Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tình Cảm, Xã Hội >> Chung Cư

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47332 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chung Cư
Trần văn Tuấn

Đàn Bầu

Con mèo của Ba Tỷ đột ngột trở về, không còn trắng trẻo, bụ bẫm như trước nữa. Nó ốm nhom, đầy những thương tích, thất thểu thiểu não, yếu ớt kêu meo... meo.



Ba Tỷ chạy xe đêm, không có nhà. Chị Chín Rơm đi làm đêm ở nhà in về, thấy nó, thương xót mang về nhà cho ăn. Chắc bị đói lâu ngày nên có đưa lưng chén cơm với chiếc đầu cá tra kho tương, con mèo ăn nhanh như cọp đói. Ai bảo ăn như mèo? Cứ để đói, mèo và hổ ăn như nhau.

Chị Chín Rơm nghĩ vậy khi con mèo đã no ăn, nằm xoài trên nền gạch bông lim dim mắt, đập đuôi vẻ khoan khoái. Đột nhiên chị nhớ ra, con mèo này là mèo đực. Và thế là chị nổi giận, co chân đá nó. "Cái giống đàn ông khốn nạn, chơi bời ngoài đường cho đã, thân tàn ma dại mới mò về nhà. Nằm một đống đấy để người ta hầu hạ. Này, đồ mèo dịch bẩn thỉu kia, sáng mai tao sẽ vứt ra khỏi nhà. Đây không chứa đựng thứ bạc tình bạc nghĩa".

Chị lên giường. Hai giờ sáng. Chị vẫn không ngủ được. Chị căm giận ông bạn hàng xóm Lưu Bi.

Hồi chiều, chị Chín Rơm mang sang cho ông Bi khúc cá tra, hỏi ông ta về chuyện bà vợ cũ từ Mỹ trở về. Ông ta cười khan, bảo: "Bà ấy có về hay không về đâu có liên quan gì tới tôi. Tôi và bà ta đã là người dưng nước lã từ lâu rồi".

Chị Chín Rơm lại hỏi: "Thế anh có định... nữa hay không?"

Ông Bi chăm chú nhìn chị: "Định... gì?"

Chị Chín Rơm cúi mặt nói nhỏ:

- Thì lấy vợ nữa ấy.

Ông Bi cười, ỡm ờ:

- Ai chịu lấy cái thằng già sửa xe như tôi.

Chị Chín Rơm đỏ mặt, lí nhí nói:

- Anh nói vậy chứ có người để ý tới anh đấy...

Giả bộ ngạc nhiên, ông Bi hỏi:

- Ai vậy?...

Chị Chín Rơm nói nhanh muốn hụt hơi:

- Thôi, không nói nữa, em về đây.

Rồi chị chạy về nhà, hổn hển, uống một hơi hết cả chai nước. Chị để hé cửa, nhưng ông Bi không sang. Chờ mãi gần tối. Chị lại đi ra, lượn qua nhà ông ta thấy nhiều khách đến chơi. Nhóm chân nhìn vô, thấy một bà mặc đầm, son phấn lòe loẹt, nói xoe xóe: "Tôi không thể tưởng tượng anh có thể sống như thế này được..."

Chị Chín Rơm nghi ngờ người đó là vợ cũ của ông Bi, nhưng không có ai để hỏi cho ra nhẽ. Lại quay về, ruột gan rối bời, cô con gái của chị đang học bài, lo lắng hỏi:

- Mẹ sao vậy, trúng gió à?...

Chị vội vã lắc đầu, xách túi đi làm. Cái xe đạp hàng ngày chị lấy rất dễ, kéo đánh ào là xong, lần này chị loay hoay mãi, hết vướng cái này lại giằng co cái nọ. Đám khách của ông Bi lũ lượt kéo xuống. Bà mặc đầm đi cạnh ông Bi cười nói huyên thuyên. Thấy chị Chín Rơm loay hoay lấy xe, ông Bi nheo mắt cười. Không thể hiểu cái cười ấy hàm ý gì nữa. Rồi bà nọ nắm tay ông Bi lôi đi. Ông Bi dặn bác thường trực:

- Tôi đi Biên Hòa vài ngày.

Chị Chín Rơm làm ra vẻ thờ ơ hỏi bác thường trực:

- Nhà ông Bi đi đâu vậy?

Ông thường trực vui vẻ nói:

- Ai biết được!

Chị Chín Rơm nuốt nghẹn, hỏi:

- Cái bà mặc đầm kia lạ quá. Chắc là Việt kiều?

