Chuyện Tình Con A Móc
Đồng Sa Băng
Buổi tối, trời Sài Gòn lành lạnh, Loan dọn dẹp đồ ăn, lau chùi năm ba cái bàn xong đóng cửa tiệm ra về. Trời về khuya, khu phố 5 đường Tô Hiến Thành, Quận 10 trở nên vắng vẻ. Người phu xe xích lô vừa đi xong cuốc cuối. Cập chiếc xe dưới tàn cây me, lão hất đít xe về vỉa hè rồi leo lên cái ghế dành cho khách ngồi phì phà điếu thuốc lẻ. Và ngoài đường, tiếng xe gắn máy thưa dần.
Hôm nay chị em Loan Phượng trở về căn nhà trọ sớm hơn mọi ngày. Loan-Phượng là một cặp, sống chung nhau từ ngày cha mẹ mất. Căn nhà nhỏ, nằm chi chít trong khu phố 5, là tổ ấm của hai chị em và hai đứa cháu gái nhỏ. Sau ngày cha mẹ qua đời, người chị cả của Loan-Phượng mua căn nhà nhỏ này cho hai chị em ở. Căn nhà hiu quạnh nên Loan-Phượng mang hai đứa cháu gái về ở cho vui, và cũng để giúp người chị lớn một tay.
Mười năm trước, trong một cơn bạo bệnh cha của Loan qua đời. Và năm sau kéo theo mẹ của Loan cũng ra đi, khi Loan vừa tròn 17. Sau cái tang của mẹ là việc học của Loan cũng chấm dứt ở lớp 11, và cũng từ đó Loan bắt đầu lăn lộn vào đời.
Sài Gòn vừa trải qua cơn sốt đổi mới. Từ những con đường, những căn hộ, đến cả cái tên của thành phố này cũng thay tên, đổi chủ. Thường thì những cái gì đổi mới là để thể hiện cái tốt, đẹp, nhưng chưa hẳn lúc nào cũng như thế. Không tin thì hỏi người phu xích lô sẽ biết. Có những cái đổi mới làm cho lão già đạp xích lô thêm bực bội. Nhất là tên những con đường, mỗi lần khách bảo lão chạy về đường Đồng Khởi, thì lão lại gải đầu: “À đó là Tự Do.” Nhưng nếu lão hỏi lại: “Về đường Tự Do hả cưng” thì người khách lại nói: “Bây giờ làm gì có đường Tự Do, ông lại mơ về ngày xưa nữa rồi!” Có những hôm, lão ngồi cải lộn với người bạn lối về Xưởng Đẻ Từ Dũ. Mấy chục năm rồi, lão nhớ nằm lòng con đường về Bảo Sinh Viện Từ Dũ. Bây giờ, mọi thứ tự nhiên xáo trộn, ngay cả cuộc đời của lão cũng đang xáo trộn.
Cái ngày Sài Gòn mang tên mới, Loan vừa tròn ba tuổi. Nhà có bốn chị em gái, Loan Phượng nhỏ nhất, và Loan là chị của Phượng, nhưng Loan lại èo ọp nhỏ con hơn. Cũng vì thế mà ba Loan thương Loan nhiều nhất.
Sài Gòn ở thời buổi “bao cấp”, ba má của Loan cũng như bao nhiêu người dân khác, phải làm việc vất vã mà mấy đứa con vẫn bửa no bửa đói. Ngày nào cũng ăn cơm độn với bo bo, riết rồi chị em Loan Phượng cũng ngán tới cổ họng.
Nghĩ cũng lạ, miền Nam là vựa lúa mà người dân miền Nam lại không đủ gạo ăn!
Nhiều người đâu có nghề ngỗng gì để làm ăn. Nhưng mà có tay nghề cũng chưa chắc tìm ra được xưởng sở để làm. Nên dân Sài Gòn đua nhau mở phong trào mới bằng nghề buôn bán. Nơi nào, xó hẻm nào, và con đường nào người ta cũng mở tiệm buôn. Chắc nghèo quá nên bị mấy chử “Vô thương bất phú” nó làm cho người Sài Gòn mê mệt! Người ta nói trăm người bán, vạn người mua, vậy mà đi đâu cũng thấy vạn người bán, mà chỉ có trăm người mua! Từ con đường Tô Hiến Thành đổ ra Cách Mạng Tháng Tám đâu đâu cũng mở tiệm buôn. Mà nhất là con đường Cách Mạng Tháng Tám. Có lẽ người dân sống trên con đường nầy bị cái tên con đường quyến rủ nên muốn làm một cuộc cách mạng buôn bán để may ra đổi đời! Thế là Ba Má Loan Phượng cũng nhảy ra mở cái tiệm ăn bỏ túi trong hẻm đường Tô Hiến Thành. Nói là bỏ túi vì nó nhỏ, không còn nhỏ hơn tiệm ăn nào khác!
“Vô đây, vô đây ăn đi anh.”
