Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Và sững lại ở đâu đó …

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 491 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Và sững lại ở đâu đó …
Nguyễn Thu Phương

Khu lán trại thăm nuôi. Như mọi cuộc thăm, người đi thăm và người được thăm theo quy định ngồi đối diện nhau qua một cái bàn.
    Mặt bàn rộng mênh mông, để có thể bày la liệt thức uống đồ ăn. Nói chung là anh và cô muốn nắm được tay nhau thì sẽ phải băng qua muôn trùng cách trở những phở, thịt bò, heo, chả lụa, nem nướng, cà phê, trái cây, bánh ngọt, kẹo... Tóm gọn lại là bao nhiêu yêu thương đã dồn hết vô bao tử.
       Như với mọi đầu mối kinh doanh độc quyền, cô sẽ phải mua hàng hóa, thực phẩm, trái cây của căng-tin với một cái giá đắt gấp x lần giá ở thành phố, để gởi vô cho anh (với x là ẩn số bất bình mà chỉ những người trong cuộc mới thấm). Vì lý do, hàng mua ở thành phố lên bắt buộc phải dùng ngay, không được gửi vào (quá dễ hiểu, lỡ có “hàng trắng”, “hàng đen” nhồi nhét, giấu giếm trong đó thì sao, ai mà kiểm soát hết được!). Đọc tới đây, hẳn bạn đọc đã đoán ra cái trại mà cô cặm cụi mỗi tháng đi thăm anh là trại gì. Thưa vâng, chính là trại cai nghiện. Dành cho hai loại đối tượng nghiện ma túy: cai tự nguyện, hoặc cai cưỡng chế theo “nghị định hai mươi”.
        Anh thuộc nhóm thứ hai. Do lẽ anh đã một mực che giấu, kiên quyết không tự nguyện cai cho tới tận khi bị bắt. Cha mẹ anh, vì quá giận dữ, buồn đau và nhục nhã nên đã tuyên bố từ bỏ, mặc kệ anh sống hay chết, hay cùng đường, hay bế tắc, hay tuyệt vọng, hay vất vưởng. Còn cô thì nghĩ tới nghĩ lui cũng không bỏ được. Bởi vì cô xót xa tội nghiệp cho anh, không biết có còn vì yêu...
       Sở dĩ không biết có còn vì yêu khôn, là bởi dân nghiện ma túy là một dạng người rất khó để có thể chịu đựng nổi, đừng nói là để yêu. Dùng từ ngữ nặng nề phác thảo thì không đúng với bản chất nhân hậu, vị tha của cô, nhưng không dùng thì khó mà lột tả hết sự kinh khủng của anh trong suốt giai đoạn bê tha, tồi tệ và gớm ghiếc đó. Suốt hai năm, mọi khuyên ngăn của cô đều như nước chảy lá môn. Anh không mảy may nghe theo, dù luôn miệng nói hối hận và hứa hẹn với cô đủ mọi điều tốt đẹp. Đến lúc bó tay bất lực hoàn toàn, cô ngồi chảy nước mắt ngẫm nghĩ nọ kia, rồi lẩm cẩm tự trách. Hóa ra tình yêu của cô với anh không đủ mạnh (hoặc không đủ sâu), nên anh mới phải đi tìm kiếm thêm một thứ đam mê ngoài niềm đam mê của giới tính. Còn anh thì giải thích cụt ngủn rằng mình quá ngu dại khi nghĩ có thể chế ngự được “nó” – cho nên mới thử một lần, để rồi lậm luôn, không tài nào dứt khỏi “nó” được nữa...
       Thời gian đầu anh vô đây đúng nghĩa thân tàn ma dại, mình hạc xác ve. Sau đó từ từ, anh có da có thịt và rắn rỏi (đen đúa, gân guốc) hẳn lên. Ấy là do anh bị buộc phải tham gia lao động chân tay, và rèn luyện theo những khuôn khổ giờ giấc và hoạt động tạm coi là khắc nghiệt (bởi trước đây ở nhà, anh chỉ biết ăn, vui, chơi và học). Vốn kiến thức (anh đang là sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế) bây giờ giúp anh tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh sống mới. Ví dụ như việc tự phòng tránh lây nhiễm AIDS, hay đơn giản hơn gấp trăm lần là phòng tránh bệnh... ghẻ ngứa, lác đồng tiền, nứt nẻ gót chân, nấm móng... Kiến thức cũng giúp anh đối nhân xử thế sao cho êm đẹp, để có thể hòa mình tồn tại được trong một cộng đồng quá ô hợp, chất chứa nhiều mâu thuẫn, gai góc và phức tạp. Ngoài ra, tri thức còn giúp anh phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai – khi mà lực lượng nhân viên phụ trách trại không phải ai cũng có học và tử tế.
