TĂNG CHÚNGI.- CĂN BẢN PHÁP LÝ:Là con vua, thái tử Siddhattha đã sinh trưởng trong một gia đình mà vấn đề chính trị và luật pháp là các đề tài tranh luận hằng ngày. Ngài đã tham dự hằng chục kỳ họp hội đồng bộ tộc và hiện diện tại nhiều phiên xử án. Do vậy ngài đã thu thập kiến thức rộng lớn về các vấn đề luật pháp. Mặc dù chính trị và pháp lý không phải là trọng tâm đối với tư duy của ngài, lối tư duy cốt yếu liên hệ đến các vấn đề triết học, tuy nhiên ngài vẫn thông hiểu luật pháp hơn bất cứ đạo sư thủ lãnh các giáo phái khác thời bấy giờ, và kiến thức này đã hỗ trợ ngài rất nhiều trong việc củng cố Giáo hội thêm vững mạnh.
Có hai phương diện luật pháp cần thiết lập quy chế điều hành: đó là tương quan giữa Tăng chúng với quốc gia, xã hội, và nội quy của Tăng chúng, nội quy này tạo thành một bộ luật về nghi thức xử thế dành cho Tăng Ni và yêu cầu trừng phạt đối với các sự vi phạm.
Các quốc vương thời ấy tôn trọng các Giáo hội (Gana hay Sangha) như những đoàn thể tự trị có bộ luật riêng biệt nằm bên ngoài công lý thế gian. Vua Bimbisàra ở Magadha đã ban hành những huấn thị công khai cho đám quần thần không được thi hành sự gì chống lại các Tỳ-kheo trong Giáo hội đức Phật khi chư vị vi phạm lỗi lầm (Mv 1.42. 1). Hai vụ án được ghi lại trong Kinh Tạng Pàli đã chứng minh sự miễn trừ xét xử theo pháp luật ở thế gian này.
Một phụ nữ bộ tộc Liccavi can tội ngoại tình và khi chồng bà phát giác sự việc thì được hội đồng bộ tộc cho phép giết bà ta, vì thế bà vội chạy trốn đến Sàvatthi, đem theo vài món đồ vật có giá trị và đã tìm cách mua chuộc để được nhận vào Giáo hội Tỳ-kheo-ni của đức Phật. Ngay sau đó chồng bà ta kháng cáo lên vua Pasenadi, song nhà vua quyết định rằng nay bà ta đã trở thành Tỳ-kheo-ni, thì không còn biện pháp nào có thể truy tố bà ta được nữa (Sv Vin IV p.225).
Vụ án thứ hai là Tỳ-kheo Dhaniya muốn xây cho mình một am thất nên đã lấy vài tấm ván trong kho gỗ của vua Bimbisàra và bảo người thủ kho rằng mình đã được phép đặc biệt của vua. Vụ này được đưa ra trước triều vua Bimbisàra ở Ràjagaha. Nhà vua tuyên bố rằng lệnh vua trước kia cho phép chư Tăng đã nêu rõ ràng đối với loại gỗ chưa chặt khúc còn nằm trong rừng, Tỳ-kheo Dhaniya hoàn toàn ý thức việc này và vì tội lừa dối ấy đáng bị đánh đòn, giam tù hay tống xuất khỏi xứ. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh tu hành của vị ấy, vua Bimbisàra quyết không áp dụng hình phạt nào cả và chỉ cho bị can vài lời cảnh cáo nghiêm khắc mà thôi.
Không bao lâu sau đó, vụ này lại được đức Phật tái xét xử, ngài kết án Tỳ-kheo Dhaniya vào tội dành cho trộm cắp -tức là khai trừ khỏi Giáo hội. (Sv Vin III pp. 42.)
Việc miễn cho Tăng chúng khỏi bị luật pháp thế gian xét xử phải chấm dứt khi nó va chạm đến vấn đề an ninh quốc gia. Các quốc vương không cho phép các Giáo hội trở thành nơi trú ẩn đối với những ai còn có bổn phận phải phục vụ tổ quốc. Do vậy vua Bimbisàra thỉnh cầu đức Phật cấm truyền giới cho binh sĩ, bởi vì bọn họ đã trốn đi tìm sự che chở của Giáo hội khi nhà vua muốn đưa họ đi tác chiến do tranh chấp biên giới. Nhà vua đưa ra lời yêu cầu theo cách thân hữu nhưng không phải là không nhấn mạnh và đức Phật chấp thuận ngay lập tức. Các vị cố vấn luật pháp của vua đã khuyến cáo ngài rằng chỉ một Tỳ-kheo duy nhất hoặc một nhóm Tỳ-kheo nào truyền giới xuất gia cho các nam nhân đang phải phục vụ quân đội với mục đích kéo họ ra khỏi phận sự hiện hành sẽ bị hình phạt chặt đầu, cắt lưỡi hoặc đánh gãy sườn. (Mv 1.40)
Làm suy yếu lực lượng quân sĩ được xem là một trọng tội mà người tổ chức việc ấy không thể nào thoát khỏi hình phạt cho dù đang ở địa vị Tỳ-kheo đi nữa.
Các Giáo hội cũng được canh phong chặt chẽ để bảo đảm sự tuân hành chế độ chính trị của họ. Bất kỳ hình thức tranh luận nào, chứ chưa nói đến hành động, chống đối quốc gia là điều mà các đại vương và quốc trưởng quyết không dung thứ. Vua chúa duy trì nhiều mạng lưới mật thám và tình báo bao trùm khắp nơi xâm nhập vào các Giáo hội và nhanh chóng báo cáo bất cứ việc gì có thể hại đến quốc gia. Vua Pasenadi có lần đã miêu tả cho đức Phật thấy mạng lưới mật vụ này hoạt động như thế nào (SN 3. 2. 1). Ai cũng biết không có gì cách biệt giữa nhà nước và Giáo hội đức Phật cả.
Trái lại, đức Phật đã đáp ứng trọn vẹn mọi ước mong của các đại vương ở Magadha và Kosala hoàn toàn không phải vì quyền lợi giai cấp và nguồn gốc sinh trưởng của ngài chút nào. Ngài chỉ thị chư Tăng tuân lệnh các vị vua (Mv 3. 4. 3) và tránh chuyện chính trị. Cho dù chư vị nào có nguồn gốc quý tộc cũng không được phép phát biểu trước hội chúng. Ngài còn dạy giới cư sĩ tại gia thi hành nhiệm vụ đối với quốc gia, xã hội và sống hòa hợp cùng nhau. Việc nâng cao mức sống của dân chúng là vấn đề của quốc vương và chính quyền địa phương; còn phận sự của Tỳ-kheo là nỗ lực tu tập để tự giải thoát cho mình. Hoạt động xã hội, tức tham gia vào việc thế tục, là một trở ngại cho nhiệm vụ của vị ấy.
Nhờ đức Phật định rõ giới hạn các phạm vi hoạt động nên mối tương quan tam giác sớm được thiết lập giữa nhà vua, Tăng đoàn và giới tại gia: quần chúng ủng hộ Tăng đoàn bằng cách bố thí cúng dường, và ủng hộ quốc vương bằng cách trả đủ thứ thuế. Ðức Phật và Giáo hội khuyến nhủ vua trị dân công bằng và khuyên nhủ dân chúng sống hòa hợp trật tự. Nhà vua bảo tồn an ninh cho xứ sở, cai trị công bằng vô tư và cung cấp các điều kiện vật chất cho dân chúng đầy đủ để tất cả mọi người đều có khả năng bố thí cúng dường. Nhà vua đã có cơ hội đặc biệt phi thường để tạo nhiều phước đức hơn quần chúng bằng cách xây dựng các công viên, đập nước, hồ chứa nước, giếng nước và nhà ở (SN 1. 5. 7).
Mặc dù sự lạm quyền của vua quan thường xảy ra và một số Tỳ-kheo quá yêu sách lúc đi khất thực, phần đông quần chúng cũng khá hài lòng với những công việc mà đại vương và Tăng chúng thực hiện, cho nên họ đã không nổi dậy chống lại nhà nước hay Giáo hội. Ta có thể nói là quần chúng không cảm thấy bị bóc lột hay làm nạn nhân của một chế độ bất công. Quả thực thỉnh thoảng người ta nghe được những tiếng nói cất lên phản đối các "khất sĩ lười biếng", các "Sa-môn nhàn cư", song những việc này chỉ là kết quả của nỗi bực bội chốc lát chứ không phải do lòng oán ghét chung đối với đời sống tu hành.
