Quyên nói:
- Chị Ba, bây giờ chị tin em chưa, em đã nói anh Ba ảnh có quên chị đâu. Thơ ảnh viết đọc thiệt mới cảm động làm sao. Mà ảnh gởi về mười tám cái thơ rồi chớ ít ỏi gì. Đó, vậy mà chị cứ ngỡ thế này thế nọ... Thôi, thơ ảnh lạc hết rồi, còn thơ chị cũng chẳng tới tay ảnh cái nào đâu! Em ức quá, ở ngoài Bắc thì cũng là ở trong nước mình, vậy mà bảy năm trời bao nhiêu thơ gởi đều lạc mất. Thiệt là ức... Nhưng, nhưng bữa nay chị hết thắc mắc rồi, phải không? Kẻo chị cứ nói: - "E ra ngoài ổng sung sướng vui vẻ quá rồi không còn nhớ ai nữa". Đó, chị thấy oan cho anh Ba chưa?
Quyên nói với chị ruột của mình một cách vội vàng và mừng rỡ. Coi cô như bênh anh rể, nhưng chính là cô mừng cho chị cô. Cô gái chia xẻ và vun vào cái niềm vui lớn mà suốt bảy năm trời nay chị của cô mới có được. Lúc đó, đôi bàn tay đầy đặn của cô lát lát lại hoa lên, mắt cô long lanh, và đôi khi môi cô mím lại.
Cầm cái thư đưa trả cho chị, Quyên giữ lại tấm ảnh. Cô thoắt bước tới túm lấy con bé Thúy từ ngoài bậc thang nhà, kéo nó lại với cô, chìa tấm ảnh ra:
- Nghe dì út hỏi nè, ông này là ông nào đây?
- Ba của con!
Con bé nói, đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn cầm tấm ảnh, nhìn đau đáu. Nó thì thào nhắc lại:
- Ba của con mà!
- Sao con biết?
- Má nói... má nói đó là ba của con!
Con bé ngước đôi mắt đen tròn như hai hột nhãn lên:
- Có phải thiệt là ba của con không, hở dì út?
Quyên không đáp. Cô bế thốc cháu lên bộ ván, đặt nó ngồi yên trên đùi mình, rồi mới gật nhẹ đầu:
- Phải rồi, ba của con đó. Từ giờ này phải nhớ cho kỹ nghe! Vậy là hai cha con biết mặt nhau rồi.
Quyên day sang chị:
- Chị Ba, theo như thơ anh Ba nói thì ảnh đã nhận được cái thơ sau cùng của chị, cả tấm hình chị chụp với con Thúy... Trời ơi, bảy năm ảnh mới biết mặt con Thúy đó nghe!
Rồi Quyên xỉa yêu ngón tay trỏ vào trán con Thúy:
- Bảy năm trời ba mày mới biết cái mặt mày rồi đó Thúy à. Hồi ba mày đi thì đã có mày đâu, hồi đó chưa đẻ mày mà...
Nghe em gái nói, chị Sứ liền nhớ lại hết sức rõ rệt những ngày cuối cùng anh San chồng chị trở về nhà trước khi lên đường tập kết. Những hôm ấy, cũng tại cái nhà sàn lát ván cũ kỹ này, anh San vẫn nói chuyện như thường, vẫn cười cái cười cởi mở như ngày thường. Riêng Sứ, chị mới hiểu sự bình thường ấy làm sao. Chồng chị cứ lặp đi lặp lại mấy lần: - "Hai năm thì có lâu la gì!". Nhưng trong đêm chót, anh mới nói thực điều anh đã nghĩ: - "Em à, nói vậy để má đừng lo, tội nghiệp má. Chớ với em, thì anh nói anh không tin ở hạn định hai năm đâu. Có khi chưa tới một năm thì súng sẽ nổ lại, nhưng có khi không phải hai năm mà là bốn hoặc năm năm. Nên tụi mình phải chuẩn bị tinh thần...". Anh ấy còn bảo: - "Hễ cái chuyện gì mà mình có tính trước thì chừng xảy ra mình vẫn vững hơn". Sau đó, trong đêm khuya, anh co cánh tay kéo đầu chị ngả sát vào. Lâu sau, chợt nghe anh nói, như tự nhủ: - "Không biết ở ngoài Bắc có cây trái như ở trong mình không? có soài, có măng cụt, có bưởi không? Cái gì chớ bưởi thì chắc có rồi nghe. Mà không biết bưởi ngoài đó tháng nào đâm bông, chưa chắc là gần giáp Tết như trong mình đâu...". Thoạt nghe, Sứ cho rằng anh cố nói lảng đi, nhưng liền đó chị biết. Chị biết anh đã nghĩ gì trước khi anh nói ra cái câu tưởng như bâng quơ ấy. Hai năm trước đó, trong bữa tiệc bà con Hòn Đất thết bộ đội đánh thắng ở chiến trường Long Châu Hà trở về, lúc Sứ bưng dọn thức ăn ra cho bộ đội, chị có ngờ đâu anh San đã để ý tới chị. Theo lời anh, thì lúc đó anh đã nghe thấy mùi hương bông bưởi thoang thoảng mà Sứ đã cẩn thận gội lên mái tóc dày mượt lạ thường của mình. Hai người quen nhau trong buổi liên hoan tối đó. Về sau gặp lại Sứ, lựa lúc vắng người, anh San cười hỏi khẽ: - "Sao lóng rày cô Ba Sứ không gội bông bưởi nữa?",
Sứ mím môi cười, thẹn đỏ mặt.
Chuyện của hai người là thế. Mối tình đó bắt đầu chớm hé giữa các chiến thắng ngày càng dồn dập trong cả nước, mối tình đó nảy nở giữa tháng chạp các vườn bưởi Hòn Đất đang độ ra hoa. Hai năm sau họ làm đám cưới. ấy là một đám cưới vui nhất ở vùng Hòn, đúng vào lúc ta đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ. Từ bấy đến nay đã hơn bảy năm. Hai người gần gũi nhau nhiều lắm là một tháng. Mãi tới hôm nay họ mới được tin nhau qua một bức thư mỏng và gặp lại nhau qua một tấm ảnh nhỏ.
Bảy năm trời! Nghe em gái mình nói, Sứ hầu như không tin thời gian ấy là có thực. Chị thẫn thờ bảo:
- Mau quá!... Mới đó mà đã bảy năm!
- ồ... mà chị nè, chắc anh Ba ảnh đâu biết tụi mình ở trong này gian nan ra sao đâu hả chị! Phải ảnh mà biết cái năm tụi nó bắt chị lên quận ép làm tờ ly khai chồng, cái trận mà chị bị nhốt "chuồng cọp", "chuồng sấu"... Cha, ảnh mà biết!...
Sứ mỉm cười hiền hậu:
- Biết gì được... Thì chắc cũng có nghe nói, mà không rõ được đâu!
Giữa lúc hai chị em nói chuyện với nhau, con bé Thúy se sẽ tụt khỏi lòng Quyên. Nó lồm cồm bò tới bên cái rổ may, mò mẫm tìm trong rổ may lấy ra một chiếc gương tròn. Rồi nó men vào trong góc, chỗ bộ ván áp sát vách. Nó ngồi một mình, lặng lẽ. Lát sau, nó mới từ từ giơ tấm ảnh lên còn tay kia nó cầm chiếc gương soi. Con bé nó coi mặt nó trong gương và coi mặt ba nó trong ảnh. Nó coi đi coi lại, coi nó với ba nó có giống nhau không, từ mắt đến mũi, từ miệng đến vành tai. Nó thấy mắt và chân mày ba nó sao không giống nó lắm. Mắt nó thì tròn, mắt ba nó thì hơi dài mà sắc. Còn chân mày của ba nó thì rậm quá. Song nó mừng rơn lên khi thấy mũi và miệng ba nó giống nó ghê. Hớn hở con bé lại nhìn, lại tìm kiếm những nét giống khác. Nó hy vọng rằng mọi nét giữa nó và ba nó đều giống. Vì nó yêu ba nó lắm. Tình yêu ấy được gieo vào tâm khảm trẻ thơ của nó bắt đầu từ khi nó được biết trên đời này nó còn có một người cha. Nó vẫn tin rằng ba nó cũng tốt, cũng hay, và nhất định là ba nó yêu nó hơn cả. Hồi sáng, khi mẹ nó đưa nó xem tấm ảnh, bảo người trong ảnh là ba nó thì nó tin ngay. Cũng có phần là vì mẹ nó bao giờ cũng nói thật, nhưng chính khi coi ảnh, nó cứ ngờ ngợ như đã có lần gặp ba nó rồi. Thực ra thì nó chỉ gặp ba nó trong trí tưởng trẻ thơ của nó qua những lời mẹ kể.
Về việc này, phải nói là chị Sứ cứ ân hận mãi. Lúc chia tay, chị có giữ một tấm ảnh anh San, chị vẫn cất kỹ tấm ảnh ấy trong bóp. Năm năm mươi sáu, lúc bọn địch bắt chị giải lên quận, chúng xét gặp và xé nát.
