Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ôm đàn tới giữa đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7068 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ôm đàn tới giữa đời
Mai Thảo

Chương 7

Tôi không viết nhật ký bao giờ. Cũng sẽ chẳng bao giờ viết nhật ký nữa, ngoài những điều tôi muốn ghi lại về ba ngày sống với Đạo ở Quy Nhơn. Cuộc sống rồi hết. Cái chết của Dã Thụy, của anh Kiện bảo cho tôi biết như thế. Minh bạch. Rõ ràng. Ngày tháng trôi qua và sống là đồng nghĩa với lãng quên.

Nhưng ba ngày sống với Đạo ở thành phố Quy Nhơn trên bãi biển Quy Nhơn, dưới nắng chói, và trăng sáng Quy Nhơn thì tôi muốn ghi nhớ. Mãi mãi ghi nhớ. Trọn đời ghi nhớ. Bởi vậy mà có mấy trang nhật ký này. Thư Dã Thụy để lại cho tôi có nói đến Pleiku như một nơi chốn của định mệnh.

Một nơi chốn ở đó Thụy đã đồng thời tìm thấy đời sống và cái chết. Pleiku là bến đậu, là quê hương của Thụy.

Quy Nhơn với tôi, khác. Nơi chốn chỉ là một địa điểm tôi đi qua, dừng lại vài ngày. Như một sân ga cho một con tầu. Nhưng Quy Nhơn là thiên đường của tôi. Và tôi không muốn lãng quên thiên đường, dù chỉ là một thiên đường chốc lát.

Không ai có được một hạnh phúc một đời. Ai có thứ hạnh phúc đó, tôi nhất định không chịu tin đâu. Nhưng hạnh phúc chốc lát tôi tin là có, vì tôi đang được sống với hạnh phúc đó. Ba ngày. Ba ngày ngắn ngủi. Ba ngày. Ba ngày đang qua. Ba ngày Quy Nhơn. Ba ngày thần tiên. Ba ngày tuyệt vời. Chúng chỉ đến với tôi một lần trong đời. Và tôi muốn ghi lại. Để nhớ. Để sung sướng. Để khóc.

Ngày đầu. Buổi chiều.

Bàn tay Đạo đặt nhẹ lên vai, thành một lay gọi dịu dàng. Tôi cựa mình và thức giấc. Mặt đệm dưới lưng êm ái. Căn phòng tối mờ, Đạo ngồi ở thành giường. Chàng cúi nhìn tôi, bàn tay chàng trên vai.

Tôi nắm lấy bàn tay, và nhìn khuôn mặt Đạo ở gần. Một khuôn mặt tình nhân. Một khuôn mặt quen thuộc.

- Mấy giờ rồi anh?

Đạo nhìn đồng hồ:

- Bảy giờ kém mười lăm.

Giọng nói của Đạo tỉnh táo. Chàng đã mặc quần áo. Và đang cầm trong tay một điếu thuốc lá.

Tôi cười, chuyển thế nằm, gối đầu lên đùi Đạo.

- Lạ giường, lạ chiếu, thế mà em cũng ngủ được một giấc.

Đạo gật:

- Một giấc khá dài, khá ngon. Đỡ mệt chưa?

- Em khỏe mạnh hơn bao giờ. Đói bụng nữa.

- Chúng mình đi ăn.

- Anh không ngủ sao?

- Không.

- Trong lúc em ngủ, anh làm gì?

Đạo giơ cao điếu thuốc:

- Hút thuốc nhìn em ngủ.

Tôi ngẫm nghĩ đến cái cảnh tượng tôi ngủ vùi, Đạo ở bên cạnh, hút thuốc nhìn tôi ngủ.

- Em ngủ thế nào?

- Xấu.

Tôi hoảng hốt:

- Thật sao?

Đạo lắc đầu cười:

- Anh nói đùa. Gái Pleiku ngủ đẹp lắm. Ngắm nhìn không chán mắt.

Thế là Đạo khen tôi xinh đẹp. Có xinh đẹp mới dễ thương ngay cả trong giấc ngủ. Tôi thấy tôi sung sướng. Vì mình xinh đẹp. Vì được người tình ngắm nhìn. Cả trong giấc ngủ. Hai tuần ở Sàigòn, tôi đã thức giấc nhiều lần với Đạo ở bên cạnh như thế này. Nhưng đó là những thức giấc vật vã, lo hoảng. Những buổi chiều Sàigòn cũng chứa đựng trong chúng tôi một cái gì vất vả, lo hoảng. Chiều Quy Nhơn khác. Chiều Quy Nhơn giản đơn, êm đềm như những buổi chiều tuổi thơ.

Dưới đường những hồi chuông leng keng liên hồi vọng lên. Tôi nghe bật cười:

- Tại sao cyclo Quy Nhơn rung chuông hoài vậy, anh biết không?

- Họ đùa.

- Vừa đạp cyclo vừa đùa sao?

Đạo gật:

- Vừa đạp xe vừa đùa.

Có lẽ Đạo nói đúng. Phần lớn những người đạp xe ở Quy Nhơn mà tôi nhìn thấy đều trẻ măng. Mười sáu mười bảy tuổi thôi. Họ rung chuông và họ thích đùa nghịch như phần lớn những người dân miền biển. Có lẽ lại chỉ là tôi tưởng tượng. Tôi đang sung sướng. Đang muốn ca hát, muốn đùa nghịch và tưởng ai cũng đang đùa nghịch như mình. Lúc này, có một cái chuông như mấy chú cyclo, tôi cũng rung chuông liên hồi, rung chuông vang động.

Đạo đỡ tôi ngồi dậy. Tôi vươn vai, thở ra một hơi dài.

- Cho em xin mười phút.

Đạo cười:

- Có thể thêm.

Tôi lắc:

- Mười phút thôi. Tắm, không trang điểm.

Tôi vào phòng tắm. Nước ào ạt, mát lạnh. Ngắm nhìn khuôn mặt lướt thướt trong gương, tôi chợt nhớ đến Pleiku. Giờ này quán Nhớ có những ai? Cái chỗ thường ngồi của Thụy, người nào đã thay thế? Tôi đi vắng, mọi việc Huyền làm hết, chắc nó đang bực mình ghê gớm. Một mặc cảm hối hận bỗng nhiên tràn ngập. Còn Khoa nữa, Khoa đang mong tôi về. Mong từng giờ từng phút. Tôi vội vã ra khỏi phòng tắm, vội vã đuổi dạt mọi ý nghĩ vê Pleiku ra khỏi tâm trí.

Thấy tôi kém vui, Đạo hỏi:

- Sao thế?

Tôi thở dài:

- Em nghĩ đến quán Nhớ. Tự nhiên thấy sốt ruột quá.

Đạo ôn tồn:

- Một năm em có quyền đi chơi xa một vài ngày.

- Em nghĩ vậy. Nên mới đi.

Niềm vui mới khởi sự, mới bắt nguồn, đe dọa tan biến. Tôi chỉ xin có ba ngày thôi mà. Tôi chỉ xin có ba ngày sung sướng, sống hồn nhiên, không suy nghĩ. Tôi mặc quần áo vội vàng. Một cái áo sơ mi ngắn tay, kiểu đàn ông. Một cái quần ống rộng. Tôi dùng một sợi giây thung, buộc chặt mái tóc lại sau gáy.

Đạo hỏi:

- Em có đồ tắm không?

Tôi lắc:

- Không.

- Em không muốn tắm biển?

- Có chứ. Lát nữa, phải đi hỏi mua một bồ độ tắm.

Chúng tôi đi ra. Đèn đã bật ngoài hành lang. Khách hàng thưa thớt ở phòng ăn dưới nhà. Cô con gái bà chủ, vẫn ngồi ở sau quầy chăm chú với cuốn tiểu thuyết. Tôi chợt nhớ đến mấy bức tranh còn để trên phòng. Phải đến nhà Thụy trước đã. Làm cái việc đó cho xong, rồi muốn làm gì thì làm.

- Anh lên lấy dùm em mấy bức tranh.

- Đến nhà anh Thụy?

- Vâng. Rồi chúng mình đi ăn sau.

- Em muốn thế cũng được.

Đạo lên lấy tranh xuống. Ra tới ngoài đường, nắng đã tắt hẳn. Trời nhá nhem. Những vì sao thứ nhất đã được mọc trên một nền trời nhợt nhạt. Chúng tôi thuê hai chiếc cyclo, bảo xe đưa trở lại nhà Thụy. Suốt dọc đường, hai chiếc cyclo vừa chạy đua vừa lắc chuông inh ỏi. Tôi nhìn sang Đạo. Chúng tôi cười với nhau. Ban nãy, niềm vui ở tôi đe dọa tan biến. Với tiếng chuông vang động đường phố, tôi đã vui trở lại. Tôi sẽ buồn. Buồn khủng khiếp. Tôi sẽ khóc. Khóc hết nước mắt. Nhưng sau ba ngày đã. Khi tôi rời Quy Nhơn.

