Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mùa Xuân Yêu Thương

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18677 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa Xuân Yêu Thương
Diệu Hạnh

Chương 8

Bạch Sa vẫn ngồi vắt vẻo trên tay vịn ghế salon, cười thích thú khi nghe cha mẹ người qua tiếng lại. Dường như đối với cô gái hoang đàng này thì đấy chỉ là dịp được nụ cười, như xem tiết mục "trong nhà ngoài phố " vậy, chứ chẳng ảnh hưởng gì đến ai.
Bà Hoàng lại lu loa :
- Đừng "nhìn mặt mắt bắt hình dong" nhé. Đời này thiếu gì đứa lưu manh giả anh trí thức, chuyện đi lừa mấy đứa nhạ dạ.
Bạch Sa đang ngoáy ngoáy đuôi tóc đã chớm dài vào lổ tai để tỏ ý "rát tai lắm rồi", nghe tới đây, lập tức lên tiếng :
- Trường hợp này thì đúng trí thức xịn một trăm phần trăm, cháu đích tôn của ông Phan Vĩnh Phát đó.
Thông tin của Bạch Sa đưa ra làm hai người ngưng ngay cuộc đấu khẩu, ngẩn người nhìn nhau, qua bất ngờ trước gia thế sang trọng của Nhân.
Một lát sau, bà Hoàng quay người sang, xí tay vào trán con gái, chì chiết :
- Đó, mày thấy chưa. Nó "nhu nhu vác lu mà chạy", còn mày toàn tụ tập mấy đứa vô công rổi nghề, xâm mình, nhuộm tóc, mai mốt hể tao thấy ló mặt tới đây là tao vác chổi chà rượt chạy không kịp đó. Liệu hồn nghe chưa?
Trước sự "giận cá chém thớt" của bà mẹ, Bạch Sa chỉ cười khẩy, thản nhiên đứng dậy, đáp lửng lơ :
- Để xem. Chưa biết "mèo nào cắn mèo nào " đâu.
Bà Ngọc Lan đang tỉa lá cho mấy chậu hoa kiểng ngoài sân thì chuông reo vang. Bà bước ra cổng và không giấu tia mắt khó chịu của mình khi giáp mặt vị khách lạ. Cô ta ăn mặc rất thời trang, váy da ngắn bó sát chiếc eo thon. Còn áo thì ôi thôi, không biết có nên gọi là áo hay không nữa vì nó vừa ngắn, vừa mỏng, lại chằng chịt dây nhợ. Và gương mặt lại đầy phấn son rực rở, tuy đẹp nhưng khó tạo thiện cảm ở những người sống nề nếp.
Vì thế bà không mời khách vào mà cố tình đứng án ngay khoảng không nhỏ xíu vừa mở he hé, cất tiếng hỏi :
- Cô tìm ai ?
Vấp phải thái độ thiếu thiện cảm của người phụ nữ xa lạ mà cô chưa lường trước khả năng sẽ gặp ở đây, nên Bạch Sa khá lúng túng, đáp một cách máy móc :
- Dạ, anh Nhân.
Bà Ngọc Lan càng khắt khe hơn, nghiêm khắc bảo :
- Thằng Nhân không có ở nhà. Cô đến không nhầm lúc rồi.
Đã kịp lấy lại sự bình tỉnh, Bạch Sa mau chóng tìm cách đối phó với bức tường thành trước mặt bằng một nụ cười hết sức mềm mỏng và giọng ngọt như mía lùi :
- Dạ thưa bác. Cháu là bệnh nhân của anh Nhân, đến nhờ anh ấy khám bệnh.
Bà Ngọc Lan vẫn không thay đổi thái độ, cao giọng hơn :
- Là bệnh nhân mà cô không biết lịch làm việc của bác sĩ sao ? Giờ này nó còn đang ở bệnh viện kia mà.
Đến đây thì Bạch Sa tắt tị, không sao tìm cách tiếp cận được nữa, đành lí nhí chào, nổ máy xe chuẩn bị ra về.
Vừa lúc ấy, Nhân về tới. Bạch Sa mừng uýnh, gọi lớn như sợ ai cướp lời :
- Anh Nhân ! Em đợi anh nãy giờ nè.