Năm đó chị mới sinh con Thúy.
Ngồi trò chuyện với em, Sứ đã liếc thấy con mình làm gì hết cả. Nhưng chị giả vờ như không thấy. Chị đưa mắt nháy Quyên. Quyên ngoảnh nhìn. Thấy con bé Thúy đang lặng lẽ, chăm chú làm các việc nhận dạng đến mức ấy, thì cô bụm miệng cố nhịn cười. Nhưng lát sau, không nín được, cô cười phì ra. Con bé Thúy đỏ mặt, lúng túng, ngượng nghịu úp tấm ảnh và chiếc gương vào ngực.
Sứ không cười. Chị hỏi:
- Sao, con? Con với ba có giống nhau không?
Con bé ngó lơ chỗ khác, không đáp. Loáng cái đã thấy đôi mắt to đen của nó rân rân. Sứ biết sớm muộn gì con mình cũng khóc. Tính nó hay hờn mát, từ bé đã vậy, mẹ chị vẫn nói:
- Con nhỏ nó giống y như mày hồi đó!
Chính chị bây giờ, không hiểu sao, khi thốt hỏi con câu vừa rồi, mi mắt chị bỗng cay cay, nóng nóng. Chị đứng dậy bước tới góc bộ ván ôm lấy con. Rồi hầu như cùng một lúc, hai mẹ con đều nức nở.
Quyên ngồi mỉm cười. Cô biết giọt nước mắt của chị và cháu mình chảy ra cũng chẳng qua bởi niềm vui đến hôm nay đã gợi dậy những nỗi tủi trong bao năm gian khổ, hy sinh và mong đợi, nên cô không lấy thế làm lo. Lát sau, không muốn để tiếng khóc ảnh hưởng đến tin vui cho chị mình, cho cả nhà, cô đứng vụt dậy, nói:
- Khổ ghê, hồi biệt tin tức anh Ba thì chị với con Thúy cứ rủ rỉ thở than với nhau, bây giờ có tin anh Ba thì khóc. Thiệt hết biết hai mẹ con rồi. - Đoạn Quyên quay lưng: - Thôi, hai người ở đó khóc cho đã thèm đi. Tôi đi kiếm má cho má hay coi!
- Má hay rồi! - Chị Sứ nói giọng nghẹn ngào, và tiếp: Má đi ra bãi kiếm tôm cá gì đó, nói chiều nay làm bữa cơm.
Quyên đứng lại, mặt rạng lên:
- Cha!... Mới được một cái thơ của anh Ba mà bà già làm tiệc rồi. Đây tới chừng thống nhất anh Ba về chắc má làm heo...
- Tiệc tùng gì, nghe anh Tám Chấn với chú Ngạn về, má mới...
- ờ, ờ... sáng nay cuộc hội nghị huyện ủy mở rộng đã bế mạc. Xế xế chắc mấy anh về tới đây. Em có gặp mấy anh ở đội VT3 của anh Ngạn đóng ở ấp hai, mấy ảnh nói anh Tám sẽ về công tác ở đây một thời gian ngắn.
Chị Sứ hỏi, giọng đã bình tĩnh trở lại:
- Nghe nói kỳ này anh Tám được bầu làm bí thơ huyện rồi phải không?
- Phải, ảnh đã được bầu làm bí thơ, phụ trách cả dân vận... Em nghĩ anh Tám làm bí thơ là xứng đáng. Chị nhớ hồi đen tối không, chỗ nào cơ sở bị đánh phá dữ thì anh tới, cực khổ nguy hiểm mấy ảnh cũng tỉnh như thường.
- Thiệt, lúc đó lần nào gặp ảnh tao cũng thấy đỡ lo hơn. Nghĩ cũng lạ, nông dân mình qua cách mạng nổi lên nhiều người giỏi dữ. Anh Tám cũng là nông dân rặt đó chớ gì! Má nói hồi còn Tây nhà ảnh ở Vĩnh Hanh, mùa gặt nào cũng thấy ảnh quảy nóp xuống đây gặt mướn...
- Nghe đâu hồi đó ảnh đã hoạt động rồi.
- ồ, ảnh hoạt động lâu rồi. Coi nông dân vậy chớ hoạt động cách mạng lâu thì hiểu nhiều, biết nhiều, lại được cái chắc chắn. Mà ảnh tình cảm ghê lắm. Nhớ hồi tao bị tụi nó bắt, lúc được thả về, ảnh viết thơ nhắc nhở an ủi hoài. Mấy cái thơ đó tao nhớ có đưa cho mày coi mà, Quyên?
- Có, em có coi!
Sứ liếc em gái, cười nói tiếp:
- Thì chuyện giữa mày với thằng Ngạn không khéo chút nữa là tan rồi. Anh Tám mà không cho hay thì mày còn khóc lâu!
Quyên cười chúm chím, có vẻ như đắc ý lắm. Nụ cười của cô hoàn toàn vui vẻ và biểu hiện đầy đủ rằng giá mà đời cô gặp sự rủi chăng nữa thì sự rủi đó đâu cũng chỉ là tạm đấy thôi. Bao giờ cũng vậy, ngay trong lúc khổ cực khó khăn cô cũng cứ tươi luôn, tưởng chừng suốt đời cô sẽ tươi mãi như thế. Ngoại trừ cái dạo năm năm mươi tám thì cô đã khóc lóc vật vã trọn một tháng. Nhưng rồi sau cái tháng đó, mọi nỗi đau buồn của cô bỗng dừng lại giũ sạch.
Chuyện này có dính dáng tới người thanh niên tên Ngạn mà chị Sứ vừa nhắc tới. Ngạn là anh thợ nhà in, làm liên lạc viên ở nội thành Rạch Giá. Anh bị giặc bắt năm năm mươi lăm rồi bị đưa lên Phú Lợi. Tại Phú Lợi, Ngạn đã tham gia cuộc đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ - Diệm. Sau đó, anh là một trong số người sống sót bị giặc chở ra liệng biển. Dọc đường đến bến tàu, anh từ trên xe cam-nhông nhảy đại xuống, lẩn vào phố. Đồng bào ở đó chặt cái còng trên tay anh, giấu kín anh, rồi đưa anh đi. Lúc về Hòn Đất, Ngạn mới có hăm hai tuổi đời, nhưng anh có được tới ba tuổi Đảng. Anh vào Đảng trong tù. Kể chuyện cho Quyên nghe, anh nói rằng trong buổi kết nạp, anh giơ nắm tay chào cờ Đảng tưởng tượng trong lòng, chứ không có cờ Đảng treo trước mặt. Về đây cuối năm năm mươi chín, anh phụ trách thanh niên. Và anh đã gặp Quyên trong thời gian ấy. Hồi đó, Quyên mới mười bảy tuổi, hồi Hòn Đất cùng bao xóm xã khác bị bọn Diệm đánh phá khốc liệt. Có lần anh nằm trong cái hầm bí mật dưới sàn nhà Quyên gần hai tháng, sắp đặt chỉ vẽ cho Quyên đi công tác. Đến khi Quyên tự động công tác được rồi thì anh lại phải chuyển đi chỗ khác, vì giặc đã đánh hơi được anh. Cái hầm thứ hai của anh ở dưới một nấm mả giả nằm giữa một đám mả thật. Đêm đêm, có một cô gái nhỏ đi ra và chui xuống dưới mả. Cô gái nhỏ ấy là Quyên. Hầu như đêm nào Quyên cũng lẻn ra đó, đem cơm cho anh, bàn bạc công việc. Nhiều khi cô đem cho anh cả chuối và xoài nữa. Cô bắt anh phải thay quần áo, rồi thường vo bộ quần áo đã bẩn của anh về giặt. Có những lúc kẹt cô không ra được, thì mẹ Sáu ra. Lần nào xuống hầm, mẹ cũng khóc. Một hôm, mẹ nói với anh:
- Tao nghĩ không lẽ mình cứ nhịn nhục như vầy hoài sao Ngạn? Nó mổ bụng mình, nó đập đầu mình, anh em chết không biết bao nhiêu rồi. Hôm qua, con Quyên với con Sứ vô rừng mò kiếm được xương thịt của bảy anh em mình bị nó đập bữa trước, kiếm gặp ở trong bàu.
Nói rồi mẹ bưng mặt khóc:
Ngạn hỏi:
- Vậy chị Ba với em út đem những xương đó về để ở đâu?
- Hai đứa nó bọc trong ni-lông đem giấu trong hang Hòn rồi!
Có một hôm, bà mẹ nắm tay anh do dự mãi, lúc sau mới chậm rãi nói:
- Ngạn à, tao coi mày như con của tao. Tao hỏi thiệt, mày có thương con Quyên không? Nếu như có thương thì nói tao biết, tao gả cho!