Tám giờ tối

Tôi ở nhà Dã Thụy nửa giờ. Đạo đưa tôi đến trước cửa ngôi nhà có những bông hoa đỏ chói rồi ra bãi chờ tôi. Ông cụ thân sinh ra Thụy và cô em gái vừa ở nhà thươngvề. Ông cụ cao gầy, nghiêm khắc, nét mặt lộ đầy vẻ phiền muộn, thứ phiền muộn u uất, không đáy của một người già không tìm đựơc sự thanh thản cho tâm hồn, sự an nhiên cho phần đời còn lại.

em gái Thụy hiền, mắt to nụ cười dễ thương. Ông cụ chỉ tiếp tôi chừng năm phút rồi thở dài lui vào nhà trong. Khi báo tin Thụy đã mất, ông lão ngồi lặng người, chỉ nói vắn tắt: "Thế là thằng con tôi đã chết". Ông cụ không hỏi thăm tôi Thụy sống ra sao, chết như thế nào. Cũng không thèm chú ý tới mấy bức tranh tôi mang tới. Chờ cho người cha lui vào nhà trong rồi, cô em gái mới chảy nước mắt. Tôi ngồi im, nhìn cô ta khóc, không biết dỗ dành như thế nào. Tên cô ta là Hiền. Cái tên thật đúng với người.

Hiền nín khóc, lau nước mắt, hỏi tôi:

- Chị với anh Thụy là thế nào?

- Bạn.

- Anh Thụy có sống với một người đàn bà nào không?

Tôi lắc:

- Sống một mình.

- Anh ấy đi. Không một lần viết thư về nhà. Thầy em giận lắm. Mẹ em nhớ con, mỗi lần nhắc đến anh ấy lại khóc. Sao chị không khuyên anh ấy về thăm nhà?

- Có khuyên. Nhiều lần.

Hiền chỉ tay về phía một cửa phòng đóng kín:

- Đó là phòng anh Thụy. Từ ngày anh ấy bỏ đi, căn phòng vẫn bỏ trống. Em sẽ treo mấy bức tranh trong căn phòng đó.

Tôi tỏ ý muốn vào thăm căn phòng của Thụy. Hiền đứng lên, đưa tôi vào. Đó là một căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn thẳng ra bãi. Đồ đạc sơ sài. Một cái giường, một cái tủ, một bàn viết. Hiền bật đèn. Một tấm hình lồng kính của Thụy đặt trên mặt bàn. Cặp mắt trong hình như ngạc nhiên về sự có mặt đột ngột của tôi. Không có một ai vào phòng, đã nhiều ngày. Một lớp bụi đầy phủ kín lên hết thảy. Hiền mở cửa sổ, chỉ chiếc ghế gần cửa.

- Những lúc không đi đâu, anh Thụy thường ngồi ở đó, nhìn ra biển hàng giờ.

Tôi hỏi Hiền:

- Tại sao anh Thụy bỏ đi. Hiền biết không?

Hiền ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:

- Em vẫn tự hỏi nhiều lần về điều chị vừa hỏi. Có những lúc em tưởng như tìm thấy nguyên nhân. Nhưng nghĩ lại, chẳng có nguyên nhân nào đúng hẳn. Anh Thụy nói ít, sống lạ lùng từ hồi nhỏ. Cả nhà không ai hiểu được anh ấy.

Hiền hỏi lại tôi:

- Chị là bạn thân, chị cũng không hiểu sao?

Tôi đáp, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hiền:

- Mỗi người có một đời sống riêng, nhiều khi chính người đó còn không hiểu được.

Hiền nhìn tôi, bâng khuâng;

- Điều chị vừa nói, em cũng không hiểu.

Tôi hỏi:

- Năm nay Hiền bao nhiêu tuổi?

- Mười bảy.

- Thêm vài tuổi nữa rồi Hiền sẽ hiểu.

Thấy mình không còn lý do gì ở lại nhà Thụy lâu hơn, tôi đi ra. Hiền giữ tôi ở lại thềm cửa.

- Anh Thụy chôn ở đâu?

- Trên một ngọn đồi.

- Ai chôn cất cho anh ấy.

- Tôi và mấy người bạn.

- Anh Thụy có nhiều bạn thân lắm nhỉ?

Tôi gật:

- Nhiều. Và ai cũng quý mến anh ấy.

- Em muốn hỏi chị một điều cuối cùng. Anh Thụy có được sung sướng không?

Tôi trả lời cho Thụy, có cảm tưởng trả lời cho cả chính mình:

- Sự sung sướng hay sự khổ sở rất tương đối. Mỗi người, buồn khổ hay sung sướng một cách khác nhau. Tôi chỉ có thể nói với Hiền là anh Thụy đã sống theo đúng như anh ấy muốn.

Hiền nói, nếu có cơ hội sẽ lên Pleiku. Tìm tôi. Nhờ tôi đưa tới viếng mộ Thụy nơi ngọn đồi ngoài thị xã. Tôi cho Hiền địa chỉ quán Nhớ rồi chúng tôi chia tay.

Trăng đã lên. Ánh trăng nhạt, lẫn vào ánh điện đường. Chỉ tới khi ra tới bãi, mầu trăng về đêm trăng mới nhìn thấy rõ. Tôi đã được sống nhiều đêm trăng rừng huyền ảo, nhiều đêm trăng núi huyền hoặc. Trăng rừng núi xanh và lạnh, phơi dãi trên một cảnh tượng chập chùng.

Trăng núi lúc nào cũng như có nước mắt. Mầu trăng cũng là mầu sương. Trăng biển rạng rỡ. Nền trời trong vắt. Mặt biển óng ánh. Con trăng treo lơ lửng giữa trời là một dĩa ngọc.

Đạo đứng ở giữa bãi, quay lưng lại.

Nghe thấy tiếng chân tôi, chàng quay lại:

- Gặp chưa?

- Rồi.

- Như thế nào?

- Buồn. Không ngờ có một gia đình buồn như thế. Thụy có một người em gái khá xinh đẹp, cô ta khóc làm em suýt khóc theo.

- Ai rồi cũng phải chết.

- Em cũng nghĩ như vậy, nên em không khóc nữa.

Chúng tôi không vào phố mà đi ngược bãi biển lên phía trên, phía có những tiệm ăn. Đạo đưa tôi đến tiệm ăn chàng nói là thơ mộng và thoáng mát nhất. Tiệm thơ mộng. Thoáng mát nhất. Nơi chốn này trước là một hội quán riêng của sĩ quan Mỹ. Những người Mỹ rời khỏi Quy Nhơn, để lại hội quán cho một người địa phương khai thác. Bãi cát nằm sát chân hội quán là một nền xi măng mênh mông. Hai ba căn nhà tiền chế mỏng, nhẹ nằm cách nhau dưới những bóng dừa. Bàn ghế nằm rải rác. Những chiếc bàn thấp. Những chiếc ghế bành êm ái. Chúng tôi chọn một bàn ăn dưới một bóng dừa lả ngọn. Ánh đèn, bóng cây, bóng lá lẫn lộn, thấp thoáng. Gió thổi, miên man, tràn đầy.

Người chủ quán tới với tấm thực đơn. Đạo gọi một đĩa cua rang muối và một đĩa chim sẻ. Hai đĩa đồ ăn được mang ra mau chóng. Quán hàng vắng khách. Chỉ có hai chúng tôi và một bàn khác nữa. Tôi ăn một con chim sẻ quay, nhớ đến những con chim mía trong bữa ăn có Dã Thụy. Giữa hai bữa ăn có bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Giữa hai bữa ăn, đã người còn, kẻ mất. Đã một nấm mồ. Đã những giọt lệ. Hạnh phúc chốc lát thật. Tôi biết thế rồi và tôi không khóc nữa.

Bữa ăn kéo dài tới mười giờ đêm. Gió thổi mạnh hơn. Đêm lạnh. Để chống với cái lạnh thổi vào từ biển, tôi lại uống rượu nữa.

Tôi hỏi Đạo:

- Mai làm gì?

- Anh chưa nghĩ tới. Có lẽ chúng mình sẽ đi thăm một vài nơi của Quy Nhơn. Để anh gặp người bạn đã. Anh ta thành thuộc về Quy Nhơn hơn anh nhiều.

Chúng tôi trở về khách sạn giữa một thành phố Quy Nhơn đã lắng chìm vào yên lặng. Trăng lên cao. Biển xa xa là một thảm bạc mênh mông. Một vài chiếc cyclo còn lăn chậm trên những mặt đường rộng thoáng. Nhưng những hồi chuông vui tai trong nắng chiều đã tắt. Vầng trăng trên đầu đuổi theo hai chúng tôi. Tôi bước những bước hững hờ, toàn thân tựa hẳn vào cánh tay Đạo ôm chặt.

Lúc sung sướng, người ta được sống tràn đầy, với một ý niệm tư hữu. Tôi đang được sống với cái ý niệm này. Đạo thuộc về tôi. Chàng ngang tàng một đời. Chàng sống như gió thổi, như mây bay. Nhưng phút này, chàng thuộc về tôi, là của tôi. Thành phố Quy Nhơn phút này cũng vậy. Nó là của tôi, ánh trăng đang đuổi theo con đường dài trước mặt, những ánh đèn, những viên gạch, những bóng lá. Và Đạo bên cạnh. Đạo không dữ, không ghê gớm. Đạo đã đổi thành một Đạo mới, chàng đang đi bên tôi, dịu dàng, ngoan ngoãn, như một chàng trai mới lớn.

