IV.- TINH THẦN CỦA GIÁO HỘITheo đúng bản chất Giáo Pháp của đức Phật, phương diện trực giác dựa trên trí tuệ của Tăng chúng phải được phát triển. Một giáo lý nhìn nhận một trong các nguyên nhân khổ đau nằm trong vô minh (avijjà) tất nhiên phải khuyến cáo dùng minh trí và tuệ giác làm các phương thuốc trị liệu hợp lý. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các Tỳ-kheo có trí tuệ cao đều chuyên tâm tu tập để chứng đắc tri kiến và tuệ giác (paññà), và hơn hết là tìm cách đạt cứu cánh tối thượng ấy bằng các phương tiện dựa trên trí tuệ.
Về phương diện khác, đức Phật đã dạy các đệ tử là khổ đau phát xuất từ tham ái, và khuyến giáo chư vị đối trị nó bằng cách tự điều phục bản thân, Giới Luật (sìla), và thiền định. Do vậy, nhiều Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đã chuyên tâm tu tập điều thân và thiền định. Các vị này không cảm thấy có nhu cầu suy tư lý luận về Pháp cho mình nữa, bởi vì đức Phật đã hiển lộ mọi sự cần thiết đưa đến giải thoát, cho nên điều cốt yếu là theo đúng lời giáo huấn của ngài.
Sự cách biệt giữa hai thái độ này chưa bao giờ lớn đủ để đe dọa sự đoàn kết của Giáo hội, tuy nhiên nó cũng làm bận lòng Tỳ-kheo Mahà Cunda, hiền đệ của tôn giả Sàriputta, khiến cho vị ấy phải quan tâm suy nghĩ. Trong thời kỳ ở tại Sahajàti, vị ấy bảo rằng điều đáng tiếc là có một số Tỳ-kheo chuyên tâm về Pháp (Dhamma), nghĩa là nhằm đạt tri kiến tuệ giác (Dhammayogà bhikkhù) đã chế nhạo các vị chuyên tâm thiền định (jhàyanti). Ðúng ra, các vị "chuyên tu trí tuệ" phải tán thán các vị "chuyên tâm thiền định", là"những vị được an trú vì đã đạt đến Bất Tử Giới với tự thân" (nghĩa là đã thực chứng Niết-bàn trước, trong lúc nhập định). Cũng vậy, chư vị "chuyên thiền định" phải tán thán chư vị "chuyên tuệ quán" là những người"đủ trí tuệ thể nhập và thấy rõ con đường thâm diệu đưa đến cứu cánh". (AN 6. 46)Như vậy Tôn giả Cunda xác nhận, các vị tuệ quán và các vị hành thiền hỗ trợ lẫn nhau, không ai có lý do gì để tự cao hơn vị kia cả.
Giáo hội càng phát triển đông đúc, số người gia nhập vì lý tưởng tu tập nội tâm càng ít hơn số người xem đó là một cách sinh nhai và bảo trợ mình. Những sự tai hại do các Tỳ-kheo hiểu sai lạc Giáo Pháp như Tỳ-kheo Arittha (MN 22. 1) và Sàti (MN 38. 2) còn tương đối nhẹ. Chỉ cần bậc Ðạo Sư cho chư vị vài lời khiển trách, hoặc trong các trường hợp như Tỳ-kheo Arittha bướng bỉnh khó dạy, thì Tăng chúng xử phạt họ.
Vấn đề khó giải quyết hơn đối với các nhân vật cá biệt như Tỳ-kheo Ujjhànasañ ñ in, người liên tục chỉ trích các vị đồng Phạm hạnh, hoặc Tỳ-kheo Udàyin phạm Giới Luật vì đã tự khoe mình đạt tri kiến mà chính vị ấy chưa chứng đắc, hoặc Tỳ-kheo-ni Candakàlì hay gây sự. Tỳ-kheo-ni Thullanandà cũng đáng được nêu ra đây. Tỳ-kheo-ni này là vị thuyết Pháp có biện tài, nhưng tính phóng dật và hay bày mưu tính kế, tự cao tự đại và cũng ưa chuộng cả nam giới nữa. Các đức tánh tích cực của vị này khiến Ðại vương Pasenadi cũng như một số Tỳ-kheo-ni trẻ hơn cảm phục, lại càng làm cho vị ấy nổi bật lên như một tấm gương xấu về Giới Luật.
Mối đe dọa thực sự đối với sự đoàn kết Giáo hội phát xuất từ các Tăng chúng địa phương, như Tăng chúng ở Kosambì, bị các tranh chấp chia rẽ, hay do các Tỳ-kheo tụ tập với nhau để thành lập các tiểu giảng đường với ý định huấn luyện các Tỳ-kheo trẻ theo quan điểm riêng của mình. Tại Kìtàgiri (giữa Sàvatthi và Àlavi), chính các Tỳ-kheo Assaji và Punabbasu, tại Sàvatthi, chính các vị Panduka và Lohitaka, và tại Ràjagaha, chính các vị Mettiya và Bhumaja đã cố ngầm làm hại Giới Luật (Vinaya) theo cách này. Vì lo sợ sẽ bị trừng trị theo Giới Luật, cuối cùng hai phần tử ly khai tích cực nhất là Assaji và Punabbasu rời bỏ Giáo hội mới làm dịu được tình hình căng thẳng ấy.
Việc thuyết Pháp cho các Tỳ-kheo trẻ với các quan niệm sai lạc cũng là phương pháp của Tỳ-kheo Devadatta, người muốn chia rẽ Giáo hội và đặt mình vào vị trí lãnh đạo một phần Tăng chúng.