Ngạn cảm động ôm chầm lấy mẹ. Dĩ nhiên là trước khi mẹ Sáu nói thế, anh với Quyên đã thương nhau nhiều. Nhưng anh cảm động sung sướng hơn vì thấy mẹ Sáu nói ra điều ấy giữa lúc cơ sở bị đánh phá dữ dội nhất, giữa lúc anh phải náu mình dưới cái hầm tăm tối và kỳ lạ nhất. Anh nghĩ mẹ Sáu muốn giao đời cô gái út cho anh, ngoài sự thương yêu riêng anh, ắt còn vì mẹ tin và yêu thương cách mạng. Nằm trong hầm tối, anh cứ nghĩ sao mẹ không tính đến việc anh có thể hy sinh nay mai? Sao mẹ không sợ con gái mình cơ cực. Ngày ấy, Quyên mới lớn, trông đã xinh, khắp vùng có nhiều người ghếm ghé mai mối, trong đó có cả những tên sĩ quan làm ra vẻ đứng đắn và những gã con trai bảnh bao thường về bãi Tre tắm biển. Bà mẹ đã nhiều lần nói với lối xóm:
- Con tôi sanh ra không phải để gả cho hạng đó đâu!
Còn Quyên thì trước những lời tán tỉnh của bọn ấy, cô bực bội lắm. Đêm đêm, khi cô sắp đặt chân tới đám mả hoang vắng, thì nỗi bực bội phiền toái của cô về chuyện đó không còn nữa, và lòng cô tràn ngập bao nỗi yêu thương cùng hy vọng. Hồi nhỏ, không bao giờ cô dám đi qua đám mả ấy, kể cả ban ngày, thế mà nay cô đi tới đó chẳng chút sợ sệt. Không, ở đó không có con ma nào cả. Có phải đề phòng là đề phòng bọn công an. Nhưng chỗ này bọn chúng lại không ngờ tới. Ngạn yên ổn sống ở dưới đó ngót hai tháng rồi mới chuyển vào ở cứ. Tai họa xảy đến với anh vào buổi trưa, lúc anh đang trên đường từ cứ ra rìa xóm. Bọn giặc phục kích bắt được anh. Ngay chiều hôm đó, căn cứ trong rừng bị địch bao. May mắn, là anh em đi bắt vọp cả, chỉ có cái chòi trống không. Anh em bắt vọp gần đấy nghe bọn lính biệt kích láo nháo:
- Đ.mẹ, sao nó chỉ ở đây?
Có thằng bảo:
- Nó chỉ ở đây trúng rồi. Chắc tụi nó biết động nên đã dời.
Bọn lính nằm rình gần nửa tiếng đồng hồ mới kéo đi. Anh em thoát được về nói:
- Thôi, thằng Ngạn khai ra hết rồi!
- Thì còn gì nữa, ngoài nó thì ai vô đây!
- Thiệt là không hiểu nổi... anh em mình tin tưởng nó, nghe nó bị bắt mình cũng không dời cứ, vậy mà nó trở mặt như vậy aà?
Cái tin nói Ngạn bị bắt vừa mới về với Quyên thì kế đó lại có tin ghê gớm hơn nói Ngạn đã khai báo. Trong một ngày, Quyên nhận được hai tin dữ. Ban đầu cô không tin, không bao giờ cô tin Ngạn lại phản bội. Cả nhà, từ mẹ cô đến chị Sứ, cũng đều không tin sự thật lại là thế. Nhưng không lâu sau, khắp Hòn Đất đều đồn Ngạn là người đã chỉ căn cứ cho địch đánh. Tất cả mọi người tốt đều nhìn Quyên với cặp mắt thương hại. Quyên tối tăm cả mặt mày. Cô có cảm tượng như bị một cây gậy của ai bất thình lình phang trúng ngang lưng. Cô khóc suốt đêm và nghĩ rằng nếu Ngạn đã vậy thì giữa cô với Ngạn đâu còn có gì nữa, và tình yêu thế là tan nát rồi sao? Đôi lúc nghĩ lại về con người Ngạn, cô bỗng muốn kêu lên: - "Không, không phải vậy đâu!". Có cái gì khiến cô hoảng sợ trước những lời đồn đãi, nhưng lại không muốn tin lời đồn đãi với sự suy xét và lòng tin của cô đối với Ngạn. Cô tìm gặp anh Hai Thép bây giờ đã là bí thơ chi bộ để hỏi. Anh Hai Thép nói: - "út Quyên à, bây cứ bình tĩnh. Chuyện này trong chi ủy vừa rồi có bàn nhưng chưa thấy có bằng cớ gì đích xác là do Ngạn khai ra, cho nên chi ủy vẫn chưa kết luận. Anh Tám Chấn viết thơ về nói: "Chuyện đó khoan đã, với bấy nhiêu sự việc mà đã vội cho đồng chí ta là phản bội thì không được. Đành rằng phải cảnh giác. Nhưng thằng địch bây giờ có nhiều mưu hiểm lắm. Việc này tôi đang cho điều tra, hư thực ra sao tôi sẽ báo cho các đồng chí hay". Quyên nghe anh Hai Thép nói thì hơi mừng. Cô trở về nhà với niềm hy vọng le lói trở lại. Cô nói với chị Sứ:
- Chưa chắc đâu, trong Đảng cũng chưa kết luận kia mà!
- Thì tao đã nói, các đảng viên chỉ có được thông báo sự việc như vậy và bảo phải cảnh giác đề phòng thôi. Mày cứ khóc hoài, phải để coi đã chớ, lớn rồi chớ bộ còn con nít sao!
Quyên nói:
- Thôi em nghe lời Đảng, nghe lời chị. Em không nghĩ gì nữa.
- ờ cứ vậy đi!... Nhưng tao hỏi... - Nói đến đây, chị Sứ do dự một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt Quyên, nói tiếp - Nhưng... nếu Đảng chỉ biết Ngạn vẫn tốt thì không nói chi, còn giá như Ngạn hư thiệt rồi thì mày tính sao?
Quyên ngồi lặng đi rất lâu mới đáp, giọng uất nghẹn:
- Tính sao nữa... coi như không có ảnh, coi ảnh chết rồi chớ sao! Gặp ảnh, em sẽ...
- Sẽ sao?
Quyên biết chị đã có ý trêu mình, cô vùng vằng:
- Tới chừng đó hẵng hay, bây giờ em không nói trước làm chi?
May thay, sự việc không phải dẫn đến chỗ như hai chị em giả dụ. Mươi bữa sau, anh Tám Chấn từ trên huyện về, cho gọi Quyên vô cứ. Câu đầu tiên của anh Tám là:
- Nè, út Quyên kiếm gà cho tôi ăn đi, rồi tôi nói cho nghe!
Trời ơi, mới nghe nói thế Quyên đã hiểu ngay. Tim cô đập thình thịch, cô nhào tới nắm chặt tay anh Tám. Anh Tám mỉm cười nhìn cô với ánh mắt vui vẻ và thông cảm. Anh lặp lại:
- Nhưng có đồng ý làm gà cho tôi ăn không chớ?
- Có, có... Quyên nói vội, mặt đỏ lên.
Anh Tám bấy giờ mới đứng dậy kéo tay cô ra góc chòi. Anh khẽ nói:
- Mấy hôm nay nghe út Quyên buồn lắm hả? Thôi đừng buồn nữa, Ngạn vẫn tốt, rất tốt. Anh dừng lại, giúi cái tàn thuốc xuống đất, rồi tiếp:
- Mới đây, ta vừa bắt được một ổ điệp điều tra, chúng có khai ra một số chuyện, trong đó có chuyện giặc bao cứ tháng trước. Nguyên do là bọn điệp ở xóm Chùa ngày nào cũng leo lên cây sao hai ngọn để theo dõi trong rừng tràm. Chúng nói một buổi chiều chúng thấy ở giữa rừng có khói bay lên. Chúng liền báo cho tụi thằng Xăm vô đánh. Đấy chỉ có vậy, chỉ có một ngọn khói nhỏ vậy thôi...
Quyên thở phào, nhẹ cả người.
2
Đang đi, anh Tám Chấn chợt đứng hẳn lại nhìn tới trước, trầm trồ bảo Ngạn:
- Cứ mỗi lần về Hòn là tôi lại thấy nó khác đi. Tháng này Hòn coi xanh tốt quá. Chú ngó kia, mãng cầu ta lên lá non coi mướt chưa?
Ngạn và chú bảo vệ anh Tám là Đạt cũng dừng lại. Đứng bên anh Tám, Ngạn đưa mắt nhìn về phía Hòn Đất. Anh cũng có cảm giác rất dễ chịu, ngay từ đầu đường rẽ về Hòn.
