Ông Ngọ, tự vệ phố Hàng Khoai, một người thợ mộc đã đứng tuổi, từ trong phố ra, tay phải giữ lấy hai tấm phản trên vai, đầu ngoẹo vào để giữ riết lấy cái vật nặng. Ông chạy bành bạch đến đầu phố, trước cái hố dài đã đào ngang đường. Ông số 6 lần lượt đỡ hai tấm phản xuống, bắc lên miệng hố như hai cái cầu. Ông Ngọ bảo hai bác phu xe bò:
- Được rồi đấy, cho xe sang đi.
Một người phu nói:
- Cảm ơn các ông. Chúng cháu thế này là phiền các ông lắm. Các ông đang làrn việc công việc nước, chứ có phải là đứng chơi đâu…
Nhật Tân đứng trên hè, xua tay lia lịa, cái áo ra-gờ-lăng của anh xoè ra, để lộ nào kiếm Nhật, nào lựu đạn, nào súng lục lủng củng chung quanh cái thắt lưng Mỹ. Cái mũ nhung đen đội lệch sát một bên mắt. Hôm nay anh đeo kính cho thêm vẻ bí mật. Miệng phì phèo một điếu thuốc lá. Mặt anh dài ra, anh cười tít mắt, hai cái răng nanh chìa ra, to quá khổ át cả hàm răng. Anh dương dương tự đắc. Đến chơi một người bạn ở phố Hàng Khoai , thấy ở đầu phố tự vệ đang xẻ đường, anh đứng lại hoan hô anh em. Một cái xe bò chở nước mắm đi tới. Tự vệ bắt quay lại. Anh can thiệp, đòi anh em phải bắc cầu cho cái xe đi qua. Luôn mồm anh nói:
- Chúng ta là người Hà Nội, chúng ta phải lịch sự anh em ạ. Tự vệ phải giúp đỡ nhân dân. Chúng ta đào hố để ngăn giặc, nhưng không được làm phiền cho đồng bào.
Anh đứng trên miệng hố, hoa chân múa tay, giục mọi người như chính anh là một cấp chỉ huy. Lúc này, thấy người phu xe bò cảm ơn rối rít, anh gạt đi:
- Không. Tự vệ Hà Nội lấy việc giúp đồng bào làm vui. Chúng tôi không sợ phiền. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của chúng tôi thôi.
Anh hô mọi người xúm vào đẩy cái xe bò. Còn anh thì hút thuốc lá tràn, con Lu lu đứng bên anh, cúi mình xuống miệng hố cào đất bằng hai chân trước. Ông Ngọ vùa đẩy xe bò, vừa làu bàu:
- Anh ta ở đâu mà cứ như ông tướng, làm đ… làm, đốc công không bằng!
Lòng ông nóng như lửa đốt, ông vẫn chưa lo được tiền cho vợ tản cư. Sinh hẹn ngày mai mới vay được một món, đề cho ông và bà Ngọ về quê. Nhưng tình hình thì mỗi lúc một găng. Tuy đào hố với anh em, nhưng ông chẳng bụng dạ nào vào công việc cả. Trên đầu, máy bay của Pháp lại lượn rầm rầm, y như vào lúc xảy ra vụ Yên Ninh hôm qua. Thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng súng liên thanh. Ông nơm nớp cảm thấy có một việc gì nguy hiểm sắp xảy tới. Đã quá trưa. Trời âm u như muốn đổ mưa. Sau khi lính mũ đỏ vào bắt mấy chị ở chợ Đồng Xuân, phố xá vắng lặng một chốc lát, rồỉ bà con lại nhộn nhịp đổ ra đường. Trước cửa chợ, mấy thanh niên đang leo lên tường treo lại cái khẩu hiệu. Trên mặt đường, dọc theo đường xe điện, một tốp tự vệ đang lúi húi đào những lỗ nhỏ để chôn mìn. Trong phố Hàng Khoai, bà con đang tới tấp chạy ra úp các nồi đất vỡ xuống đường. Một chuyến xe điện ở Bưởi đi xuống, từ từ qua đầu phố Hàng Khoai, rung chuông lanh canh, inh ỏi. Trên xe chỉ lơ thơ một vài người. Anh em đang đào lỗ tránh sang hai bên để nhường lối cho xe chạy. Một bà, dáng người ngoại thành, lấm lét nhìn ra hai bên phố, rồi ngó đầu ra khỏi toa xe hỏi xuống:
- Trong phố vẫn yên chứ các cậu?
