HỎA TINH Tôi sẽ cố nhớ lại xem ý sáng tác cuốn truyện dài "Kara-Bugaz" của tôi đã nảy ra như thế nào? Trong thời thơ ấu của tôi ở Kiev, tối nào trên ngọn đồi Vlađimir trên sông Đnepr cũng thấy xuất hiện một ông lão đội mũ sụp vành bụi bặm. Ông lão mang theo một kính thiên lý cổ lỗ và loay hoay rất lâu để đặt nó lên một cái giá ba chân cong queo bằng sắt. Người ta gọi ông lão là "nhà chiêm tinh" và cho rằng ông ta người Ý vì lúc nào ông cũng cố ý nói lơ lớ tiếng Nga theo lối nói của người nước ngoài. Sau khi đặt xong kính thiên lý, ông lão nói bằng một giọng thuộc lòng, đều đều: - Thưa các signor và các signorina! Buona juorno! Chỉ bỏ ra có năm kopek là các quý ông quý bà sẽ được bay từ trái đất lên mặt trăng và các vì tinh tú khác. Tôi xin đặc biệt khuyên các vị hãy nhìn lên sao Hỏa hung dữ, ngôi sao có màu máu người. Ai mà bị sao Hỏa chiếu mệnh, người đó sẽ bị trúng đạn chết tươi trong chiến tranh. Một hôm tôi cùng đi với cha tôi lên đồi Vlađimir và được nhìn thấy sao Hỏa qua kính thiên lý. Tôi nhìn thấy một cái vực thẳm đen ngòm và một quả cầu đo đỏ thản nhiên lơ lửng giữa cái vực thẳm đó mà không cần tựa vào vật gì. Trong khi tôi còn đang nhìn nó thì quả cầu bắt đầu từ từ tiến ra phía cạnh kính thiên lý và trốn vào sau vành kính bằng đồng. "Nhà chiêm tinh" khẽ quay kính thiên lý lại và lôi sao Hỏa về chỗ cũ. Nhưng nó lại bắt đầu dịch dần về phía vành kính. - Thế nào? - cha tôi hỏi. - Con có nhìn thấy gì không? - Có - tôi trả lời - Con còn nhìn thấy cả những con sông đào nữa kia. Tôi biết rằng trên sao Hỏa có người - dân Hỏa tinh - và biết rằng không hiểu để làm gì mà họ đã đào những con sông rõ to trên thiên thể của họ. - Thôi, tôi xin anh đi! - cha tôi nói - Đừng nói dóc! Con chẳng thấy sông đào sông điếc nào hết. Chỉ có một người nhìn thấy chúng, đó là nhà thiên văn Ý tên là Skiaparelli. Mà ông ta cũng phải nhìn bằng kính thiên lý lớn kia. Cái tên Skiaparelli của đồng bào "nhà chiêm tinh" chẳng gây được ấn tượng nào cho ông ta. - Con còn nhìn thấy một hành tinh nào bên cạnh sao Hỏa về phía bên trái nữa cơ - tôi nói không chắc chắn - Nhưng không hiểu tại sao nó cứ chạy lung tung ở trên trời. - Hành tinh quái gì đâu! - "nhà chiêm tinh" hồn hậu kêu lên - Lại một hạt bụi quỷ quái nào rơi vào mắt cháu đấy thôi. Ông ta tóm chặt lấy cằm tôi và khéo léo lấy ra một hạt bụi trong mắt. Cái cảnh sao Hỏa làm cho tôi lạnh người, khiếp đảm. Tôi thở phào khi rời khỏi cái kính thiên lý. Và đường phố Kiev với ánh đèn mờ, tiếng lộc cộc của những chiếc xe độc mã chở khách, mùi hoa dẻ tàn bụi bặm, trở thành đầm ấm và vững chắc đối với tôi. Không, hồi đó tôi không hề có ý muốn bỏ trái đất để bay