Có trường hợp một nhóm Tỳ-kheo tự gây tai họa cho mình do phản ứng quá đà và tâm thần tán loạn. Ðức Phật đã dạy chư Tỳ-kheo tại Vesàli về sự bất tịnh của thân cùng khuyến giáo chư vị quán thân vô thường và bất tịnh. Sau đó ngài nhập thất để độc cư thiền định. Khi ngài trở lại, ngài kinh ngạc khi thấy số Tăng chúng địa phương ấy giảm sút. Tỳ-kheo Ànanda giải thích: nhiều Tỳ-kheo quá chán ngán bản thân sau khi đức Phật giảng Pháp, nên đã tự kết liễu đời mình!
Ðức Phật lập tức triệu tập một buổi họp chư Tăng và đề nghị chư vị thay đổi phương pháp bằng cách thực hành niệm hơi thở (SN 54. 9). Một câu chuyện tương tự (Sv 3. 1) thậm chí còn nói đến một "giả Sa-môn" tên là Migalandika có biệt tài chặt đứt đầu những kẻ muốn tự sát!
Tự sát đi ngược lại giáo lý đức Phật trong hai phương diện. Ngài tin chắc rằng ước vọng tự hủy diệt tiềm ẩn dưới hành vi tự sát tất yếu cản trở người ấy đạt đến giải thoát, vì giải thoát tức là ly dục. Hơn nữa, tự sát là bỏ mất một cơ hội may mắn vì tái sanh làm người thật hiếm có (MN 129. 19); và chỉ loài người mới có đầy đủ sức mạnh tinh thần và đạo đức để nhanh chóng thành tựu giải thoát khổ đau. Một kiểu tự sát duy nhất có thể biện minh được là trường hợp một vị A-la-hán, người đã nhiếp phục tham, sân, si và sẽ không còn tái sanh, và vị ấy đang phải chịu đựng một căn bệnh nan y. Kinh Ðiển Pàli nhắc đến ba trường hợp như vậy của các Tỳ-kheo Godhika, Vakkali và Channa.
Phương cách đức Phật khéo léo hàng phục các mưu toan nổi loạn và đi lạc vào tà đạo chứng tỏ tài năng tuyệt diệu của ngài trong việc hướng dẫn nhân loại. Ðồng thời, chúng ta cũng phải công nhận ý thức chân chánh của Giáo hội, trong ấy đa số đều thành tâm tầm cầu giải thoát khổ đau và không cho phép mình đi lệch khỏi Trung Ðạo vì một vài phần tử bất thiện lạc lõng.
Ta có thể tìm được vài ấn tượng sâu sắc về bầu không khí trong lành buổi sơ khai Giáo hội quaTrưởng Lão Tăng Kệ(Theragàthà) vàTrưởng Lão Ni Kệ(Therigàthà) . Nhiệt tình tu tập mà đức Phật đã khơi dậy trong lòng các đệ tử, niềm lạc quan về Giáo hội nguyên thủy trên con đường cứu khổ, niềm hân hoan về thực chứng tâm linh và niềm duyệt hỷ về giải thoát - tất cả mọi tâm trạng ấy đều được ghi lại rất linh động ở đây.
Có 264 bài thi kệ với 1279 vần thơ, do Tăng chúng sáng tác và 73 bài kệ với 522 vần thơ của các Tỳ-kheo-ni, mỗi bài đều được xem là do một vị có nêu danh tánh trong Giáo hội tự làm. Không ai có thể xác nhận tất cả thi kệ ấy đều thực sự thuộc về tác giả mà các bài kệ mang tên, hoặc tất cả đều phát xuất từ thời đức Phật. Tuy nhiên, chúng chứng tỏ rằng các Tăng Ni ấy tràn đầy hỷ lạc đến độ chư vị cảm thấy cần phải diễn tả tâm trạng chứng đắc thắng trí (aññà) qua các giai điệu trữ tình đầy thi vị kia. Các bản dịch Anh ngữ này không cố gắng phổ thành thơ theo hình thức thi kệ Pàli, mà chỉ diễn tả nội dung theo từng dòng chữ.
Người bị dằn vặt giữa cuộc sống gia đình và đời sống du hành khất sĩ là Tỳ-kheo Jenta, một vương tử. Chính nhận thức được tính vô thường của vạn vật cuối cùng đã giúp vị ấy quyết định chọn đời Tỳ-kheo:
Khó thay đời xuất gia,
Khó thay sống không nhà,
Uyên thâm là Phật Pháp,
Tài sản khó tìm ra.
Chọn một trong hai lối,
Thật nan giải cho ta,
Vậy phải luôn ghi nhớ:
Tính vô thường đâu xa!
(Thag 111)
Là những người chuyên tâm tầm cầu giải thoát, một số Tỳ kheo khinh thường những đệ tử tại gia mà chư vị cho là bị dục tham ràng buộc vào đời thế tục. Ðiều này biểu lộ qua hai vần thơ của Tỳ-kheo Isidinna:
Ta biết rõ một số người thế tục
Vẫn tán dương Phật Pháp, nói lên rằng:
"Các niềm vui thế tục thật vô thường".
Song lòng đắm mê ngọc vàng châu báu,
Trí ràng buộc vì thê nhi đông đảo.
Họ biết đâu thâm diệu Pháp vô lường,
Khi bảo rằng mọi hỷ lạc vô thường,
Họ vẫn thiếu trong tâm nguồn nghị lực
Ðể chặt đứt hoàn toàn bao tham dục,
Nên vợ con, vàng bạc buộc ràng thân.