Khuôn mẫu được đức Phật chấp nhận làm cơ cấu tổ chức Giáo hội là khuôn mẫu các nước cộng hòa phía Bắc sông Hằng. Sau khi được nuôi dưỡng lớn khôn ở chính trung tâm quyền lực của một nền cộng hòa như vậy, ngài đã từng quen thuộc với hệ thống thảo luận trong phòng hội đồng từ thuở thơ ấu, và xem đây là việc đương nhiên đối với chư Tăng. Chính ngài, nhà lập pháp và lãnh đạo Giáo hội, cũng giống như quốc vương một nước cộng hòa, tuy chỉ có điểm khác biệt là ngài không cần phải được bầu cử, mà vì ngài là người sáng lập Giáo hội, tất nhiên ngài đứng vào vị thế lãnh đạo.
Kề cận bậc Ðạo Sư, các chức vụ thủ lãnh Giáo hội được hai vị đại đệ tử của ngài đảm trách, là tôn giả Sàriputta và Moggallàna. Hai vị này có ảnh hưởng lớn đối với Tăng chúng không phải vì được chỉ định chính thức vào các chức vụ trên mà nhờ các khả năng trí tuệ. Hai vị không có quyền ban lệnh cho chư Tăng, nhưng Kinh Ðiển không ghi lại trường hợp một Tỳ-kheo nào không tuân hành các đề nghị của hai vị cả. Theo thời gian, một ban lãnh đạo phát triển trong Tăng chúng, gồm chư vị trưởng lão có hạ lạp cao và những vị được xem là đã đắc quả A-la-hán. Giai đoạn chứng đắc viên mãn này bao giờ cũng phải do nhiều người khác công nhận, vì một Tỳ-kheo không được phép nói về các sự chứng quả của chính mình. Chỉ trong thi kệ chư vị mới được phép ca tụng những nỗi hân hoan an lạc nhờ giải thoát.
Ban đầu, những quyết định quan trọng đều do toàn thể hội chúng thông qua; nhưng về sau, khi Giáo hội quá rộng lớn không thể cùng làm việc này được, thì mọi việc phải do Tăng chúng địa phương quyết định. Trong khi ở các phòng hội đồng của các nước cộng hòa chỉ có những vị thuộc giai cấp quý tộc võ tướng (Sát-đế-lỵ) được phép phát biểu, thì trong các cuộc họp Tăng chúng, bất cứ Tỳ-kheo hay Sa-di nào cũng được quyền trình bày ý kiến mình. Thời ấy không có bầu phiếu; vấn đề được thảo luận cho tới khi mọi người đạt một thỏa hiệp.
Bất cứ khi nào do phe đối lập thay đổi ý kiến hoặc chỉ vì quá mệt nhọc, không còn ai đưa ra ý kiến phản đối gì thêm nữa, thì vấn đề ấy được xem là đã ổn định. Sự im lặng của toàn thể được xem là đồng ý. Tuy nhiên, nguyên tắc thỏa hiệp này không phải khi nào cũng có hiệu lực, như ta đã thấy trong trường hợp tranh cãi của Tăng chúng ở Kosambì, Giáo hội liên tục chia hai phe mà không đạt được thỏa hiệp nào cả.
Ta có thể thấy tầm quan trọng của các cuộc hội họp Tăng chúng cùng vai trò lãnh đạo của chư Tỳ-kheo trưởng thượng như thế nào đối với sự trường tồn của Giáo hội dưới mắt đức Phật qua những lời ngài dạy Tăng chúng ở Ràjagaha. Khi tôn giả Ànanda triệu tập Tỳ-kheo lại theo lời ngài huấn thị, ngài bảo chư vị như sau:
"Này các Tỳ-kheo, ta sẽ giảng cho chư vị Bảy Ðiều Kiện An Lạc của Tăng chúng. Hãy lắng nghe và khéo tác ý.
· Bao lâu chư Tỳ-kheo thường xuyên hội họp đông đủ, Tăng chúng sẽ hưng thịnh chứ không suy thoái.
· Bao lâu chư vị hội họp trong hòa hợp, quyết định trong hòa hợp và thực hành phận sự trong hòa hợp, ...
· Bao lâu chư vị không thiết lập những điều lệ mới và không hủy bỏ những điều lệ đã được ban hành, mà tuân thủ đúng theo Giới Luật,...
· Bao lâu chư vị tôn sùng, quý trọng và lắng nghe những bậc trưởng lão đầy kinh nghiệm đã thọ giới từ lâu, các vị cha giáo huấn của Tăng chúng,...
· Bao lâu chư vị không chịu tác động của tham ái đưa đến tái sanh ...
· Bao lâu chư vị chuyên tâm thích thú độc cư thiền tịnh, ...
· Bao lâu chư vị tu tập chánh niệm khiến những bạn đồng chí hướng muốn đến với chư vị, và những bạn đã đến sẽ thấy an lạc, ...
Bao lâu chư Tỳ-kheo duy trì Bảy Pháp này, thì Giáo hội sẽ hưng thịnh, chứ không suy thoái".(DN 16. 1. 6 giản lược)
Bộ luật thiết lập các giới điều của Giáo hội và cách xử phạt khi có vi phạm gọi là Luật Tạng (Vinaya Pitaka) tức là "Giỏ Giới Luật". Hình thức hiện nay của bộ luật này gồm năm quyển là sản phẩm của thời kỳ về sau, song hầu như chắc chắn là nội dung bộ luật rất cổ và đa số các giới điều và quyết định đều phát xuất từ chính đức Phật.
Mỗi điều luật thể hiện một kết luận của đức Phật Gotama về một vụ xử kiện đặc biệt nào đó. Do vậy,Luật Tạng không phải là một bộ luật được thiết lập theo hệ thống, mà là kết quả của phán quyết dựa trên các vụ xử lý được thâu thập lại . Upàli là vị đại đệ tử của đức Phật chuyên trách ghi nhớ các quyết định về Giới Luật của bậc Ðạo Sư, mặc dù khi làm như vậy, vị ấy đã biến một số sự việc chỉ có ý nghĩa tạm thời trở thành vĩnh viễn bất di bất dịch.
Nguồn gốc Giới Luật không theo hệ thống này có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong Luật Tạng. Giới Bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pàtimokkha) được trích ra từ phẩm Kinh Phân Biệt (Suttavibhanga) trình bày bộ luật xử thế cùng các sự phạm giới của Tăng chúng, gồm có bốn lãnh vực: các sự phạm giới của Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đối với người, vật, Giáo hội và Giáo Pháp. Tuy nhiên, các sự phạm giới ấy được sắp đặt không theo hệ thống trên, mà tùy theo mức độ trầm trọng của hình phạt hay khiển trách dành cho sự bất tuân luật lệ. Do vậy phát sinh bảy loại giới điều hỗn hợp rất đa dạng trong khi loại thứ tám lại đưa ra phương pháp dàn xếp các tranh chấp.
· Các giới Pàràjika(Ba-la-di) là những điều lệ mà nếu vi phạm sẽ bị xử phạt bằng cách tẩn xuất khỏi Giáo hội. Ðối với Tỳ-kheo, có bốn tội phạm giới Pàràjika: (1) hành dâm, (2) đạo tặc, (3) sát nhân, (4) đại vọng ngữ (tự xưng đã chứng đắc các quả vị hoặc thần thông).
Ðối với Tỳ-kheo-ni, có tám (8) sự phạm giới ấy. Pàràjika có nghĩa là "thất bại", vì phạm tội Ba-la-di chứng tỏ rằng Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy thất bại trong sự nghiệp tu tập của mình.
· Sanghàdisesa(Tăng-già bà-thi-sa) (nghĩa là: "yêu cầu hội họp Tăng chúng"): sự vi phạm các giới này khiến người có tội phải thú nhận trước một cuộc họp Tăng chúng, và hình phạt dành cho việc này, nếu đưa ra thi hành, phải được hội nghị xác nhận. Hình phạt thông thường là tạm đình chỉ các quyền lợi của người có tội. Ðối với Tỳ-kheo có mười ba (13) giới điều và Tỳ-kheo-ni có mười bảy (17) giới đều loại này.
· Aniyatà(nghĩa là: "bất định, phải được quyết định") những sự vi phạm giới này là những trường hợp cần phải được điều tra để quyết định xem chúng thuộc loại 1, 2 hay 5, và cách xử phạt khác nhau tùy theo đó.
Có hai (2) trường hợp vi phạm đối với Tỳ-kheo.
· Nissaggiya-Pàcittiya(Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề) (nghĩa là: cần phải chuộc tội bằng cách đền bù lại): sự phạm giới này là một tội cần phải được thú nhận trước đại hội, trước Tăng chúng địa phương hoặc với một vị Tỳ-kheo. Ðây là cách chuộc tội. Các giới thuộc loại này liên hệ đến đồ vật sở hữu của một Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni (y, bát v.v...) mà người phạm tội phải đền bù lại, có ba mươi (30) giới cho cả Tăng chúng lẫn Ni chúng.