Nhân trợn tròn mắt khi thấy Sa cô nàng, anh thắng xe hơi gấp :
- Có chuyện gì vậy?
Bạch Sa cười duyên :
- Hễ có chuyện mới gặp anh được sao ?
Bà Ngọc Lan hắng giọng, bảo con :
- Có nhà đàng hoàng mà phải tiếp khách ngoài đường sao con?
Nhân giật mình. Anh mới về tới thì gặp Bạch Sa nên không ngờ "lão phật gia" đang canh me ngay cổng. Anh vội vã bảo cô nàng :
- Nếu có việc thì mời Bạch Sa vào nhà, chờ tôi một lát.
Bạch Sa đắc thắng dắt xe đi theo Nhân. Bà Ngọc Lan đã quay gót đi thẳng vào trong, ngay sau khi thấy con mình đưa cô gái ấy vào.
Buổi chiều dịu mát, không khí lại vô cùng dễ chịu ở khu ngoại ô này, vì thế hầu như căn biệt thự nào cùng đặt bộ bàn ghế ngoài sân để ngồi hóng mát, chuyện trò nơi đây cũng rộng.
Nhân kéo ghế cho Bạch Sa ngồi rồi hỏi :
- Bạch Sa xuống nơi hẻo lánh này chắc là chuyện không thường rồi. Tôi đã được biết lý do ngay bây giờ chưa ?
Bạch Sa kéo dài giọng nủng nịu :
- Ghé thăm bạn bè mà cũng trình bày ý đồ, hoàn cảnh nữa sao? Không lẽ anh rán xem Sa là người xa lạ à ?
Nhân bối rối không biết làm sao đối phó với tình huống bất ngờ này. Bởi anh đang đặt tình cảm với Thùy Dương, nên không thể lạnh nhạt với người nhà của cộ Nhưng bày tỏ sự thân thiện với em gái của người mình thường thì anh lại không dám . Vì cứ theo tình thế hiện tại mà xét thì rõ ràng Bạch Sa không hề muốn chấp nhận yên vị trí em của bạn gái anh chút nào. Phải làm sao đây?
Anh toát mồ hôi tìm cách rút lui êm thấm nhất. Cũng rnay là dì Tư mang hai ly đá chanh ra đạt lên bàn và hỏi Nhân :
- Nhân ơi ! Má Hai hỏi có vô ăn cơm liền không để mợ chờ ?
Bạch Sa khó chịu lườm con mụ nhiều chuyện, chầm chầm, dò ý Nhân :
- Hay em về cho anh dùng bữa ?
Cô nàng cứ ngỡ vì lịch sự thế nào Nhân cũng giữ khách lại, ai ngờ vừa nghe dứt câu Nhân đã lẹ làng gật đầu :
- Thật tình, tôi mới đi làm về hơi mệt. Vậy Bạch Sa về nhé, hôm khác gặp.
Cô đành tiếc rẻ đứng dậy, cố vớt vát chút hy vong ở lại hẹn "lần sau".
Ông Vĩnh Phát mệt nên ăn trên phòng riêng, quanh bàn ăn chỉ có hai mẹ con bà Ngọc Lan.
Nhân vừa ngồi xuống, bà mẹ đã hỏi ngay :
- Cô bạn con về rồi hả ? Không lẽ "goût" chọn bạn của con lúc này thay đổi tệ vậy sao ?
Nhân nhăn nhó :
- Đâu phải quen biết, bạn bè gì của con. Cô ta là em Thùy Dương đó.
Bà Ngọc Lan vỗ trán :
- Hèn gì trông quen quen. Mẹ đã gặp cô ta một lần rồi. Thùy Dương chắc khốn đốn nhiều với con bé này.
Nhân ậm ừ :
- Chắc vậy, con không rành.
Bà Ngọc Lan chợt hỏi :
- Lâu rồi, mẹ không gặp Thùy Dương, con có hay ghé chơi đằng nó không?
Nhân không được tự nhiên lắm khi bị truy vấn về vấn đề này. Anh vờ bưng chén cơrn lên lùa vào miệng, để mẹ anh đừng khám phá ra anh nói dối :
- Cũng chỉ ghé qua chỗ bán hàng thôi. Người nào cũng bận việc riêng, ít khi đi chơi lắm.