(Thag 187-8)
Các khúc đạo ca của chư vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni dành thật nhiều vần thơ diễn tả chủ đề"sự đổi thay từ đời sống thế tục đến đời sống trong Giáo hội". Ðó là sự từ giã cả hai phương diện ngoại giới lẫn nội tâm: thoát ly đời sống nghề nghiệp và gia đình, đồng thời phủ nhận luôn thế giới trong luân hồi sanh tử (Samsàra). Tỳ-kheo Sumangala gốc ở Sàvatthi thấy được ích lợi lớn nhất của đời Tỳ-kheo là giải thoát khỏi công việc đồng áng nhọc nhằn đau lưng mỏi cổ. Vị ấy không tự xưng mình đến gần cứu cánh giải thoát khổ đau, mà chỉ thúc giục mình nỗ lực tinh cần nhiều hơn nữa:
Tự do, ta được thoát ra,
Tự do, giải thoát khỏi ba vật này:
Cong cong, lưỡi hái, cán cày,
Bao phen xới đất cả ngày còng lưng!
Lao công nô dịch nhọc nhằn,
Dẫu đang còn đó, ta luôn nhủ lời:
"Thôi thôi, thế đã đủ rồi!
Từ nay thiền định cả đời Su-mân!
Chuyên tâm, tỉnh giác, tinh cần,
Chuyên tâm, tỉnh giác, tinh cần, Su-mân!
(Thag 43)
Cũng được giải thoát khỏi ba "vật cong cong" khác nhờ gia nhập Giáo đoàn là Tỳ-kheo-ni Muttà, một thiếu nữ bị đem gả cho một Bà-la-môn gù lưng. Ngoài sự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân và việc nội trợ tề gia, đặc biệt là việc giã ớt thành bột, nàng còn được giải thoát sanh tử:
Tự do, ta được thoát ra,
Tự do, giải thoát khỏi ba vật này:
Cong cong, cái cối, cái chày,
Cùng phu quân của ta đây lưng gù!
Thoát ly sanh tử, tự do,
Xả buông bao mối buộc ta vào đời.
(Thìg 11)
Vần kệ của Tỳ-kheo-ni Sanghà là một khúc hoan ca chiến thắng vì được giải thoát khỏi tham ái và vô minh. Bài thi kệ nhỏ này là một bằng cớ nữa cho thấy các Tăng Ni được phép diễn tả niềm giải thoát qua thi kệ:
Ta giã từ nhà, sống xuất gia,
Bỏ con, thân thuộc, đám trâu bò,
Ta đà giải thoát tham, sân hận,
Cùng với vô minh cũng quẳng xa.|
Khi nhổ dục tham cho tận gốc,
Niết-bàn an tịnh đến tâm ta.
(Thìg 18)
Tỳ-kheo Suràdha cũng diễn tả niềm vui giải thoát của mình:
Ðoạn tận từ nay gốc tái sanh,
Lời khuyên Thắng Giả đã viên thành.
Ta đà ném bỏ xa "màng lưới",
Trừ diệt sanh y đối với mình.
Cứu cánh làm ta phải bước ra,
Xuất gia, theo nếp sống không nhà,
Cuối cùng mục đích ta thành đạt,
Triền phược ta tiêu hủy bấy giờ.
(Thag 135-6)
Chúng ta bắt gặp âm điệu chiến thắng tương tự trong hàng chục bài kệ và cảm hứng ngữ khác của Kinh Tạng Pàli. Ðiều này thật dễ hiểu, vì cái gì còn có thể đè nặng lên một người đã cắt bỏ mọi mối ràng buộc trong xã hội và tâm trí, người không thiếu thốn gì cả vì không mong cầu gì cả, người tin tưởng rằng dù việc gì xảy ra chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến "mình"? Bất cứ kẻ nào giữ quan điểm như vậy cũng không thể bị việc gì làm xúc động và có lý do chính đáng để xem cảnh sống ấy của mình là hạnh phúc.
Sự tương phản giữa cuộc sống trong Giáo hội và "một thời vang bóng" xa xưa thường thường làm số Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nhớ lại quãng đời trước kia giữa thế tục. Vì vậy nhóm kệ "trước và sau" khi xuất gia trong hai tuyển tập thi kệ này của Tăng chúng và Ni chúng thật đặc biệt phong phú. Trong ví dụ điển hình sau đây, cô gái lầu xanh Vimala nhớ lại đời quá khứ của mình. Theo cách nàng diễn tả, có lẽ nàng không phải là một trong những kỹ nữ giàu sang, có học thức ở kinh đô, mà chỉ là một gái giang hồ tầm thường giữa đường phố:
Ngày xưa, kiêu mạn bởi da ngà,
Dung sắc diễm kiều, danh tiếng ta,
Tưởng tuổi xuân không hề giảm sút,
Thật ta mê muội, quá ngây thơ.
Châu báu trang hoàng cả tấm thân,
Ðiểm tô, mê hoặc đám nam nhân,
Ðợi chờ bên cửa lầu xanh ấy,
Ðặt bẫy tìm mồi, giống thợ săn.
Ta khoe mình giắt ngọc, cài vàng,
Trơ trẽn phô bày thân hở hang,
Làm đủ mọi mưu toan quyến rũ,
Ta thường cười nhạo lắm ngu nhân!
Nay trọc đầu, y phủ tấm thân,
Sống nhờ khất thực, bước lên đường,
Khi ngồi dưới một gốc cây nọ,
Ta đạt định tâm, thọ tưởng ngừng.
Mọi dây ràng buộc cả thiên, nhân,
Ta chặt đứt xong, giải thoát thân,
Lậu hoặc nhiễm ô đều diệt tận,
Tâm ta an tịnh, đạt thanh lương.
(Thìg 72-6)
Tỳ-kheo-ni Vimalà nhớ lại quãng đời đứng đường cũ với nỗi thích thú như vậy khiến người nghe các vần kệ của vị này có thể hoài nghi về sự đoạn tận lậu hoặc (àsava) ấy. Có lẽ ý tưởng được bảo đảm cho tuổi già ít ra cũng chiếm một phần nào trong ước nguyện xuất gia của vị này.