“Ăn cái gì trong đó?”
“Cơm sườn. Cơm sườn của em ngon nổi tiếng, mời anh ăn cho biết.”
“Thiệt sườn của em hong, cưng?” Người khách thập Phượng cười nhe răng rồi phóng xe vụt chạy.
Trước cửa tiệm ăn nào cũng có một vài người đứng ngoài đường đưa tay ra chận xe mời khách đi đường vào tiệm ăn. Lúc còn nhỏ Loan cũng thường đứng ngoài đường đón khách cho tiệm ăn của ba má. Sau này, lớn lên một chút, Loan bắt đầu học nấu ăn và đi chợ cho tiệm ăn. Sau ngày ba mẹ qua đời Loan tiếp tục thay thế và theo nghề nấu ăn mãi cho đến bây giờ. Người ta nói mở tiệm ăn có lời nhiều nhưng cực lắm. Sáng nào Loan cũng thức dậy thật sớm, ra chợ Hòa Hưng mua rau quả, thịt cá đêm về rửa sạch, cắt ra đâu đấy để sửa soạn nấu ăn trong ngày. Loan phải đứng bếp suốt buổi sáng. Ðến mười hai giờ trưa cửa tiệm đóng cửa, Loan về nhà nhắm mắt một chút để lấy sức cho buổi chiều.
Cuộc sống cứ thế trôi theo dòng đời. Ðến nay Loan đã 28 mà vẫn đường về một bóng.
- Gần ba mươi rồi, sao chị không lấy chồng đi còn chờ đến bao giơ nữa? Phượng hỏi.
- Lấy ai giờ đây, bộ em nói muốn lấy chồng là lấy hả!
- Thì anh Khổng đó.
- Thôi đi, hết người sao đi lấy ông đó. Em thấy hong, suốt ngày nhậu nhẹt, say sưa như hủ hèm mà bảo chị lấy làm chồng sao cưng! Mà nữa, chị tên là Loan mà đi lấy tên Khổng thành ra Khổng Loan, thì uổng công ba má đặt cái tên cho chị rồi! Thà nằm không chơi chứ chị không rảnh lấy người say tên Khổng đâu cưng.
- Nhưng em thấy ảnh thương chị và ngày nào cũng đến tiệm chị ăn cơm hoài.
- Mặc kệ ổng chứ. À, mà sổ thiếu nợ của ổng hết chỗ ghi rồi đó. Cái thân không đi làm lấy gì ra tiền mà trả tiền ăn.
- Kia kìa, ảnh lại đến nữa kìa.
- Cho anh đĩa cơm sườn đi em. Tiếng của Khổng.
- Cơm em bán chứ không cho.
- Ủa! Sao lạ dzậy, thì anh ăn xong rồi anh trả tiền cho em sau chứ.
- Ngày nào anh cũng nói trả tiền sau hoài, có khi nào anh nói trả tiền trước không? Anh thấy đó, bức tường bên cạnh anh còn chỗ nào trống để ghi nợ anh nữa đâu. Trời ơi, anh tưởng quán em là quán chùa hả.
- Thì khi nào anh tìm ra được việc làm anh trả cho em, có mất đồng nào đâu.
- Thôi nha, mấy năm nay rồi anh biết hong, có ngày buồn tình anh mang ra mấy ngàn trả cho tui, rồi anh lấy cớ anh tán anh dê tui. Còn lại mấy tháng nợ đó, thôi, tui mệt quá rồi. Nè, cơm của anh nè.
- Lấy anh đi, anh sẽ trả cho em suốt cuộc đời của anh.
- Thôi nha, bộ khùng sao lấy anh để rồi nuôi anh suốt đời thì có, xí.
- Sao hôm nay mắc chứng gì mà em chơi anh hoài dzị?
- Không dám chơi anh đâu. Anh ăn cơm đi, rồi hôm nào mang tiền ra trả cho tui.
Chiều lại về trên khu phố 5, cánh cửa tiệm ăn khép kín. Loan đưa mắt nhìn ra đường Tô Hiến Thành, hạt mưa đang rơi, và lão gìa đạp xe xích lô vẫn ngồi co ro dưới tàn cây me.
Mưa Sài Gòn rất tình và lãng mạn. Có những cơn mưa làm cho người ta quen nhau rồi yêu nhau. Có những cơn mưa chỉ đủ làm ướt áo, như muốn trêu cợt người đi đường rồi vội vàng tan đi. Và có những cơn mưa như hờn giận ai, mưa như đổ lên đầu, làm lòng người chùn lại. Chiều nay cũng vậy, có lẽ trời đang giận hờn ai nên trời đổ mưa xuống khu phố 5 này. Con hẻm khu phố 5 bây giờ nước mưa lai láng. Tiếng mưa lộp độp trên mái tole tiệm ăn Loan, nghe dường như cơn mưa sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhìn bên hè, những hạt mưa rơi chạm đất tạo thành những bong bóng trôi theo dòng nước. Những bong bóng vội vàng trôi đi thật xa rồi vỡ tan. Và những bong bóng khác lại nổi lên. Chiều nay chắc trời mưa dai lắm, người ta nói mưa có bong bóng thì mưa sẽ rất dai.
