Dòng sông trước mặt
Anh Đức
Sau một đêm thức trắng và gần trọn ngày đi tuần tra những cánh rừng ở xung quanh khu nông trường mới lập, tiểu đội chiến sĩ cảnh giới vừa cắt rừng trổ ra tới đường cái thì bóng chiều đã ngã. Trong hơi gió Tết đã hây hây lùa về, các chiến sĩ cảm thấy khí rừng mát lạnh. Anh đại úy đi cà nhắc ở phía sau giơ tay ra lệnh cho anh em dừng lại. Mười một người tạt vào một cánh rừng ở cạnh đường. Thế rồi y như trong thời chiến, tiếng "hănggô" bắt đầu khua xổn xoảng. Những cái cây chả hai được cắm xuống bãi cỏ. Lúc mấy chiến sĩ xuống suối vo gạo chưa trở lên thì bếp lửa đã nhóm xong. Ngọn lửa bùng cháy, nhảy nhót trửng giỡn trong ánh nắng rừng chiều. Con suối ở gần đấy vẳng tới tiếng reo róc rách. Vài anh mới đến đã lẩn đi đâu mất. Lát sau, họ trở lại mang theo những chùm dâu rừng vàng tươi và những túm đọt lá kim cang. Cả tiểu đội ngồi quây quần lại vặt dâu ăn. Từng cặp "hănggô" xỏ xâu được bắt lên cây chả hai. Lúc mớ dâu rừng họ ăn vừa hết là lúc những "hănggô" cơm vừa sôi cạn. Một anh ngồi xổm trên bãi cỏ, dở hộp thịt gà rán ra. Anh ta sắp chế biến món thịt gà rán thành món gà ragu, nghĩa là thêm nước, muối, bột ngọt để tạo nên một thứ nước chấm với rau rừng.
Bữa cơm chỉ có thế mà năm "hănggô" cơm đầy cứ hết veo. Họ ăn coi mới ngon lành làm sao. Có lẽ là nhờ ở cái giây phút sống lại những ngày hành quân chiến đấu cũ. Và cũng có lẽ là nhờ ở đọt lá kim cang, thứ lá xưa kia các anh vẫn gọi là xà lách rừng hảo hạng ấy. Vả chăng đêm qua và gần trọn ngày hôm nay, họ đã làm nhiệm vụ lùng sục cảnh giới một cách đầy đủ. Hòa bình rồi, các anh lên đây cả trung đoàn để mở nông trường, và bao giờ cũng giữ vững kỷ luật cảnh giới. Cứ mỗi tuần, các anh lại tổ chức một chuyến tuần tra diện rộng. Về phần anh đại úy, lẽ ra hôm nay anh không phải đi, nhưng vì muốn xem xét kỹ các cánh rừng quanh nông trường nên anh cùng đi với anh em.
Cơm nước xong, tiểu đội thu xếp lên đường trở về nông trường. Nhưng khi họ vừa khoác súng lên vai thì từ xa bỗng vẳng tới tiếng lộc cộc, lộc cộc. Lát sau, từ phía cửa rừng nhô ra một cặp bò vàng óng đang kéo chiếc xe rướn tới. Có tiếng roi vút nghe chanh chách, tiếng phụ nữ nói chuyện lảnh lót. Sau chiếc xe thứ nhất, lại hiện ra chiếc thứ hai. Cứ thế lần lượt hiện ra bốn chiếc tất cả. Con đường rừng yên tĩnh vụt trở nên huyên náo, bởi tiếng bánh gỗ bịt sắt nghiến sỏi đường, tiếng móng bò, tiếng xe va xốc, rền rĩ. Các chiến sĩ đều dừng lại. Coi bộ anh nào cũng hớn hở. Đã đành, anh đại úy vừa cho phép họ hỏi đi nhờ xe, nhưng lẽ khác còn là vì mấy cô gái trên xe, vừa thoáng thấy họ từ xa, mắt các cô đã ánh lên cái vẻ tinh nghịch mà các cô vốn rất sẵn có. Các cô bấm chí nhau, giả bộ im, rồi bỗng cười rũ rượi, nghiêng ngả vào nhau nữa.
