Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cơn Mơ Trong Tuyết

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4838 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cơn Mơ Trong Tuyết
Lê Thanh Hải

3. Va đập
Ngày tháng trôi qua mau chóng với cái vòng quay đều đặn, nhẫn nại như những con người đang lao động quần quật trên sân để kiếm tiền. Ngày nào cũng giống ngày nào. Sáng dậy sớm lên mở cửa, hò hét qua máy điện thoại cầm tay để tải hàng về. Cả ngày êm ả trong tiếng quát tháo, tiếng mặc cả, và câu Uwaga quen thuộc của các anh cửu vạn kéo xe qua trước mặt. Cả chợ có lúc náo loạn cả lên vì gặp mối lớn mua cả xe tải con. Lúc ấy thì vợ đứng giữ khách, chồng chạy loạn lên kéo hàng về cho đủ để đóng vào xe. Tiền nhét ngay vào cạp quần, cộm quá thì cất bớt vào trong quầy. Giờ về thì Khương đánh sát xe vào chỗ kiosk để cầm về cho an toàn. Họ cũng ít đem tiền về nhà, mà mang hết sang chỗ chị Thục sau khi đổi sang đô. Chỉ có một ít tiền riêng thì Thủy cạy miếng gỗ lót nền nhà dưới gầm giường lên và nhét vào đấy. Thật ra thì Thủy chỉ giữ được một ít tiền kiếm được từ giao hàng riêng thôi, còn thì Khương cầm cả. Anh chàng dù mê gái nhưng khôn hết biết. Chặt lắm. Đừng hòng mà moi được xu nào. Nhưng bù lại thì Thủy mua sắm thoải mái, vì gã vốn sĩ diện với bên nhà anh chị và đám bạn bè.
Họ đã dọn về một căn hộ ở gần đấy. Hai phòng con và một bếp bé nằm cạnh cửa ra vào. Những ba tờ rưỡi. Nhưng Khương chặc lưỡi kí hợp đồng hai năm. Để còn làm thẻ cho Thủy. Bé Thảo sang. Hai bà cháu sống một phòng. Thảo tha hồ xem phim hoạt họa. Có một kênh truyền hình là Cartoon Network suốt ngày chỉ chiếu phim thiếu nhi. Chỉ có bà là buồn. Hàng ngày bà chỉ biết lục đục đưa cháu xuống sân chơi, sau rồi lại nấu nướng. Bà cụ thường ngồi ở góc cửa sổ nhìn xuống đường phố, mờ ảo qua làn hơi nhạt bốc lên từ cốc nước chè xanh.
Thỉnh thoảng Thủy lại ra sân quần vợt cùng Phú và Khương. Phú chơi quần vợt giỏi không kém gì Tuấn ngày xưa. Chỉ thiếu cái tư thế không được công tử bằng mà thôi. Khương thì chỉ biết lẹt bẹt chạy quanh sân như anh thợ bễ lò rèn. Nhưng được cái anh chàng rất khỏe nên cũng bù lại được chút ít. Còn Thủy thì khỏi phải nói. Lúc trước Tuấn đã thuê riêng một ông thầy để huấn luyện cho họ. Mà đã nói đến những trò thể thao thì cả hai đều say mê không bờ bến.
Ở bên này, mỗi lần Thủy ra sân là cặp mắt của tất cả mọi người đều dồn vào nhìn. Cánh đàn ông thì nuốt nước bọt chiêm ngưỡng đôi chân khêu gợi thấp thoáng dưới chiếc váy trắng, đến cái eo nhỏ và đôi vú cong ẩn dưới làn vải bó sát người. Bọn đàn bà thì ghen tức chăm chăm tìm xem có điểm nào xấu không để mà chê, thích thú phát hiện ra đôi vai to và cánh tay khỏe mạnh như tay đàn ông, và cái tội gái hai đời chồng. Thủy bất chấp, mặc kệ hết thảy những lời bàn tán của thiên hạ, thích thú quan sát cái cảnh đời đang diễn ra quanh mình.
Sân tennis ở đây có vẻ như là chỗ để mọi người khoe xe, khoe quần áo và khoe cả con của mình nữa. Các chị nạ dòng bắt bước Steffi Graf mặc váy ngắn cũn cỡn phô cặp đùi to, da sần sùi như hai thanh giò chả; đẩy cái xe nôi lượn lờ quanh sân, thỉnh thoảng lại cầm chiếc vợt Wilson chính hiệu ra sân lượn vài đường bóng rồi chui ngay vào bóng râm ngồi cho khỏi đen da. Vài anh soái bụng to vác cả thùng bia ra uống rồi chạy hùng hục, thở hổn hển như đang ở trên bụng vợ, cười hé hé, kể chuyện bậy váng sân để che dấu cái sự yếu kém của thằng đàn ông ở cái khoản ấy, mắt he hé liếc Thủy thòm thèm. Kĩ thuật khá, thể lực tốt, những cú vụt của Thủy rất căng cho nên ít có ai chịu nổi Thủy sau mười phút đo vợt. Bọn kém cỏi đánh lâu nhưng không có kĩ thuật, chỉ cần một tý là đã ôm cổ tay bò ra khỏi sân, viện cớ hút thuốc, hay vờ vớ lấy lon bia bật đánh tách, uống ừng ực. Phú là một trong số ít những nhân vật ngang sức với Thủy trên sân bóng. Anh ta hơi yếu về kĩ thuật nhưng bù lại di chuyển nhanh và đón bóng tốt. Họ ngày càng thân với nhau hơn. Có nhiều hôm Khương không đi đánh bóng, mặc kệ Phú đến đón Thủy ra sân. Thỉnh thoảng hai người đi với nhau nhập hội thắng độ đi nhà hàng. Đôi lúc Phú cũng buông lời chòng ghẹo, tán tỉnh Thủy nhưng cô khéo léo lảng tránh, dẫn câu chuyện sang chỗ khác.
* * *
Nhịp sống ở đây thật dồn dập. Nó chà xát, vùi dập con người một cách vô tri vô giác. Cả cái chợ sân làm việc quần quật không có lấy một ngày nghỉ. Thủy có được cái may là nhập được vào với gia đình nhà Phú Thục qua mối quan hệ anh em của Khương với Phú. Nhìn quanh thì có biết bao nhiêu cô gái phải ghen tị với Thủy. Hà, cô bé sang cùng chuyến bay, cũng xác nhận điều ấy.
- Số chị sướng quá, chả phải vất như bọn em.
- Sao thế ? Chị cũng lăn lộn suốt cả ngày trên sân đấy thôi.
- Nhưng chả bỏ sức là bao. Này nhé, suốt ngày chỉ lo bán hàng và thu tiền. Bán thì chủ yếu là bán buôn. Bốc vào đã có hội cửu vạn. Vốn thì đã có nhà bà Thục cho su khôi. Quầy thì ông Khương đã mua từ trước. Ô tô cũng của riêng, tha hồ mà đi đánh tennis...
- Thì chị thấy những người chung quanh cũng thế thôi...
