Bà Tư ngồi trước thềm nhà, bàn tay bà xanh xao lần chuỗi, lúc nào bà cũng mến người anh thứ ba của bà hơn, bà nói với cơn gió, lúc nầy ngừng lại, quây quần chung quanh bà:
- Gió ơi, nói nầy nghe nè, biết không, người anh thứ ba của tôi có vẻ khác thường với mọi người, vì vậy mà anh cô độc, tội nghiệp anh phải chịu đựng quanh năm suốt tháng với những ánh mắt trêu chọc của tất cả thế gian. Tới như tôi là em một nhà với anh mà cũng có khi mỉm cười, lúc nào trông thấy anh, chuyện anh từ chối làm thằng hề đi rao bảng là anh từ chối xuất hiện trước đám đông một cách lố bịch, không ra hình người, tôi nghĩ anh có quyền được từ chối các điều không chính đáng một cách khiêm tốn, phải chưa.
Bà Tư mỉm cười nhớ nhiều chuyện đã qua, bà lắc đầu thì thầm kể chuyện với con mèo già, thật là già, nó nằm lim dim sưởi nắng, trên sân gạch đỏ bầm:
- Khi ba anh em còn nhỏ, anh Ba là người gần em nhứt, anh cõng em qua những vũng nước mưa, anh hái cho em những trái bần xanh và những nhánh bông lục bình, em thường nhìn anh nói chuyện với tấm ván, bạn thân nhứt của anh, nó cũng khổ như anh và em. Anh nói: Tấm ván ơi mầy khổ quá, đúng là tấm ván khổ, suốt bao năm trên thân mầy hằn bao vệt dao, không khác tấm thớt - nhưng một người nói chuyện với tấm ván vô tri là điều ít có và khiến cho ai cũng tức cười, khó hiểu! Song anh còn nói với ai được, bởi vì suốt ngày anh chỉ có nó như là em chỉ có xâu chuỗi, anh thương tấm ván như một người, anh thương em như trái tim anh, khuôn mặt người đầu tiên em nhìn thấy là anh, lúc đó anh cúi xuống nhìn em, anh nheo mắt làm hề với em, em cười, từ lúc đó và lúc nào em cũng nhìn anh không chán, anh thật ngộ nghĩnh, người như anh, với em chỉ có anh là vui. Đó là gương mặt của một người tử tế, có ánh mắt dịu dàng, ánh mắt là tấm gương soi tâm hồn một người, anh có đôi mắt cười nhưng ưu tư phiền muộn. Đôi khi anh chợt trở nên vui tính thái quá, sau đó nỗi buồn phiền lại xâm chiếm anh, em thì lúc nhớ khi quên, duy chỉ một chuyện em nhớ rõ nhứt là khi Cha rã gánh xiệc rong, ông lại về ở trong một khu nghĩa địa. Tức cười là cả gia đình mình không có nổi một mái nhà, mặc dù đôi khi Cha cũng có ý định đó nhưng rốt ông lại quên đi, Cha như người du mục hẩm vận, em nhớ là Mẹ luôn nói Cha không biết lo xa ông cũng biết nhưng ông là vậy, đã là vậy. Em không nhớ lúc nào tự nhiên em đứng trước tấm ván phóng dao, nó xa xôi quá nhưng em nghĩ rằng do em không bao giờ khóc, Mẹ thường nói em lý, có lẽ đó là nguyên nhân em được chọn làm cô đào con của tiết mục nầy. Em có nhiều tưởng tượng hơn người, em cho rằng những lưỡi dao không thể nào chạm vào người em được, em nghĩ nó là một nghệ thuật giúp cho khán giả giải trí giây lát, thậm chí có lúc nhìn những lưỡi dao bay về phía mình em còn nghĩ là những cánh hoa, em thật là mơ mộng... Nhưng có một hôm em nhìn Mẹ làm những con cá, em thấy lưõi dao nầy không khác cho lắm những lưỡi dao kia, sau đó em bắt đầu thấy sợ càng đứng nhiều buổi với trò phóng dao em càng sợ, em là con cá trên tấm thớt không khác. Tim cứ “rộn ràng” như một người thiếu nợ ai đó mà họ sẽ xuất hiện thình lình, người đòi món nợ chính là những lưỡi dao, em không có cách nói nào khác, bởi nó là như vậy. Một buổi em mở cái rương của anh Hai tò mò coi những lưỡi dao, nó hoàn toàn khác, khác hơn nhiều lúc nó ở trên sân khấu, nó nặng và thô kệch điều đó em không nói, nhưng nó vô tri, vật vô tri có biết gì mà không gây tội, anh biết không lúc đó là một ngày khá đẹp trời, Mẹ đang ngồi bói bài, em bỗng lạnh toát cả người, trời đất tối xầm đi, đó là cơn chóng mặt khó hiểu, em thấy những lưỡi dao gần như nhảy tưng, nó hết sức hiếu động trên tay em, nó không phải là cánh hoa, mà là sắt thép bén nhọn lạnh lùng, con người thật khổ vì trí tưởng tượng và ngây cho. Em ít nói dần và chỉ nghĩ một ngày nào đó lưỡi dao sẽ xuyên qua người em, tim em đập nhanh những lần nhìn lưỡi dao bay tới rồi khi không có biểu diễn tim em vẫn đập khác thường, em hay chóng mặt và cơ thể yếu dần, em thấy những oan hồn vẫy gọi em, có khi là ban ngày, em chết khi còn sống.