Song gây xúc động hơn và có vẻ đáng tin hơn là lời tự thuật của chính chàng trai quét đường Sunìta ở thành Ràjagaha trước kia, người được đức Phật giải thoát ra khỏi cuộc đời khốn cùng bằng cách thu nhận vào Tăng đoàn. Cũng như nhiều người đồng thời, Sunìta cảm phục sâu sắc trước nhân cách và lòng từ bi của đức Phật, nên đã xem ngài như một vị cứu tinh nhân loại:
Vốn sinh gia tộc thật bần hàn,
Khốn khó, ta thường chẳng đủ ăn,
Số phận dành cho nghề hạ tiện,
Nên ta phải quét đám hoa tàn.
Ta thường bị kẻ khác khinh khi,
Ðối xử tệ tàn, với chán chê,
Ta mất hết luôn lòng tự tín,
Cúi đầu tuân lệnh mọi người kia.
Rồi một ngày, ta gặp Phật-đà,
Vây quanh hộ tống bởi Tăng-già,
Ðại Hùnglúc ấy đang đi đến
Vương Xá, thủ đô Ma-kiệt-đà.
Ðòn gánh vội quăng, tiến lại gần,
Cúi đầu đảnh lễ thật nghiêm trang.
Bỗng nhiên đứng lại vì từ mẫn,
Ðối với ta, ngài Tối Thượng Nhân.
Quỳ dưới đôi chân bậc Ðạo Sư,
Bên ngài, ta đứng, khẩn cầu thưa:
"Xin Người Tối Thượng trên trần thế
Chấp nhận con rày được xuất gia".
Ðạo Sư từ mẫn đủ bao trùm
Thương xót ta, cùng khắp thế gian,
"Hãy đến, Tỳ-kheo!" ngài dạy bảo,
Thế là thọ giới, nhập Tăng đoàn.
Từ đó độc cư, ở giữa rừng,
Không hề giải đãi, thật tinh cần,
Chuyên tâm tu tập lời Sư phụ,
Bậc Thắng Giả khuyên nhủ phải làm.
Rồi vào canh nhất một đêm qua,
Ta nhớ nhiều đời sống thuở xưa,
Canh giữa dần trôi, Thiên nhãn trí
Ta thanh tịnh hóa tự bao giờ,
Và vào canh cuối đêm hôm ấy
Ta xé màn si ám thoát ra.
(Thag 620-27)
Trong bốn đoạn kệ nữa (có lẽ không đích thực của Sunìta), vị ấy tả cảnh khi mặt trời ló dạng, Thiên Chủ Indra và Phạm Thiên đến đảnh lễ vị ấy, nay là bậc A-la-hán, và đức Phật tuyên bố chính nhờ giữ giới hạnh nghiêm minh và điều phục thân tâm mà con người trở thành một Bà-la-môn chân chánh, chứ không phải do nguồn gốc sinh trưởng:
Lúc đêm vừa hết, mặt trời lên,
Thiên chủ Indravới Phạm Thiên,
Cùng đến bên ta, và đảnh lễ
Tôn vinh ta, vội chắp tay tiên:
"Chúc mừng ngài, hỡi bậc Cao Tăng,
Kính lễ ngài, đây bậc tuyệt trần,
Lậu hoặc của ngài đều đoạn tận,
Cúng dường xứng đáng với tôn nhân".
Khi nhìn Thiên chúng đến bên ta,
Ðảnh lễ tôn vinh, bậc Ðạo Sư
Liền mỉm miệng cười và dạy bảo:
"Ðiều thân, Phạm hạnh, với đầu đà
Nhờ đây, người trở thành thanh tịnh,
Tối thượng La-mônquả thật là !"
(Thag 628-31)
Tỳ-kheo Nàgasamàla diễn tả sự Giác Ngộ qua một bài thi kệ. Một cơ hội gặp gỡ tình cờ đã làm động lực khiến vị ấy trở thành một bậc A-la-hán:
Rực rỡ xiêm y, ngọc điểm trang,
Vòng hoa sực nức phấn chiên-đàn,
Ðứng kia, đường cái trong làng nọ,
Vũ nữ múa theo khúc nhạc vang.
Khất thực ta đi tận xóm làng,
Bước qua, chợt thấy bóng cô nàng,
Xiêm y lộng lẫy đang giăng bẫy,
Như của Ma vương, chính tử thần.
Thấy vầy, sanh khởi ở trong ta
Quán sát thâm trầm bản chất kia,
Hiểm họa dục tham vừa hiển lộ,
Ta liền chán ngán cõi Ta-bà.
Do vậy, ly tham, giải thoát tâm,
Hãy nhìn chân lý Pháp cao thâm!
Tam Minh lúc ấy ta vừa đạt,
Thành tựu vuông tròn Pháp thượng nhân.
(Thag 267-70)
Vì Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ là những bài đạo ca có mục đích gợi cảm xúc cho người nghe để tìm Chánh Ðạo đưa đến đoạn tận khổ đau, cho nên chủ đề ở đây là chính con người và ít nhắc đến thiên nhiên. Tuy thế, ta cũng thường nghe nói về các cơn mưa lớn hằng năm buộc các Tỳ-kheo phải dựng lều cho mình hoặc ẩn dật trong một tinh xá cố định để an cư mùa mưa. Nỗi lòng mong đợi mùa mưa bắt đầu được Tỳ-kheo Subhùti nêu lên thành thi kệ, vị này là em trai đại phú thương Ànathapindika. Túp lều nhỏ vị ấy dựng xong đã sẵn sàng và chính nội tâm vị ấy thật kiên cố. Vị ấy bèn bạo dạn thách thức thần mưaParjanya (trong Vệ-đà) mở các cổng nhà trời trút nước xuống:
Lều ta be bé, vui thay,
Mái lều khéo lợp, mưa ngay, xin ngài,
Tâm ta định tĩnh, thảnh thơi,
Tinh cần giữ vững, nhờ trời mưa cho !