lên mặt trăng hay sao Hỏa! - Tại sao nó lại đỏ thế hả bố? - tôi hỏi cha tôi. Cha tôi kể cho tôi nghe rằng sao Hỏa là một hành tinh đang hấp hối, rằng nó xưa kia cũng đẹp như trái đất của chúng ta, nó có biển, có những rặng núi thấp và cây cối um tùm xanh tốt. Nhưng dần dần sông biển khô cạn đi, cây cối chết hết, núi non sụt lở không còn vết tích gì và thế là sao Hỏa biến thành một sa mạc khổng lồ. Chắc hẳn núi ở trên sao Hỏa cấu tạo bởi đá đỏ, vì thế mà cát sao Hỏa cũng có màu đỏ nhạt. - Thế ra sao Hỏa là một quả cầu bằng cát? - tôi hỏi. - Đúng, có lẽ gọi nó như thế thì đúng hơn. - cha tôi nói - Chuyện đã xảy ra với sao Hỏa rồi sẽ xảy ra với trái đất của chúng ta. Trái đất sẽ biến thành sa mạc. Nhưng điều đó sẽ đến sau hàng triệu triệu năm nữa. Cho nên chẳng việc quái gì mà sợ! Vả lại cuối cùng, đến lúc ấy, người ta sẽ nghĩ ra cách chấm dứt cái trò quái gở nọ. Tôi trả lời rằng tôi không sợ. Nhưng quả tình tôi lấy làm bực mình cho trái đất của chúng ta và cũng lo thay cho nó. Hơn nữa, hồi ở nhà anh cả tôi lại còn cho tôi biết thêm rằng ngay giờ đây sa mạc đã chiếm gần nửa diện tích trái đất rồi. Từ ngày ấy nỗi sợ hãi sa mạc (mặc dầu tôi chưa hề trông thấy nó) cứ ám ảnh tôi mãi. Và mặc dầu tôi thường xuyên đọc trong tạp chí "Vòng quanh thế giới" những truyện ngắn hấp dẫn về sa mạc Sahara, về những trận bão cát và những "con tàu sa mạc", tức là những con lạc đà, nhưng những cái đó vẫn không cám dỗ nổi tôi. Chẳng bao lâu sau tôi đã được làm quen lần đầu với sa mạc. Nhưng cái đó chỉ làm cho tôi thêm sợ nó. Cả gia đình tôi đi nghỉ hè ở quê nhà, về với ông nội Maksim Grigorevich. Mùa hè năm ấy ấm và nhiều mưa. Cỏ mọc rậm rịt. Đám tầm ma bên hàng rào cao bằng đầu người. Trên đồng, lúa mạch đang trổ bông. Từ những mảnh vườn rau bên nhà xông lên mùi thìa là. Mọi cái đều báo trước một vụ mùa tốt đẹp. Nhưng một hôm, tôi đang ngồi bên cạnh ông tôi trên bờ sông câu cá bống, bỗng ông tôi đứng phắt dậy, lấy tay che nắng, chăm chú nhìn sang những cánh đồng bên kia sông hồi lâu, rồi giận dữ nhổ toẹt một bãi nước bọt và nói: - Nó lại kéo đến rồi kìa, đồ quỷ! Chết tiệt cái giống ấy đi cho rồi! Tôi nhìn theo ông tôi, nhưng tôi không thấy gì hết ngoài một đợt sóng đục và dài. Nó tiến lại phía chúng tôi rất nhanh. Tôi tưởng sắp có giông, nhưng ông tôi bảo: - Không phải đâu, cháu ơi, đấy là gió nóng đấy! Cái hỏa lò khốn kiếp! Gió từ Bukhara, từ sa mạc thổi lại đấy. Rồi nó thiêu sạch cho mà xem! Tai hại quá, nó đang đến đấy, Kostik ạ. Rồi ta còn không thở được với nó nữa kia. Đợt nóng hung tợn lao nhanh trên mặt đất, tiến thẳng về phía chúng tôi. Ông tôi vội vã quấn sợi dây câu dài làm bằng xơ bồ đào