Mười một giờ đêm. Về tới khách sạn. Chúng tôi đã đi dưới trăng, trên một quãng đường dài. Hai chân tôi mỏi rời. Nhưng là một mỏi mệt kỳ thú. Tiệm ăn đã đóng cửa. Căn phòng tối đen. Chúng tôi vào khách sạn bằng lối cửa hông. Mẹ con bà chủ đã lui vào phòng riêng. Không bảo nhau, cả Đạo và tôi đều nhẹ bước. Những bực thang lượn vòng dưới ánh đèn xanh biếc. Hành lang vắng ngắt. Rồi phòng ngủ. Rồi mặt đệm. Gần sáng, tôi ngủ thiếp đi trong tay Đạo.

Ngày thứ hai - Buổi sáng

Tám giờ sáng. Tôi mở mắt, ra khỏi giấc ngủ trong một cảm giác buông thả khoan khoái. Đạo nằm nghiêng, một tấm chăn mỏng đắp trên người. Chàng còn ngủ say. Những tiếng chân nổi lên ngoài hành lang, cho biết ở khách sạn này đã có những người thức giấc từ sớm. Bên ngoài, trời đã nắng qua những tia sáng lọt vào từ những khe cửa. Tôi nhẹ nhàng rời khỏi giường, vào phòng tắm. Đạo thức, sau đó. Chúng tôi mặc quần áo, xuống dùng điểm tâm ở dưới nhà.

Bà chủ gặp chúng tôi ở chân cầu thang.

- Đêm qua ông bà có ngủ được ngon giấc không?

Bà ta hỏi và tôi đưa mắt nhìn Đạo. Ông bà. Tôi với Đạo đã trở thành vợ chồng. Trong ba ngày.

- Cám ơn bà. Không khí ban đêm ở đây rất dễ chịu.

Bữa điểm tâm khá ngon miệng. Rồi Đạo đưa tôi đến gặp người bạn của Đạo. Đúng như Đạo đã nói trước, người bạn chàng kỳ dị thật. Kỳ dị từ hình thức đến cách sống. Chỗ ở của Luận - Tên người bạn Đạo - Là một ngôi nhà một tầng, kiểu cổ. Nó được ngăn cách với mặt đường bằng một hàng rào gỗ và với những nhà láng giềng bằng hai hàng cây cao. Nếu có một chỗ nào mát mẻ và nhiều bóng cây nhất ở Quy Nhơn thì là ở đây. Luận đang đọc sách khi chúng tôi tới. Đạo gõ cửa. Từ bên trong một tiếng người vọng ra.

- Đạo hả? Cửa khép, cứ vào đi.

Đạo nói nhỏ với tôi:

- Đã thấy lạ lùng chưa?

Tôi ngẩn người:

- Em chưa thấy gì hết.

- Rồi đó. ANh vừa gõ cửa anh ta đã biết anh là ai.

Tôi cười:

- Ban anh là một ông thầy bói.

Đạo gật, nghiêm trang:

- Gần như thế. Một đạo sĩ.

- Đạo sĩ là người thế nào?

Đạo nhún vai:

- Một người sống ẩn. Bên ngoài cuộc đời. Và sống khác hẳn mọi người.

Khác thật. Cánh cửa vừa đẩy ra, tôi đã nhìn thấy một xâu chuỗi những cái khác lạ chưa từng nhìn thấy ở đây hết. Tôi nhìn thấy những gì? Nhìn thấy một căn phòng cực kỳ ngổn ngang, bừa bãi. Cái ngổn ngang bừa bãi cực kỳ ấy là những cuốn sách. Nói là một rừng sách thì đúng hơn. Sách hiện hình cùng khắp. Sách che lấp hết thẩy. Những chồng sách chất đống, đụng tới trần. Những dẫy sách nằm liền liền phủ kín nền nhà. Và ở giữa một khoảng trống nhỏ là một ông lão già. Ông lão mặc một bộ quần áo màu vàng, tay áo thật rộng, kiểu áo của những người tu hành. Tóc ông ta thật dài trùm gáy, tới lưng như tóc đàn bà. Bộ râu cũng vậy, thòng dài tới ngực. Ông lão đang cầm trên tay một cuốn sách. Thấy chúng tôi ông ta cười, đứng lên.

tôi nhìn rõ hơn. Và biết mình nhìn lầm. Luận không phải là một lão già. Ánh mắt tin tưởng, dáng điệu khỏe mạnh. Luận thật ra còn trẻ hơn Đạo nhiều. Chỉ là mái tóc và bộ râu đã khiến cho tôi nhìn lầm người đàn ông trung niên thành một ông lão tám mươi. Đạo cố gắng không cười trước nét mặt ngẩn ngơ của tôi. Chàng giới thiệu:

- Ngọc, anh giới thiệu với em đây là anh Luận.

Luận cầm cuốn sách hai tay buông thõng, nhìn tôi đăm đăm với nụ cười không tắt trên môi. Tôi mất hẳn tự nhiên trước người đàn ông kỳ dị.

- Mời chị ngồi chơi.

Luận cười lớn, nói tiếp:

- Không có bàn ghế gì hết. Chịu khó ngồi trên những cuốn sách, ngồi xuống.

Đạo chỉ cuốn sách nơi tay Lụân hỏi:

- Đọc gì thế?

- Một cuốn kinh.

- Có gì đặc biệt ở trong đó?

Luận giở giở mấy tờ của cuốn sách chữ Hán.

- Mới đọc. Chưa biết nói thế nào. Nhưng đọc tới đâu, thấy đầu óc nhẹ nhõm khoan khoái tới đó thì chắc là một cuốn sách hay.

Luận hỏi tôi, giọng giễu cợt vui thú.

- Chắc chị ngạc nhiên lắm.

Tôi gật đầu, thú nhận:

- Thoạt đầu, tôi tưởng anh là một ông lão già.

Luận vuốt bộ râu dài:

- Tôi mới bốn mươi lăm. Nhưng cũng cho là mình già, mình hết đời rồi.

Luận chỉ tay vào cái rừng sách vây quanh:

- Tôi sống một mình như thế này. Với những cuốn sách.

Tôi hỏi:

- Anh thường ra khỏi nhà?

Luận lắc đầu:

- Nói rằng tôi giam mình trong căn phòng này gần như quanh năm suốt tháng thì đúng hơn. Tôi để râu, nuôi tóc vì thế. Râu tóc với những cuốn sách là bè bạn duy nhất.

Luận nói một cách đơn giản tự nhiên, thật lập dị mà lại không có vẻ gì của một người lập dị.

Tôi hỏi:

- Anh ở đây đã lâu.

Gần hai mươi năm. Trước, tôi ở trong Sàigòn.

Luận cười:

- Cũng làm ăn, buôn bán, như mọi người.

Luận cười thành tiếng, chỉ Đạo:

- Cũng chơi bời không thua gì ông Đạo này. Rồi tình cờ, tôi ra Quy Nhơn. Và tôi vất bỏ hết để ra sống ở đây, như thế này.

Tôi thắc mắc:

- Anh cũng phải làm gì để sống chứ?

- Tất nhiên. Nhưng mà những nhu cầu vật chất của tôi đã thu lại tới mức tối thiểu. Một ngày hai bữa cơm muối vừng. Một bình trà. Tôi dạy học mấy giờ một tuần ở một trường tư trong khu phố này.

Luận pha trà trên cái khay trà là một cuốn sách lớn. Tôi dần dần thấy có cảm tình với người đàn ông kỳ dị. Dần dần thấy yêu mến cái đời sống thoát tục của Luận Phải, sống như Luận đang sống là rất nên. Ở xa mọi tục lụy. Ở ngoài mọi ràng buộc.

Qua câu chuyện hai người đàn ông nói với nhau, tôi được biết thêm nhiều điều khá ngộ nghĩnh về Luận. Như năm ngoái, năm kia, Đạo cầm đầu đoàn người trẻ tuổi xuống đường, thức hàng chục đêm không ngủ giữa những người trẻ tuổi diễn thuyết ca hát. Như Luận đã nghiên cứu tướng số rất kỹ lưỡng và coi như người am tường nhất về khoa tử vi ở Quy Nhơn. Luận đã coi bói, coi tử vi cho rất nhiều người. Coi chơi. Thường là coi cho bạn bè. Không lấy tiền

Đạo hỏi tôi:

- Nhân tiện, em muốn anh Luận coi cho một quẻ không?

Tôi lắc đầu:

- Không.

Luận ném cho tôi một cái nhìn tò mò:

- Sao vậy?

Tôi nhún vai:

- Tôi không thích, không muốn.

- Chị không tin?

- Cũng không hẳn là như vậy.

Luận cười:

- Biết một chút về cái đã xẩy ra và về cái sắp xẩy ra cho cuộc đời mình cũng hay lắm chứ.

Tôi nhìn Đạo nửa đùa nửa thật:

- Cả hai phương diện đó tôi đều đã biết.

Đạo nín thinh, như có ý hiểu. Hiểu rằng tôi không có một ảo tưởng gì về cuộc tình tôi đang sống và hạnh phúc tôi, tôi chỉ giới hạn nó trong ba ngày ở Quy Nhơn không hơn. Tôi sống ngắn hạn. Với cái đang xẩy ra. Thu nhỏ đời mình trong những cái đang xẩy ra. Những đường chỉ tay, những lá số tử vi đều vô ích và vô nghĩa. Đạo đứng lên:

- Đi chơi với chúng tôi được không?