(Thag 1)
Tất cả các bài kệ được trích dẫn trên đều ở ngôi "ta", chứ không có bài nào ở ngôi "chúng ta" cả, đây chính là đặc điểm trong thái độ căn bản của Giáo hội đức Phật. Vì mỗi người phải nỗ lực giải thoát tự thân, nên đạo Phật cốt yếu dành cho cá nhân mỗi người. Tăng chúng không phải là một cộng đồng sùng bái thần linh hay một giáo đoàn chuyên môn tế lễ, mà là một tập hợp các cá nhân trong đó mỗi người tự đi tìm cho phần mình cứu cánh giải thoát chung của mọi người bằng những phương pháp giống nhau. Khi đức Phật nhấn mạnh nhiều như trên về tình thân hữu giữa các Tỳ-kheo (SN 3. 08), chắc chắn lý do là để ngăn cản chư vị khỏi cô lập mình vì quá hướng nội.
Như vậy, tinh thần tập thể chiếm địa vị thứ yếu trong Giáo hội, sau chủ trương tự lực cá nhân. Tuy nhiên, tinh thần ấy từ trước đến nay vẫn hiện hữu. Nó được biểu lộ qua bài kệ sau đây của Tỳ-kheo Kimbila. Vốn sinh trưởng trong bộ tộc Sakiya tại quê nhà của đức Phật ở Kapilavatthu, Tỳ-kheo Kimbila dùng từ ngữ "các Thích tử" để chỉ tất cả các đệ tử được thọ giới của đức Phật, theo hai nghĩa:
Ðông Trúc Lâm, đây chúng ta an trú,
Các Sa-môn Thích tử sống tương thân,
Xưa giã từ bao của cải kim ngân,
Nay tri túc phần ăn bình khất thực.
Với kiên tâm, tinh cần, đầy nghị lực,
Ðồng tiến lên mục đích quyết không lùi,
Ðồng kính yêu Giáo Pháp, chính niềm vui,
Bao lạc thú trần gian nguyền dứt bỏ.
(Thag 155-56)
Mặc dù mỗi Tỳ-kheo phải tự chứng đạt cho phần mình sự điều phục tham, sân, si, mọi Tỳ-kheo đều là huynh đệ, là "Sa-môn Thích tử". Các nỗ lực kề vai sát cánh của chư vị kết hợp thành mối dây thân hữu và tin cậy lẫn nhau trong Giáo hội.
GIÁO HỘI VÀ GIỚI ÐỆ TỬ TẠI GIA XÉT VỀ PHƯƠNG DIỆN XÃ HỘI HỌCÐối với một Tỳ-kheo, sự gia nhập Tăng đoàn hủy bỏ mọi phân biệt giai cấp cũng như mọi con sông mất hết danh tánh khi đổ vào biển cả (AN 8. 19)*. Vì vậy, ta có thể nghĩ rằng đặc biệt các giai cấp tiện dân và vô loại khốn cùng sẽ lợi dụng việc thọ giới xuất gia để thoát khỏi hoàn cảnh hạn hẹp của mình và Giáo hội sẽ trở thành ngôi nhà cứu tế cho những người có vị trí hèn kém trong xã hội. Song chuyện ấy lại không xảy ra ở trường hợp này:Giáo hội đức Phật thu hút những giai cấp cao trong xã hội hơn là các giai cấp thấp.
Kinh Ðiển Pàli nêu danh tánh 457 nhân vật lịch sử, những người đồng thời đức Phật, tự xưng mình là tín đồ Phật Pháp: 291 Tỳ-kheo, 61 Tỳ-kheo-ni, 74 nam cư sĩ và 31 nữ cư sĩ. Chúng ta không thể xác định được giai cấp của tất cả các trường hợp ấy. Trường hợp 92 Tỳ-kheo và 22 Tỳ-kheo-ni có nguồn gốc xã hội không rõ ràng, do vậy họ không thể được đưa ra để phân tích về phương diện xã hội học. Số tu sĩ còn lại được phân theo các giai cấp khác nhau như được nêu trong Bản số 2.
Vì tùy thuộc vào nhiều hoàn cảnh tình cờ khác nhau mà danh tánh một vị nào đó có được lưu trữ trong Kinh Tạng Pàli hay không, nên ta không thể quá xem trọng con số tuyệt đối chính xác về các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thời ấy. Nhưng tỷ lệ các giai cấp của cả Tăng chúng và Ni chúng lại rất có ý nghĩa, cho thấygiai cấp Bà-la-môn chiếm đa số . Giai cấp của những người đã từng được dạy dỗ theo một mối quan tâm đặc biệt về các vấn đề tôn giáo cũng chiếm phần lớn nhất trong sự công nhận Phật Pháp, dù giáo lý này đi ngược quyền lợi củacác Bà-la-môn chuyênnghiệp tế lễ để sinh sống. Giới Bà-la-môn là những người được chuẩn bị đầy đủ kiến thức nhất để tán thán tính cách tân kỳ của Phật Pháp và sẵn sàng nhất để từ giã gia đình xuất gia theo Phật Pháp . Một danh sách trong Kinh Ðiển liệt kê "Các Ðệ Tử Xuất Chúng" (AN 1. 14) nói đến 41 vị Tỳ-kheo lỗi lạc; 17 vị trong đó (tức 41,5%) có gốc Bà-la-môn. Một kết quả tương tự cũng tìm được từ 259 Tỳ-kheo có thi kệ ghi lại trong Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ), 113 vị trong ấy (tức 44%) có gốc Bà-la-môn. Tuy nhiên, tỷ lệ số Tỳ-kheo-ni gốc Bà-la-môn lại khá thấp.