· Pàcittiya(Ba-dật-đề) ("cần phải chuộc tội"): Ðây là các Giới Luật của Tăng già, nếu vi phạm chúng là bất tịnh, cần phải chuộc tội bằng cách thú nhận trước hội chúng hay trước một Tỳ-kheo. Có chín mươi hai (92) giới dành cho Tỳ-kheo và một trăm sáu mươi sáu (166) giới cho Tỳ-kheo-ni.
· Pàtidesaniya(Ba-la-đề-xá-ni) ("cần phải thú nhận") Ðây là những giới mà nếu vi phạm thì phải ăn năn sám hối thú nhận trước Tăng chúng. Có bốn giới (4) loại này dành cho chư Tăng và tám (8) giới dành cho chư Ni.
· Sekhiyà("các quy tắc xử thế")*: đây chỉ là các phép cư xử lịch sự của chư Tăng Ni về y phục, thái độ lúc đi khất thực, ẩm thực, vệ sinh cá nhân. Không có hình phạt chính thức nào dành cho việc vi phạm. Có bảy mươi lăm (75) giới như vậy dành cho cả Tăng Ni.
· Adhikarana("ổn định tranh chấp": diệt tránh) là các giới liên hệ đến cách ổn định các mối tranh chấp và loại trừ các sự sai biệt về ý kiến. Có bảy (7) hình thức ổn định được đưa ra.
Một sự khảo cứu kỹ lưỡng các Giới Luật này chứng tỏ rằng đa số đều thông thường đối với Bà-la-môn giáo cũng như phong trào Sa-môn và sau đó được Giáo hội đức Phật chấp nhận mà thôi. Truyền thống khổ hạnh ở cổ Ấn Ðộ và các mục tiêu của Giáo hội khiến ta dễ hiểu các Giới Luật liên hệ hành vi thái độ về tính dục. Tuy nhiên số giới điều và tính cách chi tiết của kỷ luật tính dục thật nổi bật khác thường, cũng như tính cách nghiêm khắc của các hình phạt dành cho sự vi phạm. Chúng ta còn đặc biệt quan tâm đến số Giới Luật bao quát nhiều phạm vi xử thế lịch sự nhã nhặn trong xã hội. Ðiều ấy chứng tỏ rằng đức Phật không chỉ chú trọng làm cho Giáo hội của ngài được công chúng chấp nhận nhờ cách cư xử tốt đẹp của mỗi thành viên trong đó, mà còn cho thấy một số Tỳ-kheo cần phải được huấn luyện căn bản về hành vi cử chỉ thông thường.
Việc đề nghị áp dụng hai trăm hai mươi bảy (227) giới cho Tỳ-kheo và ba trăm mười một (311) giới cho Tỳ-kheo-ni trích từ Phẩm Kinh Phân BiệtSuttavibhanga của Luật Tạng (Vinaya) để làm nghi thức sám hối lỗi lầm thời ấy đã gián tiếp do Ðại vương Bimbisàra ở Magadha yêu cầu đức Phật. Nhà vua nhận thấy giới Sa-môn khất sĩ không thuộc Phật giáo vẫn thường xuyên tập họp để truyền tụng giáo lý của họ và những cuộc họp như vậy đã thu hút một số đông quần chúng hiếu kỳ. Nhà vua bèn khuyến khích đức Phật tổ chức tập họp định kỳ tương tự và bậc Ðạo Sư lập tức chỉ thị việc này cho Tăng chúng (Mv 2. 1).
Từ đó về sau, chư Tăng hội họp vào ngày mười bốn hoặc mười lăm âm lịch (lúc trăng tròn), cũng như vào ngày thứ tám thượng tuần (trăng non) và hai mươi ba hạ tuần (trăng khuyết), chư vị tĩnh tọa thật yên lặng. Tuy thế dân địa phương lại chế ngạo hội chúng ngồi như "lợn câm". Do đó đức Phật ra lệnh cho chư vị đàm luận Giáo Pháp lúc hội họp (Mv 2.2). Về sau ngài nêu rõ điều lệ là chư Tăng phải tụng Giới Bổn (Mv 2. 3) nhưng không quá hai lần mỗi tháng. Có lẽ bộ Luật Tạng thời ấy chưa hoàn tất, do đó ngắn gọn hơn bây giờ.
Ðức Phật ban huấn thị chính xác về cách tụng Giới Bổn này phải được thực hiện như thế nào:
Giáo hội phải được một vị Tỳ-kheo trưởng lão nhiều kinh nghiệm, đa văn, có trí tuệ thông báo:"Bạch chư tôn giả, xin hãy lắng nghe tôi. Hôm nay là ngày mười lăm (rằm âm lịch), vậy đó là ngày Trai Giới (Uposatha: Bố-tát). Nếu hội chúng đồng ý thì hãy thực hành Giới Luật và tụng Giới Bổn Pàtimokkha.
Bổn phận đầu tiên của Tăng chúng là gì? Ðó là phải xác định chắc chắn rằng Hội chúng hoàn toàn thanh tịnh (nghĩa là không ai ngoài hội chúng lọt vào đó).
Bây giờ tôi xin đọc Giới Bổn Pàtimokkha, trong khi chư vị hiện diện lắng nghe kỹ lưỡng và khéo tác ý. Nếu vị nào vi phạm một lỗi lầm, xin vị ấy phải lập tức (ngay khi lỗi lầm ấy được nêu ra) phát lộ nó. Vị nào không phạm lỗi gì phải giữ im lặng. Qua sự im lặng ấy tôi sẽ biết chư tôn giả đều thanh tịnh (= không lỗi lầm). Ngay khi cá nhân nào được hỏi, vị ấy sẽ trả lời, vậy bất cứ Tỳ-kheo nào phạm lỗi đều phải trả lời khi Giới Bổn được đọc lên trong hội chúng này ba lần. Bất cứ vị nào tránh né phát lộ một lỗi lầm do mình vi phạm sẽ mang tội cố ý nói dối. Bạch chư tôn giả, cố ý nói dối được đức Thế Tôn gọi là một chướng ngại cho sự giải thoát, vậy bất cứ vị nào đã phạm lỗi mà chưa phát lộ, nhưng lại muốn tẩy sạch tội lỗi, thì cần phải phát lộ nó ngay. Phát lộ tội lỗi sẽ là một niềm an ủi cho vị ấy".(Mv 2. 3. 3)
Sau phần giới thiệu này, cách thú nhận tội lỗi (sám hối) được nêu ra và ai hiện diện đều được cơ hội nhận lỗi lầm. Tập quán tụng Giới Bổn vẫn được duy trì trong các tu viện Phật giáo cho đến nay.
Việc tụng nghi thức sám hối tội lỗi định kỳ này không giống như các cuộc họp Tăng chúng, vì các cuộc họp này nhằm mục đích xem xét các biện pháp cần ứng dụng. Các cuộc họp ấy được triệu tập khi cần thiết và hoàn toàn có tính cách quản trị hành chánh. Còn về phương diện khác, các nghi thức hành trì Giới Bổn vào ngày Bố-tát (Trai Giới) là những buổi lễ giải tội trang nghiêm và tịnh hóa bản thân theo Giới Luật.
II.- ÐỜI SỐNG CỦA TỲ-KHEOVì Tăng chúng của đức Phật thuộc về phong trào Sa-môn thành lập vào thế kỷ thứ sáu trước CN như một hình thức thay thế tế lễ của Bà-la-môn giáo, nên hiển nhiên là hội chúng này mang những đặc tính của nếp sống Sa-môn: độc cư (không kết hôn), không tài sản, du hành không nhà cửa, sống nhờ khất thực. Tuy nhiên, các Giới Luật cần phải được thiết lập liên hệ đến các vấn đề trên, hoặc trước kia chưa được ấn định rõ ràng trong các giáo phái Sa-môn cũ, hoặc đối với các vấn đề trên, Giáo hội đức Phật theo một đường lối khác biệt.
Những lời giáo huấn của đức Phật về hành vi thái độ của chư Tăng không chỉ chứa đựng trong Luật Tạng (Vinaya Pitaka), mà xuyên suốt Kinh Tạng Pàli. Ngay khi về già, đức Phật cũng không ngừng quan tâm huấn luyện chư Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nỗ lực đoạn trừ tham ái là nguyên nhân khổ đau và giáo hóa chư vị trong cách xử thế chân chánh giữa đời. Vì tin rằng dư luận có thiện cảm thuận lợi của quần chúng là điều quan trọng đối với việc truyền bá Giáo Pháp, nên ngài luôn sẵn sàng thay đổi hoặc hủy bỏ những quy luật gây nên những phê bình bất lợi.
