Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> KHU PHỐ NHỎ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 565 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

KHU PHỐ NHỎ
Huân Long

 
     Tôi gọi khu phố đang ở là nhỏ, song thực ra nó chẳng có vẻ nhỏ chút nào.  Trái lại đó là những dãy nhà nằm ngay ở con đường trung tâm thành phố, gần trường, gần chợ, gần xe buýt, kề công viên, giá thuê rẻ, đông đồng hương, dễ dàng đi bộ đến các nơi mua sắm, tiệm ăn, dịch vụ linh tinh, ấy là mẫu quảng cáo ra rả được các vị có nhà mời chào khi cần gọi người đến thuê ở.
Ai cũng coi là nhỏ vì dân cư rặt toàn một nhóm người bộ tộc như nhau, ra vào không thể lẫn lộn.  Cư dân chẳng cần phải học tiếng nước ngoài vẫn băng băng tiếp xúc được với nhau rào rào, thấu đáo.  Còn về phong tục lề thói thì nơi đây ăm ắp có thừa, nón lá, bà ba, dép Nhật, quần ngắn vốn không thiếu.
Nếu trời không làm một cuộc phong ba, khiến dân tôi rủ nhau ào ào nhảy ra biển chạy trối chết thì chắc là khu phố này chẳng lấy đâu ra cái nhóm người ngụ cư của đất nước tôi.  Có lẽ muôn năm nơi ấy còn thuộc về sắc dân khác.
Ấy thế rồi người nước tôi ngày đông dần, những trung tâm mọc lấn ra nhanh chóng, nhóm đa số ngày trước bỗng trở thành ít đi, chẳng cần đuổi họ cũng mau doãi ra, nhường cho đám đầu đen da vàng lấn chiếm dần nhà cửa và biến đổi các nơi chật hẹp thành những trung tâm mua bán, chuyển tiền, văn phòng làm răng, chỉnh hình và cơ man là bác sĩ, tiệm thuốc.
Đến khi nghề địa ốc nổi như cồn, lại một phen đổi đời, đâu cũng thấy văn phòng giao dịch mua bán nhà đất.  Và tiệm neo, hớt tóc, mát xa, cà phê, nhà hàng, tiệm vải, bún, phở, chả giò, chè bà ba bà bốn, bánh mì, hủ tiếu, heo quay, thịt nguội mở vung tí mẹt ra.  Thế là lăng xăng thêm một vài tòa báo cũng góp sự hiện diện vào, đề bảng tòa soạn hẳn hoi, có thực, có giả, có đông, có vắng, chẳng ai lần ra đúng sai hết.
Khi lọt vào thuê được một căn phòng bé tí tẹo với cái giá hời hời, tôi đã sướng run người.  Bà chủ phố đồng hương lấn dần đất trong căn phố, mở thành những phòng tùm hum nóng nực, thậm chí đến cái ga ra cũng làm thành phòng đăng bảng cho thuê trọ luôn.  Miệng các vị ấy dẻo queo viện dẫn đến tình đồng hương, đồng khói, giúp đỡ nhau khi cơ nhỡ bần hàn, song có vào trong chăn mới biết bé cái lầm..  Trăm thứ tiền đóng góp vào chung : tiền điện, tiền nước, tiền rác cứ nhích tăng rào rào như mưa vãi.  Ngược lại nếu có được các vị nhờ làm thứ gì thì kèn cựa trả hết sức nhỏ giọt cho nhau.
Ví dụ có ông bà chủ thầu được món nhồi bông hay nhận phân chia nhãn quảng cáo, các cư dân thuê phòng đều được mời góp tay vào.  Giá cả cò kè bớt từng xu,  công nhân cong lưng làm suốt từ ngày đến tối.  Đã thế lại còn bị đòi đưa số an sinh xã hội để các trự khai trừ thuế cuối năm.  Người dễ dãi thì xa va, nhưng ai đắn đo thì từ chối là y như có chuyện.  Có nhà đông con nít, gạ bà con trông hộ cháu, tiền do cơ quan xã hội trả mà vẫn xén bớt làm của riêng, thậm chí còn léo lận để ăn luôn phần người giúp việc nữa. Hễ mở miệng là nêu việc làm phước, kể công dẻo queo như san nhà xẻ cửa cho nhau vậy
Thành viên khu phố tôi gom lại có giới trẻ với giới già.  Gọi như thế cho gọn, chứ rạch ròi phân hạng thì nhiêu khê lắm.   Chằng hạn già có thứ già sồn sồn hoặc gìà hoắc cần câu, còn trẻ thì cũng dăm bảy đường, trẻ ngon trẻ ngọt, hoặc đắng như khổ qua, bồ hòn ấy chứ lị.