Trong khi cácKhattiyas (Sát-đế-lỵ: võ tướng, quý tộc) vàVessas (Vệ-xá: thương nhân, đại phú) chiếm địa vị thứ hai và thứ ba trong Giáo hội như vẫn được mong đợi, ta lại ngạc nhiên vì thấy số ngườiCandàlas (Chiên-đà-la: vô loại, khốn cùng)vượt hơn sốSuddas (Thủ-đà: thợ thuyền, nô lệ). Rõ ràng một số người Chiên-đà-la thực sự muốn tìm cách thoát cảnh bần hàn bất lợi về phương diện xã hội qua việc xuất gia. Thành phần này gia nhập Giáo đoàn không nhiều hơn có lẽ vì hai lý do: đặc biệt hạng người ấy thường hay bị những căn bệnh ngăn cản họ xuất gia và lại có nỗi lo ngại phải nỗ lực tu tập tâm trí gắn liền với đời Tỳ-kheo là việc xa lạ đối với họ. Những người Chiên-đà-la gia nhập Tăng chúng thường gặp khó khăn khi tìm hiểu Phật Pháp vì họ thiếu học vấn sơ đẳng. Ðáng chú ý là chính các Tỳ-kheo thuộc nguồn gốc khốn cùng luôn luôn bị đức Phật khiển trách vì đã hiểu sai lạc giáo lý. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là các nguồn gốc khiêm tốn thiết yếu gây trở ngại cho giải thoát, vì việc tu tập bản thân không đòi hỏi các khả năng học vấn theo hình thức bề ngoài.
Nhóm người ít nhất trong số các vị xuất gia là giớiSuddas (Thủ-đà). Ðiều này có các lý do đặc biệt. Các vị Thủ-đà có tài nghệ tay chân khéo léo, nên thường được kêu gọi đi lao động cưỡng bách cho nhà vua (ràjakariya) và cho xã hội nhiều hơn các hạng kia trong các công tác chuyên nghiệp như đào giếng, xây đập và dựng các công thự. Ðể duy trì công việc lao động chuyên nghiệp này, quan chức nhà vua thường cản trở các vị Thủ-đà gia nhập Giáo hội và đôi khi có lẽ đã ngăn ngừa việc họ "xuất gia" bằng những lời "đe dọa trả thù" gia đình họ.
Về phần đám người Thủ-đà làm nô lệ để sinh sống thì họ đã có những phận sự theo hợp đồng cố định rất khó thoát ra. Hơn nữa, họ còn mắc nợ chủ nhân vì những số tiền lương trả trước, và người mắc nợ thuộc về hạng người bị cấm gia nhập Giáo hội.
Các thống kê về mặt xã hội của giới tại gia đặt trên một căn bản rất hạn hẹp. Tất nhiên danh tánh các đệ tử tại gia ít được ghi vào Kinh Tạng hơn các vị xuất gia, vì vậy ta có các con số quá nhỏ không thể đánh giá chính xác được. Trong số bảy mươi bốn (74) nam và ba mươi mốt (31) nữ cư sĩ, những người đồng thời đức Phật được nhắc đến trong Kinh Ðiển, ta không biết rõ giai cấp của hai mươi hai (22) nam và mười lăm (15) nữ. Tỷ lệ các giai cấp của phần còn lại [năm mươi hai (52) nam và mười sáu (16) nữ] cũng khác nhau,
Ðiều duy nhất lộ rõ từ các bản thống kê có căn cứ nhỏ hẹp này là giới Vessa (thương nhân) được nhiều đại diện vững mạnh giữa các cư sĩ hơn trong Giáo hội, vừa chiếm vị trí ở đó, không phải thứ ba mà là thứ hai.
Từ ngàn xưa, giới thương gia đã quen tìm cách bảo đảm công việc buôn bán thành công phát đạt qua hình thức yêu cầu cử hành các tế lễ theo Vệ-đà rất tốn kém, và các Bà-la-môn chuyên nghiệp, các tế sư thông thạo, thường ra tay bóc lột khai thác nguồn lợi tức này. Nay Giáo lý đức Phật làm cho họ có thể cầu mong phát đạt theo cách rẻ tiền hơn. Các thương gia suy xét, nếu phẩm vật cúng dường các Tỳ-kheo của đức Phật đem lại công đức phước nghiệp, thì chúng cũng có thể đem lại sự "mua may bán đắt".
Tầng lớp Vessa vốn là các trái chủ, do vậy họ có những số tiền cho vay khổng lồ, nên cũng thấy giáo lý mới này hấp dẫn vì nó không cho phép đám người mắc nợ được thọ giới xuất gia (Mv 1. 46). Không giống các đoàn thể Sa-môn khác, Tăng đoàn của đức Phật không cung cấp nơi trú ẩn cho đám người tìm cách trốn chủ nợ!
