thật, nó sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng khiếp của sự sợ hãi. Đời sống ví như một viên đạn lao tới mục tiêu, tức cái chết. Hiểu như vậy, chúng ta phải can đảm trực diện với hiện tượng tự nhiên này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta phải không sợ chết. Sợ hãi chỉ đến với những kẻ không hiểu quy luật thiên nhiên. “Dù ở đâu đi nữa, nếu sợ hãi có phát xuất, thì nó chỉ phát xuất nơi người mất trí, điên khùng và không bao giờ phát xuất nơi người khôn ngoan.” Đó là lời đức Phật dạy trong Kinh Anguttara Nikaya. Sợ hãi chỉ là trạng thái của tâm thần. Khoa học cho ta thấy quá trình của một cái chết ra sao? Cái chết chỉ là sự hao mòn sinh lý của cơ thể con người. Chúng ta đừng sợ hãi và tưởng tượng hay tiên đoán về những sự khủng khiếp không bao giờ đến để tìm cách chống lại. Một thầy thuốc nổi tiếng, Sir William Osler nói như sau : “Theo kinh nghiệm hành nghề của tôi, tôi thấy hầu hết những người chết không đau đớn và sợ hãi.”
Một nữ y tá lão thành nói : “Hình như thảm kịch lớn nhất đối với tôi là mọi người suốt đời bị nỗi sợ chết ám ảnh. Khi cái chết đến, ta thấy rằng nó cũng tự nhiên như bản chất cuộc sống. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi chỉ thấy có một người có vẻ sợ hãi - một phụ nữ đã làm một điều dữ cho người chị nay đã quá trễ để hối cải.”
“Một điều lạ lùng và đẹp đẽ sẽ đến, dù là đàn ông hay đàn bà khi họ đã đi hết con đường. Tất cả sợ hãi, khiếp đảm đều biến mất. Tôi thường ngắm thấy tia sáng bình minh hạnh phúc trong ánh mắt của họ khi họ nhận thức điều đó đúng. Đó là tất cả ân huệ của Tạo hoá.”
Vì tham sống nên sự sợ chết được hình thành một cách thiếu tự nhiên. Nó tạo sự lo âu trong đời sống. Vì vậy, con người sẽ không bao giờ dám mạo hiểm làm điều gì cho dù đó là lẻ phải. Họ sống trong sợ hãi, lo lắng về bệnh tật, và các tai nạn có thể xảy ra cướp mất mạng sống quý giá của mình. Nhận thức chết là điều không thể tránh khỏi, kẻ yêu đời sống trần thế sẽ đắm mình trong nhiệt thành để cầu nguyện với niềm hy vọng linh hồn sẽ được lên thiên đàng. Không một ai có hạnh phúc giữa cơn lốc của sợ hãi và hy vọng như vậy. Đúng là khó có thể coi thường hoặc không lưu ý đến những bộc phát tự nhiên của bản năng để tự bảo vệ. Tuy nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi. Hãy quên đi quan niệm về cái “tôi”, hãy đem tình thương vị kỷ hướng ra ngoài, có nghĩa là làm lợi ích cho nhân loại và tỏ tình thương với người khác. Bất cứ ai ghi nhớ rằng một ngày nào đó mình sẽ chết và cái chết là điều không tránh khỏi, người đó sẽ hăng hái chu toàn nhiệm vụ
với đồng loại trước khi chết; làm được như vậy thì mọi người chắc chắn sẽ chiêm ngưỡng, kính phục. Say mê phục vụ người khác, chẳng bao lâu chính bạn sẽ thoát khỏi cái tự kỷ luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, tự phụ, và tự tôn.
BỆNH VÀ CHẾT
Bệnh và chết là việc xảy ra tự nhiên trong đời sống của chúng ta, và chúng ta phải chấp nhận điều đó với sự hiểu biết. Theo thuyết tâm lý hiện đại, nguyên nhân căng thẳng tinh thần là do việc không dám đương đầu và chấp nhận sự thật ở đời. Nếu không vượt qua hay khắc phục được, sự căng thẳng đó sẽ gây nên bệnh tật. Trong khi bệnh hoạn mà quá lo lắng hay thất vọng chỉ làm cho bệnh tăng lên. Đối với những người có tâm hồn và hành động trong sạch, chết chẳng có gì đáng sợ. Mạng sống của chúng ta gồm có tâm trí và thể xác hợp thành, và vì vậy tâm trí và thể xác không chết riêng. Nghiệp báo do những hành động xấu của chúng ta đã gây nên trong đời trước theo chúng ta vào lúc tái sanh, khiến chúng ta phải chịu những khổ đau trong đời này. Những khổ đau đó có thể tránh khỏi nếu chúng ta cố gắng tạo công đức, sống một cuộc đời đạo hạnh, và có những hành động tốt bất cứ ở đâu hay bất cứ lúc nào. Làm như vậy, chúng ta có thể đương đầu với cái chết một cách can đảm và thực tế. Theo lời Phật dạy, chúng ta không nên tin tưởng vào một vị “cứu tinh” nào có thể lãnh gánh nặng, và cứu vớt chúng ta khỏi hậu quả do những hành động sai lầm của chúng ta. Chúng ta luôn luôn nhớ tới lời khuyên của đức Phật : “Hãy tin vào mình để tự cứu, hãy gắng sức và chuyên cần.” Người Phật tử không sầu thảm và bi thương trước cái chết của thân nhân và bạn bè. Không có cái gì có thể ngăn cản được bánh xe nhân quả. Khi một người chết, nghiệp do họ tạo nên sẽ theo họ đến cuộc đời mới. Kẻ quen, người thân, bạn bè và thân quyến chỉ có thể tiễn đưa người chết đến huyệt mà thôi, trong khi người chết mang theo những hành động tốt hay xấu của chính mình. Những người còn sống nên chịu đựng sự mất mát trong bình tĩnh và hiểu biết. Chết là một tiến trình không thể tránh khỏi ở thế gian này. Đó là một điều chắc chắn trong vũ trụ này. Cánh rừng có thể trở thành đô thị và đô thị có thể thành bãi cát. Núi có thể biến thành hồ. Sự biến dạng có thể xảy ra ở khắp nơi, duy chỉ có cái chết là điều không đổi. Tất cả mọi thứ chỉ là tạm bợ. Chúng ta có cha ông, và cha ông của chúng ta cũng có cha ông, nhưng bây giờ họ ở đâu ? Tất cả đều đã quá vãng.