- Không đâu chị ơi. Quầy phải thuê hàng tháng với giá cao. Vốn thì không có nhiều. Dậy từ 4 giờ sáng ra sân. Chiều về lại phải tranh thủ sục vào các kho để tìm hàng. Tối chỉ còn biết lăn quay hết cả ra mà ngủ. Như nhà em này, thuê một bộ phim Hồng Công về mà cả tháng nay đã xem đuợc hết đâu? Mấy cái băng vất chỏng chơ trên bàn cũng chả ai thèm dọn.
Thủy lặng im, không nói, ngồi nghe Hà than vãn. Kể ra thì ở bên này ai cũng khổ cả. Nỗi cực khổ của Hà còn chưa sánh vào đâu so với những anh kéo xe. Cả đoàn người từ Nghệ Tĩnh vượt bao nghìn ki lô mét sang đây. Hết máy bay lại vượt rừng, chui gầm ô tô. Suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trên sân, gò lưng với chiếc xe kéo nặng, to bằng cả cái xe bò ở nhà, miệng ra rả ba chữ u-wa-ga, chỉ mong tích được ít tiền gửi về nhà quê. Mà có phải sung suớng gì cho cam. Sáng vào sân phải đi vòng vèo để trốn công an. Bị nó bắt lại thì chí ít cũng phải một tờ 50. Không thì lại phải vào nhà lao ba tháng, hết cả cửa kiếm tiền. Chiều về cũng lại phải lủi nhủi như loài chuột, trốn tránh nhà cầm quyền. Nghe bảo đâu có cả con gái nữa, sang đến nơi không đủ tiền thanh toán, phải lên giường để trả nợ...
* * *
- Cô em nghĩ gì mà ngồi thừ người ra thế ? - Phú hỏi, giọng oang oang.
Thủy giật bắn người. Hà đi đã lâu rồi mà những câu chuyện nó kể vẫn ám sâu vào đầu Thủy. Thỉnh thoảng lên mạn trên này lấy hàng, Hà đều ghé vào chỗ Thủy kể vài câu chuyện. Hai chị em thân nhau có lẽ từ cái sự cảm thông của người trong cuộc, cùng bị giam hôm chân ướt chân ráo sang Ba lan. Nhưng Hà bạo dạn, nhanh nhạy hơn Thủy, cho nên bắt thân rất nhanh với mọi người, và biết rất nhiều chuyện ở cái xứ tuyết bẩn này.
- Giấy tờ của anh Khương thế nào rồi hả anh ? - Thủy quay về với câu chuyện của chính bản thân.
- Còn thế nào nữa. Đã bảo rồi mà nó không chịu nghe. - Phú gắt gỏng. - Công ty hoạt động gì mà chả nộp đồng thuế nào cả. Đã biết là làm ăn trốn thuế, nhưng ít nhất cũng phải nộp cho chúng nó kha khá chứ. Đằng này lại chả có xu nào cả. Bây giờ thì mới hối cả lũ với nhau.
- Vậy thì phải làm sao hả anh ? - Thủy dịu dàng.
- Bây giờ phòng lao động cắt giấy phép rồi thì chỉ còn cửa mà sang Tiệp để làm visa mới thôi.
- Thế còn em sắp tới cũng phải thế à ? Em cũng cùng tên trong công ty của anh Khương. - Thủy lo lắng.
- Em thì không lo. Giấy tờ của em mãi đến cuối năm mới hết hạn. Còn ba tháng nữa. Hôm nào đi cùng anh xuống tỉnh nhập tên em vào công ty của anh là xong. Công ty anh không đăng kí ở Warszawa nên thủ tục giấy tờ cũng dễ dàng hơn.
Nhà Phú - Thục có tất cả là 3 quầy hàng trên sân này. Một cái là chỗ mà Thủy đang trông đây, nằm giữa khu áo da, một nửa tiền là của Khương góp vào. Cái nữa nằm trong khu nhà trắng, có chỗ cho xe tải vào tận trong. Chỗ ấy là Thục đứng trông vì chủ yếu là để đóng hàng vào xe tải nhỏ. Khương cũng thường ở đấy để giúp đếm hàng, hoặc nhận hàng cho Thủy. Cũng đơn giản thôi, Chỉ cần gọi một chú cửu vạn, bảo chở cho Thủy là hàng sẽ đến tận nơi, khỏi cần giải thích hay áp tải. Một quầy khác nằm trong khu tam giác vàng, chuyên bán lẻ.
Lúc đầu Thủy cũng thấy buồn cười vì những cái tên ấy, sau nghe nhiều rồi thì quen dần. Này nhé. Cả khu nhà sắt sơn trắng toát, lịch sự, thì gọi là "nhà trắng". Cạnh đấy là một khu mà các quầy dựng bằng gỗ xinh xắn nên gọi là khu "nhà gỗ". Lấp chỗ trống còn lại giữa hai khu là xóm "nhà công ten nơ", tất nhiên đến đây quí vị đều hiểu là quầy hàng chính là các công ten nơ hai mươi phít đặt vào. Đấy là các xóm nhà giầu. Đến xóm nhà nghèo thì có khu "tứ giác". Chỉ đơn giản vì đường đi trong khu vực vuông vức như hình tứ giác. Cạnh nó có khu tam giác. Bố trí của cả khu chợ của người Việt trông như một quả tạ mà một đầu là những khu vừa kể trên. Trục chính của quả tạ là hai đường song song được gọi là khu "đường tầu" và khu "nhà tôn". Nhà tôn thì chắc quí vị đã đoán ra là mái nó bằng tôn sáng lấp lánh. Thế còn đường tầu ? Vì sau lưng nó là đường tầu hỏa. Thú vị nhỉ. Sau lưng khu nhà gỗ còn có thêm một nhóm quầy mới mở ra, cũng nằm dọc theo đường tầu, thì được gọi là "đường tầu mới". Có ai đấy không thiếu tâm hồn bay bổng, liền gọi nó bằng cái tên đầy chất thơ: "đường tầu mùa xuân". Thế là thành tên luôn. Vậy mới thấy dân ta không thiếu sáng kiến về mọi mặt. Khu đường tầu bán hàng rất chạy, vì nằm đúng trên trục chính, cho nên nhiều anh ngang nhiên dựng hẳn quầy giữa đường đi. Chẳng là vì đường đi vẫn còn rộng quá mà. Ban đầu thì ban quản lí chợ đuổi họ đi, nhưng sau phần vì đuổi mãi chả được, phần thì tội gì mà lại không thu thêm tiền chỗ. Thế là mọc ra không chỉ một dẫy mà cả hai dẫy đâu lưng vào nhau. Gọi là gì bây giờ ? Xin thưa, là khu "nhẩy dù". Thế nhưng vẫn chưa hết phần bên này. Còn phải kể thêm khu "PKS", vì là nằm trước mặt bến xe buýt liên tỉnh PKS. Rồi nào là "PKS kéo dài", nào là "tứ giác mới" nữa chứ. Nhưng tạm để đấy, chúng ta hãy mau rảo bước suốt dọc đường tầu để đến đầu kia. €. Đúng ở giữa đoạn đường tầu có một cái nhà vệ sinh mà để thêm phần sinh động, người ta đặt tên cho đoạn chợ này cái tên khu "toa-lét". Vốn bên này thỉnh thoảng cũng ghép thêm địa chỉ làm việc vào tên như Sơn Nhà trắng, Thắng Công ten nơ, thật khổ thân cho cô nào vô phước bán ở khu này. Ví thử như là Loan Toa lét... Nhưng mà thôi, đi nhanh không thì chợ đóng cửa, dọn về hết. Đầu bên kia trước đây hoang vắng, nhưng bây giờ nở phình ra chả theo một nguyên tắc qui hoạch nào cả. Chỗ trước chuyên bán thú vật giờ mọc lên một dẫy quầy lúp xúp gọi là khu "chợ chó". Tất nhiên là chỉ bán quần áo giầy dép chứ không có bán chó hay thịt chó rồi. Tương tự như vậy với khu "tennis", hay là "parking". Nằm dọc theo con đường Chim ưng - Sokola, thì được gọi luôn là Sô-Cô-La, nghe mà phát thèm ăn... sô-cô-la. Nhưng cũng vì qui hoạch không rõ ràng nên gọi tên thế vẫn chưa đủ để phân biệt. Những người ở đây còn chia tiếp theo tính chất của từng dẫy quầy, như là khu "áo da", "áo lót", hay khu "xì líp" chẳng hạn. Vậy thì cái tên Loan Toa lét có lẽ vẫn chưa đáng khổ bằng Hiền xì líp, hay Quang áo lót chẳng hạn...