Bà mẹ nhận xét với vẻ không hài lòng :
- Con là đàn ông thì phải mạnh dạn chủ động tấn công chứ. Nó đã rụt rè, còn lại lúng túng thì biết bao giờ mới thay đổi ? Sao hồi quen Nguyệt Hằng, con hăm hở lắm kia mà ?
Nhân im lặng. Có những chuyện riêng tư tế nhị, không thể giải bày với ai, người đó là mẹ ruột mình cũng vậy. Cuộc tình đã qua với Nguyệt Hằng hoàn toàn cô chủ động, anh chỉ bị cuốn theo ý thích của cô mà thôi. Ngay cả việc nếm trái cấm cô cũng tự nguyện đến với anh, rồi sau cô phá bỏ bào thai, Nguyệt Hằng đều thể hiện một cách tỉnh táo, đúng như bản tính cứng rắn của cô tạ Còn với Thùy Dương anh vẫn cảm thấy cô chưa hề có cảm tình đặc biệt với anh nên sẵn rụt rè với phụ nữ, anh lại càng thận trọng hơn. Cứ duy trì tình bạn, còn hơn là mất cả chì là chài.
Thế nhưng người mẹ lại không nghĩ như vậy, bà lắc đầu tỏ ý phiền muộn :
- Mẹ sắp trở về Pháp rồi, con làm sao để mẹ cón sắp xếp thời gian, lo đám cưới cho con nữa chứ.
Nhân phản đối yếu xìu :
- Làm gì mà nhanh dữ vậy mẹ ? Con với Thùy Dương đã có gì với nhau đâu?
Bà Ngọc Lan ngắt lời :
- Bởi vậy mẹ mới xúc tiến cho mau lên. "Cưới vợ phải cưới liền tay", còn chần chừ như vậy thì hụt đám đàng hoàng, chỉ còn lại thứ dị hợm như con nhỏ hồi nãy đó. Con thấy chưa, nó biết con quen chị ruột của nó mà còn tính nhào vộ Lỡ mà yếu bóng vía là bị nó cho vào bẫy liền.
Nhân ngượng ngùng chống chế:
- Con chỉ là tay bác sĩ quèn, đâu làm gì có giá dữ vậy, mẹ đề cao con quá rồi.
Bà mẹ vẫn điềm tĩnh giảng dạy cho con trai thấy những lắc léo trên đường đdời :
- Dĩ nhiên bác sĩ trẻ đẹp trai như con thì thiếu gì, nhưng cháu đích tôn của họ Phan thì chỉ có một. Trách nhiệm cưới vợ cho con cũng là bổn phận của mẹ đối với dòng họ. Đời mẹ và ba con đã xảy ra chuyện không hay, nên chỉ còn mình con, mẹ không muốn có điều đáng tiếc này xảy ra nữa.
Nhân không đồng ý với lập luận của mẹ, anh bẻ lại :
- Đâu phải ai cũng chăm chăm vào cái gia tài của mình. Nguyệt Hằng đó, cô ấy sẵn sàng bỏ đứa con, bỏ đám cưới để theo đuổi sự nghiệp của mình.
Bà Ngọc Lan khoát tay :
- Nhưng bây giờ nó hối hận, muốn quay lại với con đó, con không thấy sao ?
Nhân đuối lý lặng thinh, dù vẫn chưa thông lắm.
Bà Ngọc Lan đứng lên, tỏ ý chấm dứt cuộc trò chuyện, không quên kèm theo lời dặn dò :
- Con phải hết sức cẩn thận, đừng để rơi vào bẩy của bất kỳ đứa con gái không đàng hoàng nào. Mẹ không thể theo chừng, lo lắng cho con từng giờ từng phút được.
Và bà than van, cố ý cho Nhân nghe thấy:
- Phải chi con cưới vợ cho xong đâu đấy thì mẹ nhẹ lo biết chừng nào.
Nhân cười méo xệch. Bộ cưới vợ đơn giản như ra chợ mua hàng vậy sao ?
