Quá nửa đêm, đồng chí Khu phó Vệ quốc đoàn Quân khu XI tới cuộc họp. Hội nghị ngừng cuộc thảo luận về vấn đề Liên khu I, để nghe Khu phó báo cáo về tình hình mới.
Khu phó bước nhanh tới cái bàn lim thấp, trơ trọi, lạnh ngắt, không có một thứ gì để ở trên. Sau lưng đồng chí, và cách xa cái bàn, trên tường chỉ còn treo lá cờ nước bạc màu và ảnh Hồ Chủ tịch. Các cán bộ thành uỷ, các cán bộ chỉ huy Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu, các đại biểu công đoàn, thanh niên, phụ nữ cứu quốc thành, họp chung, chừng bảy, tám chục người. Họ ngồi hai bên dãy ghế học trò, ở giữa có một lối đi không thẳng, đầu ghế chỗ thò ra chỗ thụt vào, chỗ xít lại nhau. Đằng sau, hàng chục dãy ghế không có ai ngồi. Phòng họp rộng thênh thang của trụ sở tự vệ chiến đấu trông như cái lễ đường của nhà thờ ít người cầu nguyện. Khói thuốc lá bốc lên ở vài chỗ. Rét ngăn ngắt do cái khí lạnh bên ngoài, do tâm trạng của mọi người và cũng do cái trống rỗng của gian phòng đã bày ra cái quang cảnh thu dẹp sạch và bỏ không. Thỉnh thoảng có những tiếng ho. Chung quanh chỗ Quốc Vinh người ta ho nhiều nhất. Quốc Vinh ho nhiều hơn cả, và anh rất bực mình. Thấy ở dưới ho, đồng chí Bí thư Khu XI ngồi ở hàng ghế đầu, cùng một dãy bên phải với Quốc Vinh, thỉnh thoảng nhìn xuống rồi lại quay lên. Quốc Vinh ngồi ở hàng ghế thứ ba. Người anh bé nhỏ như bị lút đi. Bên cạnh anh là Dân, vững như một pho tượng. Chốc chốc Quốc Vinh ngước đôi mắt lồ lộ nhìn lên cái đầu húi ngắn của đồng chí Bí thư, ngồi giữa đồng chí Hoàng Siêu Hải, trung đoàn phó, và Lê Trung Toản, bí thư Liên khu I, cán bộ trực tiếp phụ trách của anh. Hàng đầu dãy ghế bên trái là các đồng chí phụ nữ. Mặc áo bông cộc tay, khăn vuông đen buộc sau gáy, Oanh thay đổi hẳn, trông như một chị tiểu thương, bộ răng trắng trở nên rợ rợ. Đằng sau, các đồng chí Phụ trách bảo vệ phủ Bắc Bộ: Nguyễn Gia Định, chính trị viên và Hồng Lưu, tiểu đoàn trưởng, người cán bộ quân sự mà bất cứ trong cuộc hội nghị nào Quốc Vinh cũng thấy sán đến đám phụ nữ… Quốc Vinh xuýt xoa vì bàn chân lạnh buốt. Bàn tay trái cuộn vào đưa lên miệng ho làm cho mặt anh đỏ ngầu như khóc, bàn tay phải kẹp cái bút máy Parker hạng thường vào cuốn sổ tay loại vở học trò.