Luận gật:

- Được. Đi đâu?

- Anh là hướng đạo cho chúng tôi. Đi đâu tùy anh.

Luận ngẫm nghĩ:

- Quy Nhơn có nhiều chỗ đáng thấy. Nhưng hơi xa. Để tôi chạy sang hàng xóm hỏi mượn cái xe hơi đã. Anh lái xe được không?

- Được.

Mười phút sau, chúng tôi rời khỏi cái rừng sách của Luận, trên một chiếc xe jeep cũ kỹ.

Luận vẫn mặc bộ quần áo vàng đạo sĩ, thêm một cái quạt nan phe phẩy trong tay, Luận chỉ đường cho Đạo đi dọcbờ biển hướng về một phía núi. Đường bắt đầu xấu. chiếc xe lắc lư gập ghềnh. Lòng đường hẹp dần, cao dần. Phía trái là những vách đá dựng thẳng. Phía phải, một thung lũng sâu hút. Cảnh vật phơi dưới nắng khô khan và cằn cỗi.

Đạo hỏi:

- Đi đâu thế này?

Luận cười:

- Thăm mộ một người chết.

Quay sang tôi Luận hỏi:

- Chị Ngọc đã đọc thơ Hàn Mặc Tử bao giờ chưa?

Tôi chưa đọc thơ Hàn Mặc Tử bao giờ. Cũng chưa đọc thơ của ai hết. Tôi chỉ thích âm nhạc. Thơ ở ngoài đời sống tôi. Nhưng tôi đã được nghe nói đến nhà thơ sinh trưởng ở Quy Nhơn và chết vì bệnh cùi thật nhiều. Nhạc và Thập đều yêu thơ Hàn Mặc Tử. Dã Thụy nữa. Nhiều buổi chiều mưa ở quán Nhớ, họ chụm đầu đọc thơ Hàn Mặc Tử thành khẩn và say sưa.

Tôi trả lời Luận:

- Chưa, nhưng cái ông thi sĩ ấy thì tôi đã đựơc nghe bè bạn nhắc tới.

Chiếc xe nặng nhọc vượt qua nhiều con dốc nữa. Nó ngừng lại ở một khúc quanh. Chúng tôi phải xuống, đi bộ một quãng nữa mới tới mộ Hàn mặc Tử. Như mộ Dã Thụy, nơi yên giấc ngàn đời của nhà thơ Quy Nhơn cũng nằm trên một chỗ cao. Cạnh mộ thấp hơn một chút, là một đồn binh. Những ụ súng lầm lỳ. Những hàng rào thép gai. Đá núi trần trụi và cỏ hoang cùng khắp. Thấp hơn nữa, chói lòa dưới nắng là vùng biển Quy Nhơn. Tôi đi theo Luận và Đạo tới đứng trước ngôi mộ. Một phiến đá lớn, phẳng. Một mộ chí, trên đó ghi tên tuổi, ngày ra đời và tạ thế của thi sĩ. Có cả nhà thơ Quách Tấn là người bạn thân đã góp phần vào xây dựng bia mộ này. Ở Pleiku, Dã Thụy nằm hướng về một phía núi cao ngất. Hàn Mặc Tử nằm trên một tầng cao nhìn xuống biển Quy Nhơn.

Chúng tôi cùng đứng lặng. Tôi không nghĩ được gì khác, là nghĩ về những cuộc đời đã hết, tất cả tan biến vào hư vô. Người xúc động nhất lại là Đạo. Chàng nhìn nấm mộ đăm đăm, chìm đắm trong một suy nghĩ buồn bã. Nắng chan hòa. Những bụi cỏ hầm hập bốc hơi. Tôi nhìn xuống vùng biển, xuống thành phố QUy Nhơn. Hôm nào, tôi cũng đã từ trên một ngọn đồi cao nhìn xuống Pleiku dưới thấp. Đứng trên cao, thấy xa đồi, gần trời. Đứng trên cao, thấy được cái lớn lao, cũng đồng thời nhận thức được cái tầm thường, cái nhỏ bé, cái hữu hạn.

Luận trao cho toi cây quạt:

- Chị che đầu cho đỡ nắng.

Tôi lại gần Đạo, nói nhỏ:

- Thăm một người thân hay là người quen, bao giờ cũng buồn quá. Đi chỗ khác, anh.

Đạo bứt một ngọn cỏ, thả cho rớt xuống trong nắng. Chúng tôi trở về chỗ đậu xe.

Luận chỉ tay về hướng núi:

- Bây giờ đi thăm trại cùi Quy Nhơn.

Tôi rùng mình. Tôi đã nghe nói đến trại cùi này, cả đời sống đầy đọa, khuất lánh của những người cùi. Cũng đã được xem một cuốn phim về những người cùi thời trung cổ, sống lưu đầy trong một thung lũng đá vôi.

Tôi ngần ngại:

- Nên không?

Luận cười:

- Tại sao lại không nên. Đã tới Quy Nhơn phải đi thăm trại cùi. Chẳng phải ai cũng vào được đâu. Tôi quen mấy dì phước ở đó. Vào được.

Luận dơ một ngón tay:

- Đừng tưởng chúng ta là những người lành mạnh. Và đừng tưởng những người cùi đáng ghê tởm.

Tôi cau mày:

- Sao anh lại nói thế?

Luận lên xe.

- Ngọc vào tới nơi sẽ biết tại sao?

Chiếc xe lại trèo tới, mệt nhọc, vất vả trên con đường khấp khểnh. Thung lũng sâu hơn. Rồi xe đổ dốc, xuống một thung lũng khác.

Một con đường thẳng tắp mở ra. Nhịp xe êm ả hẳn lại. Cảnh vật vẫn hoang vắng, tịch mịch, nhưng không man rợ nữa, vì đã có bàn tay chăm sóc của người.

Luận nói:

- Chúng ta đã vào tới thế giới người cùi.

Chiếc xe ngừng lại trước một cổng sắt. Hai cánh cổng đóng kín. Nhìn vào lại một đường nữa, thẳng tắp giữa hai hàng cây. Trên cánh cổng, treo một tấm bảng với hàng chữ tôi chưa từng đọc thấy ở một tấm bảng nào: "Hãy để cho chúng tôi được yên lành". Tôi rợn người trong một cảm giác khó tả. Chúng tôi đây là những người cùi. Họ sống trong một thế giới riêng. Họ xin loài người hãy để cho họ được yên lành. Cuộc viếng thăm của chúng tôi có nên không? Hay chỉ là một đột nhập khả ố, một phá rối không thể tha thứ? Tôi nói sự thắc mắc của tôi với Đạo. Đạo hỏi ý kiến Luận.

Luận cười:

- Không sao? Tuần nào cũng có người đến đây thăm viếng. Tấm bảng chỉ để làm bớt đi những sự thăm viếng ấy mà thôi. Chúng ta sẽ không ở lâu.

Nghe thấy tiếng xe, một người đàn ông từ sau một lùm cây chạy ra. Ông ta chừng bốn mươi tuổi, nước da ngăm đen, dáng điệu bình thường, khỏe mạnh. Da thịt người đàn ông nguyên vẹn, nhẵn nhụi, không có những triệu chứng lở loét của người cùi. Tôi hỏi nhỏ:

- Người này là thế nào?

Luận:

- Một bệnh nhân.

Tôi ngạc nhiên:

- Bệnh nhân mà cũng được đi lại tự nhiên, thong dong như thế kia sao?

Luận giải thích:

- Đó là những người bệnh nhẹ. Hoặc sắp khỏi hay mới bắt đầu.

Tôi ngẩn người:

- Bệnh cùi cũng chữa được sao?

Luận gật:

- Có chứ. Rất nhiều người đã ra khỏi trại này. Vì được chữa khỏi.

Người đàn ông lẳng lặng mở rộng cánh cửa. Ông ta mỉm cười, đáp lại cái gật đầu của chúng tôi. Và đứng tránh sang một bên. Xe vào trại. Lúc này tôi mới nhận ra hai hàng cây xếp hàng trên hai bờ đường là hai dãy phi lao thấp. Biển chưa nhìn thấy. Nhưng biển đã đâu đó. Trong tiếng gió rì rào làm cho hai hàng phi lao rung lên. Xe chạy hết con đường, rẽ về phía tay trái. Nhìn những bồn cỏ mịn màng, những luống hoa tươi tốt, tôi có cảm tưởng đang ở trong một công viên bát ngát hơn là ở giữa đất sống và đất chết của những người cùi. Xe ngừng lại trước một toà nhà hai tầng, có thềm cao kiến trúc rất tây phương. Vẫn không một bóng người, không một tiếng động. Tất cả đều yên nghĩ, thư thái, thiêm thiếp.

Chúng tôi phải đứng chờ ngoài thềm chừng năm phút mới có một dì phước chạy ra. Luận tới nói chuyện với dì phước. Dì phước gật đầu chào chúng tôi, mời cả bọn vào phòng khách. Dì nói dì người vùng Quảng Bình. Năm ngoái dì còn ở một chủng viện trên Khôngntum. Dì tình nguyện xuống phục vụ Ở trại cùi. Dì mới ở Quy Nhơn từ đầu năm nay.

