Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Những thiên đường mù

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6759 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những thiên đường mù
Dương thu Hương

Chương 8
Hồi đưa tôi về quê, mẹ tôi đã đi chơi khắp xóm trên làng dưới. Gia đình người chủ mua nhà cũng phải chạy chọt, thu xếp hết non tuần lễ mới đủ tiền. Nhận tiền xong, mẹ tôi viết văn tự bán đoạn cho họ. Rồi, sớm hôm sau, chúng tôi trở về Hà Nội. Cô Tâm đưa tôi ra tận bến đò. Có lẽ cô đã phải thức dậy từ nửa đêm, để đồ xôi, luộc gà, rán chả lợn... Tất cả xếp chặt trong chiếc làn tre Lạng Sơn để đem cho tôi. Mẹ tôi ngại ngần nói:
- Thôi, chị khỏi phải đưa cháu, đường xa lắm.
Cô đáp:
- Xa cũng chưa bằng nửa doạn đường tôi cắp nón đi làm công cho người ta hồi cải cách.
Mẹ tôi nói thêm:
- Còn nhà cửa, công việc nữa.
Cô bảo:
- Tôi dậy từ canh 3, bà Đũa vẫn ngủ. Lúc đi, tôi mới đánh thức bà ấy cài cửa ngõ. Cô cứ yên tâm.
Và ngừng lại 1 lát, cô nói thêm:
- Cháu tôi về, có việc tày đình cũng cứ gác lại.
Rồi cô nắm tay tôi, dắt đi.
Trời chưa sáng, những vòm lá ướt sương quệt ngang đầu tôi. Cô Tâm chẳng nói chẳng rằng, đưa chiếc làn thức ăn cho mẹ tôi, rồi xốc tôi lên lưng cõng. Tôi van vỉ.
- Cô ơi, cháu đi được, cô cho cháu đi mà.
Cô nói, giọng như ra lệnh.
- Ngồi im, để cháu đi, nhỡ lá ngứa quệt phải má cháu lại sưng lên.
Tôi đành ngồi im. Cô cõng tôi ra khỏi đường thôn, mới đặt tôi đứng xuống. Thở phào 1 hơi khoan khoái, tôi chạy vượt lên. Trong lòng, tôi vẫn thầm lo cô lại bắt tôi phải cưỡi lên tấm lưng gầy của cô lần nữa, vì lí do nào đó mà cô tìm được tình yêu còn sót lại trong tim cô, hoặc nói cho đúng hơn, tình yêu thương của cô như con chim hóa đá trong những năm phục thù, giờ đã sống trở lại. Và cô dành cho tôi. Trong ánh mắt nhìn, trong các cử chỉ thân yêu đường đột, trong lời nói. Nhưng tôi sợ. Có lẽ tôi còn quá bé nhỏ để lãnh nhận 1 tình yêu như thế. Tôi lờ mờ cảm thấy tình yêu ấy quá lơn, quá khốc liệt, và không bình thường. Tôi cũng yêu cô, nhưng tôi cố lảng tránh cô trong những cơ hội có thể được.
- Hằng, ngã bây giờ.
Phía sau, cô cất tiếng gọi. Tôi dừng lại.
- Đi từ từ thôi, đường nhiều gồ sống trâu. Để cô dắt.
Cô nắm chặt tay tôi, như đứa bé khư khư giữ đồng xu mẹ cho lúc đến trường. Mẹ tôi biết ý, đi vọt lên trước, cách chúng tôi vài chục bước chân. Cô Tâm nhìn theo, thấy mẹ tôi đã xa, cô mới nói:
- Bây giờ, chỉ có con là giọt máu duy nhất của dòng họ Trần. Nhà cửa, từ đường, vườn ruộng của cô cũng chỉ để cho con ngoài ra không còn ai khác. Con biết không?
- Thưa cô con biết ạ.
- Ông nội con xưa là hương sư lừng danh cả tổng phải kính nể. Bố con cũng là người hiếu đễ, giỏi giang. Mới 12 tuổi, sách Tây đã đọc làu làu. Con phải cố học, đừng để tủi vong hồn của ông nội và bố, nhớ chưa?
- Thưa cô, nhớ ạ.
- Con chưa hiểu được những oan khổ bố con đã chịu. Nhưng hãy ghi nhớ trong dạ. Rồi lớn lên sẽ biết.
- Vâng ạ.
- Mỗi tháng viết thư cho cô 1 lần, báo cho cô biết tình hình học hành, sức khỏe. Áo quần, giấy bút, thuốc men bồi dưỡng, cô sẽ chu cấp đầy đủ cho con học hành thành tài. Thời này, khối đứa con gái làm nên, con biết không?
