Cây bằng lăng ấy có đến hơn 100 tuổi. Thân thẳng vạm vỡ, thớ gỗ nổi cuồn cuộn bóng láng và săn chắc như bắp đùi lực sĩ cử tạ đẳng cấp thế giới. Tán rễ rẽ đều, ngay hàng thẳng lối. Vào cuối năm, tiết khô đã hanh hao, những bông tím đung đưa, mờ ảo phảng phất bóng hình cố nhân. Kế bên đó là một tổ hợp cây me, cây dẻ dai. Cả một vùng lề đường râm mát suốt ngày. Đám chim sẻ tụ tập về đây rất đông, tối đến rất huyên náo. Người ta bảo, con đường này là một trong những con đường đẹp nhất thành phố và cái lề đường bên phải ở đầu phố này cũng là nơi dễ làm ăn nhất.
Cuộc sống bươn chải có lúc mệt mỏi phải nghỉ ngơi. Có nơi nào nghỉ giải lao tốt hơn vỉa hè ngã tư, dưới gốc cây bằng lăng này. Râm mát, thoáng đãng, sạch sẽ, yên tĩnh và cái quan trọng là không phải mất tiền. Thợ xây dựng ở bên công trình cao ốc tràn sang, khách bộ hành dừng lại. Nơi đây trở thành một tụ điểm đông người, nhộn nhịp ồn ào suốt từ sáng đến tối.
“Nếu lắng nghe kĩ, còn có hương thơm của hoa dạ hương, hoa lan”. Ông bán vé số nói thêm. Có thể coi như là một phát hiện quan trọng, gần bằng với sự phát hiện ra châu Mỹ. Ông bán vé số là người đầu tiên đến lập nghiệp ở đây. Tấm bảng hiệu của ông viết chữ rất cẩu thả, nguệch ngoạc nhưng hết sức gây ấn tượng “Có hai tỉ rưỡi cho bất kì ai”. Là người, ai cũng giống ai nhưng chẳng ai giống ai. Có thể xem đó như là một chân lí. Lại nữa, không có ai nhợt nhạt, ai cũng có cái lạ của riêng mình. Điều này chưa thể khẳng định nhưng cũng không nên bác bỏ. Giống như tài năng, năng lực hay điểm sinh trưởng trong sinh học, cái lạ của người ta có thể còn tiềm ẩn đâu đó, chưa bộc lộ, người khác chưa thấy. Như ông vé số “hai tỉ rưỡi”, có cái mũi rất thính, rất tuyệt vời. Trong thời đại xăng dầu bốc khói nghi ngút như ngày nay, ông vẫn giữ được sự tinh tế của lỗ mũi, không phải lạ sao? Hay như người hàng xóm ở kế bên ông ta, một người đàn ông có dáng vẻ trí thức, mặc đồ chải chuốt, thỉnh thoảng còn xức nước hoa, thiên hạ gọi vắn tắt là ông “dịch vụ tất cả”. Nên coi là thứ lạ. Người thứ ba khai thác mặt bằng ở đây là người đàn ông tiết kiệm lời nói đến mức kì lạ. Ông ta sửa xe gắn máy. Trao đổi với khách hàng chỉ bằng dấu hiệu. Thí dụ, khách hỏi tiền vá xe bao nhiêu. Ông ta chỉ khẽ động đậy bàn tay phải. Vậy là 5 ngàn! Người thứ tư dáng vẻ không có gì lạ, một người đàn ông tầm vóc chắc khoẻ của người quen với công việc nặng nhọc, nét mặt bình thường, là chủ chiếc xe ba gác đạp và tấm biển hiệu “Dịch vụ chuyên chở mọi thứ và rút hầm cầu, sửa vòi nước”. Có điểm lạ rất dễ nhận thấy là nhu cầu nói chuyện của ông ta. Ông ta nói chuyện suốt ngày, nhiều khi tự nói, bất chấp có ai nghe hay không. Thật đại hoạ cho ai nếu vô ý tranh cãi với ông ta. Cho dù có nhận là thua, là kém lí lẽ, là thất bại hoàn toàn, là dốt nát tàn mạt ông ta vẫn không buông tha.