Không chỉ là sợ những lưỡi dao, em còn sợ cả những người đang sống chung quanh em, con người sao mà ác... cứ thế, mỗi đêm biểu diễn em nhìn thấy biết bao khuôn mặt vô tình, những nụ cười và những tràng pháo tay, nhưng có gì vui khi nhìn một đứa con gái trước những mũi dao. Em biết anh đang ở ngoài sau tấm ván vì em nghe nhịp thở của anh, sự nổi giận của anh, kể cả sự thụ động tới chai lỳ của anh, anh không dám nói, vì vậy càng ngày anh càng khác thường hơn, điên cuồng hơn, em sợ cái tâm thiện của anh mà sự bất nhẫn đôi khi làm cho người ta trở thành ác tính, có khi là vậy. Em đã làm cô đào đứng trưóc tấm ván phóng dao từ khi em là một đứa con nít cho tới khi đã qua hết một thời con gái. Ngày Cha mỏi mòn phải rã gánh hát của ông, anh em mình cũng đã có tuổi những ngày tươi đẹp nhứt của đời người qua mau một cách phí hoài, sau đó là một chuỗi ngày truân chuyên, mình không có một cái nghề trong tay, không có một đồng xu khởi nghiệp. Cha không chuẩn bị gì cho các con, chỉ có Mẹ tiên liệu mọi bề, bà chắt chiu từng cắc vốn trong con heo đất của bà. Nhưng em đã mất sự bình thường, do em chưa bao giờ có niềm vui, chưa có một ngày hạnh phúc, như những người con gái khác, em cảm thấy em kỳ lạ mà người khác cũng nói vậy, em không sông gần ai được, em biết mình cố chấp không không thể khác, một ngày một giờ nào mà chung quanh có người em thấy tủi thân phiền muộn, em xin lỗi mọi người, lại cái số của em là vật. Ai nói em không cần sống gần con người, nhưng biết sao bây giờ, em như người bị bỏ quên, em sợ, một chiếc lá.... rơi nhẹ em cũng giật mình, một cơn gió thoảng qua thềm cũng làm cho em co người lại, một lời nói thông thường cũng làm em lạnh người huống chi là một lời tỏ tình đã quá muộn màng đối với em. Lời tỏ mình dù êm dịu, và thực lòng đi nữa, nhưng tim em làm sao chịu nổi, nó sẽ làm em chết đi vì hạnh phúc, em xác xơ không ra hình người nữa, tâm can em bấn loạn bất thường, em tìm một nơi hiu quạnh, chỉ mong sống yên cho tới cuối đời, em ít ra khỏi nhà, em sợ phải đi qua đường, mặc dù nơi em ở chỉ có con đường nhỏ síu siu, hầu như không có một dấu chân. Con đường, anh em mình đã đi qua biết bao là con đường, hầu như mọi ngả đường, vậy mà con đường síu siu một vài gang tay trước nhà em, em chỉ nhìn nó, vì biết rằng nó cũng chẳng còn đưa mình tới đâu, hơn là nơi cuối cùng mọi người đều phải tới. Mỗi ngày em ăn nửa chén cơm với miếng dưa chuột, trái chuối hay cộng rau, với bây giờ em vẫn không hiểu, sao em là con gái của Mẹ, mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao, em không hiểu? Nỗi đau của riêng em không còn là chuyện bị sát thương da thịt, nỗi đau lớn hơn nhiều, nó ở đâu nơi sâu thẫm như những hạt cát tội nghiệp dưới lòng biển, nơi mà ngàn năm trước triệu năm sau, có khi nào ánh mặt trời soi rọi tới, nó là một cỏi im lặng trầm ngâm vĩnh hằng.
Bà Tư ngưng lần chuỗi, chợt mỉm cười nheo mắt nhìn ra con đường nhỏ, ông Ba lụm cụm chở bằng xe xích lô, trên nệm xe có một cái máy truyền hình “lạc son” không biết ông lượm, hay mua rẻ ở đâu, tới tặng em mình. Nó như một cái va ly, với thật là nhiều nút, nhưng màn hình thì nhỏ hơn cái bao thuốc lá, ông Ba cười:
- Cái truyền hình nầy mà coi đá banh phải tốn thêm cái kính hiển vi, vậy mà còn rõ lắm, coi cho vui nhà vui cửa, coi quảng cáo sữa, nghe con nít khóc cười... cũng đỡ buồn nha bà Tư.
Vì đã quen với cách sống đi đây đi đó với gánh hát, lúc đầu về với cuộc sống “ổn định” coi bộ chưa hạp, nhớ nghề, ông Ba cũng buồn, bao nhiêu ngày thất nghiệp không nhớ nổi, rồi ông cũng có một người bạn cho đạp chung một chiếc xe xích lô. Ông Ba đạp nửa ngày còn ông bạn kia.... mắc nhậu cho nên có khi không đạp, ông Ba cười:
- Gặp chú Bê với chú Tài “say” bán lạc son ở lề đường, có cái truyền hình ngộ ngộ chú bán chịu, anh mua cho cô Tư, nhà không có gì hết ráo cũng buồn. Có nhà có cửa rồi phải chưng dọn chớ.
Nói chưa dứt tiếng, ông Ba đã đi ra khỏi cổng, bà Tư mỉm cười nhìn theo anh, cái tánh lật đật, cầm cái nầy rớt cái kia vẫn vậy. Bà cứ ngồi nhìn cái máy truyền hình, lần đầu tiên bà nhìn thấy nó, trong đêm bà cứ thao thức lén nhìn nó, cái màn hình nhỏ bằng gói thuốc lá vẫn là màu xám đen. Thời bà chỉ có máy radio máy hát đĩa quay giây thiều. Sáng lại quét sân bà cũng khẽ quay lại nhìn nó, cho tới trưa hôm sau ông Ba đạp xe xích lô tới, vừa mới nghe tiếng ông ngoài sân chân đã vô tới nhà:
- Hôm qua quên nói, cái máy nầy sài hai dòng điện, trăm mười cũng được mà hai trăm hai cũng chạy.