* * *
- Có gì vui mà cười thế cô em ? - Phú hỏi, cắt đứt dòng suy nghĩ của Thủy. Dạo này Phú rất hay xuống đây, lấy vớ với vợ là đi quanh quẩn dạo sân để tìm mặt hàng.
- Không có gì. - Thủy lắc đầu, trên mặt vẫn thoáng nụ cười. Chưa bao giờ Phú lại thấy Thủy đẹp đến như thế, kể từ sau cái hôm đầu họ mới gặp nhau, cũng ở chỗ này. Có lẽ vì chả có mấy khi Thủy được thảnh thơi để mà nghĩ vẩn vơ trong đầu.
- Này. Tối nay bọn Thổ mời mình đi ăn ở Marriott đấy. Bẩy giờ anh đến đón em nhé ? - Phú bất ngờ nắm tay Thủy.
- Không được đâu. - Thủy khéo léo rút tay ra, nhìn quanh. - Dạo này thấy anh Khương đang lo lắng chuyện giấy tờ, em cũng không vui thích gì chuyện đi chơi cả.
- Ôi dào. Lúc trước mà nó chịu nghe lời anh thì có phải là bây giờ thoải mái không? Tham chút tiền để bây giờ lại ngồi lo. - Phú gạt đi.
- Bọn em kém tiếng, có biết đâu các chuyện thủ tục giấy tờ phải làm như thế nào đâu.
* * *
Khương đóng tiền cho hội dịch vụ, xong rồi làm visa và lên tầu sang Tiệp để xin cấp visa vào Ba Lan. Chiều hôm sau đã thấy anh gọi về, giọng hớn hở:
- Xong rồi. Hôm nay đã nộp hồ sơ. Nó hẹn hai hôm nữa lên lấy.
Thủy cũng mừng, trút được cái gánh lo từ nhiều tuần nay.
Thế nhưng họ chẳng vui mừng được bao lâu...
Khương lại điện về, giọng hấp tấp.
- Bọn khốn nạn ấy lại đóng dấu ODM vào hộ chiếu của anh rồi. Em phải gọi ngay đến hội dịch vụ để bắt đền chúng nó và yêu cầu phải giải quyết ngay cho mình.
Thủy hớt hải chạy sang nhà lão Quốc Thẹo để báo.
- Chuyện gì. Vào đây đã em. - Gã cớt nhả, mồm đầy mùi rượu.
Trong nhà đầy đàn ông. Có đến hơn chục người ngồi quanh mâm thịt chó.
- A. Chào cô em xinh đẹp. - Một bác cán bộ mà mỗi lần lên sứ xin giấy Thủy vẫn gặp, vui vẻ chào.
- Bọn mày xích ra cho em Thủy ngồi với chứ. - Anh chàng trẻ tuổi, nghe hội trên Sân đồn đâu là trùm đầu gấu của hội này, lên tiếng.
- Xin phép các anh. Em vừa ăn ở nhà rồi ạ.
- Ngọn gió nào thổi cô em đến đây thế ? - Bác cán bộ mồm bóng nhoáng mỡ, vừa nhai vừa thải lời văn hoa trịnh trọng.
- Dạ... - Thủy ấp úng.
- Không ngại gì đâu. Người nhà cả mà. - Lão Quốc nói. Lão là người nhận làm dịch vụ giấy tờ cho Khương.
- Anh Khương nhà em vừa gọi điện về báo là sứ quán Ba Lan ở Tiệp từ chối cấp visa ạ. Em đến hỏi các anh xem phải làm sao ạ.
- Thì vượt rừng mà về. Có cần đích thân anh sang đón thằng chồng em về cho em không ? - Một gã ngồi trong góc nhà trả lời gọn gàng, rồi phá lên cười he hé.
Cả bọn cùng cười theo. Mỗi đứa đá vào một câu.
- Hay em bỏ mẹ nó thằng chồng em đi...
- Về đây mà nấu cơm cho bọn anh này...
- Tha hồ mà sung sướng nhé, không phải vất vả trên sân...
- Mùa đông sắp đến rồi, em xinh đẹp thế này, đi bán hàng hỏng hết cả da, phí đi...
- Gái một con đúng là trông mòn con mắt. - Bác cán bộ hùa vào. Hai mắt thòm thèm, hi hí, đỏ lừ, nhìn chằm chằm vào đùi, vào ngực, vào cổ Thủy.
Thủy sợ hãi không dám hỏi thêm gì cả, đứng dậy xin phép ra cửa. Vài cánh tay vung ra tóm lấy người Thủy giữ lại nhưng cô giằng ra được hết. Lão Quốc ra mở cửa. Qua lối ra vào hẹp, gã hấp háy mắt thọc ngay tay vào ngực Thủy, mở giọng ân cần.
- Về đi. Không sao đâu. Anh sẽ lo cho thằng Khương đến xong việc thì thôi.
Thủy đứng như trời trồng, run lên vì sợ. Cô cố trấn tĩnh lại để lách người ra khỏi cửa, tránh xa cái bàn tay gân guốc, sần sùi, tởm lợm đang tham lam sờ mó, nắn bóp bầu vú đang phập phồng dưới làn áo.
Thủy bước ra đường, rùng mình vì lạnh. Cái áo khoác vì vội, đã để quên ở trên ấy. Nhưng về nhà cũng chỉ vài trăm mét. Thủy cắm đầu chạy.
Một người đàn ông lịch sự đi ngược lại. Thủy vẫn chạy, tránh người sang một bên. Nhưng thật lạ, anh ta cũng lại đứng sang hướng ấy chắn đường. Không kịp tránh nữa. Thủy loạng choạng dừng lại, đâm sầm vào người anh ta, chực ngã lăn ra đất.
May mà anh ta đưa tay ra đỡ, lại còn choàng tay ra ôm lấy Thủy.
- Em sao thế ?
Hóa ra là Phú.
