Hôm nay quán Nhớ đóng cửa trọn ngày. Hai chị em đều không có nhà. Chúng tôi sửa soạn từ sớm để lên Khôngntum, đến đứng dưới chân ngọn đồi Chu Pao. Chừng nào còn ở Pleiku, còn có hình ảnh của anh Kiện hiện về qua một tưởng niệm đau đớn, chừng đó còn một năm một lần tôi đưa Huyền tới đứng dưới chân ngọn đồi Chu Pao, nơi anh Kiện đã ngã xuống trong cuộc hành quân giải vây cho một đơn vị bạn. Gia đình chúng tôi, niềm kiêu hãnh duy nhất là anh Kiện. Là cái chết của anh Kiện. Anh Kiện không chết trước cửa quán Nhớ. Anh Kiện không ngã xuống trên một con đường Pleiku. Anh chết ở xa, cách Pleiku mấy chục cây số đường. Nhưng đã ăn sâu vào tâm tưởng tôi ý nghĩ này là anh Kiện đã chết, để bảo vệ Pleiku, cho chị em tôi, cho những người như Khoa, như Vận. Một hôm, tôi đem chuyện này nói với Khoa. Khoa cúi đầu, nghĩ ngợi. Rồi gật đầu đồng ý. Thâm tâm, tôi không muốn trở lại nơi chốn cũ. Đứng trên thước đường ở đó máu anh Kiện đã đổ loang mặt nhựa, tôi sẽ chảy nước mắt. Tôi ghét khóc. Sợ những giọt nước mắt của kẻ khác như của chính mình. Nhưng chuyến đi Chu Pao với tôi, mang ý nghĩ một bổn phận. Một bổn phận thiêng liêng và cuối cùng. Tôi phải thực hiện cái bổn phận tối thiểu này, dù muốn hay không muốn. Hai chị em thức dậy từ tối đất. Trời lạnh nhưng khô ráo. Gió đập mạnh vào những bờ tường. Ngồi trên giường, hai chị em nói chuyện với nhau về anh Kiện. Về những lá thư anh gởi về, thời kỳ ở những đơn vị xa. Thư nào, anh Kiện cũng nói anh thương chúng tôi. Anh nói anh con trai, sống đơn độc không sao. Hàng nghìn người con trai thời chiến xa nhà, đang sống như anh. Một mình, với thời thế gió bão, và tuổi trẻ của mình. Nhưng mấy đứa con gái chúng tôi, anh nói, không thể sống một mình mà phải có một nương tựa chắc chắn. Anh Kiện không hợp với Khoa. Không thích Khoa. Anh có thành kiến không tốt với những gã con trai nhà giàu, những kẻ có một nếp sống quá trưởng giả đầy đủ. Nhưng từ ngày biết Khoa theo đuổi, muốn lấy tôi, thư nào anh Kiện cũng nhắc Khoa bằng những nhắc nhở tố tđẹp. Còn nhớ trong một lá thư gửi về từ miền Tây, năm đó anh ở tận Châu Đốc, anh Kiện hỏi tôi có nghĩ tôi sẽ trở thành người vợ tương lai của Khoa không? Tôi trả lời bằng một lá thư ngắn, rằng không biết. Chưa rõ. Có lẽ không Rằng muốn lấy, phải yêu, phải muốn có hôn nhân trước đã. Rằng tôi chưa thấy yêu Khoa, cũng chưa muốn lấy chồng. Anh Kiện viết thư ngay cho tôi. Anh nói tôi lầm. Hôn nhân là hôn nhân. Tình yêu là một chuyện khác. Tôi còn nhớ mãi một đoạn của lá thư ấy. Như thế này:
"Nhiều người con gái đã nghĩ như Ngọc. Và họ đã làm lỡ, làm hỏng đời họ. Đến một tuổi nào đó, lại có những việc chúng ta phải làm, không tránh được, thích hay không thích không thành vấn đề. Anh thấy Khoa là đáp số duy nhất cho đời Ngọc. Đừng có viễn vông, đừng có lãng mạn, cô nhỏ. Anh em nhà mình nghèo, mồ côi từ nhỏ, không có cho phép mình lãng mạn được. Em lấy chồng đi. Rồi đến lượt Huyền. Gái già đên nơi rồi đó, cô nhỏ, đừng có lãng mạn. Giữ lấy Khoa. Đừng đẩy Khoa ra. Em không thể tìm được một người chồng nào hơn Khoa. Giọng điệu trong thư đúng là cái giọng điệu của một ông cụ non. Vậy mà đoạn thư ấy, tôi nhớ mãi. Mỗi lần lấy lá thư cũ ra đọc lại, tôi vừa buồn cười vừa muốn chảy nước mắt. Cái ông cụ non đã chết. Và hai chị em đang nói chuyện về Kiện. Huyền: - Anh Kiện còn sống, chắc lấy vợ rồi. - Sao mày biết? - Thì cái cô gì đó. Anh Kiện yêu cô ta. Hai người cùng yêu nhau. Chị nhớ cái áo tặng của anh Kiện hồi tết không? Con nhỏ hỏi một câu thật thừa. Những gì thuộc về anh Kiện, tôi đều nhớ. Nhớ mãi. Không bao giờ quên. Phải, nguyên đán năm đó, tôi đã mua dùm anh Kiện một hàng áo. Cho anh mang lên Khôngntum, tặng cho người yêu của anh. Tết năm đó, anh Kiện là một chàng trẻ tuổi lãng mạn, sung sướng với tình yêu thứ nhất của mình. Bây giờ, cái người con gái dậy học ở Khôngntum có còn nhớ đến anh? Không. Cô ta đã quên. Chắc thế. Từ lâu. Cô ta đã lấy chồng. Chắc thế. Từ lâu. Và không còn nhớ đến người đã khuất. Tôi chép miệng: - Mày có biết từ một hàng áo đến một cái nhẫn cưới, con đường còn xa lắm không? Huyền gục gặc cái đầu: - Thế nào mới là gần? - Lấy nhau rồi, cũng chưa gần. Chẳng bao giờ, chẳng thế nào là gần. Huyền ném cho tôi một cái nhìn khó hiểu. Nó chưa hiểu nổi. Tôi nói, có những lý do của riêng tôi. Gần thì như tôi đang gần Khoa là cùng chứ gì. Đêm nào tôi đã ngồi với Khoa, dã muốn giữ Khoa ở lại. Vậy mà chuyện đã rồi cũng không xẩy ra được. Khó thật đấy chứ. Tất cả đều khó khăn. Kể cả một chuyện đã muốn nhắm mắt thực hiện. Huyền chợt nói: - Anh Khoa hồi này thế nào ấy? Tôi hỏi: - Mày thấy anh ấy thế nào? - Buồn. - Việc gì mà anh ấy buồn. - Chị không thấy? Tôi gắt: - Đừng có lắm chuyện. Đừng có tưởng tượng. Anh Khoa vẫn như thường. Ai làm gì mà anh ấy buồn. Huyền đáp gọn: - Chị. - Tao? Thế mà tao không biết. - Chị đừng vờ. Em chưa từng thấy chị gây chuyện với anh Khoa như buổi tối hôm nào. Huyền như chợt nhớ ra: - Mà tối đó, chị đi đâu vậy? Tôi gắt, đánh trống lảng: - Đã có một anh Khoa, mày còn định làm một anh Khoa thứ hai. Tao đi đâu là cái quyền của tao. Câu chuyện giữa hai chị em tạm ngưng. Một chiếc xe jeep vừa đậu lại trước quán. Tối qua tôi đã hẹn Vận tới đón hai chị em. Vận đến. Nghĩ mà yêu Vận. Bao giờ cũng vui vẻ, bao giờ cũng đúng hẹn. Tôi nghe tiếng xe, ngó Huyền, thầm mong Vận thương yêu Huyền. Tôi với Khoa, chưa biết thế nào. Khuôn mặt hạnh phúc mong manh, mù mờ. Nhưng Vận với Huyền thì tôi biết. Có Vận Huyền sẽ sung sướng hết cuộc đời của no. Nhờ Vận đưa hai chị em đi, tôi cố ý thu xếp một cơ hội cho Vận và Huyền gần nhau. Chúng tôi nhẩy xuống khỏi giường, vội vã mặc quần áo. Tôi cầm lược, chải tóc đi ra đón Vận. Vận bước vào quán, soa hai bàn tay vào nhau, suýt soa: - Tháng này đã lạnh. Năm nay mùa đông tới sớm lắm đấy. Xong chưa, hai bà? - Anh chờ cho năm phút. Vận tự tay pha lấy cho Vận một ly cà phê. Chưa uống, đã lấy tiền định trả. Tôi cười sua tay: - Hôm nay