Điều lo lắng của bà Ngọc Lan chẳng mấy chốc đã trở nên ứng nghiệm.
Ngay ngày hôm sau, lúc Nhân đang ở bệnh viện thì y tá vào bảo :
- Có người nhà của bác sĩ cần gặp.
Anh nhíu mày :
- Ai vậy ?
Cô y tá chưa kịp trả lời thì một chuổi cười giòn tan đã theo ngay sau đó, kèm theo giọng nói cực kỳ quen thuộc :
- Không lẽ anh mau quên đến vậy sao ?
Thì ra là Nguyệt Hằng. Cô ta đến đây làm gì ? Nhân sững sốt tự hỏi. Tuy vậy, anh cũng lịch sự kéo ghế mời cô ngồi và ý tứ mở rộng cửa ra, sau khi người y tá rút lui.
Nguyệt Hằng tự nhiên ngồi xuống và đưa mắt nhìn quanh căn phòng, mỉm cười giễu cợt, nêu nhận xét :
- Anh là một trong những người sáng lập bệnh viện này mà vẫn chấp nhận ngồi trực như một bác sĩ bình thường, xem ra vẫn chẳng khác xưa bao nhiêu hả ? Chắc là mẹ không giao quyền chứ gì?
Nhân mím môi, cố trấn tĩnh trước sự khiêu khích của cô tạ Anh trầm giọng :
- Hằng đến đây chỉ để xem tôi đang làm chức vụ gì ở đây thôi sao ? Nếu thế thì chắc đã đủ thỏa mãn trí tò mò rồi đấy. Tôi vẫn làm đúng chức năng của mình, khám và chữa bệnh, thế thôi.
Nguyệt Hằng ngửa cổ ra sau cười lanh lảnh, phô hết nét kiêu sa của bờ môi, nét mặt và cả vùng ngực đa tình nữa :
- Buồn cười thật. Anh ngụy biện với em làm gì ? Chẳng lẽ chúng ta chưa từng sống chung hạnh phúc suốt một khoảng thời gian dài hay sao ? Có việc gì của anh mà em không biết kia chứ? Cho đến giờ mẹ anh vẫn thâu tóm hết quyền hành trọng sự, sợ đứa con trai ngổ nghịch dại khờ của mình không bon chen được với người đời, sợ họ lừa gạt chứ gì ?
Nhân nóng bừng mặt vì những lời xẹo xóc của Nguyệt Hằng, nhưng không phải là cô ta không có lý. Cho đến lúc này, xem ra cô vẫn còn cậm hận mẹ anh lắm, bởi xét cho cùng thì nguyên nhân chính dẫn đến việc chia tay của anh và cô ta cũng do mẹ anh ngăn trở.
Trước khi xảy ra cuộc xung đột dữ dội, dẫn đến chuyện cắt đứt quan hệ giữa hai người thì Nhân đã khổ tâm không ít khi phải luôn đứng giữa hòa giải những bất đồng giữa hai người phụ nữ, không thể bênh ai, bỏ ai. Mẹ anh cứ khăng khăng một mực muốn buộc Nguyệt Hằng vào khuôn phép, còn cô phóng viên thì quá chuộng sự tự do cá nhân nên cứ làm theo ý mình. Kết quả là không thể dung hòa được hai nếp suy nghĩ, Nhân mất tình yêu.
Thời gian trôi nhanh, Nhân cứ ngỡ mình đã quên Nguyệt Hằng. Nhưng không ngờ khi cô xuất hiện, anh vẫn xao động mạnh, chứng tỏ dấu ấn của mối tình đầu vẫn chưa phôi pha.
Diễn biến tâm lý của Nhân không thoát khỏi cặp mắt quan sát sành sỏi của Nguyệt Hằng, cô đã quen thuộc tính nết anh như chính bản thân mình, nên biết phải làm gì để kéo anh về với mình.
Dẹp bỏ vẻ châm chích thường thấy trên mặt, cô khép hờ, nhỏ giọng thầm thì đầy tiếc nuối :
- Ôi ! Biết bao kỷ niệm đẹp giữa chúng ta mỗi khi nhớ lại, em thật không sao chịu nổi. Ước gì mình lại được cùng dạo rừng thông Đà Lạt, tắm biển Nha Trang như xưa nhỉ ?