Thủy mềm nhũn người ra ôm chầm lấy Phú, dụi đầu vào cổ anh khóc ngon lành, người run bần bật, cả vì khóc, vì sợ, lẫn hơi lạnh trời thu.
- Vào xe đã. - Phú cởi cái áo vét đang mặc, khoác vào người Thủy, dìu cô ra chiếc xe đỗ gần đấy.
Phú đến nhà Thủy nhưng mẹ Thủy bảo cô đã sang bên này cho nên Phú sang đón. Cũng đúng lúc Thủy chạy về.
- Đi uống cà phê nhé ?
Thủy gật đầu. Xe đỗ lại trước cửa khách sạn Mercury.
- Em không vào đâu.
Phú không nói gì, lái xe đi tiếp đến McDonald ở gần đấy.
- Mua vào xe nhé ? - Phú hỏi.
Thủy gật đầu. Phú rẽ vào chỗ dành cho xe ô tô rồi mua hai cốc cà phê với một ít thức ăn.
- Anh có biết chỗ nào trống trải không ? Ở đây chật chội quá. - Thủy cảm thấy ngột ngạt vô cùng giữa cái thành phố xa lạ, đầy nhà cao che kín hết tầm mắt.
Phú rẽ xuống bờ sông. Xe phóng chầm chậm trên con đường to dọc sông Wisla. Bờ bên kia lụp xụp cây xanh và những doi đất thoai thoải.
- Rẽ vào đằng kia được không anh ? - Thủy bỗng lên tiếng, chỉ tay vào một chỗ rẽ vào một bãi đỗ xe rộng, trống trải, vắng vẻ, rất đẹp mà hôm nào đi chợ sân về Thủy cũng nhìn ngắm và định bụng khi nào có thời giờ sẽ rủ Khương đến đây ngồi ngắm cảnh.
Xe đỗ. Thủy bước ra khỏi xe, bám mình vào cái lan can, nhìn xuống dòng sông. Nước chảy chậm, lấp lánh dưới ánh trăng mờ mờ, trông thật lạnh lẽo. Thủy bỗng thấy lạc lõng, cô đơn vô cùng.
- Cà phê đây. - Phú cầm hai cốc cà phê trên cái khay giấy, đưa cho Thủy một cốc.
Cô uống một hơi cạn hết cốc cà phê nóng. Tiện tay lần vào túi áo tìm gói thuốc. Chợt nhớ ra bao thuốc đã để quên trong cái túi áo khoác ở nhà lão Quốc Thẹo, Thủy lúng túng rút tay ra. Đã quên được một chút, bỗng cái cảnh gớm ghiếc lúc nãy lại quay về, Thủy rùng mình.
Nhìn nét mặt nhợt nhạt, người run rẩy, Phú nhẹ nhàng kéo Thủy vào sát người, dỗ dành như một đứa trẻ.
- Thôi. Đừng lo cho thằng Khương nữa. Anh sẽ giúp nó quay lại đây. Không khó đâu. Mình vào xe nhé. Không thì lạnh.
Thủy lắc đầu. Phú không biết chuyện gì đã xảy ra trong căn nhà ấy. Lúc này Thủy cần một người đàn ông để tìm sự che chở, để được vuốt ve. Cô ngả hẳn người vào Phú, ấm dần lên.
Họ cứ đứng như vậy có đến nửa giờ. Thủy lại khóc. Khóc thỏa thích. Khóc ngon lành như một đứa bé lên ba, mặc cho Phú lau nước mắt, hôn lên mặt, hôn nhẹ vào môi. Lúc này Thủy chỉ muốn khóc, cho thỏa thuê cái sự chịu đựng đã vượt quá mức từ ngày sang Ba Lan đến giờ. Bên cạnh Phú Thủy tìm lại được một phần của Tuấn.
- Tuấn ơi. Bây giờ anh ở đâu ? Tại sao anh lại phải bỏ em đi như vậy ? Chả có thằng đàn ông nào trên đời này có thể so sánh được với anh. - Thủy thầm gào lên trong đầu.
Phú bỗng cúi xuống hôn thật mạnh vào môi Thủy. Thủy mặc kệ, không phản đối, cũng không đáp lại nụ hôn của anh ta.
Phú dìu Thủy vào trong xe. Anh chàng đặt Thủy ngồi lên đệm sau, chui vào xe, đóng cửa lại. Phú bỗng đẩy Thủy nằm dài ra đệm, rồi nằm đè lên người cô. Cái miệng tham lam của anh ta hôn lên mặt, lên cổ Thủy, chuyển dần xuống đến ngực...
Thủy cảm thấy ghê ghê trên người, nhưng cũng chả buồn phản ứng lại nữa. Phú, hay Khương, cũng chỉ là những gã đàn ông khát gái, như bao gã đàn ông khác ở bên này mà thôi. Bọn họ không phải là Tuấn, mà chỉ là những cái mảnh của Tuấn đang cố gắng quằn quại để làm yên lòng cái con đàn bà trong người Thủy. Mà cái con đàn bà ấy bây giờ không còn e thẹn ngượng ngùng như trong cái lần đầu với Khương ở Ba Vì. Từ khi sang Ba Lan nó đã bỏ mặc hết tất cả những gì gọi là tình cảm. Nó trơ ra như một khối thịt sống, chỉ còn lại những ham muốn đàn bà mà thôi. Thủy bỗng cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình. Hai mắt mở to nhìn vào bóng đêm rung rinh sau màn kính sau của chiếc ô tô đời mới đang nhấp nhô theo từng chuyển động của gã đàn ông.
Thủy bỗng cười ha hả như một con điên. Phú dừng lại ngạc nhiên nhìn Thủy. Thủy lắc đầu ra hiệu chả có gì quan trọng. Phú lại cúi xuống tiếp tục thỏa mãn cái sự đòi hỏi của thằng đàn ông trong tiếng cười man rợ giữa đêm vắng của Thủy. Thủy cứ cười. Cười sằng sặc không thành tiếng. Cười như tiếng khóc của đứa trẻ bị bỏ quên. Cười để cho hai dòng nước mắt đua nhau tuôn ra má. Tiếng cười trở thành tiếng nấc và ngưng dần, ngưng dần, chỉ còn lại những vệt nước loang lổ trên mặt, nhoè ố đi những làn chì kẻ mắt trông như những vết nhơ của cuộc đời.
Thủy chán chường, chỉ muốn tung hê hết tất cả, muốn hét lên một tiếng thật to, muốn đâm cho cái thằng đàn ông đang nằm thở hổn hển trên bụng một nhát dao. Chả để làm gì cả. Chả vì lí do gì cả. Thủy nhớ ngày mới sang thường hay khinh bỉ những bà chị thiếu trai đang sống cặp kè với những lão trông chả ra làm sao. Bây giờ thì Thủy cũng có khác gì họ đâu. Chồng hay không chồng thì cũng thế. Những lời ngạo báng, những lời mỉa mai không nói ra lúc bây giờ lại quay lại hành hạ Thủy, chì chiết, đay nghiến, dày xéo lên người Thủy, hòa lẫn với cơn đau ái ân không ngờ tại lạo ra một cơn sung sướng đến bật cười, và bật khóc. Nó đau nhói lên thành từng đợt, quằn quại đau khổ, rồi âm ỉ như đặt than vào bụng, túa hết mồ hôi trên người ra, nhớp nháp, ghê tởm, nhầy nhụa, dính vào khắp người thật là tởm lợm.