Loan nhìn về xa xa, những hạt mưa tan vỡ giữa lưng trời, rồi gió thổi bay đi như những sợi sương mù.
Thật ra Khổng rất thương Loan, nhưng hạnh phúc gia đình đâu phải chỉ có ngồi đó nói thương yêu không là đủ! Mấy năm rồi Loan tự nuôi lấy bản thân, bây giờ đã thấy mệt mỏi. Loan chỉ muốn có một tấm chồng biết lo làm ăn để Loan nương tựa, chỉ vậy thôi.
Cơn gió oài về hét những hạt mưa vào bên trong tấm cửa sắt, Loan thấy hôm nay không còn mua bán được nữa. Loan - Phượng lại đóng cửa về sớm. Cánh cửa vừa khép lại thì từ đâu xuất hiện một người thiếu nữ, trên tay ôm cặp da, vẽ mặt vui tươi, hớn hỡ:
- Em phải Loan hôn? Nhìn em là chị biết em tên Loan liền hà.
- Chị là ai? Ðã biết tên rồi còn hỏi chi nữa.
- Vô đi, mở cửa ra cho chị vô bên trong rồi mình nói chuyện.
- Mời chị vô.
- Ướt hết rồi, em có cái gì cho chị lau sơ một chút đi cưng.
- Miếng vải đây, chị lau đở đi.
- Trời ơi! mưa chi mà mưa như đổ vậy hỏng biết. Rồi, chị nói thiệt với em nha. Em muốn lấy chồng nước ngoài hôn?
- Trời, em tưởng chị muốn ăn thì em nấu cho chị ăn chứ chị nói cái gì lạ vậy! Chồng nước ngoài là nước nào, là ai. Mèn đéc, em đang rầu gần chết đây, chị đừng có đùa nghen.
- Chị nói thiệt mà, lấy chồng Việt kiều đó cưng, mấy ông Việt kiều biết lo làm ăn và ga-lăng lắm. Cưng chỉ cần cho chị một tấm hình xinh nhất của cưng là mọi chuyện chị làm giúp cho cưng, không tốn kém một xu nào hết.
- Ý, chỉ có một tấm hình là lấy được chồng Việt kiều hả?
- Ừa, chỉ có một tấm hình thôi.
- Rồi em phải trả cho chị bao nhiêu tiền còm?
- Chị đã nói là cưng không tốn một xu nào mà.
- Thiệt hong?
- Thiệt.
- Thôi được, hôm nào chị trở lại đây đi, em sẽ cho chị một tấm hình.
Người thiếu nữ tươi cười đứng dậy ra đi. Loan-Phượng không quên nhìn theo và cười thầm trong bụng.
- Mấy bà này nói chuyện trên trời dưới đất không hà, hứ, Phượng càu nhàu, lấy chồng Việt kiều, tưởng ngon lắm hả.
- Thì kệ người ta, mắc mớ gì mà em cau cú vậy.
- Em nói chị lập gia đình lo làm ăn đi, ở đó mà mơ ước viễn vong.
- Ủa, con nhỏ này hay à ta, chị có mơ ước gì đâu.
- Chị thấy hong, anh Dương và em đó, cũng hạnh phúc vui vẻ như ai vậy.
- Thì đó là chuyện của em, còn người ta muốn làm sao thì mặc người ta, sao em nhiều chuyện quá vậy.
Hạt mưa vẫn rơi nhưng không còn nặng hột như chiều nay. Loan Phượng khóa cửa tiệm ra về. Ði ngang qua lão già đạp xích lô Loan nói:
- Bác Năm, bốn giờ sáng mai chờ con chỗ này nhe.
- Thì sáng nào tao không chờ bây ở chỗ này mà hôm nay lại dặn với dò.
Bác Năm, người phu xe xích lô, không rõ lai lịch bác từ đâu đến. Chỉ biết mấy năm sau ngày giải phóng bác đến khu này ở. Không nhà, không cửa, không vợ, không con, bác thuê căn phòng nhỏ trong hẻm. Nhưng người ta thấy hầu như bác sống trên chiếc xe xích lô nhiều nhất. Ðôi chân già nua, bác không còn sức để chạy khách nhiều như những người còn trẻ, nên bác nhận mối mỗi buổi sáng đưa Loan ra chợ Hòa Hưng rồi về chở vài mối học trò đi học. Những giờ còn lại bác ngồi dưới bóng cây me, có ai kêu đi đâu thì bác đưa đi, chỉ vậy thôi.