mời anh. Vận cất tiền, cười theo: - Trả công chuyến đi hay sao đây? - Đâu phải. Đi là nhờ. Mời là vì hôm nay không thu tiền, không bán hàng. Quán Nhớ đóng cửa một buổi. Ly cà phê pha xong. Vận cho đường, khuấy đều, uống một ngụm, tấm tắc tự khen: - Pha lấy mà uống cũng được lắm. Nói đùa: - Phải mở quán cạnh tranh với quán Nhớ mới được. Tôi cười: - Khỏi cần cạnh tranh. Anh thích cái nghề này, tôi nhường cho anh đó. - Nhường thì Ngọc đi đâu, làm gì? Tôi nhún vai: - Đi phiêu lưu. Đi bụi đời. Pleiku là một nấm mồ chôn chết tuổi xuân. Tôi về Sàigòn, sống long trời lỡ đất. - Chứ không phải về tiệm bào chế thuốc? Tôi lắc: - Con nhỏ này chỉ sống hư hỏng. Không biết bán thuốc. - Lát nữa nói cho Khoa biết như thế. - Anh Khoa biết rồi. Khỏi cần phải nói. Huyền từ nhà trong đi ra. Hai chị em theo Vận ra xe. Khoa đã chờ chúng tôi trước cửa tiệm. Thư ngồi trong quầy nhìn ra. Nét mặt Thư lạnh lùng, cách biệt. Vận nhường tay lái cho Khoa, xuống ghế sau, ngồi cùng với Huyền. Tầm mắt tôi thình lình được mở rộng khi chiếc xe ra khỏi thị xã, phóng nhanh trên con đường liên tỉnh từ Pleiku tới Khôngntum. Cả bốn chúng tôi cùng im lặng trên một quãng đường dài. Trời biên giới sáng nay thấp và xám ngắt. Xa xa, những cánh rừng chập chùng, những triền núi nhòa nhạt. Con đường mở đi hun hút, giữa những ngọn đồi, cắt vạch giữa một địa hình mênh mông xanh đặc. Xe chạy qua những cây cầu sắt. Hai bên cầu, những người lính yên lặng ngó chúng tôi đi qua, sau những bao cát và những họng súng. Đồi xa rồi đồi gần. Thung lũng rồi rừng già. Thỉnh thoảng, một con đường đất, mầu đất đỏ khé đưa vào một địa điểm đóng quân. Một chiếc trực thăng đuổi theo chúng tôi ở sau lưng. Tiếng máy lớn dần. Chiếc trực thăng tới mau chóng trên đầu với tiếng máy đinh tai nhức óc. Chiếc trực thăng bay thật thấp, men theo con lộ. Nó vượt qua chúng tôi. Tiếng máy nhỏ dần về một phía Khôngntum. Một trận mưa phùn dấy lên. Xe đã rời khỏi Pleiku được chừng mười lăm cây số. Cùng với trận mưa làm mờ cảnh vật, trời đất biên giới đã hoang vu càng heo hút hơn. Mặt đường trong khoảng khắc đã ướt loáng dưới trận mưa không tiếng. Khoa cẩn thận cho xe chạy chậm lại. Thêm những cây cầu. Thêm những bóng lính. Thêm những khúc quanh. tiếng súng, từ mấy tháng nay đã ngớt. Mặt trận đã chuyển tới những địa phương khác. Tôi không nghe thấy gì hơn nữa là tiếng bán hlăn đều đều trên mặt đường. Nhưng mà sự thê lương buồn rầu thì tôi nhìn thấy bàng bạc cùng khắp. Tôi biết là còn lâu lắm, năm mười năm nữa là ít không chừng, miền rừng núi đang ở trước mặt và chung quanh tôi mới vui lên. Cuộc chiến có thể sẽ chấm dứt. Nhưng dấu vết tàn phá của chiến tranh sẽ còn đầy đặc. Trong tâm hồn người. Tiếng Vận ở ghế sau đưa tôi ra khỏi giòng mơ màng: - Chu Pao kia rồi. Chiếc xe giảm tốc lực, chậm hẳn lại, rà rà theo lề đường. Khoa quay sang tôi: - Ngừng lại đây? Tôi gật: - Vâng, anh cho hai chị em xuống đây một chút. Vận dặn: - Đừng ở lâu quá. Khúc này, tình thế chưa an ninh lắm đâu. Tôi quay nhìn Vận: - Tôi cũng không muốn ở lâu làm gì. Chiếc xe ngừng lại. Cả bốn chúng tôi cùng bước xuống. Nằm ở phía trái, cạnh đường chừng hai cây số, ngọn đồi Chu Pao là một vết lở lói ghê rợn tôi chưa từng nhìn thấy ở một ngọn đồi nào. Từ sau ngày anh Kiện mất, tôi đã được nghe nói thật nhiều về Chu Pao. Được đọc những bài báo, những thiên ký sự thuật lại trận đánh đẫm máu diễn ra dưới chân đồi, trên đỉnh đồi Chu Pao. Được coi những tấm hình chụp lại từng gốc cây, từng hòn đá của Chu Pao trần trụi. Nhưng muốn thấy Chu Pao đích thực như thế nào, phải tới nhìn Chu Pao tận mắt. Cái hãi hùng của Chu Pao trước hết là một cảnh tượng tương phản. Chung quanh Chu Pao, có không biết bao nhiêu ngọn đồi khác. Ngọn đồi nào cũng nuột nà, cũng xanh thẫm. Cỏ cây trên những ngọn đồi ấy là một tươi tốt kín trùm. Tất cả đã bị đốt cháy. Tất cả đã bị tiêu diệt. Tôi bước mấy bước vô định trên mặt đường. Những hạt mưa nhỏ tạt nhẹ vào mặt. Gió từ phía Chu Pao thổi tới làm bay tà áo. Thốt nhiên, tôi chẳng còn kiếm tìm được gì ở đây. Một trận đánh đã chấm dứt. Một người thân đã nằm xuống. Thảm kịch được nhớ lại trên chính thước đất thảm kịch xẩy ra cũng không làm cho tôi thấy được anh Kiện nữa. Tôi đứng lại trên một bờ cỏ. Cúi đầu xuống. Đầu óc tôi tối đen. Khoa tới gần tôi: - Thôi, chúng mình đi về. Tôi ngửng đầu lên: - Em chẳng còn nhớ được anh Kiện như thế nào. Khoa nói giản dị: - Chúng ta phải quên. Khoa vòng tay lên ôm lấy vai tôi. Tôi đưa tay lên nắm lấy tay Khoa. Bàn tay tôi lạnh buốt. Lúc ở nhà đi, tâm hồn xúc động, hình ảnh anh Kiện sáng rỡ trong trí nhớ, tôi đinh ninh tới đây tôi sẽ khóc. Tôi muốn khóc. Khóc thật lớn. Cho ngọn đồi chết. Cho một người thân không còn. Nhưng cặp mắt tôi ráo hoảnh, không chảy ra được một giọt lệ nào. Đứng yên một lúc thật lâu rồi tôi nhẹ nhàng gỡ tay Khoa ra. Chúng tôi trở lại xe. Vận hỏi: - Tiện đường lên Khôngntum không? Khoa nhìn tôi, hỏi ý kiến. Tôi lắc đầu: - Em muốn về. Để hôm khác vui hơn, chúng mình đi Khôngntum. Suốt dọc đường trở về, chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Tôi lại nghĩ đến Đạo. Khách sạn là một tòa nhà hai tầng. Mái ngói cong trũng. Những khung cửa sổ long gẫy ngó xuống mấy bực thềm dính đầy bùn đất. Trước khách sạn là một khoảng đất trống. Buổi sáng, buổi trưa, khoảng đất trống là địa điểm của những xe hàng rong, mấy sạp hàng bán quần áo cũ. Tôi dã đi qua cái khách sạn này nhiều lần. Đã dừng lại trước mấy cái sạp này nhiều lần. Một lần, tôi đã chọn được ở đây một cái áo mưa cũ cho Huyền. Hồi đó, Pleiku đông đúc hơn bây giờ, và khúc đừơng trước khách sạn là một cảnh tượng ồn ào, nhộn nhịp. Bây giờ là buổi tối. Những xe hàng rong đã bỏ đi. Những sập hàng chỉ còn là mấy phên gõ lổng chổng. Khoảng đất trống trải với mấy con chó đói luẩn quẩn bên cạnh những đống rác bừa bãi. Tôi đứng ở hè đường bên này, nhìn sang những khung cửa sổ khách sạn. Những khung cửa ấy đã sáng đèn. Sự ngại ngùng ở tôi