Tuy đứng ở sau nhiều người, Nhật Tân cũng tranh lấy trả lời. Anh nói một cách hãnh diện:
- Yên lắm. Có gì đâu. Bà không lo gì cả. Chúng tôi còn ở cả đây kia mà.
Xe điện đi khỏi. Anh quay lại nhìn bọn ông Ngọ đang xúm lại giúp hai người phu đẩy cái xe bò qua hố. Anh gọi: “Lu lu! Lu lu!” và huýt sáo miệng định đi. Bỗng phố xá lại ầm ầm lên. Một người đi xe đạp phóng như bay ở phía Hàng Giấy xuống, nói sang hai bên đường một cách tuyệt vọng:
- Nó chiếm sở Tài chính rồi! Nó chiếm sở Tài chính rồi!
Tiếng kêu râm ran:
- Nó chiếm sở Tài chính rồi! Nó giở mặt thực sự rồi!
Người chạy tới, người chạy lại. Có những tiếng súng nổ ở phía Cửa Đông.
- Nó chiếm sở Tài chính rồi!
Như lửa cháy lan đi, tiếng kêu truyền hết miệng người này đến miệng người khác. Một chú bé bán báo nhảy nhót giữa đám đông, cất tiếng rao như gào:
- Ta đánh đắm một tàu chiến Pháp ở Nam Bộ ơ! Ở Hải Phòng, quân Pháp không qua được cầu Niệm ơ!
Nhanh như chớp, Nhật Tân đã chạy ra nắm được càng xe của anh chàng về báo tin, hỏi chuyện một lúc, anh lại huýt sáo gọi con Lu lu quay về đầu phố Hàng Khoai. Mặt anh tái lại. Anh nói:
- Nó chiếm sở Tài chính rồi! Nó đem hơn một chục xe thiết giáp đến dàn hàng ngang trước sở, chĩa súng vào. Rồi nó hạ lệnh cho tất cả viên chức trong mười lăm phút phải ra hết. Thế là nó chia quân ra đóng. Thế là cả khu Cột Cờ xuống Cửa Nam vào trong tay nó. Nó khiêu khích hay ta khiêu khích? Không, không. Không thể để như thế được mãi. Phải chuẩn bị gấp mới được. Cái xe bò kia đi nhanh lên, để người ta còn đào. Sắp đánh nhau rồi còn chở nước mắm đi đâu cho khổ người ta! Mau mau lên các anh ạ. Có thể đánh nhau đến nơi. Được, đánh thì đánh. Cho nó biết tay người Hà Nội.
Nhật Tân ngả mũ chào mọi người rồi biến vào một nhà giữa phố.
Xe bò đã gần sang được bên kia đường thì một tiếng rao cất lên, ồ ồ, cộc lốc, như gào thét chứ không có cái ngân vang trầm bổng của kẻ rao hàng:
- Bánh cuốn nóng ra mua! Bánh cuốn nóng…
Ông Ngọ kêu:
- Nó vào đấy.
Ông cố đẩy cho cái xe bò sang nốt, trong khi mọi người đã lẩn hết. Khi ông chạy trở về thì phố xá đã vắng tanh. Một thằng Tây mũ đỏ say rượu ở đầu cầu chạy lại, chĩa súng vào một người đàn bà, miệng quát tháo, tay ra hiệu cho chị kia trở ra với nó.