Chợ Hòa Hưng bây giờ được xây lại bằng tường gạch và nền xi măng, không như ngày xưa chỉ có cái sườn, mái tole, và các sạp buôn bán bày ra ngỗn ngang. Mỗi lần đến quầy hàng thịt cá thì đất cát dơ ơi là dơ. Hôm nay, từ sáng sớm Loan đã ra đến chợ. Mua sắm những thứ cần dùng trong ngày xong Loan kêu bác Năm đưa xe chở về tiệm. Xe nằm cửa bên hông chợ phía đường Tô Hiến Thành, bác Năm đẩy xe chạy dọc theo con đường một khúc là đến ngang nhà thờ rồi xéo qua bên kia đường là con hẻm vào khu phố 5. Ngày xưa ba má Loan mướn căn phòng nhỏ xíu bên mặt hẻm để mở tiệm ăn. Sau này buôn bán có chút khách ra vô thì người chủ quán cứ đòi lấy tiệm lại, mỗi lần như vậy là Loan phải tăng tiền thuê lên. Có những hôm Loan không biết mình còn đứng bán đây được bao lâu.
- Loan, chị đây nè. Em có tấm hình cho chị chưa?
- Ủa! Chị đó hả. Hình, à em không có ở đây.
- Em về lấy ra cho chị được không?
- Mà em có chụp đâu, chỉ có tấm hình cũ thôi, chi lấy được không?
- Em đưa chi coi thử.
- Ðây nè, trong bóp của em nè.
- Cũng được, em đưa chị tấm này nha.
- Chị lấy đi. Mà làm sao em quen với “người ta” được?
- Như vầy nè, em cho chị cái địa chỉ, số điện thoại của em. Rồi chị đem hình em chị đăng trên mục tìm bạn bốn Phượng trên mạng. “Người ta” thấy hình em và i-meo của em thì người ta sẽ liên lạc với em.
- Sao rườm rà quá vậy, mạng là cái gì mà i-meo là cái gì em có biết đâu.
- Trời ơi, thời đại con a móc rồi mà sao em quê quá vậy. Ðể chị tạo cho em một cái địa chỉ i-meo nha. Ðại khái như tên của em rồi a móc dá-hù chấm cơm gì đó.
- A móc, dá-hù, chấm cơm chấm cháo là gì? Chị nói em không hiểu, thôi, em thấy không được đâu.
- Em không thích mấy cái đó thì em cho chị cái số điện thoại được rồi.
- Em có điện thoại đâu mà cho chị.
- Thì điện thoại nhà nào bên cạnh nhà em cũng được có sao đâu.
- Ủa, vậy hạ, đây số điện thoại đây nè.
- Ô kê, vậy là đủ rồi, khi nào có tin vui cho chị biết nghen. Nói xong người thiếu nữ ra đi một hơi.
Loan chưa kịp hỏi tên và số điện thoại thì người thiếu nữ đã khuất bóng đâu rồi.
- Chị đưa hình cho bả chi vậy? Phượng hỏi.
- Thì kệ nó, mình mất mát gì mà em lo dữ vậy.
- Chi đưa cho bả tấm hình nào?
- Tấm hình áo hai dây mà chị bôi môi son đỏ lòm đó.
- À, để rồi chị coi.
Một tháng, rồi hai tháng trôi qua Loan cũng không nhớ rằng có người đăng hình Loan trên mạng và đăng những gì trên đó. Và cuộc sống mọi ngày như mọi ngày, rồi một hôm:
- Loan, có người gọi điện thoại cho cưng nè cưng.
- Ai vậy Sáu, nói đợi em một chút, em đang bận nấu ăn.
- Người ta nói ở nước ngoài gọi vào đó.
- Ủa! Vậy hả, lát nữa em sẽ đến ngay.
- Dạ, Loan đây.
- Loan hả, anh là Linh, Loan có rảnh không?
- Anh Linh từ đâu gọi về vậy?
- Anh gọi từ Mỹ.
- À, Anh Linh nói đi Loan nghe đây.
- Anh biết Loan trên mạng và muốn làm bạn với Loan được không?
- Chỉ muốn làm bạn không thôi sao?
- À … thì làm bạn nhau trước rồi sau đó thì sẽ đi xa hơn nữa.
- Giờ này bên anh mấy giờ vậy?
- Hai giờ khuya.
Từ đó Loan ôm điện thoại nói đến hơn nữa giờ mới xong.
Rồi cứ thế dường như mỗi ngày vào khoảng một giờ trưa Loan nhận điện thoại của Linh, và những cú điện thoại cũng chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng là xong. Một tuần sau Loan nhận lá thư tay đầu tiên từ Linh. Nhìn con tem và phong bì Loan cũng thấy xa lạ. Cái phong bì màu trắng tinh, không màu mè, gạch xanh, gạch đỏ như những lá thư Loan nhận từ bạn bè, nó đơn giản như tấm lòng của người gởi thư. Nhưng bên trong lại là những lời thì thầm thật đầm ấm mà có lẽ Loan chưa bao giờ có được trước đây. Những lời thì thầm quá chân tình của Linh đã làm Loan suy nghĩ rất nhiều, và rồi những cánh thư hồi âm của Loan cũng đều đặng bay về Phượng trời xa lạ. Có ai tin được những mối tình ngàn dặm, những mối tình chưa bao giờ gặp nhau, những mối tình internet, vậy mà nó vẫn có.