Thêm một điều lạ cho bốn người đàn ông ấy là họ đều sống độc thân, “Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ”. Ông vé số “hai tỉ rưỡi” và ông ba gác chưa lấy vợ lần nào. Còn ông “dịch vụ tất cả” và ông sửa xe Honđa đã có vợ. Trong số các đề tài ông ba gác hay nói tới nhất là chuyện vợ con. Ông trình bày vấn đề này một cách hào hứng và duyên dáng theo phong cách một chính khách vận động, thuyết phục quần chúng: “Vợ và con là một vấn đề, không thể tách rời được. Lấy vợ là để có con, nuôi con khôn lớn trưởng thành. Con là cái gốc để lấy vợ. Một người không có khả năng sinh con, nuôi con tốt sao có thể là vợ được!”. Ấy là ông ta giải thích về chuyện vì sao cho đến nay, đã qua tuổi 40 vẫn chưa có vợ. Nhưng hai tháng gần đây, quan điểm về lấy vợ của ông chủ ba gác đạp đã có sự thay đổi căn bản. Ông múa năm ngón phải, chuyển động cổ và vai cho thêm phần duyên dáng, hùng hồn tuyên bố: “Tình yêu mới là điều quyết định cho chuyện lấy vợ!”. Mắt ông ngời sáng, thần sắc sung mãn như mới khám phá ra một điều vĩ đại. Chắc hẳn Niu-tơn khi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn cũng hưng phấn đến mức ấy mà thôi. “Thật đáng thương!” Ông “dịch vụ tất cả” lau kiếng mát nói trỏng. Tiếng nói của ông này trầm đục nhưng ấm áp, rất gợi cảm. Nên dù nói nhỏ, cũng được người ta chú ý. “Ông nói gì? Ai đáng thương?”. Ông chủ ba gác có ý gây sự. Họ thường xuyên cãi lộn nhau. Có buổi vắng khách, họ tranh cãi với nhau y như hai học giả, đa ngôn đa sự tranh luận trong một cuộc hội thảo. Thường là chỉ nghe thấy tiếng ông ba gác. Ông “dịch vụ tất cả” nằm trên chiếc ghế bố thư thái điểm những ngón tay lắng nghe những lời chỉ trích nặng nề của đối thủ như nghe dàn nhạc giao hưởng tấu khúc “Phiên chợ Ba Tư”. Rõ ràng tầm trí lực và kinh nghiệm đối nhân xử thế của ông ta cao hơn ông chủ xe ba gác nhiều. Ông ta có cách thoát ra khỏi các cuộc cãi vã một cách tự nhiên và lịch sự.
“Là chúng ta, những người đàn ông sống độc thân ở tuổi 40”. Như một tín đồ túc cầu giáo, một cổ động viên cuồng nhiệt cho đội bóng vừa nhảy cẫng lên mừng rỡ khi bóng nằm trong lưới của đối phương, lại chết lặng, ỉu xìu khi thấy trọng tài không công nhận bàn thắng đó. Ông ba gác nằm dài lên chiếc xe của mình, hát ví dầu, ầu ơ: “Trời mưa nước lớn, con cá lóc nó nhảy lên bờ. Mùng ai có rộng, xin ngủ nhờ một đêm”. Một cái ốc cũ từ chỗ người sửa xe bay tới, chọi đúng vào chân ông chủ xe ba gác. Ông này bật dậy, rít lên: “Đứa nào?”. Nhìn thấy ông sửa xe, mắt trừng dữ dội với chiếc cờ-lê trong tay, ông chủ ba gác sượng sùng nói nhỏ: “Xin lỗi, tôi thật vô ý!”. Ông vé số “hai tỉ rưỡi” châm lửa hút thuốc, dóng dả lên tiếng dạy dỗ: “Với người đoan trang, không được nói lời sàm sỡ!”.
Ông “dịch vụ tất cả”, vốn là người có năng lực dung hoà điều chỉnh mọi mối quan hệ, chuyên gia tháo gỡ ngòi nổ các cuộc tranh chấp địa bàn đủng đỉnh nói: ““Dục tốc bất đạt” câu nói ấy đâu chỉ đúng trong mọi công việc, còn đúng cả trong lĩnh vực tình yêu. Phải thế không ạ!”
- Ừ! Đúng đấy, chí lí…
Ba ông độc thân còn lại đều vui vẻ tán đồng…
Họ hăng hái dọn dẹp, phụ việc cho cô chủ xe nước giải khát, một phụ nữ với những đường nét cấu trúc hài hoà, dịu dàng đặc trưng của nhan sắc phương Đông ở độ tuổi trên 20 dưới 30, một thần tượng về cái đẹp của phụ nữ đối với họ. Cũng như họ, cô chủ này từ nơi xa đến đây làm ăn. Cô bán nước ngọt, sữa đậu nành, cà phê đá và thuốc lá. Không một ai biết cô ở đâu tới. 6 giờ sáng cô đẩy xe tới ép sát vào hàng rào toà biệt thự. Đúng 7 giờ tối cô đẩy xe về. Lặng lẽ như một bông hoa trôi trên dòng nước.