Hòn Đất nổi lên trên Hòn Me và Hòn Sóc, gối đầu lên xóm, về tháng này trông xanh tốt quá. Bấy giờ vừa sang tháng chạp ta, đã nghe gió tết hây hẩy lùa trong nắng. Cây cối trên Hòn và các xóm nằm liền Hòn vụt rạo rực, tràn trề nhựa sống. Vùng Hòn với những vòm lá của đủ các loại cây ăn quả đều sum sê, nhẫy nhượt. Những ngôi nhà trong xóm, mái lá và ngói đỏ chen nhau coi đông đúc như một thị trấn. Nhà còn cất leo lên triền Hòn thoải thoải, ở xa ngó cứ như những chuồng chim câu, có cái vách ván đã bạc thếch vì mưa nắng, có cái còn mới nguyên, vách lát bằng ván sao nổi lên đỏ sẫm. Xa quá khỏi Hòn một đỗi, là bãi Tre. Thấp thoáng những cây tre đằng ngà cao vút, vàng óng, những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho bao nhiêu năm tháng đã đi qua, mặc cho bao nhiêu gió mưa đã thổi qua.
Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang rỡn sóng, mang mang một màu xanh lục. Đứng ở đây, khi sóng sủi bọt âu yếm vỗ bờ, Ngạn thấy dưới chân bãi Tre như có một đường viền bằng ren, thỉnh thoảng lại dợn lên.
Anh Tám vịn vai Ngạn, cất bước chầm chậm đi tới và nói:
- Cảnh Hòn đẹp thiệt... Từ ngày đồng khởi tới này chưa đầy một năm mà cảnh đã thay đổi hẳn. Trận càn giữa năm, nhờ quần chúng đấu tranh gắt nên nó cũng không phá được gì.
- Nghe đâu nó đã rải thuốc hóa học ở một số nơi trong tỉnh mình hả anh?
- Có, nhưng càng rải nó càng chết. Có điều là sau ngày minh quật nó, nó hoảng một lúc, nay đã tỉnh tỉnh lại. Chúng đã bắt đầu chà xát mạnh ở một số nơi.
- ở đây thì kể như đã bị một trận rồi...
- Nó sẽ còn chà nhiều trận nữa chớ. Tụi nó dư biết đây là căn cứ của mình. Nó biết mọi cuộc đấu tranh tràn vô thị xã đều xuất phát từ đây. Vả lại, Hòn Đất là một điểm nằm trong khu vực tập trận của khối xâm lược Đông Nam á. Về phía ta, ta cũng không muốn chúng nó tới chỗ này. Nếu chúng có đóng bót, ta cũng phải nhổ đi...
Anh Tám Chấn dừng lại. Lát sau, anh cười rất hóm rồi nói:
- Riêng chú thì Hòn Đất còn có đặc biệt quan trọng hơn. Mặc tình chú đi đông đi tây gì đi nữa, nhưng chân chú đã bén rễ đất Hòn rồi...
Ngạn nhoẻn miệng cười. Anh Tám hỏi:
- Sao, tính ngoài ngày làm đám cưới à? Thôi, Tết này làm luôn đi. Tôi ráng "cương" lên làm chủ hôn một trận coi. Sau Tết tôi đi học rồi. Ông bà mình có nói: "Cưới vợ thì cưới liền tay..." gẫm ra rất là biện chứng nghe. Nên nhớ làm cách mạng và cưới vợ, hai chuyện mới coi qua thấy như có mâu thuẫn, nhưng trong điều kiện nào đó lại thống nhứt với nhau. Tất nhiên chuyện đời cũng có anh cưới vợ rồi sanh ra bê bết, nhưng có nhiều anh lại yên tâm hăng hái hơn. Cũng tùy, tùy "anh" tùy "em"... Phần chú thì tôi xin miễn nói, còn út Quyên thì tôi có thể nói: đó là một cô gái rất tốt, công việc Đoàn nó hăng hái tháo vát, công việc vườn tược, nấu nướng may vá nó làm cứ gọn hơ. Về sắc thì khá quá đi chớ. Đành rằng cái chuyện hiểu lầm hồi nẩm có làm chú bực, nhưng chú cũng phải thấy qua chuyện đó út Quyên nó như thếnào. Tôi thấy chú phải mừng, vì nếu cô ta nghe tin chú như vậy mà không vật vã đau đớn chi hết thì mới nguy. Đằng này nó như muốn điên lên được mà...
Nghe anh Tám nói, Ngạn cười tủm tỉm. Anh cố giấu nỗi đắc ý của anh. Thực ra, đầu tiên nghe chuyện đó thì anh dóa lắm, nhưng về sau càng nghĩ kỹ anh lại càng thấy thương Quyên tin Quyên hơn. Chính anh cũng tự dằn lòng: "Mình đã hai lần bị bắt, hai lần trốn thoát. Nếu có một lần thứ ba nữa thì cũng phải vững như vậy!".
Bởi vì anh biết rõ Quyên đã khổ sở ghê gớm như thế nào rồi, khi cô hay một cái tin như thế.
Vào tới đầu xóm, anh Tám Chấn hỏi Ngạn:
- Anh em trong đội chú đóng đâu?
- ở giữa xóm. Anh ghé đó chớ?
- Được, ghé coi có Hai Thép ở đó không?
Anh Tám quay lại vỗ vai chú bảo vệ của anh, hỏi:
- Có muốn về nhà chơi không, Đạt?
Đạt nhoẻn cười, gật đầu. Anh Tám nói:
- Thôi, cho chú về Linh Quỳnh thăm nhà, mai qua, nghe!
Chú Đạt bảo vệ hớn hở xốc lại dây đai khẩu cac-bin nói:
- Cháu đi!
Nói xong, chú rảo bước như chạy.
Từ xóm Hòn Đất qua Linh Quỳnh chỉ có bốn cây số.
Xóm Hòn Đất ở liền ngay chân Hòn. Cuối xóm là bãi Tre, cách biển vài trăm thước. Sau lưng xóm, còn một quãng vườn cây sum sê, rồi tới sông Vàm Răng. Sông không rộng cho lắm, ngày hai lần, nước sông lớn và ròng theo triều biển, theo tiếng bìm bịp kêu nghe tợ tiếng tù và thổi giục. Nhà cửa ở Hòn Đất san sát bên đường, xen vào giữa những vườn mít trái treo vàng xám, giữa những vườn dừa, vườn cau, và những cây ăn trái khác như mãng cầu, lê ki ma, măng cụt. ở đây có nhà cất trệt, nhưng cũng có nhà sàn phải đi lên bậc thang. Tùy theo lối vào nhà mà bậc thang đó bắc bên trái hoặc bên phải. Những nhà lớn lợp ngói thường có bậc thang ở hai bên, lên xuống bên nào cũng tiện.
Người ta bảo ngày mùa đứng ngoài Tri Tôn trông về Ba Hòn thấy giống như hình một cô gái vừa tỉnh giấc nồng nằm trên chiếc chiếu vàng, chân cô gái duỗi ra và đầu nhổm tới phía một dải lụa xanh phơ phớt.
Chiếc chiếu vàng là đồng lúa chín tới. Và tấm dải lụa xanh ấy là dòng sông đó chăng?
Anh Tám và Ngạn đi vào gần tới giữa xóm thì nghe trước mặt vẳng tới tiếng đờn ca. Chốc sau, có một giọng nữ cất lên. Ngạn kêu:
- Ca sĩ Năm Nhớ tụi tôi bắt đầu trổi giọng rồi!
Anh Tám Chấn bảo:
- Mấy chú về đóng ở đây coi bộ đời lên hương dữ ha! Năm Nhớ ca đó hả?... Ca khá lắm, giọng đã tốt lại biết điều khiển tiếng ca. Hèn chi tụi lính bót nó mê cũng phải... à, nghe đâu hôm mấy chú làm ăn ở bót Cà Tưng, tụi lính tuyên bố không bắn để nghe ca hả?
Ngạn gật đầu:
- ồ, tức cười lắm. Có thằng kêu: - Cô Năm thương nhớ ơi, làm sáu câu nữa đi, anh em tụi tôi là dân mô điệu à, không bắn bậy đâu!
- Cũng hay. Tụi nó không bắn bậy là hay rồi. Nhưng nội dung bài ca ra sao? Chuyện này hơi tinh tế đây, tôi cũng dốt lắm, nhưng tôi nghĩ là lời lẽ bài ca của mình có tình có lý, sao cho lính nghe rồi nó chán ngấy cuộc đời làm lính, sao cho nó nhớ vợ, nhớ con muốn bỏ trốn ráo. Không nên dùng lời lẽ cứng nhắc, cũng không nên mùi quá... Chà, chắc Năm Nhớ ca nhiều bản mùi dữ hả? Nên chi tụi nó mới kêu là "Cô Năm thương nhớ" đó chớ gì?
- Không đến nỗi đâu anh... Năm Nhớ nhiều phen cũng tức mình lắm. Cô ta nói: - "Tụi lính mắc dịch đó, tôi mà không vì cách mạng, còn lâu tôi mới ca cho tụi nó nghe!".
- à, còn chú Diệp học sinh ở Rạch Giá mới vô đó thì sao/
- Chú ta cũng tốt thôi. Anh ta cũng thương. Nhưng tất nhiên đối với cuộc sống này chú ta còn nhều bỡ ngỡ.
- ở ngoài thành mới vô thì đứa nào cũng vậy. Cố giúp đỡ nó. Con em của đồng chí mình đã hy sinh, mình phải có trách nhiệm.