Đừng nghe kẻ nguỵ biện cho rằng chúng tôi đang trình bày một quan niệm yếm thế bi quan. Đó là quan điểm thực tế nhất của chủ nghĩa hiện thực. Tại sao chúng ta lại không thực tế mà mù quáng trước những sự kiện thực tế đó? Có phải cái chết thiêu đốt mọi thứ ? Đúng vậy! Nhưng đừng quên điều này : Cái chết khiến mọi người hiểu rõ số phận của mình dù là cao sang đến đâu, hay kỹ thuật và y khoa có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, cái chết vẫn như nhau; hoặc ở trong quan tài hay trở thành một nắm tro tàn. Sống và chết là một quá trình liên tục cho đến khi chúng ta trở nên toàn hảo.
DANH THƠM CÒN MÃI
Đức Phật dạy : “Thân xác của con người tuy thành tro bụi, nhưng danh tiếng của họ vẫn còn.” Ảnh hưởng của kiếp trước đôi khi rất sâu và mạnh hơn ảnh hưởng của thân xác đang sống với một số khả năng hạn hẹp. Đôi khi chúng ta cảm nghĩ và hành động theo tư tưởng của những người mà xác thân đã thành tro bụi. Tư tưởng đó rất quan trọng trong mỗi hành động của chúng ta. Mỗi người sống là một phần thân xác của tổ tiên đã khuất. Trong ý nghĩ này, chúng ta có thể cho rằng những bậc anh hùng thời đại, những triết gia vĩ đại, các hiền triết, những thi nhân và nhạc sĩ của mỗi dân tộc đang sống với chúng ta. Vì chúng ta liên hệ đến những liệt sĩ và những nhà tư tưởng trong quá khứ, chúng ta có thể chia sẻ những tư tưởng khôn ngoan, những lý tưởng cao quý, và cả đến âm nhạc bất diệt qua nhiều thời đại. Dù rằng thân xác đã chết, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn. Xác thân chẳng là gì cả, nó chỉ là sự tổng hợp trừu tượng, một hỗn hợp luôn luôn thay đổi của các thành phần hoá học. Con người phải hiểu rằng đời sống của mình như một giọt nước trong một con sông đang chảy, và nên vui vẻ đóng góp một phần của mình cho dòng sông cuộc sống.
Không hiểu rõ bản chất của đời sống, con người sẽ bị chìm đắm trong vũng bùn ngu muội của thế gian và rên rĩ khóc than. Nhưng khi hiểu được thực chất của mình, con người sẽ từ bỏ tất cả những cái tạm bợ và tìm trạng thái vĩnh cữu. Trước khi đến trạng thái vĩnh cữu, con người phải đương đầu với cái chết này đến cái chết khác. Vì cái chết không nghĩa lý gì, con người không nên ngăn chận sự tiếp diễn không ngừng của vòng sanh tử.
Theo đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng của chúng ta trên thế gian này. Nếu bạn làm điều thiện với lòng tin tưởng, bạn sẽ có một kiếp sau tốt đẹp hơn. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy bạn không muốn tái sanh mãi mãi, và muốn đi đến cứu cánh cuối cùng, bạn phải cố gắng phát triển tâm trí, loại bỏ mọi tham dục và tinh thần ô trược.
TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT
Một vị thánh cao thượng đã đạt đến mức hoàn hảo không khóc than khi những người thân và những người gần gũi qua đời, vì ngài đã hoàn toàn quét sạch hết mọi cảm xúc. Ngài Anuruddha, một vị A-la-hán (Arahat), không khóc than khi đức Phật qua đời. Tuy nhiên, ngài Ananda, lúc đó chỉ là một vị Tu-đà-hoàn (Sotapanna) mới đạt quả vị thứ nhất trong các bậc thánh, đã không kìm giữ được khóc than. Các tỳ kheo than khóc phải nhớ quan điểm của đức Phật về những hoàn cảnh có bản chất như vậy:
“Ông Ananda! Có phải đức Phật đã dạy chúng ta rằng những gì sanh ra, những gì tồn tại và những gì duyên hợp đều đi đến tan rã (thành, trụ, hoại, diệt) ? Đó là tính chất của duyên hợp. Khi duyên hợp xuất hiện rồi thì lại mất đi – có thành thì phải có hoại – và khi những duyên hợp đó hết. Tịch tịnh hiện tiền. ”
Những lời dạy trên đây mô tả nền móng cấu trúc của triết lý Phật giáo.
NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU
Nguyên nhân của các buồn phiền và khổ đau là do Luyến Ái dưới mọi dạng thức. Nếu chúng ta muốn tránh khổ đau, chúng ta phải bỏ luyến ái – không phải chỉ luyến ái người, mà luyến ái của cải nữa. Đó là sự thực căn bản, là bài học mà cái chết dạy ta. Luyến ái cung cấp cho chúng ta nhiều thứ để thoả mãn cảm xúc của chúng ta, và dẫn ta vào con đường trần tục. Nhưng cuối cùng luyến ái trở thành nguyên nhân của đau khổ. Nếu không học điều này, cái chết có thể tấn công và khủng bố chúng ta. Sự kiện này đã được đức Phật soi sáng rõ ràng. Ngài dạy : “Cái chết sẽ mang con người đi khỏi, dù người đó cố bám lấy con cái và của cải, giống như một trận lụt lớn cuốn sạch cả ngôi làng đang ngủ.”
Lời dạy này ngụ ý là nếu ngôi làng đó tỉnh thức và cảnh giác thì có thể tránh khỏi sự tàn phá của lũ lụt.
AI CŨNG PHẢI CHẾT
Chúng ta hãy nghiên cứu đức Phật giải quyết vấn đề cho hai người, vì luyến ái mà cái chết làm cho đau khổ. Một người là bà Kisagatomi. Đứa con trai duy nhất của bà ta bị rắn độc cắn chết. Bà ta bồng đứa con trai chết đến cầu cứu đức Phật. Đức Phật bảo bà hãy đem đến cho đức Phật một vài hạt giống cải (mustard seed) của một gia đình không có ai chết, đức Phật sẽ chữa cho. Nhưng bà ta không thể tìm thấy một gia đình nào mà không có người chết. Tất cả các gia đình mà bà đã đến thì không nhà nào là không khóc than hay đã khóc than về cái chết của người thân, vào một lúc nào đó. Bà đã hiểu sự thật đắng cay : cái chết rất phổ biến. Cái chết giáng xuống tất cả mọi người và không chừa ai cả. Buồn đau là di sản đối với mọi người.
Một người khác là Patacara. Trường hợp của bà này buồn thảm hơn. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bà mất hai đứa con, chồng, anh em, cha mẹ và tất cả của cải. Buồn đau đến mất trí, bà đã loã lồ chạy như điên như dại trên đường phố cho đến khi gặp đức Phật. Đức Phật đã giúp bà trở lại bình thường bằng cách giảng giải cho bà nghe là cái chết là một hiện tượng tự nhiên của tất cả mọi người.
“Con đã đau khổ nhiều lần như thế này, chứ không phải lần này thôi, Patacara; con đã đau khổ nhiều lần trong những tiền kiếp của con. Đã lâu, con đau khổ vì cái chết của cha mẹ, con cái và những người thân. Khi con đau khổ như vậy, nước mắt của con thật nhiều hơn nước ở biển cả.”
Cuối cùng, Patacara nhận thức được cái vô thường của cuộc đời. Patacara và Kisagotami hiểu rõ cái khổ và cả hai đều cảm nhận được sự đau khổ của cái chết. Bằng cách hiểu sâu xa Đế Thứ Nhất của Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truths) về “khổ”, thì Ba Đế còn lại cũng hiểu được. Đức Phật nói, “Này các thầy, đây là khổ, nguyên nhân của khổ, đây là diệt khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt khổ.”
NĂM UẨN
Chết là sự tan rã của Uẩn (Five aggregates). Những Uẩn này là thọ (sensation), tưởng (mental formations), hành (consciousness), thức (perception), và sắc hay vật chất (matter). Bốn nhóm đầu thuộc về tinh thần hay nama; họp thành đơn vị của thức. Nhóm thứ năm, rupa là vật chất hay vật lý uẩn. Sự phối hợp của tâm vật lý đó theo quy ước được đặt cho một cá nhân, một con người hay cái Tôi. Cho nên những cá thể hiện hữu như thế không phải là những cá nhân nào mà là hai thành phần cấu tạo cơ bản của tinh thần và vật chất, thành phần này là những hiện tượng hiếm. Chúng ta không coi năm uẩn là những hiện tượng mà là một thực thể vì cái tâm si mê của chúng ta, vì sự ham muốn bẩm sinh của chúng ta, đã coi những thứ nói trên là của ta để thoả mãn cái ngã (tôi) quan trọng của mỗi chúng ta.