Bà Tư cười:
- Có dám cắm điện đâu mà coi!
Nói là nói vậy chứ bà vừa lò mò vừa hồi hộp cầm ngay cái cắm điện, như một đứa trẻ con bà muốn biết thực sự nó có hình hay không (cũng như có người già rồi mà chưa biết nghe, hay nói điện thoại) lẽ nào không có phim chiếu lại có hình. Nhưng nhịp tim đập mạnh, bà ngồi xuống cái giường tre, muốn khóc vì sợ. Ông Ba cắm điện, phải chờ một hồi lâu cái máy nóng lên nó mới kêu è e, nhưng chẳng thấy hình đâu, chỉ toàn những chấm đen trắng, bà Tư ngồi nhìn, quả thật rồi nó cũng có hình, những hình nhân mờ mờ ảo ảo, làm cho bà chóng mặt, tim đập mạnh, nhứt là chương trình gì thoang thoáng một màn xiệc nước ngoài như là phóng dao.
Cái máy không bao giờ mở lại lần thứ hai, bởi chính hôm đầu tiên nó đã bốc khói, tịt ngòi, ông Ba thở dài vì không bao giờ đem tới nổi một chuyện gì vui cho em mình, không phải bây giờ mà tự lúc nào. Nhà bà Tư có trồng vài cây kiểng, bà tưới nước, đơm phân năm nầy qua tháng nọ, nhưng nó chỉ có lá và lá, không hề ra hoa.
Rồi như những ngày cũ đã qua trong cô quạnh, bà Tư chỉ còn có mỗi một chuyên là vui, ngồi nói chuyện của mình với con mèo, hay chiếc lá vàng rơi rơi:
- Lá ơi, năm em đưọc 16 tuổi thì Cha em rã gánh hát, cả nhà phải vô ở đậu nhà chú Út trong một nghĩa địa, chú là em một cha khác mẹ với Cha em. Nghĩa địa hoang vu cỏ dại mọc cao hơn đầu người với hàng trăm ngôi mộ xưa cũ, có cái sạt lở không người chăm sóc, có cái còn nguyên vẹn hình khối nặng nề bằng đá ong màu đỏ xẫm. Ban ngày nắng chói chang, gió đùa những chiếc lá khô rơi rụng đám bụi hồng như phấn, một cách điểm trang muộn màng, còn đêm về lạnh buốt xương, ẩn hiện trên những tàn cây đen sì là bầy đom đóm lập loè, hàng triệu chiếc lá lao xao phát ra tiếng thì thào, như một đám đông tranh nhau trò chuyện. Chú Út làm nghề chở lu từ lò nung xuống tận Sài Gòn bán, chú chở bằng xe đạp, lúc nào về cũng say mềm, Cha em tóc bạc trắng lúc nào cũng ngồi trước thềm nhà nhìn quanh quẩn, còn Mẹ thì cứ cằn nhằn Cha từ sáng tới tối. Anh Hai em đi biệt tăm, còn anh Ba lang thang ngoài những ngôi mộ, có đêm anh ngủ luôn ngoài đó, anh ngồi viết rồi vẽ những cái hình kỳ lạ trên cát anh cứ chắc lưỡi rồi khẽ lắc lắc đầu, cũng có lúc hình như anh nói chuyện với ai, thì ra anh nói chuyện với cái bóng của mình... Một hôm em bỗng nhìn thấy thấp thoáng qua đầu ngọn cỏ, trong đêm nhà ai léo lét ánh đèn dầu, nơi đó trong sương khói có một người học trò, vẻ mặt đăm chiêu, về sau nầy chính anh dạy cho em và anh anh Ba của em thêm một vài chữ, em chợt bâng khuâng khi nào trông thấy anh, còn anh Ba thì khác thường hơn, anh như mẩu viết chì vụn trên bàn, sau đó mẩu viết chì nầy biến mất. Bỗng nhiên da em cứ trắng dần, nếu nhoai nhìn thấy em trong đêm người ta sẽ sợ, em không biết em bị bịnh gì, có lẽ em quá suy kiệt, mọi người nhìn em lo ngại, từ đó em ở suốt trong nhà, em nghĩ em ở trong nghĩa địa coi bộ thích hợp với em hơn. Chính em cũng không dám soi gương nhìn mình, nhưng đúng vào lúc nầy em lại gặp một người, khổ thay đó là mối tình đầu cũng là mối tình duy nhứt vắt vai của em, nó vẫn không trọn, như tất cả mọi việc trong đời em, vì em có dám nói gì với người ta đâu! Em như chiếc lá khô rơi muộn màng, trang điểm làm gì với bụi phấn, nhưng mỗi lần nhớ tới người đó em vẫn khóc, mặc dù lúc đó hay sau nầy năm tháng qua mau em có còn nhớ rõ khuôn mặt anh đâu.