Một ví dụ điển hình là lời ngài dạy về phép lịch sự lúc hắt hơi. Có lần, đang lúc ngài thuyết giảng, ngài hắt hơi và bị quấy rối vì chư Tăng làm gián đoạn bài Pháp của ngài với lời chúc lành:"Kính chúc Thế Tôn trường thọ!". Do đó ngài bảo về sau chư vị đừng dùng câu nói này hoặc đáp lại nó nữa. Tuy thế, chẳng bao lâu, lại hóa ra là giới cư sĩ tại gia thốt lời chúc lành một vị Tỳ-kheo hắt hơi tưởng rằng vị ấy bất lịch sự không biết đáp lễ. Vì vậy đức Phật rút lui lệnh ấy và cho phép chư Tăng đáp lại lời chúc lành với câu tùy hỉ thường lệ:"Chúc quý vị trường thọ!. (Cv 5. 33. 3)
Lúc nào ngài cũng sẵn sàng nhận những lời đề nghị đặt các điều luật mới dù chúng phát xuất từ phía nào đi nữa. Quả thật, ngoài chư Tăng, còn nhiều cư sĩ tại gia, bao gồm vua Bimbisàra, y sĩ Jìvaka, ông Anàthapindika, và bà Visàkhà giúp ngài thành lập Giới Luật của Giáo hội bằng cách đưa ra những đề nghị hợp lý.
Theo lời đề nghị của y sĩ Jìvaka, người được vua Bimbisàra chỉ định làm y sĩ chính thức của Tăng chúng, những ai bị bệnh phong cùi, mụt nhọt, chốc lở, lao phổi và động kinh đều không được phép gia nhập Giáo hội (Mv 1. 39). Bằng cách này những người mắc bệnh trên bị ngăn cấm xuất gia với mục đích được y sĩ Jìvaka chữa trị miễn phí! Các nguyên nhân khác không được chấp nhận xuất gia là trường hợp những người thiếu nam căn (Mv 1. 61), người lưỡng tính (Mv 1. 68), người què chân, cụt tay, mặt mày méo mó, lưng gù, lùn hoặc có bướu cổ, chân khập khễnh, già yếu, mù, điếc hay người bị bệnh phù voi, giun chỉ do muỗi truyền bệnh đặc biệt ở các vùng trồng lúa (Mv 1. 71). Các luật lệ này nhằm bảo đảm Giáo hội khỏi trở thành nhà dưỡng bệnh cho những người mất khả năng ở ngoài xã hội.
Cũng bị ngăn cấm xuất gia là đám binh sĩ hiện đang phục vụ nhà vua, đám tù nhân trốn trại hoặc bị đội cảnh vệ truy nã, những kẻ bị trừng phạt bằng roi gậy, bị đóng dấu sắt nung và đám nô lệ (Mv 1. 40. 7). Ngoài ra luật không cấm hẳn, song không xem người lớn tuổi gia nhập Giáo hội là thuận lợi vì người già hiếm khi có đủ các đức tính cần thiết cho một Tỳ-kheo (AN 5. 59. 60).
Khi truyền giới xuất gia, đức Phật cũng không quan tâm đến số phận của gia đình họ, cho dù vị giới tử là người đang cấp dưỡng gia đình. Ngài xem chuyện tất nhiên là đại gia đình sẽ chăm sóc người "sương phụ của Tỳ-kheo" và bầy con trẻ. Nếu không, gia đình ấy cũng phải chịu đựng nỗi khó khăn. Theo sự đánh giá của ngài, những nỗi gian lao vất vả thoáng qua trong gia đình chẳng đáng kể gì so với giá trị giải thoát vĩnh cửu.
Ðiển hình cho thái độ không khoan nhượng của ngài là lời ngài tán thán Tỳ-kheo Sangàmaji (mà sau này chư Tăng phổ thành thi kệ). Tỳ-kheo Sangàmaji đã đến Sàvatthi yết kiến đức Thế Tôn, và khi nghe được tin này, vợ cũ của vị này cũng vội vã đến Sàvatthi với đứa con thơ của họ. Trong khi vị Tỳ-kheo đang ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây ở Jetavana, bà vợ đi đến gần bảo:"Này Sa-môn, hãy săn sóc thiếp và con thơ của hai ta!" . Nhưng Tỳ-kheo Sangàmaji không nhúc nhích! Lần thứ hai, rồi thứ ba, bà vợ nói với vị ấy cũng không kết quả gì. Giận dữ, bà vợ đặt đứa con xuống chân vị này và bảo,"Này Sa-môn, con trai của ngài đây, ít ra cũng phải săn sóc lấy nó chứ!" . Rồi nàng bỏ đi, nhưng sau khi bước ra được một khoảng đường, nàng quay trở lại và thấy vị Tỳ-kheo không nhìn đến con cũng không nói gì với nó cả, nàng liền đến tìm con và buồn bã lui về. Ðức Phật nghe kể "thái độ không thích hợp ấy" của người vợ, liền nhận xét:
Khi nàng đến, chẳng thấy hân hoan,
Nàng bỏ đi, người chẳng thấy buồn,
Thắng giả là người dứt hệ lụy,
Người này ta gọi Bà-la-môn(Ud 1. 8)
Người gia nhập Giáo hội phải quan tâm đến cha mẹ mình nhiều hơn đối với vợ con. Ðây là một sự nhượng bộ mà vua Suddhodana đã nhận được từ con ngài, vị lãnh đạo mới của một Giáo hội, sau khi vương tôn Ràhula xuất gia làm Sa-di, theo đó không ai được gia nhập Giáo hội mà không có ý cha mẹ thỏa thuận (Mv 1. 54. 6). Luật này áp dụng cho cả nam lẫn nữ (Mv 1. 76. 1). Nếu phụ nữ có chồng, thì phải được sự đồng ý của chồng (Cv 10. 17. 1).
Trong lúc ban đầu, đức Phật truyền giới cho một người xin xuất gia làm Tỳ-kheo với câu:"Này Tỳ-kheo, đến đây, Pháp được khéo giảng, hãy sống đời Phạm hạnh (thanh tịnh) để đạt sự diệt khổ" (ví dụ trường hợp các tôn giả Sàriputta và Moggallàna trong Ðại Phẩm: Mv 1. 24. 5); về sau ngài ra lệnh cho cách gia nhập Tăng chúng phải theo hai giai đoạn: trước tiên bằng lễ xuất gia, thọ tiểu giới (pabbajjà) nghĩa là giã từ thế tục, vị ấy được nhận vào hàng ngũ Sa-môn, và trở thành Sa-di (Sàmanera) trong Giáo hội đức Phật, rồi sau bằng lễ thọ cụ túc giới (upasampadà), vị ấy được các quyền lợi của một Tỳ-kheo trọn vẹn (Bhikkhu). Tuổi tối thiểu để xuất gia (làm Sa-di) là mười lăm (Mv 150), và tuổi tối thiểu để thọ cụ túc giới (làm Tỳ-kheo) là hai mươi (Mv 1. 49. 6); tuổi được tính từ lúc thọ thai. (Mv 1. 75)
Không có một khoảng cách đặc biệt nào được chỉ định giữa sự thọ giới Sa-di hay thọ cụ túc giới theo các nguồn Kinh Ðiển, trừ điểm người xin xuất gia trước kia thuộc một giáo phái khác. Vì đức Phật cho rằng người như vậy sẽ cần một thời gian để dứt bỏ mọi tín ngưỡng và tập quán tu hành cũ, nên ngài bắt buộc một thời gian thử thách bốn tháng đối với trường hợp ấy (Mv 1. 38), suốt thời gian này, vị ấy được Tăng chúng quan sát xem có thích hợp hay không. Nhưng không có thời gian thử thách nếu vị xin xuất gia trước kia là du sĩ khổ hạnh bện tóc (jatila) hay nếu vị ấy thuộc bộ tộc Thích-ca (Sakiya) (Mv 1. 38. 11). Việc ưu đãi các vị khổ hạnhjatila có lẽ là do trước kia đức Phật từng làm vị khách đặc biệt của họ, và ngài nhớ ơn vị lãnh đạo giáo pháijatila này là Uruvela-kassapa.
Cách tiến hành lễ thọ giới Sa-di cũng đơn giản, được miêu tả trong Luật Tạng như sau (Mv 1. 54 .3): Giới tử cạo sạch râu tóc và đắp y vàng, thường các y này được cúng dường. Vừa quỳ xuống dưới chân một Tỳ-kheo giới sư, vị ấy chắp tay đảnh lễ và đọc câu:
Ðệ tử quy y Phật,
Ðệ tử quy y Pháp,
Ðệ tử quy y Tăng.
Câu này được lập lại ba lần.
Vị trưởng lão không cần đáp lại, vì im lặng nghĩa là bằng lòng. Nguyên tắc đạo đức dành cho Sa-di bao gồm không phải tất cả bản liệt kê hai trăm hai mươi bảy (227) giới theo Pàtimokkha, mà chỉ mười (10) giới cấm. Chẳng bao lâu việc Sa-di chính thức nhận mười điều luật này trước mặt hội chúng trở thành thông lệ.