tràn đầy. Nỗi lo sợ lớn nhất vẫn là có một người quen bắt gặp. Tôi nhìn trước nhìn sau. Con đường thưa thớt người đi. Những khuôn mặt xa lạ. Tôi cũng không thể kéo dài sự ngần ngại của mình. Hoặc là trở về, hoặc phải vào ngay khách sạn. Cuối cùng, tôi đánh liều vượt lòng đường đi sang. Cửa vào khách sạn mở rộng. Một cái ghế hàng đặt giữa thềm cửa, chắn lối vào. Một người đàn bà ngồi vắt chân chữ ngũ trong ghế bành. Người đàn bà đã đứng tuổi. Chừng ba mươi lăm, bốn mươi gì đó. Ngày trước người đàn bà hẳn phải có một nhan sắc khá quyến rũ. Ở cặp mắt sắc, vành môi đầy, hai bắp đùi tròn lẳn. Nhưng thời gian và một đời sống trác táng, buông thả, đã tàn phá nhan sắc ấy, đều không còn gì nữa. Ngọn đèn từ trên thềm cửa chiếu xuống, chỉ soi tỏ người đàn bà trong một vùng ánh sáng mờ đục. Nhưng tôi cũng nhìn thấy thật rõ, trên khuôn mặt người đàn bà những nếp nhăn mà một lớp phấn thật dầy cũng không bôi kín được. Người đàn bà mặc một cái áo cánh ngắn đã nhầu nát. Cái quần đen cũng vậy. Nhìn mặt, người ta nghĩ ả vừa đi phố về, hay đã trang điểm sẵn sàng đến sắp sửa đi đâu. Nhưng nhìn quần áo, lại có thể nghĩ ả vừa nằm, vừa rời khỏi một mặt đệm. Ả hút thuốc lá. Điếu thuốc cắm nghiêng giữa hai vành môi đỏ khé. Đứng bên cạnh người đàn bà là một người đàn ông thân hình cực kỳ to lớn. Y đen chủi như một cái cột nhà cháy. Với mái tóc cắt ngắn và cặp mắt thao láo, trắng dã, người đàn ông thở ra sự tàn bạo cục cằn. Tôi nghĩ đến một con thú rừng. Và rùng mình. Người đàn ông và người đàn bà đã nhìn thấy tôi từ bên kia đường. Họ đang nói chuyện với nhau. Chắc là một câu chuyện nhảm nhí. Thỉnh thoảng, người đàn ông lại ngửa cổ, cười ngặt ngẽo. Tiếng cười của y ồ ồ. Như tiếng nước chảy túa vào một lòng cống. Câu chuyện giữa họ ngừng lại. Họ cùng nhìn tôi bước lên bực thềm. Tôi đã nhìn thấy những người gái chơi vào khách sạn. Họ tự nhiên ra vào như ở nhà riêng, của gái chơi. Người đàn bà có phải là một gái chơi? Ả ngồi nghênh ngang như một bà chủ? Hay ả là chủ khách sạn? Tôi cúi đầu, lễ phép: - Chào bà? Người đàn bà nhìn tôi từ đầu đến chân, không trả lời. Giống như tôi là một thứ quái vật vừa đột ngột xuất hiện trước mặt ả. Người đàn ông đi tới một bước. Y đứng sừng sững trước mặt tôi. - Cô hỏi ai? tôi lúng túng: - Ông Đạo? Người đàn ông quay lại, trợn mắt nhìn người đàn bà. Người đàn bà nhún vai. Người đàn ông hỏi tôi. - Ông Đạo nào? - Một người mới đến ở trọ khách sạn. - Phòng số mấy? tôi lắc đầu: - Tôi không biết. Sự gắng gượng ở tôi đã tới cực điểm của gắng gượng. Thiếu một chút nữa, tôi xuống thềm, bỏ về. Mặt mũi tôi nóng bừng. Cảm thấy tay chân thừa thãi. Và sự có mặt trước bực thềm khách sạn của mình trơ trẽn và lố bịch. Người đàn bà: - Chẳng có ai ở đây tên là Đạo hết. Tôi cãi: - Có mà. Người đàn bà bật lên tiếng cười ngắn. Tiếng cười đục đục khàn khàn, tôi đã nghe thấy đâu đó, ở một ngõ hẻm Sàigòn, một đêm tôi đi chơi khuya với Đạo trở về. Ả hỏi: - Sao biết? - Tôi đã nhìn thấy ông Đạo vào khách sạn này. Nhưng nếu bà bảo không có thì thôi. Cám ơn. Người đàn ông giữ tôi lại. Y đã nhận ra tôi là ai. Y hỏi: - Cô ở quán Nhớ, phải không? Tôi đang không muốn cho mọi người biết mình là ai. Đã mất tự nhiên tôi càng mất tự nhiên hơn. Đành gật: - Vâng. - Để tôi hỏi lại cho cô xem sao? Thằng Tám, ra đây. Một thằng nhỏ đi ra. Nó ngồi sau cái quầy hàng ở phía sau, chỗ đi lên cầu thang. Thằng nhỏ khẳng khiu, tay chân như những ống sậy, da mặt tái mét. - Mày xem sổ có ai tên là Đạo không mày? Đứa nhỏ lừ lừ trở lại quầy hàng. Nó mở ở ngăn kéo ra một cuốn vở nhỏ. Cuốn vở cũng bẩn thỉu, cũng nhớp nhúa như cái mặt tiền khách sạn. Thằng nhỏ lật lật máy trang lắc đầu: - Không có tên Đạo. Người đàn ông bảo tôi. - Cô thử tả hình dáng người quen cô cho nó, xem có ai ở đây như thế không? Tôi lại lúng túng thêm một lần nữa. Tả Đạo như thế nào đây? Tả rằng chàng im lặng như đêm, lúc lạnh buốt như một tảng băng, lúc dữ dội như một trận lửa rừng? Tả rằng chàng có một đôi mắt thật buồn, một cuộc đời bí mật và chứa đầy giông bão? Tôi phác họa sơ sơ một vài nét về hình thức Đạo. Thằng nhỏ nghe, nhìn tôi gật. - Có người đàn ông ấy ở đây, nhưng không phải tên là Đạo. Tôi ngẩn người. Thế là thế nào. Người đàn ông bảo tôi: - Người quen cô đã dùng một cái tên khác. Thì ra thế. Tôi chợt nhớ. đúng rồi. Một lần Đạo đã nói chuyện với tôi rằng chàng đã ở hàng trăm khách sạn. Mỗi nơi chàng ghi một tên khác. Chàng có hàng trăm cái tên khác nhau. Tôi hỏi thằng nhỏ: - Ông ấy ghi tên gì? - Trần Hữu Thế. - Phòng số mấy em? - Phòng 24. Lầu hai. Nhưng ông chưa về. Tôi tần ngần không biết xử trí như thế nào. Tôi không thể có đủ can đảm trở lại khách sạn tìm Đạo một lần thứ nhì. Chỉ một lần thôi và một lần đã là qúa đủ. Đạo chưa về. Tôi phải đợi vậy. Tôi hỏi: - Tôi đợi được không? Người đàn ông gật, trả lời thay cho thằng nhỏ: - Cô có thể đợi ở trên phòng. Tám đưa cô ta lên phòng ông ấy. Không ngờ người đàn ông dáng địêu cộc cằn thô bạo lại tử tế đến thế. Y săn đón tôi, và sự săn đón chừng như làm cho người đàn bà ngồi vắt vẻo trong ghế bành khó chịu. Mụ dài giọng: - Anh Khê, mặc người ta. Tôi đưa mắt nhìn thằng nhỏ. Nó hiểu và lẳng lặng lấy chìa khóa đi lên cầu thang. Tôi cám ơn người đàn ông, đi theo thằng Tám. Cầu thang hẹp và tối. Những bực thang sàn sạt cát bụi. Những tay vịn lung lay. Phảng phất trong không khí ứ đọng một mùi khó chịu làm nôn nao, làm buồn nôn. Lên tới tầng lầu thứ nhất, một cửa phòng mở ra, một người đàn ông đi ra. Tôi cố tránh mà không kịp. Người đó là ông Thuận Phát, có tiệm bán thực phẩm ở Pleiku. Tôi vẫn đi mua hàng ở tiệm Thuận Phát. Ông Thuận Phát đi ra với một người con gái. Ông cũng muốn tránh mặt tôi. Và cũng tránh không kịp.Hai chúng tôi cùng ngượng ngập gật đầu chào nhau. Ông Thuận Phát đi vội xuống cầu thang. Ông Thuận Phát mướn phòng, hò hẹn với gái. Trời đất. Đang buồn thảm, tôi cũng muốn bật cười thành tiếng. Tôi chỉ nhìn thấy người đàn ông này qua cái cốt