Gian phòng im lặng, một thứ im lặng chết. Chỉ nghe tiếng sành sạch của cái bản đồ Hà Nội đồng chí Khu phó treo trên cái bảng đen, tiếng rít rít của chân bảng mà đồng chí kéo lại gần mọi người. Đồng chí người cao và đen sắt. Qua cái cổ áo sơ-mi ka-ki vàng, người ta thấy cái cổ áo nâu, màu báo trước của một cuộc sống gian khổ, ngoài thành thị. Tay xoa trên cái bản đồ, Khu phó nói, giọng nông dân không phân biệt chữ l và n, và pha rất nhiều chữ nho, cái tật của những người ở hải ngoại về. Từng câu rót vào tai những người ngồi nghe nín thở:
- Tình hình có vài cái mới. Theo tin tức điều tra cuối cùng thì Pháp đóng trong thành quân có 2.000; liên thanh nặng, liên thanh nhẹ, 500 khẩu; đại bác 37 ly, 30 khẩu; xe tăng nhẹ, 16; thiết giáp, 20; xe gíp, 60. Khu Đồn Thuỷ hiện đóng 500 bộ binh đủ súng ống; liên thanh nặng, 20 khẩu; liên thanh nhẹ, 60 khẩu; đại bác 37 ly, 20 khẩu. Trường bay Gia Lâm, 1.000 bộ binh, đủ súng ống, đại bác 6 cỗ, xe tăng 5 chiếc, phi cơ có 20 hay 30 chiếc. Lực lượng rải rác các phố lẻ tẻ như suốt từ nhà ga Hàng Cỏ này đến nhà thương Đồn Thuỷ, từ nhà thương Đồn Thuỷ đến nhà đèn Cửa Nam, dọc theo đường Cầu Giấy tắt lên trường Bưởi tới nhà máy điện, máy nước Yên Phụ, đáng kể nhất là cứ điểm trường Bưởi có 200 quân… Mấy ngày hôm nay, chúng cho thêm gần 1.000 quân từ Hải Phòng lên, gồm những lính mũ đỏ, lính thuộc địa và thổ phỉ. Chúng chuyển vận các kho súng đạn bằng ca-nô từ Hải Phòng lên Hà Nội tập trung vào trong thành. Chúng bí mật phân phát súng đạn cho các nhà Pháp kiều, nhất là những nhà ở gần vị trí ta ở.
Về lương thực, từ đầu tháng chạp tây, và nhất là mấy ngày hôm nay liên tiếp, địch tải rất nhiều bột mì ở Hải Phòng lên bằng tàu nhỏ, cho xe chở từ bến Phúc Tân vào trong trại. Chúng đặt các nhà thầu bí mật mua gạo, trâu bò, lợn gà để nuôi trong thành.
Quốc Vinh ghi vào cuốn sổ: triệt bọn tiếp tế cho giặc: Vạn Lợi, Vĩnh Thịnh, tụi lưu manh: Mác-xen, và gạch đít ba lần một cách bực tức.
- Về hành động, như các đồng chí đã biết, hàng ngày chúng cho quân đội, nhất là bọn lính mũ đỏ đi các phố, bắn súng chỉ thiên, bắn vào người ngoài phố, bắt cóc người , để làm cho dân chúng hoang mang và kiếm chuyện với chính phủ ta, chúng nói là ta khiêu khích rồi đòi đóng vị trí này, vị trí khác. Nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ, nhà ga, chúng đòi gác chung với bộ đội ta. Chúng cho Việt gian ngấm ngầm thủ tiêu bộ đội của chúng ta và thưởng tiền rất hậu. Chúng giở mặt như thò lò. Nhà máy đèn Bờ Hồ, một thằng lính Pháp vừa nói chuyện xong với một đồng chí bộ đội cùng đứng gác thì một lát sau đã bắn chết đồng chí ta ở ngay trước cổng. Ngang ngược hơn nữa, ngày mười bảy chúng gây ra vụ khủng bố ở ngõ Yên Ninh và hôm qua mười tám chúng bất thần mang quân chiếm đóng sở Tài chính, bắn bức kích pháo vào chợ Đồng Xuân.