Cách thức tiến hành lễ cụ túc giới (upasampadà) trịnh trọng hơn nhiều. Việc ấy đòi hỏi sự hiện diện của ít nhất là mười Tỳ-kheo (Mv 1. 31. 2), tất cả đều là các trưởng lão thượng tọa (Thera) mười tuổi hạ an cư. Bên ngoài vùng "Trung Nguyên", khó tìm đủ hội chúng mười Tỳ-kheo để hành lễ, nên chỉ cần năm vị là đủ làm các chứng minh sư.
Ðiều kiện thọ cụ túc giới là vị Sa-di tìm được một vị Trưởng lão làm giám hộ hay giáo thọ (upajjhàya) (Mv 1. 25. 7) đề nghị với Tăng chúng cho Sa-di ấy thọ cụ túc giới. Nếu hội chúng bày tỏ sự đồng ý bằng cách im lặng, vị giới tử bước đến trước hội chúng quỳ gối, hai tay chắp lại và thưa:"Bạch chư tôn giả, đệ tử thỉnh cầu chư tôn giả cho phép thọ cụ túc giới, ước mong chư Tôn giả từ bi nâng đỡ đệ tử lên". Nếu câu ấy được lập lại lần thứ ba mà không ai đưa ra phản đối gì, thì một vị trong số các trưởng lão hiện diện phát biểu:
"Bạch chư Tôn giả, xin chư vị nghe tôi. Sa-di này (nêu tên) thỉnh cầu thọ cụ túc giới từ Tôn giả (nêu tên), chủ tọa hội chúng, Sa-di ấy đã xin thọ giới qua Tôn giả giám hộ (nêu tên). Nếu hội chúng thấy việc này là phải, xin hội chúng truyền giới cho vị ấy qua Tôn giả giám hộ trên. Ðây là đề nghị chính thức của tôi".(Mv 1. 29. 2f)
Trong buổi sơ khai của Tăng Già, hình như nếu lời đề nghị này được lập lại ba lần mà không ai phản đối thì lễ thọ cụ túc giới hoàn tất. Về sau buổi lễ thọ giới kéo dài thêm theo thủ tục là vị Sa-di trước kia đã được chất vấn riêng (Mv 1. 76. 3), nay lại phải xác nhận tính chất của mình phù hợp với sự thọ cụ túc giới bằng cách công khai đáp lại các câu hỏi. Vị chủ tọa hội chúng Tỳ-kheo hỏi vị Sa-di:
"- Giới tử có mắc các bệnh như phong, mụt nhọt, chốc lở, lao phổi, động kinh không?
-Giới tử có phải là nam nhân không? (Nghĩa là không phải loại người thiếu nam căn, và là người, chứ không phải loài Nàga - rắn thần - đội lốt người)
-Giới tử có phải là người được tự do không?
-Giới tử không mắc nợ nần gì chứ?
-Giới tử không phải đang phục vụ đức vua chứ?
-Giới tử đã được tròn hai mươi tuổi rồi?
-Giới tử có bình bát khất thực và các y cà-sa rồi?
-Giới tử tên họ gì?
-Vị trưởng lão tên họ gì?"
Nếu Sa-di đáp lại mọi câu hỏi trên một cách thỏa đáng, việc thọ cụ túc giới làm Tỳ-kheo của vị này được chấp nhận đúng pháp. Cho đến ngày nay, Tăng chúng đức Phật đều được thọ giới theo thể thức trên.
Ðối với một Tỳ-kheo trẻ, việc tìm được một vị Trưởng lão giám hộ tốt thực là quan trọng vì vị ấy phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn tu tập của thầy mình ít nhất trong năm năm (Mv 1. 53. 4), nhưng theo lệ thường phải mười năm (Mv 1. 53. 3). Còn những Tỳ-kheo kém trí tuệ phải được thầy giám hộ hướng dẫn suốt đời (Mv 15. 3. 4 ff). Mối tương quan giữa bổn sư giám hộ và đệ tử cũng như quan hệ cha con, họ phải đối đãi nhã nhặn và chăm sóc lẫn nhau (Mv 1. 32. 1). Bao lâu còn sống trong một tinh xá, Tỳ-kheo trẻ phải ở chung một tịnh thất với bổn sư giám hộ và làm phận sự như một Tỳ-kheo thị giả đối với thầy. (Mv 1. 25. 8-24)
Mười năm sau khi thọ giới Tỳ-kheo, vị ấy thành một trưởng lão (Thera) và tự mình có khả năng huấn luyện các Tỳ-kheo trẻ với tư cách giám hộ (Mv 1. 32. 1), vừa là thành viên của hội đồng Tăng chúng. Sau hai mươi năm khoác y cà-sa, vị ấy trở thành một đại trưởng lão (Mahàthera).
Trái với việc gia nhập Giáo hội diễn ra đầy đủ các hình thức vừa trình bày như trên, việc từ giã Giáo hội diễn ra không kèn không trống gì cả. Chỉ cần cởi bỏ chiếc y vàng là đủ. Một vài vị xem biện pháp này như một sự chống đối, đó là trường hợp Tỳ-kheo Sarabha, bất mãn với Pháp (Dhamma) (AN 3. 64) và Tỳ-kheo Sunakkhattatuyênbố rằng đức Phật không có tri kiến thù thắng của bậc siêu nhân và Giáo Pháp ngài không phải là sự khám phá chân lý thực tại, mà chỉ là điều do suy luận tác thành, và tự ý sáng tạo. (MN 12. 2)
Tuy nhiên, thông thường, việc hoàn tục là vì lý do cá nhân. Về phương diện xã hội, không có gì sĩ nhục liên hệ đến việc rời bỏ Giáo hội, và một Tỳ-kheo hoàn tục được phép tái gia nhập Tăng chúng, song đối với vị này, cần phải làm lễ thọ giới lần nữa theo đúng nguyên tắc. Chuyện kể rằng Tỳ-kheo Citta gia nhập Giáo hội bốn lần, sau khi rời bỏ hội chúng ba lần như vậy nhưng vị ấy vẫn trở thành bậc A-la-hán và chứng đắc cứu cánh Niết-bàn (AN 6. 60 & DN 9. 56). Tuy thế, đối với những vị đã chuyển từ Giáo hội đức Phật qua một giáo phái khác thì không thể được quyền đổi ý và tái gia nhập Tăng già lần nữa. (Mv 1. 25. 3)
Sau khi xuất gia, nguồn gốc giai cấp gia tộc của vị Tỳ-kheo không còn quan trọng nữa: quả thực giống như các sông lớn Gangà, Yamunà, Aciràvati, Sarabhù và Mahì đều mất danh tánh khi chúng đổ vào biển cả, cũng vậy, mọi người trong bốn giai cấp đều mất danh tánh trong Giáo hội đức Phật và từ đó về sau được gọi là Sa-môn Thích tử (AN 8. 19).Tỳ-kheo là một thành viên của một hội chúng Sa-môn không giai cấp.
Dẫu sao đi nữa, nguồn gốc xã hội của vị ấy cũng không phải hoàn toàn bị quên lãng. Kinh Ðiển Pàli nhắc đến tên của nhiều Tỳ-kheo kèm theo nghề nghiệp của cha vị ấy hoặc của chính vị ấy trước kia: ví dụ Citta, con người quản tượng; Sàti, con người đánh cá; Tissa, con người giữ cửa; Dhaniya, người thợ gốm; Arittha, người huấn luyện chim ưng; Suppiya, người khiêng xác; Sunita, người quét đường v.v..., ta có thể lập một danh sách dài những tên như trên. Thông thường, chứ không phải bao giờ cũng vậy, những biệt hiệu thêm vào dùng để phân biệt người mang tên họ này với những vị khác trùng tên. Nhưng không có trường hợp nào các nguồn gốc sinh trưởng hèn kém ngăn cản vị Tỳ-kheo trở thành xuất sắc trong Giáo hội; ví dụ nhà chuyên môn Giới Luật Upàli đã từng là thợ cắt tóc. Các Tỳ-kheo thuộc các giai cấp ít ưu đãi cũng đắc Thánh quả A-la-hán dễ dàng hoặc khó khăn không khác gì các vị xuất thân từ gia đình trưởng giả quý tộc.Sự nhiếp phục tham, sân, si đòi hỏi nhiều đức tính khác với những đức tính người ta đạt được ở trường học và trường đời.