cách đạo mạo của một người chủ gia đình trong cái số những người chủ gia đình khả kính nhất của Pleiku. Ông Thuận Phát đông con. Liên. Người con gái trưởng, bạn cùng trường với tôi ngày trước đã lấy chồng. Tôi và Huyền đã đi dự tiệc cưới Liên. Hai người con trai lớn cũng đã lập gia đình, mỗi người có một cửa tiệm riêng. Hàng ngày, ông Thuận Phát ngồi sau quầy hàng giữa đám con cháu đông đúc vây bọc. Ông Thuận Phát là người cuối cùng tôi nghĩ có thể đụng đầu ở một hành lang khách sạn. Thì ra mọi con người đều có một đời sống thứ hai, trái ngược với cái đời sống phơi bầy ra bề mặt. Thì ra Pleiku có một tiền trường còn có một hậu trường. Và bộ mặt khả kính nhất, thường là csai bề ngoài che đậy và giả dối nhất. Tôi còn như thế mà. Tôi đang sống, thất lạc, đời sống thứ hai của mình. Cầu thang dẫn lên tầng lầu thứ hai tối hơn cầu thang tầng dưới. Cái bóng điện vàng đục. Ánh đèn trong bóng leo lét như một ánh nến. Hành lang trống trải. Những căn phòng đóng kín, tối đen. Thằng nhỏ đưa tôi tới căn phòng cuối dẫy. Nó mở cửa, với tay vào bên trong bật đèn. Đoạn lẳng lặng bỏ đi. Tôi bước vào phòng Đạo. Khách sạn thế nào căn phòng như thế. Tiều tụy Nhớp nhúa. Sát cửa vào là một cái tủ đứng. Một tấm gương đính ở cánh trái tủ. Tấm gương đã vỡ. Hai cánh cửa mở toang toác, bên trong trống rỗng, một cái giường thấp, nhỏ, kể gần cửa phòng tắm. Ngọn đèn giữa trần chiếu xuống một mặt đệm hoen ố, nhầu nát. Đạo đi không dọn giường, chăn gối còn bừa bãi. Dấu vết về sự có mặt của Đạo là chiếc valy nhỏ tôi đã nhìn thấy cạnh chân Đạo buổi sáng mưa phùn ở phi trường Cù Hanh. Chiếc valy nằm trên một cái hòm gỗ cạnh giường. Nắp valy không đóng. Căn phòng đè nặng lên tôi trong bầu không khí lặng lờ và tẻ nhạt của nó. Tôi bước mấy bước tần ngần. Tới gần giường. Cầm một mép chăn lên. Thả cái mép chăn xuống. Tới cửa phòng tắm. Ngó vào. Một chiếc khăn mặt vàng treo trên một cái giá sắt. Một cái ly đặt trên môt cái kệ thủy tinh. Trong ly, một hộp Hynos, một cái bàn chải. Nước từ vòi chảy từng giọt, từng giọt xuống cái bồn rửa mặt. Tôi vặn chặt vòi lại. Nước vẫn nhỏ, từng giọt, từng giọt. Tôi quay trở ra, tôi đứng trước cái valy mở rộng. Valy đựng một bộ đồ ngủ mầu xanh nước biển, một chai rượu đã uống hết phân nửa và một cuốn sách. Tôi nhìn vì tường rồi cả bốn vì tường. Lúc này tôi mới nhận ra những vết bẩn lem nhem trên mấy vì tường, thật ra là những hình vẽ, những giòng chữ. Nhiều người đàn ông, nhiều người đàn bà đã đến ở một đêm, nhiều đêm trong căn phòng khách sạn này. Dấu vết để lại của họ đó. Những câu viết nhảm nhí. Những hình vẽ thô tục. Tôi nhăn mặt, không dám nhìn kỹ hơn. Cuối cùng, tôi ngồi xuống một mép giường, chờ Đạo về. Mười lăm phút. Rồi nửa tiếng đồng hồ trôi qua. Như mỗi buổi tối mùa đông của Pleiku, đêm khuya lại thả xuống một trận mưa phùn cùng bóng tối. Tôi nghe thấy mưa trên mái, thật nhỏ cùng một lúc với tiếng chân nổi lên bên ngoài hành lang, phía cầu thang. Tôi đứng vụt lên. Tiếng chân tới gần. Đạo đã về. Tôi chờ đợi cái giây phút đối diện, chỉ còn nghe thấy nhịp tim đập như vỡ toang lồng ngực. Ý chừng thằng nhỏ không nói có tôi chờ đợi ở trên phòng. Đạo đứng sững trước cửa vào, nét mặt kinh ngạc bất động. Người đàn bà về cùng với Đạo cũng vậy. Người đàn bà đó là Mỹ Dung. Cảnh tượng chạm mặt là một cảnh tượng thật kỳ quái. Căn phòng khách sạn bừa bãi. Cửa phòng mở toang, ánh đèn vàng vọt. Trận mưa phùn rơi đều trên mái. Tôi đứng giữa phòng. Mỹ Dung và Đạo trên thềm cửa. Họ nhìn tôi. Tôi nhìn họ. Chúng tôi cùng như chết sững, không nói với nhau một lời nào. Người lên tiếng được là Mỹ Dung. - Anh có khách. Đạo gật, nhìn tôi không chớp. Mỹ Dung cau mặt: - Sao anh không nói? Đạo lắc, cặp mắt không rời tôi. - Không biết. Mỹ Dung bặm môi: - Lúc khác gặp nhau vậy nhé ! Đạo lặng lẽ quay lại, đẩy Mỹ Dung đi. Họ đưa nhau ra cầu thang. Tôi nghe thấy tiếng Mỹ Dung. - Con nhỏ quán Nhớ đó. Đến kiếm anh có chuyện gì vậy? Đạo có trả lời hay không tôi không nghe rõ. Một phút sau Đạo trở lại. Tôi chờ cho Đạo vào phòng, nói với chàng: - Anh đóng cửa lại. Đạo làm theo. Cửa phòng đóng lại sau Đạo. Chỉ còn hai chúng tôi, như những buổi tối nào, năm ngoái ở Sàigòn. Tôi nghiến chặt hai hàm răng, giữ hơi thở đều hòa, cố giam nhốt mọi xúc động không cho Đạo nhìn thấy. Mày đến khách sạn với một mục đích duy nhất, nhớ lấy. Tôi nghe thấy tôi nói, khẩn thiết, với chính mình trong đầu. Mày đến để dứt khoát. Để tỏ thái độ. Để đoạn tuyệt. Để quyết liệt yêu cầu người đàn ông kia để cho mày được yên. Nhưng rồi hơi thở tôi đứt quãng. Toàn thân tôi run bắn. Và tôi chỉ còn biết đứng chôn chân nhìn Đạo mà không nói được một lời nào. Bằng một cử chỉ chậm chạp, Đạo moi túi quần lấy thuốc lá, châm lửa hút. Chàng tựa lưng vào cánh cửa, thở ra một hơi khói dài. Tôi nghe thấy tiếng mình: - Em không biết anh về với một người đàn bà. Nếu biết... Đạo dơ tay ngắt ngang: - Điều đó không quan trọng. Em đến từ hồi nào? - Ban nãy. - Lâu chưa. - Chừng nửa tiếng. - Thằng Tám mở cửa cho em vào? Tôi gật. Rời chỗ tựa là cánh cửa. Đạo bước thong thả lại gần bàn. Chàng đóng cái nắp valy lại, cúi đầu nghĩ ngợi. - Sao em biết anh ở đây? - Em thấy anh. Đạo quay lại: - Có phải cái người theo anh với Mỹ Dung đêm hôm nào là em? Tôi gật: - Phải. Em. Anh nhìn thấy? Đạo lắc: - Không. Chỉ cảm thấy có người đi theo. Thế thôi. - Điếu thuốc cháy đỏ. Một vồng khói lớn. Đạo tiếp - Tại sao em làm như thế? Tôi lắc: - Không biết. Sự thù hận, oán ghét Đạo trong tôi còn nguyên vẹn, còn đầy ắp. Người đàn ông này đã làm hại đời tôi, đẩy tôi vào một cuộc sống giả dối, một cuộc đóng kịch với tất cả những người khác. Nhiều lần, sự thu hận chất ngất, tôi đã thầm mong những tai họa ghê gớm nhất xẩy đến cho Đạo. Như Đạo bị đâm chết. Như Đạo bỏ mình trong một tai nạn xe hơi, vậy mà lạ thay, những lời nói đầu tiên với Đạo, vẫn là những lời nói của một người tình. Tôi bất chợt khiếp hãi vì sự mềm yếu chớm nhú của mình. Không chống