- Thưa cô, có ạ.
- Ở làng Đông, con nhà bà Bút thi đậu bằng phó tiến sĩ bên Balan cơ đấy.
- Vâng ạ.
- Con thi vào đại học, cô mua cho con cái xe đạp Lơ-giô. Con được đi nước ngoài, cô sẽ gom tiền lên Hà Nội mua cho con căn nhà gác. Nhớ chưa?
- Nhớ ạ.
Cô ngồi thụp xuống, móc trong túi 1 gói giấy nhỏ thì thầm:
- Đứng lại cô bảo đã.
Tôi đứng lại, chờ đợi. Cô mở gói giấy ra, Hết lượt giấy bọc ngoài, tới 1 mảnh lụa đen, chắc cắt ra từ điềm vải thừa của 1 cái quần phụ nữ, sau cùng là nhúm bông nõn. Ở giữa nhúm bông, là đôi hoa tai kiểu cũ, có 2 mặt đá đánh tòng teng. Cô lấy ra từng chiếc, mắc vào tai cho tôi. Dạo ấy, tôi đã xỏ lỗ tai. Và mẹ tôi đeo cho tôi 2 hạt nụ hoa bằng nhựa đỏ. Cô Tâm tháo đôi hoa nhựa ra, đeo đôi hoa tai vàng vào. Rồi, cô lại rút thêm gói nhỏ thứ hai, trong túi áo cánh bên kia. Lần này là 1 cặp nhẫn, chiếc nào cũng quấn len:
- Cô phải quấn len thế này mớ vừa ngón tay con. Nào chìa ra.
Tôi ngại ngần:
- Con không đeo đâu, con sợ lắm.
Cô Tâm quắc mắt:
- Chẳng sợ gì hết. Của cô cho con mà.
Tôi nói:
- Nhưng trên ấy, trẻ con đeo vàng dễ bị cướp giật, bị mẹ mìn bắt.
Cô bảo:
- Đeo từ đây về đến nhà, tới nhà mẹ con sẽ gỡ cất đi. Cô cho con làm vốn riêng. Sau này, sẽ còn những thứ khác.
Đeo nhẫn xong cho tôi, cô lùi ra, ngắm nghía. Bấy giờ tôi hiểu vì sao cô nhất thiết bắt tôi đeo hoa tai, đeo nhẫn, những thứ đồ trang sức không mấy người bắt đứa trẻ mười tuổi phải mang theo. Ánh mắt cô nhìn tôi lúc ấy là ánh mắt của 1 họa sĩ với bức tranh vừa vẽ. Các đồ vật quý giá này đã được cất trong bóng tối từ ngày mua cho đến lúc tới tay tôi. Nhưng những đứa bé khác, hẳn tôi phải mừng lắm. Nhưng tôi sợ. Tôi đưa tay sờ lên chiếc hoa, những riềm sắc bao quanh hạt đá, mặt đá hình lục lăng lạnh lạnh. Rụt tay lại, tôi thọc tay vào túi. Món đồ trang sức khi truyền sang cảm giác lạnh lẽo, băng giá. Chúng như cánh hoa tàn cuối mùa xuân, rải xuống nấm mộ hoang cô lẻ, để gió cuốn đi.
Mẹ con tôi xuống thuyền, cô Tâm còn đứng trên bờ nhìn theo mãi. Khi thuyền sang quá nửa dòng, cô mới quay về. Trong ánh lê minh, cái bóng nhỏ bé của cô in như 1 chấm mực trên bức tranh thủy mạc. những vầng mây phía đông ửng lên màu hoa đào tươi thắm trước khi chuyển sang vàng rực. Đàn nhặng nhào lộn trên không, rồi bổ xuống xác 1 con mèo chết trôi ai ném lên bờ. Trong không khí thoảng qua mùi thối rữa. Mặt trời lên, cùng với lúc thuyền cặp bến bên kia. Người lái thuyền gác cây cầu gỗ cho khách, miệng quát:
- Từ từ, đừng có chen nhau. Mới bảnh mắt đã đi đâu mà vội thế?
Bên kia, đám khách chờ qua đò đã nhong nhóng đứng, đợi lượt xuống thuyền. Mẹ con tôi mau mắn, vừa sang bờ đê bên kia đã gặp đuợc 2 chiếc xe đạp thồ vắng khách. 2 người đàn ông mặc áo nâu, trạc tứ tuần có lẻ. Họ đang chống xe phì phèo thuốc lá cuốn. Họ nhận lời chở mẹ con tôi ra bến xe thị trấn với giá rẻ không ngờ. Đỡ được đoạn đường đi bộ, chúng tôi ra kịp chuyến xe thứ 2. Từ đó, trở về Hà Nội chỉ hơn 3 tiếng. Khoảng non trưa, 2 mẹ con tôi đã tới nhà:
- Này, ngày thường chả thấy ai, đi vắng hôm nào cũng có người tới hỏi.