Tiếng đờn ca vọng lại mỗi lúc một rõ hơn. Anh Tám nghe biết ngay tiếng đờn độc quyền của ông Tư Đờn, liền nói:
- Từ ngày bị mù tới giờ, ngón đờn của ông Tư nghe càng xúc động.
Anh Tám và Ngạn đi một đỗi nữa thì đã ngó thấy cây me lớn. Cạnh gốc me cổ thụ ấy là nhà ông Tư Đờn, coi như một cái quán cốc. Hai người mới bước vào thì một con chó phèn to từ trong chạy xổ ra kêu ư ử, cúi liếm chân hai người và vẫy đuôi rối rít. Trong nhà vừa chơi dứt bài Vùng lên, anh em ơi! theo điệu Kim tiền. Anh em trong đội võ trang ngồi vây quanh cô Nhớ và ông Tư Đờn. Thấy hai người bước vào, họ la lên:
- Anh Tám với Năm Ngạn tới rồi kìa!
Anh Tám bắt tay mọi người. Anh ôm vai một thanh niên coi dáng dấp rất học sinh, cười nói:
- Sao! Đi đây có vui không, Diệp?
- Dạ vui!
Cậu thanh niên tên Diệp đáp, cười bẽn lẽn như con gái. Anh Tám lại bắt tay cô Nhớ, anh gặt gặt mấy cái:
- Xin chào ca sĩ!
Năm Nhớ đỏ mặt kêu lên:
- Anh Tám.
Anh Tám Chấn đến bên ông Tư Đờn:
- Bác Tư lóng này mạnh luôn hả bác?
- Tám Chấn đó à?
Ông già mù thốt hỏi rồi run run đưa tay sờ lên khắp người anh, nắn nót cườm tay anh một cái lặng lẽ. Lâu sau, ông mới chậm rãi hỏi tiếp:
- Sao lâu nay không thấy về? Hay có về mà không ghé tui!
Anh Tám đặt nhẹ tay lên đôi vai gày của ông già:
- Mắc công chuyện quá không về được, bác à. Nếu có về thì ắt phải ghé thăm bác chớ!
Anh ngó trước sau hỏi:
- Con Tím nó chạy đâu rồi bác?
- Nó đi mò cá ngoài sông...
Ông Tư không nói gì nữa. Ông cứ đưa cặp mắt sâu thẳm như muốn cố nhìn anh Tám. Nhưng ông đâu thể nhìn thấy anh được. Chín năm nay ông không nhìn thấy gì, kể cả thiên nhiên lẫn con người. Ngay như gốc me cạnh nhà ông, hay chõm Hòn, hay bờ bãi, mà nhất là những con người ông yêu mến ông đều không trông thấy. Đành rằng có những cái ông đã thấy lúc mắt còn sáng, nhưng những cái ấy nay đều đã khác đi. Nỗi khổ tâm bậc nhất giày vò ông già mù này chính là ở đây. Ông chỉ nghe sự biến thiên quanh mình mà không thấy được sự biến thiên đó, cho nên ông càng phải tưởng ra để thấy. Chính vì thế mà khi uất ức ông cũng uất ức hơn, lúc sung sướng ông cũng sung sướng hơn. Tại cái gốc me cổ thụ, cách đây không lâu, bọn đồn Hòn Đất đã trói quặt tay một chị cán bộ vào thân cây rồi dùng đinh đóng suốt qua hai bàn tay chị. Ông nghe chị chửi rủa, gào thét và tiếng súng nổ. Sau cùng, ông nghe tiếng kêu lớn: - "Cô bác ơi, hãy trả thù cho cháu!". Thế rồi một loạt súng nữa nổ vang. Từ trong nhà, ông quờ quạng chạy ra. Bọn giặc đẩy ông trở lại. Lúc chúng đi, ông nhằm hướng gốc me lồm cồm bò tới. Nhưng chị cán bộ không có đấy nữa. Chúng đã đem xác chị đi mất rồi. Ông ôm gốc me khóc. Nước mắt ngập đầy hố mắt ông đêm hôm đó và cả những ngày hôm sau. Thế rồi đêm đêm, ông tưởng như thấy chị cán bộ, nghe lại tiếng kêu, hình dung ra gốc me sây sát vết đạn, in sâu vết đinh đóng. Gốc me đối với ông đã đổi khác, là vậy. Những ngày đi đấu tranh, dẫu đường trơn lầy lội vì mưa dầm tháng tám, ông vẫn nắm tay đứa cháu, đợi bà con ùn ùn kéo ngang là nhập vào, đi lên bót, lên quận. Đấu tranh thắng lợi về, ông hình dung con đường trước nhà in đầy những dấu chân. Và ông sung sướng hơn, cũng là sung sướng như thế. Ngày đồng khởi, tất cả những buổi xử tội bọn ác ôn, ông đều có mặt. Hôm xử tên chủ Mưu - tên già gian ác nhất vùng, lúc anh Hai Thép vừa thay mặt tòa cách mạng hỏi ý kiến bà con có đồng ý xử tử nó không, ông nhóng lên giơ tay và la lớn: - "Tử hình, tử hình!". Bà con ai cũng có cảm tưởng là ông ngó thấy được. Ai cũng nhường chỗ ông đứng. Ông hỏi: "Bắn à?". Người bên cạnh đáp: - "Không, ché không bắn!". Ông lại hỏi: "Ai chém?". Khi người ta bảo chém là Ba Rèn thì ông "à" lên một tiếng đầy tin tưởng.
Hồi năm bốn mươi bảy, lúc mắt ông còn đang sáng, ông có thấy Ba Rèn chém Việt gian. Hồi đó, hiếm đạn cũng như bây giờ, Ba Rèn chém bằng mã tấu. Anh ta không bao giờ vung mã tấu lên quá đầu. Anh để lưỡi mã tấu gần cổ tên phản quốc, tưởng như anh chưa chém, thế mà bất ngờ cổ tay anh gặt mạnh một cái, đầu tên phản quốc rụng xuống. Lần đó, ông Tư đứng đợi kỳ đến lúc đầu tên ác ôn chủ Mưu rơi nghe cái "phịch" xuống bãi cỏ, ông mới chịu quơ gậy đi về.
Nỗi căm uất, sự hả dạ và niềm vui sướng của ông Tư mù cho đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi. Bây giờ nó cũng sâu thẳm như hai hố mắt ông đang cố nhìn anh Tám Chấn.
Chợt ông bảo:
- Mà nói vậy chớ rảnh thì ghé, không rảnh thì thôi, tôi biết Tám Chấn với anh em mắc lo công chuyện cách mạng. Biết vậy là tui mừng. Tui coi như anh em có ghé thăm tui rồi đó...
Anh Tám hỏi:
- Bác Tư ơi, độ rày bác còn uống rượu nhiều không?
Ông Tư Đờn không đáp ngay. Chốc sau, ông mới nói:
- Còn, mà không nhiều...
- Bác Tư uống ít là tốt!
- Chú Tám nói phải, nói phải... Nhưng hồi đó khác, bây giờ khác. Chú nghĩ, hồi đó cứ nghe tiếng cột chèo của tụi nó đập đầu anh em mình, tui hỏi chú liệu tui có ngủ đặng không? Mà tui lại không có mắt, tui còn làm gì được ngoài cái việc bòn mót gạo để dành, đêm đêm lóng tai nghe coi có chú nào về không, để quờ quạng bưng thúng gạo đưa mấy chú. Mấy chú bưng gạo đi rồi, tui thao thức, lúc đó tui mới uống...
Dừng lại giây lâu, ông tiếp:
- Còn từ ngày mình đứng dậy tới giờ, tui không uống nhiều nữa đâu!
Anh Tám từ từ nắm chặt hơn bàn tay gầy guộc của ông già mù. Một lần nữa, anh lại nghe thấy một cái gì trỗi dậy rất mãnh liệt, cứ sôi lên, thôi thúc khẩn thiết trong lòng.
3
Quyên xách con cá chẻm còn tươi rói đặt lên sàn nước. Cô xắn vội tay áo tới khuỷu, rồi cầm con dao phay dưới sàn chặt đứt sợi lạt tre xỏ ở mang cá. Quyên bắt đầu đánh vẩy. Bàn tay trái cô xòe hết năm ngón mà nắm không hết con cá. Con cá chẻm thiệt lớn. Mẹ Sáu nói nó cân tới bốn ký. Mẹ xách nó từ bãi Tre về đây cứ phải đổi tay luôn.
Quyền cầm dao đánh soàn soạt lên mình con cá loáng nước, anh ánh sắc tím. Những cái vẩy cá văng ra, to gần bằng đồng xu. Quyên thích thú lấy tay xếp nó lại, chồng cái nọ lên cái kia, nhìn cười, rồi lại tiếp tục đánh nốt đám vẩy còn lại. Con cá lớn là thế mà cô xoay trở làm coi gọn hơ. Cô chặt một nhát thì đứt rơi cái kỳ, chặt nhát nữa, đứt tiện cái đuôi. Phút chốc con cá chẻm đã làm xong, chỉ con mổ ruột. Quyên với chiếc gáo có cán đặt trên miệng khạp múc nước đổ vào cái vịm sành da lươn cạnh đấy, rồi nhắc con cá thả vô.