***
Tôi nhìn thấy một cành cây khô, tận đàng xa, cuối dòng sông, tôi thầm nghĩ mình sẽ bơi với tấm ván phóng dao tới đó, lúc nầy tôi đang có một con chó nhỏ bầu bạn, nó cũng biết bơi. Tối hôm qua, khi Cha tôi cho dọn gánh xiệc của ông từ chợ Bún qua chợ Lái Thiêu, như thường lệ tôi ngồi với chú Bê trên mui xe, vùng đất đỏ thuộc miền Đông nầy có nhiều vườn cây ăn trái nổi tiếng nằm dọc theo con lộ nhỏ quanh co, với những con sông nước trong vắt. Tôi vẫn thích nhìn những ngôi nhà ngói xưa cũ lặng lẽ giữa trời khuya, một cõi thinh lặng bí ẩn trong tiếng ve sầu, nó như bức tranh tĩnh vật u trầm gợi lòng hoài cổ. Rạp hát nằm bên cây cầu đúc nhìn qua chợ vẫn chưa có ánh đèn, tôi leo xuống xe, chú Bê chuyền xuống tấm ván nặng, tôi vác nó vào rạp còn nghe trong đêm tiếng Cha tôi nói chuyện với chú Tài, về việc phải lo quảng cáo sớm cho kịp buổi chợ. Mẹ tôi lụm cụm ráp cái ghế bố, sau đó bà đi ra sau rạp đặt vài cục gạch làm ông lò, anh em dàn cảnh đã khiêng vô cái tủ chén, chảo đựng, song nồi, nhiều rạp hát như những ngôi nhà quen thuộc của bà, cứ mỗi lần trở về “nhà” bà lại để bếp đúng nơi cũ điều lạ là suốt cuộc dời của Mẹ không hề có một cái bếp lò nào nguyên vẹn, nó cũng vẫn chỉ là vài cục gạch u đầu sứt trán. Nhưng mỗi năm vào ngày ông Táo về trời Mẹ tôi vẫn cúng ông Táo, bà khấn:
- Ông Táo ông Nồi nói dùm với ông Trời phù hộ cho gánh hát hát đắt giàn, no đủ, may mắn, đừng có đụng chuyện gì lộn xộn, tui xin cám ơn.
Mẹ tôi là bà bếp nấu cơm hội cho cả gánh hát ăn, bà nấu ngon mà gánh hát của Cha tôi không phân biệt mâm nào của ông bầu, mâm nào của công nhân, diễn viên, tất cả đều như nhau, lúc hát được cá thịt ê hề, khi mưa gió có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Mẹ tôi hay dùng cơm nguội còn lại trong chảo, chế món cơm chiên Dương Châu, cho mọi người, bà hay nói cơm gạo là hột ngọc của trời, bỏ phí về sau không có một hột mà ăn. Khỏi nói về sau, chỉ cần mưa chừng một tuần lễ, cháo cũng không có mà húp, trong những bữa cơm hội rộn ràng ngày đó bà lại hay nói về tôi:
- Thằng nầy tui đẻ nó trên sông, năm đó lộn xộn ông tui bị Nhựt Bổn bắt, tụi nó đi kiếm cái giống gì trên bờ sông, ai mà biết. Tự nhiên một thằng đeo cây gươm dài nhìn thấy chiếc ghe hát của ổng có vẽ hình cái nón, con thỏ, với mấy là bài, nó nghi ổng làm... gián điệp, trói thúc ké đem ra sân chợ tính bắn. May nhờ có người biết ổng là nghệ sĩ và khoái ổng diễn trò ảo thuật quá khéo, cho nên người nầy nói với ông quan Nhựt Bổn, ông tui được tha, nhưng phải dạy cho mấy ông Nhựt vài trò ảo thuật mới là yên. Lúc đó hàn sông, thây ma trôi nổi tấp vô chiếc ghe, chú Tài nầy nè, lấy sào đưa ra, nói nào chỉ có tụi Nhật, tụi Tây, mà cũng có người mình, bị xỏ xâu trôi lềnh bềnh!
Mẹ tôi không nói tôi sinh ra ở đoạn sông nào, ngày tháng nào mà chỉ nhớ năm bà chỉ nói đó là một con sông, có lẽ nhiều việc xảy ra trong thời gian đó đối với bà là nỗi ám ảnh không vui, cho nên lúc nào lắng nghe, tôi cũng hoàn toàn bị động khi muốn biết thêm về mình!
Anh tôi nói được tiếng Hoa... pha Miến Điện, có lẽ anh gần gũi và được Mẹ thương yêu hơn. Còn tôi không biết cả hai, tôi chỉ biết nói tiếng Việt, tôi nghĩ, dù cho mọi người không thể chọn trước cho mình một cánh cửa đễ chào đời (một gia đình hoặc một xứ sở) song khi đã đứng bên một dòng sông nào, uống ngụm nước ngọt của dòng sông đó, yên bình trên miền đất hiền hoà nuôi mình lớn lên như tôi, hay với những lữ khách khắp bốn phương trời, thì đất dưới chân mình, chính là quê hương của mình, nên cúi xuống tạ ơn đất nước đó. Tôi yêu mến những vùng đất, dòng sông, nơi tôi đi qua và hay lặng lẽ ngắm nhìn với nhiều xúc động mãnh liệt.
***
Đàng kia là cây cầu đúc, còn nơi tôi đứng cách chợ không bao xa, người gác rạp chậm chạp tay cầm cây đèn dầu ra mở cửa. Mẹ tôi đi ra xe ôm thêm bó chiếu, tôi thấy bà bước giữa những hàng ghế trống không, sân khấu mù mịt cuối bức tường, bức tường nào trong những rạp hát nông thôn cũng ghi đầy những chữ viết vội vàng, kỷ niệm của các gánh hát phiêu linh khác, có khi là lời hỏi thăm người bạn đời nào đó, hay là một mối tình với người yêu dấu đã lâu không gặp.