Bà lão bán chè đỗ xanh nóng bảo mẹ tôi thế. Bà ngồi sau tấm mành trúc nói vọng ra. Mẹ tôi cảm ơn, mở khóa vào nhà. 1 mình mẹ dọn nhà, còn tôi đi thăm bạn trong xóm. Từ nhà thằng Khang sứt tới con Hà, con Quyên... Cả con chó Trắng xồm nhà bà Miều. Nó đang nằm dưới chân anh què, ngủ mê mệt. Còn anh què vẫn ngồi trên chiếc ghế vải bố như thường lệ, thỉnh thoảng lại ném quyển truyện, ngước nhìn trời hát rống lên:
Mùa thu sang lá vàng rơi đầy...
Tôi chạy đến toát mồ hôi hột. Lúc trở về, mẹ đã dọn dẹp nhà cửa nấu cơm xong:
- Rửa mặt mùi cho sạch rồi ăn cơm. Hôm nay nhà có khách đấy.
Tôi ngạc nhiên:
- Ai bảo mẹ thế?
Mẹ tôi đáp:
- Tuần vừa rồi, cậu Chính đến đây tìm mẹ con mình. Chắc nhà cậu ấy có việc. Bên cô Vị vừa nói.
Tôi buột miệng:
- Chắc cậu ấy đến tìm mẹ lấy tiền, chẳng có việc gì đâu.
Mẹ tôi im lặng thu xếp đống hàng họ, rồi lát sau, khẽ hỏi:
- Ai bảo con như vậy?
Tôi đáp:
- Cô Tâm.
Mẹ tôi không nói gì thêm, cất bồ hàng vào góc nhà rồi xới cơm. Cơm hôm ấy có canh hoa thiên lý nấu thịt nạc, món ăn tôi thích nhất trên đời. Tôi ăn rõ no, những 3 bát cơm chan lại thêm miếng cháy. Ăn no quá, tôi ngủ ngay tức khắc. Và giấc ngủ kéo dài tới nửa chiều. Lúc tôi thức dậy, đồng hồ treo tường thong thả gõ 3 tiếng. Mỗi tiếng kèm theo 1 sợi dây âm thanh run rẩy, ngân nga. Tôi nhắm mắt, lắng nghe tiếng chuông quen thuộc. Bên ngoài, xuyên qua không gian xao động của phố xá, vẫn nghe rõ tiếng gào của anh con trai què:
Màn sương trắng nép ngang mái nhà ven đồi
Mà không thấy bóng người tôi mong chờ...
Tôi bỗng nhớ 1 người tôi chưa bao giờ gặp mặt:
- Bố, bố ơi...
Tuổi thơ tôi hiển hiện lên, như trái bóng lăn qua dường. 1 trái bóng không địa chỉ. Những con đường lấm bụi nơi ngoại ô. Gió bấc rít ngang trời, với làn mây xám không di động. Bầu trời vẩn đục vì khói nhà máy và cát bụi cuốn theo những đoàn xe tải. Chúng chạy rầm rầm suốt đêm ngày. Con Trắng xồm lại tru lên. Nó đã già quá rồi, lông đuôi bết từng đám bẩm thỉu, xơ xác. Nó bước đi lử thử, mắt kéo màng. Nó không còn nhận ra tôi. Mỗi lần tôi cất tiếng gọi, nó đưa mũi hít hít rồi gục gặc cái đầu đã trụi hết nửa lông. Có lẽ nó vẫn còn ngửi thấy lờ mờ cái mùi của quá khứ. Nhưng nó không đủ tình thương mến để xẻ chia. Nó, người bạn thời thơ ấu, vị hiệp sĩ của tôi bao năm dài.
- Ú ú ú...
Tiếng tru của con chó bay qua ngõ. Tôi như thấy cái mũi lạnh và ướt của nó chạm vào tôi. 1 mùa hè nồng ấm đã tắt đi quá sớm.
- Bố ơi.