Cô dội mấy gáo nước nữa cho sàn lảng thiệt sạch.
Lúc sắp sửa vớt con cá ra để mổ bụng. Quyên chợt nghe ngoài bậc thang nhà có tiếng gọi vui vẻ, sang sảng:
- Má ơi!
Cô nghe đúng là tiếng anh Tám Chấn. Kế lại nghe:
- Má...
Tiếng sau có vẻ mừng rỡ và âu yếm. Quyên biết ngay là tiếng Ngạn. Cô liền để con cá xuống, rửa tay và vãnh bàn tay vuốt những sợi tóc lòa xòa ở hai bên thái dương. Cô nhón gót chạy ra, kêu rối rít:
- úi, anh Tám!
Cô vồn vã với anh Tám Chấn, còn Ngạn thì cô chỉ đưa mắt nhìn một cái. Thấy Ngạn mặc cái áo sơ mi đen của ai rộng thùng thình thì cô tức cười quá. Ngạn cũng vậy, anh chẳng hỏi gì cô cả, cứ thế anh ngồi xuống giữa nhà, dang tay đón con Thúy sà vào lòng. Ngạn hôn con Thúy chùn chụt. Hôn xong một cái lại "ủm" lên một tiếng coi vẻ ngon lành lắm. Con bé hôn lại anh, hôn không rõ kêu thì anh không chịu. Ngạn mở vòng tay ra, chỉ về phía anh Tám Chấn. Con bé chạy tới anh Tám. Còm một bước nữa tới chỗ anh, nó đứng lại, xuôi tay, rồi mới ôm lấy cổ anh hôn rất kỹ lưỡng.
Cả nhà đều nhìn cảnh ấy bằng cặp mắt vui vẻ, trìu mến. Mẹ Sáu đang ngồi nhai trầu, trệu trạo cười. Quyên đứng sau lưng mẹ, dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ chiếc lông nhím trên đầu tóc bới của mẹ và cô cười lúm cả hai má. Nụ cười của Sứ có nén giữ hơn. Nhưng mặt chị cứ ngây ra. Mắt chăm chăm để ý từng cử chỉ của con chị không sao giấu được nỗi sung sướng xen chút hãnh diện. Sự an ủi của chị Sứ ở đây nhiều lắm. Đứa con gái vừa là kết quả của tình yêu thương chồng vợ, vừa là sự hiện diện của chị, của anh. Con bé gắn bó mọi người lại hết sức dễ thương và trong trẻo.
- Thúy đi học chưa? - Anh Tám hỏi.
- Dạ con đi học rồi. - Con bé đáp nhỏ nhẻ.
- Con đi một mình à?
- Ngoại đi với con. - Nói tới đây, con Thúy đưa mắt liếc nhìn ngoại nó - Bữa nào ngoại cũng đi với con hết hà!
Mẹ Sáu ngồi trên bộ ván vảnh tai vuốt tém cổ trầu ở mép, nói:
- Bữa nào tao cũng đưa nó đi rồi rước nó về đó Tám. Mà nó cứ không chịu chớ, nó nói: - "Ngoại để con đi một mình, con đi được!"... Để nó đi một mình sao được kia chớ! Thằng Tám coi, máy bay bữa nào cũng rù rù, còn tàu sắt lâu lâu cặp mé biển thụt cà-nông phùm phùm. Đưa đón nó như vậy mà suốt buổi tao còn phập phồng, hãy có hơi máy bay thì thôi tim tao nó cứ nhảy lia. Huống hồ là để nó đi một mình, dọc đường rủi máy bay tới, nó biết hầm nào mà chui?
- Dọc đường mấy bác có đào hầm! - Con bé nói.
- Thằng Tám coi nó nói đó... Có đào hầm? Đành là có, nhưng tao hỏi, rủi hầm có rắn ở dưới thì sao?
Têm một miếng trầu mới, mẹ Sáu bỏ vào miệng nhai rau ráu:
- Con nít tới chừng nó quýnh thì nó nhảy đại, có biết rắn rít gì đâu. Người lớn còn bị cái nạn đó hoài...
Anh Tám đang vén áo thắt lưng súng ngắn, nghe mẹ Sáu nói thì bật cười. Mọi người cũng đều cười. Quyên cười lâu hơn hết. Cô ghé cằm lên vai mẹ, nói:
- Má tôi bả nhát lắm, anh Tám ơi!
Mẹ Sáu lườm cô gái út:
- Phải mà, thì tao nhát!...
Anh Tám Chấn nghĩ bụng: "Không đâu, mẹ Sáu không nhát đâu! Vì năm năm mươi tám, chính mắt anh trông thấy một thử thách dữ dội nhất xảy đến với mẹ Sáu. Dạo đó xảy ra câu chuyện hai tên lính đang ngồi trên chòi gác đồn Hòn Đất thấy trong mé Hòn có một em bé cỡi trâu. Tên này thách tên nọ nếu bắn trúng em bé nó sẽ thua cuộc một điếu thuốc thơm. Tên lính giương súng ngắm bắn. Phát súng nổ. Em bé từ lưng trâu ngã lăn xuống. Hay tin đó, bà con Hòn Đất uất quá, họ vác thây em bé ùn ùn kéo ra bót. Anh Hai Thép phải cho Sứ và chị Hai Thép theo. Anh dặn: - "Phải bắt chúng trừng trị tên bắn em bé, phải đạt được yêu cầu đó với bất cứ giá nào". Anh Tám và anh Hai Thép ngồi trong một ngôi nhà bên này sông theo dõi cuộc đấu tranh. Bọn giặc ngăn không cho đồng bào kéo tới bót. Khi bà con đòi trừng trị tên giết người, chúng bảo em bé chết là do rủi ro bị đạn lạc. Bà con xông lên. Thằng Xăm, người Khơ Me lai, lúc bấy giờ là đồn trưởng, xách súng cạc-bin chạy ra. Nó chĩa súng vào ngực mẹ Sáu, vì mẹ là người xông tới trước tiên. Thằng Xăm thét:
- Đi về! Bà bước tới một bước, tôi bắn liền!
Tình thế hết sức găng. Trong bất cứ một cuộc đấu tranh nào, thắng hay không là ở phút ấy. Thằng Xăm ác ôn lắm, nó dám bắn bà mẹ như chơi. Nếu lúc đó, mẹ Sáu lùi lại thì cuộc đấu tranh kể như hỏng. Nhưng không, mẹ Sáu không lùi lại. Mẹ nói với tên Xăm câu gì, anh Tám ở xa nên không nghe được, nhưng anh thấy mũi súng cạc-bin của tên Xăm cứ run lên. Giữa lúc đó, một người đàn bà ở phía sau lách tới đứng chen vào giữa họng súng của thằng Xăm và mẹ Sáu. Đó là thím Cà Xợi, mẹ ruột của thằng Xăm. Thím nói gì với thằng Xăm, rồi đột nhiên bước phắt tới đỡ họng súng của thằng Xăm lên. Bà mẹ Sáu cùng đoàn người thừa lúc đó chạy ào vô.
Lần ấy, cuối cùng địch phải trói gô tên lính sát nhân lại. Thằng Xăm hứa sẽ bỏ tù nó. Sau đó về, anh Tám hỏi mẹ Sáu khi ấy mẹ đã nói gì với thằng Xăm. Mẹ bảo:
- Tao nói: - "Xăm à, mày bắn tao như bắn bà Cà Xợi thôi". Và câu nói của bà Cà Xợi khi đó là:
- "Đừng bắn bà Sáu, bắn tao đây. Ngực tao nè, bắn đi, Xăm!".
Thằng Xăm không bắn được. Nó là một tên ác ôn khét tiếng, nhưng nó chưa thể bắn mẹ nó.
... Bây giờ, nhìn mẹ Sáu, anh Tám nhớ rõ ràng ngày ấy mũi súng đã chĩa vào ngực mẹ như thế nào.
Anh hỏi mẹ:
- Máy bay thì má sợ như vậy, còn hồi nẩm lúc đứng trước họng súng của thằng Xăm, sao má không sợ?
Mẹ Sáu không đáp. Lát sau, mẹ chậm rãi nói:
- Máy bay tao cũng không sợ đâu. Sợ là sợ cho con cho cháu. Chớ tao thì già rồi, sắp xuống lỗ rồi mà còn sợ nỗi gì, Tám!
Má tiếp lời:
- Nói là nói vậy chớ tao chưa chết đâu. Tao còn phải mở mắt để nhìn nước nhà thống nhứt, để thấy mặt Cụ Hồ. Được thấy hai điều đó thì tao nhắm mắt mới đành!
Anh Tám nói:
- Sớm muộn gì má cũng sẽ nhìn thấy được hai điều đó!
- Chắc hôn Tám, chắc thiệt hôn Tám?