Phòng khách như mọi nơi trong trại, sạch bóng. Những chiếc ghế bằng mây vây chung quanh một cái bàn thấp. Trên tường hình Đức Mẹ và Thánh giá. Dì phước trở lại với một khay nước ngọt. Dì mời chúng tôi uống cho đỡ khát trước khi được hướng dẫn đi thăm những khu vực chính của bệnh viện.

- Cô cứ uống, không sao. Bệnh cùi cũng lây nhưng không lây dễ dàng như mọi người tưởng nữa. Lát nữa cô sẽ gặp bà Nhất người Pháp. Bà đã ở đây bốn mươi năm, giữa những người cùi, bà không sao hết.

Tôi hổ thẹn, đỏ bừng mặt. Đạo ném cho tôi một cái nhìn giễu cợt. Tôi bưng ly nước uống, không cảm thấy ghê rợn như lúc mới đến trại nữa. Bầu không khí thư thái. Sự yên tĩnh như một bóng rợp dịu dàng bao phủ. Những bông hoa nở trong yên lặng ở ngoài vườn. Những hàng phi lao xôn xao. Những thảm cỏ óng mướt. Sự bồn chồn trong tâm hồn tôi cũng đã lắng dịu theo. Tôi đã hết sợ. Và muốn xem trại. Muốn thấy. Muốn ở lại.

Chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau cho tới khi bà Nhất người Pháp trên lầu đi xuống.

Trái với dì phước mảnh khảnh, xanh yếu, bà Nhất đẫy đà khỏe mạnh. Nước da bà trắng hồng. Mái tóc bà đã bạc phơ, khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Nhưng cặp mắt xanh biếc mầu trời thì tinh anh vô chừng và cái nhìn tươi tắn.

Bà bắt tay chúng tôi, tỏ ý bằng lòng khi cả ba chúng tôi đều nói được tiếng pháp. Bà cười dùng tiếng Việt.

- Như thế tôi có thể nói bằng tiếng Pháp. Tôi ở đây đã trên bốn mươi năm, nhưng nói tiếng Việt còn kém lắm.

Luận:

- Bà nói không khác gì chúng tôi.

Bà Nhất xua tay:

- Đâu phải. Cái dấu đó. Tôi không nói được rõ dấu. Các người đã thấy rồi chứ.

Chúng tôi cùng cười. Sau đó, bà Nhất, có dì phước theo sau, hướng dẫn chúng tôi đi thăm bệnh viện. Phòng giải phẫu. Phòng phát thuốc. Phòng thí nghiệm. Đâu đâu cũng ngăn nắp, sáng láng. Chúng tôi xuống thềm đi sang một căn nhà khác. Khu này dành cho nữ bệnh nhân. Đám người bệnh cùng ngồi lên khi thấy chúng tôi vào. Nét mặt họ bình tĩnh. Họ nhìn chúng tôi lặng lẽ. Rời khu đàn bà, chúng tôi sang khu đàn ông. Giữa hai khu nhà nhiều bệnh nhân ngồi sưởi nắng trên những cái ghế dài. Tôi nhìn mọi khuôn mặt. Điều tôi nhận thấy là phần lớn những người bệnh đã an phận, đã nhẫn nhục với chứng bệnh hiểm nghèo của họ. Họ không kêu khóc, không vật vã. Trên những khuôn mặt bất động, nét lo âu đã biến mất. Chỉ còn một vẻ buồn bã, lặng lờ không bờ bến.

Chúng tôi đi ra khỏi những khu nhà.

Luận hỏi Đạo:

- Anh thấy thế nào?

Đạo nín thinh, không trả lời.

Quay sang tôi, Luận hỏi:

- Chị thấy gì?

- Sự chờ đợi. Sự chờ đợi cái chết.

- Không hẳn là như thế đâu. Nếu nói đến cái chết thì cái chết đã có từ ngoài cổng vào. Đây là đời sống, ở một hình thái khác.

Chúng tôi đi thong thả dưới cái nắng Quy Nhơn chan hòa rực rỡ. Im lặng một lát, Luận nói tiếp:

- Những kiếp người ở đây không còn thuộc về đời sống chúng ta nữa. Họ đã xa, đã quên chúng ta. Họ đã ở trong một kiếp khác.

Tôi bâng khuâng:

- Anh tin như thế? Tin có kiếp khác?

Luận, giọng quả quyết:

- Những nơi chốn như nơi chốn này cho tôi thấy. Thấy. Chứ không chỉ là tin.

Tôi bàng hoàng, phân vân không biết những điều Luận vừa nói ra có đúng hay không. Tất cả đều có thể đúng. Tất cả đều có thể sai. Cái chết cũng đúng như đời sống. Lúc cám ơn bà Nhất ra về, xe tới cổng trại, tôi đọc những hàng chữ trên tấm bảng một lần nữa. Xin hãy để cho chúng tôi được yên. Đó là ý nguyện cuối cùng những người cùi gởi cho đời. Giòng chữ ám ảnh thần trí tôi suốt dọc đường. Cho tới khi về tới thị xã Quy Nhơn.

Ngày thứ hai - Buổi chiều

Luận từ chối lời mời đi ăn cơm trưa. Cười, nói đã quen với gạo lứt muối vừng, không ăn được cơm tiệm. Tôi nghĩ Luận giữ ý thì đúng hơn, muốn để tôi và Đạo được tự do với nhau. Chúng tôi đưa trả người đạo sĩ râu tóc về với cái rừng sách. Hai đứa lại lang thang. Trưa biển, gió thổi mạnh. Veo veo. Trùng trùng. Nắng gió lồng lộng một trời QUy Nhơn lpham rối bù mái tóc, tung bay tà áo. Đạo đưa tôi vào một cửa tiệm đường Lê Lợi. Tôi mua một bộ đồ tắm màu xanh lá cây, một cái khăn tắm lớn rồi hai đứa đi ăn cơm. Tiệm cơm Tầu trống trải vắng khách. Tôi ngồi xuống ghế, thở ra. Cuộc đi chơi liên miên suốt buổi làm mỏi mệt tay chân và váng vất đầu óc.

Đạo hỏi:

- Mệt?

Tôi gật:

- Em chưa quen. Trên Pleiku, em ngồi suốt ngày sau quầy, nằm suốt buổi trong giường. Về Pleiku, chắc em phải ngủ mấy ngày liền.

Pleiku. Con đường trở về. Cuộc phiêu lưu chấm dứt. Hạnh phúc mong manh chốc lát. Khuôn mặt hạnh phúc lung linh tan rời, đôi khi như nó là môt biến thái quái ác của bất hạnh chứ không phải là hạnh phúc đích thực. Rồi lại những chiều mưa, những đêm lạnh. Rồi lại cái bóng mình nhòa trong bóng núi bóng rừng trùng địêp. Tôi sẽ gặp lại những nét mặt quen thuộc, một không khí quen thuộc. Nhạc, Khoa, Thập. Chiếc xe Jeep của Vận buổi chiều tới đậu trước cửa quán. Những giọt cà phê thả xuống trong lòng ly mờ khói. Bài hát buồn về Pleiku " Đi dăm bước đã về chốn cũ, một buổi chiều mưa lòng bỗng bâng khuâng". Phải, Pleiku sẽ vẫn như thế lúc tôi trở về. Chỉ có tôi là đã đổi khác. Như thế nào. Làm sao biết được. Chỉ biết tôi đổi khác. Không thể không còn như trước.

Một phút im lặng, bất chợt. Đạo và tôi cùng không nói ra, nhưng chúng tôi cùng nhau biết đang nghĩ đến gì. Chúng tôi cố tránh không nghĩ đến điều đó. Nhưng đang nghĩ, đang nghĩ đến nó.

- Rồi anh sẽ quên em mau chóng.

Lời nói thốt ra, tự nhiên, không giữ được. Đạo cau mày:

- Em đừng xác định một cái gì không thuộc về em.

Tôi bướng bỉnh:

- Nhưng em biết rõ.

- Em không mong điều đó cho cả hai chúng ta sao?

- Anh mong?

Đạo gật:

- Mong.

Hai chúng tôi nhìn nhau đăm đăm. Cuộc tình hệt như một cuộc chơi. Cuộc chơi nào cũng có những quy luật mà người nhập cuộc phải chấp nhận. Tôi lại nhảm, lại nhi nữ thường tình rồi. Phải chấp nhận những quy luật. Cho cuộc chơi tồn tại. Trong ba ngày. Tôi chớp mắt.

- Em xin lỗi.

Đạo thôi nhìn tôi, nhìn đi chỗ khác:

- Đừng bao giờ em nói như thế nữa. Xin lỗi nhau, nghe nó kỳ cục lắm, em không thấy như thế sao?

- Tại sao?

- Xin lỗi là chẳng có gì nữa hết. Chỉ còn có sự xin lỗi, sự thật không phải là như thế.

- Em hiểu.

Chúng tôi cố tìm lại bầu không khí vui tươi, bằng cách chụm đầu trên tấm thực đơn. Tôi mệt, ăn không thấy ngon nữa. Ăn xong về thẳng khách sạn. Đặt mình nằm xuống giường, hai mí mắt đã sụp xuống. Tôi chỉ nói được với Đạo: "Em ngủ một lát nhé !" rồi thiếp đi.