Giới thương gia cũng hài lòng vì đức Phật có thiện cảm đối với các hoạt động kinh tế, ngoại trừ các nghề buôn bán vũ khí, nô lệ, súc vật, thịt sống, rượu nồng và thuốc độc (AN 5. 177). Ngài không truyền bá việc từ chối tiêu dùng hàng hóa vì mục đích khổ hạnh có hại cho kinh doanh, nhưng chỉ dạy giữ tiết độ và tự điều thân. Ngài đã đưa ra những đề nghị hợp lý đối với người thương gia thực tiễn và đạo đức thương mại. Trong một số bài thuyết giảng, ngài giải thích cho các Tỳ-kheo bằng hình thức ảnh dụ rằng chỉ có người thương gia chuyên cần làm việc sáng, chiều, tối mới có thể trở nên phát đạt (AN 3. 19). Một thương gia cần có con mắt tinh tế, nghĩa là kiến thức về hàng hóa và thị trường, trí thông minh lúc mua bán và năng lực gây niềm tin vững chắc, vì vậy các nhà tài chánh sẽ sẵn sàng cho vay tiền lấy lãi để có vốn đầu tư thêm nữa (AN 3. 20). Cách sử dụng tài sản hợp lý nhất là chia làm bốn, dùng một phần tư để sinh sống, một nửa để đầu tư kinh doanh và một phần tư để dành (DN 31. 26).
Vai trò giới thương nhân trong sự công nhận và truyền bá đạo Phật từ trước đến nay chưa được xét đến. Hơn ai hết, các thương gia là giới đệ tử giàu tiền, có khả năng cúng dường các tinh xá, đồng thời họ là số người du hành nhiều, nên chính họ truyền bá kiến thức Phật Pháp vào các miền xa xôi.Chính nhờ phương tiện vận chuyển bằng xe bò thô sơ của các đoàn thương mãi lữ hành xa xưa mà giáo lý đức Phật đã tìm đường đi khắp bốn phương trời.
Các thương gia là nhóm có thế lực nhất trong các đệ tử cư sĩ ủng hộ đạo Phật, nhưng không phải là đông nhất. Giới tại gia phát xuất từ mọi tầng lớp xã hội, vì tất cả đều rất cảm phục bậc Ðạo Sư có biệt tài hùng biện vừa là bậc Hiền triết sâu sắc. Cách thuyết giảng của ngài còn lôi cuốn họ vì nó không đem lại cảm tưởng giới tại gia là các Phật tử thứ yếu. Do các mối liên hệ xã hội, người đệ tử tại gia (upàsaka) thấy khó đạt sự buông xả nội tâm và Giải thoát khổ đau hơn người xuất gia, nhưng vị ấy vẫn có thể thực hiện được điều này. Kinh Ðiển Pàli (AN 6. 19-39) liệt kê danh sách hai mươi mốt (21) vị gia chủ trở thành A-la-hán mà chưa hề làm Tỳ-kheo bao giờ cả. Danh sách ấy không đầy đủ các vị nam A-la-hán cũng không bao gồm các nữ cư sĩ thành tựu cứu cánh này. Trong giáo lý đức Phật, phụ nữ được xem có cùng khả năng giải thoát như nam giới. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Giáo hội nhận được sự ủng hộ nhiệt tình như vậy từ các nữ đệ tử.
Thật cũng đáng cho ta điều tra số phần trăm dân chúng ở vùng "Trung Nguyên" được cảm hóa theo đạo Phật trong thời ngài tại thế. Ðáng tiếc là Kinh Ðiển Pàli không cung cấp đủ chứng cớ để giải đáp vấn đề này. Chỉ do đọc Kinh Ðiển, ta có cảm tưởng là giới Phật tử gồm khoảng từ 15 đến 20% dân chúng trong nước và vào khoảng 2 đến 3% của số ấy là Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, chứ không rõ sự thực đích xác.
ÐỨC PHẬT VÀ HỆ THỐNG GIAI CẤPMột số sách trước đây đã ca ngợi đức Phật như một nhà cải cách xã hội chống lại hệ thống giai cấp cùng với các bất công của nó. Song cách diễn tả ngài như vậy có được chứng minh không?
Ðức Phật chắc chắn không chấp nhận lời xác định của các Bà-la-môn rằng họ được sinh ra từ miệng của Phạm Thiên (Rv 10. 91. 12). Ngài nêu cho Sa-di Vasettha biết, khắp nơi ai cũng thấy phụ nữ Bà-la-môn có thai hoặc cho con bú, do vậy rõ ràng những người thuộc giai cấp này được sinh ra đời theo cách bình thường (DN 27. 3-4). Trong lúc nói điều ấy, dĩ nhiên ngài lờ đi sự thật là huyền thoại kia nhằm giải thích nguồn gốc của giai cấp Bà-la-môn, chứ không phải chỉ từng đứa trẻ Bà-la-môn riêng biệt.
Song cho dù ngài bác bỏ nguồn gốc thiêng liêng của người Bà-la-môn, và như thế tức là bác bỏ luôn toàn bộ hệ thống giai cấp, ngài vẫn tin rằng hệ thống giai cấp ấy phát xuất từ cơ chế hoạt động của toàn thế giới này.Các giai cấp được tạo điều kiện thành hình do quy luật tự nhiên về tái sanh và hạnh nghiệp, theo quy luật ấy các hành động cố ý quyết định tính chất của đời sống trong kiếp sau:
"Các loài hữu tình vừa là chủ nhân của nghiệp (kamma), vừa thừa kế nghiệp, nghiệp là thai tạng từ đó họ sinh ra, họ là quyến thuộc của nghiệp, vừa cư trú trong nghiệp của mình. Nghiệp phân chia các loài hữu tình thành các hạng hạ liệt và ưu thắng"(tức là các hình thái tái sinh và các giai cấp cao thấp). (MN 135. 3)
Sự bất bình đẳng giai cấp là kết quả nghiệp quá khứ; mỗi người đều tạo được vị trí xã hội riêng do nghiệp.Theo quan điểm của đức Phật về thế giới, nổi dậy chống lại hệ thống giai cấp là điều vô nghĩa cũng như vô ích.