Thâm niên (hạ lạp) hợp với nghi lễ được định bằng năm tháng xuất gia, điều này được tính theo số mùa an cư (vassa) mà vị Tỳ-kheo đã sống trong Giáo hội. Một Tỳ-kheo ít tuổi hạ phải đảnh lễ các vị niên trưởng và dành cho các vị ấy những chỗ ngồi tốt nhất cùng món khất thực ngon nhất (Cv 6. 6. 4). Tuy thế, thứ tự theo thâm niên được bỏ qua trong trường hợp xếp hàng đợi trước nhà vệ sinh công cọng sau vụ một Tỳ-kheo, vì đã nhường chỗ cho các vị trưởng lão, đã ngất xỉu do kết quả sự dồn nén nhu cầu bức bách của mình (Cv 8. 10. 1). Thâm niên cũng không quan trọng gì đối với giới tại gia - tất cả mọi Tỳ-kheo đều bình đẳng bề ngoài.
Một giới căn bản của mọi Sa-môn là sống nghèo khó, không tài sản, nhưng theo thời gian, đức Phật đã nhiều lần nhượng bộ về phương diện này đối với chúng đệ tử. Về sở hữu cá nhân, lúc đầu vị Tỳ-kheo chỉ được phép có tám món: ba y, một bình bát khất thực, một dao cạo, một cây kim, một dây đai và cái lọc nước. Ba y này gồm y trong hay y dưới, y trên và y ngoài, thuở ban sơ y phải được làm bằng các tấm giẻ rách do các Tỳ-kheo thâu lượm được từ các đống rác hay nghĩa địa thiêu xác, vì thế thỉnh thoảng phát sinh chứng bệnh ngoài da (Thag 207). Về sau, đức Phật cho phép chư Tăng mặc các y được cúng dường (Mv 8. 1. 35). Mãi đến ngày nay, Tăng chúng đắp y được chắp lại bằng những miếng vải vuông để giảm giá trị loại vải ấy.
Giày dép không phải là vật dụng của một Tỳ-kheo thời nguyên thủy, và ít nhất trong các năm đầu tiên hành đạo, đức Phật đi chân trần. Về sau, Tăng chúng được phép mang loại dép đơn giản (Mv 5. 1. 30). Ngoài ra, chư vị cũng được phép mang khăn len quàng vai và mền đắp (Mv 8. 1. 36), cuối cùng lại được dùng cả cái quạt muỗi và dù che mưa nắng khi ở trong khuôn viên của tinh xá (Cv 5. 23).
Ðức Phật cũng ban hành các luật lệ về vệ sinh cá nhân. Các Tỳ-kheo được thích thú vì đổi thay nếp sống từ những đám tu khổ hạnh có đặc điểm là để chất dơ bẩn bám quanh mình và kiêng kỵ mọi hình thức chú trọng đến thân xác, xem đây là cách giữ giới tu tập chứng tỏ sự khinh thường của họ đối với thế gian. Còn chư Tăng được phép tắm rửa như người đời bằng cách dội nước lên mình hằng ngày. Chư vị được phép tắm ao hồ ít hơn, có lẽ vì sự thiếu tự chủ dễ dàng phát sinh khi các Tỳ-kheo trẻ tắm chung với nhau. Một cọng câynimba (Azadirachta indica, Margosa) được dùng để chùi răng cho sạch. Ðầu cọng được nhai nát làm thành một bàn chải nhỏ chà xát vào răng (CV 5. 31). Gỗnimba mùi vị đắng chát có công hiệu cầm máu.
Các Giới Luật về việc đi khất thực và tiêu thụ các món khất thực có rất nhiều chi tiết, nhưng cũng phóng khoáng trên căn bản. Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra buổi sáng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm từ nhà này sang nhà khác, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Chỉ những thức ăn đã được nấu sẵn mới có thể nhận, chứ không phải là các vật liệu để làm thành món ăn. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh.Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh: các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đẳng để đạt công đức phước nghiệp và chư Tỳ-kheo cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.
Quan niệm này chẳng bao lâu đã tạo lợi thế là không phải chỉ riêng vị Tỳ-kheo, người nhận thực phẩm, được lợi ích vì món cúng dường mà thí chủ cũng được hưởng công đức (puñ ñ a) từ đó, nên đã đem lại kết quả tốt bảo đảm sự cung cấp thực phẩm đầy đủ, vì thế Tăng chúng ít khi bị đói. Quan niệm này cũng cho các Tỳ-kheo có dịp bày tỏ sự bất bình trước một đệ tử tại gia cư xử khiếm nhã đối với Tăng chúng bằng cách"úp ngược bình bát", nghĩa là không nhận vật bố thí kia. Bằng cách này Tăng chúng tước khỏi người bị phạt ấy cơ hội làm thiện nghiệp (kamma) cho mình qua việc bố thí.
Một dấu hiệu cho thấy đức Phật có trí tuệ sáng suốt thực tiễn là ngài không cương quyết đòi chư Tỳ-kheo ăn toàn rau quả một cách nghiêm khắc. Chư vị chỉ phải từ chối các món cá thịt khi chư vị có lý do nghĩ rằng con vật ấy đã bị sát hại hay đánh bắt để dành riêng cho chư vị. (Mv 6. 31. 14)
Lòng từ bi mà mỗi người đệ tử Phật đều phải bày tỏ đối với muôn loài đòi hỏi vị ấy giảm sự tiêu thụ món thịt đến mức tối thiểu. Về phương diện khác, thật khó cho vị Tỳ-kheo giữ giới cấm hoàn toàn kiêng thịt, vì Tăng chúng không tự nấu cho mình ăn và các tinh xá cũng không có nhà bếp, nên chư vị sống nhờ vào các thực phẩm cúng dường. Một Tỳ-kheo phải ăn bất cứ thứ gì được đặt vào bình bát. Có câu chuyện trong Kinh Ðiển nói về Tỳ-kheo Mahàkassapa ăn cả lóng tay thối của một người phong cùi rớt vào bình bát của ngài! (Thag 1054-56). Dầu cho nhiều thí chủ cúng dường nhiều loại thức ăn khác nhau, một Tỳ-kheo cũng tự bắt buộc phải nhận tất cả. Do đó không lạ gì bệnh đau bao tử và tiêu chảy hay huyết lỵ là các chứng thông thường trong Tăng chúng, quả thực đó là căn bệnh nghề nghiệp. Hoặc bất ngờ nhồi nhét nhiều thứ vào bao tử cũng chẳng ích lợi gì cho sức khỏe cả.
Một cách thư giản khiến đời sống Tỳ-kheo được thoải mái dễ chịu là đức Phật chấp nhận lời mời của các gia chủ bảo trợ và cho phép chư Tăng cũng làm như vậy. Tại nhà thí chủ, chư vị cũng thọ dụng thức ăn trong bình bát. Buổi ăn phải được dùng trước ngọ, bởi vì Tăng chúng không được phép ăn sau buổi trưa, và buổi thọ trai thường chấm dứt bằng một bài thuyết giảng cho gia chủ. Những thức gì còn lại trong bình bát được đặt ra ngoài ở chỗ đất cát cho súc vật ăn và bình bát được rửa sạch với nước dội lên.
Nếp sống hằng ngày của chư Tăng không được phép đổi thay nhiều. Tiếp theo sau việc vệ sinh buổi sáng là đi khất thực, thông thường bao gồm luôn cả việc thăm viếng một số gia đình đặc biệt nào đó do các cư sĩ sắp đặt. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như bậc Ðạo Sư đã nhấn mạnh:
"Ở đây vào buổi sáng vị Tỳ-kheo đã đắp y, mang thượng y và bình bát đi vào làng khất thực. Nhưng thân, khẩu, ý của vị ấy không được chế ngự. Vị ấy thấy một phụ nữ trong làng kia ăn mặc hở hang, không kín đáo, nên tâm vị ấy bị tham dục làm uế nhiễm. Do đó, này các Tỳ-kheo, chư vị phải tu tập như vầy: chỉ khi nào thân được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì ta mới đi vào làng khất thực".(SN 20. 10, giản lược)
Khi đi khất thực về, chư Tăng dùng bữa ở cuối làng dưới bóng cây. Ðó là bữa ăn duy nhất trong ngày. Sau đó, chư vị lại đi đến một nơi khác, vì Tăng chúng thời nguyên thủy rất xem trọng truyền thống du hành của đời Sa-môn. Khi sức nóng buổi trưa quá gay gắt khiến chư vị không thể nào tiếp tục di chuyển được thì thời gian nghỉ ngơi một lát tiếp sau đó có thể dùng để hành thiền hay ngủ trưa. Về buổi chiều, chuyến du hành tiếp tục đến một nơi gần thôn xóm định cư và nhóm Tỳ-kheo ở lại đó ban đêm. Buổi xế chiều là thời kỳ đàm luận Chánh Pháp cùng giáo giới Tỳ-kheo và buổi tối dành cho thiền định.
Suốt thời kỳ gió mùa từ tháng sáu đến tháng chín chư Tăng sống một nơi cố định. Theo luật của đức Phật, luật này xác nhận một tập tục cổ sơ của đời Sa-môn, chư vị phải trú mưa (vassa) trong nhà (Mv 3. 12. 6). Chư vị có thể lựa chọn cách tự mình xây một am thất trú mưa hay ở trong một tinh xá sẵn có.