cự lại sự mềm yếu, chỉ một phút nữa không hơn, tôi sẽ lại nằm trong tay Đạo. - Anh lên đây làm gì? Giọng tôi rắn đanh, quyết liệt. Lòng thù hận của tôi phải bừng bừng hơn bao giờ. Đạo phải được tôi nhìn ngắm và phán đoán qua một hình ảnh xấu xa, ghê tởm hơn bao giờ. Hai ngày cuối cùng ở Sàigòn Đạo lánh mặt tôi. Tôi gào thét, kêu gọi. Đạo nằm lỳ trong phòng không thèm trả lời, không thèm mở cửa. Buổi sáng tôi cùng Huyền trở về Pleiku. Đạo cũng không thèm nói với tôi một lời từ biệt. Sự bỏ rơi lạnh lùng, tàn nhẫn. Lại còn những câu nói của Đạo nữa. Mỗi câu là một gáo nước lạnh. Mỗi câu là một mũi nhọn đâm suốt trái tim tê tái bàng hoàng. Em với anh chỉ là chuyện chốc lát, một mối tình qua đường. Đạo đã nói với tôi như vậy đó. Em trở về nơi em ở đi, đừng ở lại Sàigòn làm gì. Chúng mình không bao giờ gặp lại nhau nữa. Mỗi câu nói là một sự thật phũ phàng, một cái tát làm tối tăm mắt mũi. Tôi thề nguyền không nhìn mặt Đạo nữa vì thế. Tất cả những câu nói cũ trở lại, nhẩy múa trước mặt tôi. Tôi quắc mắt nhìn Đạo. Sự tức giận bất chợt làm cho tay chân tôi run bắn. Thật may tôi đã kịp vào cái vị trí phải đứng của Đạo. Cái vị trí của một người tình. Sự trở mặt của tôi khá đột ngột. Đạo kinh ngạc. Điếu thuốc trên môi Đạo rớt xuống. Tôi quát lớn: - Tôi hỏi anh trả lời đi. Đạo ôn tồn: - Em không muốn gặp anh? Tôi cười nhạt: - Anh thừa biết. Sao còn phải hỏi. Có một khẩu súng trong tay lúc này, tôi đã bắn chết anh không ngần ngại. Đạo gật: - Ạnh biết. Với anh, trong em chỉ còn là sự thù hận mà thôi. - Đúng vậy. Anh đã biết thế, anh lên đây làm gì? Đạo thủng thẳng: - Anh không ngờ gặp Ngọc ở đây. Tôi bĩu môi: - Tôi ở đây mà. Không gặp là thế nào. Đạo vẫn giọng ôn tồn, dịu dàng; - Em nói em ở Nha Trang. Tôi đớ người. Quả là tôi có nói với Đạo như thế thật. Rằng tôi từ Nha Trang vào Sàigòn. Cũng chẳng hiểu tại sao tôi cảm thấy cần thiết phải nói dối như thế. Nhưng Đạo không nhớ lầm. Tôi đã nói dối như thế. Thâm tâm chẳng phải là chính tôi cũng chỉ muốn coi Đạo là người đàn ông của hai tuần lễ lánh nạn? Thâm tâm chẳng phải là tôi cũng muốn cuộc tình giữa tôi và Đạo chốc lát, và nó phải chấm dứt ngày tôi trở về Pleiku? Tôi tắt họng đứng im. Một phút. Rồi tôi ra khỏi được tình trạng lúng túng. Tôi lầm bầm: - Bây giờ thì anh biết rồi đó. Đạo gật: - Phải. Anh biết từ phút nhìn thấy em ở phi trường Cù Hanh. Đạo đẩy cái ghế tới gần tôi. - Ngọc, ngồi xuống đó. - Tôi không ngồi. Tôi về ngay bây giờ. Đạo nhún vai đứng im. Chàng nhìn xuống đất, nét mặt nghiêm lặng, khép kín, hàng mi hạ thấp như che phủ một niềm đau đớn không tỏ lộ. Điếu thuốc cháy dở nằm trên mặt sàn. Đạo dùng mũi giầy dí nát mẩu thuốc. Mọi cử chỉ của Đạo đều lửng lờ, buồn bã. Tôi thấy tôi đang khổ sở. Thấy Đạo cũng chẳng sung sướng gì. Chúng tôi cùng là tai nạn của nhau. Tôi đứng lặng, nhìn từng cử chỉ nhỏ nhặt của Đạo. Cái lạ lùng phát hiện ra ở Đạo, mà tôi không thấy ở một người đàn ông thứ hai trên trái đất này là cử chỉ nào của Đạo cũng đến với tôi bằng hai ý nghĩa. Cử chỉ vừa thật đáng yêu. Cử chỉ vừa cực kỳ đáng ghét. Tôi tan nát, giữa cái đáng yêu và cái đáng ghét đó. Chúng là hai phía của một hố thẳm, một nhà ngục tình cảm đã giam cầm trái tim tôi suốt bấy lâu. Cái đáng ghét và đáng yêu đó lại chiếm đoạt tôi phút này. Tôi nghĩ mình phải chấm dứt câu chuyện. Chấm dứt tức khắc. Tức khắc ra khỏi căn phòng khách sạn này. Tức khắc trở về quán Nhớ. Nhưng cái đoạn đường từ chỗ tôi đang đứng ra cửa sao mà xa thế. Đúng là tâm trạng nửa muốn ở lại, nửa muốn bỏ đi. Tâm trạng vô lý này khiến tôi giận tôi vô tả. Bao nhiêu tình cảm hỗn loạn dâng lên như một ngọn triều tràn bờ. Tôi đau đớn. Tôi buồn tủi. Tôi uất hận. Tôi tan nát. Có một khẩu súng trong tay lúc này, chắc chắn là tôi sẽ chỉa nó về phía Đạo. Chĩa đúng ngực. Phía bên trái tim. Nhưng rồi tôi sẽ chẳng ấn được ngón tay vào cò súng, cho viên đạn bắn tới. Và tôi sẽ quăng khẩu súng đi. Mắt tôi nhòa đi. Hai tròng mắt đã đẫm lệ. Hai tay bưng lấy mặt, tôi nức nở khóc. Đứng trước mặt Đạo, tôi khóc bàng hoàng, tôi khóc thảm thiết, Đạo đứng im, để mặc cho tôi khóc. Chừng như tiếng khóc của tôi đã vọng xuống tận nhà dưới. Và thằng nhỏ, nghe thấy tiếng khóc đã chạy lên. Có tiếng gõ cửa, rồi là tiếng thằng nhỏ, ngoài hành lang: - Chuyện gì thế. Đạo nói lớn: - Bước đi, không việc gì đến mày hết. Tôi nín khóc. Tiếng chân bỏ đi. Đạo thong thả tiến lại trước mặt tôi. Chàng nhét vào tay tôi cái khăn tay của chàng: - Lau nước mắt đi. Tôi làm theo. Bàn tay Đạo đặt lên vai tôi. Tôi rùng mình. Tiếng chàng thật gần: - Ngồi xuống đó. Tôi làm theo. Đạo đi vòng về sau lưng tôi, tới ngồi ở thành giường. Sự im lặng trở lại. Tôi có cảm tưởng như tiếng khóc của mình đã bay khỏi trần nhà, lên mái, lên trời, tan vào trận mưa đều hạt trong đêm tối. - Em đến tìm anh làm gì? - Đạo hỏi. Tôi trả lời, không quay lại. - Đuổi anh khỏi Pleiku. Cấm không cho anh được ở đây nữa. - Sự có mặt của anh ở đây làm phiền em? Tôi gật: - Phải. - Người đàn ông ra đón Ngọc ở phi trường hôm ấy là thế nào? Tôi trả lời bừa bãi: - Chồng tôi đó. Giọng Đạo, điềm đạm: - Anh cũng đoán thế. Nhưng em yên tâm, anh không ở lại đây lâu, chỉ vài ngày nữa thôi. Tôi quay lại nhìn Đạo. Một năm đã trôi qua. Một năm thôi, nhưng Đạo đã già đi thật nhiều. Má chàng hóp lại. Tròng mắt trũng sâu. Cái nhìn chán chường, mệt mỏi. Một năm. Người đàn ông hào hoa ngồi một mình với ly rượu giữa phòng trà đó trở thành người đàn ông phong sương, ngồi đó, trên đệm nhớp nhúa của một căn phòng khách sạn tỉnh nhỏ. Cho tới những giờ phút này, tôi vẫn chẳng hiểu được tại sao tôi có thể rung động vì Đạo, rơi vào tay chàng. Chúng tôi là hai khuôn mặt cách biệt. Của hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Như Pleiku khác biệt với Sàigòn. Vậy mà tôi đã rung động. Đã rơi vào. Tôi đứng vụt lên. Sự mù quáng nào cũng phải có một giới hạn. Tôi phải trở về quán Nhớ ngay bây giờ. Sự vắng mặt đã quá lâu và không giải thích