Chúng ta sẽ thấy được bộ mặt thật của sự vật nếu chúng ta chịu nhẫn nại và có ý chí. Nếu chúng ta quay vào nội tâm và quán chiếu bề sâu của tâm khảm, chú tâm và nhận xét một cách khách quan, không hề liên tưởng đến bản ngã trong một thời gian như đức Phật dạy trong Kinh Sati Patthana, chúng ta sẽ thấy năm uẩn, không phải là một thực thể, mà là một loạt các tiến trình vật chất và tinh thần. Rồi chúng ta sẽ nhìn thấy năm uẩn này phát sanh và biến đi liên tục nhanh chóng. Chúng luôn luôn biến đổi từng phút từng giây, không bao giờ Tịnh mà Động, không bao giờ là Thực Thể mà luôn luôn Biến Hiện.
TÁI SANH
Bốn thức và ba nhóm của yếu tố tinh thần (thọ, tưởng, hành), tạo thành Nama hay đơn vị của thức, biến chuyển không ngừng, nổi lên rồi biến đi không cùng một khuôn mẫu vì những khuôn mẫu đó cũng biến hoá luôn . Chúng phải lập lại ngay một nền tảng tự nhiên mới (sắc) - một lớp vật chất tươi tốt như trước - để hoạt động điều hoà. Nghiệp quả hành động như một định luật, và định luật này điều khiển việc sắp xếp năm uẩn sau khi chết. Kết quả là “tái sanh”.
YẾU TỐ VÀ NĂNG LƯỢNG
Tóm lại, sự phối hợp của năm uẩn gọi là sanh và sự hiện hữu của những uẩn đó được gọi là đời sống. Sự tan rã của chúng gọi là chết (tử), và sự tái phối hợp của những uẩn ấy gọi là tái sanh. Tuy nhiên, một người bình thường không dễ dàng gì hiểu được tại sao những cái gọi là uẩn đó lại có thể tái phối hợp. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của các yếu tố (năm uẩn), năng lượng tinh thần (hay sức mạnh tinh thần), định luật về nghiệp quả, và sự song hành của năng lượng vũ trụ (khí) rất quan trọng. Một số người cho rằng cái chết là sự tan rã của năm uẩn, và sau đó chẳng còn gì tồn tại nữa. Có người lại cho rằng chết có nghĩa là sự chuyển tiếp linh hồn từ một thân xác này đến một thân xác khác. Và với một số khác, họ cho rằng chết là sự kềm giữ vĩnh viễn một linh hồn chờ đợi Ngày Xét Xử …Tuy nhiên với người Phật tử, chết chẳng là gì cả mà chỉ là tạm chấm dứt một hiện tượng tạm thời. Chết chưa phải là một sự huỷ diệt hoàn toàn của cái được gọi là chúng sanh.
NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT
Theo đạo Phật, Chết xảy ra do một trong bốn nguyên nhân sau đây :
1. Mạng căn (hay thọ mạng) của chúng sanh, tuỳ vào mỗi loại, đã hết .
Cái chết này là mạng triệt (Ayukkhaya).
2. Sức hành của Nghiệp tạo nên đời sống đã kiệt. Cái chết này gọi là Nghiệp dĩ (Kammakkhaya).
3. Sự chấm dứt cùng một lúc của hai nguyên nhân trên – Ubbayakkhaya.
4. Cuối cùng có thể do hoàn cảnh bên ngoài, như tai nạn, biến cố bất ngờ, hiện tượng thiên nhiên hay Nghiệp quả từ kiếp trước không đề cập tại điều 2. Cái chết này gọi là Upacchedake.
Có một sự tương đồng rất đúng để giải nghĩa bốn trường hợp chết trên đây : Một ngọn đèn dầu có thể tắt do một trong bốn nguyên nhân :
1. Bấc trong ngọn đèn đã cháy hết. Điều này giống như thời gian cho một kiếp đã hết.
2. Dầu đã cạn giống như Nghiệp lực đã hết.
3. Dầu và bấc cháy hết cùng một lúc, giống như cái chết do cả hai nguyên nhân phối hợp đề cập tại 1 và 2.
4. Hiệu quả của các yếu tố bên ngoài như gió thổi làm đèn tắt - chết do các nguyên nhân ngoại cảnh.
Cho nên, Nghiệp quả không phải là nguyên nhân duy nhất của cái chết. Có những nguyên nhân bên ngoài gây ra cái chết. Giáo lý của đức Phật minh định rõ ràng Nghiệp quả không thể giải thích tất cả những việc xảy ra trong đời sống của chúng ta.