* * *
Những ngày sau đấy Phú cũng dốc sức chạy lo giấy tờ cho thằng em trai. Chạy lên phòng visa, qua cục biên phòng, đến sứ quán Tiệp, đủ cả. Tất nhiên là luôn luôn có Thủy ngồi bên cạnh và mỗi buổi chạy giấy tờ đều kết thúc ở trên giường của một cái motel nào đó ở quanh Vác. Phú tham lam không khác gì những ngày Khương về Hà Nội, nếu không nói là còn có phần hơn. Thỉnh thoảng gã lại ướm thử chuyện bỏ vợ cưới Thủy. Nhưng Thủy chỉ cười nhạt, lắc đầu. Thủy thừa biết gã có ăn gan trời thì mới dám bỏ Thục, cái con vợ mà lúc nào ở bên Thủy gã cũng chửi là đồ chân đất mắt toét, nhưng lại tóm hết cả hầu bao, đứng tên cả nhà lẫn xe. Mà Thủy cũng không cho phép mình làm như thế vì nghĩ đến hai đứa bé con chị ấy.
Giấy tờ chạy mãi nhưng chả được tích sự gì. Ngày nào Thủy cũng phải gọi điện sang Tiệp để báo tin tức và hỏi thăm tình hình của Khương. Hàng lại về. Một tay Thủy xoay xở không được. Các nhà khác cũng đánh về. Cả sân thi nhau tụt giá ầm ầm. Cứ như bệnh dịch vậy. Nhà này thấy nhà kia về thì giảm giá thật nhanh để cạnh tranh. Hai bên chưa kịp giở miếng gì thì nhà khác đã hạ xuống cả dưới mo, chấp nhận lỗ để thu vốn. Chỉ béo bọn tiêu hàng, bán giá cao trả giá thấp, lại còn ép giá chủ hàng nữa, không được thì giở trò tráo hàng, lấy hàng thấp giá vào để trả cho chủ. Sân vận động hoảng loạn. Các soái gầm gừ nhìn nhau như sắp ăn tươi nuốt sống thằng bạn nối khố của mình, dù giọng nói vẫn giả lả, ân cần, ve vuốt. Và thế lại sướng ông cho thuê kho. Sẵn có danh tiếng hội đoàn, có bị phòng thuế sờ đến thì cũng chả hề hấn gì đến thân, ông ngăn hẳn một cái nhà máy sản xuất phân bón ra để làm kho, ngồi mát ăn bát vàng. Khổ nỗi tường nhà máy xây từ cái thời Đại chiến thứ nhất, chỉ đá nhẹ vài phát là đổ, nên mới lại sinh ra một bọn khác chuyên thuê kho cạnh nhà soái để đục tường thông sang, chuyển hết về kho mình rồi chở đi. Loạn.
Thủy thuê kho để cất tạm hai công giầy vào. Trông đống thùng giấy, hàng hóa thì cao ngồn ngộn thế, mà một tuần sau bóc được hết lớp bên ngoài thì thấy rỗng hết cả ruột, trông như một cái đường hầm bằng thùng giấy mà cuối là một cái lỗ thông sang kho bên cạnh. Gọi điện bảo bác chủ kho thì bác xuống tận quầy chửi cho một trận nên thân về tội vô ý (??) và bảo:
- Thôi. Viết đơn đi. Lên tao giải quyết cho.
- !!! ??? Viết đơn như thế nào ạ ?
- Thì trình bày hoàn cảnh, lí do, đề đạt...
- !!!
- Mẹ kiếp. Chúng mày có cái đơn cũng không biết viết. Sao dốt thế. Thì bắt đầu là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc. Xong rồi tôi tên là, bán ở quầy số mấy, khu này này. Làm nhanh đi. Còn chờ gì nữa.
Cái giọng sang sảng của bác làm lũ hội viên đang tụ tập xung quanh tản cả ra, đầu cúi gằm, ai về nhà nấy tiếp tục đau khổ với cái đống hàng tụt giá của mình. Thì ra bọn bán phá giá nhất chính là bọn thuê kho ngay cạnh nhà Thủy.
- Thế này là cướp trắng rồi còn gì. - Phú nói, nhưng cũng chả giải quyết được gì hơn. Anh viết hộ Thủy một cái đơn dài hơn trang giấy để nộp trong một niềm tin vững chắc là hội sẽ sáng suốt tìm ra cách giải quyết.
Thủy mặc. Còn lạ gì bọn ấy nữa. Suốt ngày quanh quẩn bên các bác lãnh đạo. Thế thì còn kiện với cáo cái nỗi gì. Mất thời gian.
- Đ. mẹ bọn khốn nạn. - Khương tức giận văng tục trong điện thoại. - Mai anh về vậy. Mặc kệ giấy với tờ. Làm bộ đội cũng được. Ở đây cả tháng giời, tốn kém nhiều mà chả kiếm được gì.
Họa vô đơn chí. Đúng tối hôm ấy nhà gỗ của Thục lại bị cậy. Hàng bên trong bị chở đi sạch. Thủy lên đến nơi thì thấy mọi người đang xúm đông xúm đỏ. Phú lăng xăng bàn tính với bác đại diện hội, dáng vẻ rất quan trọng. Thục ngồi oạch ra một góc, chả buồn nói gì. Thủy đến bên cạnh ôm lấy Thục an ủi.
- Các bác phải họp hành thế nào để giải quyết đi chứ. - Một ông tiến sĩ toán, có quầy bên khu tam giác, trịnh trọng đề nghị với ban tổ chức, tim run run vì phát biểu trước đám đông.
Thủy phẩy mông đi về quầy của mình, chả buồn nghe tiếp cũng biết kết quả.
Khương đang đứng ngơ ngác trước cái quầy đóng kín, gầy rộc đi trông thấy.
- Anh! - Thủy ôm chầm lấy Khương.
- Đói quá. Đưa ít tiền anh ra quán ăn chút gì vào bụng. Đi suốt từ đêm hôm qua đến giờ.
Thủy đã cầm sẵn tiền ra cho Khương thanh toán với hội dịch vụ. Anh trả tiền cho bọn đang đứng gần đấy và mời họ vào quán đãi một chầu bia sáng.
Khương về cũng chả giải quyết được gì. Tiền nộp làm giấy tờ không lấy lại được. Hàng mất không ai buồn đứng ra giải quyết. Vụ năm nay thế là mất sạch. Ngày nào hai vợ chồng cũng lên sân ngồi dài mặt ra mà chờ khách. Hàng mới thì không có tiền đặt. Hàng tồn chả bán được.