Quốc Vinh ngẩng đầu lên nhìn Khu phó. Mặt anh hốc hác vì những đêm không ngủ. Mỗi khi bản báo cáo nói đến một địa điểm nào thuộc phạm vi phụ trách của anh, anh thấy như bị chạm đến người và giỏng tai nghe. Anh có cảm tưởng như nhiều người nhìn anh. Vi Dân không ghi nhiều như Quốc Vinh. Đến đây, Quốc Vinh nghe Dân hỏi khẽ một cách rí rủm theo cái kiểu của anh ta: “Anh có đồng ý “oánh” cho nó một mẻ không?”, rồi nói trong cuống họng: “ục, ục, ục!”. Anh ta lại cúi xuống ngắm quả lựu đạn cầm trong bàn tay to lớn, nghiên cứu cách buộc dây vào nó để ngồi đằng xa giật. Miệng anh thót vào như đang thổi sáo. Quốc Vinh lặng lẽ đặt bàn tay lên cái đùi rắn chắc của Dân và bấm khẽ một cái. Anh rất mến người đồng chí công nhân mà chính anh đã giác ngộ và tổ chức vào Đảng. Ngồi bên người đồng chí mới, bây giờ đã cùng anh dự một hội nghị quan trọng, anh bằng lòng như được một phần thưởng và tin yêu thêm Dân, trong tin yêu có cả niềm âu yếm che chở của một người đồng chí cũ. Khu phó nói tiếp:
- Tất cả những hành động của địch là theo một kế hoạch chuẩn bị để tấn công ta. Chúng đổ lỗi cho chính phủ ta là không giữ được trật tự để tiến một bước đòi nắm công an…
Một khoảnh khắc im lặng nặng như trước cơn giông. Tất cả những người trong cái gian phòng họp lạnh bỗng đờ ra, quả tim như ngừng đập. Mấy ngọn đèn điện trên trần đỏ ngầu những sợi đỏ dẫn điện trong bóng, yếu như sắp tắt dần. Khu phó nói:
- Trước mặt chúng ta chỉ có hai con đường. Một là đánh lại và cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nổ ra. Hai là giao lại cái chủ quyền của chúng ta cho chúng nó, và chính quyền cách mạng không còn nữa.
- Không thể được! Không thể bán đứng chính quyền cho Pháp được!
Tiếng nói như thét, như khóc, cất lên, âm vang cái phòng trơ trụi và lạnh giá từ lúc nãy chỉ đơn điệu có tiếng Khu phó báo cáo. Một người cao lớn đứng lên, mình bận áo trấn thủ Vệ quốc đoàn, ngoài khoác áo tơi dạ của lính. Đấy là Hồng Lưu, một người trạc ba mươi tuổi, mặt vuông, cằm bạnh, nước da đen, đã có những nét nhăn trên trán. Anh đứng lên thì câu nói cũng vừa xong. Anh ngồi phịch xuống, môi vẫn còn mấp máy, run run. Mọi người đều nhìn anh như để biểu đồng tình. Những cái đầu lộn xộn. Người ta có cảm giác đỡ được cái lạnh thấm vào da thịt từ nãy đến giờ. Như sau một trận mưa gió quay cuồng giữa cơn bão, trời đất lại trở về cái yên tĩnh mong manh đầy đe doạ, hội nghị lại im lìm trong phẫn kích. Mép Khu phó nhếch một nụ cười thật thà, kín đáo và đồng tình, nụ cười của một cán bộ lãnh đạo trong cái phút sung sướng thấy mình đang ở giữa những người đồng chí sẵn sàng cùng mình chia sẻ những khó khăn, những cay đắng ngọt bùi, trái tim cùng đập trên con đường sống chết cùng đi. Khu phó chỉ lên bản đồ:
- Đồng chí Vương Thừa Vũ còn đang họp với bộ tổng chỉ huy. Tôi xin thay mặt đồng chí Khu trưởng nói để các đồng chí rõ về những nhận định và dự đoán của ban chỉ huy khu XI như sau. Ý đồ của địch là sẽ dùng trong thành làm cứ điểm chính để tấn công ta. Để thực hiện cái chủ trương chiến lược Tốc chiến tốc quyết của chúng, địch sẽ chớp nhoáng chiếm lấy các đường mạch máu ngoài thành phố như cầu Long Biên, Chèm, Vẽ, Bưởi, Yên Thái, Ô Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Trung Hiền, Vĩnh Tuy v.v… để quây tròn chúng ta vào giữa, rồi sẽ chia thành phố ra làm nhiều mảnh hòng tiêu diệt ta một cách gọn gàng. Trong nội thành, đường lối tấn công của chúng là: Thứ nhất, do Cửa Bắc tiến sang cầu Long Biên để chặt đứt Liên khu I ra làm đôi, đồng thời tiến lên Ô Yên Phụ để tiêu diệt nhà máy điện, nhà máy nước, tắt sang đường Cổ Ngư, vòng lên Chèm để vây khu Yên Phụ vào trong. Thứ hai, do Cửa Đông cũng đánh tới cầu Long Biên để trợ lực cho đạo quân Cửa Bắc rồi hòng quét ngang xuống Tràng Tiền để liên lạc với đạo quân ở đó. Thứ ba, do Cửa Tây chia ra làm hai đường, một đường tiến qua Bách Thảo tới Bưởi, một đường tiến thẳng tới phố Đội Cấn. Thứ tư, do Cửa Nam chúng chia ba đường tiến, một tới Cầu Giấy, một dọc theo đường Tràng Tiền tới Bắc Bộ phủ, một tới thẳng nhà ga, qua phố Trần Hưng Đạo xuống liên lạc với Đồn Thuỷ, cứ điểm quan trọng thứ hai của địch. Ở đây, chúng sẽ tiến binh như sau: một, chúng tiến ra giữ con đường đê để kiềm chế mặt bờ sông; hai, tiến xuống tiêu diệt khu vực Lò Lợn; ba, một mặt tiến qua phố Lý Thái Tôn tới Bắc Bộ phủ hợp lực với đạo quân Tràng Tiền, một mặt tiến theo con đường Trần Hưng Đạo để hiệp lực với cánh quân ở ga chiếm nhà Đấu xảo, sở Công an, nhà lao v.v… Còn các cứ điểm khác như ở bến Phà Đen thì một mặt chúng giữ đường sông để Gia Lâm tiếp viện sang, một mặt chúng kẹp vào Lò Lợn. Trường bay Gia Lâm, chúng bố trí rất là kiên cố, phòng thủ ráo riết vì đó là nơi tập trung lương thực, dầu xăng để tiếp viện cho các nơi như Sơn La, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội, và đó cũng là cứ điểm phi cơ để oanh tạc ta trong khi chiến đấu. Đấy, đại khái mấy anh Tây định chơi ta như thế đấy.
Khu phó rời cái bảng đen và bước lại trước cái bàn lim, liếc nhanh xuống cái đồng hồ đeo tay. Mọi người đang cúi xuống sổ, hay cái bản đồ Hà Nội riêng, vạch bằng ngón tay hoặc đuôi bút máy những con đường Pháp sẽ tiến quân. Bỗng Hồng Lưu đứng dậy, nói:
- Chúng tôi, những người Vệ quốc quân, chúng tôi quyết không để cho Pháp thực hiện được ý đồ của chúng. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại một đề nghị là cho chúng tôi thêm người và võ khí. Hiện nay, không nói là về võ khí, phi cơ, đại bác, xe tăng, Pháp nó trội hơn ta hẳn, chỉ riêng về số lượng người, chúng ta cũng rất kém. Súng trường của chúng ta không đầy một nghìn rưỡi khẩu, mà phần lớn là cũ. Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu thì không được bốn tiểu đoàn rải rác trên một chiến trường rộng lớn bao gồm cả nội, ngoại thành. Có thể nói là không đủ. Chúng ta có thêm một số công an xung phong và anh em tự vệ các khu phố. Nhưng những “tự vệ cậu” thì chỉ dùng được phần nào thôi. Mấy tay công tử phất phơ ấy, đi đào hố một tí đã xin về tắm rửa, bắt đầy tớ xoa bóp, cái này thì đồng chí Quốc Vinh biết hơn tôi, trông cậy được vào khối ra đấy.