Tiếng gọi vang trong 3 gian nhà, rồi lắng đi, như thứ bụi vô hình. Nước mắt tôi ứa qua hàng mi. Tôi bước khỏi căn nhà trống, không buồn khóa cửa. Mẹ đi chơi quanh quất đâu đó, chắn chắn sẽ quay về. tôi quấn chiếc khăn len kẻ ô vào cổ, ra đường. Các nhà hàng xóm đều đóng kín. Tôi đến nhà ông lão mù xem bói. Nhà vắng khách, mảnh sân đầy lá đào, lá mai rụng. những chiếc lá khô bị gió đuổi trên sân, dồn từ góc này sang góc kia, xạc xào. Ông lão đang ngồi thu lu trên giường, 2 tay bó gối:
- Ai đấy?
Tôi đáp lời.
- Cháu ạ...
Ông gọi.
- Con bé Hằng nhà mẹ Quế phải không? Vào đây chơi với ông.
Nhưng tôi chán ngắt. Tôi chẳng muốn chơi với ai. Tôi trả lời:
- Ông ơi, cháu phải đi ra chợ 1 tí.
Nói rồi, tôi chạy đi. Những chiếc lá đào khô đuổi theo tôi. Tôi chạy 1 mạch, chẳng biết tới đâu. Sau cùng, tôi thấy mình ngồi trước miệng cống thoát nước. Dòng nước cống chảy tong tỏng xuống hầm chứa, qua hàng răng chắn rác đã mòn trũng. Rác dồn tụ ở đó, từ chiếc bàn chải đánh răng tới mảng lược gãy, từ vỏ trứng vịt lộn, vỏ cà chua, hột gấc, bã mía tới lông gà lông vịt, nhãn dán rượu, đồng tiền lẻ rách... Cả những đám vỏ hạt bí, hạt dưa từ đám cưới nào đó hắt xuống. Cả những mảnh vải thêu kim tuyến, chắc xé ra từ tấm áo biểu diễn cũ của diễn viên, phân tươi trẻ con nổi lều bều cạnh những ống thủy tinh rỗng, vật thải của 1 trạm y tế. Tôi kiếm chiếc que dài, lẩn mẩn bới từng thứ kên, cố cắt nghĩa xem chúng từ đâu tới. 1 bàn tay cứng nhắc bóp vai tôi:
- Hằng.
Tôi ngẩng lên. Té ra đó là cậu Chính, đôi mày cậu nhíu lại trên sống mũi:
- Mày nghịch bẩn thế hả? Về nhà ngay!
Cậu túm vai tôi, kéo lên. Chân cậu vẫn gác khung xe đạp. Tôi nhìn cậu, thấy cậu rất giống mẹ tôi. Trong khi đó, cậu đã kịp đặt tôi ngồi lên tấm lưới sắt đèo hàng, và cậu chở tôi về nhà. Mẹ tôi đang ngồi sao chè. Chắc hẳn rôi vừa đi chơi, mẹ đã trở về. Trong chiếc thúng đặt cạnh bếp, có tới 2 cân chè vừa sao còn nóng hổi. Thấy cậu Chính, mẹ bỏ đôi đũa, bắc chảo chè đổ ra nong:
- Cậu vào nhà đi.
Cậu tôi đặt chiếc xe ngay trước cửa, khóa lại cẩn thận, mới vào nhà. Chưa kịp ngồi xuống ghế, cậu đã nói:
- Mấy hôm vừa rồi em tới tìm chị luôn.
Mẹ tôi đáp:
- Vâng tôi cũng nghe hàng xóm nói lại. Hằng, lấy cho mẹ gói chè sen. Bên trên chiếc xích đông ấy.
- Khỏi cần chè cháo, em vừa uống nước bên cơ quan. Chị lấy được tiền cho em chưa?
- Cậu hã thong thả uống nước cho ấm bụng. Tôi đã lấy đủ tiền cho cậu, rồi làm văn tự bán đoạn cho người ta.
Mẹ tôi rót nước chè vào chén, đặt trước mặt cậu. Xong xuôi, mẹ vào buồng lấy ra 1 bọc tiền:
- Phần cậu đấy.
Cậu tôi cầm gói tiền, lật qua lật lại. Mẹ tôi biết ý, bảo:
- Không cần phải kiểm tra lại đâu. Tôi vừa nhận tiền hôm qua, đếm đủ. Người trong họ, không ai dám làm ăn điêu bạc.
Cậu tôi im lặng uống nước rồi bảo:
- Em xin cho chị làm tạp vụ ở nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà. Sáng mai tới nhận việc cho sớm sủa.
Mẹ tôi nhẩn ngơ nhìn cậu, khi hiểu ra, mẹ dãy nảy lên:
- Thôi chết, sao cậu làm ăn đường đột thế? Cậu để cho chị ngẫm nghĩ đã.