Mùa đông trôi qua buồn tẻ đến kinh người. Lạnh lẽo, giá băng. Cả chợ nghỉ gần hết để tránh rét. Những người còn chăm lên sân thì vất tất cả những gì thể đốt được ra giữa đường để sưởi. Vỏ thùng các tông, gỗ vụn, giấy báo, đốt cả lên để mà lấy chút hơi ấm. Những nhà khá hơn thì mua lò sưởi đốt bằng thùng ga. Như thế cũng là trái phép vì chủ chợ sợ cháy cả khu, nhưng mọi người cứ mặc kệ. Môi Thủy nứt toác ra vì khí hậu. Cái lạnh âm hai mươi ngoài trời cứ giành giật với luồng hơi ấm khô khốc từ cái lò sưởi thổi ra tạt vào mặt, vào người Thủy. Da sần sùi cả lên, tay dơ xương, chân đẫm mồ hôi trong ba lớp tất và đôi giầy đông cao cổ. Môi toác máu, đau vô cùng. Thủy không dám ăn gì ngoài bánh mì vụn, vì xót. Thế mới hiểu tại sao các chị sang đây ai cũng trông như giẻ rách, da dầy, người chất thành từng cục mỡ, tóc xác xơ. Hàng hóa ế ẩm, suốt ngày mệt nhọc, về đến nhà Thủy chả còn thời gian và hơi sức đâu để mà lo cho cái nhan sắc của mình nữa cả.
Tháng hai là cái tháng kinh khủng nhất trong năm. Lạnh đến nỗi mà người Ba Lan gọi nó là tháng băng giá. Những ai có tiền thì đã kéo hết cả về Việt Nam mà ăn Tết. Tháng này thường chả buôn bán được gì, phải đợi đến mùa xuân, tức là sang tận cuối tháng ba cơ. Thủy vẫn chịu khó lên chợ để giải quyết nốt hàng tồn. Khương thì suốt ngày la cà bạn bè, rượu chè, đánh bạc, để tối về lại hành hạ dày vò thân xác Thủy. Thủy sợ có con với Khương, nên len lén uống thuốc điều kinh. Buổi tối ở nhà đối với Thủy thật sự là một cực hình tra tấn. Sự đau đớn cứ âm ỉ trong người hàng đêm làm cho Thủy muốn phát điên lên.
Thỉnh thoảng Phú vẫn đến đưa Thủy đi chơi. Mùa đông họ chơi tennis trong nhà bạt. Ấm cúng nhưng ngột ngạt. Nhiều buổi họ chỉ vác vợt đi nhưng lại chui vào cái nhà gỗ ở camping bên cạnh. Thủy không cảm thấy có lỗi với Khương, nhưng cũng không thích thú gì con người Phú. Chỉ là đã lỡ một lần thì khó có thể từ chối lần tiếp theo, vả lại con người trong Thủy hình như cũng muốn tìm một sự giải thoát nào đó, muôn có được cái giây phút rời khỏi kiếp sống tối tăm khép kín hàng ngày.
Phú đưa tên Thủy vào công ty của anh, nên Thủy đã dễ dàng kéo dài được visa, tạm thời không phải lo lắng về chuyện giấy tờ. Khương thì đành phải chấp nhận làm bộ đội thôi, hiện thời không có giải pháp gì khác. Bé Thảo đi học đều, ngoan. Chỉ có bà là buồn vì không có ai để trò chuyện. Bà đòi đến hè thì về Việt Nam. Tuấn thì bặt tăm tin tức từ ngày Thủy sang Ba Lan. Hôm sang đây Thủy có viết một lá thư rất dài gửi cho Tuấn, kể hết mọi chuyện. Nhưng rồi chả có hồi âm, nên Thủy cũng không viết tiếp. Vả lại có gì để mà viết chứ. Cuộc sống cứ trôi đều đặn như những cái kim đồng hồ miệt mài chạy đuổi nhau. Khoảng cách thời gian giữa những tiếng chuông báo thức có vẻ như ngày càng ngắn hơn. Bầu trời mùa đông, mãi chín giờ sáng mới chịu le lói chút ánh dương, mà ba giờ chiều thì đã sụp tắt, giết chết từng tia nắng cuối cùng. Cả ngày trời xám xịt mây phản chiếu xuống nền tuyết lạnh trộn lẫn cát bụi và khói xe. Chung quanh ngột ngạt, khó thở với những cánh cửa sổ đã bé tí lại còn chỉ dám mở he hé để van xin ít khí trời lùa vào phòng.
* * *
Mùa xuân đến đem lại một ít sức sống cho cái chợ bẩn thỉu này. Cả một dẫy đường vắng bỗng mọc lên một đống quầy mới. mọi người xông vào ầm ầm mua chỗ. Người từ Nghệ an, Hà tĩnh, Thanh hóa lại kéo sang rầm rập như đi hành quân. Trông họ thật là khổ não, hai mắt lúc nào cũng cụp xuống, như chỉ chực quì ra đường để xin tiền.
Giấy tờ càng lúc càng khó hơn, Khương mất hết hi vọng nối lại viza. Có hôm, về nhà say rượu, anh chàng đổ hết tội lên đầu Thủy. Từ cửa vào, nồng nặc mùi bia, vất bừa cái áo khoác xuống đất, Khương lè nhè:
- Tại cô. Tại cô cả. Số cô là số sát chồng. Lấy phải thằng nào là thằng ấy sạt nghiệp.
Anh chàng ngật ngưỡng đi vào phòng, đóng sầm cửa lại. Thủy đang ngủ say giật mình tỉnh giấc. Khương giật cái chăn mỏng trên người Thủy ra, xé toạc cái váy ngủ, hùng hục trèo lên người Thủy.
- Tôi bắt đền cô. Tôi bắt đền cô đã đem cái họa thua lỗ về cho tôi.
- Em van anh. Anh đừng nói to kẻo bé Thảo thức giấc. Nó còn bé.
Khương vung tay tát bốp vào mặt Thủy. Năm ngón tay hằn lên bầm tím.
- Mặc kệ. Tôi phải sướng cái thân tôi đã, cho bõ cái tiền tôi bỏ ra cưới cô. - Gã ta xốc Thủy dậy, ấn người xuống vài cái, xong rồi oẹo ra như gà rút gân, gục đầu xuống đệm, nước rãi chảy vã ra từ cái mồm há hốc, thở khò khè.
Thủy khe khẽ ngồi dậy, ghê tởm, rón rén lật lại người cho Khương, tháo tất, kéo chiếc quần jeans đang mắc hờ vào chân gã ta ra, đem vào nhà tắm.
Lối cửa ra vào có bóng người. Thủy giật bắn người.
Mẹ.
Bà ra đây kiểm tra cửa nẻo, móc lại cái áo khoác của Khương lên tường, và đứng khóc trong bóng tối. Thủy bước tới ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con nức nở trong đêm khuya.
- Mẹ thấy hối hận vì đã ép con lấy thằng Khương để sang Ba Lan. - Bà mẹ nói cho vơi cái sự dằn vặt trong lòng.
- Không đâu mẹ ạ. Con lớn rồi, tự làm tự chịu. - Thủy nói trong hàng nước mắt chảy xuống mặt tủi hận cho cái kiếp ê chề nhục nhã của con đàn bà trong Thủy.
Thủy còn khóc nhiều hơn nữa, những hôm sau, khi nằm bên Phú trong căn nhà gỗ xinh xắn ở cái camping mà họ hay đến. Phú là một thằng đàn ông không biết an ủi đàn bà. Gã ta chỉ biết lay hoay làm cho sướng cái thân mình rồi nằm vật ra đấy, mặc Thủy nằm khóc. Dù sao thì bây giờ Thủy chỉ còn biết dựa vào Phú mà thôi.