        Bên cạnh những tấm lòng nhân ái, đức hy sinh cao cả của những người thanh niên xung phong sẵn sàng chết sống vì lý tưởng, vẫn còn một số kẻ coi trại viên cai nghiện như một thứ cặn bã, muốn xử tệ, khinh bỉ, dập vùi sao cũng được. Và anh còn kể cho cô biết, rằng có một “thế lực đen” đang ngấm ngầm hoành hành trong trại. Và rằng, nạn cờ bạc, đánh đấm, xử tệ nhau theo kiểu giang hồ, đại bàng... là những thứ không thể tránh. Cho nên, phải tự giữ mình, tự kiểm soát, và tự vượt qua...
        Còn cô, cũng muốn kể cho anh nghe về chuyện cô phải trốn lén gia đình để đi thăm nuôi anh mỗi tháng, nói dối là “đi thực tế” (nếu cha mẹ cô biết sự thật cô đi đâu, lẽ đương nhiên sẽ nổi giận, rồi cấm hẳn). Cô còn muốn kể chuyện mẹ anh, cứ gần đến ngày thăm nuôi là khóc ròng, nài nỉ ba anh cho đi. Nhưng ba anh vẫn kiên quyết không. Ông muốn trừng phạt anh đúng trọn một năm, để anh đủ đau, đủ buồn, đủ thấm thía. Và chắc hẳn là có biết nhưng ông đã phải làm ngơ, để mẹ anh âm thầm gửi gắm tiền bạc, dấm dúi dặn dò cô đủ thứ trước mỗi chuyến đi. Rồi thở than, nước mắt ngắn dài xót xa cho anh mỗi khi cô trở về.
         Một tiếng rưỡi đồng hồ để gặp mặt nhau mỗi tháng. Có quá nhiều việc để làm, và quá nhiều điều phải nói. Thế rồi cũng không nói được bao nhiêu, chẳng chăm sóc nhau được mấy chút, để rốt cuộc lần nào chia tay cô cũng thấy thời gian sao quá ngắn. Nhìn anh lủi thủi cùng các trại viên bị “lùa” đi, vòng vèo theo những con đường rào chắn kỹ càng để về lại chỗ ở, cô nhận ra mình bắt đầu đếm lùi lại cái vòng thời gian cho một tháng mới. Thật kinh khủng, cả anh và cô sẽ phải trải qua ít nhất là bốn năm. Bốn năm của tuổi thanh xuân, sẽ có bao nhiêu điều hay, bao nhiêu việc tốt, bao nhiêu cái đẹp, bao nhiêu sự thú vị, bao nhiêu cơ hội hấp dẫn nếu anh cùng với cô sống lành mạnh ở ngoài đời. Bốn năm thăm thẳm, dằng dặc, mỏi mòn, bó chặt trong một cuộc sống cô quạnh, tù hẹp, khép kín. Đồng thời gây ra hiệu ứng buồn khổ lây lan cho những người thân, người yêu, người quen...
                                                  * *

        Trong phạm vi các hoạt động sôi nổi chào mừng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3, cô được bình chọn là sinh viên tiên tiến. Số người tham gia chuyến giao lưu với học viên trường cai nghiện lên tới ba mươi tám người (chưa kể các phóng viên báo, đài), trong đó có cô. Thật là một tình cảnh éo le. Cô là đại biểu, là khách mời. Không ai biết cô có người yêu đang cai ở đúng cái trường mà đoàn sẽ tham quan, giao lưu, trao đổi. Cô sẽ đi lại đúng con đường mà mười một tháng qua tháng nào cũng phải đi, nhưng trong một tư thế khác. Cô buộc phải che giấu sự thật. Vì cô. Vì anh. Cũng may chuyến giao lưu chỉ dài hai ngày.