Người đàn bà kêu rú lên:
- Đồng bào cứu tôi với! Đồng bào cứu tôi với! Nó bắt tôi đây này!
Vừa kêu người đàn bà vừa chạy về phía ông Ngọ, nấp sau lưng ông. Ông Ngọ vốn người chậm chạp, chưa biết làm thế nào thì thằng Tây đã tiến lại. Ông xua xua tay một cách vụng về. Nó bấm cò, một tiếng nổ. Ông giơ tay ôm lấy ngực, loạng choạng bước về phía tên giặc. Chị đàn bà đã chạy vào trơng cái ngõ bên đền Huyền Thiên. Tên lính mũ đỏ, cắm đầu cắm cổ chạy trở ra, giày đinh của nó rít trên con đường vắng, lổng chổng những nồi đất úp.
Đang ngồi nói chuyện với người bạn, thấy có một thằng Tây lọt vào phố, Nhật Tân reo lên: “Trời giúp ta rồi!” và nhảy bổ ra cửa để rình. Từ hôm qua, anh đi lang thang hết phố này sang phố khác, không phải để làm cái nhiệm vụ trinh sát của anh, mà để có một cơ hội bắn một thằng mũ đỏ. Cái tin nó chiếm sở Tài chính càng làm cho anh ngứa ngáy muốn ra tay. Thấy Nhật Tân rút khẩu côn-bát của anh ra, anh bạn van vỉ:
- Đừng khiêu khích nó, Nhật Tân.
Nhật Tân mắt vẫn không rời thằng Tây, tay đẩy người bạn:
- Nó khiêu khích hay mình khiêu khích? Không được sợ, không được sợ. Sợ là hèn nhát.
- Con mẹ kia chỉ là một con nhà thổ.
- Nhà thổ còn quý gấp trăm một thằng Tây mũ đỏ! Phải bảo vệ cả một con nhà thổ.
Đến khi ông Ngọ bị giết, Nhật Tân nhún vai nói với người bạn:
- Tu vois, mon vieux? Laisse moi en finir avec ce misérable. (1)
Người bạn chưa kịp giữ thì Nhật Tân đã nhảy ra đường, dẻo dang như một anh hùng trong phim ảnh, Lu lu cũng nhảy theo anh.
Anh chỉ còn cách thằng Tây không đầy hai thước. Nó tái mặt định chạy. Anh quát:
- À bas les colonialistes! (2)
Và anh nghiến răng, chĩa súng bắn thẳng vào ngực nó. Anh từ từ đút súng vào túi. Nhìn thằng Tây giãy giụa, cái mồm lút dưới mớ râu xồm đen ngáp ngáp, anh mỉm cười khinh bỉ, lấy giày hất cái xác sang một bên và lững thững đi về phía Đồng Xuân. Anh bạn kêu lên:
- Nó vào thì nó triệt hạ cả phố! Chết hết cả rồi! Bà con ơi!
Anh bạn cuống cuồng giục vợ con đi trốn. Ngoài cái phố nhỏ vắng tanh, chỉ có ông số 6. Ông đang ôm xác ông Ngọ, nghĩ thế nào lại đặt xuống, chạy tới ôm cái xác to lớn của thằng Tây, xốc lên vai, rồi biến vào trong đền Huyền Thiên. Một lúc ông lại chạy ra, ôm xác ông Ngọ về nhà. Mấy anh tự vệ liều mạng ra đường, quét sạch những vết máu để phi tang tích. Tiếng đóng cửa ầm ầm.
*
* *
Ra khỏi lớp học, Sinh chạy hộc tốc về phố. Nhưng anh không về thẳng nhà, mà rẽ vào dền Huyền Thiên trước. Xác thằng Tây đã được đem giấu vào một cái hòm bốn chân, lẫn lộn với nhiều đồ lặt vặt không dùng đến. Bà cụ từ, già bảy mươi tuổi, mắt đã loà, hai tay ôm cái đầu trọc, ngồi trong buồng kêu khóc và nhiếc móc ông số 6.