Đoàn xe bò bồng đem lại cho các chiến sĩ một nỗi vui bất ngờ. Thật vậy, ai đã từng dọc xuôi chiến đấu qua các nẻo đường rừng Đồng Nai, Sông Bé và hôm nay trong buổi yên bình vẫn còn lặn lội ở chốn này thì đều biết rõ giá trị của những cuộc gặp gỡ như thế. Có khi đó là một tốp thanh niên nam nữ đi vác tranh về lợp nhà cho một xã kinh tế mới. Có khi đó là một tổ công tác địa chất hay lâm nghiệp. Hoặc cũng có khi là một đội tải hàng bằng xe bò như chuyến xe bò của các cô gái này.
Anh đại úy bước sát đến bên chiếc xe thứ nhất, hỏi họ về đâu. Một cô gái trên xe sốt sắng đáp:
- Tụi em về tới sông đây. Còn mấy anh?
- Tụi tôi hình như cũng đi tới bờ sông...
Cô gái trề môi một cách dễ thương:
- Hình như... Hỏi thiệt mà mấy anh cứ nói lấp lửng. Có về nông trường thì lên mau, tụi em chở đi!
Cái tiếng "đi" sau cùng, cô nói giọng kéo dài đến là nghịch. Rồi cô còn ra bộ sợ hãi, hạ thấp giọng nói với anh đại úy:
- Với lại tụi em cũng sợ cọp lắm!
- Có tụi tôi, yên chí là không đời nào tụi tôi ngồi ngó cọp tha mấy cô đâu!
Anh đại úy nhoẻn cười nói. Và anh bảo thêm:
- Nè, tụi tôi có cả thảy mười một "chư" đó nghen!
- Nhiều hơn, tụi em cũng không dám từ chối. Bất quá mình ngồi khít lại một chút. Xin miễn mấy anh ngồi cho có ý, không khéo đạp gẫy hết mộng dừa thì tụi em mắc đền. Dừa mộng chở lên làm giống cho nông trường của mấy anh đó. Mấy anh có mười một người phải không? Vậy phân đều ra, xe trước mỗi xe ba anh, còn xe sau hai anh. Nhưng anh nào đi chung xe với em là em giao trước một điều à...
- Điều gì? Các anh chiến sĩ nhao nhao hỏi.
- Đi với tụi em thì tụi em cấm mấy anh ngủ. Không thể để người ta đánh xe còn mình lại lăn ra ngáy khò khò. Mấy anh phải nói chuyện hoài mới được!
- Tưởng vụ gì chớ vụ đó dễ ợt!
Cả tiểu đội đều cười rộ lên mà chấp nhận ngay cái điều kiện ấy.
Thế là các cô gái trên xe bắt đầu đón lấy ba lô, súng của các anh đưa lên.
Anh đại úy cùng anh chiến sĩ còn lại đứng đợi chiếc xe sau đi tới. Anh đại úy trong đêm đi sục rừng vừa rồi không may bị một sợi dây "chìu" cứa vô nhượng chân, tuy không nặng lắm, nhưng vì gống dây chìu cứa vào da thịt thì gây rát bỏng rất khó chịu, khiến ngày hôm nay anh đi theo anh em cũng có phần hơi vất vả. Bởi vậy anh bước tới bên chiếc xe bò cuối cùng với cái dáng đi hơi cà nhắc. Cô gái trên xe hỏi, giọng nhỏ nhẹ:
- Anh bị xốc cây à?
- Không, tôi bị dây "chìu" nó suốt!
Cô gái liền vội vàng đưa tay kéo anh lên xe.
Chiếc xe này chỉ có cô gái đó, với một chị tuổi đã trạc ba mươi, coi có vẻ là người phụ trách đoàn xe. Chị ta có khổ người hơi to mập, tiếng nói oang oang khác hẳn với cô gái. Ngồi đánh xe phía trước, chị ra rả hỏi thăm điều này chuyện nọ, giữa tiếng bò thở phì phò, tiếng nhịp xe kêu cót két, tiếng cành roi tre liên tiếp vút đen đét xuống mông bò. Anh đại úy hỏi:
- Dạ, xin lỗi, chị thứ mấy?
- Tôi thứ ba, anh!
Rồi chị trỏ cô gái:
- Còn cô em đây thì thứ tư, tôi xin trân trọng giới thiệu...
- Chị Ba!