           Khi đoàn đến nơi, cô nơm nớp lo những nhân viên của trại sẽ nhận ra mình. Nhưng may làm sao họ không hề nhớ (rằng cô gái gầy gò, khổ sở và đáng thương này đã không dưới mười lần xuất hiện ở đây trong một tư cách khác). Cô (tất nhiên cùng với cả đoàn) được hưởng những ưu tiên của đại biểu, của khách mời. Về chuyện ăn, chuyện uống, chuyện ngủ, chuyện nghỉ... Được đối xử tốt nhất trong khả năng người ta có thể chăm sóc. Nhưng quan trọng nhất không phải là những ăn, uống, ngủ, nghỉ đó. Mà là cô muốn hiểu sâu hơn, rõ hơn về “cái ruột” bên trong của trại, nơi anh đang từng ngày phải sống qua suốt bốn năm tươi đẹp của tuổi trẻ.
         Khi cô là thân nhân đi thăm nuôi bình thường, cô bị hạn chế ở ngoài vòng rào dùng làm ranh giới của trại, bị cấm không được đưa điện thoại di động cho anh để anh nói chuyện với ba mẹ. Dù rằng cuộc nói chuyện đã được giải thích là vì mục đích ăn năn sám hối, và để cầu xin một sự tha thứ. Cô cũng không được quyền chụp ảnh hay quay phim anh, để đem về cho ba mẹ anh xem. Chẳng một nhân viên nào có thì giờ ngồi giải thích bất cứ điều khúc mắc gì cho cô. Tất cả chỉ là canh gác, theo dõi, nhắc nhở, và... bán hàng căng-tin giá cao.
           Còn bây giờ, cô được hỏi và trả lời tận tình, cặn kẽ. Cô được tiếp xúc với tất cả những ai mà cô muốn, cô yêu cầu. Cô được thoải mái sử dụng điện thoại di động, máy chụp hình. Đêm giao lưu đó, những trại viên mặc đồng phục của trại (chắc là đã cố để chỉnh tề, nhưng vẫn thấy tội nghiệp vì sự nhếch nhác) hăng hái lên sân khấu hát ca vui vẻ. Đoàn khách mời cũng nồng nhiệt đáp trả bằng thơ, ca, chuyện kể, tâm tình... Khi đến lượt cô lên hát, cô đã cố ý chọn bài “Không còn mùa thu” của nhạc sĩ Việt Anh – là bài mà cả cô lẫn anh đều rất thích, rồi vừa hát vừa tranh thủ dõi tìm anh giữa bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu ánh mắt chăm chú bên dưới. Nhưng tuyệt nhiên không thấy. Cũng dễ hiểu thôi, lượng trại viên dồn tới hội trường tham gia buổi giao lưu chỉ khoảng vài trăm, là một phần rất nhỏ của toàn bộ quân số hai ngàn người. Tan cuộc giao lưu, cô thấy ở cuối khán phòng có một đám pê-đê môi đỏ mắt xanh. Hôm sau đem chuyện đó ra hỏi, cô được những người có chức trách giải thích là không thể cấm họ. Dù là pê-đê mà nghiện thì vẫn cứ phải cai, nhưng là cai ma túy, không phải cai việc nhập nhằng giới tính. Cô chỉ mong anh đừng dính dáng gì tới những người bất thường, cho dù có phải sống chung “một rọ” cùng họ...
        Đêm hôm đó là một đêm cô khó ngủ. Vì nhiều lẽ. Lạ giường lạ chiếu, lạ nơi lạ chỗ thì đã đành, nghĩ ngợi nhiều cũng có. Nhưng băn khoăn nhất là cô cố tưởng tượng trước, nếu như ngày mai tình cờ hai đứa chạm mặt nhau, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa bao nhiêu người. Thì sẽ thế nào? Tất nhiên cả cô lẫn anh chẳng đứa nào mong một sự cảm thông theo kiểu thương hại, một sự quan tâm theo kiểu tội nghiệp, và những lời đàm tiếu xì xào chất chứa bao nhiêu nghi ngờ ẩn ý... Cô cũng không muốn anh phải khổ tâm khi đối diện với khoảng chênh quá sâu, quá lớn giữa hai người. Nhưng thật lòng là cô cũng có một chút ích kỷ khi nghĩ cho mình. Rồi sẽ thế nào đây khi người ta bỗng dưng phát hiện: Một sinh viên tiên tiến “điển hình” mà lại yêu đương “vớ vẩn” thế này!