Ông này đang quét cái sân đã sạch bóng. Đây là lần đầu tiên ông phải nghe những lời mắng mỏ của một người mà ông vẫn chịu ơn sâu sắc. Trong cuộc đời tứ cố vô thân của ông, – quê quán, bố mẹ, anh em, ngay cả tên tuổi của mình, ông đều không biết, – cụ từ như cha như mẹ. Ông đã đi ở cho nhiều nhà, nhưng chỉ vài hôm là ông xin thôi vì không chịu được mắng chửi. Ông đã đi phu đi phen, ông đã làm cho Nhật, nhưng rút cục ông đều trốn cả. Nhà cửa không có, ông chỉ tìm đến những ngôi chùa, ngôi đền để nương thân. Cuối cùng ông đến hầu cụ từ trong cái đền này, đã được vài năm. Ngày ngày ông vào phố quét tước các vỉa hè, thu dọn những đống rác do các hàng rong bày ra đường, và chờ bà con có việc gì sai thì làm. Năm đói, ông được người ta cho vào đoàn khất thực, và được đeo thẻ số 6. Đêm đêm, những cái đêm nghĩ đến còn rùng mình, ông đi nhặt những xác chết trần truồng chỉ còn đa bọc xương, trong đám những người đói nằm la liệt ngoài đường, dồn lại một đống để chờ xe xác đến mang đi. Tờ mờ sáng, sau khi những người đói còn sống sót toả đi các phố, xin ăn, ông lại rửa ráy sạch sẽ những chỗ vỉa hè, họ vừa nằm vừa bậy ra hôi thối đến lộn mửa. Sau đấy ông trở về đền quét dọn. Cái đền sạch sẽ đến nỗi ai vào lễ cũng thấy nhẹ lâng lâng. Rồi ông cầm cái rá đi lấy cơm của bà con sẻ cho. Những ngày cầu cúng trong phố, ông đi mượn hương án, cờ quạt, bát hương, cây nến. Hàng phố tin ông vì khi ông đem những đồ đạc ấy trả lại những nhà cho mượn thì không bao giờ lầm lẫn, mất mát. Sau cách mạng, khi bà con chuyển sang dựng cổng chào, bày bàn thờ Tổ quốc, thì ông số 6 lại đi mượn bàn, mượn ghế, mượn ảnh, mượn cờ, và cũng như trước, đâu lại trả về đó. Cũng từ đấy, ông không đi xin cơm nữa. Ông đi làm xe ba gác. Làm xe chẳng phiền luỵ ai, mà vẫn được chở nặng. Ông số 6 chỉ thèm những công việc nặng. Những ngày không được khiêng vác vất vả thì ông ăn không thấy ngon, ngủ không đẫy giấc. Tối tối, ông về đền quét dọn lần cuối cùng trong ngày rồi dù mưa dù gió ông cũng cắp chiếu ra ngoài cổng ngủ, vì trong đền, đêm nào cũng có khách buôn về trọ. Ngày rằm mồng một cụ từ thường cho ông cái oản, quả chuối, góc chè kho. Đấy là những món ăn ông quý nhất. Cũng từ cách mạng, người ta không gọi thằng số 6, bác số 6 nữa mà gọi là ông.
Hôm nay, ông số 6 không hiểu làm sao cụ từ lại gắt gỏng, nhưng ông không dám cãi. Với ai ông còn chẳng cãi, huống chi là cụ từ. Hai cái tai to của ông số 6 vảnh ra, như nuốt cả cái đầu bé phình trên thót dưới đúc từ một cái khuôn méo mó.
Sinh vào bàn với cụ từ, rồi trở ra bảo khẽ ông số 6:
- Ông chịu khó mang cái xác nó đi, để đây nó uế tạp cửa đền. Đưa lên Chèm hay vào Ngã Tư Sở tuỳ ông.
