Đồ vật trong phòng mỗi thứ cháy một ít. Mụ chủ nhà đến tuyên bố cắt hợp đồng, thu luôn cả tiền đặt cọc để đền bù. Vài hôm sau bà ta còn cắt cả điện thoại. Tiền viện phí phải trả mất ba tờ vì Thủy không có bảo hiểm y tế. Thủy tuyệt vọng kiểm tra lại tiền bạc. Số đô giấu dưới nền nhà và số tiền Ba Lan hiện có cộng lại cũng còn được khoảng hai nghìn.
Mẹ Thủy đề nghị:
- Hay là mẹ con mình cùng về. Thôi thì cứ xem như là một năm qua chúng mình sang đây đi du lịch vậy.
Nhưng Thủy không thể xem như thế được. Nó không phải là một chuyến du lịch mà là một chuyến đi địa ngục hãi hùng, mà trước khi đi Thủy đã chia tay bạn bè trong cái sự kiêu hãnh, cũng giống như cái ngày cưới Tuấn vậy. Bây giờ mà về thì mồm miệng thiên hạ lại tiếp tục tha hồ mà đàm tiếu:
- Cái ngữ ấy thì chỉ lấy toàn bọn không ra gì mà thôi. Dăm bữa nửa tháng là đi tù vì tội lừa đảo.
- Nó chi tiêu như thế, chả bảo sao thằng chồng lại phải đi buôn lậu để đem tiền về hầu nó...
...
Cuối cùng thì Thủy cũng quyết định để bà và bé Thảo về Việt Nam trước. Mua vé cho hai bà cháu, đưa thêm ít tiền để phòng thân và sống tạm vài tháng đầu ở nhà, Thủy chỉ còn lại vỏn vẹn có hai tờ đô la mệnh giá một trăm. Ngồi thừ trong bếp, bên cạnh cốc cà phê bốc khói, nhìn không chớp mắt vào hai tờ giấy bạc mới cứng, khô cong, Thủy toan tính đủ cửa mà vẫn chưa thấy có lối thoát. Về thì chắc chắn là không về, vì không thể nào chịu nỗi cái sự nhục nhã trước cơn đàm tiếu của thiên hạ. Ở lại thì làm gì ? Vừa mới sang chỉ được già một năm, chả biết làm gì khác ngoài tiêu hàng trên quầy và đánh tennis. Mối quen biết với bọn Tầu, bọn Thổ thì cũng cần phải có quầy để mà giao hàng. Mà một cái quầy bây giờ riêng thuê thôi cũng đứt mất chục tờ mỗi tháng. Người Việt thì ngoài gia đình Phú Thục ra thì Thủy cũng chả chơi thân với ai cả, ngoài Hà.
à đúng rồi. Hà. Đứa con gái sang cùng chuyến bay, thỉnh thoảng vẫn ra chỗ Thủy chơi. Thủy nhấc máy điện thoại, chực quay số, nhưng trong cái ông nghe lạnh lẽo chả có một thứ âm thanh nào cả. Điện thoại đã bị bà chủ cắt mất rồi.
Thủy lại ngồi thừ ra suy nghĩ. Gọi đến cho Hà rồi nói gì đây ? Chẳng lẽ lại kể lại cái cảnh nhục nhã của cơn đánh ghen ? Hay tâm sự cái cảm giác của những ngày nằm viện ? Thủy bỗng ngại phải gọi điện cho Hà, dù ngay dưới chân nhà cũng có máy điện thoại công cộng, và trong túi đang có sẵn thẻ điện.
Cuối cùng Thủy quyết định sáng sớm hôm sau sẽ lên thẳng sân để tìm Hà vậy.
Không hiểu là tự kỉ ám thị, hay là cả sân đã biết chuyện, mà Thủy có cảm giác ai cũng nhìn mình một cách là lạ. Vài gã đàn ông đang nói chuyện với nhau bỗng quay cả lại nhìn Thủy, mắt thèm thuồng, mồm hi hí cười. Một chị đàn bà quay ngắt đi, bĩu môi ra vẻ khinh bỉ. Vài cô gái trẻ nhìn vết bỏng to tướng trên mặt Thủy ra chiều ái ngại. Thủy cố giấu sự nhục nhã, giương to mắt nhìn trả lại mọi người, ương ngạnh, đi thẳng đến chỗ Hà.
Hà đã biết hết mọi chuyện. Trên sân này mọi người kháo chuyện nhau rất nhanh. Đủ mọi chuyển thể của tin đồn. Người bảo Thủy bị bà Thục tạt axít nên cháy cả người, bỏng hết một bên mặt. Kẻ bảo Thủy nổi cơn điên xé hết quần áo trên người, đổ dầu quanh nhà tự thiêu để quyên sinh. Có người sống cùng khu nhà thậm chí còn thề sống là tận mắt chứng kiến Thủy trần truồng, hò hét trong ngọn lửa ma quái đang điên dại hoành hành. Bao gã đàn ông hãnh diện khoe là đã từng lên giường với Thủy.
- Con ấy đĩ lắm. Tha hồ sướng...
- Tao đã làm đến lần thứ năm thứ sáu rồi mà nó vẫn còn thèm thuồng đòi thêm nữa...
Có gã bạo gan còn loan cả tin mới:
- Nó đang thiếu tiền, thằng nào muốn ngủ thì cứ việc. Hai trăm zua một giờ. Đến chỗ thằng M. là có. Hay thích thì hỏi thẳng nó cũng được.
- Thế cả đêm thì bao nhiêu ?
- Tao không biết. Để hôm nào tao hỏi cho.
- Có thực không đấy ? Hay mày chỉ phét.
- Tao đã thử rồi mà. Chỉ có điều bây giờ nó đang bỏng ngực nên không được động vào ti, nên không còn sướng như trước nữa.
Ba gã đứng chung quanh há hốc mồm ra nghe, mặt nghệch ra vì sướng. Một gã nước dãi còn chảy cả ra mép.
Thủy ôm Hà khóc ròng. Hà thuật lại cho Thủy bao nhiêu là tin đồn về Thủy trên sân này, nhiều và thật đến nỗi Thủy cũng phải tự hỏi không biết mình có làm những chuyện như thế không nhỉ. Hà bỏ cả bán hàng, ngồi kể cho Thủy nghe. Thủy ngồi thụt hẳn vào trong bóng tối của cái quầy sắt, im lặng lắng nghe...
Nước mắt chảy dài trên hai gò má câm lặng. Những chỗ vết thương còn chưa lành bị chất muối mặn dày vò đau đớn. Thủy không dám đưa tay lên chùi vì sợ vết sẹo vỡ ra, sẽ lại càng loang to hơn nữa. Trong bóng tối chập choạng của góc cái nhà sắt, những vệt đỏ loang lổ pha lẫn với những vệt nâu sẫm trên gương mặt thanh tú cùng với cái sắc lóng lánh của những dòng nước mắt trông thật ghê rợn. Nửa mặt còn lại thì lại rất xinh đẹp, đáng thương. Hà ái ngại ngắm nhìn nửa bên mặt lành lặn, rồi lại chuyển sang nửa bên kia, nhưng chả dám nhìn lâu.
- Bác sĩ bảo khi lành sẽ chỉ để lại một vài vết sẹo nhỏ thôi. Họ có cho một loại thuốc bôi cho tan sẹo, vài ngày nữa mới bắt đầu dùng.
- Mẹ chị có nói gì không ?
- Không. Hai bà cháu về nước rồi.
- Thế à ? Thế chị em mình ở chung đi. Em cũng đang định ra ở riêng, không sống chung với nhà anh chị nữa.
Thủy mừng quá. Hôm nay ra đây định dò hỏi chuyện này, không ngờ chính Hà gợi ý trước. Thủy mau chóng trả lại căn hộ cho bà chủ, dọn sang nhà mới với Hà.
Nhà mới cũng không xa nhà cũ lắm, có hai buồng. Hai chị em sống cùng nhau trong một phòng. Phòng kia là hai cô sinh viên đang học năm thứ ba trường kinh tế. Tiền nhà chia đều cho cả bốn người. Thật may mắn. Buổi tối thỉnh thoảng bốn chị em lại ra bếp ngồi tán gẫu đến tận nửa đêm. Thủy nhiều tuổi nhất, và cũng từng trải nhất, được cả ba đứa còn lại coi như chị cả, chuyện gì cũng đem ra hỏi, từ những cái vụn vặt đàn bà cho đến bình luận bọn bạn trai. Hai đứa sinh viên cũng khá xinh cho nên rất nhiều các anh sinh viên lân la đến chơi, làm Hà cũng được thơm lây.
Không đỏng đảnh như các cô kia, vốn bản tính nông thôn, Hà đồng ý ngay một anh sinh viên vừa tốt nghiệp, đang chuẩn bị ở lại để làm nghiên cứu sinh.