Tỉnh dậy, đã năm giờ chiều. Thuê xe, ra thẳng bãi biển. Từ nhỏ, tôi chưa tắm biển bao giờ. Đây là lần đầu. Cảm thấy quê mùa, lúng túng trong bộ đồ tắm bó sát lấy thân thể. Cũng may, khúc bãi vắng vẻ. Chỉ có mấy đứa nhỏ nhìn chúng tôi từ xa. Đạo nói tôi có một thân hình cân đối chẳng thua kém gì thân hình những người con gái đẹp nhất ở bất cứ một bãi biển mùa hè nào. Chàng đưa tôi xuống nước. Gió vẫn thổi mạnh. Sóng lớn. Những cơn sóng hung dữ ào tới, làm tối tăm mặt mũi. Tôi phải nắm chặt lấy tay Đạo. Một lát, bạo dạn dần, thấy tắm biển là một khám phá kỳ thú.

Nửa giờ sau, lên nằm nghỉ trên bãi cát. Da thịt tôi chưa quen với nắng gió, với nước mặn, nên rạo rực cùng khắp. Trên chiếc khăn tắm, tôi duỗi dài tay chân, nhìn bầu trời xanh vô tận trên đầu. Mây trắng từng đám lực lưỡng trôi. Chiều chói lòa rồi nắng dịu dần.

Ngồi bên cạnh, Đạo kể cho tôi nghe về một thời kỳ phiêu lưu của chàng. Chàng ở Phú Quốc. Chàng ở Hải Phòng. Những đêm chàng la cà trong những quán rượu trên bến tàu, những quán rượu mù mịt khói thuốc với những người thủy thủ say rượu la hét đập phá.

Tôi cười:

- Và anh cũng như những người thủy thủ say rượu ấy?

Đạo cười theo:

- Còn hơn nữa.

Chàng nói tiếp giọng đổi khác, trong một thoáng hồi tưởng đầy lưu luyến.

- Đó là thời kỳ điên cuồng và sung sướng nhất của anh.

- Bây giờ thì sao?

- Bây giờ?

Chừng như Đạo không tìm được câu trả lời. Chàng nhíu mày vẽ những ngón tay lên mặt cát.

- Em nên nghĩ cho em hơn là tìm hiểu về anh.

- Em nghĩ cho em xong rồi.

- Như thế nào?

- Đóng cửa quán Nhớ. Bỏ Pleiku. Về Sàigòn.

- Nghĩ bậy.

- Đấy rồi anh coi.

Tôi không hề tính đến chuyện về Sàigòn. Trước kia và trước đây một phút, tôi vẫn chỉ là một người con gái tỉnh nhỏ, và Pleiku là nơi tôi có đi đâu rồi cũng phải tìm về, nói đóng cửa quán, thoạt đầu chỉ là buột miệng nói đùa. Nhưng nghĩ lại, tại sao không? Trong mấy ngày tôi xuống Quy Nhơn, chắc đã có không biết bao nhiêu điều này tiếng kia về tôi, ở Pleiku. Thư nín thinh sao được, Thư đang cố gắng phá tôi bằng được. Chắc Thư đã thành công và Khoa đã nhìn tôi bằng một cái nhìn khác. Trong trường hợp ấy, tại sao tôi không bỏ đi. Đến một vùng trời khác. Sống một cuộc đời khác. Cái dở nhất của tôi là không biết thay đổi. Dù có Khoa hay không có Khoa. Dù có Đạo hay không còn Đạo.

Thử hình dung ra cái ngày tôi và Huyền rời bỏ Pleiku, rời bỏ vĩnh viễn, xem sao. Người sung sướng nhất tất nhiên là Thư. Thư nhổ đi được một cái gai nhức nhối trước mắt. Người vui mừng thứ hai không ai ngoài Hồng Hạnh. Không còn tôi, Hồng Hạnh sẽ chiếm lại được Khoa. Còn mấy người bạn trai, như Thập, như Nhạc? Tất nhiên họ buồn phiền vì mất một người bạn và một chỗ lui tới hàng ngày. Tôi không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Trước ngày lên máy bay, tôi sẽ đi thăm Pleiku một lần cuối cùng. Tới Biển Hồ, ném một hòn đá xuống mặt hồ xanh biếc, như một cử chỉ vĩnh biệt. Tới Suối Mơ. Nghe cái âm thanh róc rách thủy tinh của suối, một lần chót. Đi lại những con đường cao. Đi lại những con phố thấp. Bảo với phố với đường rằng người con gái Pleiku má đỏ môi hồng ở tôi không còn nữa. Nó đã chết với Pleiku. Để sống lại, dưới một hình dáng khác, ở Sàigòn. "Những buổi chiều mưa, lòng bỗng bâng khuâng". Ở xa, tôi sẽ nhớ lại Pleiku. Như một quãng đời. Như một kỷ niệm. Và Khoa khi đó, thì đã lập gia đình với Hồng Hạnh. Chàng có con, chàng quên dần tôi cho đến khi quên hẳn.

- Dưới Sàigòn, những mỹ viện nhiều lắm phải không anh?

Đạo bật cười:

- Khi không hỏi thăm mỹ viện làm gì vậy?

- Em nghĩ tới một mỹ viện. Em sẽ tới đó. Cho người ta sửa mắt, sửa mũi, bơm ngực như những cô gái Sàigòn. Sửa đến anh không nhận ra em được nữa.

- Để làm gì?

- Để bắt đầu cuộc sống mới. Bằng một con người hoàn toàn mới.

- Sửa thế nào thì em cũng vẫn là em. Chẳng có mỹ viện nào sửa được trái tim.

- Trái tim em tự sửa lấy, không cần mỹ viện.

- Khi đó, em sẽ trở thành, một loại đàn bà nào?

- Loại đàn bà ăn chơi, bất cần đời. Loại đàn bà thiêu thân. Loại đàn bà khốc liệt.

Tôi ấn mạnh một ngón tay trên gò má mình:

- Với một nốt ruồi thương phu trích lệ to tướng. Ở chỗ này.

Đạo nhìn tôi đăm đăm rồi ngửa cổ cười lớn. Tiếng cười cũng lớn như tiếng sóng. Tôi cau mày:

- Sao anh cười? Em nói chuyện đứng đắn mà.

- Em định về Sàigòn thật?

Tôi gật:

- Vâng. Nếu sống ở Pleiku không được nữa.

Nét mặt Đạo trở nên nghiêm trang. Chàng hỏi:

- Người đàn ông yêu em ở Pleiku tên là gì?

- Khoa.

- Em nói chuyện như em và Khoa sẽ thôi nhau.

Lần đầu tiên, chúng tôi nói đến Khoa. Thường thường một người đàn ông và một người đàn bà tránh nhắc đến một người đàn ông khác. Chúng tôi đã nhắc đến Khoa. Tự nhiên, không giễu cợt.

Tôi trả lời Đạo:

- Chuyện em với Khoa khó nói lắm. Em cũng chẳng hiểu như thế nào. Không đáp lại, không phải. Đáp lại, thấy cũng không xong.

Tôi kể cho Đạo nghe về tình yêu Khoa dành cho tôi, từ mấy năm nay. Một tình yêu chân thành, thắm thiết tràn đầy, không thay đổi.

- Nhưng gia đình Khoa không bằng lòng.

- Sao vậy?

Tôi trả lời bằng kể tiếp cho Đạo hay về Thư. Thư đã bắt gặp tôi lần đến tìm Đạo ở khách sạn. Tôi cười:

- Con nhỏ đó rất ghê gớm. Nó sẽ phá em bằng được.

- Em sẽ đối phó như thế nào?

- Không đối phó gì hết. Muốn ra sao thì ra. Chính vì thế mà em đã phải bỏ Pleiku vài ngày, đến sống ở một nơi khác.

Đạo nói nhỏ:

- Đáng tiếc.

- Chuyện anh và em cũng đáng tiếc vậy.

Đạo từ từ lắc đầu:

- Chuyện anh và em khác.

Đạo nằm xuống cạnh tôi. Chúng tôi không nói gì thêm nữa. Mỗi người cũng như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Rồi nắng tắt. Chiều lan dần. Nhìn ra, biển như mênh mông hơn, sâu thẳm và huyền bí hơn, chung quanh chỗ chúng tôi nằm, bóng tối dần dần phủ xuống. Cảnh tượng nhá nhem trong khoảnh khắc, rồi một thứ ánh sáng khác lan chiếu dần dần. Trăng đã lên. Đêm qua, đêm thứ nhất ở Quy Nhơn, đã là một đêm trăng đẹp tuyệt vời. Đêm nay, trăng trở lại cũng vằng vặc, cũng tròn đầy như vầng trăng trước. Ánh trăng thoạt đầu dụt dè, nhợt nhạt, như không đủ xa, không đủ sáng. Nhưng rồi trăng lên cao tới đâu, ánh trăng mạnh mẽ và bạo dạn tới đó. Tôi nhìn vầng trăng lên lúc cúi xuống nhìn mình, da thịt tôi đã nhễ nhại trăng. Đạo cũng vậy. Trăng tắm đẫm chúng tôi trong vùng ánh sáng bao vây huyền hoặc.