Ông số 6 nghĩ mãi mới nói được một câu, vì ông chỉ quen làm, không quen nói, quen chịu đựng, không quen suy nghĩ:
- Cháu cho lên cái xe ba gác của cháu. Vừa nặng đủ sức kéo.
Nói xong, ông khuân cái hòm ra xe của ông. Ông đã đi khôi phố Hàng Khoai, quặt sang phố Hàng Lược. Sinh thở phào một tiếng và quay về nhà.
Xác ông Ngọ đã được mang đi. Trong cái gian nhà con anh ở, bên cạnh cái bếp lợp tôn và cái hố xí quây cót, Sinh ngồi trên tấm phản nhỏ dùng làm giường của anh. Bà Ngọ thì ngồi sát vào tường trong, tay vịn vào cái bàn nhỏ như sợ ngã. Gian nhà chỉ kê đủ một tấm phản và cái giường tre của vợ chồng bà Ngọ cách nhau một lối đi vừa người. Đồ đạc tuy sơ sài, căn nhà tối om om, nhưng toát lên một sự sạch sẽ duyên dáng đặc biệt của những người lao động thủ đô. Tường treo những kìm, giũa sạch bóng. Ảnh Hồ Chủ tịch đặt trong khung lồng kính. Trên bàn, một ống đũa vẽ cây trúc, đề một hàng chữ nho: Kháng chiến tất thắng.
Bà Ngọ không dám khóc to, chỉ thút thít. Tóc bà xoã ra như người dại. Bà để nguyên cho nước mắt chảy vòng quanh cái mặt khô héo. Bụng vượt lên quá to làm xộc xệch thêm cái thân queo quắt, như thu hút hết cả cái lực tàn của một người đã qua cái thời đẻ đái lâu rồi. Mắt bà lờ đờ nhìn Sinh, một cái nhìn đau khổ, tuyệt vọng, chất vấn, van lơn.
Hồi lâu, Sinh nói:
- Tôi đã bảo anh Ngọ đưa chị tản cư từ mấy hôm nay.
Bà Ngọ khe khẽ rung cái đầu:
- Thôi trách làm gì người chết, hả cậu. Cậu Sinh ơi, cậu thương lấy chị vậy, cậu thương lấy đứa cháu còn trong bụng mẹ nó đây.
Người chị để trôi cái thân nặng nhọc đến gần em trai, nắm lấy tay Sinh, và thấy yên yên, như trong cơn bão lớn, người ta tìm được một cái lều con để trú. Bà nói:
- Bố mẹ sinh ra bảy tám người, nay chỉ còn có chị là đầu và em là út. Cậu Sinh ơi!
Và bà gục đầu vào vai Sinh. Căn nhà quanh năm tối, lúc này càng tối. Không có một tiếng động. Bốn bề lạnh ngăn ngắt. Bà Ngọ đăm đăm nhìn em, người em trai bé bỏng, với cái trán gồ, cái mặt xương xương giống bố. Bà nói:
- Chị cũng chẳng tản cư nữa. Cậu Sinh ạ.
Sinh không đồng ý với chị, nhưng anh không dám nói ra. Anh thấy rằng thế nào chị cũng phải tản cư, để xa nơi nguy hiểm, để còn bảo vệ lấy đứa cháu trong bụng. Lòng anh rối bời. Thực ra, anh không biết cho chị đi đâu.
Hai chị em không có quê quán làng mạc, cũng chẳng có ai là họ hàng thân thích. Hồi lâu, Sinh nói:
- Chị còn phải nghĩ đến cháu nữa chị ạ.
Anh ái ngại cho người chị ruột vất vả, đẻ lần nào cũng không nuôi được. Bẵng đi bảy tám năm bây giờ chị mới lại chửa. Một hi vọng lớn cho cả gia đình nhỏ bé này.
- Anh Ngọ không còn thì mình đưa chị tản cư vậy.