lại và bảo: - Chạy ngay về nhà kẻo bụi vào đầy mắt bây giờ. Ông sẽ lết theo cháu. Chạy đi! Tôi hộc tốc chạy về nhà, nhưng gió nóng đã đuổi kịp tôi giữa đường. Những cơn lốc xào xạc cát, lao nhanh, cuốn lông gà lông chim với những vỏ bào nhẹ lên trời. Chung quanh tôi là cả một sự mù mịt nặng nề. Mặt trời tự dưng trở thành rũ rượi và đỏ như máu, không khác gì sao Hỏa. Những cây liễu nghiêng ngả, rú rít. Đằng sau tôi gió thổi tới nóng đến nỗi tưởng chừng áo sơ-mi bắt đầu âm ỉ cháy trên lưng. Bụi lạo xạo ở răng và phả vào mặt. Cô tôi - bà Feodosya Maksimovna - đứng ở ngưỡng cửa, tay cầm ảnh Chúa bọc trong một cái khăn thêu. - Lạy Chúa tôi, xin Chúa tha tội cho chúng tôi và cứu vớt chúng tôi cùng - cô tôi sợ hãi lẩm nhẩm - Lạy Đức Mẹ Maria đồng trinh, xin Mẹ hãy ban phúc lành cho chúng con được tai qua nạn khỏi. Một cơn lốc xoáy ào vào nhà, quay cuồng. Những tấm kính gắn mát tít không kỹ kêu loảng xoảng. Rơm ở đầu mái tranh dựng ngược lên. Từ dưới mái nhà những con sẻ bay vụt ra như thể những viên đạn màu đen. Lúc đó cha tôi không có mặt ở đấy, Người còn ở lại Kiev. Mẹ tôi lo sợ ra mặt. Tôi còn nhớ: cái nóng mỗi lúc một tăng vào lúc đó mới thật đáng sợ hơn hết. Tưởng chừng chỉ một hai tiếng đồng hồ nữa thôi, rơm trên mái sẽ bốc cháy rồi sau đó sẽ đến lượt tóc và quần áo trên người chúng tôi. Vì thế, tôi òa khóc. Đến tối, lá trên những cây liễu sum suê héo quắt lại, rũ xuống như những mảnh giẻ xám. Ở chân mọi hàng rào gió dồn lại từng đống bụi đen nhờ nhờ, mịn như bột mì. Sáng ngày ra, những cái lá héo khô đét lại. Có thể lấy tay bóp những cái lá rụng vụn như cám. Gió thổi mạnh thêm. Nó bắt đầu vặt đi những tán lá chết bẩn thỉu và rất nhiều cây đã trở thành trần trụi, đen đủi như trong tiết thu tàn. Ông tôi ra thăm đồng rồi trở về, vẻ mặt bối rối và thảm hại. Ông không sao thắt được cái nơ đỏ trên cổ chiếc áo sơ-mi vải thô. Tay run run, ông nói: - Qua đêm nay mà gió không lặng thì cứ là chết khô tuốt. Cả vườn cây lẫn vườn rau. Nhưng gió không dịu đi. Nó thổi suốt hai tuần, sau đó ngưng một chút rồi lại mạnh lên. Đất biến thành tro xám ngay trước mắt. Phụ nữ kêu khóc trong các nhà. Đàn ông buồn bã ngồi gục ở đầu hồi tránh gió. Họ lấy gậy chọc chọc xuống đất, chốc chốc lại than: - Đá chứ không phải là đất nữa! Cứ như thể thần chết tóm chặt gáy mình, thật không còn biết chạy đâu cho thoát. Cha tôi từ Kiev tới và đưa chúng tôi trở về thành phố. Khi tôi hỏi cha tôi về gió nóng thì người trả lời miễn cưỡng: - Mùa màng thế là mất trắng. Sa mạc đang tiến dần về Ukraina. - Thế có làm cách nào tránh được cái đó không, bố? - tôi hỏi. - Không có cách gì hết. Làm thế nào xây nổi một bức tường đá