- Có ông chồng phó tiến sĩ cũng sướng chị nhỉ. Chỉ cần ông ấy không trai gái là được. Tiền thì em kiếm được đủ nuôi cả chồng, cứ chiều đi bán hàng về thấy chồng ở nhà là vui rồi. - Hà vô tư tâm sự.
Thủy cười. Chẳng nói gì. Hà còn quá ngây thơ. Có phải cuộc sống lúc nào cũng yên ả thế này đâu. Ngày xưa lúc lấy Tuấn Thủy cũng nghĩ giản đơn thế.
Thỉnh thoảng Hà lại kéo Trung - tên của cậu sinh viên - ở lại. Hai người họ nằm ôm nhau trên cái giường nhỏ, nằm ở đầu kia của phòng, chỉ cách giường Thủy không quá hai mét. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc Thủy lại nghe thấy cái tiếng động quen thuộc từ cái giường kia cọt kẹt, rung nhè nhẹ, tiếng thở gấp cố nén, lại khuấy động những suy nghĩ trong đầu. Với Thủy bây giờ mỗi lần nghĩ đến chuyện ái ân lại thấy vừa nhớ vừa kinh tởm. Nhớ đến Tuấn. Và kinh tởm Khương với Phú. Mỗi lần như thế Thủy lại khe khẽ bấu vào tay đến bầm tím, mặt nhăn lại vì đau, co quắp người lại đến tội nghiệp.
Không tìm được quầy trên sân để thuê, vả lại mùa đông buôn bán cũng ế ẩm, lại lạnh lẽo, Thủy xin vào làm phụ bếp cho một cái quán cơm. Gọt hành, trộn nộm, quấn nem, thái thịt, bầy món, có lúc lại cả đứng bán, thu tiền, viết phiếu nữa. Những ngón tay trái đầy sẹo vì dao cứa phải, cánh tay lỗ chỗ vết đen lành lại từ những chỗ mỡ bắn. Mái tóc đã cắt ngắn vẫn xơ xác, hay nói chính xác là bết dính, vón cục không theo một kiểu cách nào cả trừ cái khuôn mẫu là cái mũ trắng hàng ngày phải chụp dính trên đầu. Cả người lúc nào cũng đầy mùi mỡ, mùi hành, mùi thịt tởm lợm, tắm đến lần thứ ba vẫn chưa tan hết. Vốn có sức khỏe nên Thủy làm cũng rất nhanh. Chỉ mỗi tội hơi phiền là lão đầu bếp và ông chủ quán người Việt. Cả con Ba Lan cùng làm với Thủy cũng phải cắn răng chịu. Vắng khách là lão đầu bếp lại vào ôm lấy con bé mò mẫm. Lúc mới vào làm lão cũng cố tình vờ vô ý để thúc vào ngực Thủy, hay vuốt tay, sờ mông. Ban đầu Thủy khéo léo tránh ra, nhưng sau không thể tránh nữa, Thủy nghiêm mặt nhìn, con dao bóc vỏ hành giơ lên khiêu khích. Lão Hoàng nấu bếp cũng ngài ngại không dám làm gì thêm, nhưng thỉnh thoảng vẫn cứ cố ý vô tình. Để trả thù, lão chuyên sai Thủy làm thêm nhiều việc mà lẽ ra là của lão, và cứ khi nào có dịp thì lại chửi rủa với những câu tục tằn nhất.
Lão Hoàng trước nghe bảo cũng từng là giảng viên Toán của trường tổng hợp, thậm chí còn phó khoa trưởng khoa gì đấy, được đi Angeri dạy một khóa xong là chuồn luôn sang Ba Lan. Làm ăn không phát nên bây giờ mới ra đứng nấu cho thằng học trò cũ của mình.
Còn lão Cư, dù là học trò, nhưng tuổi của lão cũng không thua lão Hoàng nhiều lắm. Lúc bé ở quê hình như mọi người gọi là Cu, từ lúc vào bộ đội mới được cán bộ đổi thành Cư cho đỡ tục. Giải ngũ Cư được cử ngay về trường đại học để nâng cao trình độ và sau tếch hẳn sang Nga làm đội trưởng lao động. Cư có một cô vợ người Nga béo ục ịch, người thô kệch trông như con quét rác, cứ vài tháng lại về Nga một lần và sang lại để khỏi phải kéo dài hạn viza.
Cư khôn khéo hơn lão Hoàng, không thậm thụt sờ mó mà chỉ thỉnh thoảng nhân đưa đẩy câu chuyện thì lại vuốt má, cầm tay Thủy. Tất nhiên là bên má lành lặn rồi. Phía bên kia đã đỡ, nhưng vết sẹo vẫn còn to nên Thủy để cả mái tóc cụp xuống che đi. Dạo này Thủy đã khác trước nhiều lắm, không còn cả nổi, bốc đồng, ngạo mạn, kiêu hãnh như xưa nữa. Suốt ngày ở chỗ làm Thủy chỉ biết cụp mặt xuống, âm thầm thái thịt, chả mấy khi nói cười gì. Thủy tích tiền để gửi về cho mẹ, cất vào ngân hàng cho bé Thảo đi học. Ở bên này lương của Thủy một tháng có khi đủ để hai bà cháu sống cần kiệm cả nửa năm. Biết thế nên Thủy chấp nhận tất cả để mà làm việc, để mà kiếm tiền.
Nhưng con người Thủy không phải là một đứa cam chịu. Trong những phút này đây bỗng trỗi dậy tất cả những cái nghị lực của nó. Thể thao đã đem lại cho Thủy một sự chịu đựng phi thường và một sức sống mạnh mẽ. Hàng ngày Thủy cần cù học tiếng Ba Lan, mỗi hôm vài câu nhờ hai cô sinh viên sống cùng nhà chỉ cho. Ngay hôm nhận lương tháng đầu Thủy đã trích ngay ra một khoản tiền nhỏ để mua một chiếc ti vi bé đặt trong bếp để cả hội xem. Hết mùa đông thì Thủy đã hiểu được lõm bõm chương trình thời sự lúc bẩy giờ và thỉnh thoảng nói chuyện được với con bạn Ba Lan ở quán không chỉ chuyện rau quả mà cả chuyện cuộc sống và xã hội.
Bốn chị em sống với nhau ngày càng thân thiết. Chủ nhật được nghỉ sớm Thủy lại về nấu nướng bày biện các kiểu món cho bọn nó ăn. Tuần nào nhà cũng đầy chật cả chục nhân mạng, vì bọn nam sinh lại kéo đến chơi, bàn tán đủ loại thứ chuyện. Thủy thích thú lắng nghe, nhất là những câu chuyện có liên quan đến luật pháp, kinh tế, và chính trị, hay lịch sử Ba Lan. Bản thân Thủy cũng thấy lạ vì mình trước đây chả bao giờ như thế cả. Có lẽ vì cuộc sống bên này quá tẻ nhạt, không có gì để giải trí mà những thứ ấy chen được vào đầu, hoặc cũng có thể vì cái lối suy nghĩ mới lạ, nhiều chiều, táo bạo, tự tin của bọn trẻ, khác hẳn với kiểu truyền đạt giáo điều, đều đều như hồi Thủy còn ở nhà.
Trong đám sinh viên hay đến nhà, nổi bật hẳn lên, có Tùng. Cách nói chuyện, dáng điệu của Tùng rất giống Tuấn ngày xưa. Tùng thua Thủy đến những 6 tuổi, nhưng trông già dặn hơn rất nhiều. Tùng rất giỏi nên hai đứa con gái toàn gọi điện nhờ giảng bài. Cậu đúng là một pho sách về lịch sử Ba Lan, và luật kinh tế. Hai người họ giống nhau ở một điểm là cứ đến bẩy giờ lại chuyển TV sang kênh TVN để xem chương trình Fakty - chương trình thời sự với anh chàng phát ngôn viên Tomasz Liz đẹp trai, bất kể sự phản đối của cả nhà đang xem phim, hay ca nhạc. Những lúc Tùng giảng bài Thủy thường hay ra bếp ngồi để lắng nghe. Rất nhiều câu thuật ngữ, rất nhiều những vấn đề mà Thủy chả biết mô tê chi cả, nhưng Thủy lại rất thích nghe cái giọng nói ấm áp của Tùng...
Qua linh cảm của một người đàn bà từng trải, Thủy biết Tùng cũng chú ý đến Thủy. Con người đàn bà cô đơn gặp lại hình bóng của Tuấn bỗng thèm khát một sự âu yếm chiều chuộng, nhưng nửa còn lại trong nó lại sợ hãi, bắt nó phải đè nén, phải giết chết cơn lửa tình chỉ chợt muốn bùng lên trong chốc lát. Thủy bỗng cảm thấy hoảng sợ với chính mình, với chính những suy nghĩ mà thỉnh thoảng ban đêm vẫn quằn quại trong đầu giữa tiếng cọt kẹt ma quái của chiếc giường bên cạnh.