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI BIẾN CỐ
Làm sao chúng ta có thể đương đầu với các điều không tránh được này một cách tốt nhất ? Nên tiên liệu và suy nghĩ là cái chết trước sau cũng phải đến. Điều này không có nghĩa là người Phật tử quan niệm cuộc đời là ảm đạm. Chết là một sự thật, và ta phải đương đầu- và Phật giáo là tôn giáo của lý trí, huấn luyện các đệ tử phải trực diện với các sự kiện, dù các sự kiện này làm ta không hài lòng. Trưởng giáo Nanak, vị khai sáng ra đạo Sikh nói, “Thế gian sợ chết, với tôi, chết đem niềm vui”. Thật rõ ràng những vĩ nhân và những người cao thượng không sợ chết và sẵn sàng chấp nhận nó. Nhiều vĩ nhân đã hy sinh mạng sống của mình để người khác được hạnh phúc. Tên tuổi của các vị này đã được lưu truyền trên bảng vàng lịch sử thế giới cho hậu thế.
CÁI CHẾT KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC
Thật là một nghịch lý khi chúng ta thấy cái chết đã cướp đi biết bao sinh mạng của nhân loại nhưng chúng ta ít khi nghĩ đến là chúng ta cũng thế, trước sau cũng trở thành nạn nhân của tử thần.
Vì quá lưu luyến với cuộc đời, chúng ta không muốn mang trong lòng tư tưởng yếu đuối, nhưng thực tế cái chết là một sự thật hiển nhiên. Chúng ta muốn chấm dứt ý nghĩ ghê gớm đó và tự lừa dối mình rằng chết là một điều xa vời, một điều không cần phải lo lắng. Chúng ta phải có đủ can đảm đê đương đầu với biến cố ấy. Chúng ta phải sẵn sàng trực diện với sự thật trần trụi này. Chết là điều có thật! Nếu chúng ta nhận thức được như vậy, và biết rằng cái chết không tránh khỏi; chúng ta hãy coi nó như một sự bình thường chứ không phải là một biến cố đáng sợ; để khi nó đến, chúng ta sẽ đương đầu với nó một cách bình tĩnh, can đảm và tự tin.
BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM
Biết rằng một ngày nào đó, cái chết sẽ cướp mạng sống của ta, chúng ta phải bình tĩnh, can đảm và tự tin để làm tròn bổn phận và trách nhiệm với gia đình. Chúng ta không nên chần chừ chu toàn trách nhiệm và bổn phận của chúng ta. Những việc gì có thể làm được hôm nay, đừng để đến ngày mai. Chúng ta không nên phí phạm thời gian và nên sống một cách hữu ích. Những bổn phận đối với vợ, chồng và con cái đứng hàng ưu tiên phải được thi hành đúng lúc. Để tránh gây căng thẳng và khó khăn cho gia đình, chúng ta đừng chờ đợi đến phút cuối cùng mới viết di chúc. Cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào – nó không chừa ai cả và không chờ đợi. Chúng ta nên can đảm trực diện với biến cố tối hậu này với hy vọng và tin tưởng rằng chúng ta đang chuẩn bị cho đời sống kế tiếp.
ÁI DỤC VÀ VÔ MINH
Có thể chế ngự được cái chết không? Câu trả lời là, Có! Có chết vì có sanh. Sự tiếp diễn không ngừng của cái sanh được gọi là luân hồi. Nếu chu trình của sự sống ngưng lại, cái chết có thể chấm dứt ngay tại giai đoạn Vô minh (Aviija) và Ái dục (Tanha) – Đó là gốc rễ của cái vòng sanh tử, cần phải bị tiêu diệt. Cho nên, nếu cắt được Ái dục và Vô minh, sanh được chế ngự, chết cũng bị chinh phục, thoát khỏi luân hồi, và Niết bàn hiện tiền.
Chúng ta phải hiểu là mọi vật trong vũ trụ này đều không có thật, và cuộc sống chỉ là ảo mộng. Nếu chúng ta dùng khoa học hay triết lý để phân tách, cuối cùng chúng ta khám phá thấy không có gì cả, mà chỉ là hư không. Gandhi đã từng nói : “Sợ chết chẳng khác gì sợ bỏ một cái áo cũ đã rách.” Vì luyến ái, chúng ta rất đau khổ khi mất người mình thương yêu. Việc này xảy ra cho bà Visakha, một đệ tử hết lòng trong thời đức Phật. Khi đứa cháu gái yêu dấu của bà chết, bà tìm đến đức Phật để yêu cầu đức Phật giải cứu cho bà khỏi phiền não.
“Này Visakha, bà có muốn có nhiều con nhiều cháu như số trẻ trong thành phố này không?”, đức Phật hỏi bà.
“Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn, dĩ nhiên là con muốn.”
“Này Visakha, nếu vậy, bà sẽ khóc khi chúng chết phải không? Những ai có một trăm thứ yêu dấu, những người đó có một trăm điều phiền não. Kẻ không có thứ gì để yêu dấu, kẻ đó không có phiền não. Người như vậy mới thoát khỏi phiền não.”
Khi chúng ta mang lòng luyến ái, chúng ta phải chuẩn bị chịu đựng phiền não trong lúc chia ly. Tham sống đôi khi làm cho người ta sợ chết. Chúng ta không dám chấp nhận rủi ro, thậm chí vì một lý tưởng chính đáng. Chúng ta sợ hãi bệnh tật hay tai nạn sẽ chấm dứt cuộc đời hình như quý giá của chúng ta. Biết rằng chết là điều tất nhiên, chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho linh hồn được lên Trời, để xác thân chúng ta được yên ổn và gìn giữ. Tin tưởng như vậy bắt nguồn từ những tham vọng mãnh liệt, muốn có một đời sống trường cữu.