Cô gái kêu lên như đe, ngăn không cho chị nói tới. Nhưng chị vẫn nói:
- Cô em đây thì không phải là người ở đội xã chúng tôi đâu. Cô ta cũng là khách đi nhờ như mấy anh thôi. Cô ấy là y sĩ mới được điều về khu kinh tế mới S.B ở cạnh nông trường mấy anh đó!
- Vậy sao? Vậy thì hay quá, tụi tôi xin nhiệt liệt hoan nghinh.
Đoạn anh đại úy tự giới thiệu cho cả anh và anh chiến sĩ.
- Tôi thì, thứ bảy, còn anh bạn trẻ tôi đây thứ chín. Thiệt là phần số tụi tôi thường gặp may. Nếu không gặp xe mấy chị, chắc tụi tôi phải lội tới khuya mới về tới. Nhứt là tôi, cái chân...
Cô gái vội nhổm tới:
- Đâu, đưa em coi coi!
Anh đại úy bất đắc dĩ đành duỗi chân phải ra. Cô gái nhìn thấy một vệt đen sậm hơi rỉ rỉ máu ở trên gót chân anh. Cô nói:
- Chỗ đó không sao, nhưng cũng có thể bị nhiễm trùng. Để em bôi một chút "pommát pinixilin" rồi băng lại.
Cô gái vừa nói vừa nhắc cái túi nhỏ bên cạnh, lục lọi lấy ra một lọ cồn và bông băng. Cô đề nghị với chị Ba cho xe dừng lại một chút. Chiếc xe dừng lại ở giữa đường. Cô gái kẹo bông thấm rượu cồn, xát vào vết thương nơi chân anh đại úy. Vừa xát, cô vừa đưa mắt liếc nhìn anh, sợ anh đau. Nhưng phải nói là lúc đó dẫu có rát mấy, anh đại úy chắc chắn sẽ không kêu lên một tiếng.
Cô gái bôi thuốc và lại băng cho anh. Quấn xong lượt băng chót, cô day ra trước nói:
- Thôi, cho bò đi đi chị Ba!
Chị Ba giơ roi lên vút cái "trót" vào khoảng không. Chiếc xe lại cót két lăn bánh rấn tới. Những chiếc xe phía trước vượt họ chẳng bao xa. Đoàn xe đi, để lại trên đường những vầng bụi đỏ. Cánh lá rừng hai bên đường trút bỏ dần những tia nắng chiều hôm. tiếng suối cũng xa đi, chỉ còn nghe mơ hồ như tiếng ve ngân.
Sau khi được cô gái băng chân cho, anh đại úy dựa lưng vào thành xe, lim dim đôi mắt. Anh chiến sĩ ngồi bên cười bảo:
- Ngủ sao anh Bảy? Các cô ấy có cho mình ngủ đâu mà...
Cô gái ngăn:
- Đừng anh, để cho ảnh ngủ!
Rồi cô nhìn anh chiến sĩ, hỏi:
- Anh nói các cô nào không cho mấy anh ngủ?
- Mấy cô ở xe trước chớ ai. Mấy cô đó muốn tụi tôi thức nói chuyện cho vui chặng đường dài.
- à, ra là vậy đó... Nhưng thôi, riêng anh Bảy thì cứ để cho ảnh ngủ!
Xe sắp ra đến trảng trống. Thình lình anh đại úy chợt mở mắt. Với nét mặt tỉnh tuồng, anh cười:
- Tự nảy giờ tôi có ngủ đâu!
... Đường đi rộng hơn, thoải mái hơn. Đã thoáng thấy cái cửa rừng sáng sủa, và từng mảng trời lam sẫm hiện ra sau những vòm lá giao cành. Đoàn xe cứ từng chiếc một, lần lượt ra khỏi rừng. Đôi bò dường như cũng vui mừng khấp khởi vì sắp được ra chỗ thoáng, chúng lôi chiếc xe xồng xộc chạy tới. Con đường rừng sâu hun hút ở lại phía sau. Nhưng tiếp nối với con đường thầm kín ấy đã có một lối mòn đỏ sẫm, ngoằn ngoèo vắt mình qua những dãy đồi thoai thoải. Chiều đã xuống hẳn, ở nơi bình nguyên Nam Bộ tiếp giáp với cao nguyên Trung Bộ của đất nước, ở nơi buổi chiều bao giờ cũng cứ mang mang, cao rộng. Bên đường rải rác những ngôi mộ người Xê Tiêng, ngôi mộ nào cũng có bêu một chiếc đầu trâu vểnh hoắt đôi sừng và chất lổn nhổm nhiều chiếc ché nung màu thổ chu bị lọt thủng cả đáy. Rồi thì chẳng có gì nữa, ngoài các bụi sim tím rợp, bầu trời cũng đang tím, in hình những chiếc xe bò đi chênh vênh trên triền dốc.