Cậu tôi cau mày, gắt:
- Còn ngẫm nghĩ cái gì? Đã bảo chị rồi, đường quang không muốn đi, lại đâm quàng vào bụi rậm.
Mẹ tôi van vỉ:
- Muốn sống phải nghĩ chứ cậu? Ngần này tuổi tôi còn làm loong toong cho người ta sai vặt, biết bao giờ mới thành nghề thành nghiệp? Mà trước mắt, lương bổng như thế, tôi làm sao nuôi nổi cháu Hằng?
Cậu tôi nói:
- Chị nghe đây này. Cái nghề buôn gánh bán bưng của chị, dù bây giờ kiếm đủ ngày 2 bữa cơm, nhưng mai sau sẽ bị tiêu diệt. Còn đứng vào đội ngũ giap cấp, dù làm tạp vụ chăng nữa, cũng sẽ nắm tương lai trong tay. Chị muốn đường nào?
Mẹ tôi bối rối cúi mặt xuống, nhưng lát sau, mẹ vẫn lắc đầu nài nỉ:
- Chị chịu thôi, cậu cho chị nghĩ đã. Không thể quyết định việc tày trời 1 chốc 1 lát được.
Cậu tôi đứng lên, thở 1 cách bực dọc, rồi bảo:
- Thôi được, tùy chị đấy. Sau này khốn khổ đừng có trách em. Em đã làm hết phận sự của mình.
Mẹ tôi cũng đứng lên, run rẩy:
- Chị cảm ơn cậu. Cậu đừng giận. Nhưng sự thể là...
Cậu tôi nói:
- Chị không nhìn được qua chóp mũi của mình. Chị không dám nhìn thẳng tới tương lai. Nếu cháu Hằng có bị thua kém con nhà người ta, ấy là lỗi tại chị.
Mẹ tôi đứng im, vẻ mặt lo âu, khổn khổ đến nỗi tôi phải phải chạy tới:
- Mẹ ơi i i...
Tôi gọi mẹ, đoạn quay sang nói với cậu Chính:
- Cậu đừng dằn vặt mẹ cháu.
Cậu trợn mắt lên:
- Tất cả những điều tao lo lắng là vì tương lai của máy, cuộc sống của mày nghe chưa.
Cậu bỏ gói tiền vào chiếc cặp da, treo lên ghi đông xe đạp. Rồi cậu mở khóa xe, ra về. mẹ tôi cung cúc ra theo, định chào cậu nhưng không dám lên tiếng. Khi cậu đã đạp xe khuất hẳn nơi lối rẽ, mẹ mới quay vào. Mẹ ngồi xuống bàn, đầu rũ xuống. Tôi hỏi:
- Mẹ ơi, làm sao thế?
Mẹ ngẩng lên, nước mắt lưng tròng:
- Mẹ chỉ còn 1 cậu Chính là người thân. Vậy mà tan nát hết...
Tôi nói:
- Có phải lỗi tại mẹ đâu?
Mẹ tôi ngẩng đầu lên:
- Lẽ ra, khi ông bà chết, mẹ phải tẩn tào nuôi cho cậu con ăn học. Nhưng mẹ không giỏi giang được bằng thiên hạ, mẹ đã không làm nổi điều ấy.
Buổi tối, nhà buồn như có tang. Mẹ tôi nằm trên giường, mặt quay vào tường. Không nghe tiếng mẹ khóc, cũng không nghe tiếng mẹ nói. Làm sao người ta có thể lặng im lâu như thế? Tôi sắp xếp bài vở, rồi bỏ sang nhà thằng Khang sứt chơi cờ ca rô. Vài tuần sau, tôi nghe mẹ nói với cô Vị hàng xóm:
- Cậu ấy không muốn nhìn mặt tôi nữa. Tôi không đứng trong đội ngũ của giai cấp công nhân, cũng không là nông dân lao động hợp tác. Tôi làm ảnh hưởng tới cậu ấy.
Cô Vị hỏi:
- Ảnh hưởng gì?
Mẹ tôi đáp:
- Tiến bộ. Cậu ấy bảo tôi rằng, nếu tôi cũng là 1 cán bộ cách mạng có 10, 15 năm tuổi Đảng như bà chị ruột của cậu bạn cùng phòng thì cậu ấy đã lên cấp năm ngoái. Cậu kia năng lực kém, nhưng nhờ có bà chị bên Hội Phụ nữ trung ương hoạt động cách mạng năm 45 nên được đề bạt phó phòng.