Nhưng anh cũng không tự quyết định được, dù mới chỉ trong ý nghĩ. Anh nhận một nhiệm vụ nặng nề là phối hợp với anh em công nhân trong thành phá cái xưởng sửa chữa võ khí của Pháp; cái xưởng lớn bậc nhất của chúng ở Đông Dương, mà anh biết rõ vì trước đây anh đã có một thời kì làm việc trong ấy. Ngày Nhật đảo chính mồng chín tháng ba năm ngoái, bọn Pháp có đem giấu nhiều võ khí. Trong số ấy, anh biết có mấy cái ống hơi khinh khí. Tối nay, anh em công nhân đã bố trí cho anh vào để tìm những cái ống hơi ấy. Kế hoạch của anh em là dùng nó thay cho mìn không mang vào được. Nếu xảy ra tác chiến, thì sẽ cho hai cái ống kia giấu vào đáy lò than, khi than cháy tới thì nó sẽ nổ và sẽ phá hết cái xưởng quan trọng kia. Quốc Vinh đặt hết tin cậy vào anh. Cũng chỉ có Quốc Vinh, Dân và anh biết cái việc hết sức bí mật này. Anh đã để chậm mất một ngày. Tình hình gấp rút không thể vì một lí do gì mà hoãn lại nữa. Không phải chỉ là chuyện mất đầu, mà còn là vấn đề tín nhiệm của cán bộ đối với anh. Cuối cùng, Sinh lẩm bẩm:
- Đi ù một cái còn kịp chiều về.
Sinh vừa đứng lên thì một tiếng nổ như xé trời động đất làm cho anh loạng choạng. Bà Ngọ hốt hoảng níu chặt lấy anh. Tiếng nổ như ngay trên đầu họ. Cánh cửa đóng sập vào rồi lại bật ra. Cái gian nhà gỗ chao đi chao lại, kêu răng rắc. Những dụng cụ của anh treo trên tường rơi bắn vào chồng bát đĩa cốc chén trên bàn vỡ loảng xoảng. Anh giữ người chị ngất đi trong tay mình. Anh tối tăm mặt mũi. Tiếng nổ vẫn ầm ầm. Tiếng kêu râm ran: “Nó ném bom xuống chợ rồi”. Sinh dìu được bà Ngọ xuống gầm giường. Thoáng trong anh ý nghĩ: “Có lẽ nó đánh mình rồi”. Anh đau đớn vì đã làm lỡ một công việc mà đoàn thể giao cho. Anh bứt rứt vì trong lúc này, mình lại ro ró ở nhà. Anh định nhảy bổ ra nhưng bà Ngọ giữ riệt lấy anh. Tiếng nổ mỗi lúc một lớn, một dữ dội. Anh có cảm tưởng như khu phố đã tan ra tro; và hai chị em anh cũng sẽ chết đến nơi rồi. Khoảng một tiếng đồng hồ khủng khiếp. Khi hết tiếng nổ, anh đỡ người chị rũ rượi lên giường, đắp chăn cho chị. vớ lấy cái mũ dạ đội lên đầu và bước ra. Mắt người chị trừng trừng nhìn anh.
Anh xăm xăm chạy tới Hàng Đường, định tìm ông Tiến Lợi, chủ một hiệu ô mai, hiện làm đại đội trưởng tự vệ khu phố, để xin phép cho nghỉ chiều nay. Anh sẽ dẫn chị sang Gia Lâm gửi nhờ một người bạn bên ấy, làm thợ nguội ở sở xe lửa. Đây chỉ là một sự bất đắc dĩ vì chính người bạn đã đi rồi. Anh em công nhân bên ấy đã vừa chuyển hết cái xưởng Gia Lâm đi một nơi khác, có lẽ lên chiến khu để sản xuất vũ khí. Anh thấy yên tâm cho nhà máy, nhưng lại như nhớ những ngày sang chơi với bạn, nghe tiếng máy chạy ầm ầm. Người bạn đi lên rừng, anh ở lại Hà Nội , không biết bao giờ lại gặp, bao giờ nhà máy lại về. Nhưng bạn đi rồi, có nên gửi chị sang bên ấy nữa không? Hãy tạm thế rồi sau liệu.