Mỗi người, mỗi cá nhân phải biết rõ vai trò của cái chết, nó định đoạt số phận của mình. Dù là hoàng tộc hay bình dân, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, nơi an nghỉ cuối cùng của thân xác con người là ở trong quan tài, chôn sâu sáu tấc, hoặc trong bình đựng tro cốt, hoặc ở dưới nước.
Tất cả nhân loại phải đương đầu và chịu đựng một số phận. Vì si mê không hiểu thực chất của đời sống, chúng ta thường rên rỉ khóc than. Khi ta hiểu được thực chất của đời sống, chúng ta có thể nhìn thẳng cái vô thường của tất cả mọi duyên hợp, và tìm cách giải thoát. Nếu chúng ta không thoát khỏi những trói buộc của cuộc đời, chúng ta sẽ phải đối mặt với cái chết mãi mãi. Về phương diện này, vai trò của cái chết thật rõ ràng. Nếu người ta không chịu nổi cái chết, thì họ phải hết sức cố gắng để vượt qua cái vòng sanh tử, tử sanh.
SUY NGẪM VỀ CÁI CHẾT
Tại sao chúng ta phải nghĩ về cái chết? Tại sao ta phải suy ngẫm nó? Đức Phật không những chỉ khuyến khích chúgn ta nói về cái chết, Ngài cũng khuyên chúng ta suy ngẫm nó và nghĩ đến nó thường xuyên. Đó là có sanh thì có chết. Tinh thần và thể xác được tạo nên trong lúc thai nghén, phát triển, lớn lên và trưởng thành. Nói một cách khác chúng theo tiến trình già nua. Đầu tiên, chúng ta gọi tiến trình đó là lớn lên, rồi già đi. Thật ra đó chỉ là một tiến trình của sự lớn lên, phát triển, trưởng thành và cuối cùng là cái chết không sao tránh được.
Ngày nay, theo thống kê trên thế giới, mỗi ngày có hai trăm ngàn (200 000) người chết hay độ 70 triệu mỗi năm.
Chúng ta không quen suy ngẫm hay đả động về cái chết. Điều chúng ta thường làm là tránh nghĩ về cái chết và sống như thế chẳng bao giờ phải chết cả. Chừng nào mà chúng ta còn sợ chết, chúng ta không bao giờ sống một cuộc đời đầy đủ và tốt đẹp nhất. Cho nên một trong những lý do chánh yếu để suy ngẫm cái chết là để chúng ta hoàn toàn tỉnh thức, để khỏi sợ hãi. Suy ngẫm về cái chết không làm cho chúng ta chán nản hay yếm thế, mà chỉ có mục đích giúp cho chúng ta thoát khỏi sợ hãi.
Lý do thứ hai suy ngẫm về cái chết sẽ thay đổi lối sống và thái độ của chúng ta với cuộc đời. Giá trị trong cuộc sống hoàn toàn thay đổi một khi chúng ta nghĩ rằng mình không sống mãi ở đời, chúng ta sẽ bắt đầu một lối sống khác hẳn.
Lý do thứ ba để có khả năng làm quen đương đầu với cái chết một cách xác đáng và yên lành. Suy ngẫm về cái chết có ba điều lợi ích :
- bớt sợ hãi
- đem lại phẩm chất mới cho đời sống để chúng ta sống cuộc đời có giá trị thích đáng và
- giúp chúng ta chết trong vinh dự.
Những lợi ích trên giúp chúng ta sống lương thiện và chết có phẩm giá. Chúng ta còn cần gì nữa ?
Đạo Phật khuyến khích suy ngẫm về những nhân tố sau đây :
- tôi sống với tuổi của tôi, tôi không lo già
- bệnh tật là lẽ thường, tôi không quá nghĩ về nó
- tôi gánh chịu Nghiệp quả của tôi và tôi không thoát khỏi Nghiệp Lực.
- chết là lẻ thường tôi không quá lo nghĩ về cái chết và
- tất cả những gì dễ thương và thích thú của tôi sẽ thay đổi và sẽ bỏ tôi.
Khi chúng ta bình tâm suy ngẫm về những thực trạng ấy, và giữ trong tiềm thức, nó sẽ có tác dụng mạnh mẽ để khuất phục sợ hãi, tuổi già, bệnh tật, cái chết, và chia ly. Điều này không phải làm cho chúng ta kém lành mạnh, mà chính là giúp chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Cho nên tại sao chúng ta nên suy ngẫm về cái chết? Không phải là chúng ta mong mỏi cái chết đến mà là chúng ta không muốn sống hay chết trong sự sợ hãi.