Nói xong, mẹ thở não nề. Cô Vị im lặng ngẫm nghĩ 1 hồi rồi nói toáng lên:
- Làm sao chị phải rầu rĩ? Ai chọn cửa mà sinh cơ chứ? Nếu chọn được cửa, thì cả chị lẫn tôi chẳng dại gì không làm con ông Hoàng bà Chúa. Có ai muốn sống kiếp dân đầu chợ mom sông, sớm sương muối rát mặt đã lo gánh hàng ra chợ, tối phố lên đèn còn đi vét hàng.
Mẹ tôi nói khẽ:
- Giá không có cháu Hằng, tôi cũng liều nghe lời cậu ấy đi làm loong toong trong nhà máy. Thật nghề ngỗng chẳng ra sao nhưng cũng được 2 chữ công nhân. 1 thân 1 mình ném xuống ao tôi vẫn sống, nhưng khốn nỗi, còn có con Hằng.
Cô Vị bảo:
- Anh trai tôi làm thợ điện trong nhà máy Yên Phụ, chị gái tôi làm thợ dệt dưới Minh Khai, chẳng ai bỏ tôi chỉ vì tôi không đứng cùng 1 đội ngũ. Tôi ăn ở lương thiện, không trộm cắp, không lừa gạt, không ám hại ai.
Mẹ tôi đáp:
- Vâng... Vẫn biết thế, nhưng mỗi nhà mỗi khác. Cậu Chính khó tính từ nhỏ. Dòng họ Đỗ nhà tôi có cậu ấy là con trai. Xưa nay, nó muốn thế nào, mọi người phải làm theo thế.
Cô Vị ối giời lên 1 tiếng rồi bảo:
- Thế thì ông em chị là ông vua con, cách mạng cái khỉ gió. Nhà tôi dân nghèo, 5 anh em chẳng ai làm vua được với ai. Hễ người nào gặp bão, đổ nhà trốc mái thì 4 người kia góp tiền góp sức. Con ai lấy vợ lấy chồng, cả họ xúm vào sắm lễ, sắm áo quần. Tôi bánh pháo thì anh chịu buồng cau. Ngày giỗ bố giỗ mẹ cũng phân cắt ra, năm nay anh cả, sang năm chị hai, cứ thế mà làm. Việc nhà chúng tôi nhẹ tênh tênh, còn như chị ấy à, nói xin lỗi, tôi cạch mặt. Anh em máu chảy ruột mềm thật, nhưng phải có lí có tình.
Mẹ tôi nói:
- Nhưng tôi ít học. Cậu ấy là cán bộ nhà nước, nhìn xa trông rộng.
Cô Vị đáp:
- Tôi cũng ít chữ. Tôi sống như ngày xưa bố mẹ tôi vẫn sống. Có thực mới vực được đạo. Chẳng ai nhịn đói được qua năm Dậu để chờ tới năm Tuất ăn cỗ Tiên.
Tới đó, cô bỗng bật kêu:
- Thôi chết tôi rồi. Nồi chè kho cháy. Thể nào mà cứ thơm lừng cả lên.
Cô chạy bổ ra sân. Quả nhiên, tôi thấy mùi thơm của đỗ xanh bén lửa. Cô Vị về chừng 10 phút, lại quay sang, trên tay có đĩa chè:
- Chị ăn chè với cháu đi. Chè tôi kho kĩ lắm. Trong như bánh dừa mà còn om trên than.
Trời rét, tuy còn bốc khói nhưng đĩa chè cũng đã đặc quánh, như bánh đậu xanh đổ ra. Bên trên, vừng lột vỏ rang vàng rắc kín. Mẹ tôi trầm trồ khen:
- Cô nấu khéo quá. Tết này cô cho tôi chung nồi chè kho nhá?
- Có nồi chè, làm gì phải chung? Tôi cho hẳn mẹ con chị 10 đĩa. Vừa ăn, vừa tiếp khách 3 ngày Tết thỏa thê.
Nói xong, cô lại con cón chạy về. Từ hôm ấy cho tới dịp Tết Nguyên Đán, cậu Chính không lại chơi nữa. 28 Tết, cô Vị mới nghỉ bán hàng, cả đêm, cô xoay xỏa đãi gạo, đãi đỗ, pha thịt, róc lá gói bánh chưng. Gói bánh xong vừa rạng sáng, đã thấy cô nấu chè kho, nồi chè to tướng, hết 3 cân đỗ. Cô múc cho mẹ con tôi 10 chiếc đĩa Bát Tràng:
- Ăn xong phải trả đĩa đấy nhớ. Hết đĩa nào mang trả ngay đĩa ấy, 3 ngày Tết, tôi lười rửa.