         Vậy mà rồi hôm sau... Đã không có cuộc tình cờ chạm mặt dễ gây khó xử nào hết. Cô theo đoàn đi thăm một đội không phải đội của anh. Cô theo đoàn vào tham quan khu trường học, nơi có thể là duy nhất có những giáo viên hết sức độc đáo: Đảm đương việc dạy học từ lớp một tới lớp mười hai, với đủ các môn! Cô theo đoàn vào xem trạm y tế, nơi có những bệnh nhân nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn bất cứ đâu, đòi hỏi các bác sĩ tại chỗ phải tận tâm tận lực, và dũng cảm hơn gấp nhiều lần bác sĩ của đời thường. Cô theo đoàn quan sát khu bếp ăn sạch sẽ, ngăn nắp, đâu ra đó. Cô theo đoàn ghé trại mộc mỹ nghệ, mộc gia dụng, đồ sắt, xưởng may, khu lọc nước, khu sơ chế hạt điều, lò làm bánh mì, làm bún...
       Một chi tiết rất dễ thấy là những hình ảnh to nhỏ cắt ra từ sách, báo, chụp các cô gái (đẹp) được dán chi chít trên rất nhiều mảng tường, ở khắp mọi nơi, kể cả trong... nhà vệ sinh. Trại cai nghiện toàn trại viên nam, hầu hết trẻ, khá nhiều chưa vợ. Sự thiếu thốn tình cảm thật kinh khủng, có thể là thứ thiếu thốn đáng sợ nhất cho chặng đường tu dưỡng bốn năm dằng dặc. Và cô chạnh lòng nhớ đến những cái siết tay vội vàng của anh mỗi lúc chia tay. Những nụ hôn lướt nhanh qua môi, qua má... Những va chạm tranh thủ nhưng thấm thía, sẽ là “vốn liếng tình cảm” để anh gặm nhấm dè sẻn rất lâu... Cô ứa nước mắt, lại không dưng ao ước: Trời ơi! Giá như có thể quay ngược được thời gian, để anh đừng bao giờ dại dột sai lầm thử qua “nó”, để rồi bị cuốn luôn vào vòng mê lụy. Giá như...
 
      Đêm hôm đó là buổi tiệc tiễn đưa, vì sáng mai đoàn sẽ chia tay ra về. Đàn hát, chuyện trò, vui vẻ... gần như trắng đêm. Cô biết thêm những con người dày dạn phong sương. Rất kiên cường, giàu nghị lực, đậm ý chí và lòng quyết tâm, nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Những người đã gắn bó với màu áo xanh thanh niên xung phong suốt dọc thời gian ba mươi năm thành lập lực lượng. Họ xuất thân từ nhiều thành phần và hoàn cảnh xã hội, học vấn khác nhau, tâm tánh cũng muôn màu muôn vẻ, nhưng đều có chung một phẩm chất là sống rất lạc quan, và chịu đựng gian khổ vô cùng giỏi. Họ hoàn toàn có quyền đòi hỏi một đời sống an nhàn, thảnh thơi, sung sướng, sau bao nhiêu năm cống hiến không mệt mỏi. Vậy mà họ đã tự nguyện, đã xung phong gánh lấy trách nhiệm cai nghiện cho những người bị mắc nghiện... Bàn về lý tưởng rất dễ bị cho là giáo điều, khô khan, lên lớp, giảng mo-ran. Nhưng cảm nhận từ từ lại là một cách hiểu rất ngấm, để lưu dấu lại rất sâu. Cô thấy vô cùng tiếc cho anh, tiếc cho một phần không nhỏ những người trẻ tuổi bây giờ. Bị cuốn theo lối sống ích kỷ, hưởng thụ, buông xuôi, không mục đích, không lý tưởng, không ngày mai, họ không nhận ra những phần đời tươi đẹp nhất của mình đã bị tiêu xài uổng phí, vô dụng.
            Cô nhủ lòng sẽ không đánh giá hay định mức cho bất kỳ một chuẩn mực khuôn phép nào. Chỉ mong anh sẽ ngộ ra nhiều điều. Cô tự hứa với mình sẽ đi suốt tới cùng bốn năm. Và điều quan trọng nhất, là cô sẽ tìm ra được một cách thức tế nhị nào đó, để không còn phải giấu giếm tình cảnh của hai người. Thì đã sao, cô là sinh viên tiên tiến, điển hình, nhưng lại có người yêu đang cai nghiện. Cái chính là cô tin anh sẽ có đủ nghị lực và bản lĩnh để xóa đi những vết đen trong quá khứ, và không bao giờ tái lại. Vì chính anh. Và vì những người thân, người quen, và cả vì người yêu của anh – cô!
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 217

Return to top