Từ khi cô đến đây, bốn ông chủ vỉa hè bỗng dưng thay đổi. Thay đổi thế nào, hết thảy đều nhìn thấy, hết thảy đều nhận ra. Thiên hạ bảo, các ông bị sét ái tình làm đảo lộn kinh mạch, bị người đẹp cảm hoá tâm can. Có người tư lự thốt lên: “Người đẹp là ai, ai là người đẹp!” Người đẹp trong thiên hạ từ thời xa xưa đến nay đã được miêu tả nhiều rồi, đã được đúc thành tượng, vẽ tranh, quảng cáo trên tivi và ảnh bìa các tạp chí. Nói tới, nói lui, nói đi, nói lại, nói mãi, nhưng xem ra vẫn chưa nói được bao nhiêu, vẫn còn thiếu nhiều, vẫn chưa đủ. Đã có sự thống nhất chung trong xã hội về tiêu chí, chuẩn mực của người đẹp, nhưng người ta không thể nào làm được công việc định hình một khuôn mẫu người đẹp. Trong con mắt của bốn người đàn ông làm ăn nơi đây, cô gái này còn đẹp hơn cả hoa hậu thế giới, hơn cả thần vệ nữ, hơn cả Tây Thi bên Tàu. Nói vậy có vẻ hơi trừu tượng xa lạ. Bởi các ông nhà ta đâu có biết người thật của hoa hậu thế giới, thần vệ nữ hay Tây Thi. Nhưng các ông có sự so sánh với người đẹp đương thời thường xuất hiện nơi công chúng hay trên tivi, báo chí như ca sĩ X, người mẫu Y, hoa hậu Z… và đều có chung một kết luận: Không thể bằng người đẹp của ta! Thiên hạ không tranh luận. Họ tỏ vẻ thông cảm, độ lượng. Các ông ở đây là con người của vỉa hè, đâu được biết cái sang trọng tao nhã của những khách sạn lớn, càng không thể biết được cái đẹp của người đẹp lừng danh. Cũng bởi lẽ trong dân gian: Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Thiếu gì người đàn ông coi bà vợ thấp tè, ngắn ngủn hay mắt lé, miệng hô của mình là người phụ nữ đẹp nhất. Yêu là thấy đẹp. Cái lí ấy luôn luôn tồn tại và mãi mãi tồn tại. Song, như người ta thường nói, cái đẹp là một vũ trụ, một thế giới mênh mông không thể nắm bắt được. Cô gái bán hàng nước giải khát dưới gốc bằng lăng đẹp như thế nào, hết thảy bốn ông đều không thể mô tả được. Họ không đem tiêu chuẩn số đo của các vòng, vóc dáng, làn da, nét mặt giọng nói để nói về cái đẹp ở đây. Họ nói về đôi mắt và nụ cười của cô gái ấy. Một đôi mắt đen thẳm, buồn tĩnh lặng, xa xăm như trời cuối thu đầu đông. Nó gợi mở biết bao điều tâm sự về cái hữu hạn, về cái buồn truyền kiếp của con người. Đối lập với đôi mắt ấy là nụ cười trong trẻo, hồn hậu, dịu dàng như ánh bình minh xuyên qua những hạt sương mai lấp lánh trên nhành lá non tơ.
“Có cái mở đầu, có cái kết thúc, có bình minh, có chiều tà ở trên khuôn mặt ấy. Thật kì lạ!”.
Ông chủ “dịch vụ tất cả” đã cảm khái trữ tình và u uẩn kêu lên. Ông sửa xe thẫn thờ, ngơ ngác, làm đâu hỏng đó suốt cả một ngày, bị khách hàng mắng là ngu cũng không có phản ứng gì. Ông chủ xe ba gác như bị thôi miên, chăm chắm nhìn theo cô chủ quán, nhưng lại nghe thấy tiếng chim ríu rít trên ngọn cây cao. Còn ông vé số uống một lèo hết hai li cà phê đá vẫn thấy như chưa uống gì, bỗng nhiên phát hiện ra mùi hương của hoa lan đâu đó, của hoa dạ hương, hoa sữa đêm qua còn đọng lại.