2 má cô đỏ hây hây, mặc dù những nếp rạn chân chim đã hằn dưới đuôi mắt. Mẹ con tôi bưng chè về nhà, thấy 1 người đàn bà đứng trước bàn thờ, lưng quay về phía cửa. 1 tấm lưng thon gầy, hơi dẹt, dưới lần áo cánh màu nâu non.
Mẹ tôi bảo:
- Cô Tâm.
Rồi mẹ bước dấn lên, đánh tiếng:
- Chị vừa lên?
Cô Tâm quay lại. Đỡ mấy đĩa chè trên tay mẹ tôi, hỏi:
- Bưng chè ở đâu về thế này? Cô mua hả?
Mẹ tôi đáp:
- Hàng xóm cho. Em lười nấu quá.
Thấy tôi cũng lễ mễ bưng chè vào, cô lắc đầu:
- Mẹ con mày dắt nhau đi ăn xin thiên hạ? Ngày Tết, không chịu khó nấu mà cúng lễ cho thoải mái.
Cô có vẻ không bằng lòng. Cô ôm tôi, xoa đầu, hít ngửi mái tóc tôi. May mà chiều hôm trước mẹ tôi vừa đun nước hương nhu cho tôi gội đầu. Cô Tâm hài lòng lắm:
- Cái răng cái tóc là gốc con người. Phải đun nước lá thơm mà gội cho mượt tóc.
Cô dặn, chẳng hiểu dặn mẹ tôi hay dặn tôi. Rồi cô lôi 2 chiếc làn tre đặt dưới chân bàn tới gần, lần lượt mở từng làn ra. Làn nào cũng đầy ắp thức ăn. Giò lụa vài cân, chả quế vài cân, giò hoa vài cân. Thứ nào cô cũng đặt trước. Thứ nào cũng còn mướt lá, chứng tỏ vừa được vớt chiều hôm qua. Rồi chè lam tỉnh Thanh, ngũ vị tỉnh Bắc, bánh cáy Thái Bình, chè ướp nhài ướp ngâu. Rồi mứt sen, bánh quy bơ, quy xốp. Rồi bánh gai, bánh tro nhuộm gấc, bánh tro rơm vàng. Giá 1 người đàn ông lực điền, cũng không thể mang nặng hơn thế. Mẹ tôi đứng sững sờ, rồi bối rối:
- Em không thể nhận được. Em cũng có, chị đừng cho quá nhiều thế này. Mẹ con em làm sao ăn hết?
Cô Tâm, trả lời giọng lạnh tanh:
- Tôi có cho cô đâu! Đây là phần tôi cúng em tôi và cho cháu Hằng. Ăn không hết thì đem biếu thầy giáo, cho bạn bè, quyền ở nó.
Đến lượt tôi đứng sững. Tôi không biết nói sao. Những quyền uy quà lớn ban cho 1 đứa trẻ khiến nó sợ hãi. Cô tôi ôm tôi vào lòng:
- Cô lo cho Tết từ rằm cơ đấy. Cô nghe tin con được thưởng học kỳ vừa rồi, phải không?
- Thưa cô, vâng.
- Tại sao không viết thư báo cho cô biết?
- Thưa cô... con bận quá. Tháng vừa rồi trường bắt làm kế hoạch nhỏ.
- Kế hoạch nhỏ với chả kế hoạch lớn. Cha tiên nhân nó, chỉ hành con cái nhà người ta. Dưới làng, con nhà Bùng đi kiếm dây thép gai về bán lấy tiền nộp, đạp trúng uốn ván chết. Từ rày, chớ có dại mà đi kiếm mảnh chai với giấy vụn, lỡ sứt tay, nhiễm uốn ván thì nguy. Dòng họ Trần chỉ trông cậy vào con thôi đấy.
Nói đoạn, cô mở chiếc ghim băng gài túi áo trong. Bên trong chiếc áo cánh bằng len màu nâu non. Cô mặc chiếc áo vải trắng, có bôđêâ gấu và cổ tay:
- Tiền đây. Họ muốn bao nhiêu con cũng nộp. Chớ có dại dột mà theo lũ bạn đi ra bãi rác nhặt nhạnh đồ thừa.
Cô đưa cho tôi 1 cuộn tiền mới. Toàn giấy bạc lớn, thứ bạc không bao giờ trẻ con được phép tiêu. Tôi rùng mình, đấy là đồng tiền của 1 người đàn bà không bao giờ có tuổi xuân. Người đàn bà đã ăn khoai sọ trừ cơm suốt vụ lúa, đêm ngủ ngoài trời với con dao mài sắc gối dưới đầu, kiếm từng xu một để thách đố đời sống.
- Cầm lấy.