Vũ kỳ an cư kéo dài ba tháng trong thời gian bốn tháng gió mùa, bắt đầu từ ngày rằm thángÀsàlha (khoảng tháng sáu - bảy), song cũng cho phép bất kỳ một Tỳ-kheo nào khởi sự chậm hơn một tháng vào ngày rằm khoảng tháng bảy - tám (Mv 3. 2. 2). Việc đình chỉ du hành chấm dứt vào ngày rằm tháng thứ ba tức thángÀssina (tháng chín - mười), hoặc những vị nào khởi sự chậm hơn một tháng, thì chấm dứt vào thángKattikà (tháng mười - mười một). Các đại hội tổ chức lễ sám hối Bố-tát (Uposatha) đặc biệt trọng thể, tức lễ Tự Tứ (Pavàranà) kết thúc vũ kỳ an cư. Lập tức ngay sau đó, các Tỳ-kheo được công bố hoàn tất các phận sự trong Giới Luật, lại khởi hành các cuộc du hóa như cũ.
Dĩ nhiên tập tục an cư mùa mưa không chỉ có lý do cổ truyền mà còn có lý do thực tiễn nữa. Khi trời đổ mưa ào ạt và các con sông tràn bờ nhập vào những dòng nước màu nâu tuôn róc rách, khi đường sá chìm trong bùn lầy và những mảnh đất không ngập nước làm thành nơi trú ẩn cho rắn rết, bọ cạp, thì việc du hành và cắm lều ngoài trời hầu như không thể thực hiện được. Hơn nữa, khí ẩm bốc hơi trong thời gió mùa tạo nên những tai hại khác cho sức khỏe, và nếu một Tỳ-kheo bị bệnh, thì dễ săn sóc vị ấy tại một tinh xá hơn là lúc di chuyển.
Tục lệ an cư mùa mưa còn có lợi cho Tăng chúng theo nhiều cách. Trong suốt những tháng du hành theo ý riêng của mỗi người, có thể là một vài Tỳ-kheo nào đó trở thành buông lung trong nếp sinh hoạt. Vũ kỳ an cư diễn ra dưới cặp mắt canh phòng của các bạn đồng Phạm hạnh khác buộc các Tỳ-kheo phải chú tâm đến quy luật xử thế và theo đúng nguyên tắc. Mùa an cư còn tăng cường mối tình cảm giữa Tăng chúng thuộc về một cộng đồng lớn. Cuộc sống chung ở một nơi và cùng học tập lời dạy của bậc Ðạo Sư, sự trao đổi kinh nghiệm và kiến thức đưa đến sự thiết lập các mối quan hệ thân hữu có giá trị giáo dục được đức Phật đánh giá cao:
"Quả thật tất cả đời sống đồng Phạm hạnh của Tăng chúng cốt yếu ở tình thân hữu giữa những người thích thú điều thiện, ở tình đồng bạn, đồng chí hướng. Một Tỳ-kheo làm bạn với điều thiện, là người bạn giao du, người đồng chí hướng, có triển vọng tu tập và làm sung mãn Bát Chi Thánh Ðạo để giải thoát cho đồng bạn cũng như bản thân vị ấy".(SN 3. 18)
Không phải chỉ một nửa, mà là toàn thể đời sống Giới Luật của vị Tỳ-kheo nằm trong mối thân thiện với một bạn đồng tu đang nỗ lực hướng về cứu cánh chung. Dẫu là đã dứt bỏ mọi dây ràng buộc với thế gian, các Tỳ-kheo không phải là không có những liên hệ giữa người và người: thế giới của chư vị là Giáo hội, các người láng giềng là các bạn đồng Phạm hạnh. Có lần đức Phật thấy một Tỳ-kheo bị bệnh huyết lỵ, nằm bơ vơ giữa đống phân dơ không ai chăm sóc, ngài và trưởng lão Ànanda cùng đến bảo dưỡng vị ấy. Rồi ngài gọi Tăng chúng vùng ấy đến và khuyến giáo:"Này các Tỳ-kheo, chư vị không có cha mẹ chăm sóc mình. Vậy nếu chư vị không chăm sóc nhau, thì ta thử hỏi, ai sẽ làm việc ấy? Này các Tỳ-kheo, bất cứ ai trong chư vị muốn chăm sóc ta (nếu ta bị bệnh), thì vị ấy phải chăm sóc người bạn đồng Phạm hạnh bị bệnh". (Mv 8. 26. 3)
Việc an cư mùa mưa cũng quan trọng đối với kiến thức về Giáo Pháp của chư Tăng. Giữa hội chúng Tỳ-kheo, chư vị đọc lại các kinh (sutta: bài thuyết giảng) của đức Phật và học hỏi những lời dạy mới của ngài. Việc trao đổi kiến thức bằng cách "nghe kinh" không chỉ giới hạn vào mùa an cư, nhưng nó được thuận lợi hơn nhờ việc chung sống một thời gian ngắn của một hội chúng Tỳ-kheo đông đảo hơn tại một địa điểm.Chắc hẳn Giáo Pháp (Dhamma) sẽ không được truyền tụng đến thời đại chúng ta trong hình thức chính xác như ngày nay nếu Tăng chúng thời xưa không có cơ hội duyệt lại toàn thể lời giáo huấn của đức Phật và chuyển đạt đến các Tỳ-kheo trẻ hơn qua các mùa an cư (vassa) hằng năm ấy.
Tất nhiên chính đức Phật cũng giữ tục lệ vũ kỳ an cư này. Một Tập Sớ (Manorathapùrani, 2. 4. 5 II) làm bản liệt kê các địa điểm ngài đã an cư mùa mưa gió trong suốt cả quãng đời hành đạo của ngài.
Bản này có thể không hoàn toàn trung thực, và trong một trường hợp (năm thứ bảy), một mẫu chuyện thần kỳ được đưa vào để lấp đầy một kẽ hở trong kiến thức. Tuy thế, đối với một người viết lịch sử cuộc đời sự nghiệp đức Phật, nó thật sự ích lợi như một vật hướng dẫn khiến vị ấy có thể lập bản thứ tự niên đại cho vài sự kiện khác không được ghi năm tháng.
III.- CÁC TINH XÁTrong buổi sơ khai Giáo hội, ta có thể phân biệt hai loại tinh xá: các khu nhà lá do chính các Tỳ-kheo thành lập (àvàsa) là loại nhà phải hủy bỏ sau mùa mưa, và các tinh xá được cúng dường (àràma) sẵn sàng để chư Tăng sử dụng quanh năm.
Các khu vực nhà láàvàsa được dựng lên vào đầu mùa mưa gió. Việc này được thực hiện bằng cách đánh dấu vài địa điểm đặc biệt trong vùng như đồi núi, các cây kỳ dị, đường sá, sông lạch v.v... và nối liền nhau theo một hàng dài tưởng tượng. Các Tỳ-kheo thời ấy đồng ý xem khu vực nằm trong ranh giới này (sìmà) là trú xứ tạm thời của mình (Mv 2. 6). Chu vi của vùng này không được quá ba do tuần (yojanas: 30 km) (Mv 2. 7. 1).
Tăng chúng xây thảo am trong mỗi vùng cũng thành lập một Giáo hội (sangha) cho mùa an cư trú mưa, và cử hành lễ Bố-tát cùng các hội nghị tham luận khác.
Khuôn viên của một tinh xá mùa mưa như thế phải là một địa điểm không bị ảnh hưởng lũ lụt, cũng không quá xa thôn làng là nơi có thể đến khất thực. Các am thất do chính các Tỳ-kheo xây chỉ cao vừa đủ để ngồi xổm, và dài vừa đủ để nằm xuống. Vài cây sào dễ uốn được bẻ cong để hai đầu có thể đóng xuống đất thành một hàng. Các vòng cung ấy được kết liền bằng các cây sào nằm ngang và mái vòm thành hình từ đó được che phủ bằng lá, cỏ hay cói, thế là xong.
Khi Tỳ-kheo Dhaniya vốn quen nghề làm đồ gốm bằng đất sét trước kia, đã tự xây cho mình một căn lều hình bán cầu bằng đất sét rồi nung lửa bên trong, tạo nên một kiểu lềugạch vững chắc, đức Phật không đồng ý và ra lệnh hủy bỏ nó đi (Sv 2. 1-2). Ngài không chỉ muốn cấm tục lệ đốt lửa giết hại nhiều sinh vật nhỏ trong tương lai, mà có lẽ ngài còn muốn ngăn cản Tỳ-kheo Dhaniya biến nơi ấy thành một trú xứ vĩnh viễn, vì vị ấy đã ở đó gần một năm ròng.