Cô đã nôn nóng vào đề quá nhanh làm Nhân giật thót mình, trở lại với hiện tại, hớt hải kêu lên :
- Không thể được. Giữa tôi và Hằng không còn gì nữa đâu.
Đang lơ lửng trên mây, bất ngờ bị lôi tuột xuống mặt đất, cô gái ngơ ngác mất một lúc mới bừng tỉnh, cau mày hỏi :
- Anh chắc chắn như vậy chứ ? Có đúng là anh không hề lưu luyến chút nào chuyện giữa anh và tôi không?
Nhân hơi cúi mặt, tránh ánh mắt muốn thiêu đốt đối diện của cô, đáp khẽ :
- Phải. Hết rồi.
Nguyệt Hằng quắc mắt gằn giọng :
- Vì sao? Anh đã quên rằng tôi đã từng có một đứa con với anh sao? Nếu không yêu đến mức trao gởi cho nhau tất cả thì làm sao có kết quả như vậy?
Nhân ngẩng mặt lên, nhìn thẳng cô, lấy lại sự chủ động, rắn rỏi đáp lại :
- Hằng đã biết vậy sao còn hại tôi ? Chính đứa con là bằng chứng cho tình yêu của chúng ta, thế mà cô đành lòng hủy bỏ nó, thậm chí còn không báo cho tôi biết.
Nếu không vì sự tình cờ mẹ tôi biết được thì tôi vẫn còn bị cô qua mặt. Thử hỏi còn gì để níu kéo chứ?
Nguyệt Hằng căm phẫn hét lên :
- Rốt cuộc đầu dây mối nhợ mọi chuyện cũng do mẹ anh mà ra. Sao bà ta không an phận, ngồi một chỗ cho con cái nhờ, lại cứ thích sục sạo, bươi móc chuyện như vậy?
Nhân gằn giọng :
- Cô không được xúc phạm mẹ tôi. Bà có làm gì đi nữa cũng vì lo lắng cho tôi mà thôi.
Nguyệt Hằng cười mũi :
- Hứ ! Không giữ được chồng nên cố tìm cách đày đọa, bắt xác đứa con, chứ tốt lành gì.
Nhân đứng phắt dậy, chỉ tay ra cửa :
- Qúa đủ rồi ! Hằng về đi. Chút tình cảm còn sót lại chỉ đủ để ngăn tôi không cư xử tàn tệ hẳn với cô, chứ không thế níu kéo được nữa, một khi cô lộ ra bản chất xấc xược, hỗn hào với người trên kẻ trước như vậy. Chắc chắn không bao giờ tôi sống hạnh phúc với người vợ không biết tôn trọng mẹ mình, gia đình mình như cô.
Nguyệt Hằng cắn mạnh môi đến rướm máu. Cô biết mình đã thực sự mất Nhân vì đã để sự nóng nảy đi quá đà. Nhưng hễ chạm đến mẹ anh thì cô không sao gì được bình tĩnh, trước cũng vậy mà giờ cũng vậy.
Ngồi lặng đi một lúc, cô cương quyết khoát giỏ đứng lên, nhếch môi cười buồn bã :
- Thật đáng tiếc là dù tôi đã cố hết sức để hàn gắn lại tình cảm giữa tôi và anh, nhưng vẫn công cốc. Tôi chỉ có thể làm vợ anh, chứ không làm dâu cho cả giòng họ anh được, giá anh là kẻ mồ côi thì hay biết mấy?
Nhân vẫn ngồi tại chổ, nét mặt đầy mệt mỏi. Anh đáp nhỏ nhưng rõ ràng, khác hẳn bản tinh ít lời của mình từ xưa đến giờ:
- Người ta sống không thể ích kỷ cho bản thân minh, mà còn vì gia đình nữa Hằng ạ. Gia đình là tế bào của xã hội và mọi cá nhân cũng là một phần tử của gia đình dòng tộc không thê tách rời. Rất tiếc là em không hiểu được điều đó. Chúng ta khác nhau hoàn toàn về quan niệm sống, nên không thể hòa hợp được. Anh rất tiếc, nhung không làm khác được, mong rằng em sẽ tìm được hạnh phúc với người tốt hơn anh.