được. Tôi thấy tôi đang hủy hoại đời mình. Một cách thật xuẩn ngốc. Sự hủy hoại phải ngừng lại. Đạo hỏi, không đứng lên: - Em đi đâu? - Tôi về. - Trời đang mưa đó. Người ta nói những trận mưa giữ người ở lại. Một bài hát nào còn nói trận mưa làm quên đường về. Khôi hài. Tôi phải về. Dù phải đội mưa mà về. Tôi đi thẳng ra cửa. Đạo đứng lên, đi theo. Chàng tới sát sau lưng. - Ngọc. Cũng chẳng phải là Đạo giữ tôi lại. Chàng không hề có một cử chỉ cản ngăn nào. Nhưng tôi nghe thấy chàng gọi tên tôi, như chưa một người đàn ông nào gọi tên tôi như thế và tôi không mở được cánh cửa nữa. Hơi thở Đạo phà vào gáy. Toàn thân tôi bỗng tê liệt, chết sững. Tôi muốn kêu lên một tiếng thật lớn. Muốn bỏ chạy ra ngoài hành lang. Cả hai sự việc rất dễ dàng này tôi đều không làm được. Đạo đặt tay vào lưng tôi, soay người tôi lại. Sự cưỡng chống ở tôi yếu ớt chiếu lệ. Theo đà tay Đạo, tôi từ từ quay lại. Chúng tôi nhìn nhau. Hai cặp mắt cùng mở lớn, thật gần. Tôi kêu lên một tiếng nhỏ trong cổ họng. Hai cánh tay Đạo đã là một vòng đai sắt êm ái khép chặt. Úp mặt vào vai Đạo, tôi theo chàng đi trở vào. Trận mưa bất chợt lớn. Nhịp mưa mau, chen lấn, cuống quýt. Nhịp tim tôi đập cùng nhịp mưa. Thật lâu. Thật lâu. Tôi không đoán được lúc này là mấy giờ. Nhưng đã mười hai giờ đêm hay là buổi sáng hôm sau cũng vậy mà thôi. Mọi chuyện đều không quan trọng nữa. Tôi đã đến với Đạo. Đã ở lại. Tôi đang nằm bên cạnh chàng. Đạo nằm ngửa, mặt nhìn lên trên. Một cánh tay chàng duỗi dài khỏi thành giường, hai ngón tay kẹp chặt một điếu thuốc cháy dở. Cánh tay kia đặt trên ngực. Cái nhìn của Đạo bất động. Hơi thở chàng đều hòa. Tôi nằm nghiêng, nhìn Đạo. Trong vùng ánh sáng mờ mờ, sống mũi Đạo nổi hỉnh, thẳng tắp, như một con đường cô đơn, tròng mắt chàng là một vũng sâu đầy bí mật. Tôi vừa sống một khoảng thời gian quên lãng. Trong khoảng thời gian này, tôi đã nhắm mắt, buông thả, không suy nghĩ, thả cho cuộc đời lùi lại, típ tắp về một hướng sau lưng. Bây giờ là sự nghĩ ngợi lười biếng trong yên lặng. Trận mưa đã lắng xuống. Nhịp mưa đều đều. Thêm nhiều phút yên lặng nữa. Cả hai chúng tôi cùng nghe mưa. Rồi Đạo cựa mình. chàng quay sang: - Em phải về rồi đó. - Mấy giờ rồi? Đạo đưa cánh tay lên, xem đồng hồ. - Mười một giờ. Tôi đẩy tấm chăn, đắp lên người, ngồi lên. Những hậu quả khốc liệt xảy đến vì cái hành động liều lĩnh sẽ làm tan nát đời tôi một lần nữa. Và không lâu gì. Chỉ lát nữa, chỉ buổi sáng ngày mai thôi. Nhưng phút này tôi không cảm thấy lo lắng chút nào về những hậu quả ấy. Chừng như tôi đã tự ý. Và chấp nhận cái chuyện phải trả. Phải trả bằng bất cứ giá nào. - Lấy cho em cái áo. Đạo nhổm dậy, với tay lấy cái áo tôi đã cởi ra và vắt ở đầu giường. Chàng trao cái áo cho tôi, nằm xuống như, cũ hút thuốc lá từng hơi dài và đều đặn. Tôi mặc áo, vuốt lại mái tóc, nhìn quanh quất. - Anh phải đổi phòng khác. - Sao vậy? - Căn phòng này ẩm thấp và nhớp nhúa quá. - Phòng nào cũng vậy mà thôi. Tôi cãi: - Cũng vậy thế nào được. Phải có những phòng sạch sẽ hơn. Trần nhà thủng nữa. - Sao em biết? Tôi chỉ tay lên mảng trần trên đầu: - Nước thấm xuống ở chỗ kia. Lúc mưa lớn, nước nhỏ xuống ướt mặt em, anh không thấy sao? - Không. - Em thấy. Anh đổi phòng khác đi. - Được. Sẽ đổi. Tôi cài hết hàng khuy áo, trèo qua người Đạo, bước xuống khỏi giường. Mặt sàn lạnh buốt. Tôi luồn chân vào đôi dép của Đạo, vào phòng tắm. Cái vòi nước vẫn nhỏ giọt. Tôi mở vòi cho nước chảy mạnh và nhìn khuôn mặt mình phản chiếu trong tấm gương đục. Khuôn mặt trong gương lúc này vừa là một khuôn mặt xa lạ vừa là một khuôn mặt quen thuộc. Tôi chưa nhìn thấy nó lần nào ở Pleiku. Đầy là lần đầu. Tôi đã nhìn thấy nó thật nhiều lần ở Sàigòn. Trong phòng Đạo. Trong phòng tôi lúc từ phòng Đạo trở về. Vào những giờ này. Tôi chợt nhớ đến Sàigòn. Sàigòn với những buổi tối nóng bỏng với giòng người ào ạt giữa một rừng tiếng động dầy đặc. Tôi rửa mặt, chải đầu, đi ra. Đạo vẫn nằm ở trên giường. Chàng vừa châm cho chàng một điếu thuốc mới. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa phòng tắm. - Sàigòn hồi này như thế nào? - Vẫn vậy. Đạo ngừng một giây. Khói thuốc xanh biết tỏa đầy trên mặt chàng. Chàng nói tiếp cho câu nói chưa nói hết: - Mỗi ngày một chán hơn. Tôi bật cười. Nhận thấy đó là tiếng cười đầu tiên của mình từ phút gặp lại Đạo. - Vì thế mà anh lên đây. - Không phải vậy. - Em vẫn không biết anh lên đây làm gì. Đạo xua tay: - Ngọc không cần biết. Tôi ngẫm người gật. Chịu. Với Đạo có những điều tôi khỏi cần phải biết thật. Biết cũng vô ích. Biết cũng thế mà thôi. - Người đàn bà ban nẫy... Đạo hiểu được sự thắc mắc của tôi. Chàng ngắt ngang: - Anh sẽ cấm nó không được nói gì hết. Chàng vẫy vẫy tay. Tôi lại gần, ngồi xuống thành giường. Đạo nhìn tôi đăm đăm. Tôi thích được Đạo nhìn tôi như thế. - Em có trở lại? Tôi trả lời ngoảnh nhìn đi chỗ khác: - Không. Đạo thở dài. Giọng chàng xa, trầm: - Có lẽ như thế là hơn. Đạo nói lửng lờ. Nửa ra chiều ngậm ngùi. Nửa ra chiều bình thản. Tiếng thở dài là một tiếng thở dài thành thật? Tôi không đoán được. Tâm hồn Đạo là một vực thẳm không đáy. Thân thể Đạo là một vùng tranh tối tránh sáng lẫn lộn. Chính Đạo cũng không hiểu Đạo. Tôi có cảm tưởng như vậy. Sự hoang mang làm tôi buồn rầu. Tôi muốn hỏi Đạo. Em là gì của anh đây? Một khuôn mặt anh chưa thể quên? Một hình bóng anh còn muốn theo đuổi? Sự rung động thành thật của anh hay một trò đùa chốc lát? Tôi không dám hỏi. Không dám bắt Đạo nói thật. Câu trả lời nào của Đạo cũng sẽ chỉ cho tôi đau đớn. - Trưa hôm nào anh đến quán Nhớ? Đạo ngạc nhiên: - Sao em biết? - Quán đóng cửa, nhưng em nhìn thấy anh từ trong nhà. Đạo chớp mắt, nhớ lại: - Anh có gõ cửa mà ! Tôi gật: - Phải, anh có gõ cửa. - Sao em không mở? - Em không muốn thấy mặt anh trưa hôm đó. - Tối nay thì thế nào? Tôi cố giữ cho giọng nói của mình lạnh lùng, bình tĩnh: - Tối nay cũng vậy. Tôi nhấn mạnh: - Tối nay em cũng không muốn thấy mặt