Ông thường trực làm ra vẻ bí mật, nói nhỏ:

- Vợ cũ của cha Bi đó! Mới từ Mỹ về. Tặng tôi gói thuốc đây nè. Nghe nói làm ăn phát đạt, giàu lắm. Cái anh chàng cao lớn đẹp trai là con đầu ông Bi đó. Không ngờ gã có con lớn vậy".

Chị Chín Rơm nuốt nước mắt, vội vã đạp xe. Chị đi lung tung hết phố này tới phố khác, mấy lần đâm vào xe lớn. Có người mắng chị là "đồ ngu", "đồ mù"... lại có người mắng "đồ tâm thần". Đến khi phố vắng, đêm mờ, chị gục mặt khóc. Khóc một thôi một hồi thấy nhẹ người. "Thôi, coi như không có chuyện gì". Chị tự nhắc mình. Nhưng nỗi buồn cứ dai dẳng bám riết chị. Chị ngồi gấp báo ở nhà in như cái máy, lẫn lộn tùm lum. Có người bảo: "Bà này trúng tà". Chị cười héo hắt xin lỗi...

Mà không đau, không buồn sao được. Ông trời thật không có mắt. Chị đâu có xấu xí, vụng dại hoặc lỗi lầm gì mà sao gặp toàn chuyện khổ đau. Năm 1975, chị bán nước mía ở lề đường cưu mang đùm bọc một gã lính ngụy chạy từ Đà Nẵng vô Sài Gòn. Chị nhận gã làm chồng. Bởi chị ít học nên sau giải phóng 30-4-1975 ông cậu làm cán bộ to chỉ có thể xin cho chị làm cấp dưỡng ở cơ quan. Hồi đó, làm "chị nuôi" được người ta nể trọng lắm. Công việc lại sinh ra nhiều lợi. Gã chồng hờ của chị sống phây phây cũng nhờ công việc đó. Chị nuôi heo, nuôi gà để nuôi gã hăng hái làm việc ở cơ quan. Rồi gã được lên chức, từ tổ trưởng lên phó phòng. Chị sinh một lèo hai đứa con gái.

Gã phủi tay, bảo: "Tôi công nhận hai đứa là con tôi, nhưng cô không phải là vợ tôi". Gã lấy vợ khác, một cô nhân viên tài vụ. Chị không thèm kiện cáo lôi thôi. Chập tối, xông vô nhà, đánh cho gã một trận, gã chịu đòn, không đánh lại.

Ra tới cửa, chị còn quay đầu lại, nhổ nước miếng, bảo:

- Khôn hồn anh hãy tránh mặt, đừng để tôi nhìn thấy lần nữa...

Gã nhăn nhở cười:

- Cám ơn!

Mặt dày đến thế là cùng. Chị không đau khổ vật vã, cười hí hí bảo: "Coi như làm việc thiện".

Chị làm việc suốt ngày đêm. Ai cũng khen chị giỏi. Một tay nuôi mẹ già, thêm hai con nhỏ, không nhờ ai trợ cấp giúp đỡ. Chị Chín Rơm không đẹp rực rỡ. Chị có nét duyên đặc biệt của người phụ nữ vùng quê nghèo khó: vóc dáng cân đối, khỏe mạnh nhanh nhẹn, chất phát thật thà, thích giúp người ta, rất nhút nhát nhưng lại cục tính...

Cũng có vài ba người đàn ông nữa lượn lờ hoặc sấn số nhào tới tán tỉnh chị, nhưng thấy tâm địa họ chỉ muốn có chị, không thương mẹ già, con nhỏ nên đến phút chót chị đuổi cổ ra khỏi nhà.

Cuộc sống vất vả khiến chị chẳng còn thời gian hay sức lực để buồn chán, rầu rĩ, chị ăn khỏe, ngủ khỏe, rất thích giúp người ta nhất là việc làm cỗ bàn, bày tiệc...

Ngày ông Bi mới về chung cư, thiểu não như gã ăn xin, tài sản đựng không đầy chiếc giỏ lác. Dân chung cư mỗi người giúp ông một tý, người cho bộ đồ cũ, người tặng cái tấm đắp, cái chiếu... Riêng chị Chín Rơm giúp ông nhiều nhất. Hầu như toàn bộ vật dụng cho bữa ăn là của chị, rồi chiếc mùng, chiếc gối, rồi các quạt điện và cả một số tiền không nhỏ giúp ông mua dụng cụ sửa xe. Những lúc ông đau bệnh, chị lo thuốc men, ăn uống, giặt giũ.