dài hai nghìn dặm. - Tại sao không? - tôi nói - Người Trung Hoa chả xây được Vạn lý trường thành là gì. - Nhưng họ là người Trung Hoa - cha tôi trả lời - Họ là những người thợ bậc thầy. Cùng với năm tháng những ấn tượng lúc thiếu thời tưởng đã quên đi. Nhưng, tất nhiên, nó vẫn tiếp tục sống trong đáy sâu ký ức, và thỉnh thoảng lại trồi ra ngoài. Nhất là trong những lúc hạn hán. Chúng bao giờ cũng dấy lên trong lòng tôi một nỗi lo lắng khó hiểu. Đến lúc trưởng thành thì tôi đã đem lòng yêu mến miền Trung Nga. Có thể là cái tươi mát của thiên nhiên vùng này, sự trù phú, những sông hồ trong và mát, những khu rừng ẩm ướt, những cơn mưa bụi ảm đạm, đã dẫn tôi tới tình yêu ấy. Vì thế mà khi hạn hán tràn đến vùng Trung Nga, như một mũi dao nhọn nóng đỏ đâm vào nó, thì nỗi lo lắng của tôi đã biến thành cơn giận dữ bất lực trước sa mạc. ĐÁ VÔI KỶ DEVON Rất nhiều thời gian trôi qua, nhưng rồi sa mạc lại nhắc tôi nhớ tới nó. Năm 1931 tôi tới thị trấn Lipny, thuộc tỉnh Oriol, để nghỉ hè. Hồi ấy tôi đang viết cuốn tiểu thuyết đầu tay và vì thế tôi muốn tới một tỉnh lỵ nhỏ bé nào đó, nơi không có một ai quen biết, để có thể tập trung tư tưởng và không bị bất cứ ai, bất cứ việc gì cản trở tôi sáng tác. Tôi chưa đến Lipny lần nào. Tôi thích thị trấn này vì nó sạch sẽ, vì ở đó có rất nhiều hoa quỳ đang nở, vì ở đó có những con đường lát bằng đá nguyên phiến và con sông "Cây thông nhanh", con sông đã đục vào trong tầng đá vôi vàng kỷ Devon thành một khe núi. Tôi thuê một căn phòng ngoại ô trong một ngôi nhà gỗ ọp ẹp. Ngôi nhà ở ngay trên bờ vực đổ xuống sông. Đằng sau nhà là một khu vườn héo quay héo quắt, nó chạy dài tới những bụi cây ở bờ sông và lẫn vào những bụi cây ấy. Ông chủ nhà của tôi đã đứng tuổi, tính rụt rè, làm nghề bán báo ở quán sách ngoài ga. Ông có một bà vợ gầy còm, ủ ê và hai cô con gái: cô lớn tên là Anfisa, cô nhỏ tên là Polina. Polina người yếu đuối và xanh xao. Khi nói chuyện với tôi, cô cứ bối rối hết gỡ ra lại tết vào cái bím tóc màu hạt dẻ xám. Polina mười bảy tuổi. Anfisa là một thiếu nữ có thân hình cân đối, trạc mười chín. Cô có gương mặt xanh xao, đôi mắt xám cương nghị và giọng nói trầm. Anfisa vận đồ đen như một nữ tu và hầu như chẳng làm việc gì trong nhà, chỉ nằm hàng giờ ngoài vườn trên cỏ khô và đọc sách. Trên gác xép của ông chủ ngổn ngang rất nhiều sách bị chuột gặm, phần lớn là những tác phẩm cổ điển của các nhà văn nước ngoài do nhà xuất bản Soikin ấn hành. Tôi cũng lên gác xép lấy những cuốn sách nọ ra đọc. Một vài lần đứng trên vườn nhìn xuống, tôi bắt gặp Anfisa trên bờ sông "Cây thông nhanh". Cô ngồi bên dưới bờ sông dựng đứng, gần một bụi sơn trà. Bên