Vẻ mặt anh đại úy bấy giờ bỗng trở nên tư lự, bâng khuâng. Anh hơi nhổm dậy, đưa mắt nhìn khoảng trời trống trải. Lát sau, anh lại ngồi xuống, nói với tất cả mọi người:
- Yên giặc rồi, không biết các anh chị thì sao, chớ riêng tôi lúc nào còn đi qua các đồi trảng như vầy là lòng tôi vẫn cứ còn áy náy...
Đang nói, anh dừng lại, đưa tay trỏ bao quát khung cảnh đồi trảng, giọng trở nên âm thầm:
- Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã nằm lại mãi mãi ở chốn này trong những năm đánh Mỹ. Chính tay tôi đã chôn cất nhiều người. Nhưng chẳng thà như vậy thì cũng là rõ ràng ra. Khổ nỗi, có một người, cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa rõ còn sống hay đã chết. Người đó không phải là một người lính chiến đấu, mà là một đội viên thanh niên xung phong, một cô gái tải thương. Thú thật rằng chính tôi, tôi cũng không biết mặt cô gái ấy...
Câu chuyện của anh đại úy mới thoạt nghe chưa chi đã ra chiều bí ẩn. Chị Ba đánh xe ngạc nhiên quay lại:
- ủa, anh nói sao nghe lạ quá. Một cô gái anh không rõ mặt mũi làm sao?
- Phải - Anh đại úy gật đầu: - Tôi hoàn toàn không biết mặt cô ấy. Là vì đêm đó trời tối như mực, kịp đến khi trời sáng rõ thì cô ấy không còn nữa... Số là tôi bị thương trong một trận đánh tăng trên lộ 13. Vết thương của tôi kể cũng khá nặng. Thành ra giữa lúc trận đánh tăng chưa kết thúc thì tôi đã bị đưa ra phía sau cùng một số anh em bị thương khác. Các cô thanh niên xung phong thay phiên võng tôi. Lúc đầu đêm thì tôi còn tỉnh, tới sáng về gần tới quân y viện thì tôi bị hôn mê. Vào giữa cái lúc tôi mê đi đó, các cô đang khiêng tụi tôi băng qua một trảng rừng. Khi ra đến giữa trảng thì thình lình bị trực thăng Mỹ đổ quân đón đánh. Chuyện này về sau tôi nghe kể lại, chớ giữa lúc đó tôi có hay biết trời đất gì đâu. Nói chung các cô ở toán trước đều võng anh em chạy kịp vô rừng, riêng hai cô võng tôi vì đi ở sau cùng nên lâm vào một tình huống hết sức hiểm nghèo, coi như cầm chắc bị tụi Mỹ bắt sống hoặc hy sinh. Nhưng hai cô này rất mưu trí và gan dạ. Nếu cả hai cô đều võng tôi chạy vô tới mé rừng thì một là chạy, không kịp, hai là sẽ bị chúng bắn chết hết. Cho nên giữa lúc trực thăng đã rà thấp, và tụi Mỹ đã đứng hờm sẵn bên cửa hông máy bay chuẩn bị nhảy xuống, một cô bảo cô kia cứ võng tôi chạy còn cô lập tức giương AK nổ súng chiến đấu. Rốt cuộc chúng tôi thoát nhưng cô gái nổ súng cầm chân địch thì không biết số phận sống chết ra sao. Tới bây giờ tôi cũng không rõ. Đã bảy năm trôi qua. Hồi đó là gần tới mùa xuân Mậu Thân...
- Bộ sau đó đơn vị mấy anh không có trở lại kiếm cô ta sao?
Chị Ba ngoảnh lại hỏi.