Người ta bảo chị "cua" ông Tư Bi. Chị lại cười hi hí, nói: "thì cua đấy, đã sao". Thực tình những năm trước, chị không hề có tình ý gái trai với ông ta. Chị thích cứu giúp những người gặp hoạn nạn. Người đàn ông này bị vợ con lìa bỏ, không nơi nương tựa, đáng tội nghiệp lắm. Chắc ông ta buồn khổ, đau đớn lắm. Cứ ngồi im lặng, nhìn xa suốt cả tiếng đồng hồ...

Chị an ủi: "Buồn đau có ích gì. Như tôi đây, tôi còn cực hơn anh nhiều. Vậy mà tôi cho qua. Mẹ tôi thường bảo: kẻ gieo gió ắt gặp bão, kẻ lừa gạt người ta ắt sẽ bị lừa gạt lại. Mẹ tôi còn bảo: không giàu ba họ, không khó ba đời; ở hiền gặp lành".

Ông Bi không có nhu cầu giãi bày tâm sự. Ông cũng ít nói. Suốt ba măm trời ông chỉ nói với chị Chín Rơm mỗi câu "Cám ơn".

Khuyên giải an ủi, ông cũng "cám ơn". Mắng ông ở dơ, nhà cửa không quét dọn, ông cũng "cám ơn". Hỏi thăm đau bệnh ra sao, ông lại "cám ơn". Tức lộn ruột, chị Chín Rơm thét "Cám ơn cái đầu ông đấy! Người với ngợm, cứ như gà rù mắc mưa".

Suốt một tuần chị Chín Rơm không gặp ông. Và, ông Bi cũng không tìm gặp chị giãi bày, vẫn đều đặn sáng xuống, tối lên nhà, gảy đàn bầu khúc nhạc "Bèo dạt mây trôi". Chị Chín Rơm không thích loại nhạc không có lời. Nhạc dẫu hay đến mấy mà không có lời chị cũng coi như không có. Riêng cái khúc đàn bầu ấy thì chị thấy nghe được. Không biết có phải vì nghe riết rồi thấy hay, hay do cái vẻ "cao nhân đắc đạo" của người gãy đàn. Chị Chín Rơm thích xem cải lương. Cái tích truyện Tàu Tô Vũ chăn dê, chị coi đi coi lại nhiều lần, không thấy chán. Cảnh ông Tô Vũ bên Tàu kéo đàn nhị hát vọng cổ nhớ về cố hương khiến chị sụt sùi, đằm đìa nước mắt. Cái dàng vẻ ông Bi gảy đàn bầu, sao giống tài tử cải lương đóng vai Tô Vũ kéo nhị đến thế.

Chị nhớ ông Bi từ đó. Tới ngày thứ 8, không thấy tiếng đàn bầu của ông Bi, nóng ruột quá, chị chạy sang, gõ cửa. Ông Bi bị trúng gió, nằm liệt giường. Chị phải cạo gió cho ông ta, cằn nhằn:

- Người đã yếu, lại tắm nước lạnh, không chết là may.

Chị thương ông Bi từ đó. Nhưng không dám nói ra. Cả chung cư này ai cũng biết. Hình như ông Bi cũng có cảm tình với chị. Thỉnh thoảng ông còn theo chị đi xem cải lương, mặc dù ông không thể xem nổi lấy mười phút. Ông đi cho chị vui. Đến đấy, ông ngủ gà ngủ gật. Khi có tiền kha khá, ông đưa cho chị Chín Rơm, nhờ chị giữ hộ.

Ai cũng mong hai người sớm làm đám cưới. Nhưng, không hiểu sao ông Bi vẫn không hề ngỏ lời với chị Chín Rơm...

Không nhẽ ông chỉ coi chị là một người bạn tốt và vẫn thủy chung chờ vợ từ Mỹ trở về.

"Thì đúng thế còn gì nữa!". Chị Chín Rơm buột miệng nói thành lời, cho mình nghe, lúc gần sáng.

Không thế, sao lại đi theo bà ta, lại còn cười toe toét vui mừng hớn hở nữa chứ. Giận đến chết mất thôi. Nhưng cớ sao lại giận?

Chị Chín Rơm giật mình hoảng hốt. Chị đâu phải là nhân tình nhân ngãi của ông ta. Suốt bao năm nay, ông ấy đâu có bờm xôm tán tỉnh chị, ông ấy luôn cư xử đúng đắn, tôn trọng chị. Cớ sao lại ghen ngược vậy? Thật tức cười...