Nhưng bây giờ không phải là lúc nghĩ đến chuyện yêu đương. Vết sẹo trên má thỉnh thoảng vẫn nhoi nhói nhắc nhở Thủy. Thủy đã biến thành một con người khác. Con đàn bà trước kia trong Thủy đã phải nhường chỗ cho một tham vọng kiếm tiền, khát vọng làm giầu để ngẩng mặt lên mà cười khinh vào đầu thiên hạ. Kiếm tiền. Kiếm tiền. Và kiếm tiền.
- Bây giờ muốn kiếm tiền chắc nhất chỉ có cách đi mở quán. - Tùng cười. Cả lũ sinh viên trong phòng cười ồ theo.
Thủy bắt đầu quan tâm đến chuyện mở quán. Trước kia Thủy chỉ biết cắm cúi làm việc. Bây giờ thì khác, cô để ý nghe ngóng, xem xét mọi thứ. Mùa hè quán bán mỗi ngày cả nghìn xuất ăn, thuê thêm cả hai con Nga và một thằng bếp phụ nữa mà vẫn không hết việc. Cứ cái đà này thì mỗi tháng chủ quán thu vào ít nhất cũng dăm bẩy nghìn đô, chịu khó nhặt nhạnh thì mười nghìn cũng không phải là chuyện khó. Khách vào ăn cứ nườm nượp xếp hàng, dù những cái thứ thức ăn này chỉ đáng đổ vào máng cho lợn. Đống thịt bầy nhầy đem về thái nhỏ, cho thật nhiều tiêu và muối vào ướp, xào sẵn đổ ra một cái chậu. Đến khi có khách gọi thì cho ít hành vào chảo dầu đảo qua, rồi xúc thịt xào sẵn vào, cho rau thổ cẩm các loại, thêm chút ít măng miến hay mộc nhĩ, gia vị, thế là bầy ra thôi. Muốn ngũ vị có ngũ vị, muốn ca ri có ca ri, muốn chua ngọt có chua ngọt, đủ cả. Khách Tây vào cứ húp soàm soạp, lại vét sạch cả nước sốt sót lại trên đĩa, không thức ăn cho lợn thì là thứ gì nữa. Ấy thế mà lời lắm đấy. Như cái món saigonki chẳng hạn. Một cái bánh tráng Sài Gòn, cho vào trong tất cả đầu thừa đuôi thẹo, gân mỡ của thịt lọc ra, trộn với cuống bắp cải, súp lơ, thêm cả gốc rễ hành tây, ít mộc nhĩ miến mủng, quấn lại cho vào chảo dầu, một đô ba chiếc, tha hồ mà lãi.
- Trước các nhà hàng hay gọi đấy là nem Sài Gòn. - Tùng giải thích. - Sau khách Ba Lan cứ gọi luôn là Sajgonki cho giống tiếng Ba Lan, thế là thành tên thôi.
Thủy cười vui vẻ. Đã lâu lắm rồi cô mới có được một hôm như thế này. Hai người họ ngồi trong quán KFC ở Trung Tâm, nhấm nháp từng chiếc cánh gà bọc bột. Hôm nay họ đi xem cái quán ở một thị trấn nhỏ cách Warszawa 60km. Vị trí rất đẹp. Tùng nhận giúp Thủy tìm quán và giải quyết giấy tờ. Thủy định bỏ tiền thuê một cái quán để tự làm, tiền lãi sẽ chia cho Tùng một ít để trả công.
Sau gần một năm làm thuê cho quán nhà lão Cư, Thủy đã nắm được hết tất cả những công đoạn trong bếp và cũng để dành được một số tiền kha khá. Cũng may là mọi việc giấy tờ được suôn sẻ. Thế là chỉ hai tuần sau cái quán mới đã được khai trương.
Quán tên là Mai Thảo, tên con gái. Thủy đứng bếp, thuê một cô Ba Lan đứng bán hàng và một cô gái Nga làm phụ bếp. Tháng đầu tiên thật nặng nhọc vì phải dạy cho cô Nga tất cả mọi thứ từ đầu. Cả kiểm tra nữa. Hết ông chữa cháy đến ông vệ sinh dịch tễ. Cũng may ở quán cũ Thủy đã học được hết tất cả mọi kĩ thuật hối lộ, giải quyết giấy tờ với đoàn kiểm tra, cho nên tất cả đều suôn sẻ. Tuy vậy phải đứng nấu suốt ngày, lại phải đi sớm về muộn để quán xuyến hết tất cả mọi việc trong quán cho nên có những lúc Thủy tưởng chừng như mình sắp quị xuống, không còn thể nào gượng dậy được nữa. Cũng may là mùa đông và quán mới khai trương cho nên khách cũng chưa nhiều lắm.
Lại một mùa đông nữa trôi qua trên đất khách quê người. Hà Nội đã vào mùa rét. Thủy gửi tiền về cho bà mua cho Thảo một chiếc áo len mới và cho bà một cái chăn ấm mới. Còn Thủy thì đã lâu rồi không còn mua sắm gì nữa cả. Đống quần áo ngày xưa vẫn còn nguyên trong túi xách. Thỉnh thoảng vài cái trông giản dị thì còn được đem ra mặc, chứ không thì Thủy cũng chả buồn động đến. Cả ngày lúi húi trong bếp, xinh với đẹp cho ai cơ chứ. Thủy chia tay với bọn con gái để thuê một căn hộ chỉ cách quán có 100 mét, để đỡ phải ngày nào cũng mất một giờ đi xe buýt đến chỗ làm rồi lại một giờ đi xe buýt về. Ở đây giá thuê nhà cũng rẻ vô cùng. Cũng bằng tiền đóng góp khi sống chung mà thuê được cả một căn hộ một phòng to rộng, có ban công nhìn ra công viên với cái hồ nước tuyệt đẹp. Dân chúng ở ngoại thành cũng dễ mến, không lạnh lùng như dân ở Thủ đô. Họ cũng giúp đỡ Thủy rất nhiều việc, nhất là những bà già hàng xóm. Đổi lại thì thỉnh thoảng vào chủ nhật Thủy cũng gói vài cái nem đem đến cho họ để gọi là tỏ lòng biết ơn.
Cái TV cũ Thủy tặng lại cho cả hội. Về đây Thủy mua một cái TV mới, to thật to. Khu nhà lại có sẵn hệ thống cáp với hơn một trăm kênh truyền hình, tha hồ mà xem. Nhưng bây giờ có quán riêng rồi thì Thủy cũng không còn được nhiều thời gian như trước. Cả ngày gần như chỉ toàn có mặt ở quán, chứ chả có dịp ngồi nhà mấy. Cái thú vui tuyệt nhất của Thủy là lúc tắm xong, lấy hộp cơm nấu sẵn ở quán ra ngồi ăn, vừa xem TV vừa đếm tiền. Lời lắm. Quán còn ít khách thôi mà mỗi ngày Thủy đã bỏ túi được đến vài tờ. Nếu cứ cái đà này thì mùa hè đông khách tha hồ mà tích lũy.
* * *
Noel. Tất cả mọi nơi đều nghỉ việc để ăn chơi. Quán đóng cửa. Thủy về Vác chơi. Mọi thứ vẫn thế. Phòng của Thủy và Hà bây giờ thì là của cặp Trung - Hà ở. Hai đứa con gái kia cũng đang ngấp nghé có người yêu. Cả hội con gái ríu rít buôn chuyện. Thôi thì đủ cả, nói mãi từ đêm hôm trước đến tận chiều hôm sau vẫn chưa vãn. Cả bọn nhờ Thủy trang điểm cho để tối đi nhẩy.
Người Việt ở Ba lan này năm nào vào dịp Giáng Sinh cũng tổ chức nhẩy nhót, thuê hẳn một vũ trường lớn nào đó của Thủ Đô để cho mọi người vui chơi. Đến đấy có đủ tất cả các mặt anh hào, từ già lão đến trẻ nít. Vừa đánh phấn, kẻ mặt cho bọn con gái Thủy vừa bần thần nhớ lại cái thuở xa xưa của mình.
- Chị cũng đi với bọn em đi. Cho vui mà. - Hà bỗng đề nghị.
Thủy giật mình chối đây đẩy. Thủy chả thiết chuyện vui chơi trong lúc này.
- Quà Giáng Sinh của em cho chị đây này. Sáng hôm qua con Tây bán hàng bên cạnh em còn thừa một cái váy dạ hội. Nó cho em nhưng mà em thấp quá, mặc không vừa. Chị mặc là hợp nhất. - Hà bộc toạc nói.