Anh đại úy đáp:
- Sao lại không, nhưng kiếm không gặp. Không còn có gì ở trên trảng cá, ngoài những dấu máu và bông băng vương vãi... Lại thêm một trở ngại, là sau trận ấy tôi vào nằm quân y, còn đơn vị tôi được lệnh hành quân cấp tốc về mặt trận Sài Gòn. Đội nữ thanh niên xung phong nghe đâu cũng đổi về làm công tác chuyển vận vũ khí cho đồng bằng sông Cửu Long. Tới khi lành vết thương, tôi bám về đơn vị, có hỏi thăm sự thể cô gái ra sao thì anh em họ cũng chỉ biết như tôi. Thành ra từ đó tới nay, tôi chỉ nghĩ đến một trong hai lẽ, hoặc cô ấy bị Mỹ bắt sống, hoặc cô ấy đã chết. Nhưng nếu cô ấy đã chết, thì tại sao không tìm thấy xác ở trên trảng. Chẳng lẽ tụi Mỹ nó lại chở cả xác của cô ấy đi hay sao?... Đó, chuyện là như vậy đó. Một cô gái, tôi chưa hề quen biết, đã cứu tôi và mất tích... Các anh chị coi, tôi không áy náy khổ tâm sao được. Cho nên, hễ cứ mỗi lần đi ngang qua trảng trống là lòng tôi cứ dấy lên một niềm trắc ẩn... Tôi cứ nghĩ hoài về cuộc chiến đấu, thấy thắng lợi hôm nay, sở dĩ có được là nhờ ở biết bao người, biết bao hành động có tên và không tên, mà những con người cùng hành động không tên thì lại nhiều, quá nhiều...
Anh đại úy ngừng lại. Chiếc xe vẫn đi tới, lắc lư. Hoàng hôn trên trảng đang đỏ rực biến dần sang sắc tím. Đêm đang xuống. Trên xe không ai nói với ai một câu nào. Tất cả đều im lặng, nhưng tất cả đều nghĩ tới một cái gì tuy họ không cầm nắm được mà lại quý giá vô cùng. Và ai cũng chớm dậy trong lòng bao kỷ niệm cùng bao nỗi nhớ.
- à tôi quên. Anh đại úy bỗng tiếp lời: - Tôi quên nói tuy đã đuối sức và đêm rất tối, nhưng tôi còn nhận ra được một điều là cô gái ấy còn rất trẻ, có lẽ chừng mười bảy tuổi. Tôi nằm trên võng, nghe tiếng nói cười của cô thiệt hồn nhiên thơ trẻ. Tôi tin chắc rằng đó là một cô gái có khuôn mặt nếu không đẹp thì cũng nhứt định là rất dễ thương... Tiếc quá, tôi chỉ tiếc không nhìn rõ mặt cô ta...
- Nếu lúc đó anh nhìn rõ mặt cô ta, rồi bất ngờ bây giờ gặp lại, liệu anh có nhận đúng cô ta hay không? - Cô y sĩ tự nãy giờ ngồi im, đột nhiên cất giọng trong trẻo hỏi.
- Có thể lắm chớ, tôi nhớ người rất dai!
Cô y sĩ lại im lặng. Hình như cô định hỏi thêm một câu gì đó, nhưng cô lưỡng lự suy tính rồi thôi không hỏi nữa. Mãi một lúc sau, khi chiếc xe ra tới giữa trảng cỏ, cô ta bỗng cứ luôn rục rịch day trở đổi tư thế ngồi, cơ chừng như chỗ ngồi không được thoải mái. Thế rồi cô trở nên quả quyết:
- Xin phép anh... Cho em hỏi điều này, anh nói anh bị thương trận đánh tăng, vậy có phải... có phải là trận đánh tăng trên lộ 13 quãng Xa Cát không?
- Đúng rồi, đúng là tôi bị trong trận đó, năm 1967...
Anh đại úy đáp. Và hơi ngạc nhiên, anh hỏi lại cô y sĩ:
- ủa cô cũng biết trận đó nữa sao?
Cô y sĩ không đáp, lại hỏi tiếp một câu khác, giọng vẫn nhỏ nhẻ:
- Vậy chớ anh Bảy bị thương ở đâu? Có phải... anh bị bom bi nơi bụng không?