Ấy là yêu, là cảm sâu, cảm xa, phải lòng phải dạ đến tâm can mất rồi. Cả bốn ông đều chăm chú theo dõi, lắng nghe một cách hồi hộp mọi thể hiện từ phía cô phát ra. Họ đã trở thành những người làm công tự nguyện cho cô gái. Bưng bê nước giải khát cho khách chờ xe buýt, cho khách qua đường, rồi rửa li, lau chùi đồ đạc, thu tiền, thối lại… họ đều tranh nhau làm. Các ông giải quyết công việc làm ăn của mình hết sức lạ lùng nhanh chóng. Nhiều khi còn bỏ việc không làm để phụ giúp cô gái. Thu nhập của các ông xem ra bị giảm sút. Nhưng các ông chẳng thấy buồn phiền lo lắng… Lúc nào cũng hồn hậu vui tươi. Các ông gần gũi, ân cần nhiều hơn với cô gái. Đôi lúc nói xấu lẫn nhau, chê người này là kém phong độ, người kia là xảo quyệt không thể tin được, người này là ngớ ngẩn kém hiểu biết, người nọ là thô bạo cộc cằn. Cạnh tranh trong tình trường cũng giống như cạnh tranh trên thương trường, nhưng cái phần quyết liệt sâu xa, ở tình trường chắc chắn hơn hẳn thương trường. Ai cũng hiểu, trong cuộc chinh phục tình yêu phải nắm lấy những lợi thế tối thiểu. “Nhất cự li, nhì tốc độ”. Các ông đã nhanh chóng tận dụng lợi thế cự li. Ngày trước, các bảng hiệu rải xa nhau, bây giờ dồn cục lại, kế bên xe nước giải khát. Ngày nào ông chủ “dịch vụ tất cả” cũng uống hai li sữa đậu nành, ông vé số hai li cà phê đá. ông sửa xe và ông ba gác mỗi ông hai chai nước ngọt. Ông nói, ông im lặng, ông nhìn xa, ông nhìn gần… dù gần xa tới đâu, nói huyên thuyên tới mức nào cũng quy về một mối. Các ông như những vệ tinh bay xung quanh cô theo một quỹ đạo. Cô gái luôn nhìn và mỉm cười với các ông. Cái nhìn và nụ cười ấy dường như chứa đựng trở lại thời gian 20 năm về trước. Các ông yêu với mối tình đầu tiên…
“Thật không thể ngờ nổi!”. Các ông đã hơn một lần đồng thanh thốt lên. Cho dù chất giọng, âm lượng khác nhau nhưng đều có chung một tâm trạng. Ngỡ ngàng với chính mình. Một sự thay đổi. Một nguồn sinh lực mới. Như người chờ tàu đêm, ngủ gà ngủ gật trên băng ghế, thấy tiếng còi tàu từ xa. Ông “dịch vụ tất cả” vươn vai, vặn lưng, thực hiện một số động tác thể dục cơ bản. Điều chưa hề có ở nhiều năm nay. Những chuyện đã qua đã trở thành chuyện xa xưa, xa lắc, xa lơ. Ông vé số “hai tỉ rưỡi” hướng nhìn lên cao, một tầm nhìn mới có trong đời ông. Ông thấy một đám mây sáng láng lan toả. Con người ra đời trong nhà ổ chuột, lớn lên cùng bọn lưu manh, giựt dọc khắp nơi. Năm năm sống trong trại giam, những tưởng cuộc sống chỉ tồn tại trong li cà phê đá mơ ước có một buổi chiều dắt con đến sân Thống Nhất xem đá bóng.