Ở một góc sân khấu có trang thờ nho nhỏ, trên nền tường còn in những vết đạn của một cuộc giao tranh. Cũng có một miếu nhỏ khác thường leo lét ánh đèn dầu nhang tàn khói lạnh, bà con cố cựu sống chung quanh rạp hát kể lại, năm xưa có một gánh hát ảo thuật tới diễn trò chặt đầu để trên đĩa, cái đầu biết ca vọng cổ. Tổ trác?
Làm sao mà lưỡi gươm máy chặt đứt thật cái đầu cô con gái của nhà ảo thuật già? Ông già điên loạn bỏ đi, sau nầy nghe nói có trở về, chết gục sau rạp hát, bà con khán giả chạnh lòng thương người nghệ sĩ rủi ro, nên lập cái miếu nhỏ, có khi đem chút bánh trái tới cúng cô hồn.
Còn những gánh hát tha phương cầu thực thì có lệ, dù cho dọn tới đêm hôm khuya khoắt, hay giữa trưa cũng thắp vài cây nhang, hay rót thêm chút dầu vào cây đèn trước vong linh bạn đồng nghiệp, người khuất mày khuất mặt không còn bước ra sân khấu nữa cũng đỡ tủi thân.
Lần nào tới đây em tôi cũng ngồi khá lâu trước miếu cô gái xấu số, tất nhiên câu chuyện có thêm bớt khá nhiều, trong đó có một điều mà Cha tôi nói rằng thật là vô lý, bởi vì không có người diễn trò ảo thuật chặt đầu nào lại dùng lưỡi gươm thật. Cha tôi không tin cái gì ngoài ông, còn tôi thì dĩ nhiên là nằm mơ thấy cô con gái đó, khi tôi vác tấm ván để cạnh miếu thờ nằm ngủ, buồn cười là trong đêm chú Tài “say” nằm cạnh tôi ú ớ như bị ma đè? Tôi nghĩ là do chú ngủ say nên nằm mớ, tôi kể lại giấc chiêm bao với em tôi khiến nó lo sợ và tôi bỗng thấy mình có lỗi với em, tôi quên nó quá yếu đuối.
Nhiều lần trong mọi giấc chiêm bao tôi thấy tôi trở thành đủ thứ người, có khi là Tề Thiên Đại Thánh hay một Thiên Thần, có khi tôi là con quỷ dạ xoa, cũng có khi là cánh chim bay tận trời xanh, hay những nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết của chú Bê...
Em tôi thích tôi kể cho nó nghe những chuyện chiêm bao hơn là anh tôi, một hôm giữa trưa khi tôi gác tấm ván trên lưng hàng ghế khán giả, nằm im re với một cái khăn đậy kín mắt, em tôi đi xuống hàng ghế cúi nhìn tôi, nó tinh nghịch lấy ngón tay nhỏ khều mũi tôi, coi tôi ngủ thật chưa? Anh em tôi thỉnh thoảng cũng tạo một chút vui đùa cho đỡ buồn, tôi mở mắt nhìn nó mỉm cười, nó không nằm mơ thấy cô gái xấu số như đầu óc bệnh hoạn của tôi, nhưng mỗi khi tới rạp hát nầy nó không dấu nổi lo lắng. Cũng như cô gái đó, bây giờ hằng đêm nó đang đứng trước một mối nguy hiểm chết người, trong màn biểu diễn, trò phóng những lưỡi dao thật: Em cúi nhìn tấm ván, ngón tay nhỏ của nó chạm vào những vết thẹo của tấm ván, chi chít những vệt dao, có vệt mũi dao cắm vào nhiều lần sâu hoắm, tôi đứng ngoài sau tấm ván mỗi đêm, trông thấy rõ, mũi dao bén ngót xuyên qua nửa thân ván dầy, huống hồ chi da thịt em tôi, tôi muốn em tôi... quên đi chuyện cô gái chết, cho nên tôi kiếm chuyện khác, tôi nói:
- Đêm qua anh nằm mơ thấy mình là con chó.
Em tôi hỏi lại:
- Sao mà thành con chó.
Tôi không nói tại sao, chỉ nói:
- Con chó ăn vụng thịt trong chảo của Mẹ, nó bị đá một cái vô bụng, chạy cong đuôi, la cẵng cẵng.
Em cười:
Sao bị đá trúng bụng mà kêu cẵng cẵng.
- Chó chớ bộ, chú Bê nói nằm chiêm bao thấy mình hoá chó, là tại vì khi là người mình sống thiệt thòi thua sút người chung quanh. Mình không được sống bằng người ta, mình nghèo hay bị ăn hiếp, biết chưa.
Chú nói vậy và tôi cũng nói... đại như vậy với em tôi, ban ngày mình ao ước chuyện gì thì vào lúc ngủ say, nằm chiêm bao mình thấy cái đó. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy vô lý, vì nghèo nên lúc nào tôi cũng muốn có vàng, hay tiền, nhưng tôi lại thấy mình chỉ là con chó, giấc mơ vốn có nhiều “quyền lực” trong một thế giới không rào cản, phong phú tưởng tượng như vậy mà cũng... từ chối những ước vọng. Vàng hay tiền cũng xa vời vợi, trong két sắt của kẻ giàu có, quyền chức, vàng đâu phải có thật với người nghèo, nhứt là với kiếp đời hát xướng rong rêu như Mẹ của tôi, suốt đời bà không có một vật trang sức nào bằng vàng. Em tôi lại tới ngồi một góc xa với xâu chuỗi trên tay, tôi nhắm mắt, thiu thỉu ngủ... bỗng bên tai tôi nghe có tiếng rên hư hữ... hình như nó phát ra dưới hàng ghế lạnh, thây kệ, nhiều khi nó là chiêm bao mộng mỵ, nhưng tôi nghe nhột nhột dưới chân tới nỗi tôi phải cúi nhìn xuống... và tôi thấy con chó thật. Nó từ đâu, tới nằm dưới tấm ván phóng dao, nó là con chó ốm nhom như tôi, có lẽ đang đói lả, con chó đưa đôi mắt tội nghiệp nhìn tôi vẫy đuôi mừng, tôi vòi tay xoa đầu con chó, coi nó có thật không? Con chó lè lưỡi liếm bàn tay tật nguyền của tôi, lưỡi nó thô ráp và ấm như bàn tay thân thiện của một người bạn, chắc là bạn mình quanh quẩn đâu trong mấy cái quán ven sông, bị một cái đá vào bụng cong đuôi chạy thẳng vô rạp hát.