Mẹ Sáu hỏi lại và ngước mắt khẩn thiết nhìn anh Tám như thầm hỏi thêm: "Sao? Có gì mới không? Đảng nói sao, nói lại tao nghe, tao mừng với coi!".
Mẹ Sáu cho rằng cái gì anh Tám cũng biết, cũng thông báo trước hết. Hễ anh Tám nói là mẹ tin, tin rằng cái đó phải, cái đó đúng. Mẹ tin anh Tám là tin ở Đảng, tin anh là người của Đảng dẫn dắt bao bọc cho mẹ, cho con cháu của mẹ và xóm làm sống yên ấm, vui vẻ và hiếu thuận.
- Chắc chắn chớ - Anh Tám nói với mẹ - Má à, bây giờ không phải như trước. Hồi đó, mình muốn sống yên, muốn thống nhứt, nhưng Mỹ - Diệm nó không cho mình sống. Ai đòi thống nhứt thì nó chặt đầu, mổ bụng. Chịu không nổi bà con mình mới làm đồng khởi. Đã đồng khởi lên rồi thì chừng nào giành được lại cuộc sống tử tế đàng hoàng mình mới chịu, bằng không mình sẽ không buông súng.
- Đánh hoài à? - Bà mẹ hỏi.
Anh Tám đáp:
- Nếu nó còn ức hiếp mình thì mình còn đánh hoài. Hết người này đến người khác. Chừng nào Mỹ rút hết mới thôi!
- Tao ngó bộ Mỹ nó ngoan cố lắm, chừng nào nó mới chịu rút hết?
- Mình có đánh nó mới rút. Tây hồi đó cũng vậy!
Bà mẹ để hai tay vào lòng, thấp giọng:
- Biết vậy rồi...
Đoạn mẹ chép miệng:
- Lo cho tụi bây thôi, chồng vợ xa nhau, chớ tao thì già cả rồi... Mà điều tao nói thiệt với Tám, tao già thì già chớ tụi bay đi tới đâu tao cũng bươn theo tới đó. Đi đấu chính trị tao đi hoài được. Hay là nấu cơm tiếp tế cho bộ đội tao cũng nấu được...
Chợt ngoảnh lại thấy Quyên vẫn còn đứng bên cạnh, mẹ lấy tay xô khẽ con:
- Sao mà còn đứng đây?
Rồi mẹ dịu giọng:
- Đi làm cá đi, con. Chiều rồi. Nấu cơm cho mấy anh mày nó ăn!
Quyên từ từ nhắc cằm khỏi vai mẹ, đi ra nhà sau. Ngạn cũng nắm tay con Thúy đi theo.
... Quyên lật bụng con cá để lưỡi dao lên. Cô khẽ hỏi Ngạn bấy giờ đang đứng sau lưng cô tháo súng ngắn treo lên vách:
- Anh bật khính cái áo của ai vậy, anh NgạN?
- áo của anh Thẩm!
- Còn bộ quần áo em gởi cho anh đâu?
- Cho anh em rồi!
- Lại cho!
Quyên mổ cá, đem rửa. Tay làm miệng cô nói:
- Nè anh, chị Ba mới được thơ anh Ba, anh biết chưa?
- Biết rồi! Sao, ổng vẫn đàng hoàng chớ?
Quyên hơi giẩu môi:
- ở ngoài mà không đàng hoàng! Ai cũng được học tập, được giáo dục. Anh Ba ảnh tốt lắm. Đọc thơ, em tội nghiệp cho anh quá. Thôi, ảnh căn dặn chị Ba đủ thứ nghe... Nào là phải bình tĩnh, phải cho con Thúy đi học... - Nói tới đó, Quyên ngừng lại một giây, và tiếp giọng nhỏ hơn - Nghe vụ tụi mình, ảnh cũng có hỏi thăm...
4
Mẹ Sáu đem trải lên bộ ván chiếc chiếu bông. Chiếc chiếu bông này là một trong đôi chiếu của nhà mẹ Sáu chỉ đem trải khi có giỗ kỵ, đám tiệc.
Ngạn ngồi uống nước trà trên ván với anh Tám chợt nghe ngoài đường có tiếng ai nói chuyện giống như tiếng anh Hai Thép. Ngạn chạy ra. Hai Thép đã đi vào tới sân. Anh bí thư chi bộ này vóc người hơi gầy mà chắc. Đầu anh buộc ngang một cái khăn rằn, nách cắp một chiếc cặp giả da thứ của trẻ con đi học và mang một chiếc ra-đi-ô bán dẫn kiểu Nhựt. Một tay giơ chào Ngạn theo kiểu nhà binh rồi bước như nhảy lên bậc thang. Bàn chân trái của anh bị đứt hai ngón, cứ hếch hếch lên tấm gỗ bậc.
- Mới về hả chú? Ông Tám Chấn đâu?
- ở trong nhà.
Vào nhà, anh Hai Thép liệng cái cặp giả da vào góc ván, ngó anh Tám Chấn cười và nháy mắt:
- Mới xuống hả ông?
Hỏi xong, anh gấp gấp mở thêm một cái cúc áo nữa, tay tháo cái khăn rằn trên đầu xuống đập đập mồ hôi đổ hột ở ngực. Anh Tám rót một chun trà, đặt trước mặt Hai Thép.
Hai Thép nhắc chén trà lên, cười nói:
- Tụi tôi đợi ông xuống quá xá. Cái vụ đất bị cha con thằng chủ mưu xáo canh hồi đó nay giải quyết lại nột dữ. Không phải dễ đâu nghe ông!
Anh Tám Chấn cười cười:
- Thì tôi có nói là dễ đâu!
Hai Thép đưa chun trà lên tợp một hớp rất kêu, chép chép miệng:
- Tôi đợi ông xuống đặng hỏi ý kiến ông về mấy khoản, giả tỷ như cái khoản...
Anh Tám Chấn vội giơ tay khoát khoát:
- Thôi, uống nước đi, rồi ở đây ăn cơm với tụi tôi. Mai đã, mai hẵng tính. Bữa nay ông xả hơi "giải nghề" một bữa đi!
Hai Thép ngồi xuống ván, rót nước uống liên tiếp hai ba chun nữa. Mẹ Sáu ở sau bếp đi ra, thấy Hai Thép liền hỏi:
- Hai Thép đó à? Còn Ba Rèn với thằng Năm Tấn đâu?
- Cháu không gặp. Cháu ở nhà đi thẳng tới đây.
- Tôi có nhắn mấy đứa nó chiều nay lại ăn cơm, giờ sao chưa thấy tới?
- ối, hơi nào lo cho mấy thằng đó, má ơi!
Quyên đã bưng thức ăn ra. Mọi người đang ngồi nói chuyện liền lánh chỗ cho cô đặt đĩa cua xào dấm và đĩa tôm chiên vào giữa. Mùi chiên xào bay thơm quá. Đĩa tôm chiên coi mới thích làm sao. Những con tôm to bằng ngón chân cái đã lột vỏ, hồng hào nằm cong mình dưới lớp nước sốt cà chua đỏ tươi. Kế đó, chị Sứ lại bưng tiếp một thau nhôm đựng gỏi đu đủ trộn với khô cá bôi xé. Anh Hai Thép cúi nhìn thau gỏi, xoa xoa tay, khều Sứ nói:
- Mấy món này tao ngó đều khá. Thế nào rồi tao cũng cho má bầy trẻ tới học tập, nhưng nếu chị em bây chỉ dọn bấy nhiêu món đó thì tụi tao chưa chịu ăn đâu!
Quyên mau miệng:
- Còn cá chẻm chiên nữa, anh Hai à!
Hai Thép vỗ tay đánh bộp một cái:
- Có cá chẻm chiên nữa à! - Nhưng anh vội khoát khoát nhẹ tay: - Không, có cá chẻm tụi tao cũng chưa chịu ăn.
Quyên trố mắt, Sứ nói:
- Con Quyên khờ quá, anh Hai mà mày không biết à, ảnh nói xa nói gần đó mà...
Hai Thép cười, hài lòng:
- Con Sứ khá lắm... Vậy cái tao nói xa nói gần đó có không? Có thì đem ra đây, mau đi!
Sứ ngó mẹ, cười. Mẹ Sáu nói:
- Thôi, con vô buồng... đem ra đi, một chai thôi. Chớ không có, Hai Thép nói không chịu ăn thiệt đa!
Sứ vào buồng, lát sau cầm ra một chai rượu trong vắt. Hai Thép đưa hai tay với ngang chai rượu, ôm vào lòng như sợ bị đòi lại. Anh vừa rung đùi vừa khoát tay ra lệnh cho anh Tám và Ngạn qua. Rồi anh quay nhìn thẳng vào mắt Ngạn, cố lấy giọng thật dịu dàng:
- Mày về nhà tao thấy mày nhu mì điềm đạm, tao thương quá, Ngạn!
Anh day qua mẹ Sáu nói:
- Má à, về nhà đây coi nó mủ mỉ vậy chớ ở chỗ khác, tự nãy giờ thôi bể nhà bể cửa với nói rồi nghe má!