Thủy nhìn chiếc váy. Đúng là cỡ người của Thủy. Cũng đúng là kiểu mà Thủy ưng ý. Giản dị, trầm lắng, nhưng kiêu sa. Hai dây mỏng mắc trên vai sẽ làm lộ làn da trắng của cả cánh tay, phần lưng trên và gò ngực khêu gợi. Không. Không phải lúc này.
- Đi mà chị. Cả bốn chị em mình cùng đi cho vui. - Cả bọn nài nỉ
Bị ép quá, Thủy vào nhà tắm mặc váy. Bước ra ngoài, không chỉ Thủy mà cả bọn sững sờ. Thủy trông khác hẳn hàng ngày trong tấm kính dài treo ngoài hành lang. Thủy như nhìn thấy lại chính mình của ngày nào vừa mới sang Ba Lan. Cả bọn ồ lên, trầm trồ khen ngợi.
- Thế này thì chắc chắn là chị phải đi với bọn em rồi. Cho thiên hạ lác mắt.
Có tiếng chuông cửa. Tùng và đám con trai đến. Cả bọn há hốc ra nhìn Thủy trong chiếc váy mới. Nhất là Tùng. Cậu ta như bị hai bờ vai mịn màng của Thủy hút mất hồn.
Thủy ngượng ngùng bỏ vào buồng tắm để trang điểm, mượn tạm cái túi son phấn của Hà. Những thứ trong túi là chính Thủy đi chọn mua cho Hà nên toàn những loại quen thuộc.
Nhìn vào gương, Thủy ứa nước mắt khi nhìn vào vết sẹo trên mặt. Ý định đi chơi lại tan biến mất.
Thủy bước ra ngoài.
- Thôi mình không đi đâu. Các bạn đi đi. Mình về Putusk đây.
- Thôi mà chị. Giờ này làm gì còn xe buýt mà về. Hôm nay là Giáng Sinh, không có xe buýt đâu. - Bọn trẻ nài nỉ.
- Chị mà không đi thì em ở nhà với chị. - Hà dứt khoát.
Tùng không nói gì, chỉ chăm chú nhìn Thủy. Đọc được sự mong đợi trong mắt Tùng, không hiểu sao Thủy bỗng đổi ý, quay trở lại vào trong buồng tắm để trang điểm.
Vết sẹo trên mặt thật là khó. Nếu muốn giấu sẹo thì dùng phấn và kem đậm mầu, nhưng như thế thì mặt lại tối hơn vai và cổ. Mà đánh phấn cả cánh tay trần, cả vai, cả ngực và lưng thì cũng không ổn. Thủy đắn đo mãi và cố chọn được một mầu kem không đậm lắm để cho mặt đỡ khác mầu với vai. Cả son lẫn mầu mắt cũng thật khó chọn. Phải đánh thế nào để người ta không chú ý vào mặt, nhưng nếu nhìn thoáng qua thì cũng phải nhận ra được nét xinh đẹp của mình. Ngày xưa Thủy rất hay dùng mầu môi gợi cảm, nhưng hôm nay phải chọn một cái mầu khác dịu dàng hơn. Cô chú ý hơn đến đôi mắt của mình, phải khó khăn lắm mới che dấu được cái vẻ mỏi mệt, chán nản của nó. Mái tóc Thủy vẫn để như cũ, tức là vẫn một mái xõa xuống che lấp bên mặt bị cháy. Vô tình nhìn thấy chai nhũ, Thủy bôi luôn một ít lên mái bên ấy. Thế là ổn, dưới ánh đèn sàn nhẩy người ta sẽ chỉ tập trung vào cánh tay dài và bờ vai mịn cùng dải nhũ lấp lánh trên tóc mà bớt chú ý đến gương mặt ẩn náu bên dưới.
Tùng sững sờ ngắm Thủy khi Thủy bước ra. Trông Thủy tối nay thật đẹp, trẻ trung nhờ cái váy, và đẹp trở lại vì vết sẹo trên mặt thường ngày đã biến mất. Thủy luống cuống tìm giầy. Đôi giầy đi đến đây không hợp lắm với bộ váy này. Cuối cùng cũng tìm được một đôi giầy cũ của Hà bỏ đã lâu không đi vì không còn hợp mốt, nhưng dù sao vẫn còn đỡ hơn cái đôi giầy đông to sụ. Nhưng phải đánh si. Tùng nhanh nhẹn cầm lấy đôi giầy, chăm chú đánh bóng cứ như đang phải tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vậy.
Cả hội gọi taxi đến Planeta. Không khí náo động vì tiếng nhạc, tiếng người nói chuyện khắp mọi nơi. Sàn nhẩy to như thế mà chật kín hết cả chỗ. Nơi này rất nhiều thanh niên, nhiều người Thủy chả bao giờ nhìn thấy mặt trên sân. Có lẽ vì thế mà chả có mấy người nhìn Thủy dò xét rồi xì xào bàn tán gì cả. Thủy cảm thấy nhẹ nhõm trong người, ngực không còn nặng nề như lúc vừa bước vào nữa.
D.J. đang bật một bài hát thịnh hành. Cả sàn rung lên vì tiếng loa bass, tiếng hò la, tiếng dậm chân xuống nền nhà. Chỗ nhẩy không còn khoảng trống để lách chân. Cả đám kéo nhau vào chen lấn tạo ra được một không gian nhỏ cho mình. Thủy bị ép sát vào người Tùng, cảm nhận được cả hơi thở dồn dập của cậu ta.
Nhạc bỗng chuyển sang điệu chậm. Thủy lách đám đông bước ra quầy mua cho mình một chai bia và một bao thuốc, ngồi trên bậc thang của một góc sân khấu, khuất trong bóng tối, châm lửa. Đã lâu rồi Thủy không hút thuốc. Với Thủy thuốc lá gắn liền với âm nhạc và cảm xúc trong lòng. Gần một năm nay chả có lúc nào Thủy được sống với chính mình vì suốt ngày phải vất vả lăn lộn trong nhịp sống để mà kiếm tiền tích lũy. Đốm lửa lóe lên trong bóng tối như nhắc nhở đến sự cô đơn trong đêm lạnh. Thủy bỗng cảm thấy lạnh đến rùng mình.
- Noel năm nay đông thật đấy. - Tùng đứng cạnh từ lúc nào, cởi chiếc áo vét ra choàng lên vai Thủy.
Thủy giật mình ngước mắt lên nhìn Tùng. Giá mà Tùng là Tuấn nhỉ. Hay giá như Tùng không nhỏ tuổi hơn Thủy. Hoặc giá như họ đang không ở chỗ đông người. Thủy nhìn quanh sợ sệt. Nhỡ có ai nhìn thấy và đồn xấu thì thật là tội cho Tùng.
- Tùng không ra nhẩy với các bạn à ? - Thủy hỏi.
- Không. - Tùng trả lời. - Đợt này có nhiều người Việt Nam vừa sang lắm. Họ sang Nga nhưng chả có việc gì để làm, cũng chả có chỗ để ở, nên lũ lượt kéo nhau sang đây tìm vận may. Nếu ở dưới quán bận quá thì có thể thuê thêm một người phụ việc vậy. - Tùng nói vì chả biết nói chuyện gì.
- Ừ. Tùng quyết định thế cũng được. - Thủy trả lời, không quan tâm lắm đến chuyện hàng quán trong lúc này.
- Thủy muốn ra ngoài đi dạo. Tùng có đi cùng không ? - Thủy bỗng nảy ra ý nghĩ quái lạ nhưng sợ phải ra ngoài một mình.
- OK. - Tùng hưởng ứng.
Hai người mau chóng len ra ngoài lấy áo khoác rồi đi dạo một đoạn trên đường. Tuyết phủ lâu trên đường biến thành băng cứng trơn trượt, suýt ngã. Tùng ôm lấy Thủy giữ lại. Dưới lớp phấn mặt Thủy ửng lên vì rung động. Đã lâu lắm rồi Thủy không có được cái cảm giác như thế.
Trời bỗng rơi tuyết. Khung cảnh bỗng trở nên ấm áp hẳn lên. Ánh đèn đường được những hạt tuyết cầu hắt sáng tỏa ra chung quanh. Thủy vui vẻ cười như trẻ nít chìa tay ra đón lấy những bông hoa tuyết vỡ vụn trên mặt len của chiếc găng tay. Tuấn bỗng rút găng tay ra bốc một nắm tuyết ném vào người Thủy. Không chịu thua, Thủy cũng bốc tuyết ném trả lại. Họ hò hét ném tuyết vào nhau trong đêm, chạy đuổi. Một chiếc xe ô tô trên đường chở đầy thanh niên Ba Lan đi chơi về bóp còi ầm ĩ, hò reo cổ vũ cả hai phe. Tùng bốc tuyết đuổi theo Thủy, gần đến nơi, anh chàng không ném mà dúi hết vào cổ cô gái. Lạnh buốt, Thủy dúi đầu vào người Tùng, tay vung lên gạt đỡ. Bỗng Thủy ngước mắt lên, hai người chạm tia nhìn vào nhau, người cứng đờ.