anh. Anh đã ra khỏi đời em. Anh chẳng còn nghĩa lý gì với em nữa. - Tại sao em đến? - Đến để nói cho anh biết thế. Anh đừng lầm tưởng em đến vì một mục đích khác. - Không, không có chuyện đó. Đạo trả lời chỉ là để tránh cho tôi một ngượng thẹn rõ rệt. Tôi nói xong, mặt mũi đã muốn đỏ bừng vì xấu hổ. Mới mấy phút trước đây thôi, tôi đã nằm trong tay người đàn ông này. Trước những cử chỉ ân ái cuồng nhiệt, tôi đã đáp lại. Cũng bằng những cử chỉ ân ái cuồng nhiệt. Tôi đến, chẳng phải vì tôi đã chẳng cưỡng chống được sự thèm muốn gặp Đạo, được sống một buổi tối gần chàng? Tôi cũng đứng lên. Đạo chỉ cần nắm tay tôi lại, tôi sẽ ở với chàng đến buổi sáng ngày mai. Nhưng lần này, Đạo không giữ. Chàng nằm yên nhìn tôi đi ra. Tới thềm cửa, tôi quay lại. - Anh không được đến tìm em ở quán Nhớ nữa. Đạo không trả lời. Tôi mở cửa, bước nhanh ra ngoài hành lang. Đêm lạnh buốt. Tôi rảo bước, gần như chạy xuống. Hết tầng lầu thứ hai, tôi không đụng đầu với ai. Hành lang vắng ngắt. Những căn phòng im lìm. Hoặc đó là những căn phòng ấy đều ngủ say. Tôi thở ra nhẹ nhõm hy vọng mình rời khỏi khách sạn không ai biết. Nhưng không, thằng nhỏ vẫn còn ngồi đó ở sau quầy. Và người đàn ông cao lớn vẫn đứng cạnh người đàn bà ngồi trong ghế bành. Nghe thấy tiếng chân tôi, cả hai cùng quay lại. Người đàn ông nhoẻn miệng cười. Hàm răng y trắng nhởn, y hỏi: - Cô không ở lại sao? Tôi mím môi, cúi gầm mặt, đi mau qua y không trả lời. Tiếng cười của người đàn bà đuổi theo. Gáy tôi nóng bừng. Ả nói: - Tưởng có một trận đánh ghen chứ? Gã đàn ông cười theo: - Có rồi cũng không chừng. Ả đàn bà: - Con gái bây giờ đã ghê gớm chưa. Anh thấy không? Tôi bước thật nhanh trên mấy bực thềm. Sự đảo hổ làm tôi run rẩy muốn té ngã. Trận mưa đã ngớt, nhưng mặt đường còn ướt loáng. Tôi đảo mắt kiếm một chiếc xe lam. Nhưng Pleiku giờ này không còn một bóng xe nào. Đi được một quãng, tôi thở ra một hơi dài, bước chậm lại. Cùng một lúc, hai bóng người mặc áo mưa từ đầu phố đi tới. Một người đàn ông và một người đàn bà. Tôi nhận ra họ. Họ cũng đã nhận ra tôi. Đó là Khoa và Thư. Tôi đành đứng lại. Buổi tối hôm nay là một buổi tối đầy đặc những cái bất ngờ lớn lao cho tất cả mọi người. Cho Đạo trước nhất. Đạo không thể ngờ tôi đến tận khách sạn, lên tận phòng Đạo. Khoa không thể ngờ giờ này còn gặp tôi lang thang một mình ngoài đường. Chính tôi, tôi cũng không ngờ còn gặp anh em Khoa lúc này. Khoa, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ: - Trời ơi ! Ngọc, đi đâu thế này. Như mọi lần Thư chỉ lặng lẽ nhìn tôi, cái nhìn vừa dò xét, vừa riễu cợt. Không biết trả lời Khoa thế nào, tôi gượng cười hỏi lại: - Anh đi đâu vậy? Khoa chỉ Thư: - Đi nằm rồi đó chứ. Cô này tự nhiên kêu đói bụng, muốn đi ăn một lát mỳ. Đành đưa cô ấy đi. Tôi hỏi Khoa, tránh cái nhìn của Thư: - Đã ăn chưa? Khoa giơ hai cánh tay lên đầu: - Tôi tìm mỏi chân rồi mà chưa thấy. Khoa chỉ tay về dẫy phố trên cao: - Đi ăn cùng rồi anh lấy xe hơi đưa Ngọc về. Tôi không biết làm thế nào hơn là đi theo. Chúng tôi leo một con dốc khá dài. Con dốc làm bước chân tôi mỏi rời. Tôi phải vịn vào Khoa. Đầu óc tôi váng vất. Hai thái dương choáng váng. Khoa thì không nhận thấy ở tôi một cái gì khác thường hết. Sự gặp gỡ tình cờ, cuộc đi ăn đêm không định trước với Khoa là một sung sướng tràn đầy. Khoa cũng đã quên đi, không hỏi tôi đi đâu về nữa. Lên hết con dốc là một ngã tư. Chúng tôi đã tới khu phố cao của Pleiku. Khu này quang đãng và nhiều ánh sáng hơn những khu phố khác. Một vài tiệm hàng rong còn bán hàng cạnh những gốc cây. Đám khách ăn ngồi trên những cái ghế thấp, đối diện với những thùng nước dùng khói bốc nghi ngút. Một tiệm mì còn mở cửa. Đèn néon trong tiệm ném một thứ ánh sáng xanh lạnh thật xa ra mặt đường. Khoa chỉ tiệm mì, hỏi tôi: - Vào kia nhé ! Tôi quay sang Thư: - Thư đồng ý không? Thư nhún vai: - Thế nào cũng được. Tôi muốn gây cảm tình với Thư. Cho yên chuyện. Suốt đoạn đường, tôi đã nhìn sang Thư nhiều lần. Với ý định bắt chuyện, thay thế cái không khí lạnh lùng cách biệt giữa Thư và tôi bằng một bầu không khí mới, thân mật hơn. Nhưng mỗi lần tôi quay sang là mỗi lần Thư vội vã nhìn đi nơi khác. Sự ác cảm lộ liễu ở Thư đối với tôi vẫn nguyên vẹn. Tôi theo Khoa vào quán. Ánh đèn của gần mười ngọn néông đính nơi lưng chừng những vì tường trong những khoảng cách đều đặn làm tôi chói mắt. Phải nhíu mày lại và định thần tôi mới nhìn thấy Mỹ Dung. Người đàn bà ngồi với một người đàn ông trẻ tuổi ở bàn ăn trong cùng. Mỹ Dung vẫn mặc cái áo mưa trên người như lúc ả đến khách sạn với Đạo. Người đàn ông mặc một bộ đồ nhà binh màu xám thâm. Mỹ Dung đã nhìn thấy tôi theo Khoa và Thư vào quán. Ả nhìn tôi, tủm tỉm cười rồi nghiêng đầu nói thầm với người đàn ông ngồi đối diện. Người đàn ông nghe, nhìn tôi, gật gù. Sự chú ý của họ làm tôi mất hẳn tự nhiên. Tôi không nghĩ được người quân nhân trẻ tuổi kia là ai. Chỉ thấy nét mặt y quen quen. Hình như y đã tới uống cà phên ở quán Nhớ vài lần. Khoa dẫn chúng tôi tới một bàn gần bàn Mỹ Dung, kéo ghế cho tôi ngồi xuống. Nghĩ đến phút đụng đầu với Mỹ Dung ở khách sạn, tôi chỉ muốn độn thổ. Tôi ngồi lặng, nhìn thẳng, chỉ mong sao cho bữa ăn đêm chấm dứt mau chóng. Khoa hỏi: - Ngọc ăn gì? Tôi gượng cười: - Anh ăn đi, em chẳng thấy đói bụng chút nào. Khoa không chịu như thế. Khoa lớn tiếng gọi đồ uống và ba tô mì vịt. Ném cái nhìn sang bàn Mỹ Dung, Khoa reo lên: - Kìa, Tuân. Chàng quân nhân trẻ tuổi mỉm cười, giơ tay ra dấu chào Khoa. Y chào luôn tôi. Tôi miễn cưỡng gật đầu chào lại. Khoa hỏi Tuân: - Ở đâu về vậy? - Khôngntum. - Trên ấy có yên không? Chàng quân nhân trẻ tuổi nhún vai: - Cũng yên. Không được yên lắm. Khoa ghé vào tai tôi: - Anh Tuân. Một người bạn. Anh giới thiệu nhé ! Tôi lắc đầu. Ba tô mì được đưa tới trên một cái khay lớn. Trong mỗi tô, một miếng vịt đỏ thắm, béo ngậy, nằm giữa những sợi mì nhuần nhiễn. Mùi mì, mùi thịt thơm phức. Tiệm mì chúng tôi đang ngồi làm