Và chị cười thật. Đóng chặt cửa toalét, xả nước lạnh, tắm thỏa thuê và cười cho đã. Chị Chín Rơm bình tâm trở lại. Nắm cổ con mèo hoang, đặt nó nằm lên ghế sa lông bọc da "Mà cũng tội nghiệp, đa mang đèo bồng chi cho cực!". Chị tính ngủ tiếp nhưng có tiếng gõ cửa...

Nhà Trần Đồng ở tầng trên dọn đi nơi khác ở. Vợ Đồng nhờ chị chuyển đồ giúp. Chị Chín Rơm đi ngay, hăng hái vác nguyên cả một cái tủ. Nhà Trần Đồng tức "Đồng bóng" dọn đến chỗ ở mới, nghe nói giống như vila, biệt thự, có vườn chậu kiểng và trong nhà có cả bồn tắm men sứ màu xanh nước biển... Theo lời vợ "Đồng bóng" thì đi vì giận lão hàng xóm không biết điều. Nhưng, theo lời nhiều người thì "Đồng bóng" bán căn hộ này để lấy tiền kinh doanh lớn, và cái quan trọng là việc bán này có lời. Nghe nói căn hộ của "Đồng bóng" bán với giá 10 cây vàng, chỉ có giấy sang tay. Vợ Đồng bóng nhất quyết cãi lại chỉ có 6 cây.

Đây là hộ thứ 10 rời khỏi chung cư. Mới có vài ba năm kinh tế thị trường, chung cư này lại lắm thay đổi. Hầu hết, người ra đi vì làm ăn phát đạt, giàu có, như nhà "Đồng bóng". Nhưng cũng có người ra đi vì nghèo khó cùng quẫn, như nhà anh Ba Thể.

Chị Chín Rơm là một trong những cư dân đầu tiên sống ở chung cư này. Nơi đây, trước 30-4-1975 là nơi của người Mỹ. Sau giải phóng là nơi của cán bộ nhân viên cơ quan V... Bây giờ cơ quan V thả nổi, Sở nhà đất chưa tiếp nhận nên chuyện mua, bán, đi, ở hoàn toàn tự do, tùy ý, tùy thích...

Chị Chín Rơm dành cả buổi sáng để giúp nhà "Đồng bóng". Thấy nhà mới của "Đồng bóng" sang trọng, chị Chín Rơm nghĩ thương đến nẫu ruột vợ con anh Ba Thể...

Anh Ba Thể là công nhân nhà in. Thời sắp chữ thì anh còn có giá. Đến lúc tất cả các nơi đều dùng vi tính đánh chữ, kéo nhũ, anh bị đưa ra khỏi phòng chữ, làm việc giữ kho. Việc này tuy lương ít nhưng còn có chỗ đứng chân để làm thêm những việc khác như cắt xén, đóng gói... v..

Vợ anh trước cũng là nhân viên chế bản ảnh đen trắng, nhưng cũng vì tay nghề quá thấp nên cũng bị thải hồi. Vợ anh thấy món lợi trước mắt nên xin thôi việc, lấy số tiền trợ cấp ra chợ buôn bán. ở chợ, chị dính vào số đề, chơi hụi. Được gần một năm, bị hai người giật hụi chạy trốn, chị phải gánh chịu tất cả. Người ta đến nhà xiết nợ, lấy hết mọi thứ. Du đãng còn hành hung chị. Thương vợ, anh Ba Tể phải bán nhà đang ở để trả nợ. Vợ và hai con phải ở nhà người quen, ăn ngủ luôn ở hành lang nhà máy.

Không còn vốn, vợ Ba Thể không biết làm gì. Lại thương chồng, thương con cực khổ vì mình, chị dấn thân vào đường làm gái. Bị người quen bắt gặp ở công viên Văn Lang, chị tủi nhục quá, bỏ nhà đi biệt tích. Anh Ba Thể phải đón hai đứa trẻ về nhà in để nuôi dưỡng. Xí nghiệp cũng thông cảm để ba cha con sống tạm ở cuối hành lang nhà kho.

Anh Ba Thể đau yếu luôn, vẫn gắng sức làm thêm, không để hai đứa trẻ nghỉ học. Anh vẫn còn thương vợ, tìm kiếm nhiều nơi nhưng không thấy. Có người ngoài Trung vô nói gặp vợ anh ở Đà Nẵng. Cũng có người nói gặp chị ở Châu Đốc. Không biết thật giả ra sao. Đã gần năm trời, vẫn biệt vô tăm tích.