***
Trưa hôm sau ngày chúng tôi từ Bún qua Lái Thiêu, tôi vác tấm ván ra khỏi rạp đứng nhìn cây cầu, mỗi người một việc, anh tôi lái chiếc xe hơi nhỏ đi nói a lô quảng cáo đêm biểu diễn, lúc nầy gánh xiệc của Cha tôi có vẻ bề thế, thêm phần chiếu bóng hề giễu, chen lẫn với kịch hài, ca nhạc và ảo thuật. Mẹ tôi đi chợ về đang ngang qua cầu, bà vừa đi vừa nói chuyện với mấy bà nội trợ khác, ở đâu bà cũng có người quen, đang đi bà bỗng nhìn thấy tôi vác tấm ván, lon ton đàng sau tôi là con chó nhỏ còi xương, bà vốn quen mắt với những sự kỳ dị nơi tôi mà cũng phải cười. Mẹ tôi khó thể biết rằng tôi lượm được con chó... trong giấc chiêm bao, Cha tôi ngồi trong quán cà phê dưới mé sông với chú Tài “say” cũng tức cười, anh Tùng với anh Điệp đi đá banh với đội banh địa phương về cũng trố mắt nhìn tôi với con chó:
- Bạn hiền nầy mấy kiếm ở đâu vậy Ba?
Anh Điệp tinh nghịch hỏi giễu, tôi trả lời:
- Nằm chiêm bao thấy con chó ai dè nó có thiệt.
Anh Tùng vui tánh nhưng nghiêm trang hơn, anh gật đầu... đồng ý:
- Ai nói thì anh không tin chớ tay nầy nói là phải có thật.
Anh Tùng và tay Diệp nầy chơi thân với anh Hai tôi, mấy ảnh hiếu động, thích thể thao, đi tới đâu cũng đá banh, hay câu cá, bắn chim. Tay Điệp ngổ ngáo hơn người anh, hai anh em giống nhau bởi món tóc quăn, Diệp còn tập tạ đôi với những quả tạ tự đúc bằng xi măng với đá xanh, để tạo một khuôn ngực nở nang, cái eo thon như con ếch. Điệp thích trêu chọc tôi, khác với anh Tùng thương tôi như một đứa em, anh thường lắng nghe tôi nói chuyện tào lao, thỉnh thoảng anh lại cắt trong các bành phim tặng tôi những khúc phim có hình Sạc lô hay ông Mập ông Ốm. Anh Tùng biết khá nhiều về điện ảnh, anh cắt nghĩa cho tôi hiểu về chuyện tại sao mỗi một giây, hay một phút gì đó trên máy chiếu phim nhảy 24 hình, nó hơi giống trò chơi đánh “bốc” trong cuốn sách hình rẹt rẹt trên tay con nít. Anh cũng nói về lịch sử điện ảnh, nó được phát minh ở bên Tây, mà buổi chiếu bóng đầu tiên ở trong một quán cà phê, theo anh nói cảnh chiếc xe lửa vào ga làm cho mấy ông Tây khán giả phải giật mình...
Con chó đã biết thân phận của nó, nó quẫy đuôi mừng anh Tùng, còn với tay Điệp nó... cũng mừng, nhưng đôi mắt sợ hãi, tôi sợ Điệp đá con chó của tôi nên chúng tôi vội vàng tránh xa, tôi cũng không kịp đặt tên cho con chó nhỏ. Chỉ kêu nó là Chó như cái lên cúng cơm của nó từ “tạo thiên lập địa” cho tới bây giờ, nếu như không có gì sai về ngày tháng năm sinh của nó trên trái đất nầy, tuy mới quen nhau chỉ mới đây thôi mà, nhưng khi tôi chắc lưỡi thì nó nhào tới. Hai chân trước khều khều cái bụng lép của tôi, nó còn biết đi hai chân sau, đi lững thững như một đứa con nít, nó cũng là một con chó con nít, hình như tôi đã gặp con chó nầy ở đâu rồi. Hay là nó từ một gánh xiệc rong nào mưa gió rã bành tô rồi lưu lạc tới đây, bởi vì nó biết... diễn, có dáng “tài tử” tuy hơi phong trần một chút, tôi mến nó mà hình như nó cũng mến tôi, tôi nhìn nó rồi nói:
- May phước cho mấy vì mấy gặp tao, nếu như mấy gặp người khác có khi mấy đã vô nồi biết chưa?