Ông sửa xe thở dài nói thêm: “Kì thiệt!”. Ấy là ông nói về cảm nhận cuộc sống. Không dưng ông lại nói tới cái hay, cái đẹp của đời người. Ông không còn bị những cơn đau do thù hận hành hạ. Ngày trước, ông là một kế toán trưởng đem thân hứng đạn cho người bạn giám đốc của mình, nhận hết tội lỗi, chấp nhận án tù sáu năm, những tưởng “nghĩa khí” của mình được bạn tri ân, được vợ nể trọng. Ai ngờ, mãn hạn tù trở về nhà lại phải chứng kiến vợ gian dâm với người bạn mà mình đã liều thân che chở. Ông hận cả thần chết, sao không để ông chìm sâu xuống đáy rạch, lại xúi người vớt lên để ông phải sống, phải chấp nhận nỗi đau đớn rứt rỉa từng giờ từng ngày. Ông đã khỏi đau, không phải là kì lạ sao. Ông ba gác cao giọng hát bài “Tình em”, bài hát tủ một thời “Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh. Khi anh xa em, đời vẫn xanh vời vợi…”. Con người lắm mơ, nhiều ước, từng mong muốn trở thành siêu sao bóng đá, ca nhạc lăn lóc trong đoàn hát, đoàn làm phim, kiệt sức vì sự đam mê, những tưởng cuộc đời chỉ còn lại một khúc đơn điệu nhàm chán “Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào” đã thấy ấm lại một mơ ước bình dị. Ông mơ ước có được một cô con gái để dạy nó tiếng gọi ba, gọi mẹ và ru “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…”
Dường như cả bốn con người gặp nhiều thất bại, khổ đau ấy đều có chung một ý nghĩ, có chung một thái độ với cô gái. Họ rất trân trọng và ra sức bảo vệ giữ gìn tình yêu của mình đối với cô gái. Không một ai có sơ suất làm tổn thương tới cô. Giữa họ, có một thoả ước ngầm: chỉ cần được thấy đôi mắt và nụ cười của cô là mãn nguyện rồi. Thời gian qua đi, hết mưa đến khô. Rồi những ngày cuối năm đã đến. Không một ai tiến thêm bước nào cả. Tất cả vẫn ở vị trí ban đầu.
Một ngày nọ, hoa bằng lăng bắt đầu lác đác rơi. Cảnh sát giao thông đến dọn dẹp vỉa hè, thu gom toàn bộ đồ nghề của họ, cả chiếc xe đẩy bán nước giải khát của cô gái. Một cuộc tranh cãi quyết liệt nổ ra giữa cảnh sát thi hành công vụ với các ông chủ chiếm dụng lề đường. Ông chủ xe ba gác như mọi khi, “nổ” từ đầu đến cuối, nói lí, nói tình, sùi cả bọt mép. Ông chủ “dịch vụ tất cả” nói năng điềm tĩnh, mạch lạc. Ông vé số và ông sửa xe trước sau chỉ nói gọn một câu: “Lề đường sạch đẹp, tốt rồi! Nhưng phải để cho người ta sống lương thiện chứ!”.
Cảnh sát ngạc nhiên hỏi: “Các ông là gì của chị này?”
Ông “dịch vụ tất cả” thản nhiên bảo: “Có thể coi là đồng hương, đồng nghiệp!”
Các ông không đấu tranh cho các ông. Các ông đấu tranh cho sự tồn tại của chiếc xe đẩy bán nước giải khát của cô gái. Họ chấp nhận thôi không làm ăn nơi đó nữa, sẽ chuyển nghề, sẽ đi làm ăn ở nơi khác nhưng nhất quyết bắt công an phải chấp nhận để cô gái tiếp tục bán nước giải khát ở đó.
“Nếu bị xua đuổi cuộc sống của cô gái ấy sẽ ra sao!”.
Mắt của những người đàn ông vỉa hè đỏ hoe và ngấn nước. Những cảnh sát có mặt ở đó lặng đi… Những ngày sau, người ta thấy dưới gốc cây bằng lăng không còn những biển hiệu, không thấy bốn ông chủ ấy nữa. Cô gái vẫn bán nước giải khát. Sáng 6 giờ cô đẩy xe tới, áp sát vào hàng rào nhà biệt thự. Tối 7 giờ cô đẩy xe về, lặng lẽ như một bông hoa trôi trên dòng nước.
Rồi thời gian lại qua đi. Toà cao ốc đã xây xong, lừng lững và rực rỡ một góc trời. Con đường lớn vẫn cuồn cuộn người xe đi lại. Và nơi vỉa hè ngã tư ấy không còn chiếc xe đẩy bán nước giải khát và cô gái. Không ai biết cô ấy sinh sống ở đâu. Có người nói: “Chắc cô ấy lấy chồng, lấy một ông nào đó trong số bốn ông chủ vỉa hè ngày trước…”
Cũng chỉ là suy đoán thôi! Sự thật không ai biết cả. Những cánh hoa bằng lăng tím lịm thong thả rơi. Đâu đó mùi hoa lan, hoa dạ hương, hoa sữa lan toả mênh mang…/.