Thủy như mất tự chủ, không biết phải làm gì, bối rối ngoảnh mặt đi. Bỗng Tùng bạo dạn ôm chầm lấy Thủy, hôn mạnh vào môi. Thủy mềm người ngả vào trong vào tay của Tùng, sợ sệt đón nhận một cuộc tình ngoài ý muốn.
Tuyết rơi dầy đặc, những hạt tuyết rơi vào cổ tan ra thành nước chảy xuống người lạnh buốt. Thủy so vai:
- Thủy muốn về nhà.
- Về nhà Tùng nhé ?
Thủy gật đầu. Về nhà Hà bây giờ thì lại phải quay lại chỗ sàn nhẩy để lấy chìa khóa. Mà họ đã đi bộ từ chỗ ấy suốt hơn một giờ đồng hồ rồi. Về Putusk bây giờ thì không có xe buýt tuyến dài.
Tùng sống trong kí túc xá sinh viên, phòng hai người. Ở cùng với một cậu Ba Lan, nhưng cậu này đã về quê nghỉ lễ. Thủy mượn tạm Tùng một cái áo phông để thay ra, chui vội vào giường quấn chăn kín mít. Mùi nước hoa đàn ông dễ chịu từ cái chăn của Tùng tỏa vào mũi thật quyến rũ. Tùng dọn tạm cái giường thằng bạn để ngủ bên ấy, xong quay ra tắt đèn, và cúi xuống hôn Thủy chúc ngủ ngon. Không cưỡng nổi sự cám dỗ, Thủy thò tay ra ngoài chăn kéo Tùng ngã xuống giường cùng mình...
Thủy như tìm lại được mình trong vòng tay của Tuấn, như những lần đầu tiên họ làm chuyện ấy với nhau. Tùng bây giờ cũng giống như Tuấn lúc trước, chả biết gì về chuyện ái ân ngoài nghe bạn bè kháo chuyện và xem trên phim ảnh. Thủy bỗng cảm thấy hạnh phúc vô cùng, mãn nguyện áp má vào ngực Tùng ngủ ngon lành, trên đuôi mắt còn vương những giọt lệ vừa trào ra trong nỗi niềm sung sướng khi vừa tìm thấy được một sự an ủi của cuộc đời, khi được yêu bằng một tình yêu chân thành, một tình yêu thực sự của một người đàn ông, để cảm nhận được rằng mình vẫn còn nét quyến rũ.
Nhưng Thủy sợ. Thủy không dám đón nhận hoàn toàn tình yêu của Tùng. Thủy đã có đến hai đời chồng, và một đứa con gái. Còn Tùng mới chỉ là một cậu sinh viên năm thứ tư, chưa hề yêu ai trước đấy, chưa hề biết đến mùi vị đàn bà, chưa hề phải chịu đựng những áp lực của miệng lưỡi người đời. Thủy biết ơn Tùng rất nhiều. Tùng đã vô tư giúp Thủy làm lại cuộc đời, và Thủy sẵn sàng làm tất cả để Tùng được hạnh phúc, nhưng Thủy không thể tham lam đón nhận tình yêu của Tùng dành cho Thủy được. Như thế không công bằng.
* * *
Thủy thức dậy rất sớm, theo thói quen hàng ngày. Tùng vẫn nằm bên cạnh, vòng tay ôm lấy Thủy dáng vẻ chở che, làm cho Thủy cảm thấy ấm lòng. Gương mặt trẻ trung thanh tú giống Tuấn đến nỗi Thủy suýt nữa thì buột miệng gọi tên Tuấn.
Thủy nhè nhẹ nhấc tay Tùng, bước xuống giường dậy pha cà phê. Hai tay Thủy gượng nhẹ mở tủ tìm các thứ, sợ tiếng động làm mất giấc ngủ của Tùng. Châm cho mình một điếu thuốc, ngồi trước cốc cà phê nóng buổi sáng bốc khói nghi ngút, Thủy mở hé cửa sổ. Một chút tia sáng mùa đông lọt vào phòng với một luồng không khí trong lành thật dễ chịu. Không gian im ắng, không một tiếng xe chạy.
Hút hết điếu thuốc, uống một ngụm cà phê, cảm thấy lạnh, Thủy lại chui ngược vào chăn. Người Tùng ấm nóng thật dễ chịu. Thủy ép sát người vào thân Tùng. Thức giấc vì hơi lạnh từ người Thủy ép vào, Tùng mở mắt, xoay người ghì chặt lấy Thủy vào lòng và họ lại yêu nhau say sưa như chưa bao giờ có. Thủy thèm khát bấu chặt mười đầu ngón tay vào lưng Tùng, răng cắn vào môi đến đau điếng để không bật ra tiếng hét to.
Lúc này Thủy chả muốn cân nhắc, suy nghĩ chi cả. Tình yêu nồng nàn của cậu con trai mới lớn đã có một sức hút thật ma quái, dẫn dắt Thủỳ bất chấp mọi hoàn cảnh éo le ngăn cách hai người. Thủy ích kỉ tận hưởng một mình, chỉ nghĩ đến bản thân mình chứ không hề có ai khác. Thủy thả sức làm những gì mình biết, những gì mình muốn để kích thích Tùng làm cho mình được thỏa mãn, được sung sướng, chả thiết gì đến chuyện tương lai, hay kể cả chuyện hiện tại, và quá khứ nữa. Lúc này chỉ có một cơn dục vọng đàn bà đang làm chủ trong con người Thủy. Một con đàn bà đã trưởng thành, đã phải nếm trải tất cả những đắng cay của cuộc đời. Một con đàn bà đang khát khao tìm kiếm chút ít hạnh phúc riêng tư trong cơn lốc của cuộc đời. Một con đàn bà cô đơn đang đón nhận chút hơi ấm từ một đốm lửa le lói trong đêm đông.
Tùng cũng đang ngất ngây trong cái sự bất ngờ đầu đời của một cậu con trai mới lớn. Hàng ria lún phún trên mép, những sợi lông tơ trên mặt, mềm mại cọ vào má, vào cổ Thủy thật đê mê đến sởn cả gai ốc. Tùng yêu Thủy bằng một tình yêu chân thật, của một người đàn ông muốn che chở, muốn bao bọc cho một người đàn bà yếu đuối. Tùng nhìn thấy qua đôi mắt Thủy một người phụ nữ lãng mạn, tình cảm, đang khao khát cuộc sống, ẩn náu dưới mái tóc che mặt và vết sẹo to trên má, luôn luôn đè nén những gì đang xẩy ra trong lòng để thể hiện ra bên ngoài một vẻ cần mẫn chịu đựng. Tùng giúp Thủy hết lòng để mong muốn tạo cho Thủy một hạnh phúc nho nhỏ mà Tùng có thể làm được, chứ không phải vì khoản lợi tức hàng tháng được chia từ tiền lời của cái quán. Tại vì Tùng cũng là một con người rất nhạy cảm, rất đồng cảm với nỗi khổ của những người xung quanh. Nhưng có lẽ ở bên này sự biết ơn, lòng tốt, tình cảm con người, tất cả đã biến cả đâu mất sau cơn tàn phá nặng nề của những đồng tiền cướp giật. Những người Tùng đã giúp, khi khá lên là quên ngay cái quan hệ khi trước với cậu sinh viên nghèo khó. Họ coi sự giúp đỡ của Tùng là thành quả của những lời nịnh nọt khéo léo, của tài lợi dụng người khác, chứ không hề chấp nhận xem nó là sự giúp đỡ của một kẻ khác khi đưa tay kéo mình từ dưới hố lên. Nhưng Thủy thì khác. Tính Thủy rất đàn ông và sòng phẳng. Khi trước Tùng chỉ chú ý đến vẻ đẹp còn lại của một nửa bên mặt lành lặn. Nhưng sau này trong đợt đi tìm quán Tùng lại phát hiện ra một vẻ đẹp khác, còn hơn nhiều so với cái vẻ đẹp kia, đang nằm sâu trong lòng Thủy, che giấu dưới nửa bên mặt rách nát, chỉ thỉnh thoảng mới thể hiện ra qua đôi mắt thông minh của Thủy.