Lúc này, mọi người ở ngoài bãi đã về hết. Chỉ còn tôi và Đạo. Tôi sống một cảm giác quên đời. Quên cả chung quanh. Quên cả bản thân. Thị xã Quy Nhơn ở phía sau lưng lấp lánh ánh đèn. Nhưng Quy Nhơn cũng đã tách rời, thuộc vào một tinh cầu, một thế giới khác. Bãi biển trở thành một hòn đảo. Biển trăng biến thành một đại dương thứ hai. Hòn đảo trên đó là hai chúng tôi như trôi nổi giữa một cõi lênh đênh không bến bờ.

Trăng đã đưa chúng tôi đi thật xa. Cảm giác quên đời biến thành một cảm giác rợn ngập. Tôi rùng mình.

Đạo hỏi:

- Lạnh?

Tôi hỏi, mơ màng:

- Chúng mình đang ở đâu?

- Trên chỗ nằm cũ, từ buổi chiều.

Đạo kéo một nửa tấm chăn phủ lên ngang người tôi. Chàng ôm lấy tôi cho tôi đỡ lạnh. Chàng nói nên trở về khách sạn vì đêm đã khuya, nước triều đang lên, sắp phủ kín bãi cát. Tôi đành ngồi lên. Tôi còn muốn ở ngoài bãi. Tới sáng. Con đường trở về, như một giấc mơ. Lên tới phòng, Đạo đóng mọi cánh cửa lại. Ánh trăng lại đuổi ra ngoài. Đêm thứ hai của tôi ở Quy Nhơn là một đêm thần tiên. Tôi lại được quên đời. Quên hẳn. Trong cánh tay ôm chặt của Đạo.

Ngày thứ ba - Buổi sáng.

Giấc ngủ mê mệt về sáng thức dậy, không thấy Đạo nằm bên cạnh. Tôi hoảng hốt, ngồi vụt lên. Đêm cuối cùng của hai chúng tôi ở Sàigòn, Đạo cũng bỏ đi, trong lúc tôi ngủ say. Chàng lại bỏ đi, như lần trước rồi sao?

 

Tôi hoàn hồn khi nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ để trên cái bàn thấp, cạnh giừơng. Đạo viết: "Anh xuống phố một lát. Sáng nay không đi đâu. Cứ ngủ tiếp đi." Tôi bật cười với sự lo sợ sai lầm của mình. Sự mỏi mệt đẩy tôi nằm xuống mặt đệm. Tôi thở ra một hơi dài, nhắm nghiền mắt lại. Nhưng giấc ngủ không đến nữa.

Sau hai ngày sống với Quy Nhơn, biển đã ở trong tôi. Đã ở trong tôi, trời Quy Nhơn cao xanh, nắng Quy Nhơn chan hòa, mây Quy Nhơn bồng bềnh, trăng Quy Nhơn vắng vặc.

Căn phòng khách sạn xa lạ cũng đã trở thành một nơi chốn vô cùng quen thuộc. Tôi vừa ngủ trên chăn gối tôi. Tôi vừa thức dậy, trên giường đệm tôi. Nghĩ đến ngày mai trở về Pleiku, tôi bỗng thấy lưu luyến, lưu luyến ngay từ những giây phút này, với nơi chốn tôi sắp phải rời bờ. Nếu không có quán Nhớ, nếu chẳng có Huyền là những ràng buộc, những trách nhiệm tôi không thể rũ thoát, tôi sẽ ở lại đây, rồi muốn ra sao thì ra.

Sự suy nghĩ làm tôi bâng khuâng. Nó giúp tôi khám phá được một sự thật trước kia chưa từng nghĩ tới. Đó là sự tự do của một người. Trước tôi vẫn nghĩ mình tự do, tự do hoàn toàn. Không phải. Không một ai tự do hoàn toàn. Đạo sống như gió khơi, như mây trời mà cũng còn vướng bận vào những ràng buộc. Thôi, đừng có một ảo tưởng nào nữa, hạnh phúc này trước sau là một hạnh phúc chốc lát, mày sẽ phải trở về, tôi nhủ thầm, và rời khỏi giường.

Mười lăm phút sau, tôi đã mặc quần áo xong xuôi và ngồi chờ Đạo. Tiếng gõ cửa nổi lên. Tôi nói lớn:

- Cứ vào.

Cửa mở, bà chủ tươi cười bước vào. Bà ta hỏi:

- Bà mạnh chứ? Đêm qua bà ngủ được không?

- Dạ, được.

- Ông nhà đâu?

Ông nhà. Bà chủ muốn nói tới Đạo đó. Tôi đóng một vở kịch và bà chủ nhà đã tin đó là sự thật. Kể người đời cũng dễ tin thật. Vì vở kịch tôi đóng thật dở. Kẻ khác nhìn thấy tôi và Đạo như một cặp vợ chồng thật sao? Tôi chỉ biết rằng ngày mai, chúng tôi sẽ xa nhau, thôi nhau, không bao giờ gặp lại.

- Nhà tôi xuống phố.

Bà chủ ngồi xuống ghế.

- Bà lập gia đình lâu chưa?

Tôi trả lời, nghĩ đến lần từ Pleiku về Sàigòn lánh nạn.

- Hai năm.

Bà chủ khách sạn thở dài.

- Nhà tôi mất đến nay đã được gần mười năm rồi. Chúng tôi di cư từ Hà Nội vào. Bấy giờ Quy Nhơn đâu có được khang trang và đông đúc như bây giờ. Chúng tôi đã phải sống những ngày thật vất vả, cực nhọc. Đến lúc khấm khá được một chút thì nhà tôi đau rồi mất. May mà tôi còn có con cháu. Nhưng tôi không muốn ở Quy Nhơn nữa.

Tôi hỏi:

- Bà định đi đâu?

- Tôi có một người anh ruột ở Sàigòn. Nếu bán đựơc khách sạn này, tôi sẽ đưa cháu vào trong đó, sống với gia đình anh tôi. Bà biết ai muốn mở khách sạn không?

Tôi cười:

- Tôi.

Bà chủ nhà vồn vã:

- Thật không?

- Thật. Nhưng mua khách sạn này thì không thể. Vì tôi không có tiền.

Bà chủ nhà ngẫm nghĩ:

- Tôi có thể giao khách sạn cho bà trông coi nếu bà muốn.

Tôi chỉ mới biết bà chủ khách sạn từ hai hôm nay. Đề nghị đầy tin cẩn của bà ta làm tôi xúc động. Tôi ngập ngừng:

- Tôi mới quen bà...

Bà chủ khách sạn giơ tay:

- Mới hay lâu không thành vấn đề. Bà là một người đàng hoàng tử tế và tôi biết tôi không nhìn lầm. Bà thử bàn lại với ông nhà xem sao. Thú thật là tôi muốn về Sàigòn càng sớm chừng nào càng hay chừng đó.

Nói thêm dăm ba câu chuyện nữa rồi bà chủ khách sạn đi ra. Tới thềm cửa, bà ta đứng lại:

- Bao giờ bà về Pleiku.

- Thưa, sáng mai.

- Bà không ở lại thêm vài ngày nữa được sao?

Tôi lắc đầu:

- Tôi phải về. Tôi sẽ viết thư liên lạc với bà.

- Tốt lắm.... Tôi đã viết thư cho con trai tôi. Có chỗ đi lại ở trên đó chắc cháu mừng lắm.

Đạo trở về sau đó. Tôi đem câu chuyện vừa trao đổi với bà chủ khách sạn kể lại cho Đạo nghe. Nghe xong Đạo nhìn tôi gật gù:

- Em được quý trọng quá nhỉ?

Tôi nhìn Đạo:

- Mọi người đều quý trọng em. Chỉ có anh là coi thường em thôi.

Đạo chịu đựng cái nhìn của tôi. Thật lâu. Rồi chàng nói, giọng nghiêm trang:

- Không bao giờ anh coi thường em.

Giọng chàng trầm xuống, buồn bã:

- Anh chỉ coi thường anh thôi.

Một phút im lặng. Tôi không biết nói với Đạo như thế nào nữa. Trong hai tuần lễ gặp Đạo ở Sàigòn, chàng đã coi thường tôi thật. Chàng chiếm đoạt tôi. Rồi bỏ rơi, thản nhiên, tàn nhẫn. Tôi đã thù ghét chàng vì thế. Rồi hai đứa gặp lại nhau ở Pleiku. Tôi hoang mang không còn biết tôi với Đạo là thế nào. Đến lúc chàng bỏ đi, không thèm để lại một lá thư, một giòng chữ, tôi lại thù ghét chàng, vì thêm một lần nữa, thái độ tàn nhẫn của người tình lại làm cho tôi đau đớn. Lần gặp này ở Quy Nhơn, Đạo có với tôi một thái độ khác hẳn hai lần trước. Chẳng phải vì chàng tỏ tình, hay chàng nói chàng sẽ chung thủy, sẽ gắn bó với tôi, mãi mãi. Nhưng đổi khác thì quả thực là tôi thấy Đạo đã đổi khác. Tôi đã trở thành nỗi bận tâm chính yếu của Đạo. Chiều hôm qua, nằm với nhau trên bãi biển, dưới trăng sáng đầy trời, trưa hôm qua, lúc đi dạo với chàng trên những hè đường Quy Nhơn lòa nắng, đêm qua, nằm cạnh chàng, lúc nào tôi cũng nhận thấy ở Đạo sự thay đổi đó. Tuy cuộc tình của chúng tôi cuối cùng rồi vẫn không đi đến đâu, nhưng Đạo đã hết coi tôi như một trò đùa chốc lát. Tôi đã có một chỗ đứng nào đó, trong trái tim chàng. Có thể đó chỉ là một chỗ đứng thật nhỏ bé. Nhưng chỗ đứng đó đã có. Rất thật. Trong trái tim chàng.