Dù là giới nào đi nữa thì rõ rệt nhất các vị lớn tuổi vẫn là cái hàn thử biểu sống để thiên hạ nhìn đoán được ra thời tiết hôm sau.  Cứ thấy bỗng dưng một sáng đẹp trời các cụ đua nhau mặc dầy, mặc ấm là y như báo trước thời tiết thay đổi nay mai đó thôi.  Chỗ này các cụ hắt hơi, chỗ kia ngáp vặt, nước mắt nước mũi đổ dài, chân bước đi nhấc không muốn nổi, các cụ than ôi cái tuổi già chết tiệt sao không chết phứt cho rồi.
Ấy vậy nhưng chẳng mấy cụ chịu xuôi tay nhắm mắt mà vẫn dung dăng dung dẻ đến hay.  Cụ chống gậy, cụ ì ạch cái xe đẩy, nhưng đâu cũng thấy bóng các cụ.  Cà phê, cà pháo, tiệm bún, hàng cơm, cho đến hội hè, họp mặt chẳng ai từ nan không đến dự.  Các cụ than bị con cháu bỏ rơi, cuộc đời buồn, hăm he đòi trở về quê cha đất tổ, ấy vậy mà cứ thấy các cụ bám mãi cái đất này.  Ai có đùa vặn hỏi thì cụ nào cũng bảo sắp sắp rôi.
Thực ra, các cụ có muốn đi cũng không đi được.  Ở đây buồn nhưng còn cơ quan xã hội họ lo, tháng tháng chi cho dúm tiền, ốm đau vào nhà thương làm phúc, mua thuốc khỏi trả một xu, đi đâu cần xe có người lo cho đến nơi đến chốn.  Buồn tình lâu lâu về thăm lại quê hương, lờ đi việc báo bổ để khỏi bị cắt tiền.  Chơi dăm tuần, hàng tháng lại trở sang để than buồn, than muốn về nữa.  Ôi cái sự đời rắc rối làm sao.
Giới trẻ thì đua nhau học chết bỏ.  Phần đông chọn các môn khó nuốt, khó nhằn vì hi vọng tốt nghiệp được mời đi làm và chia “ se “ cả cọc.  Năm nào các trường tổng kết, giới trẻ ta luôn đạt thứ vị cao.  Người chán chữ nghĩa thì rủ nhau đi học và đầu quân vào ngành “ neo “, kiếm tiền chẳng ít.  Lắm cô chỉ làm rặt một nghề cầm tay cầm chân khách mà nhà cửa, xe cộ ầm ầm, tiền rủng ra rủng rỉnh, một hai năm lại làm một chuyến du lịch khắp nơi.
Chả biết việc nào hay, việc náo dở, ở xứ này chỉ có đồng tiền là trên hết.  Kẻ có tiền, nói nhăng nói cuội cũng có người nghe, không tiền ngồi chảy thiu chảy thối cũng chẳng ai thèm hỏi.
Tình yêu nơi đây cũng dăm bảy mươi đường.  Y như kiểu xập xám binh thế nào cũng gọn.  May thì hơn nhau tí ách, tí già hoặc không may thì chèn nhau bắng một đôi lớn hơn một tẹo.
Năm có bốn mùa các cô thay nhau diện ơi là diện.  Lúc nào cũng lăm lăm cái điện thoại cầm tay.  Vừa ở nhà thoát ra đã móc gọi linh tinh vi vút, lái xe ra chẳng kể nhìn trước hoặc nhìn sau.  Làm cái ào còn nhanh hơn gió cuốn, rồi lái xe mà tai bịt kín cái i-pod hay miệng lâm nhâm nhịp một điệu hát phừng phừng.  Lắm lúc người đi đường cảm thấy ớn ợn vì nhỡ các đấng rửng mỡ lái văng tê, sơi ngọt mất cái chân hay hạ nằm đài chờ xe cứu thương đến rước.
Mốt miếc đời nay thấy mà sợ, cả trên người chỗ nào cũng có khoen.  Thứ to, thứ nhỏ, lủng la lủng liểng, bước chân đi nghe xào xạc vang rền, tưởng như xe bán kẹo kéo bên nhà vừa chuyển sang mời chào bằng điệu nhạc.