cạnh cô là một chú bé ốm yếu ít nói, trạc mười sáu, có bộ tóc vàng và đôi mắt to, chăm chú. Anfisa giấu giếm mang thức ăn ra bờ sông cho cậu ta. Cậu ta ăn, còn Anfisa thì dịu dàng nhìn nó và đôi khi lấy tay vuốt tóc nó. Một lần tôi trông thấy cô ta đột nhiên lấy tay ôm mặt và toàn thân run lên vì nức nở. Cậu bé thôi không ăn nữa, sợ hãi nhìn Anfisa. Tôi lặng lẽ bỏ đi, cố không nghĩ đến Anfisa và thằng bé trong một thời gian dài. Thế mà tôi đã ngây thơ cho rằng ở thị trấn Lipny vắng vẻ này không ai có thể lôi tôi ra khỏi đám người và việc mà tôi sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết của mình! Nhưng cuộc đời đã phá tan tức khắc những hy vọng ngây thơ của tôi. Tất nhiên, khi tôi còn chưa dò ra được chuyện gì đã xảy ra với Anfisa thì đừng nói chi đến tập trung tư tưởng, đến yên tĩnh để làm việc. Ngay từ trước, khi tôi nhìn thấy cô và thằng bé, nhìn đôi mắt mệt mỏi của cô, tôi đã đoán rằng trong đời cô này hẳn có chuyện gì bí mật và đau khổ đây. Đúng như vậy. Sau đó vài hôm, đang đêm, những tràng sấm làm tôi thức giấc. Ở Lipny luôn có giông. Người ở đây giải thích rằng do dưới lòng đất thị trấn có những dải quặng sắt và quặng đã "hút" giông bão tới. Đêm tối lồng lộn ngoài cửa sổ, lúc thì toác hoác thành một ngọn lửa trắng ào ạt, lúc thì khép lại thành bóng tối đen kịt, đến nỗi không còn trông thấy gì nữa. Ở bên kia tường vọng đến những giọng nói xúc động. Sau đó tôi nghe thấy Anfisa giận dữ kêu lên: - Ai đã nghĩ ra chuyện đó? Điều luật nào viết rằng con không được yêu người ta? Đưa đây cho con xem cái luật ấy? Đã đẻ con ra, xin bố mẹ hãy để cho con sống. Bố mẹ ác độc vừa vừa chứ! Anh ấy mỗi ngày một tàn lụi như ngọn nến. Như một ngọn nến! - cô kêu lên và nghẹn lời. - Thôi, bà ơi, bà hãy bình tâm lại đi nào - ông chủ nhà quát vợ bằng một giọng thiếu tin tưởng - Mặc cho cái con ngốc ấy nó muốn sống thế nào tùy nó. Không thể nào bảo nó được đâu. Còn tiền, Anfisa ạ, bất kể là thế nào tao cũng không thí cho mày đâu! - Con không cần đến đồng tiền khốn nạn của các người! - Anfisa hét lên - Tự con sẽ kiếm lấy, con sẽ mang anh ấy đi Krym. May chăng anh ấy có thể sống thêm được năm nữa. Dù sao con cũng sẽ bỏ nhà con đi. Các người sẽ đẹp mặt lắm đấy. Hãy nhớ lấy lời con. Tôi cố đoán xem chuyện gì đang xảy ra. Ở ngoài hành lang nhỏ bên kia cửa ra vào có người nào đó cũng đang khóc sụt sịt. Tôi mở cửa và trong ánh chớp lóe lên vụng trộm, tôi nhìn thấy Polina. Trong chiếc khăn san dài, cô đứng gục đầu vào tường. Tôi khẽ gọi. Một tiếng sét phá tan bầu trời, tưởng chừng nó chỉ cần giáng xuống một cái là cả ngôi nhà nhỏ bé sẽ bị nhận xuống đất đến tận mái. Polina sợ hãi nắm lấy tay