Tháng nào chị Chín Rơm cũng đến thăm cha con anh Thể, lần thì cho ít kẹo, lần cho vải may áo, lần cho tiền lũ trẻ.

Trưa nay, lẽ ra chị không lấy tiền công dọn nhà khuân đồ cho vợ chồng "Đồng bóng", nhưng vì nghĩ đến cha con Ba Thể nên chị nài nỉ: "Cho thêm hai chục nữa đi, để giúp cha con Ba Thể. Tội nghiệp hai đứa trẻ, bữa đói bữa no vẫn chịu khó theo học". "Đồng bóng" nổi máu  "bốc rồi" đưa luôn cho chị một trăm ngàn. Chị Chín Rơm tất tả đạp xe đến nhà kho. Ba Thể lại đau, nằm co quắp, rên hừ hừ. Đứa gái lớn đi học chưa về. Thằng nhỏ đang nấu cháo, mặt mũi nhọ nhem. Chị Chín Rơm ứa nước mắt, lo giúp chuyện cơm nước cho Ba Thể. Chị đưa cho Ba Thể một trăm năm mươi ngàn (một trăm là tiền Đồng bóng trả công, còn năm chục là của chị), để thuốc men, bồi dưỡng.

Ba Thể chống chọi kiên cường với hoàn cảnh. Anh cười, bảo: "Bệnh bao tử nó thế. Cứ đến giờ ăn là nó hành tôi. Chị yên tâm về đi. Trời chưa cho tôi chết đâu. Còn đày ải tôi cho tới lúc đầu bạc, răng long..."

Chị Chín Rơm bùi ngùi ra về. Chẳng còn nghĩ tới ông Lưu Bi nữa.

Đứa con lớn của chị khoe:

- Mẹ ơi, Bác Bi cho quà.

Chị Chín Rơm nhăn mặt khó chịu:

- Cái gì?

Cô bé hớn hở mang ra một trái mít to, nói thêm:

- Bác Bi bảo còn phải đi công chuyện mấy nơi nữa, ngày mốt mới về. Bác ấy phải dẫn gia đình từ Mỹ về thăm viếng các nơi. Lại xin phép lập công ty trách nhiệm hữu hạn gì đó nữa. Sau này bác không ở đây nữa đâu. Bác ấy bảo sẽ kể chuyện cặn kẽ cho mẹ nghe.

Chị Chín Rơm gắt:

- Ơ hay, cái con này, ai khảo mà mày xưng. Ai mượn mày kể chuyện nhà người ta.

Cô bé ngạc nhiên, cãi:

- Con cứ tưởng mẹ thích nghe chuyện đó...

Chị Chín Rơm quát lên:

- Câm ngay, thích cái đầu mày!

Cô bé le lưỡi, nhăn mặt, làm bộ sợ, rụt rè hỏi:

- Còn quả mít?

Chị Chín Rơm lạnh lùng nói:

- Mang trả cho người ta.

Cô bé tiếc rẻ:

- Uổng quá!

Chị Chín Rơm lại thét:

- Uổng gì, con ranh! Thứ đó có mùi nặng lắm. Vứt ra ngoài kia.

Chị Chín lại tắm. Bực mình là chị lắm. Tắm một hồi, hết bực bội. Chị ăn qua loa bốn chén cơm đầy, uống một hơi hết nửa chai nước lạnh, đi làm, vừa đi vừa xỉa răng... Chị thương cha con Ba Thể. Nghĩ lại, thấy bỏ quả mít uổng thật. Cái lão Bi ấy chắc lại đem cho người khác. Quả mít ấy mang cho lũ trẻ nhà Ba Thể chắc chúng mừng lắm...

Chị Chín Rơm không nghĩ chuyện ông Bi, cũng quên luôn việc trả con mèo cho Ba Tỷ. Nhưng đến gần sáng, mơ màng chị lại nghe thấy tiếng đàn bầu "Bèo dạt mây trôi".

Tỉnh dậy, hóa ra con mèo hoang của Ba Tỷ gừ gừ một cách êm ái bên tai chị. Không biết nó chui vô mùng nằm bên chị từ bao giờ... Đúng là đồ mèo già hóa cáo, đồ quỷ sứ?;

<< Hàng Xóm .... | Ca sĩ .... >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 952

Return to top