Tuần lễ sau Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng vì niềm hạnh phúc bất ngờ từ trên trời rơi xuống như một món quà Giáng Sinh cho Thủy. Có nó, Thủy cảm thấy như được đền bù hết tất cả những đắng cay cực khổ mà mình đã phải trải qua. Sau buổi tối hôm ấy Thủy về lại Putusk để mở quán tiếp tục bán hàng cho đến tận năm mới. Tùng cũng khóa cửa phòng để xuống đấy với Thủy. Hàng ngày tha thẩn học bài chán Tùng lại ra quán ngồi giúp Thủy vài việc lặt vặt. Tùng chả làm được gì nhiều, không giúp được bao nhiêu, nhưng sự có mặt của Tùng làm cho Thủy cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Quán thuê thêm một cậu phụ bếp trẻ, chỉ mới 17 tuổi, vừa từ Thanh Hóa bay thẳng sang, bơ vơ thất nghiệp. Bố cậu ta bán hàng ở chợ lẻ ở đây, đưa cậu sang để giải quyết hoàn cảnh kinh tế cho cả đại gia đình. Thằng bé làm việc rất chăm chỉ và học việc rất nhanh. Cứ đến sáu giờ tối là Thủy lại vét hết đống tiền trong tủ, bỏ chạy về nhà mặc cho cả hội tự nấu tự bán cho đến giờ đóng cửa. Về đến nhà là nhanh nhẩu nấu nướng, bầy biện lên bàn rồi chui vào tắm thật nhanh để kịp ra vừa ăn vừa cùng xem chương trình thời sự lúc bẩy giờ với Tùng. Họ vừa ăn vừa nghe thời sự và bàn luận. Nói chính xác là Tùng nói và Thủy ngồi nghe. Ăn xong, dọn dẹp xong thì họ lên giường nằm xem những chương trình du lịch, hay khoa học thường thức với cơ man nào là đề tài hay. Hai người họ đều cố tận hưởng thật nhiều cái tuần lễ ngắn ngủi ấy.
- Chị bỏ về mà không bảo gì làm em lo quá. - Hà gọi điện xuống
- Chị xin lỗi. Tại vì chị thấy không vui nên về sớm.
- Lão Tùng cũng về với chị à ? - Hà hỏi. Thủy lúng túng không biết trả lời sao, nói lảng sang chuyện khác.
Cả mùa xuân Thủy ở tịt dưới này. Quán bán ngày càng đắt khách vì họ bắt đầu quen. Thủy đứng bếp không nổi phải thuê thêm một anh chàng người Ba Lan vừa tốt nghiệp trường nấu ăn ra đang thất nghiệp về thay chỗ. Thủy ra quầy tính tiền để quản lí. Chả mấy chốc quán bán được nhiều khách không thua gì hồi còn làm ở quán lão Cư. Hàng đêm Thủy sung sướng vuốt từng tờ tiền, xếp lại cho cùng chiều để đưa cho Tùng đi đổi đô. Tuần nào cũng vậy, cuối tuần học xong là Tùng lại đón ô tô xuống đây. Thỉnh thoảng sáng thứ bẩy hoặc chủ nhật Tùng lại ra đứng bán thay để Thủy nghỉ ngơi. Nhưng rồi tham công tiếc việc Thủy cũng không nghỉ được nhiều. Vì nghỉ thì Thủy cũng chả biết đi chơi đâu ngoài nằm nhà. Ra ngoài quán thì còn có Tùng ở bên cạnh.
Mùa hè nắng gắt, quán nóng như đổ lửa, khách kéo hết ra đống bàn nhựa kê ngoài sân để ngồi. Người cứ đến xếp hàng nườm nượp mua thức ăn như xem hội. Họ toàn gói vào hộp đem ra vườn, đem ra công viên, đem ra rừng ăn. Một người xếp hàng gọi cả năm sáu xuất, làm bở cả hơi tai. Chồng tiền đem về hàng đêm ngày càng cao. Số lãi kiếm được tính ra nhiều đến chóng mặt. Không có Tùng đem tiền lên Vác đổi, Thủy đổi tạm ở dưới này cũng được. Thiệt một chút, nhưng gần nhà. Chỉ có điều phải dồn tiền một tháng mới đi đổi một lần, và mỗi lần ở một quầy đổi tiền khác nhau, vì sợ quen mặt sẽ bị chỉ điểm cho hội cướp.
Tùng đi theo lớp sang Đức hai tháng. Thủy nhớ đến ưu tư. Căn phòng nhỏ như rộng thêm ra, đồ đạc nhiều nhưng vẫn trống trải vô cùng. Thủy mua một đống cây về treo, cắm khắp nơi trong nhà, trông như một khu vườn thực vật nho nhỏ. Bây giờ thì Thủy mới hiểu tại sao nhà của các bà Tây lại đầy cây cối. Vì bà nào cũng sống thui thủi một mình với cái tuổi già.
Đang suy nghĩ mông lung, bỗng Thủy giật mình khi thấy Khương đang đứng sừng sững trước mặt.
- Quán bán khá quá nhỉ. - Khương nhăn nhở.
Thủy luống cuống làm đổ cốc cà phê ra bàn, ướt hết cả đống phiếu bán hàng vừa mới ghi. Cả quán loạn lên vì lẫn lộn món này cho người kia. Đám người đang xếp hàng chờ mua cũng nháo nhác thúc giục. Khương luống cuống bỏ ra một góc bàn ngồi.
Nửa giờ sau thì đám đông cũng đã vãn đi, mọi chuyện cuối cùng thì cũng ổn thoả. Thủy bảo bếp nấu vài món ăn đem ra cho Khương, bảo Kasia ra đứng tính tiền thay, còn mình thì ra ngồi cạnh xúc cơm cho Khương. Hai người im lặng ngồi ăn cơm.
Chuyện Khương bị vỡ nợ Thủy đã nghe Hà kể hôm nọ qua điện thoại. Nhưng lúc này trông Khương thảm hại đến đáng tội nghiệp.
- Em cho anh vay tạm một ít tiền làm vốn được không ? - Khương bất ngờ nói. Giọng khẩn khoản.
- Em không có nhiều. Anh thấy đấy, làm quán thì kiếm đều, nhưng không được nhiều như đánh hàng đâu. Nhưng nếu anh cần thì em sẽ cố. - Thủy nhẹ nhàng. Chuyện Khương đến vay tiền làm Thủy hơi bất ngờ nhưng Thủy không từ chối vì dù sao đối với Thủy thì Khương cũng đã có công đưa Thủy sang đây. Thủy chỉ hơi ngạc nhiên là tại sao Khương không hỏi mượn ông anh họ của mình là Phú. - Nếu cần thêm thì chắc là anh phải hỏi nhà chị Thục thôi. - Thủy ướm lời.
- Không được. - Khương lắc đầu chán nản. - Nhà ấy cũng đang nợ tứ bề. - Khương thở dài.
Câu chuyện này thì thật sự làm Thủy ngạc nhiên. Vì không hề nghe Hà nhắc đến. Nhà Phú Thục xưa nay nổi tiếng giàu có, đánh hàng lão luyện, làm thế nào mà lại nợ được cơ chứ.
- Bây giờ chỉ còn cái vỏ ngoài thôi. - Khương giải thích. - Vụ đông vừa rồi bà Thục tinh tướng, rủ chồng sang Tầu đánh quá tay, đặt hàng chục công, bây giờ vẫn nằm đầy kho. Bà Thục suốt ngày cặp kè với thằng đại diện hãng Tầu để khất nợ, ông Phú thì làm ngơ vờ không biết, ở nhà trông con.
Thủy chua chát, không biết nên khóc hay nên cười, lại thở dài.
- Thôi mình về nhà lấy tiền nhé. Anh cần bao nhiêu ?
- Độ trăm tờ. - Khương khó khăn lắm mới mở được miệng.
Bước vào trong nhà, Khương bỗng ôm chầm lấy Thủy, ghì thật mạnh. Thủy giật mình co người lại, đẩy Khương ra, bước nhanh vào bếp.
- Ở đây em có đúng mười nghìn. Anh cứ cầm lấy không phải trả lại em đâu. - Thủy mở tủ lôi gói đường xuống, moi từ trong ra cuộn tiền đô bọc trong bao ni lông, đưa cho Khương.
Khương sững người cầm cục tiền, lúng túng không biết nói gì. Anh chàng lắp bắp.
- Đêm nay em cho anh trú tạm lại ở đây có được không ? Giờ này chắc hết xe về Vác rồi.
Thủy miễn cưỡng gật đầu.
Buổi tối Khương biết ý trải đệm nằm xuống nền nhà, nằm co quắp như con tôm mùa lạnh.