- Phải rồi, tôi bị bốn vết bom bi ở bụng. Tụi tôi chặn tăng lại bằng Đ.K và B40, rồi xung phong lên đánh bằng thủ pháo. Những chiếc xe tăng địch còn lại đã khôn ngoan đóng tháp xe lại rồi gọi phản lực tới liệng bom bi... ủa, mà sao cô lại biết?
Cô y sĩ cười trong bóng đêm vừa đổ xuống, và cô chăm chú nhìn anh. Trong khi anh đại úy bỗng nhiên cũng chú mục nhìn kỹ cô gái. Tiếc thay, bây giờ cả hai người đều không thể nhìn nhau tỏ rõ. Bởi đêm đã xuống, dịu dàng xóa nhòa tất cả từ đồi trảng tới những cánh rừng xa. Đêm tối cũng không chừa lại một ai trên xe. Trừ con đường lờ mờ và một cánh rừng mới nữa hiện ra phía trước. Đoàn xe lại bắt đầu rời trảng cỏ, đi vào cửa rừng. Mấy chiếc xe trước đã lên đèn. Chị Ba cũng dừng xe, thắp cây đèn chai, treo bên cạnh chỗ chị ngồi. Những cây đèn chai soi rọi con đường, chập chờn hắt lên rừng câyở hai bên, vầng ánh sáng vàng mù. Chẳng còn thấy hình dạng chiếc xe nào nữa. Chỉ thấy ánh đèn xe chao động, đi tới. Còn có mấy cánh rừng nữa là đã đến sông. Đồi trảng, với cái lối mòn vòng vèo, với những ngôi mộ lâu năm của người Xê Tiêng, đều đã ở lại phía sau. Duy có câu chuyện của anh đại úy vừa kể là vẫn còn, vẫn đeo đẳng theo xe. Với bấy nhiêu tình tiết ngắn ngủi, cộng thêm mấy câu hỏi bất ngờ của cô gái, vậy mà ai ở trên xe cũng đâm ra bối rối, phập phồng. Hẳn chỉ có một người ít bối rối hơn cả, đó là cô gái. Nhưng nãy giờ cô nín lặng, không thốt thêm một lời nào. Không khí ở trên xe hồ như bị nén đọng lại. Đến nỗi chị Ba hết chịu được, ghìm bò cho chiếc xe đi chậm lại. Chị quay ra phía sau nhìn chằm chằm vào cô y sĩ.
Lâu sau cô y sĩ run run nói:
- Em nghĩ cô gái ấy chắc không chết mà cũng không bị bắt...
- Coi, sao lại "em nghĩ"? Có thế nào thì phải ra thế đó chớ sao lại nghĩ với ngợi, kỳ cục hôn?
Chị Ba lại nóng nảy kêu lên. Cô y sĩ không nén được cười. Cô bảo:
- Là vì em... em không biết có chắc không... Thì để từ từ em kể cho các anh chị nghe...
- Có kể thì kể lẹ lên. Sắp tới chỗ em phải ghé xuống rồi!
Chị Ba lại giục.
Cô y sĩ liền nói:
- Đúng là trong trận đánh tăng trên lộ 13 ở quãng Xa Cát cuối năm 67, em với một chị thanh niên xung phong tên là chị Lụa có võng một anh trung đội trưởng bị thương vì bom bi nơi bụng. Tụi em nhận ảnh từ trạm phẫu thuật tiền phương, võng ảnh suốt đêm đó, tới sáng ngày khi khiêng qua trảng Bàu Cá thì bị trực thăng nhảy dù chặn đánh...
- Thôi rồi, vậy thì đúng quá rồi!
Anh chiến sĩ ngồi bên anh đại úy vụt kêu lên.