Ngoài ra, dân chúng ở vùng "Trung Nguyên" không cảm thấy hệ thống giai cấp quá đè nặng lên cuộc sống. Các giai cấp chính (vanna) và các tiểu giai cấp (jàti) họp thành một tôn ti trật tử về địa vị và nghề nghiệp phát xuất từ sự phân chia sức lao động trong đó giới trí thức - vì lý do lịch sử phần lớn đều là lớp hậu sinh của những đám ngoại xâm gốc Indo-Aryan da trắng - chiếm các địa vị cao. Hệ thống giai cấp tập họp quần chúng lại theo cách sinh nhai và giáo dục, ví dụ một bé trai được mong chờ sẽ nối nghiệp cha và về sau sẽ kết hôn với người trong giai cấp mình. Song không ai bị bắt buộc phải nối nghiệp cha hoặc chấp nhận mối hôn nhân cùng bộ tộc cả.
Những thành phần trong hai giai cấp thấp kém (Vệ-xá và Thủ-đà) cũng không phải là không thể vươn cao trong xã hội. Bất kỳ ai tạo được tài sản hay thế lực chính trị đều có thể vượt lên khỏi nguồn gốc của mình và được công nhận, nếu không phải cho mình thì ít ra cũng cho con cháu mình, làm thành phần của giai cấp hoặc tiểu giai cấp cao hơn.Thời đức Phật còn quá xa sự khắt khe mà hệ thống giai cấp mang nặng vào thời Trung Cổ của Ấn Ðộ giáo, và cũng còn xa cách đối xử độc ác tàn nhẫn với những người làm công việc dơ bẩn bị đuổi ra khỏi xã hội như những kẻ "không thể tiếp xúc được".
Giữa bốn giai cấp, các Sát-đế-lỵ (võ tướng, quý tộc) thuộc giai cấp cao nhất, còn cao hơn các Bà-la-môn, sự kiện ấy được đức Phật và hầu hết dân chúng vùng "Trung Nguyên" xem là vấn đề dĩ nhiên. Thậm chí nhiều Bà-la-môn cũng không ngần ngại thừa nhận các Sát-đế-lỵ là tầng lớp cao nhất, mặc dù cuộc tranh chấp dành ưu thế tối cao giữa các tầng lớp này đã bắt đầu và đã tiến về miền Tây với thắng lợi của các Bà-la-môn. Một đặc điểm trong thời kỳ chuyển tiếp là thanh niên Bà-la-môn Ambattha, khi nói với đức Phật, đã đề cập tôn ti trật tự các giai cấp từ trên xuống dưới là:Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Vệ-xá, Thủ-đà , nhưng rồi ngay sau đó, lại xác nhận rằng cả ba giai cấp kia ra đời cốt để phục vụ các Bà-la-môn (DN 3. 1. 15)..
Cách người Bà-la-môn nhìn mình ra sao xuất hiện rõ ràng trong lời nói của Sa-di Vàsettha gốc Bà-la-môn, vị này kể lại với đức Phật về những lời lăng mạ mà vị ấy phải chịu đựng khi gia nhập Tăng-già:"Các Bà-la-môn bảo: ‘Giai cấp Bà-la-môn là cao nhất ... chỉ riêng Bà-la-môn là da trắng, mọi người khác đều da đen. Chỉ một Bà-la-môn có thể thành thanh tịnh, các người khác không thể. Chỉ các Bà-la-môn là con của Phạm Thiên...’". (DN 27. 3)
Một trong các lý luận mà các Bà-la-môn cố dùng để tạo thành kiến cho các người đồng đẳng cấp chống đối Sa-môn Gotama làngài công nhận sự thanh tịnh của cả bốn giai cấp. (MN 93. 2)
Ðức Phật phản bác không phải chính hệ thống giai cấp trong bản chất của nó, mà là thái độ giả tạo trong tâm con người trước những thành phần thuộc giai cấp khác. Ngài chống đối sự kiêu mạn của các Bà-la-môn và quan niệm cho rằng sự tùy thuộc vào giai cấp có liên hệ với giá trị nhân cách của mỗi người. Hàng chục lần ngài nhấn mạnh là những sự phân biệt giữa mọi người trong xã hội không phát xuất từ sự khác nhau nào trên căn bản nhân cách. Tất cả bốn giai cấp đều có khả năng giải thoát khổ đau, cũng như từ bốn ngọn lửa có các loại nhiên liệu củi gỗ khác nhau vẫn bùng lên bốn ngọn lửa giống nhau (MN 90. 24). Bất kể ở giai cấp nào, tất cả mọi người đều phải đọa địa ngục vì ác nghiệp của mình. Cũng vậy, tất cả đều có khả năng phát triển phước nghiệp và từ tâm (MN 93. 10).
Một biện pháp khôn ngoan của đức Phật là chống đối sự kiêu mạn về nguồn gốc sinh trưởng của giai cấp Bà-la-môn, đồng thời lại tỏ ra kính trọng tinh thần cao quý của giai cấp Bà-la-môn bằng cáchchuyển ý nghĩa từ "Bà-la-môn" thành một quan niệm đạo đức. Ngài tuyên bố rằng một con người là Bà-la-môn không phải do nguồn gốc sinh trưởng, mà do cách xử thế đáng kính và phẩm hạnh đạo đức. Dù con người thuộc giai cấp nào đi nữa, bất cứ ai đã tu tập sự điều thân cần thiết đều xứng danh Bà-la-môn.
Có lần ngài thấy một số Tỳ-kheo trưởng thượng xuất thân từ giai cấp Sát-đế-lỵ đến gần, ngài gọi:"Hãy đến đây, các Bà-la-môn!" và khi nghe một Tỳ-kheo đứng đó có gốc Bà-la-môn hỏi ý nghĩa, ngài đáp:
Diệt trừ mọi ác pháp,
Thánh đạo bước tinh cần,
Tỉnh giác, ly triền phược,
Ðấy chính Bà-la-môn.
(Ud 1. 5)