- Anh Khương đối xử với em ngày càng tệ. Em lo quá.
- Không việc gì đâu.
- Nhưng việc giấy tờ, chẳng lẽ em nhờ vả anh mãi sao ?
- Chẳng sao cả. Vài hôm nữa cưới đại một thằng Tây là xong.
- Anh giúp em nhé.
- Tất nhiên rồi. - Phú vỗ vỗ vào vai Thủy.
Thủy nằm sấp, ngoẹo sang bên nhìn vào tấm tranh in treo trên tường. Phú lại từ từ trườn lên người Thủy.
Cửa phòng bỗng lắc ầm ầm.
- Hai đứa chúng mày đang làm gì với nhau trong ấy thế hả ? - Giọng Thục bỗng vang lên sang sảng trong tiếng đập cửa.
Phú giật bắn người như thằng ăn trộm, nhẩy phóc dậy xỏ quần. Hai chân loay hoay chui vào một ống, líu ríu ngã lăn kềnh ra nền gỗ, làm rung chuyển cả căn nhà. Không kịp rút chân ra, tay vơ vội đống quần áo tung tóa dưới đất, trong đấy có cả của Thủy, Phú nhẩy lò cò vào buồng tắm. Tiếng huỳnh huỵch trên nền gỗ, tiếng đập cửa dồn dập, tiếng la ó chửi mắng của Thục làm cho Thủy buồn cười đến quên cả sợ. Thủy ngồi dậy dựa lưng vào giường, kéo chăn lên che ngực, ngồi bó gối cười khinh khích.
Ai đấy tra chìa khóa vào cửa. Thủy vẫn ngồi cười nức nở, còn Phú thì vẫn cứ lay hoay mãi trong buồn tắm. Thục xông vào.
- Mày cười cái gì hả con đĩ kia ? - Thục tiến đến tát một cái thật lực vào mặt Thủy.
Cú tát trúng vào tai. Đau đến váng đầu. Tay bận giữ chăn không kịp đưa ra chặn, Thủy nhận nguyên tất cả sự tức giận của Thục lên mặt, hằn đỏ vết nhục cuộc đời.
- Tao đã đem mày sang đây, lại còn giúp kiếm tiền, thế mà mày lại dụ dỗ thằng chồng tao để ra cái nông nỗi này. Cái l. mày đã qua bao thằng đàn ông chưa đủ hay sao mà còn phải nuốt thêm cái con c. của thằng chồng tao nữa ...
Ôi thôi bao lời chửi bậy nhất, tục tĩu nhất cứ thế mà tuôn ra từ miệng Thục. Bình thường chuyện các bà trên sân chửi bậy là không lạ, nhưng đây là đần đầu tiên Thủy bị chửi đích danh, chửi vỗ mặt như vậy. Bao nhiêu nỗi tủi nhục tràn hết cả ra hai khóe mắt. Thủy gục mặt vào chăn. Cả một bờ vai thon thả và tấm lưng cong tuyệt vời lộ ra ngoài làm loạn mắt những người đàn ông đi cùng. Nhác thấy bóng của các chú trong hội. Chắc lại bị Thục gọi đi cùng để chứng kiến. Dây mơ rễ má làm ăn, không dễ từ chối, vả lại đi chứng kiến cảnh đánh đập một người đàn bà cũng dễ hơn là đối đầu với hội cướp tiền trộm hàng. Thục tha hồ mà tung hoành, giật tóc Thủy mà chửi bới. Mãi mới có một ông lạ mặt đứng phía sau tiến lên nói khẽ:
- Thôi đi chị. Đủ rồi. Ở đây chỗ đông người, đừng ồn ào nữa. Cô ấy cũng đã nghe chửi nhiều rồi. Người có lỗi nhiều nhất trong chuyện này lẽ ra là anh Phú, chứ không phải cô ấy.
- Không phải thằng ấy, mà là con đĩ chó khốn nạn hồ li tinh này cơ. Mày cướp chồng bà. Bà phải xé xác mày ra cho biết tội. - Mụ lại nổi cơn tam bành.
- Thôi ! Thôi. - Ông kia tiến đến kéo lấy tay Thục, ngăn không cho Thục tiếp tục xông đến đấm đá Thủy.
Phú lúc này quần áo đã chỉnh tề, từ từ trong phòng tắm bước ra, giọng đã lại trở lại đạo mạo như trước:
- Chuyện gì mà cứ xấn xổ lên như thế ? Thôi về.
Thục lút cút bước ra cửa theo chồng, không nói một lời, tay rút ví thanh toán cho ông thám tử người Ba Lan. Các chú bác đại diện hội cũng lục tục kéo nhau ra cửa. Khương đứng lẫn trong đám ấy, cúi gằm mặt không nói một câu, lững thững bỏ ra, trông như người mất hồn. Ông lúc nẫy tế nhị bước ra, khép nhẹ cánh cửa căn nhà gỗ.
Thủy lặng lẽ mặc quần áo. Cô uể oải cài dây chiếc áo lót rồi xỏ áo pull vào. Cái quần jeans bó giờ đây sao chật chội khó thở đến thế. Lúc nẫy Phú vơ cả quần áo của Thủy chạy vào buồn tắm mà không thèm đem trở ra. Chiếc quần lót rơi ra nền, bị mọi người dẫm lên bẩn hết cả. Quần jeans thì thấm nước âm ẩm, thật khó chịu. Thủy thấy ghê tởm thay cho tấm thân mình. Cái cảm giác ấy cứ bước theo Thủy ra đến tận cửa.
- Này cô ơi ! Chưa trả tiền phòng. - Anh thanh niên ở chỗ quầy tiếp tân chạy ra chặn Thủy lại, hai mắt sắc lẻm vuốt nhẹ lên người cô.
Thủy sững người mờ túi. Cũng may là có tiền trong ấy. Cô thẫn thờ bước ra cửa tìm taxi về nhà.
* * *
Không có Khương ở nhà. Bé Thảo đi học chưa về. Chỉ có mỗi mẹ. Thủy ôm chầm lấy mẹ khóc nửa nở. Năm vết ngón tay đỏ lòm trên khuôn mặt thanh tú vẫn còn nằm lại, chứng tích cho một cơn nhục nhã trong đời.
- Khốn khổ cái thân con tôi. Vì sang đây mà phải khổ sở đến như thế này. Bà vừa chườm nước muối cho Thủy, vừa rên rỉ xót con. Những chỗ xước vì bị cào trên vai, thấm muối quằn quại đau đớn.
- Lỗi của con mẹ ạ. - Thủy nức nở trong tiếng nấc.
- Về thôi con ạ. Ở nhà mình sướng khổ có nhau. Hàng xóm láng giềng nó vẫn còn tình người, chứ không như bên này. Vợ chồng mà vẫn còn hằm hè nhau như kẻ thù.
- Không phải anh Khương đánh con.
- Thì mẹ nói là nói chung như thế. Đi đến các nhà khác đều thấy thế cả. Người ở bên này sống chỉ biết có tiền. Trúng quả thì hớn hở mua sắm, khoe của. Chẳng may lỗ thì về nhà đánh nhau, chửi nhau.