Con chó gật đầu, hay là do tôi tưởng tượng ra như vậy hai chuyện không khác với tôi cho lắm, chúng tôi đi về phía vàm sông xa hơn, tránh bến chợ, vì nơi đó nước đục ngầu bởi ghe xuồng tấp nập buổi chợ chiều. Tôi thả tấm ván xuống mé nước, đo con chó cho nó ngồi trên tấm ván, chúng tôi thả trôi theo dòng nước chảy mạnh, sông cuốn cả bọn tôi trong thân nó, đem tôi, tấm ván, với con chó về phía có cành cây khô. Dọc đường con chó hào hứng nhảy xuống sông, cu cậu quào hai tay trước khoả nước bơi theo tôi, từ bến nầy cho tới chỗ cây khô cũng là hơn một cây số, càng xa thị trấn trên sông thưa dần những cây dừa nước, bềnh bồng phiêu du là nhưng mảng lục bình lớn, hân hoan khoe với con chó và tôi vài nhánh bông dại khờ, lại có vẻ vui mừng chào đón chúng tôi.
Nước sông chỗ tôi bơi tới trong hơn, và ấm hơn, nhiều chỗ nước trong tới nỗi tôi còn thấy tận đáy, sình non mềm dịu dưới hai bàn chân trần, cây cối có tên quen thuộc thưa dần nhường chỗ cho không biết bao nhiêu cành lá vô danh. Xa xa... là một cảnh hoang vu, trơ trọi ngọn cây khô, không còn một lá sống, như bộ xương trắng toát vươn lên bầu trời xanh cao thăm thẳm, chúng tôi đã tới một nơi không dấu chân người, ít ra là vậy. Tìm về một cõi xa xăm như vậy chỉ là muốn ngồi một mình nhưng hôm nay lại có con chó bầu bạn, oai hơn là tôi hơn nó nhiều thứ. Tôi chia cho nó nửa củ khoai tôi lận lưng, như vậy là sòng phẳng, con chó nhai khoai coi có vẻ quen thuộc, không... kén ăn, dễ nuôi, tôi thấy con chó có thể sống được cái kiểu thất thường như tôi, nếu như nó chịu nổi, không bỏ đi.
Tôi nhìn cành cây khô chết đứng giữa trời, vùng nông thôn hoang sơ thường gặp những cơn sấm sét đánh chết cả người hay trâu bò, nhất là dưới tàng cây lớn, nhìn tàng cây khô tôi đoán trước kia nó cũng rậm lá, có lẽ một hôm nào trời đổ cơn mưa khủng khiếp, nó “tới số” bị sét đánh chết. Thiên nhiên giúp người là một lẽ, nhiều khi cũng tàn bạo không lường trước được, chẳng hạn như những cơn lũ về mỗi năm, gần giống như người, có người thiện có kẻ ác, trong anh em cũng không thiếu, Cha Mẹ sanh con “Trời” sanh tánh, tất nhiên không hẳn là vậy nhưng cũng chưa có cách nói khác. Tôi muốn tìm một nơi vắng vẻ không người để khỏi phân tâm, tập nói cho chững chạc, tròn vành rõ chữ chỉ mỗi một câu. Mà từ lâu tôi muốn nói với Cha tôi nhưng khi nào được đứng gần ông tôi lại không dám nói, có khi tôi đánh bạo nói mà nghẹn lời, chỉ nói được nửa câu, cũng có khi tôi nói trọn, khổ thay tôi ấp úng không rõ nghĩa, tôi đã định nói nhiều lần, quá nhiều lần. Nhưng tôi quá sợ Cha tôi, cái bóng to lớn, tài năng của ông, cộng thêm sự khắc nghiệt, rồi chính vì những mặc cảm tự ti của tôi, làm cho lúc nào tôi cũng cũng nghẹn lời, và gây thật nhiều ngộ nhận, lý do chính có lẽ là cả hai không ứng xử kịp các đột biến nảy sinh phải có của mọi câu chuyện!
Một hôm Mẹ tôi đi chợ mua con dao mới, việc nầy có lạ gì với bà nội trợ khi con dao cũ không còn dùng được nữa. Chuyện nầy xảy ra sau khi em tôi lại thấy Mẹ tôi làm cá bằng con dao mới, tôi đợi Mẹ tôi quên hẳn con dao cũ của bà tôi mới lén lấy nó đi, tôi giắt trong áo, rồi sau đó tôi cài nó ngoài sau tấm ván phóng dao Mỗi khi mang tấm ván xuống sông tôi đem theo con dao, bây giờ tôi có con dao trước mặt, tôi dựng tấm ván dựa gốc cây khô và tôi bắt đầu tập phóng dao, cũng không khó cho lắm. Tôi vẽ một hình nhân bằng cục than bếp rồi phóng lưỡi dao, vì có một con dao nên tôi phóng nhiều lần chung quanh hình nhân đúng như tôi nghĩ sự nguy hiểm sẽ đến cho người đứng trước tấm ván, nếu như người phóng phân tâm, lúc tôi chuẩn bị chu đáo nhất để phóng con dao cạnh cổ hình nhân thì... bất ngờ con chó sủa vang, nó sủa rồi chạy theo một con cóc, chỉ vậy mà tôi lại mất tập trung, con dao cắm vào giữa cổ hình nhân, tôi chợt khám phá ra một điều người phóng dao sẽ bị phân tâm khi nào ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, hay bị sốc về tâm lý. Khi tôi tập phóng con dao, vóc hình tôi thấp hơn anh tôi cho nên tôi đứng khá gần tấm ván, tuy vậy tôi cũng phải chồm tới, khi nào không chồm tới lưỡi dao chém bằng sóng cắm chặt vào mảnh ván, nó có sức chém ngã một thân cây chuối lớn. Biết bao nhiêu đêm tôi đứng ngoài sau tấm ván nầy, qua kề hở của tấm ván tôi luôn quan sát anh tôi, anh đúng là người thận trọng và có lẽ sẽ không xảy ra chuyện gì, theo kiểu tôi nghĩ nhưng một may hai rủi ai biết lúc nào đó anh phân tâm? Mà con người thì khó tránh khỏi, sơ ý một chút có thể xảy ra tai loạn, như người tài xế ngủ gục, như một vụ rớt máy bay, người ta còn có thể chết vì một lỗ chân trâu, trên sân khấu đó còn là do súc khỏe của diễn viên, một ca sĩ có thể ca rớt nhịp, một nhà ảo thuật có thể lộ một bí quyết, còn người phóng dao không thể, vì nó là máu.