tiệm mở cửa khuya nhất và cũng là tiệm mì nổi tiếng nhất của Pleiku. Khoa đưa đũa cho tôi ăn, Thư nhìn cái cử chỉ âu yếm săn sóc của Khoa cười khẩy: - Đừng đưa đũa. Khoa ngạc nhiên: - Sao vậy? - Đưa đũa ghét năm, đưa tăm ghét đời. Khoa cười, nháy mắt với tôi: - Ghét thế nào được. Đưa đũa, đưa tăm, là yêu năm, yêu đời. Tôi gắng gượng nuốt một miếng mì, cho Khoa vừa lòng. Nhìn tô mì trước mặt tôi nhớ đến một tô mì khác. Đêm đó, ở rạp chiếu bóng ra, Đạo đưa thẳng tôi vào Chợ Lớn, xe chạy qua khách sạn. Phòng tôi còn sáng đeè. Huyền chưa ngủ, để đèn sáng, chờ tôi về. Đáng lẽ, tôi phải từ chối cuộc đi chơi đêm, về phòng ngay lúc đó. Nhưng bên cạnh Đạo, lý trí và nghị lực tôi đều tan biến. Và ngã đầu vào vai Đạo, tôi liều lĩnh để mặc chàng kéo dài đến bao giờ cũng được, những giây phút gần nhau. Sàigòn thật đẹp, đêm hôm đó. Nếu trời pleiku quanh năm là mùa thu, mùa đông của trời Sàigòn suốt hai tuần lễ tôi ở là mùa xuân, mùa hạ. Đêm gọi sao lên. Sao lên đủ mặt, không thiếu một vì nào. Một chút nóng của buổi chiều còn lại cộng với một chút lạnh của đêm vừa đem tới tạo thành một thứ không khí vừa ấm áp vừa mát mẻ, trong đó tất cả những cảm giác, tôi đểu mở tung ra. Xe chạy hết đường Trần Hưng Đạo, tới đường Đồng Khánh. Đạo ra hiệu cho xe dừng lại. Chàng xuống xe, nắm tay tôi, nói vắn tắt: - Đi ăn mì ở khu Nguyễn Tri Phương. Tôi chưa từng tới khu Nguyễn Tri Phương bao giờ. Với Đạo, đêm đó là lần đầu. Tưởng chỉ là một vài tiệm, một góc đường, tôi kinh ngạc khám phá thấy cả một khu vực ăn uống mênh mông náo nhiệt. Đèn sáng như sao xa. Bàn ghế, hàng quán từ trong những cửa tiệm đầy ứ tràn chiếm kín khắp những hè đường, xe cộ đông đặc, người đi chen chân. Đám con gái Tàu buôn lách thoănt thoắt giữa những dãy bàn ghế liền sát. Những tiếng mời gọi ơi ới. Tôi nắm chặt tay Đạo, đi giữa một vùng âm thanh hỗn độn vây bọc. Tôi nhìn thấy những con sò huyết, những con cua thịt chín vàng trên những lò than đỏ rực. Tôi nhìn thấy những hàng bán trái cây với một núi trái cây đủ loại đầy ắp giữa những xe mì, phá lấu, hủ tiếu, nước ngọt, không thiếu một thứ nào. Ánh sáng, sự đông chen ngoài sức tưởng tượng làm tôi bối rối. Đạo thì thản nhiên như không. Đi với tôi, giữa một rừng người chàng cũng dửng dưng cách biệt như những khi và ở những nơi chốn chàng chỉ có một mình. Đêm khuya là của Đạo. Từ phút lặn mặt trời, cuộc sống thuộc về chàng. Trong đêm, Đạo sống, như đêm với chàng là một hòa hợp toàn hảo. Đi gần hết khu phố, chúng tôi mới tìm được một cái bàn trống. Nhớ đêm đó, tôi đã cười nói, đã sung sướng. Nhớ đêm đó, tôi đã quên hết. Không một ai để ý đến chúng tôi. Tô mì đưa ra, tôi ăn ngon lành. Bên kia bàn, Đạo ngồi ngó tôi, dịu dàng. Riêng đêm đó ánh mát chàng dịu di cái thoáng khốc liệt mà mỗi lần chạm tới, tôi vẫn thấy bồi hồi lo sợ không đâu. Rời khỏi khu Nguyễn Tri Phương, tôi tỏ ý muốn đi bộ thêm một quãng đường nữa. Khu vực ăn uống ồn ào vừa lìa khỏi, chúng tôi đã đi trên những hè đường im lặng, phủ đầy bóng lá. Qua một ngôi chùa Tàu. Hàng rào sắt cao. Bên trong, những thềm đá, những gờ mái cong vút. Đi qua một trường học Tàu. Bên trong, sân chơi mênh mông, những hành lang dài, đèn treo giữa trời trong những khoảng cách đều đặn như trong một sân quần vợt. Rồi tới những con phố nhỏ hơn, tốt hơn, với những tên phố lạ hoắc. Những chiếc xe ba gác ngủ ghếch đầu trong một bãi hoang. Một vài con chó lang thang, một máy nước công cộng, nước chảy đều đều xuống một khoảng trũng bóng loáng. Gió đêm. Sự im lặng. Hai cái bóng chúng tôi lúc hiện lúc mất. Tiếng chân. Tiếng chân tôi trong tiếng chân Đạo. Đêm đã khuya lắm, tôi mới về tới khách sạn. Quầy hàng vắng ngắt. Người bồi phòng ngủ vùi trên một chiếc ghế bố đầu hành lang. Hai chúng tôi nhìn nhau cùng nhẹ bước lên, Đạo đưa tôi tới cửa phòng. Tôi mở cửa. Nhìn vào. Bên trong tối đen. Huyền chờ không được, đã ngủ. Tôi không vào phòng mình. Đêm hôm đó, tôi lại ở bên phòng Đạo. - Ngồi thừ ra, ăn đi chứ. Tiếng Khoa làm tôi giật mình. Tôi gượng ăn vài miếng nữa rồi đẩy cái bát ra xa. Bàn bên cạnh, Mỹ Dung và chàng quân nhân trẻ tuổi đã ăn xong. Tới trước bàn tôi, họ dừng lại. Tuân bắt tay Khoa. Khoa nói: - Còn ở đây không? Tuân lắc đầu: - Sáng mai đi sớm. Khoa hỏi: - Bao giờ về được? - Không rõ. Hy vọng là tuần sau. Khoa nói: - Có rảnh lại chơi nhé ! Tuân gật: - Nhất định. Tuân nhìn tôi, tủm tỉm rồi hỏi Khoa: - Bao giờ đấy? Khoa hiểu ý câu hỏi nhưng làm bộ ngạc nhiên: - Bao giờ là cái gì? - Đừng dấu nữa. Pleiku nhỏ lắm. Chuyện gì của ai mọi người đều biết. Bao giờ là bao giờ cho uống rượu mừng. Khoa cười: - Chưa có gì đâu. Tuân chưa chịu bỏ đi: - Nhưng sẽ có. Khoa đành trả lời: - Lúc có anh sẽ là người biết trước nhất. Tuân gật: - Được lắm. Lần sau tôi về sẽ đòi anh đưa đến quán Nhớ uống cà phê. Khoa nhìn tôi, trả lời Tuân: - Tưởng gì, chuyện đó dễ quá. Trong khi hai người đàn ông nói chuyện với nhau, Mỹ Dung nín thinh, nhìn tôi. Rồi ả khoác tay Tuân đi ra. Mười phút sau, chúng tôi cũng rời khỏi tiệm. Tới trước tiệm bào chế tôi cương quyết đòi đi suốt quãng đường còn lại một mình. Khoa nhăn nhó: - Em về một mình thế nào được. - Không sao đâu, em thích thế, để mặc em. Khoa đành để tôi đi. Mặt đường Pleiku lúc này đã khô ráo. Tôi đi giữa lòng đường nhớ lại câu nói đùa của chàng quân nhân trẻ tuổi. Pleiku nhỏ hẹp thật. Chuyện gì của ai che dấu kín nhẹm đến đâu, mọi người cũng biết. Pleiku cách biệt với hết thảy nhưng với chính nó thì không. Điều này cũng lại đúng nữa. Chuyện bí mật giữa tôi và Đạo, chỉ trong một buổi tối đã thêm nhiều người biết. Đó là thằng nhỏ ở khách sạn. Đó là người đàn ông cao lớn tên Thọ và người đàn bà ngồi trong ghế bành trước thềm khách sạn. Ông Thuận Phát nữa, ông Thụân Phát cũng bắt gặp quả tang tôi tới phòng Đạo. Nguy hiểm nhất là Mỹ Dung. Thư cũng đã nghi ngờ. Bao giờ đến lượt Khoa? Khoa sẽ phản ứng như thế nào? Những câu hỏi này tôi đều không tìm được trả lời. Cho đến khi về tới quán Nhớ.