- Anh đó tên gì mà gọi chị hoài vậy? Phượng hỏi.
- Linh.
- Ảnh nói gì với chị?
- Thì những chuyện trên trời dưới đất mà. Ảnh nói cuộc đời là cái chén bể, rồi ảnh nhìn thấy hình chị tự nhiên ảnh thương, và ảnh nghĩ chị nhũng nhẽo nhiều lắm. Ảnh nói chỉ muốn tìm một người vợ rất bình thường, nhũng nhẽo và làm nũng cho vui cuộc đời, vậy thôi.
- Vậy là ảnh đụng hàng rồi đó. Mà hai người xa nhau ngàn dậm làm sao thương yêu nhau được mà nói.
- Ừ, ảnh nói những người sống gần nhau, gặp nhau hằng tuần, và yêu nhau tha thiết rồi cuối cùng cũng chẳng đến đâu. Ảnh nói: “Bây giờ có lẽ chưa yêu nhau nhưng sau này rồi sẽ yêu nhau, và biết đâu trong tình yêu đó anh đã giúp một cuộc sống ra khỏi một xã hội quá nhọc nhằn cực khổ chỉ vì nợ áo cơm. Tình yêu nào cũng tự mình gầy dựng lên mà, và biết đâu anh sẽ tìm được tình yêu trong em mà còn là một tình yêu đầy ý nghĩa.” Còn chuyện của em và Dương, ngày đám cưới cũng sắp đến rồi, em lo công chuyện đi.
- Anh ấy có nói khi nào về thăm chị không?
- Anh ấy muốn về thăm chị vào dịp Tết nhưng chị nói lúc đó tiệm tùng của mình còn nhiều chuyện lôi thôi lắm, đợi sau Tết hãy về.
Mới đó mà Loan đã quen biết Linh hơn bốn tháng rồi. Thời gian trôi qua thật nhanh. Nhìn lại chồng thư tay Linh gởi cho Loan bây giờ đã cao thật cao. Cái hạnh phúc dường như vô bờ bến mỗi lần Loan thấy người đưa thơ mang thơ Linh đến tiệm ăn trao cho Loan. Loan mỡ ra đọc ngay rồi tối về Loan lại chong đèn trong giường đọc lại. Rồi Loan lấy giấy bút ra viết thư cho Linh: “Anh thương, em đang nằm trên giường viết thư cho anh đây nè, …” Những vần chữ cứ múa máy trên tờ giấy trắng để rồi ngày mai nó bay về người thương, trong đó có cả niềm vui của Loan.
Sài Gòn sắp vào ngày xuân.
Những con đường, phố xá qua bao tháng ngày phong sương, nay cũng được mặc lớp áo mới. Những tấm băng quảng cáo màu vàng rực được dán lên trước những cửa tiệm. Những bức tường mang màu nâu sầu của năm tháng bụi đời nay cũng được phết vôi trắng phếu để khoe sắc cho ba ngày xuân. Sài Gòn bây giờ người ta nhôn nháo với cảm giác sửa soạn để đón xuân. Những khuôn mặt trẻ thơ hớn hở sẽ được khoe áo mới. Và những khuôn mặt sầu bi nay cũng ráng nỡ nụ cười để tiển đưa những buồn phiền năm cũ cho vào dĩ vãng. Nhưng xuân Sài Gòn bây giờ không còn như xuân Sài Gòn ngày xưa. Người ta sẽ thấy thiếu một cái gì đó khi đi ngang qua chợ Bến Thành trong những này cuối năm mà không thấy hình ảnh của những anh bảy Chà Và của kem Hynose. Sài Gòn bây giờ cũng không còn những nàng tiên mỹ miều trong chiếc áo dài duyên dáng, tay cầm miếng khô Nai khô Cá Thiều rao bán trong ba ngày Xuân quanh chợ Bến Thành. Và Sài Gòn bây giờ đã vắng đi con đường chợ hoa Nguyễn Huệ của ngày xưa. Con đường đã từng tô thắm và làm tăng vẽ đẹp độc đáo của Sài Gòn trong ba ngày xuân với những cành mai, những chậu bông muôn màu rực rỡ. Loan đã có những ngày thơ ấu lớn lên bên góc phô này của ngày xưa, nhưng ngày xưa đã qua rồi.
Ba ngày xuân đến và đi rất mau. Và xuân năm nay Loan có niềm vui mới. Loan cũng xuống phố đón xuân, cũng đến bạn bè chúc Tết, nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của Loan là những cánh thư tay của Linh. Những lá thư nón nén từ tay người mình thương sao nó đẹp và mang nhiều ý nghĩa, không như những lá thư từ con a móc như bạn bè của Loan. Loan rất quý mến và trân trọng những lá thư tình này kỳ lạ, và Loan đem bỏ chúng dưới đầu giường, để ru Loan ngủ trong những đêm cô đơn.