Chiếc giường rộng, lẽ ra để Khương lên nằm cũng được nhưng Thủy mặc kệ, ngủ một giấc cho thoải mái. Cho đến giờ này Thủy vẫn thấy mình có lỗi với Khương, nhưng sau khi đưa cục tiền cho gã Thủy cảm thấy như trút được một món nợ. Số tiền ấy quá đủ để trả lại tất cả những gì mà Khương đã chi ra để đưa Thủy và hai bà cháu bé Thảo sang đây. Nếu tính cạn tầu ráo máng thì lẽ ra Khương phải còn nợ Thủy nữa. Ở bên này có một đôi tình nhân mà cứ mỗi lần gã đàn ông ngủ với bà bồ lại phải trả cho bà ấy năm mươi zua gọi là lệ phí. Chuyện buồn cười thế không hiểu có thật hay lại là tin đồn nhưng được cái ai cũng truyền miệng nhau, đến nỗi mà chả ai còn nhớ đôi ấy là đôi nào nữa. Thủy nhoẻn miệng cười sung sướng, vươn tay doãi người ra cà cái giường rộng, chìm vào giấc ngủ say.
Nửa đêm gần sáng Khương bỗng trèo lên giường, từ sau lưng ôm chặt lấy Thủy. Hai bàn tay thèm khát bấu chặt vào bầu vú căng, hai chân kẹp chặt lấy chân Thủy. Thủy tỉnh giấc, sợ hãi, cuống cuồng chống cự. Cả cái thân hình xương xẩu, kinh tởm của Khương vẫn cứ ngoan cố bám chặt lấy Thủy. Thủy dùng hết sức mình đánh cùi tay thật mạnh vào sườn Khương. Gã ta ộc lên một tiếng vì đau. Hai cánh tay bỗng nới lỏng. Thủy vùng dậy rút chân ra đạp thêm một đạp thật mạnh nữa vào người Khương. Gã đàn ông bắn mạnh như một súc thịt xuống nền nhà nghe đánh uỵch. Thủy sợ hãi vơ vội chăn chạy vào buồng tắm khóa trái cửa lại, người run bần bật như con thú đang bị truy đuổi.
Khương vẫn nằm bệt dưới đất trong cơn thất vọng ê chề. Gã gượng ngồi dậy, xoa xoa chỗ mông đau, mặc quần áo, vơ cục tiền vào túi rồi khoác áo đi ra bến xe. Lúc bước ra cửa gã đấm mạnh vào cái gương to treo trên tường để trút đi nỗi bực tức và trả thù vặt theo quán tính của một kẻ tiểu nhân. Gương vỡ rơi xuống đất kêu loảng xoảng trong đêm vắng nghe thật ghê rợn. Thủy quấn mình chặt hơn nữa trong lớp chăn dầy ấm áp. Nghe thấy tiếng cửa sập vào nhưng Thủy cũng không dám ra ngoài. Cô thiếp đi trong cái bồn tắm cho đến lúc chuông đồng hồ báo thức ngoài phòng khách réo khe khẽ sau lớp cửa nhà tắm.
Thủy vùng dậy đánh răng rửa mặt, xong he hé cửa nhìn quanh xem có chắc là Khương đã đi khỏi chưa, rồi mới dám bước ra ngoài thay quần áo để đến quán. Lúc bước ra cửa bà hàng xóm tốt bụng đã giữ lại hỏi chuyện về những thứ tiếng động trong đêm, Thủy chỉ lắc đầu bảo không có gì, tấm kính treo trên tường bỗng dưng rơi xuống đất vỡ tan.
- Điềm xấu đấy. Mày phải cẩn thận cửa nẻo không thì có cướp hoặc mất trộm đấy. - Bà già cẩn thận nhắc. Bà này vốn chúa mê tín.
Thủy cười, cầm lấy tay bà già lắc lắc để trấn an. Câu chuyện xảy ra hôm qua đã làm cho Thủy vững tin hơn trong những ngày sắp tới.
Tùng về. Đem cho Thủy bao nhiêu là quà. Thủy không quan tâm đến chúng nhiều bằng chính Tùng. Tùng là món quà quí giá nhất cho Thủy sau hai tháng chờ đợi. Thủy có bao nhiêu là chuyện đang chờ để kể cho Tùng nghe. Hôm ấy Thủy bỏ việc ở quán cả buổi để ở nhà với Tùng, say sưa nằm cạnh Tùng để nghe Tùng kể chuyện đi chơi. Đôi mắt sáng của Tùng ánh lên sự thông minh mỗi khi anh kể đến những thành tựu khoa học mà anh vừa được tiếp nhận từ cái thế giới khác hẳn cái thế giới mà loài người đang sống đây, của cái thế giới mà sớm nhất cũng phải năm năm nữa người ta mới đạt được, vì hiện nay vẫn đang nằm trong phòng thí nghiệm. Tùng say mê kể về kĩ thuật điện thoại chi đó mà những máy điện thoại cầm tay ngày hôm nay không chỉ truyền được cả hình ảnh của người nói chuyện, mà còn xem được cả TV, liên kết mạng Internet... Thủy chả hiểu mô tê chi hết nhưng nằm nghe hết từng chữ phát ra từ cái giọng nói ấm áp của Tùng. Chẳng có dịp để kể chuyện của mình, nhưng Thủy vẫn cảm thấy sung sướng và thỏa mãn cho sự chờ đợi, nhung nhớ bao ngày qua.
Lời bà già nói quả nhiên hiệu nghiệm. Khoảng một tháng sau đó, đang ngồi đọc báo ở quán thì bà già bỗng hớt hải chạy ra gọi về:
- Mày về ngay đi. Có một bọn Việt Nam vào nhà mày ăn trộm.
Thủy bàng hoàng hết cả người.
Viên cảnh sát đứng trước cửa lễ phép chào Thủy. Trong nhà là ba gã Việt Nam bị còng tay vào lò sưởi. Một gã trong đám ấy là Khương.
Thủy sửng sốt nhìn quanh, không thốt lên lời. Tất cả các chậu cây cảnh đều bị đập vỡ và bóp vụn đất ra để tìm tiền. Thảm dưới nền bị lật tung lên, đồ đạc trong nhà bị xê dịch lung tung. Gối và đệm bị rạch nát. Cả gia vị trong bếp cũng không ngoại lệ. Chai nước mắm bị đổ ra bồn rửa bát, bốc mùi ra khắp nhà. Thủy nhăn mũi, ngượng nghịu với những người Ba Lan, mở nước tống ngay cái đống mùi ấy xuống cống.
- Tao thấy động lịch kịch trong nhà mày nên gọi cảnh sát đến kiểm tra, cho nên mới bắt được bọn này. Thấy chưa. Tao đã bảo là điềm xấu mà. - Bà già sung sướng kể công.
- Bà có mất gì không ? Chúng tôi tạm đem ba người này về đồn. Chốc nữa mời bà ra đồn để cho lời khai. - Viên công an lịch sự nói rồi chia tay.
Thủy ngồi phịch xuống cái ghế sa lông rách nát, đầu óc rã rời không còn hiểu được gì nữa. Kẻ trộm là Khương sao ?
Chán nản, Thủy gọi điện cho Tùng để hỏi.
- Nếu Thủy không phát đơn kiện thì họ sẽ không bị đi tù đâu. - Tùng giải thích và chỉ dẫn cách giải thoát cho ba người kia.
Thủy không nỡ bắt họ vào tủ ở cái đất Ba Lan này, vì đằng nào thì cũng là những người đồng hương của mình. Nhưng thật không may cho họ, ở Sở cảnh sát Thủy được báo cho biết chả cần Thủy làm đơn kiện ba người này cũng bị trục xuất về Việt Nam vì chả có giấy tờ hợp pháp. Cả ba bị đưa về trại tù chờ ngày lên máy bay.
Số tiền kiếm được vẫn còn nguyên không mất mát gì. Sau hôm nghe lời bà già phán Thủy cũng thấy rờn rợn mỗi khi chỉ có một mình ở nhà cho nên đã thuê một cái ngăn cất tiền ở ngân hàng để cứ vài ngày lại đem tiền đến cất. Đúng hôm qua Thủy lại vừa đến đấy xong cho nên ở nhà chả còn lại đồng nào ngoài ít tiền xu lẻ rơi vãi trên bàn.
Thủy ngồi thừ ra mất vài ngày vì choáng. Hôm nào cũng tính tiền nhẫm lẫn lung tung hết cả lên. Cũng may dân ăn ở đây đa số là khách quen, họ đều nhớ giá cả, tính sai là họ nhắc ngay mà không phàn nàn gì cả. Và rồi chuyện cũng qua đi. Ngày nào cũng hết bò xào măng lại gà chua ngọt, chuyện gì cũng mau chóng biến mất khỏi bộ nhớ của cái não bộ ngày càng thu hẹp lại. Cánh cửa duy nhất mở Thủy ra với thế giới bên ngoài là chương trình thời sự trên TV, vài tờ báo tiếng Việt, và Tùng.