Phố Hàng Khoai, bà con chạy như ong vỡ tổ. Những người có tiếng lừng chừng lần này cũng chạy. Sinh đi lẫn vào đám người tản cư, người ra đầu cầu, người xuống bến Phà Đen, người ra Bến Nứa, người ra phố chờ tàu điện. Bố gọi con, vợ gọi chồng, trẻ con khóc thét. Ông chủ hiệu tạp hoá Vĩnh Xuân chào Sinh:
- Ông có cho bà Ngọ tản cư không? Bây giờ còn có hai chị em, ông nên ra với bà ấy. Không toàn được với chúng nó đâu. Tan nát đến nơi rồi.
Sinh không trả lời, nghĩ bụng:
- Ông ra thì cứ ra, việc gì lại bảo tôi.
Phố Đồng Xuân, người đi lại càng nhốn nháo. Những mảnh gạch ngói vãi tung cả khúc đường rộng. Bụi bốc mù trời. Nhưng phố xá không bị thiệt hại lắm. Năm cái vòm chợ vẫn đứng nguyên sừng sững. Khói bốc lên cuồn cuộn, phủ kín cả lá cờ trên nóc. Cái trụ của vòm giữa bị đánh băng đi, một nửa vòm sạt xuống. Mấy cái cáng khiêng người đầm đìa máu len lỏi trong đám đông. Trước cửa cái nhà ba tầng của Cự Lâm, ba cái xe ô tô chờ sẵn. Sinh rảo bước. Vừa tới đầu phố Hàng Đường, Sinh quay lại. Một người hớt hơ hớt hải kêu:
- Nó kéo vào chùa Tây đen rồi!
Sinh nhìn ra thì là Phú, anh thợ giặt trong trung đội mình. Anh giữ anh bạn lại. Phú giằng ra:
- Bỏ ra! Cứ bảo người ta ở lại, chẳng giữ gì cả. Nó phả tơi bời ra rồi. Nó vào thì chết hết.
Sinh nói:
- Mình là tự vệ phải ở lại chứ.
- Tự vệ cái con… Tự vệ này…
Phú nắm tay đấm thẳng vào mặt Sinh và cắm đầu chạy. Sinh nổ đom đóm mắt, loạng choạng một lúc mới định thần lại. Chợt anh trông thấy ông Tiến Lợi, anh mừng quá. Ông ta là một người to béo, mọi ngày lúc nào cũng mũ ca-lô sao vuông, mặc toàn ka-ki, đeo súng lục, rõ ra một ông đại đội trưởng tự vệ. Nhưng lúc này, ông đội khăn xếp, đánh cái áo bông dài, không cài được cúc, người ông như một nồi cơm đầy lè. Sinh chạy đến hỏi:
- Ông đi đâu đấy?
Ông không nhìn Sinh, vì đang lo trông cho người nhà khiêng hòm xiểng lên xe xích lô. Ông ta nói:
- Ừ, đi. Đi cả đây mà.
Ông lên xe, giậm chân ình ình.
- Chạy nhanh lên. Ra ga Hàng Cỏ.
Sinh ngẩn người nhìn cái xe phóng như gió. Anh quay đi, định đi tìm anh em. Cự Lâm đang gắt người nhà lễ mễ khuân đồ đạc lên xe ô tô. Bà giáo đã ngồi trong cái xe trước với lũ trẻ con. Bà cáu kỉnh bảo Cự Lâm:
- Mau lên. Mau lên. Anh lên xe đi.
Cự Lâm nói:
- Thằng Phúc, con Lan, con Hương nó đi đâu chưa về.