Lỡ ai có ý kiến ý càng là bị ngay một cái nguýt sắc hơn dao cau.  Vô phúc lại bị tương một câu tiếng Anh giọng Đan Mạch nghe mà đau điếng.  Các mợ đi với nhau nói toàn chuyện trên trời, thằng này mê, tay kia bị đá cho một hèo rớt tuốt.  Cô nào cũng thấy mình đang là người mẫu chân dài hay tài tử xi cà la ma sắp nổi tiếng.
Nghe quí nàng khen lẫn nhau, cứ tưởng các vị đang ngủ mê.  Cô khoe giống Jennifer Lopez, cô nịnh bạn chao ôi đằng ấy giống vô cùng với Aniston đấy.  Sướng nhé, mũi nở phồng hơn cả lốp Bridgestone, chả thế mà cửa hàng nào “ xeo “ chẳng mấy khi các nàng vắng bóng.
Nói đến tủ áo, kệ giầy kể cũng công phu.  Màu mè trăm kiểu, mẫu mã ngàn “ xai “, lại thêm giày da, dép mỏng, mùa nào thức ấy.  Chả hiểu tiền ở đâu mà các quí mợ sắm ê càng.
Ngày tôi mới đến ở, xem ra dân Mễ vẫn còn nhiều.  Cuối tuần hay các ngày giỗ tết nhức cái đầu vì loa mở hết cỡ và dặm giọng bass uỳnh uỳnh muốn vỡ tim.  Trẻ con thì chạy xồng xộc, đâm quàng vào bất kể ai không tránh kịp.  Đàn ông, đàn bà uống xoành xoạch bia rượu và hát ồm ồm.
Tôi nghĩ chắc sắp tới họ dựng thủ đô luôn tại đây thì mỗi năm ngày Cinquo de Mayo có nước lặc lè ngáp ngáp, tuổi thọ bị rung rinh.  Vậy mà chỉ loáng vài năm, các đấng âm thầm dọn đi sạch, trả lại cái giang sơn ở đợ lại cho sắc dân tôi.  Bây giờ thì thắp đuốc ba năm chẳng còn một gia đình Mễ nào nữa.
Của đáng tội là vẫn có lảng vảng họ đấy chứ, song là do dân ta hằng anh dũng thuê các đấng về để làm hộ khu vườn, tráng cái nền, đào con mương và chiều đến trả công kèm thêm bonus một xách bia là được cám ơn rối rít.
Có họ thì ồn ào, song vắng họ lại thấy buồn tênh.  Chả là ban ngày ban mặt hầu hết nhà đi vắng, chỉ còn đông các cụ hay các bà ở nhà.  Các cụ thì vì chân yếu tay mềm, chưa đi đã muốn thở rốc ra, còn các bà thì là nữ tướng nội vụ lo bữa cơm, giặt giũ ấy mà.  Hẳn nhiên là mười nhà hết chín đều mở đài xem phim bộ hay ca nhạc, cải lương.  Hoặc là mua, hoặc là thuê, cho mượn nhau lòng vòng rồi mới trả.
Chả cần nghe than gạo lên, thịt mắc.  Bọn trẻ đi học, chiều về mới thấy bóng chạy rông.  Ôi, văn minh khiến ể mình ể mẩy.  Đứa chơi skateboard, đứa đạp xe rào rào, nói với nhau toàn tiếng Anh, tiếng Mỹ.  Nhà có gọi về ăn cơm thì cũng hết cả hơi, chúng vùng vằng chán mới lò dò về tới.  Câu đầu tiên là chúng khiếu nại lung tung Mom với Dad nhặng lên rau rảu.
Đấy cái khu phố nhỏ của tôi nhiêu khê và phức tạp thế ấy.  Rất nhiều lần tôi muốn dọn đi chỗ khác cho rồi, song lại sợ thả mồi thì vớ phải một chỗ còn tệ hơn.  Vả chăng, như người ở gần đường tàu đêm đêm bực mình vì chuyến xe qua lại làm cho mất ngủ, dời đi rồi thì lại vắng tiếng động nên cũng thao láo cặp mắt ra.  Thôi thì dù sao đồng hương đồng khói vẫn là mình với mình, gần cận nhau để nhỡ khi tối lửa tắt đèn còn nhờ vả nhau chút chút cũng vui.
Cho nên tính ra tôi là con dân của khu phố nhỏ này dễ cũng đến dăm năm nào có ít.
Huân Long



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 423

Return to top