Mẹ Sáu lắc đầu cười. Anh Hai Thép khoái chí nhìn Ngạn đang ngượng nghịu leo lên ván...
Hai Thép rót rượu ra ly. Anh nài nỉ mẹ Sáu phải uống một chút. Mẹ không chịu uống. Anh mời tới Quyên, Sứ. Hai chị em, cười, lắc đầu. Anh đưa ly lên chạm với anh Tám Chấn và Ngạn.
Ba cái ly ấy mới giơ lên vừa chạm vào nhau đánh "cốp" một cái chợt ngoài sân có tiếng chân đi thình thịch. Và tiếng chân đó lát sau vội vã nhảy lên bậc thang. Ba người cần ly rượu trên tay chưa ai uống một hớp thì Tấn và anh Ba Rèn xồng xộc bước vào. Hai anh bắt tay anh Tám và Ngạn rồi ngồi ghé xuống ván. Tấn thì thào:
- Vừa có tin cho hay địch tập trung tại Tri Tôn ngót ngàn quân. Thế nào mai nó cũng càn, nhưng chưa biết càn đâu.
- Bao nhiêu, gần một ngàn quân à? - Anh Tám hỏi lại.
Tấn gật đầu:
- Một tiểu đoàn chủ lực, một tiểu đoàn bảo an và thêm một đại đội biệt kích.
- Đại đội biệt kích của thằng Xăm. Anh em cho biết rõ như vậy! Ba Rèn nói.
Anh Tám Chấn lặng thinh, cau mày. Anh chồm người tới trước thò tay nhặt cái nút, thong thả nhét miệng chai rượu lại, đưa cho Sứ bảo cô đem cất. Anh nói với mọi người:
- Thôi tụi mình làm bậy ly này thôi. Tranh thủ ăn cơm đi. Má, cô Sứ với cô Quyên cũng lấy chén ra ăn cơm luôn thể. Tôi nghi nó đánh đấy. Nhưng nếu nó đánh thì cũng giác hừng đông. Có đại đội thằng Xăm thì phải coi chừng. Có thể nó "đột" sớm hơn!
- Sao mấy bữa nay không thấy "đầm già" nó quần cà?
- Đâu nhứt thiết phải có "đầm già" quần.
Đợi mọi người ăn cơm xong, mẹ Sáu thu dọn mâm chén. Cũng trên bộ ván đó, bây giờ mọi người ngồi quây lại. Anh Hai Thép buộc xiết chặt cái khăn lên đầu, nói:
- Thấy rõ là nó đánh vùng Hòn rồi. Tôi đề nghị có bàn gì thì bàn mau mau để rồi chuẩn bị đối phó ngay. Theo tôi, một mặt Ba Rèn cho tập hợp anh em du kích lại xuống chông, gài lựu đạn. Còn vợ tôi để nó lo bố trí các tổ đấu tranh. Cần hết sức chú ý mặt đấu tranh hợp pháp để ngăn chặn sức đánh phá của địch. Chút nữa, tôi sẽ tạt qua nhà cho vợ tôi hay luôn!
Anh Tám Chấn đặt bàn tay lên bàn, ngón tay trỏ của anh nhịp nhịp:
- Đồng ý với Hai Thép. Nhưng nên nhớ như vậy là quân số địch đông đấy! Về tình hình Hem thì ra sao? Khi đánh nhau với chúng nó, có chỗ lánh né không?
- Hem còn tốt thì ít thôi. Chỉ đủ cho một vài tổ. Đất cát khó đào quá, cứ bị sụp hoài. Mới đây lại bị sụp nữa, chưa củng cố lại kịp. Tụi tôi tính bố trí chặn đánh chúng ngoài vườn. Chừng nào thắt ngặt quá thì lánh né vô hang.
Anh Tám Chấn im đi một lúc. Gương mặt anh thoáng vẻ lo lắng. Anh bảo:
- Phải ráng khắc phục hầm hố sao chớ để như vậy thì bị động quá...
Anh Ba Rèn nói:
- Hang Hòn là chỗ cố thủ rất ngon. ở đó một người mình có thể chống chọi lại trăm thằng. Lần trước cũng vậy...
- Lần trước khác, bây giờ khác... Tôi cũng tin là hang Hòn có địa hình chống đỡ thuận lợi, nhưng nếu chỉ xét về mặt địa hình không thì không được... Nhưng thôi, hiện tại là không có hầm đảm bảo ở ngoài xóm, cũng phải đành giải quyết như vậy thôi. Chớ nói về lâu dài thì không thể cứ chỉ lấy hang Hòn làm chỗ dựa duy nhất được đâu.
Day qua Ngạn, anh Tám nói:
- Đội công tác của chú cũng kết hợp với anh em du kích chiến đấu luôn.
Ngạn gật đầu:
- Được rồi, đội tụi tôi có sáu súng: ba mát, ba tôm-xông, và mười lăm trái MK3. Tất cả đều có thể chiến đấu.
Ba Rèn hớn hởn, nắm tay Ngạn gặc gặc. Anh Hai Thép bảo:
- Tôi thấy anh Tám không nên ở đây.
Anh Tám Chấn suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Không việc gì, tôi cứ ở đây thôi!
Rồi kéo anh Hai Thép lại, anh nói nhỏ:
- Tôi sẽ ở lại ngoài xóm giúp chỉ đạo bà con đấu tranh chánh trị. Anh liệu coi ở nhà nào thì tiện.
Hai Thép thoáng vẻ mừng rỡ, nói luôn:
- Anh Tám cứ ở tại nhà tôi. Vợ tôi trực tiếp nắm các tổ đấu tranh chánh trị có anh giúp thì hay quá. Hầm bí mật ở nhà tôi cũng vững, thôi anh cứ ở đó!
Anh Tám Chấn gật đầu. Rồi anh tiếp:
- Hai Thép cho ai chạy qua Linh Quỳnh kêu chú Đạt của tôi về. Cứ để Đạt tham gia chiến đấu. Như vậy sẽ có thêm một cây cạc-bin. Đạt nó bắn cạc-bin khá lắm!
Ba Rèn nói sẽ cho người qua Linh Quỳnh ngay. Giữa lúc ấy, Tấn an ninh nhích lại gần mọi người, khẽ bảo:
- Còn việc này nữa... Nếu địch nó bố ở đây thể nào nó cũng xài tụi điệp, dùng tụi này chọc. Hiện nay, còn thằng Ba Phi mình để đó theo dõi chưa bắt. Mình phải tính sao, chớ không...
- Phải bắt thôi. Thằng chủ trại đáy nó nguyên hiểm lắm. Cả vợ nó nữa.
- Tôi cứ tưởng mấy ông bắt nó rồi chớ! Anh Tám Chấn nói. - Và anh tiếp - Cho bắt đi!
Nhưng không biết nghĩ sao, anh lại hỏi:
- Từ đó tới nay theo dõi nó thấy có hiện tượng gì mới không?
Tấn đáp:
- Chưa thấy gì mới.
Anh Tám gõ gõ ngón tay xuống ván:
- Chắc bây giờ nó đang chờ địch tới lắm. Nếu bắt nó khai thác liền được đồ địch thì hay quá. Thế nào nó cũng biết.
Ngạn nghe nói bắt gián điệp thì xen vào bảo:
- Từ trước tới nay mình có để lộ ra cái gì chứng tỏ là mình theo dõi nó không?
Tấn nói:
- Không, nó không biết đâu!
Hai Thép bảo:
- Đi bắt nó phải bố trí cho kỹ. ở đó meo lắm, cần ghé rà trước coi hồi chiều tới giờ tụi quận có thả lính vô không?
Ngạn hỏi:
- Để cánh tụi tôi giúp cho một tay!
Hai Thép gật đầu:
- ừ, vậy thì tốt lắm. Phải làm liền đi. Tối rồi. Đi ra tới ngoải là vừa?
Ngạn đứng lên.
Quyên lẹ làng chạy ra đằng sau lấy xanh-tuya đem ra đưa Ngạn. Ngạn thắt súng vào lưng, rồi cùng Tấn bước thót ra cửa. Hai Thép dặn:
- Bắt được cứ đưa thẳng nó về hang nghe!
Ra tới đường. Ngạn đi sát vào Năm Tấn, nói:
- Tôi tính mình bắt thằng này phải mánh lới một chút, anh Năm! Phải gạt nó khai rồi hẵng bắt!
Tấn chưa hiểu, hỏi:
- Gạt làm sao?
Ngạn kề miệng nói rỉ vào tai Tấn. Tấn nghe xong lộ vẻ thích thú lắm. Anh ta khen:
- Hay, hay!
Ngạn nói thêm:
Tụi tôi có đồ sĩ quan. Đừng lo!... Bởi trước sau gì mình cũng bắt nó mà. Nhưng trước sau có một chút quan hệ lắm... anh thì nó biết mặt, cứ bố trí vòng ngoài, để tụi tôi vô.