Hồng Lưu ngồi xuống, sau khi đưa mắt rất nhanh về phía Quốc Vinh. Oanh quay lại cau trán, giơ một ngón tay bảo Hồng Lưu “Tôi không đồng ý với anh”. Quốc Vinh cười lặng lẽ. Về nhiều vấn đề, ý kiến của anh và của Hồng Lưu đã va chạm nhau suốt từ nãy và đã choán một số thì giờ khá lớn của hội nghị trước khi Khu phó tới. Dân nhỏm người lên nháy mọi người như mình định phát biểu ý kiến, nhưng lại ngồi xuống ngay. Anh nói:
- Đề nghị nghe đã ạ.
Đồng chí Bí thư đứng dậy:
- Các đồng chí bình tĩnh! – Và quay bảo Khu phó – Anh nói.
Khu phó nhìn Hồng Lưu cười thoáng qua, rồi nói tiếp:
- Các đồng chí tức lắm phải không? Muốn thắng ngay chứ gì? Muốn thắng thì có bao nhiêu đánh bấy nhiêu. Đừng xin thêm người, thêm võ khí. Không có nữa đâu. Ta cướp chính quyền mới được hơn một năm, mà thế nào, tài chính không có, lại đói, thằng Pháp thằng Nhật nó làm hai triệu đồng bào chết đói, các đồng chí còn nhớ đấy, đói rồi lại lụt, rồi Tàu Tưởng vào tám chín tháng, rồi Hiệp định sơ bộ, ta cho thằng Pháp vào đóng ở một số nơi, rồi nội phản, rồi chiến tranh Nam Bộ, dư dật gì mà sắm được nhiều võ khí, mà xây dựng được nhiều quân đội? Các đồng chí nghĩ xem.
Nhiều cái đầu gật gù, hơi miệng bốc ra hoà với khói thuốc lá. Khu phó nói:
- Bây giờ quay trở về vấn đề. Cái ý đồ của Pháp thì như thế rồi. Nhưng nó có thực hiện được không? Không có ta thì nó thực hiện được đấy. Mà ta thì không để cho nó thực hiện. Ta không đời nào bán rẻ Tổ quốc của chúng ta. Ta đã tỏ rõ cái ý chí cương quyết của ta cho chúng nó biết. Cuộc hội kiến giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp và thằng Moc-li-e chiều hôm qua không quá năm phút, và ta coi đó là cuộc gặp cuối cùng. Giữa Hồ Chủ tịch và Xanh-tơ-ny không còn có một cuộc điều đình nào nữa. Chúng ta đã nhẫn nhục đến cùng để cố duy trì hoà bình, nhưng cũng không được với chúng nó. Bây giờ thì ta phải làm gì, các đồng chí? Ban chỉ huy và khu uỷ khu XI đã hạ quyết tâm là cương quyết bảo vệ thủ đô. Chúng ta quyết noi gương trung liệt của cụ Hoàng Diệu tử tiết với thành Hà Nội tám mươi năm về trước, muôn đời nêu cao một bài học chính khí chói lọi trong cuốn sử chống Pháp của dân tộc ta.
Hội nghị ngẩng đầu lên nhìn Khu phó như những cây cỏ vươn lên sau cơn mưa. Người nói tán thành, người nói đúng, đúng, người nói phải đánh. Thuốc lá khói um. Máu bốc lên đầu Quốc Vinh. Nhưng anh càng thấy chân tay anh lạnh giá. Anh vẫn lắng nghe, tay cầm bút tô đậm nét chữ Hoàng Diệu viết rìa ngoài trang vở.