Tết đã qua rồi nhưng mùa xuân vẫn còn đâu đây. Tuần tới là ngày Phượng lên xe hoa về nhà chồng. Mấy năm nay hai chị em sống chung trong căn nhà nhỏ bé này, bây giờ Phượng đi lấy chồng, Loan cũng không biết cuộc sống của mình rồi đây sẽ ra sao. Nhưng có điều là tuần tới, một ngày trước ngày Phượng đi lấy chồng, Linh sẽ về thăm Loan. Nghĩ đến ngày đó Loan cảm thấy vui, nhưng không biết nỗi vui của mình ra sao, cái ngày đầu tiên gặp Linh không biết nó sẽ ra làm sao. Vui, chắc là vui lắm, nhưng sao Loan vẫn thấy lo lo làm sao. Loan chỉ biết Linh qua những lời nói trên thư và tấm hình nhỏ bé kia thôi. Còn ngày mai, ngày mai Loan sẽ đối diện với người bằng xương bằng thịt, Loan vẫn băn khoăn.
- Sao chị không ngủ đi, ngày mai ảnh mới về mà. Phượng nói.
- Ừ, chị biết rồi nhưng sao vẫn thấy làm sao ấy.
Hôm nay căn nhà nhỏ của chị em Loan Phượng rộn ràng đủ thứ. Chiều nay là ngày nhóm họ, vài ba người thân từ Phượng xa về mừng cho ngày vui của Phượng. Loan sắp xếp cho chuyến bay của Linh đáp vào chiều nay, để ngày mai Linh cũng có mặt trong ngày vui của Phượng. Một ngày bận rộn rã rời, rồi chuông điện thoại reng lên. Bên kia đầu máy Loan nghe tiếng nói của Linh:
- Chuyến bay của anh bị đình đến chín giờ tối mới đáp cánh được.
- Thì chín giờ tối em sẽ ra đón anh.
Chín giờ tối Loan ra sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng rồi chuyến bay lại đình trệ đến mười hai giờ khuya mới đáp cánh. Trên đôi tay Loan cầm bó hoa hồng và đôi mắt cứ nhìn vào đám đông từ máy bay xuống. Thoáng nhìn, Loan thấy một người đàn ông da ngâm, tay đẩy xe hành lý, chân bước đi mà cặp mắt đăm chiêu nhìn vào đám đông trước mặt như đang tìm một hình bóng quen thuộc nào. Loan chen chân qua đòan người đến trước mặt, và gọi:
“Anh.”
Loan bẻn lẻn trao chùm hoa hồng cho Linh rồi vội nhìn xuống mặt đường.
Trong cái thẹn thùng có cái đẹp riêng của người con gái. Mái tóc cắt ngang bờ vai và đôi môi son đã làm rõ thêm khuôn mặt Loan dưới ánh đèn mập mờ ngoài sân bay. Và cuộc hội ngộ mang theo một chút gì bở ngỡ. Linh ôm trọn những cành hoa trong tay mà lòng bâng khuâng với niềm vui mong đợi. Cái giây phút bở ngỡ trong chốc lác đã tan đi, khi những tiếng nói, giọng cười của Loan trong chiếc điện thoại của những ngày qua từ từ nhảy múa trong đầu óc của Linh. Và rồi Linh lại thấy như hai người đã gặp nhau từ lâu.
- Em … chờ anh lâu không?
- Không …sao đâu, anh đi đường có mệt không?
- Bây giờ mình đi về đâu đây em? Chắc em mỏi mệt lắm, hay là mình đi đâu uống nước và kiếm cái gì ăn, anh đói bụng quá.
- Cái thân bồ tượng của anh đó, ăn mấy chục năm rồi mà còn đòi ăn hoài. Ðể em kêu taxi nhe. Khuya rồi, đêm nay anh về ngủ ỏ Phú Nhuận đi. Mình không có thì giờ nhiêu đâu, ngày mai là đám cưới của Phượng.
Hành trang của Linh chỉ là một chiếc vali nhỏ. Loan đi bên cạnh Linh lên xe taxi rời khỏi sân bay. Trời Sài Gòn về khuya bóng người thưa thớt, chiếc taxi vẫn chạy boong boong dưới ánh sáng mập mờ của thành phố về đêm. Linh nhìn ra ngoài đường, thấy hoàn toàn xa lạ. Chiếc xe taxi chạy một hồi dừng lại trước một khách sạn nhỏ bé bên đường. Linh cũng không biết mình đang ở đâu, chỉ biết đi theo Loan như như một tên tù binh. Vậy là đêm nay Loan an bày cho Linh ngủ ở đây.