Một năm mau chóng trôi qua không có gì đặc biệt xẩy ra. Mùa thu lá vàng, mùa hè rực rỡ, hay mùa đông băng giá cũng chỉ thoang thoáng lướt qua. Chỉ có bốn bức tường của quán và bốn bức tường nhà là nhập vào đầu mà thôi. Thủy nhắm mắt cũng vẽ ra được từng vết đen, từng chỗ loang lổ trên tường nhà, hay từng khe hở giữa các tấm vách nhôm của quán. Hàng ngày Thủy bán hàng như một cái máy, liên tục nhắc lại cái điệp khúc muôn thuở: - một gà cay, hai bò nấm, một xuất nem, một gà đầu bò...
Chỉ có tiền là tích lại ngày càng nhiều. Thủy đã gửi về nhà nhiều lần rồi mà số tiền ở đây vẫn còn lại kha khá. Tiền nhiều, Thủy chả biết dùng để làm gì. Nhà thì ở ngay sát cạnh, chả cần mua ô tô. Nhà ở Việt Nam thì vừa gửi tiền về xây lại xong. Tiền của bé Thảo thì bà đã gửi vào một tài khoản ngân hàng cất đấy. Tiền của mình Thủy cắt ra một ít để đi sửa lại vết sẹo trên mặt. Bác sĩ Tây họ làm rất giỏi, cả một vết loang to kéo dần kéo dần lại chỉ còn một vệt thẫm nho nhỏ để nhắc chỗ ấy trước đã từng có một vết thương nặng nhất. Thỉnh thoảng nhớ Tùng Thủy lại về Vác thăm, ngủ lại trên chiếc giường có mùi nước hoa đàn ông quen thuộc.
Hà và Trung chuẩn bị làm đám cưới, mời Thủy đến dự. Đám thực khách quen thuộc từng gặp trên sân thôi không còn bàn tán chỉ trỏ về Thủy nữa. Họ ngợp trước số tiền mà Thủy đã kiếm được trong hai năm qua. Trong lúc buôn bán ế ẩm, hàng đánh sang chuyến được chuyến không, giấy tờ lại khó khăn, chi phí ngày càng cao, không ít kẻ hết vốn, thì Thủy lại có được tất cả những gì họ mơ ước. Mỗi tháng kiếm vài chục tờ, tháng hè cao điểm có đến hơn trăm tờ, thẻ định cư không cần phải chi tiền cũng có vì cái quán của Thủy là cái quán Việt Nam duy nhất ở cái thành phố ấy, khách hàng nhiều người là công chức nhà nước, là nhân viên phòng viza, sẵn lòng giúp đỡ. Rồi bà hàng xóm nhà Thủy, cả bà chủ nhà cũng từng là cán bộ cao cấp của thành phố, thế là bao nhiêu lời nhận xét tốt cứ gộp thêm vào làm tăng thêm sức mạnh của lá đơn xin thẻ. Công việc của Thủy cũng an nhàn hơn trước. Quán mở rộng sang bên cạnh, lại thuê thêm nhân viên, và xây dựng lại với hệ thống máy tính quản lí, Thủy chả phải làm gì nhiều ngoài việc trông coi và đôn đốc nhân viên. Nhưng tính Thủy vẫn như ngày trước, thỉnh thoảng nhiều việc vẫn lăn xả vào làm không hề ngần ngại. Cái vụ Thủy không kiện Khương về tội ăn trộm cũng làm nhiều người ở đây đánh giá, thay đổi suy nghĩ về Thủy, quên đi những lời đồn xấu xa trước kia.
Thế nhưng Thủy vẫn không cảm thấy vui vẻ. Thủy cần một mái nhà. Thủy cần có Tuấn, cần có bé Thảo ở bên mình. Tình yêu với Tùng sau giai đoạn bốc cháy cũng lạnh nhạt dần. Chủ yếu là do Thủy giữ khoảng cách, không muốn Tùng vì mình mà phải bỏ đi cái tương lai tươi sáng của mình.
Phần kếtTốt nghiệp đại học, Tùng được nhận vào một trường đại học ở Louivain - Bỉ để nghiên cứu luận án Tiến sĩ. Sau đấy Tùng về Việt Nam đi dạy rất được giới chuyên môn kính nể, khen ngợi, và đề bạt lên chức phó khoa.
Vài năm sau đó tôi gặp lại cô Thủy ở đảo Creta - Hi Lạp trong một chuyến du lịch. Thủy mở một quán ăn nho nhỏ bên bờ biển chuyên nấu các món châu Á cho dân địa phương. Bé Thảo đã lớn rất xinh đẹp sau giờ học thỉnh thoảng lại ra quán giúp mẹ trông sổ sách. Bà Lan, mẹ Thủy, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong khu biệt thự nhỏ cạnh quán, chăm chỉ tưới tỉa những cái cây cảnh tuyệt đẹp của vùng bờ biển Điạ Trung Hải, trò chuyện với con chó béc-giê giữ nhà. Tuấn có một cầu tầu nhỏ ngay cạnh đấy với vài chiếc du thuyền cho du khách thuê. Phải. Đúng là cái cậu Tuấn ấy.
- Anh ấy sang Ba Lan tìm em. - Thủy kể lại. - Lúc sang Hồng Công anh ấy mua được một cái tên giả và một quyển hộ chiếu Anh. Sau nhiều vụ buôn lậu liều lĩnh sang Trung Quốc thì anh ấy có được một số tài sản rất lớn. Về Việt Nam gặp mẹ em mới có được địa chỉ của em ở Ba Lan, và thế là bay ngay sang. - Thủy ôm lấy cánh tay của người chồng khỏe mạnh, da rám nắng. Tuấn cởi trần ngồi bên cạnh, đeo kính nhìn ra biển, miệng nở một nụ cười hiền hậu, ôm choàng lấy vợ. Trông họ thật hạnh phúc.
Suốt một tuần lễ ở Creta Thủy đã kể cho tôi nghe những ngày tháng lưu lạc ở Ba Lan. Tôi ghi vào gần hai mươi cái đĩa MiniDisc và đặc kín hai quyển vở học trò để viết lại tất cả vào trong quyển truyện này. Hai vợ chồng họ sống bên nhau rất đẹp đôi. Chiều chiều Tuấn lại lái chiếc du thuyền trị giá có đến 200 nghìn đô của mình chở vợ con ra biển ăn tối ngắm mặt trời lặn. Trong nhà của họ là vô số những bức vẽ của Tuấn. Lúc sang Hồng Công Tuấn vẽ nhiều lắm, vẽ để giải thoát những cơn sợ hãi, để thoát khỏi các mối ưu phiền bế tắc sau những chuyến buôn lậu vào lục địa. Nhìn vào cặp mắt trũng sâu của người vẽ ra những bức tranh cuốn hút ấy, tôi biết cuộc đời của Tuấn cũng có rất nhiều những sóng gió trong những ngày tháng lưu lạc sang Hồng Công. Nhưng Tuấn rất ít nói, và hẹn lại tôi trong một dịp khác sẽ kể về mình.
- Anh ấy cũng chả kể mấy cho em nghe. Mà em cũng không tò mò. Được sống bên anh ấy là em mãn nguyện lắm rồi. - Thủy tâm sự. - Hôm anh ấy đến quán em mừng quá đến rơi cả đĩa thức ăn xuống đất, chạy ra ôm chầm lấy anh ấy mà khóc đến khô cạn cả nước mắt. Khóc có đến hàng giờ không ngừng được ấy. Lúc đó anh Tuấn đã đến ngắm chỗ bãi biển này rồi. Anh ấy hỏi ý em có muốn sang Hi Lạp sống hay không. Em chả cần suy nghĩ gì cả, đồng ý ngay. Em sang lại quán cho cái Hà, được một ít tiền đem sang đây dựng lại cái quán này. Vẫn lấy tên Mai Thảo. Còn của anh Tuấn là tất cả cái cơ ngơi này đây.
- Thế Thủy còn nhớ Ba Lan không ?
- Em chả nhớ gì cả. Thỉnh thoảng có người Ba Lan sang đây du lịch em vẫn nói tiếng Ba lan với họ làm họ ngạc nhiên lắm. - Thủy cười phá lên vui vẻ. Nhưng khuôn mặt thanh tú ấy bỗng nhiên lại chợt nhíu lại, vết sẹo nhỏ trên má run run. - Nhưng thỉnh thoảng hàng đêm nó vẫn trở về trong giấc mơ. - Giọng Thủy trầm hẳn xuống. - Những giấc mơ hãi hùng, mà trong nó lúc nào cũng có tuyết phủ, có băng giá, cứa vào mặt, lạnh buốt, đau đớn.
Tuấn ôm lấy vợ, ngón tay nhẹ nhàng lau đi những giọt lệ vừa ứa ra trên mắt Thủy. Bầu trời bỗng hửng sáng ánh hoàng hôn. Bờ biển Địa Trung Hải quanh năm nắng ấm. Chiếc du thuyền mầu trắng quay mũi hướng về phía tòa biệt thự trên đồi, lướt đi nhẹ nhàng trên những cơn sóng nhỏ xanh thẫm.