tôi. - Trời ơi! - cô thì thào - Rồi cơ sự sẽ ra sao đây? Mà trời thì giông bão thế này. Polina thì thào kể cho tôi nghe chuyện Anfisa. Thì ra Anfisa yêu say đắm Kolya, con trai bà quả phụ Karpovna. Bà Karpovna sống bằng nghề giặt quần áo thuê cho mọi nhà. Đó là một người đàn bà hiền lành, ít nói. Còn Kolya thì ốm yếu, nó bị lao. Anfisa thì cứng đầu cứng cổ, nóng nẩy, không ai bảo được. Cô ta chỉ một mực hoặc là làm theo ý mình, hoặc là tự tử. Bỗng nhiên tiếng lao xao bên kia tường bặt hẳn, Polina chạy về phòng. Tôi đi nằm nhưng vẫn chú ý lắng nghe, mãi không ngủ được. Ở bên phòng nhà chủ vẫn yên lặng. Lúc ấy tôi mới bắt đầu thiêm thiếp. Trong cơn mơ mơ màng màng - tôi nghe thấy sấm rền lười biếng và tiếng chó sủa. Rồi tôi ngủ hẳn. Tôi ngủ chắc chỉ được một lát. Tiếng đập cửa mạnh làm tôi thức dậy. Đó là ông chủ. - Tai vạ cho chúng tôi rồi, ông ơi! - ông đứng ngoài cửa, nói bằng giọng hấp hối. - Xin ông bỏ qua cho việc chúng tôi làm phiền ông. - Có chuyện gì xảy ra vậy, ông? - Con Anfisa nhà tôi bỏ trốn rồi. Nó mặc nguyên quần áo ngủ. Tôi đi Slobodka, đến bà Karpovna đây. Có lẽ nó chạy đến đàng ấy. Còn ông, xin phiền ông đến với chúng tôi một lát. Nhà tôi đang bị ngất. Tôi vội vã mặc quần áo, mang thuốc an thần cho bà lão. Polina gọi tôi và tôi đi ra thềm cùng với cô. Tôi không thể giải thích vì sao, nhưng tôi biết là điều bất hạnh sẽ xảy ra ngay lúc ấy. Polina nói khẽ: - Ta đi ra bờ sông đi. - Có đèn không? - Có. - Đưa mau ra đây. Polina mang ra một cây đèn mờ và chúng tôi trượt theo cái bờ lở trơn tuột dẫn ra sông. Tôi tin chắc rằng Anfisa đang ở đâu đây, ngay bên cạnh chúng tôi. - Anfis.. a.. a.. a... ! Bất thần Polina tuyệt vọng gào lên. Không hiểu sao tiếng gào ấy làm cho tôi sợ. "Cô ta kêu gào vô ích! - tôi nghĩ - Vô ích"! Những tia chớp lấp loáng bên kia sông, kiệt lực và lặng lẽ. Sấm rền xa xa. Mưa lộp độp trong những bụi cây bên bờ lở. Chúng tôi đi xuôi dòng sông. Ngọn đèn tỏa ánh sáng mờ mờ. Rồi ở ngay trên đầu chúng tôi, một tia chớp đến chậm làm bầu trời sáng rực lên và trong ánh chớp tôi nhìn thấy một vật gì trăng trắng phía trước. Tôi tới gần vật trắng ấy và cúi xuống. Tôi nhìn thấy chiếc áo ngoài của Anfisa và chiếc áo cánh nhỏ của cô. Đôi giày ướt sũng cũng lăn lóc ngay đấy. Polina hét lên, chạy ngược về phía nhà mình. Tôi đi tới bến phà, đánh thức ông lái. Chúng tôi ngồi vào cái thuyền gỗ và bắt đầu chèo, cứ thế bơi hết bờ bên này sang bờ bên kia, chăm chú nhìn xuống nước. - Đêm thì tìm thế quái nào được cơ chứ! Trời lại mưa thế này! - người lái đò nói và ngáp, ông ta vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn - Xác mà chưa nổi lên thì tìm mấy cũng