CHẾT LÀ MỘT PHẦN CỦA ĐỜI SỐNG
Cái chết đến với tất cả mọi người và là một phần của cái vòng sinh tử. Người chết trẻ, kẻ chết già, chẳng ai không chết. Chẳng ai mời chúng ta đến thế giới này, và cũng chẳng ai bảo chúng ta từ giã. Tôi không tránh được cái chết, và mọi người, mọi cỏ cây, mọi hình thức, mọi chúng sanh đều theo con đường đó. Thu về, lá rụng. Chúng ta không khóc vì cuối mùa lá rụng là điều tất nhiên. Cái chết của loài người cũng thế.
Những người có đạo hạnh, ít sợ chết hơn những người thế tục vì lẽ người thế tục chỉ muốn sống để thoả mãn năm giác quan của họ.
Theo quan niệm của nhà Phật, chết chưa phải là chấm dứt, và sanh cũng không phải là bắt đầu. Thực ra, chết chính là sự bắt đầu (một kiếp sống mới), và sanh là sự chấm dứt (kiếp sống cũ). Cái chết chỉ là một phần trong tiến trình sanh tử, tử sanh. Nếu chúng ta hiểu được tiến trình đó, cái chết không làm khiếp sợ vì chết chưa phải là hết. Nó chỉ là đoạn cuối của cái vòng sanh tử, đi hết vòng này lại đến vòng khác, và tiếp diễn không ngừng tỉ như lá lìa cành chưa phải là hết. Chúng vào lòng đất và nuôi rễ cây, sang năm cây lại có lá mới. Đời sống của con người cũng như vậy. Cái chết làm nhân duyên cho sự tái sanh. Hiểu biết được nguyên tắc căn bản dó, chúng ta sẽ nhẹ bớt sợ hãi.
SỐNG CÓ Ý THỨC
Chúng ta sống một cách điên rồ, không nghĩ rằng mình đã tốn biết bao nhiêu thời giờ cho những việc vô bổ. Hôm nay, chúng ta phí thời giờ lo cho những chuyện năm tới, cho 20 năm tới, và lo lắng cho tương lai đến độ chúng ta chẳng sống trọn vẹn cho mỗi ngày ?
Và giá trị trong đời sống của chúng ta sẽ thay đổi. Đời sống có gì quan trọng? Những gì thúc đẩy chúng ta? Những gì lôi cuốn chúng ta? Nếu chúng ta thực sự suy ngẫm cái chết, chúng ta sẽ xét lại giá trị của chúng ta. Có nhiều tiền, chúng ta không thể đem theo được. Thân xác chúng ta phải bỏ lại để mai táng bằng cách này hay cách khác. Chỉ còn lại nắm xương tàn vô giá trị. Chúng ta không thể mang theo ngay cả cái xác thân quý giá của chúng ta khi chúng ta lìa bỏ cõi đời này.
Phẩm chất của cuộc đời quan trọng hơn sự thủ đắc vật chất. Phẩm chất của cuộc đời trước tiên là phẩm chất tâm trí của chúng ta. Chúng ta sống thế nào ngày hôm nay quan trọng hơn nhiều ngoại vật khác. Chết là điều kiện để tái sanh. Điều kiện cho sự tái sanh là cái chết và phẩm chất tâm trí, cái độc nhất mà chúng ta mang theo. Đó là cái gia tài để chúng ta thừa hưởng mà không để lại cho người khác.
Tôi tạo Nghiệp, tôi phải thọ Nghiệp.
Nghiệp sanh ra tôi, tôi phải tôn trọng và gánh chịu Nghiệp lành hay Nghiệp dữ do tôi đã tạo ra, tôi đều phải gánh chịu hết, do đó tôi là người thừa kế.
Những gì theo ta là những phẩm hạnh có ở trong ta : phẩm hạnh của tâm trí, của tinh thần, cùng những phẩm hạnh tốt, xấu. Đó là tất cả những thứ chúng ta được thừa hưởng. Đó là điều kiện tiên quyết định việc tái sanh và tương lai của chúng ta. Đến lượt những phẩm hạnh đó đem lại một giá trị cho đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể vui về bạc triệu mà chúng ta đã kiếm được; nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta cần sống yên ổn và trau dồi đạo đức. Điều này có tác dụng tốt vào lối sống của chúng ta, và vào những giá trị mà chúng ta phát triển. Không phải là vấn đề thành công, mà là vấn đề làm sao để thành công.
CHẾT XỨNG ĐÁNG
Sau khi đã suy xét các điều trên, nếu chết không còn là một sự đe doạ mà là một kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể trực diện nó với lòng tin tưởng. Chúng ta không chỉ theo những điều nói trên mà còn cần có nhiều hành động khác để chết một cách xứng đáng. Nếu chúng ta sống lương thiện, chúng ta chết dễ dàng hơn. Dù đã sống sung sướng hay đau khổ, chúng ta phải cố gắng chết một cách xứng đáng. Để đương đầu với cái chết phải đến, chúng ta hãy nỗ lực trong việc phát triển phẩm hạnh không sợ hãi.
Có một số người sợ chết hơn sợ đau đớn và sợ chia lìa người thân hơn là những thứ đáng sợ khác. Khi một người sắp chết, nên gợi lòng can đảm và trấn an họ. Nhưng trước tiên, mình phải trấn an mình đã. Dĩ nhiên, đau đớn sẽ hành hạ và không thể chịu đựng nổi. Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ y khoa, những đau đớn của chúng ta được giảm thiểu trước khi chết. Đau đớn không còn là một điều sợ hãi không tránh được nữa.