- Kệ chúng nó. Mau lên. Tôi sốt ruột lắm rồi. Khổ lắm nữa. Xe này chạy trước đi vậy. Bảo chạy từ mấy hôm nọ không chạy kia.
Bà Cự Lâm chạy ra xe, nhưng chân ríu lại. Bà ngã khuỵu xuống. Bà kêu và nói như mấy đứa con cũng ở ngay đấy:
- Phúc, Lan, Hương ơi! Mợ bảo. Cái chỗ mợ dặn thì nhớ lấy, các con ạ.
Cự Lâm đỡ vợ dậy, đẩy vào trong xe. Thấy Sinh đi qua, bà khóc khóc mếu mếu, thò tay ra giữ lấy áo anh:
- Các ông trông nom các cháu hộ chúng tôi nhé. Chỗ bà con cùng phố với nhau. Có gạo đấy, các ông cứ dùng…
Bao cũng đưa Trinh và con Diễm lên xe. Anh lạnh lùng bảo người sốp-phơ:
- Bờ Hồ.
Người tản cư vẫn chạy tán loạn giữa cái phố xác xơ hoang tàn. Bụi khói đã tan dần, để lộ lá cờ trên nóc chợ quấn lấy cán, xo ro dưói bầu trời xám ngoét của buổi chiều. Một chú bé bán báo rao lanh lảnh. “Báo Cứu quốc ơ! Ông Võ Nguyên Giáp hiệu triệu thanh niên sống chết với thủ đô ơ! Sống chết với thành Hoàng Diệu ơ!” Nó không còn một tờ báo nào trong cái cặp của nó, nhưng nó cứ hát vang lên, át cả những tiếng ồn ào của những người hỗn loạn. Nó cầm lấy tay một thanh niên, kéo đi. Không rao nữa, nó nói: “Ê, ê! Thanh niên Hà Nội chạy giặc!” Rồi nó lại rao: “Sống chết với thủ đô ơ!” Anh thanh niên nói: “Thôi thôi! Đừng rao nữa. Đừng rao nữa!”
Giữa lúc ấy, có những tiếng reo vui làm ấm lòng Sinh, như một luồng nước nóng chảy vào một dòng nước lạnh. Một lá cờ đỏ loé lên. Một đơn vị bộ đội, mũ ca-lô sao vành lấp lánh, mình mặc áo trấn thủ xanh lá cây, chân đi giày, từ đầu phố tiến vào. Súng trên vai tua tủa, các chiến sĩ diễu qua phố, bước chân rầm rập, đều đặn và oai nghiêm như trong ngày kỉ niệm Quốc khánh lần thứ hai ở vườn hoa Chí Linh. Tiếng hát cất lên:
Đi là đi chiến đấu
Đi là mang mối thù thiên thu
Tiếng hát tràn ngập lòng mọi người, tràn ngập toàn khu phố. Nòng súng sáng biếc trong bóng chiều. Những người đang lố nhố trên đường vội giạt cả sang bên hè và cuống quýt vẫy tay chào đoàn quân diễu qua. Những cánh cửa đóng im ỉm bỗng mở toang. Thanh niên đang đục tường ở trong nhà, nhảy ra đứng trên thềm, người giơ thuổng, người giơ xẻng, nhảy nhót, rối rít. Một tiếng nói vang lừng:
- Hoan hô bộ đội Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để giữ nhà, giữ con đường phố của chúng tôi đây. Hoan hô!
Một bó hoa ở trên một nhà gác ném xuống. Tiếp đến nhiều bó hoa nữa bay xuống đám chiến sĩ. Tiếng hát vẫn vang lên. Hàng ngũ bước đi hùng dũng, cuồn cuộn, nhấp nhô, như dòng suối xanh mát giữa hai bờ cao oi ả. Sinh thở phào, nhẹ như đang mang nặng có người giúp sức.
Chú thích
(1) Mày trông thấy chưa? Cứ để tao kết liễu đời cái thằng khủng khiếp này.
(2) Đả đảo bọn thực dân!