Nguyệt Hằng cười khan :
- Cái kẻ thế chỗ của em trong lòng anh, chắc chắn rất được lòng mẹ anh và cả nhà anh. Tiếc rằng em không thể tập sống giả dối, khác với bản tính mình được. Thôi
được. Em là kẻ rất thực tế, cái gì không thuộc về mình thì có cố gắng cũng không thể có được, nên sáng suốt rút lui là hơn. Chúc anh vui bên người yêu mới với sự hài lòng, phê chuẩn của mẹ anh nhé.
Nói là chịu thua nhưng vẫn cố móc méo một câu, đúng là không thể thiệt thòi bao giờ. Nhân cười gượng :
- Mong vẫn là bạn nhé Hằng.
Nguyệt Hằng kiên quyết lắc đầu :
- Không thể nào có chuyện từ tình yêu trở thành bạn được, không thù là may lắm rồi. Đừng chạm phải nhau trên đường đời thì tốt cho cả hai.
Cô kiêu hãnh bước ra.
Nhân thở phào nhìn theo.
Anh vừa trải qua một cơn thử thách thật lớn, thật may mắn là đã vượt qua dễ dàng. Anh biết tính Nguyệt Hằng, đã nói "một là một, hai là hai", từ nay cô sẽ không quấy rầy anh nữa. Ấy vậy mà sao anh lại thấy bùi ngùi. Đúng là con người có lòng tham không đáy thật.
Vẫn chưa hết chuyện phiền toái, hôm nay quả là một ngày xui xẻo đối với Nhân. Nguyệt Hằng vừa ra khỏi thì Bạch Sa lại tìm đến.
Ngay từ ngoài cửa, cô nàng đã nũng nịu kéo dài giọng, báo cho anh biết sự hiện diện của mình :
- Bác sĩ ơi ! Có bệnh nhân đến xin khám bệnh nè.
Bất đắc dĩ, Nhân phải lên tiếng :
- Mời cô vào.
Bạch Sa ung dung đi vào ngồi xuống ghế, cất giọng trầm trồ :
- Chỗ này sang trọng thật đó chứ ! Bệnh viện tư mà, nhiều tiền phải biết! Nhân thủng thẳng hỏi :
- Dường như cô đến để khám bệnh mà phải không?
Bạch Sa cụt hứng, cười giả lả :
- Dạ đúng rồi. Em chóng mặt, nhức đầu thường xuyên, không biết bệnh gì, nhờ anh khám giúp.
Nhân hơi cau mày :
- Vậy để tôi chuyển cô đến bác sĩ chuyên khoa về thần kinh xem thử, Còn đây, tôi phụ trách vè ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình mà, không giúp được cô đâu.
Bạch Sa ngớ người ra vì diễn biến bất ngờ của sự việc, nhưng rất nhanh trí, cô liền xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho mình :
- Dạ, cảm ơn. Nhưng sẵn đây, nhờ an kiểm tra giúp cái chân bị gẫy hôm trước đi mấy hôm nay em hơi nhức, sẽ không biết có trở chứng gì không?
Nhân đã cố thoái thác tiếp xúc với cô ta mà không xong. Cô nàng tinh quái này vẫn tìm được cách tiếp cận gần gũi với anh mà anh khó lòng từ chối được, vì trách nhiệm của người bác sĩ. Anh đành bảo :
- Vậy thì cô nằm xuống đây để tôi khám lại chân.
Bạch Sa cười đắc thắng, nhanh chóng làm theo yêu cầu của Nhân. Hôm nay, cô nàng đã khôn khéo mặc bộ quần áo khá lịch sự để tạo ấn tượng tốt đẹp hơn với Nhân, đó là kinh nghiệm do cô rút ra từ lần tiếp xúc hôm qua ở nhà anh. Tuy thế, chiếc quần lửng bằng Jean thun trắng, bó chặt lấy phần hông đầy đặn xuống đến ống chân thon thả mượt mà, cùng với chiếc áo "sô" cổ bẻ mỏng manh, dán chặt vào người khi nằm xuống cũng đủ làm bối rối bất kỳ gã đàn ông yếu tim nào.