Tiếng Khu phó sang sảng:
- Nhưng chúng ta phải làm thế nào? Đối với chủ trương tốc chiến tốc quyết của nó, ta chủ trương trường kì kháng chiến, toàn dân, toàn diện kháng chiến. Về chiến lược thì ta chia ba giai đoạn phòng ngự, cầm cự và tổng phản công. Chiến thuật tức là du kích chiến tranh. Những điều ấy các đồng chí đã học, tôi chỉ nhắc lại, không nói thêm nữa. Thì giờ gấp lắm rồi. Tôi nói ngay vào vấn đề đối phó trước mắt của ta. Kháng chiến nổ ra thì trên chiến trường toàn quốc, nói chung, là ta ở vào giai đoạn phòng ngự. Hà Nội là thủ đô, là vị trí đầu sóng ngọn gió, phải đương đầu với lực lượng mạnh bậc nhất của địch. Cuộc chiến đấu ở Hà Nội mà tốt thì sẽ có tác dụng lớn đối với toàn quốc và có ảnh hưởng vang dội ra ngoài thế giới. Vậy thì trong giai đoạn này Hà Nội phải như thế nào? Hà Nội phải kéo dài cuộc chiến đấu. Cái cách ta chia các khu quân sự là nhằm mục đích ấy. Các khu ở ngoại thành như Liên khu II, Liên khu III có nhiệm vụ giữ địch không cho chúng tràn ngay ra hậu phương của chúng ta. Liên khu I thì cố thủ ở trung tâm nội thành. Đây là một chiến thuật táo bạo, hiểm ác như gây một độc trùng trong tim địch.
Khu phó bước nhanh tới cái bảng đen, chỉ bằng ngón tay trỏ lên bản đồ:
- Chúng định đánh trong thì ở ngoài ta ép chặt vào. Chúng định đánh ra ngoài thì ở trong ta lại thúc ra. Cứ như vậy làm cho địch lúng túng, trong ngoài bị giằng co, thúc đánh không biết đỡ đằng nào. Chúng giữ được trong nhà thì cửa ngõ mất, gác ở cổng thì nhà bị phá ra, quanh quẩn không tìm được lối nào đối phó. Cuộc chiến đấu ở Hà Nội càng kéo dài thì ta càng có thời gian để củng cố, xây dựng hậu phương của chúng ta, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt. Nhân dân cũng sẽ vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào tiền đồ kháng chiến. Tâm lí sợ địch ở một số người sẽ dần dần mất đi.
Bây giờ, tôi nói riêng về Liên khu I. Ta thấy là nó ở đông bắc thành phố. Đông và bắc giáp cầu Long Biên, sông Hồng, đê Yên Phụ. Tây giáp thành Hà Nội hiện nay Pháp đóng, nam giáp khu Hoàn Kiếm là nơi có các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, lại tiếp cận với khu vực người Âu – Vị trí của Liên khu I, chúng ta thấy rõ là rất quan trọng. Nó lại là nơi phố phường sầm uất, đông người giàu của, nhà cửa chen chúc, rất thuận lợi cho cuộc chiến đấu trong phố, tiến ra thì đánh được giặc, rút về thì có nơi cố thủ. Đảng ta đã nhận thấy trước cái tầm quan trọng của Liên khu I, nên đã tập trung những cán bộ tốt vào đấy để xây dựng nó từ lâu. Các đồng chí phụ trách Liên khu I đã có những cố gắng đáng kể là dựa vào dân, nhất là anh chị em lao động mà tổ chức lực lượng chiến đấu, bố trí phòng thủ. Riêng cái việc đào hầm, đắp ụ, chuẩn bị ngả cây, ngả cột đèn, đục tường thông nhà nọ sang nhà kia mà ta có thể nói là đến nay các đồng chí ta ở đây đã làm xong, những việc ấy các khu khác cần phải học tập đấy. Nói tóm lại, nếu các đồng chí có quyết tâm thật là sắt đá, nếu các đồng chí dựa được vào lòng yêu nước của bộ đội, của nhân dân, nếu các đồng chí biết phát huy những điều kiện thuận lợi đặc biệt của Liên khu I thì các đồng chí nhất định chiến đấu lâu dài trong thành phố được. Chính phủ, Hồ Chủ tịch giao cho các đồng chí một nhiệm vụ rất vinh quang. Các đồng chí cố lên. Dù có phải hi sinh đến thế nào cũng phải cầm cự tới cùng.