Ðã quá nữa đêm, Sài Gòn đang chìm trong giấc ngủ. Ngoài đường thỉnh thoảng chiếc xe gắn máy chạy vụt trong màn đêm để lại tiếng máy nỗ rời rạc trong không gian trầm lặng. Căn phòng nhỏ, Linh thả bừa những đồ đạc và vất chiếc vali trên nền thảm xanh. Ánh đèn trong căn phòng từ từ mờ dần rồi như muốn tắt hẳn. Chiếc áo hai dây của Loan từ từ buông xuống và mùi thơm da thịt của nàng lan rộng trong không giang ấm cúng. Trong bóng tối mập mờ của màn đêm, những đường cong tuyệt đẹp của bàn tay tạo hóa đã thu hút tâm hồn nhủn nhụa của Linh. Rồi trong bóng tối diệu huyền đó hai tâm hôn cuộn tròn trong nhau để uống từng hơi thở dồn dập. Ngoài kia sương rất lạnh, những côn trùng cũng đang nín thở. Rồi trong màn đêm thanh vắng, khe khẻ những tiếng kêu rên xiết: ”Chắc em chết quá anh ơi!” Rồi tiếng khóc vỡ oài trong màn đêm! Tiếng khóc hạnh phúc của tình yêu!
Năm ba chiếc xe quang họ rời khỏi hẻm Khu Phố 5 đường Tô Hiến Thành để đưa cô dâu về đường Cô Giang. Loan ngồi trên xe cô dâu với Phượng mà lòng ngỗn ngang với những niềm vui. Sau đám cưới Loan đóng cửa tiệm ba tuần để người chủ nhà lo sửa chửa cửa tiệm, và Loan dùng thời gian đó cho Linh.
- Ngày mai anh đưa em vào Chợ Lớn chơi nhe. Linh nói.
- Không, em muốn đến tòa nhà cao nhất thành phố ở quận Nhất kìa, nghe nói tầng lầu 29 có bán thức ăn ngoại quốc, anh đưa em đến đó đi nha.
- Ừ, anh sẽ đưa em lên đó. Nhưng hôm nay em đi với anh lên sân bay một chút nhé. Ðể anh chạy xe Honda chở em đi.
- Anh chạy ra đường Cách Mạng Tháng Tám xong quẹo trái mới lên sân bay được.
- Em ngồi sau chỉ đường anh đi nhe. Anh muốn ngừng ở tiệm rửa hình kia một chút.
- Chi vậy.
- Rửa hình chứ chi.
- Thôi, em không muốn rửa hình tiệm này đâu.
Vừa nói xong Loan nhảy xuống xe. Linh phải cập xe theo lề đường năng nỉ.
- Trời ơi, làm ơn trèo lên xe dùm anh đi. Em không thích thì thôi. Kỳ quá à, không ưng là nhảy xuống đại vậy hả, nhở té thì sao.
Loan leo lại lên xe và bảo:
- Anh chạy đi.
- Anh sợ em rồi đó nha.
- Mắc mớ gì sợ em.
- Sợ tính gàn của em đó.
- Ai bảo anh chọc em chi. Rồi Loan đánh thùi thụi sau lưng Linh.
Xong chút việc ở sân bay Linh đưa Loan trở về. Những ngày tháng mong manh bên Loan và những ngày tháng trở lại thăm quê hương Linh thấy thật vui. Lâu lắm rồi Linh không có dịp chạy xe Honda, vậy mà mấy ngày nay Linh đèo Loan trên chiếc xe Honda chở đi chơi khắp nơi trong phố. Loan muốn đi đâu là Linh lại đèo trên xe chạy đi, mà nhiều khi Loan không muốn đi, Linh cũng bắt ngồi trên xe chở đi chơi. Dường như những ngày tháng hôm nay đã làm sống lại tuổi thơ của Linh ngày xưa. Cái thú lớn nhất của Linh có lẽ là xách xe Honda chạy rong ngoài phố, chỉ chạy ngoài phố thôi, không cần phải có mục đích. Cũng như ở xứ văn minh con người hay tìm về những gì mộc mạc, đơn sơ của ngày xưa.
- Em đói bụng rồi, anh ngừng lại tiệm nào để ăn nha.
- Em muốn ăn đồ gì, Tây, Tàu, hay Việt?
- Em muốn ăn cơm.
- Tiệm này được không?
- Tiệm nào cũng được mà.
Linh đưa Loan vào tiệm ăn bên đường. Loan gọi vài món ăn bình thường và món rau muống xào chao. Chỉ đơn giảng vậy mà bửa ăn thật ngon. Nơi Linh ở dể gì có rau muống để ăn hằng ngày, nên Linh thấy món rau muống hấp dẩn đã đành, vậy mà Loan cũng mê món rau muống xào chao này.