May cho Nhân và cũng bất lợi cho cô ở chỗ anh làm một bác sĩ hết lòng vì nghề nghiệp, không hề có chút ý tưởng nào khác xen lẫn vào công việc chuyên môn.
Khám cẩn thận cái chân cho Bạch Sa xong, Nhân nhíu mày, thắc mắc :
- Đâu có gì. Chắc tại cô tưởng ttượng nhiều quá thôi.
Bạch Sa trả lời dẻo quẹo :
- Em nghe đau thì nói đau. Còn chuyện định bệnh là của bác sĩ chứ.
Nhân lắc đầu chịu thua, bảo nhanh :
- Cô đứng lên đi, để tôi viết toa cho mua thuốc uống bổ sương calcium.
Bạch Sa chưa chịu đứng dậy ngay, vội xoa trán, nhăn nhó:
- Sao em choáng váng quá. Không đứng dậy được.
Biết cô ta giả vờ, nhưng bổn phận của bác sĩ đối với bệnh nhân buộc Nhân phải nói kỹ càng :
- Cô không khỏe thì phải đến bác sĩ chuyên khoa mới rõ căn bệnh được. Bây giờ nằm tạm đó đi, để tôi cho y tá vào chăm sóc.
Bạch Sa ngóc đầu dậy, cười tinh quái :
- Không cần mất công vậy đâu. Anh chịu khó đo huyết áp xem nhịp tim giùm em là được rồi.
Nhân ngần ngừ một lúc rồi cương quyết giao hẹn :
- Nếu kết quả bình thường thì cô về ngay sau đó, từ giờ trở đi, đừng đến làm phiền tôi nữa nhé.
Bạch Sa gật đầu :
- Dĩ nhiên. Không bệnh thì đâu phiền anh làm chi.
Khi Nhân vừa đạt ống nghe kiểm tra nhịp tim thì cô nàng nhổm người dậy kề sát mặt với anh, thì thầm :
- Đó anh nghe chưa. Tim em đập liên hồi nè.
Nhân hốt hoảng cố lui ra xạ Nhưng Bạch Sa đã vòng tay siết ghịt cổ anh xuống Ngay lúc đó, Nguyệt Hằng bước vào, lên tiếng từ ngoài cửa :
- Tôi để quên tập hồ sơ nên quay lại lấy làm phiền anh thêm chút nữa nhé.
Nhân hãy còn hoảng hốt vì sự tấn công tàn bạo của Bạch Sa nên không lên tiếng trả lời được. Vì cửa chỉ khép hờ, nên Nguyệt Hằng sải bước vào luôn và đứng lặng người trước cảnh tượng đầy kịch tính được chứng kiến.
Sau vài giây sửng sốt, Nguyệt Hằng nhanh đến bên bàn, cầm tập hồ sơ lên cười mũi đầy khinh bỉ :
- Tưởng anh thanh cao lắm, thì ra cũng chỉ là một tên đạo đức giả. Hứ ! Kinh tởm.
Bạch Sa ngồi thẳng dậy, ngoa ngoắt lời :
- Nè ! Cô nói ai vậy? Trai chưa vợ, gái chưa chồng thì quan hệ. Với nhau không ai cấm cản được. Việc gì đến cô mà chỏ miệng vào ? Ghen à ? Cô có đủ tư cách đó hay không?
Nguyệt Hằng giận tái mặt mà không làm gì được, vì biết gặp phải đối thủ rồi. Hiểu rằng càng ở lâu càng ê mặt, cô ngoan ngoãn quay đi, nói một câu vớt vát :
- Ai mà thèm ? Để không biết xấu hổ !
Bạch Sa cười đắc thắng, bĩu môi nhìn theo nói kháy :
- Ai thèm thì tự biết.