Tôi thường trấn an người sắp chết, như trường hợp một người không còn sống nổi vì ung thư : người ta không để bạn phải đau đớn vì việc điều trị nhanh chóng sẽ giảm bớt đau đớn. Kết quả quan trọng là người bệnh được thoải mái và chết nhẹ nhàng. Một số người khác lo âu vì sợ mất của cải. Nhưng nếu họ biết suy ngẫm về cái chết thì không có gì phải lo. Chúng ta hiểu có hợp thì có tan. Nếu một người sắp từ trần không suy gẫm được điều này, chúng ta cần ân cần khuyến khích và trấn an họ là con cái và những người thân quyến còn lại sẽ được chăm sóc. Cần giúp họ an lòng là mọi việc sẽ đều tốt đẹp, có bạn hữu lo lắng cho họ, họ cần có sự động viên can đảm để được thoải mái, an tâm, và tất cả mọi việc sẽ được chăm lo chu đáo.
Trọng tâm của việc này là gợi lòng can đảm của người sắp chết để họ được an lòng. Làm thế nào để chết xứng đáng? Theo Phật giáo là tạo một bầu không khí bình an trong phòng người sắp ra đi. Không ích lợi gì nếu có người gào thét, kêu la và khóc lóc. Có gì quan trọng hơn đối với một người sắp chết là việc phải chết? Khóc lóc, kêu gào làm cho người sắp chết không an tâm ra đi. Điều tốt hơn là bạn bè và thân quyến có mặt cần chứng tỏ bằng sự hiện diện của họ rằng họ quan tâm, yêu mến, và sẵn sàng giúp đỡ người sắp ra đi.
“Biểu tượng tôn giáo” rất hữu ích và tiện dụng trong lúc này. Nếu người sắp chết là một Phật tử, một tượng Phật nhỏ cùng sự có mặt của các nhà sư với những lời cầu nguyện êm dịu sẽ rất ích lợi và giúp người chết có niềm an lạc và phẩm hạnh cao quý nhất. Đó là điều tuyệt diệu giúp người ra đi, đi tìm cuộc sống mới trong đường lối tốt đẹp nhất.” (Ajahn Jagaro)
CHẾT NHẸ NHÀNG
Mọi người đều mong muốn chết êm ả sau khi đã làm tròn nhiệm vụ và bổn phận trong lúc sanh thời. Sự thật có bao nhiêu người đã sửa soạn cho cái chết này? Chẳng hạn, có bao nhiêu người đã chịu khó nhọc chu toàn nhiệm vụ với gia đình, thân nhân, bạn bè, xứ sở, đạo giáo và thân phận của chính mình? Họ sẽ không yên tâm ra đi khi họ không chu toàn được một trong những nhiệm vụ đó.
Chúng ta phải học cách vượt qua nỗi sợ chết, hiểu rằng các thần linh cũng phải chịu số phận như vậy. Những ai phung phí thời giờ vô ích, sẽ than van khi mình đến ngày tận số.
Khi con người nhìn thấy đời sống của mình chỉ là một giọt nước trong con sông dài, họ sẽ cố gắng để góp sức, dù là ít ỏi vào dòng đời vĩ đại đó. Người khôn ngoan đều hiểu rằng, muốn sống phải tìm cách giải thoát bằng cách tránh tội lỗi, làm điều thiện, và thanh tịnh tâm trí. Người hiểu đời sống theo giáo lý của đức Phật không bao giờ lo lắng về cái chết. Cái chết không gây ra phiền não, nhưng thật sẽ đáng buồn nếu ta chết mà chưa kịp làm gì cho chính mình và cho người khác.
NGÀY HÔM NAY TÔI CHẾT
David Morris là một học giả Phật giáo Tây phương chết lúc 85 tuổi. Ít lâu sau khi ông chết, kẻ viết tập sách nhỏ nhận được lá thư của ông (hiển nhiên ông đã viết thư này trước đây và dặn gửi thư này đi khi ông chết). Thư như sau : “Ông sẽ vui khi biết tôi chết ngày hôm nay. Có hai lý do : Điều thứ nhất, ông sẽ yên lòng khi biết được sự đau đớn của tôi do bệnh tật cuối cùng đã hết. Điều thứ hai, từ khi tôi trở thành Phật tử, tôi đã giữ năm giới một cách trung thực. Kết quả, ông biết kiếp tới của tôi sẽ không đau khổ.” Đời sống như một giấc mộng. Cái chết là điều xảy ra thực tế và tái sanh là điều xuất hiện tự nhiên. Để trực diện với biến cố này, ta phải tiếp tục hay chấm dứt cái vòng sanh tử để thoát khỏi khổ đau, đó mới chính là điều mà con người tri thức cần quan tâm.

<< TIỂU SỬ ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG TIẾN SĨ K. SRI DHAMMANANDA – | PHẦN II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 475

Return to top