Tôi ngậm ngùi:

- Mai em về anh không giữ em lại với anh thêm ít ngày nữa sao?

- Không.

- Đó.

Đạo lại gần. Chàng ôm chặt lấy tôi:

- Ngày cuối cùng, anh không muốn nó là một ngày buồn. Sau này em sẽ hiểu. Chúng ta sống thêm với nhau ba ngày là đủ. Không nên kéo thêm. Thôi đừng bắt anh trả lời nữa. Chúng mình đi ăn sáng rồi ra bãi.

Chúng tôi đi ra. Cửa phòng đóng lại, xuống thang, ra đường. Cảnh trí thay đổi và tôi được sống một tâm trạng khác. Bầu không khí thân mật, lý tưởng nhất cho một cặp tình nhân tất nhiên là bầu không khí của một căn phòng đóng kín. Giữa mùng màn buông rũ. Trên tuyền toang chăn gối. Nhưng bầu không khí ấy cũng rất dễ trở thành ngột ngạt u uất. Bởi vì, trong riêng tây tuyệt đối, những người tình thường đẩy nhau tới đối diện với những vấn đề. Ra ngoài, cuộc tình được thả vào đám đông. Ném vào nắng gió. Cho hòa nhập với chung quanh. Khuôn mặt nó mất đi cái vẻ khốc liệt trầm trọng, để có được cái nhẹ nhõm, cái bay bổng, tôi không thấy được cho Đạo và tôi khi chúng tôi giam thân trong một căn phòng đóng kín.

Quên đi những câu giận hờn vừa nói, chúng tôi bước những bước khoan thai trên hè đường. Tôi yêu cánh tay, bàn tay Đạo, nhưng lúc như thế này. Cánh tay chàng ôm ngang lưng, vừa vặn một vòng ôm. Tôi thấy tôi nhỏ lại, được che chở. Bàn tay chàng nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đi, và tôi sung sướng đi theo.

Mặt trời đã lên cao. Bên trên những hàng cây. Vượt khỏi những mái nhà. Quy Nhơn mở hết mọi cửa tiệm. Sang tới ngày thứ ba rồi. Quy Nhơn đã là một bến đậu mới. Tôi bước, bạo dạn, mặt ngửng cao, nghe thấy trái tim mình đập mạnh. Gió biển không còn làm tôi mệt như ngày hôm trước nữa. Đạo đưa tôi vào một tiệm phở. Người ngồi đông chật trên mấy dẫy bàn.

Đạo nói:

- Đây là tiệm ăn sáng nổi tiếng nhất Quy Nhơn.

- Về món gì?

- Phở, trước đã. Rồi đến bánh cuốn.

Tôi cười:

- Anh cũng chỉ mới ở mấy ngày như em. Sao anh biết rõ thế?

- Nhờ anh Luận.

- Anh Luận đâu phải người la cà ở những nơi ăn uống.

Đạo gật:

- Đúng vậy. Quanh năm anh ta chỉ gạo lức muối mè. Ấy thế mà cái gì anh ta cũng biết.

- Sao anh không mời anh Luận đi chơi?

- Tối nay.

- Tối nay đi đâu?

- Đi biển. Ra đảo.

Sáng nay, tôi mặc một cái áo ngắn tay. Dơ cánh tay trần lên cao, tôi thấy da thịt tôi đã đỏ hồng vì nắng. Dấu vết của Quy Nhơn đó. Dấu vết của cả một buổi phơi mình ngoài bãi cát, của hai ngày đi chơi thỏa thích ngoài trời. Về Pleiku rồi cái mầu hồng hồng trên da sẽ biến mất. Về Pleiku rồi tôi lại xanh như lá, lại buồn như rừng, lại nín thinh như núi.

Phải đứng chờ chừng năm phút giữa lối đi, chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi. Đạo ăn phở. Tôi làm khác Đạo. Tôi kêu một đĩa bánh cuốn. Tiệm ăn xứng đáng với sự đông khách của nó. Món điểm tâm khá ngon. Bánh cuốn nhân thịt có mùi cà cuống thơm hắc. Tôi cười nói thoải mái với Đạo.

- Anh thấy gì không?

Đạo ngơ ngác:

- Thấy gì?

- Từ nãy đến giờ chưa gặp người quen.

- Em thích gặp người quen.

- Anh thì sao?

- Không.

- Em cũng vậy. Quy Nhơn đáng yêu nhất ở điểm này. Quy Nhơn để mặc cho chúng mình tự do.

Hai phin cà phê được đưa tới. Tôi không thể khen cà phê của quán hàng này được. Nó chua lòm và nhạt phèo. Tôi uống một ngụm, nhăn mặt đẩy cái ly ra xa. Nét mặt tôi chắc là ngộ nghĩnh tức cười lắm. Đạo ngửa cổ cười lớn.

Tôi nhăn mặt một lần nữa:

- Anh cười gì vậy?

- Em uống cà phê như uống nhầm phải một liều thuốc đắng.

- Còn hơn một liều thuốc. anh uống được không?

- Được.

Chàng uống ly cà phê, ngon lành, đến hết.

Tôi ngẩn người:

- Không ngờ anh dễ tính thật.

- Trên từng phương diện mà thôi.

- Anh khó tính trên những phương diện nào?

- Rượu mạnh và đàn bà.

- Rượu mạnh như thế nào?

- Thật. Và phải uống một cách nào đó, trong một không khí nào đó.

Về sự hiểu biết những thói quen đặc biệt của đàn ông, tôi rất kém cỏi. Khoa không có một thói quen nào hết. Đời sống của Khoa đơn giản, lành mạnh, chỉ như đời sống một cậu học trò mới lớn. Thập và Nhạc chỉ uống cà phê, không phải là những tửu đồ. Đến Đạo, tôi mới nhìn thấy người đàn ông trên một khía cạnh khác thường và kỳ lạ. chẳng hạn như Đạo thường thức giấc bất chợt về đêm, chàng nằm yên lặng hàng giờ trong bóng tối đen hoa mắt. Chẳng hạn như mỗi lần mở cửa đóng cừa, chàng thường đứng lặng trong khoảng khắc, đầu cúi xuống, rồi mới bước vào hay mới đi ra. Đạo còn nhiều thói quen khác nữa. Hẳn thế. Như tất cả những người đã sống tới một tuổi nào. Tôi muốn biết thêm về những thói quen khác của Đạo. Hỏi chàng:

- Anh thích uống rượu như thế nào?

Đạo đáp, gọn lỏn:

- Một mình.

Người đàn bà nào sống được với Đạo mãi mãi? Để cùng chia sẻ với chàng một ánh trăng, đi cùng với chàng một đoạn đường mãi mãi? Tôi nghĩ qua tôi. Câu trả lời là không.

- Anh sẽ uống rượu một mình suốt đời.

Đạo gật gù:

- Chắc thế.

Tôi đẩy tới cái ý muốn tìm hiểu.

- Còn về đàn bà?

- Những người khác thường, có thể rất khổ đau nhưng không bao giờ than thở.

- Không có em trong số đàn bà đó.

Đạo ngạc nhiên, một ngạc nhiên thành thật.

- Anh nghĩ đến em khi nói đến những người đàn bà ấy.

- Em thở than một cây.

- Anh chưa thấy bao giờ.

- Hoài hoài à. Ngầm. Một mình. Em thở than một mình như anh uống rượu một mình.

- Em sẽ thở than như thế suốt đời.

- Đúng. Như anh sẽ uống rượu một mình suốt đời.

Suốt đời. Một mình. Một mình. Suốt đời. Chúng tôi cùng nói đến những điều trầm trọng và cùng bằng một giọng giễu cợt. Chúng tôi đang biến những cái thật thành những cái đùa, và những cái đùa thành những cái thật. Như thế, thêm một ngày nữa. Ngày cuối cùng. Trước khi trò đùa chấm dứt.

Ra khỏi tiệm ăn sáng, tôi đòi Đạo đi thêm một quãng đường nữa, trước khi ra bãi.

 

Ngày thứ ba - Buổi trưa

Bãi. Bãi thẳng tắp, sáng loáng như một tấm gương lớn. Mặt trời trên đầu. Biển xanh biếc, cứng, sắc như một tảng kim khí. Da thịt hừng hừng, chín nẫu. Tôi nằm úp mặt trên cát, nghĩ đến những sân ga, những con tầu. Vừa thấy mình là một sân ga, một con tầu. Vừa thấy mình đứng lại, vừa thấy mình rời đi. Nắng Quy Nhơn đang chan hòa và tôi nằm phơi nắng, thì đang nghĩ đến những chiều mưa Pleiku. Còn một chút gì để nhớ. Còn một chút gì để quên. Lời hát về Pleiku cũng là lời hát của đời tôi. Tôi sống đang quên quên, nhớ nhớ. Còn một ngày nữa. Đã hai ngày qua. Còn một ngày nữa. Tôi nhắm mắt lại. Tiếng sóng rõ hơn. Biển trùm lên tôi.

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 489

Return to top