Quốc Vinh cảm thấy lạnh từ gáy đến chân, nhưng trong lòng anh bừng bừng phấn khởi. Trí anh bay về Liên khu I của anh. Hồi bí mật, anh đã có một thời kỳ hoạt động ở đấy. Mấy tháng gần đây, trước tình hình ngày một khó khăn, anh lại được điều động về nơi cũ. Quốc Vinh có cái vui là được đoàn thể tín nhiệm, và cái tự hào là một cán bộ cần thiết của phong trào, một cán bộ lãnh đạo của thủ đô, đất nghìn năm văn vật, muôn màu nghìn vẻ, mà khá nhiều đồng chí chỉ quen hoạt động ở rừng núi và nông thôn ngại cái tính chất lưng chừng, phù hoa và phức tạp của nó. Và cũng như nhiều cán bộ ở đâu thì nơi đó gắn liền với mình như da và thịt, anh yêu mến cái Liên khu của anh, những phố xá, những con người của Liên khu. Trong tình cảm ấy có cả cái phần thiên vị cho khu mình, tức khí và ganh đua với các khu khác. Kiêu hãnh vì thấy nhiều con mắt đổ dồn vào mình, sau những lời khen của Khu phó, anh gãi cái đầu đội hờ một chiếc bê-rê, nói với Dân để đỡ ngượng:
- Thực ra chúng mình có điều kiện hơn các khu bạn. Người đông hơn, đia hình địa vật cho phép. Chứ bên trong thì các cậu nhà mình cũng khối đứa thiên binh thiên tướng.
Anh gặp cặp mắt hí hửng của Oanh, cười thầm cho cách ăn mặc mới của đồng chí nữ, và hất hàm khe khẽ ra hiệu bảo Oanh chú ý nghe. Trong phút vui sướng anh nghĩ đến Phượng, người vợ chưa cưới của anh, và liên tưởng tới Nhật Tân, anh thêm giận. Anh đã bị phê bình kịch liệt về cái vụ manh động của Nhật Tân hôm qua ở phố Hàng Khoai. Chợt Vi Dân thì thào hỏi:
- Sinh thế nào?
Quốc Vinh vừa lo vừa gật đầu. Dân cũng gật đầu. Đôi bạn đã bàn với nhau cái kế hoạch phá xưởng sửa chữa vũ khí của Pháp trong thành. Quốc Vinh nói:
- Nếu thành công thì ăn to đấy.
- Sinh làm được. Bực quá, cái chuyện anh Ngọ! À đồng chí Quốc Vinh này, mình cũng phải có cái xưởng sửa chữa vũ khí. Chứ không thì sửa chữa vào đâu. Càng đánh lâu dài vũ khí càng phải tốt.
Quốc Vinh gật đầu, khẽ hỏi:
- Đúng đấy. Nhưng ai làm?
- Tôi làm cho. Tôi rất thích.
Sau một khoảnh khắc im lặng, Quốc Vinh lại nghe tiếng nói của Khu phó, và lần này anh thấy có một cái gì xa văng vẳng. Lời Khu phó trầm trầm:
- Các khu ở ngoại thành, như Liên khu II, Liên khu III, thì sẽ liên lạc với ban chỉ huy bằng điện thoại. Riêng Liên khu I, ở trung tâm nội thành, thì sẽ liên lạc bằng vô tuyến điện. Chật vật lắm các đồng chí ạ. Nhưng bây giờ đã có máy cho các đồng chí rồi.
Lòng Quốc Vinh mênh mang, anh như nghe một lời từ biệt rầm rì từ đâu đến. Anh sẽ chỉ còn tiếp xúc với bên ngoài, với đoàn thể bằng con đường cách trở và vô hình của sóng điện. Nhưng tiếng Khu phó lại cất lên cao cao, thiết tha và đòi hỏi:
- Các đồng chí, các đồng chí. Đánh thì các đồng chí đồng ý cả rồi. Nhưng có giữ được không? Và giữ được thì lâu hay chóng? Các đồng chí, Hồ Chủ tịch đang chờ chúng ta.