Một số vị Tỳ-kheo khôn ngoan hơn Dhaniya đã xây lều trên sườn núi Isigili (Thánh Sơn, gần Ràjagaha) và hạ chúng xuống sau mùa mưa (Sv 2. 1). Ngày nay chúng ta khá ngần ngại khi dùng từ "tinh xá" (vihàra) dành cho loại lều lá, cói, quá sơ sài, dễ hư hại ấy, song đó chính là từ được dùng trong Kinh Tạng Pàli.
Danh từ "tinh xá" hình như áp dụng thích hợp hơn với loại lâm viên (àràma) mà các nhà bảo trợ giàu sang tặng cho Giáo hội bằng cách công khai hiến chúng làm trú xứ của chư Tăng. Ranh giới của một lâm viên tinh xá như vậy đôi khi trồng hoa, song thường là xoài, được đánh dấu bằng một hàng rào tre, bụi gai hay cái hào nhỏ.
Trước tiên, các vị thí chủ hình như chỉ cúng dường đất rồi để đó cho chư Tăng tự xây dựng các lều trú mưa. Về sau các thí chủ cũng cho người xây tinh xá và các giảng đường, phòng họp. Ðặc biệt là các giảng đường ấy theo thời gian tiến triển dần thành những kiểu kiến trúc vững chắc hơn với các kèo cột gỗ thay sào tre, song vẫn giữ mái vòng cung như cũ.
Ngày nay chúng ta biết được hình dạng chúng ra sao do các hang động ở Ajanta, Nàsik, Kanheri, Junnar, Kàrla, và Bhaja về phía Tây Ấn, các hang động này bắt chước mái vòng cung của thời nguyên thủy và làm sườn đá rất tinh xảo giống hệt sườn các nhà gỗ ngày nay đã bị hư hoại. Các hang động ở Nàsik và Kàrla thậm chí còn tái tạo các nồi đá kiểu nồi đất mà người xưa đã dựng các cột gỗ vào trong đó để tránh sự tàn phá của mối mọt.
Việc xây dựng các kiểu nhà vững chắc như vậy cứ tăng dần, có kết quả là một số Tỳ-kheo vẫn ở lại trong tinh xá sau khi mùa mưa chấm dứt. Ðức Phật không cấm điều này, mặc dù ngài không hài lòng với những cách tự tách rời ra khỏi nếp sống của Sa-môn như vậy. Song chính ngài cũng chấp nhận một tục lệ khác cứ len lỏi vào, đó là thường an cư mùa mưa ở cùng một địa điểm và ưu tiên chọn cùng một tinh xá như cũ. Ngoại trừ năm 484, ngài an cư mùa mưa tại Vesàli, còn từ năm 508 trước CN trở về sau, ngài luôn luôn trú mưa trong các tinh xá (vihàra) ở Sàvatthi.
Các tinh xá được cúng dường này nêu ra một vấn đề vì chư Tăng và Giáo hội đã tuyên thệ sống nghèo khó. Tinh xá đầu tiên mà Giáo hội nhận làVeluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha, đã được Ðại vương Bimbisàra cúng dường với một nghi lễ trọng thể dânglên "Hội chúng Tỳ-kheo có đức Phật dẫn đầu" (Mv 1. 22. 18). Song đối với đức Phật, việc giữ gìn tài sản thật gây lắm phiền nhiễu, ngài đã biết rõ qua kinh nghiệm, cho nên trong trường hợp tinh xáJetavana (Kỳ Viên) ở Sàvatthi, ngài muốn rằng ông Anàthapindika phải tặng nó cho Giáo hội trong bốn phương trời, hiện tại và tương lai nữa, mà không cần nghi lễ chuyển giao tài sản (Cv 6. 9). Như vậy, Jetavana và các tinh xá khác đều là những vật cho mượn vĩnh viễn, Giáo hội có quyền sử dụng, trong lúc thí chủ chịu các phí tổn bảo trì. Một số thí chủ thuê nhiều người làm vườn và nghệ nhân đặc biệt để bảo tồn vùng đất và nhà cửa trong ấy. (Mv 6. 15. 4)
Một số thí chủ có lẽ đã hy vọng chư Tăng ít ra cũng giúp vào việc thành lập và chăm sóc lâm viên tinh xá, song đức Phật không cho phép điều này. Một người làm vườn phải phá bỏ các loại cây không cần thiết, song một Tỳ-kheo lại không thích hợp với việc đốn cây, tàn hại cây cỏ. Hơn nữa việc làm vườn bao hàm niềm hy vọng được mùa gặt hái, điều ấy trói buộc tinh thần vào thế tục. Tuy nhiên, phận sự của Tỳ-kheo là chuyên tâm giải thoát khổ đau và không thể xao lãng vì bất cứ việc gì, cho dầu đó chỉ là niềm vui khi nhìn thấy công việc phát triển do đôi tay mình.
Về vấn đề có bao nhiêu tinh xá trong thời đức Phật, chúng ta chỉ có thể đưa ra câu giải đáp phỏng chừng. Lời phát biểu của một vị luận sư cho rằng cuối đời bậc Ðạo Sư, chỉ riêng tại Ràjagaha đã có mười tám tinh xá (vihàra), không được kiểm chứng. Ở vùng "Trung Nguyên", chắc chắn đã có mười tinh xá vĩnh viễn được cúng dường. Tất cả đều ở gần hoặc ở trong các thành thị quan trọng và hầu như đều được biết qua tên vị thí chủ:
*Ở vương quốc Magadha :Tại Ràjagaha:
1)Tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) do vua Bimbisàra tặng.
2)Jivakàmbavana (Vườn Xoài Jìvaka) do Jìvaka, ngự y thường trực của nhà vua vừa là y sĩ chính thức của Giáo hội đức Phật cúng dường.
*Ở vương quốc Kosala :Tại Sàvatthi:
3)Jetavana ([ Vương tử ] Kỳ-đà-Lâm) hay Ànathapindik-àràma ([Trưởng giả] Cấp Cô Ðộc Viên): được vị đại phú thương Ànathapin-dika mua từ Vương tử Jeta và dành cho Giáo hội sử dụng. Ðó là tinh xá được đức Phật ưa thích.
4)Pubbàràma (Ðông Viên Tinh Xá) do nữ thí chủ thành tín Visàkhà cúng dường.
5)Ràjakàràma (Vương Lâm hay Ngự Viên) một tinh xá của Tỳ-kheo-ni do vua Pasenadi thiết lập dành cho công chúa Sumana, em gái vua đã trở thành Tỳ-kheo-ni.
*Ở vương quốc Vamsà :
6)Ghositàràma (Lâm Viên Ghosita) do vị phú thương có tên ấy cúng dường.
7)Kukkutàràma (Lâm Viên Kukkutàràma: Kê Viên) do vị phú thương có tên ấy cúng dường, ít khi được đức Phật thăm viếng, nhưng thường được Tỳ-kheo Ànanda đến.
8)Pavàrikambavana (Vườn Xoài của Pàvàrika): vị thí chủ này cũng là phú thương, bạn của Ghosita và Kukkuta.
9)Badarikàràma (Lâm Viên Badarika) cách Kosambì khoảng 5km, có lẽ chỉ được đức Phật đến viếng một lần.
*Ở các nướcCộng hòa:
10)Ambapàlivana (Vườn Xoài của Ambapàli): tặng vật do người kỹ nữ sang trọng có tên ấy cúng dường chỉ một thời gian ngắn trước khi đức Phật viên tịch. Vesàli là thủ đô của nước cộng hòa duy nhất có thể tự hào xây được một tinh xá thường trú dành cho Giáo hội.
Nhờ sự chỉ dẫn của dân chúng địa phương (từ lâu đã theo Ấn Ðộ giáo) và công trình của các nhà khảo cổ học, những tinh xá quan trọng nhất trong số này đã được xác định vị trí. Tại Ràjagaha (Ràjgir) chúng ta có thể đến viếng tinh xá Veluvana, các nền nhà của tinh xá Jìvaka; gần Sàvatthi (Maheth) ta có thể viếng tinh xá Jetavana; và gần Kosambì (Kosam), ta có thể viếng lâm viên Ghosita - thật là một kinh nghiệm gây xúc động về sự vô thường của vạn vật. Những nơi ngày xưa đức Phật từng cư trú, thuyết Pháp và tiếp kiến các quốc vương, những nơi đã tiếp diễn cuộc sống của chư Tăng qua hàng thế kỷ, ngày nay chẳng còn gì ngoài sự im lặng và nỗi quạnh hiu. Ðã được ban quan sát khảo cổ của Cộng hòa Ấn Ðộ chăm sóc, song thiếu vắng đời sống tu tập, các khuôn viên tinh xá thời đức Phật nằm trơ trọi hoang phế và tiêu điều dưới nắng mưa.