Ba tuần lễ trôi qua thật mau, Linh đã đưa Loan đi chơi, mua sắm mọi nơi trong thành phố Sài Gòn. Sài Gòn những ngày cuối tháng Ba là thời gian giao mùa, trời rất nóng. Vào tháng Tư là bắt đầu mùa mưa. Có những hôm nóng nực, Linh chở Loan dạo mát ngoài Thanh Ða. Những quán ăn nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, rất đơn sơ, chỉ có những ghế ngồi, những chiếc võng treo dưới tàn cây nhìn thẳng ra dòng sông. Và những cặp tình nhân thường đến đây vào những buổi chiều tắt nắng.
Quen biết nhau hơn một năm, bây giờ gặp nhau ba tuần. Ba tuần ngắn ngủi quá, nhưng ba tuần qua Loan thật sự tìm được tình yêu. Ngày mai này Linh ra đi. Loan biết rõ sẽ có ngày này, nhưng Loan vẫn buồn, vì cuộc vui sao sớm vội tàn!
Giờ bay sắp đến, Linh hôn nhẹ lên vần trán của Loan, siết tay thật cứng như muốn giử mãi không muốn lìa nhau. Nhưng cuộc hội ngộ nào rồi cũng chia tay. Loan trở ra sân bay, nhìn lên bầu trời, bóng người thấp thoáng đi vào chân mây.
oOo
Ba năm rồi Loan vẫn trong tin của Linh. Rồi một hôm Loan gặp một người xưa.
- Chào em, anh là Hạnh. Ngày xưa Linh có nhờ anh trao cho em mấy món quà đó, em còn nhớ không?
- Chào anh Hạnh, em nhớ chứ. Mà sao lâu rồi … Linh có khỏe không anh?
- Hôm nay Linh lại nhờ anh trao lá thư này cho em. Thôi, chúc em vui nhiều nhé, anh phải đi rồi.
Loan bàng hoàng mở phong bì:
“Loan em,
Đã mấy tháng rồi anh không còn nghe được tiếng nói của em, không biết giờ này em đang làm gì và có còn nhớ đến anh không? Xưa mình gặp nhau một lần rồi xa nhau mãi mãi, không ngờ cuộc tình lại mong manh đến thế! Đã bao lần anh nhớ về em và biết bao nhiêu lần anh viết thư cho em rồi lại xé đi. Hôm nay anh viết cho em lá thư này có lẽ là lá thư cuối cùng, và ngày mai, khi em đọc những dòng chử này thì anh đã xa rồi. Em biết không, hơn hai năm nay không một ngày nào anh không nghĩ về em. Những buổi chiều trên đường trở về, nhìn giòng người chạy như con trốc anh lại nhớ về em, hình ảnh người em bé nhỏ vẫn ray rức trong suy tư………
………
…………
Nhưng em ơi, em còn trẻ quá, cả tuổi đời, tâm hồn và lối suy nghĩ ………
…………
………
“
Loan ngưng đọc những dòng chử vô tình, nhắm nghiền đôi mắt, để cho tâm tư lắng đọng trong một tâm hồn rời rạc. Thì ra cái mà người đời gọi là tình yêu lại đến và đi như con diều no gió, rồi đứt giây giữa trời. Mới hôm qua em gặp anh, bây giờ anh là người tình phụ! Vậy mà em vẫn nghĩ tình yêu là cứu cánh, là tinh hoa cuộc đời, là điểm tựa để em trở về.
Hôm nay trời không mưa nhưng trong lòng Loan vừa gội sạch. Loan đóng cửa tiệm ra về sớm hơn mọi ngày. Đi ngang qua tàn cây me, Loan lại nói:
- Bác Năm, sáng mai chờ con đây nhe.
- Thôi con ơi, bác biết con buồn, nhưng hảy quên đi con. Lại đây ngồi nghe bác kể chuyện đời xưa:
“Ngày xưa bác cũng có vợ hiền con ngoan, nhưng rồi cuộc giải phóng cũng giải phóng luôn tấm lòng chung thủy của vợ bác. Ngày bác ra tù, tìm lại mái ấm ngày xưa thì đã trở thành đống tro tàn. Họ đã ra đi vui cùng duyên mới, cả đứa con của bác cũng không nhìn ra cha! Tình yêu của kẻ bạc tình, có nghỉa gì đâu con, chỉ là một buổi chiều gió thổi nhẹ qua bờ vai. Con nay cũng lớn rồi, thằng Khổng đó, coi long bong vậy mà là một đứa tốt. Tìm đâu chi cho xa con. Thôi về đi, trời đã tối rồi.”
Một ngày nọ Khổng cập chiếc xe xích lô bên tàn cây me cùng bác Năm, lôi chai rượu trong túi ra, nốc một hơi xong đưa cho bác Năm rồi miệng oang oang: “Khổng say, khổng say phải không bác Năm?” Loan trèo lên chiếc xe xích lô của Khổng, và bảo: “Chở em đến bệnh viện Từ Dũ, mau lên.”
ĐSB. 21 tháng 9, 2006.