- Phải, cái đoạn đó thì không có chi khác với những điều anh Bảy vừa kể em miễn nói lại, chỉ nói đoạn sau... Là khi trực thăng sắp đổ quân, em hạ một đầu võng, thét kêu chị Lụa một mình cõng anh trung đội trưởng chạy vô mé rừng. Còn em giương AK bắn xối xả vào đám Mỹ vừa sửa soạn nhảy xuống. Chiếc trực thăng hoảng sợ bốc lên. Em bắn thêm một loạt nữa rồi chạy. Em không chạy vô rừng mà chạy ra một bàu nước lấp xấp ở giữa trảng. Cái bàu đó khá rộng, mọc đầy lau sậy. Đến chừng tụi Mỹ đổ xuống, chúng bắn tùm lum nhưng không dám nhảy xuống bàu. Em trầm mình chém vè ở trỏng, thấy có vài thằng Mỹ mới lội xồn xộn đã bị đỉa đeo, la ré chạy vội trở lên. Phần em bị nó bắn trúng một viên AR15 bên bả vai, may mà không trúng xương, nhưng máu chảy ra đỏ nước. Tới lúc tụi nó kiếm em không ra rồi rút đi, em cũng ngất xỉu, vì quá mệt mà mất nhiều máu... Hồi lâu, khi em tỉnh dậy thì nắng đã lên cao. Em chợt nghe xe xa trên trảng có tiếng hú gọi tên em. Em mừng quá ráng hú trả lời nhưng hú hoài mà mấy chị đó không nghe. Tại vì em đuối quá. Bỗng sực nhớ khẩu AK ghìm trong tay vẫn còn đạn, em liền nổ súng. Nhờ vậy mà các chị mới tới đem em về... Nằm bệnh viện vài tháng em trở lại đội thanh niên xung phong, nhưng bên vai trái em yếu lắm, không thể làm nhiệm vụ tải thương được nữa. Ban chỉ huy đội mới cho em đi học lớp y tá. Công tác được ba năm, em lại học lớp y sĩ... Và bây giờ em lên đây. Gia đình ba má em cũng đã lên ở trên này gần được nửa năm rồi... Hồi nãy nghe anh Bảy kể chuyện, em đã hơi nghi nghi, nhưng em chưa dám nói, chỉ sợ mình nhận lầm. Là vì em nghĩ hồi đánh Mỹ vừa qua, có khi tại một nơi xảy ra rất nhiều trận đánh. ở con lộ 13 thì cũng đã xảy ra cả chục trận... Thành thử em mới hỏi nhóng thử coi sao.
Chị Ba cất ngang:
- Còn coi sao nữa? Đã rõ như ban ngày rồi, còn coi coi cái gì. Trời đất, không dè đêm nay đi chở chuyến dừa mộng, tôi gặp chuyện hên thiệt là hên ta. Không phải nói, chớ tôi mà như anh Bảy là tôi phải ăn mừng. Bỗng dưng tầm ra được ân nhân, phải tính sao coi cho được đó nghen!
Anh đại úy giờ đâm ra lúng túng. Coi bộ anh không được tự nhiên thong thả như lúc đầu. Sự thật anh hãy còn sững sờ, mặc dù anh còn tính hỏi thêm cho cặn kẽ nhưng rồi cũng ấp úng không hỏi được. Lát sau thì đã muộn. Bởi vì ánh đèn nhà của khu làng mới đã lố nhố hiện ra trước mặt. Chị Ba nói:
- Thôi em Tư chuẩn bị đồ đạc nghe, tới rồi!
Đoạn chỉ ngoảnh đầu lại, giả bộ nói nhỏ chỉ cho anh đại úy nghe, nhưng kỳ thực là cả cô y sĩ cũng đủ nghe:
- Tôi biết làm sao được... Không lẽ bây giờ tôi nán đậu xe lại thì mấy chiếc xe trước nó đi tuốt luốt hết. Đành vậy thôi... ối, mà lo chi anh Bảy ơi, từ chỗ nông trường của mấy anh đi xuống đây có xa xôi gì. Mai, mốt hoặc bữa kia bữa kìa anh Bảy lựa bữa nào xuống thăm cô Tư mà chẳng được!
Cô y sĩ cảm thấy mặt nóng bừng lên. Anh đại úy cũng điếng người. Riêng anh chiến sĩ ngồi bên thì bật lên tiếng cười nho nhỏ.
Dường như chiếc xe được chị Ba khiển cho đi chậm hẳn... Con đường dẫn ra sông ít sỏi đá hơn. Bánh xe nghiến trên cát sào sạo. Những đốm đèn của các xe trước lần lượt tắt mất. Trăng đã lên. Dòng sông chợt hiện ra sau vòm lá, êm ả trôi xuôi và lấp loáng ánh trăng. Gió thổi qua mặt sông nhấp nhô vẩy bạc, lùa qua rừng, sà vào lòng mọi người. Làn gió từ sông đem đến cho mọi người trên xe cái hương vị ngất ngây của một mùa xuân đang về tới.
1976