chẳng được. Ông ạ, cả các cô gái đẹp thần chết cũng không tha đâu. Vậy đấy, ông bạn ạ! Cô ấy cởi xống áo là muốn chết cho được nhẹ nhàng hơn đấy. Khốn nạn cho cô ấy! Sáng hôm sau người ta tìm thấy Anfisa ở gần đập nước. Nằm trong quan tài, cô vẫn đẹp khôn tả với những bím tóc tết vàng óng, nặng và ướt, với nụ cười biết lỗi trên đôi môi nhợt nhạt. Một bà lão nào đó nói với tôi: - Này anh con trai, chớ có dòm. Chớ! Cô ấy đẹp đến nỗi tim anh có thể vỡ ra bất thần đấy. Nhưng tôi không thể không nhìn Anfisa. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến tình yêu vô bờ bến của người đàn bà, cái tình yêu còn mạnh hơn cái chết. Trước lúc ấy tôi chỉ biết về tình yêu qua những cuốn sách và không tin ở nó lắm. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ rằng phần nhiều chỉ đàn bà Nga mới có một tình yêu như thế. Đám tang rất đông người đi đưa. Kolya đi mãi tít đàng sau, nó sợ người nhà Anfisa. Tôi đã định đến bên nó, nhưng nó chạy vội đi, ngoặt vào một ngõ hẻm và mất hút. Tâm hồn tôi bị đảo lộn hoàn toàn và tôi không thể nào viết thêm lấy một dòng. Buộc lòng, tôi phải rời ngoại ô vào thị trấn, nói cho đúng hơn là đến ga, tới ngôi nhà mờ tối và thấp của bác sĩ đường sắt - bà Marya Dmitrievna Satzkaya. Trước ngày Anfisa chết ít lâu, tôi có lần đi ngang vườn hoa thị trấn. Bên cạnh rạp chiếu bóng mùa hè có chừng bốn chục đứa trẻ ngồi lê trên mặt đất. Chắc là chúng đang chờ đợi gì và liến láu như một bầy chim sẻ. Một người đàn ông tóc bạc, từ rạp chiếu bóng bước ra, chìa vé cho lũ trẻ và chúng chạy ùa vào rạp, vừa chạy vừa chen lấn, chửi bới nhau. Căn cứ vào bộ mặt còn trẻ, người đàn ông tóc bạc nọ tuổi không quá bốn mươi. Ông ta hồn hậu nheo mắt nhìn tôi, lấy tay vẫy tôi, rồi bỏ đi. Tôi định bụng hỏi bọn trẻ xem con người kỳ dị đó là ai. Tôi vào rạp, ngồi một tiếng rưỡi đồng hồ để xem một cuốn phim cũ "Những Con Quỷ Đỏ", nghe lũ trẻ huýt sáo, giậm chân, thở hổn hển, kêu í ới vì thích thú và vì sợ hãi. Tan rạp, tôi ra cùng lũ trẻ, hỏi chúng xem con người tóc bạc kia là ai và vì sao ông ta lại mua vé cho chúng. Lập tức một cuộc mít tinh của lũ trẻ lắm điều được tổ chức xung quanh tôi và rồi ít nhiều tôi đã được biết về con người ấy. Thì ra người đàn ông tóc bạc là anh của nữ bác sĩ đường sắt Marya Satzkaya. Ông này có bệnh, ông ta bị "loạn trí". Chính phủ trợ cấp cho ông rất hậu. Còn vì sao ông ta được trợ cấp thì không ai biết. Mỗi tháng một lần, cứ vào ngày này, khi người ta mang tiền trợ cấp đến cho ông, thì ông gọi tuốt bọn trẻ con ở khu vực ga lại và dẫn chúng đi xem phim. Lũ trẻ bao giờ cũng biết chính xác khi nào ông được lĩnh trợ cấp. Ngày hôm đó, từ sáng sớm chúng đã chen chúc nhau quanh nhà ông, ngồi ở cái vườn nhỏ trước ga và làm ra bộ hoàn toàn vô tình tới đó. Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được ở lũ trẻ. Tất nhiên, trừ những chi tiết vụn vặt không liên quan đến cái mà tôi cần biết. Thí dụ như lũ trẻ ở xóm thợ Yanskaia cũng lân la xán đến với Satzky, nhưng bị bọn trẻ ở khu nhà ga chống lại kịch liệt. Bà chủ nhà tôi nằm liệt giường sau cái chết của Anfisa, luôn miệng than thở vì bệnh tim. Một hôm Marya Satzkaia đến thăm bệnh và tôi làm quen với bà. Đó là một phụ nữ vóc cao, tính tình cương nghị, đeo kính trắng. Tuy đã đứng tuổi, bà vẫn giữ được dáng dấp một nữ sinh viên đại học. Qua bà, tôi được biết anh bà là một nhà địa chất, ông bị đau thần kinh và đúng là ông có được hưởng tiền trợ cấp đặc biệt vì đã có công cống hiến nhiều tác phẩm khoa học nổi tiếng ở trong nước cũng như ở châu Âu. - Ông chẳng nên ở ngoại ô này làm gì - bà Marya nói với tôi bằng giọng của thầy thuốc, không quen bị phản đối - Mùa thu đến nơi rồi, mưa nhiều, ở đây rồi ngập ngụa, bẩn lắm. Lại còn ảm đạm nữa, làm việc sao nổi. Ông cứ sang bên tôi. Ở nhà tôi chỉ có cụ bà thân sinh ra tôi, ông anh tôi và tôi. Nhà ở gần ga, lại những năm buồng. Anh tôi là một người lịch thiệp, anh ấy không làm phiền ông đâu. Tôi bằng lòng sang ở nhà bà. Thế là tôi được làm quen với nhà địa chất Vasili Dmitrievich Satzky - một trong những nhân vật tương lai của cuốn truyện dài Kara-Bugaz. Ngôi nhà này quả yên tĩnh, có thể nói là buồn ngủ nữa. Bà Marya suốt ngày ở trong phòng khám, hoặc đi thăm bệnh nhân, bà lão thân sinh ngồi chơi bài một mình, còn nhà địa chất thì họa hoằn lắm mới ra khỏi phòng. Từ sáng ông đọc hết các loại báo, không sót dòng nào và hình như đang hối hả viết lách cái gì đó cho đến tận khuya. Trong một ngày ông viết hết vèo một quyển vở học sinh loại dày. Thỉnh thoảng ở cái nhà ga hiu quạnh này mới vẳng lại tiếng còi của chiếc đầu tàu độc nhất đang dồn toa. Thời gian đầu, Satzky còn lạ tôi, sau ông quen dần và bắt đầu nói chuyện với tôi. Trong những câu chuyện ấy tôi hiểu được đặc tính bệnh của ông. Sáng ngày ra, khi Satzky chưa mệt thì ông là một người khỏe mạnh hoàn toàn và là người tiếp chuyện thú vị. Ông hiểu biết nhiều. Nhưng chỉ hơi mệt một chút là ông bắt đầu nói năng lảm nhảm. Nội dung căn bản của những câu nói lảm nhảm đó là một ý điên rồ, nhưng nó lại phát triển rất lô-gích. Bà Marya cho tôi xem những quyển vở của Satzky trong đó ông viết chi chít những từ rời rạc. Câu kệ không có. Đại khái những ghi chép đó như thế này: "Những bộ lạc Thổ Nhĩ Kỳ, nước Đức, những Gogensonlern, sự hủy diệt nền văn minh", "Lipny, sự giảo hoạt, đạo đức giả, dối trá".