Cô ấn cuộn giấy bạc vào tay tôi. Tôi ôm cổ cô, run run:
- Con còn nhỏ, con không muốn tiiêu tiền. Cô cất đi.
Cô tôi quát:
- Không. Cô bảo con cầm, con phải cầm lấy, không được cãi. Mạng con quý nghìn vàng, tiền bạc kể vào đâu?
- Còn cô đây, còn 2 bàn tay này.
Cô chìa đôi tay khô xác của cô ra trước mặt tôi, giọng rắn như chém đá:
- Còn đôi tay này, còn tiền còn bạc. Đừng lo. Cô biết cách tính. Chỉ 1 vụ cà chua, cô thu hoạch gấp 3 lần vụ lúa tốt nhà khác. Chỉ 1 vụ hồng xiêm, 1 vụ cam, cô đủ xắm cho con dây chuyền vàng. Con biết không, cô đặt người ta làm sẵn rồi, mặt hình trái tim nặng chỉ rưỡi, dây cũng chỉ rưỡi, cô cất ở nhà. Bao giờ 16 tuổi, con sẽ đeo.
Nói xong những lời ấy, mắt cô sáng lên. Dường như trong cái viễn cảnh huy hoàng cô vẽ ra cho tôi, cô đã đứng vượt lên mọi đau khổ và thua thiệt, cô đã thấy được hình ảnh của chính cô trên đài chiến thắng. Tôi không nói được nữa, tôi quay đi. Cổ nghẹn lại, tôi bước ra cửa. Trong khi đó, cô tôi nhét cuộn giấy bạc vào tủ. Rồi cô gọi mẹ tôi ở dưới bếp lên, xăng xái lau bàn thờ, giũ tấm lụa đỏ phủ trên tấm ảnh của ông bà ngoại. Cô đem sẵn theo tấm ảnh của bố tôi lồng trong khung kính. Tấm ảnh ấy cắt ra từ 1 tấm ảnh chụp đại gia đình trước ngày bố tôi lên tỉnh học.
Hình người trong khung kính là 1 niên thiếu dịu dàng, với những nét gần giống như cô Tâm, nhưng mờ ảo, vì hình phóng lớn, nên thấy rõ những vết rạn ngoằn ngoèo. Cô tôi đặt tấm ảnh của đứa em trai lên bàn thờ, bảo mẹ tôi lấy 1 chiếc bát mẫu chưa dùng làm bát cắm nhang. Cô xếp các thứ bánh trái, chè thuốc, các cây giò lớn nhỏ. Cô sai mẹ tôi ra chợ:
- Mua thêm bó hoa đơn trắng và hoa chân chim tím. Hồi còn ở nhà, chú Tốn thích nhất 2 màu hoa ấy.
Sau khi bày biện bàn thờ hoàn tất, cô tôi lùi ra ngắm nghía, vẻ mãn nguyện. Từ hồi lớn lên, tôi chưa từng thấy bàn thờ nhà ai sang trọng như bàn thờ của bố tôi năm ấy. Đèn nến sáng choang, trông lóa mắt. Tiếng pháo đì đùng vọng đến. Trong không gian, lan truyền những làn sóng vô hình, như ảo giác, đan xen những giấc mơ đã héo tàn và những giấc mơ chưa tới. Đám người đi qua cửa nhà tôi, đều vác cành đào hoặc chậu quất, hí hửng 1 cách tức cười. Tôi đứng tựa cửa, quay quay sợi pháo sáng trong tay. Cuộn tiền cô tôi cho có thể mua cả 1 nhà pháo. Nhưng tôi không còn háo hức. Ném sợi dây pháo xuống rãnh, tôi bỏ chạy ra phố. Chạy mãi, tôi tìm được 1 quán cắt tóc vô chủ. Ông thợ cắt tóc đã bỏ về quê ăn Tết. Ông ta là loại người không có hộ khẩu thường trú ở thành phố này. Cái ghế gỗ xấu xí, sứt sẹo nằm giữa căn lều. Trên nền gạch, rải rác những món tóc rơi. Phía trước, cánh cửa bằng gỗ thùng ghép nửa mở nửa đóng ơ hờ. Tôi chui vào quán, ngồi lên ghế. Qua khuôn cửa, tôi ngắm người qua đường. Tôi không muốn ở nhà lúc đó. Tôi không muốn cô tôi và mẹ tôi tưng bừng chuẩn bị cho cuộc lễ tất niên: Nến đỏ và nến trắng, nhang que và nhang vòng, hoa và hoa, những thứ của ngon vật lạ, những lời khấn tụng rì rầm. Tất cả tạo dựng nên 1 thiên đường muộn mằn, phung phí...

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 830

Return to top