Thủy giật mình nghe mẹ nói. Mẹ có đi mấy đâu mà biết nhỉ.
- Tổ cha bố mày. - Bà mắng yêu. - Chuyện gì mà tao không biết hả. Đừng tưởng bà già này xó bếp nhá. Hôm nay chúng nó kéo đến đánh ghen mày, có phải không nào ? Kéo cả đám long tong hội trưởng hội phó đến để bắt nạt mày.
Nhỡ lại cảnh lúc nẫy Thủy lại khóc nấc lên.
Mẹ nói đúng. Đám long tong. Bọn đàn ông bên này vừa quê vừa hèn, chả có thằng nào ra dáng đàn ông. Có may ra chỉ được mỗi cái ông gì đứng phía sau.
- Mẹ lo chúng nó rạch mặt hay tạt a xít mày nên mới nhờ anh Đức trước là lính của bố mày đến đấy để nếu có gì thì còn can ra.
Thủy thầm biết ơn mẹ vô cùng. Cô dụi đầu như đứa trẻ vào vai mẹ, khóc thỏa thuê cho vơi đi cơn buồn.
- Về thôi con ạ. - Bà mẹ lại tỉ tê. - Nhà mình vẫn còn, chỉ khóa cửa để đấy. Ba mẹ con bà cháu nghèo khổ có nhau vẫn hơn con ạ.
Bé Thảo đi học về, nhìn thấy mặt mẹ, hớt hải lo lắng:
- Mẹ sao thế ? Ai đánh mẹ thế ?
- Bọn côn đồ đấy cháu ạ. - Bà cụ đỡ lời.
- Mẹ ơi, về Việt Nam đi. Con không thích đi học ở bên này đâu. Bọn Ba Lan ở lớp suốt ngày gọi con là đồ mọi da vàng.
- Mặc kệ bọn nó con ạ. Mình không thèm chấp với bọn mất dậy. - Thủy an ủi con.
- Nhưng mà chúng nó ác lắm mẹ ạ. Có một bọn con trai trong trường suốt ngày chửi con là kurva (điếm) và sờ người con.
- Sao ? - Thủy giật mình. Cả bà mẹ cũng thế.
Bé Thảo bỗng òa ra khóc nức nở không nói được gì.
- Thế các bạn khác trong lớp có trông thấy không ? - Thủy gặng hỏi.
Thảo gật đầu.
- Thế chúng nó có báo cô giáo không ?
Thảo lắc đầu, nức nở kể lể:
- Chúng nó còn cười và đứng nhìn nữa...
- Ôi khổ cái thân tôi. - Thủy rên rỉ, xong rồi lại gắt lên. - Lâu chưa ? Sao không báo cho mẹ biết.
- Lâu rồi ạ. - Bé Thảo sợ hãi. - Ngày nào cũng thế. - Phân trần. - Mẹ có lúc nào rỗi để nói chuyện với con đâu.
Phải rồi. Suốt hai tháng nay Thủy chả ngó ngàng gì đến con, mặc kệ hai bà cháu với nhau.
Ba người - mẹ con - bà cháu - già trẻ - quấn lấy nhau ngồi bệt xuống đất khóc thút thít. Căn nhà ảm đạm như có đám ma.
Cánh cửa bỗng xịch mở. Bóng Khương lừng lững bước vào. Không nói không rằng, đá tung đống giầy dép cản đường, anh chàng đi thẳng vào trong phòng, đóng sầm cửa lại. Mẹ Thủy kéo bé Thảo vào phòng trong. Thủy nhẹ nhàng bước vào. Cô gõ cửa, nhè nhẹ hé cánh, sợ sệt nhìn vào trong. Khương lôi đống quần áo trong tủ ra vất vào cái túi du lịch, lôi đống tiền đô giấu dưới gầm tủ lên, nhét hết vào trong người, lừ lừ bước ra ngoài.
Nghĩ sao, anh chàng quay lại nói với Thủy:
- Tôi sang nhà thằng Thắng ở. Từ nay cô liệu mà sống một mình. Tôi lấy lại cái quầy trên sân. Tiền nhà này đã trả đến hết tháng...
Thủy choáng váng, lao tới ôm chầm lấy Khương, níu kéo. Gã đàn ông hất mạnh tay vào ngực Thủy, đẩy dúi cô ngã vào góc tường, đầu đập vào thành giường đau điếng, tay chống xuống đất bị sái khớp, nhói lên.
Thủy lặng đi. Đến bây giờ thì tất cả những cái nhục nhã, tủi hờn mới kịp tràn đến. Thủy không khóc, ngồi lặng câm, lạc lõng trong căn phòng nhỏ. Cô ngồi sóng xoài ra đất, vẻ bất cần, lưng đè vào tường, đầu ngã ra, tóc xõa xuống. Với tay lấy bao thuốc trên tủ, chạm vào chai Johny Walker, Thủy tu một hơi thật mạnh, làm mặt bừng lên vì nóng. Vị rượu khan đặc, trộn với hơi thuốc lá đắng ngắt, cùng với cơn khát lúc nãy, làm cho Thủy phải thở hắt ra một tiếng khô đanh. Lúc này Thủy chỉ muốn gào lên thật to cho xua đi hết những cái nỗi đau đớn đang cắn xé trong người. Thủy muốn hét lên, muốn đập cho tan cái tấm kính tủ, muốn đốt phá thành tro bụi đống chăn trên chiếc giường nhầy nhụa. Thủy muốn đập đầu vào tường, muốn cắt đứt những cái mạch máu đang chạy dài trên cánh tay. Nhưng Thủy chả làm được gì cả. Cô vẫn cứ ngồi bệt ở đấy, nốc cho hết chai rượu mạnh, châm thuốc lên tục, đầu óc quay cuồng, cảnh vật xung quanh mờ dần đến ngã vật ra...
- Ôi thôi. Khổ cho cái thân con tôi. Thủy ơi. Con ơi là con. - Tiếng bà mẹ hớt hải, thất thanh trong cái mờ ảo của cơn say. Thủy lờ mờ cảm thấy hơi nóng từ đám lửa táp vào má.
Điếu thuốc trên tay đốt cháy tan một góc thảm. Đầu Thủy lúc ấy đang gục xuống nền nhà. Đám lửa lan sang mái tóc dài, hắt lên mặt, tràn xuống áo. Ngồi trong phòng, ngửi thấy mùi khét, bà mẹ chạy sang. Tá hỏa tam tinh bà lại hất đổ chai rượu uống dở ra đất, làm lửa bắt vào cái quần jeans, lan nhanh vào dàn tủ gỗ. Hoảng hốt, bà gọi cháu, oặt oẹo kéo Thủy ra ngoài. Bé Thảo nhanh trí chạy sang nhà hàng xóm đập cửa kêu cứu.
Thủy vào bệnh viện. Vết bỏng to và nhiều nhưng không nặng. Cả một góc cánh tay bên phải lỗ chỗ, phồng rộp. Bụng và ngực đau rát, nhưng không nặng lắm. Mặt bị một vệt dài dọc má, chắc sẽ thành sẹo. Chân nhờ mặc quần jeans nên không sao.

<< 2. Đi Ba Lan | 4. Trưởng thành >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 880

Return to top