Nhân phát khùng lên, cầm cái chặn giấy thủy tinh trên bàn quăng mạnh xuống đất bể tang tành, xẳng giọng quát:
- Đủ rồi ! Mấy người cứ việc đưa nhau ra đường mà cãi vã, đóng kịch. Còn tôi không phải là thằng hề hay con rối cho các người dật dây đâu. Từ giờ trở đi, tôi mong rằng cả hai đừng để tôi thấy mặt lần nữa. Đây là chỗ tôi làm việc chứ không phải rạp hát, đừng để tôi phải nhờ bảo vệ mời ra ngoài. Đi mau !
Những người ngày thườnng vốn hiền lành khi nổi giận thì tác động gây ra cái mạnh mẻ. Cả Nguyệt Hằng lẫn Bạch Sa đều ríu rít tranh nhau rút lui cho lẹ và không quên lườm nguýt đến đứt đuôi mắt :
Nhân ngồi phịch xuống ghế, chán ngán nhìn đống mảnh vỡ lộn xộn dưới sàn nhà, tâm trạng anh cũng ngổn ngang vỡ vụn như thế.
Tuy Nhân cố giấu chuyện om sòm xảy ra ở phòng khám, nhưng bà Ngọc Lan vẫn biết vì được mấy người lao công tạp dịch ở đấy đã mau chóng báo cáo chính xác từng chi tiết, theo lời dặn sẵn của bà từ trước.
Ngay tối hôm đó, khi anh đã vào phòng riêng sau bữa ăn tối, bà Ngọc Lan đứng trưóc cửa, gọi bằng một giọng không cho phép cãi lại :
- Mở cửa cho mẹ vào nói chuyện với con.
Nhân nhăn mặt, nhưng vẫn phải y lời:
Ngồi xuống mép giường, bà đưa mắt nhìn một lượt khắp phòng rồi buông phát đạn đầu tiên vào thành lủy phòng thủ của con trai :
- Phòng đẹp, nhưng rộng và lạnh lẽo quá, phải tìm người săn sóc để tạo không khí ấm cúng thôi, con trai ạ.
Nhân vờ nghểnh ngảng, trả lời lạc đề:
- Nhà đã có dì Tư dọn dẹp rồi. mẹ muốn thuê thêm người giúp việc cũng tốt đâu cần bàn với con làm gì.
Bà Ngọc Lan nghiêm nét mặt :
- Con ba mươi tuổi rồi, không phải trẻ con để mẹ phải cầm tay dắt đi từng bước nữa, vậy mà cứ khờ khạo, ngây ngô, không co lập trường gì cả. Đã quá nhiều chuyện mẹ bực mình về các cô bạn gái của con rồi, phải chấm dứt tình trạng độc thân thì mới hết phiền toái được.
Nhân mạnh mẽ phủ nhận :
- Đâu có gì hả mẹ. Con vẫn sinh hoạt bình thường mà.
Bà Ngọc Lan gằn giọng :
- Đừng chối nữa. Chuyện tranh giành, cãi cọ chiều nay ở bệnh viện chưa đủ mất thể diện hay sao ? Mẹ đã cảnh cáo rồi, mà vẫn để tụi nó quấn lấy, gỡ không ra.
Nhân biết lỗi, ngồi im thin thít.
Bà Ngọc Lan lại bảo bằng giọng đầy uy quyền:
- Không cần chứ gì nữa. Mẹ đã nhờ người xem xét tìm hiểu kỹ càng về gia đình Thùy Dương rồi. Tuần tới, sẳn dịp đám giỗ ba con, mẹ sẽ mời ba mẹ cô ấy đến dự, tiện thể thưa chuyện luôn.
Nhân hốt hoảng, hỏi vội :
- Ai sẽ đứng ra mời người nhà của Thùy Dương đến đây? Mẹ vội vàng quá rồi.
Bà mẹ đứng lên, rồi thong thả nhưng chắc nịch :
- Không ai ngoài con sẽ làm nhiệm vụ đó. Đừng để mẹ phải thất vọng với bàn tiệc vắng khách.
Nhân vò đầu, than trời. Mẹ anh chơi ác thật, bà cố tình đặt anh vào thế phải đi hỏi vợ cho mình, tức là phải khẳng định quyết tâm cưới Thùy Dương để sau này không còn đổ thừa đổ bọng gì được. Ôi ! Khổ thay cho phận đàn ông.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 142

Return to top