Không có gì tuyệt đối, càng tập phóng nhiều lưỡi dao tôi càng đoan chắc như vậy. Tạ ơn Trời, nhiều khi tánh người đôi lúc như gió thoảng mây bay, hời hợt chỉ một giây thôi và vô ý một chút cũng đủ gây thảm hoạ. Tôi biết một lúc nào đó vật vô tri là con dao sẽ không theo đúng ý người phóng nó, nó cuộn tròn lại trong mảng không gian của riêng nó, chính nó chọn mục tiêu để sát thương, chứ không phải ai khác, định luật của một vật nặng ném đi là va chạm. Tôi muốn nói điều đó với Cha tôi, song tôi nghĩ trước khi nói về điều nầy tôi sẽ nói với ông về một hình vẽ hay một con rối, thay cho người thật dừng trước tấm ván là em tôi, nhưng tôi kịp nghĩ lại, nếu tôi nói, mọi người sẽ lại nhìn tôi bằng đôi mắt thương hại, khán giả còn gì nữa để mua vé vào coi màn phóng dao?
Hay là tôi nói với anh tôi, tôi quên rằng anh chỉ nghe tôi nói chuyện tào lao về những giấc mơ, không chắc anh sẽ lắng nghe tôi về chuyện nầy, vô hình chung tôi phủ nhận tài năng và sự thận trọng của anh hay sao?
Hay là tôi nói với em tôi, tôi không chắc là nó dám nói với ai, nhứt là với Cha chúng tôi, sự phản kháng nầy sẽ gây một vụ nổ lớn. Người duy nhứt có thể can thiệp là Mẹ tôi, nhưng dưới mắt Mẹ tôi, tôi là một con người buồn cười, rối rắm, khó hiểu, môi mép, và có vẻ không bình thường. Trên con đường mà tôi lường trước được rằng thảm hoạ sẽ kéo ngang qua, không ít người bàng quan, nó lại có vẻ hài hước, đa phần người ta sẽ đứng nhìn sự việc như một trò đùa, mà nếu có hậu quả chăng, cũng không phải phần mình, trong cảnh hiểm nghèo dành cho kẻ khác, không thiếu chuyện cười ra nước mắt.
Tôi với con chó ngồi bên bờ sông vắng cho tới xế chiều, ngẫm nghĩ nhiều điều mà những người khác đôi khi quá bận bịu, có ai nào nghĩ tới, cho mất công. Con chó rên hư hừ chắc là đói bụng rồi, hay là nó nhớ sân khấu, đã là “nghệ sĩ” thì ngày ngủ đêm thức, cho tới giờ biểu diễn tim cứ đập rộn ràng, giờ nầy về chuẩn bị cho buổi diễn cũng vừa. Tôi còn phải đánh trống trước rạp, mặc dù lúc nầy gánh hát của Cha tôi đã có máy phóng thanh, hát đĩa quảng cáo ra ngoài, và mặc dù tôi đã ngâm tấm ván suốt buổi chiều dưới sông nhưng đến tối tôi vẫn phải tưới thêm nước cho nó trước khi vác nó lên sân khấu, tấm ván phải vô cùng mềm dễ ăn dao...
Nhiều đêm nằm khoèo trên tấm ván nầy, rất nhiều đêm, lúc vãn hát trong rạp tối tăm, u uẩn một ánh đèn dầu, tôi bỗng thấy cuộc sống của mình có nhiều điều vô lý tôi sống như con trùng con dế không khác, tôi vẫn cứ tập những lời tôi muốn nói với Cha tôi. Tôi lo lắng làm sao khi nói với ông cho tròn vành rõ chữ. Tôi nhớ có một lần ông vuốt tóc tôi, nhưng lúc đó tôi lại khóc để rồi hối hận mình đã không kịp nói gì, rồi sau đó Cha tôi quên rằng ông còn có một đứa con hàng ngày vẫn ở cạnh bên ông, đứa con tật nguyền bất tài vô tướng, luôn làm bận lòng Cha Mẹ. Tôi thở dài tới nỗi con chó cũng buồn, nó ngước mắt nhìn tôi, con chó có đôi mắt muốn khóc, nó chọn được một cách an ủi tôi, nó dựa đầu vào tôi quẫy đuôi. Tôi vuốt đầu con chó, chúng tôi rời khỏi nơi nầy, con sông chập choạng tối, một buổi chiều lại mắt nắng, nhìn cành cây khô đứng trơ trọi một mình, dưới bóng chiều, nó trắng toát như quân khăn tang. Tôi vẫy tay chào tạm biệt, khi nào trở lại, điều đó khó hẹn, tạm biệt dòng sông và những nhánh bông lục bình phiêu bạt, tạm biệt cây cỏ vô danh của tôi, tạm biệt không biết bao nhiêu là bạn cá. Nào lìm kìm, mè vinh, cá lóc cá trê, cá dứa, cá lưỡi trâu, cá kèo, cùng những chú em còng gió nhỏ xíu nhút nhát, tạm biệt cả các bạn cá thòi lòi xấu xí như tôi, xin lỗi các bạn khác, vì tôi không nhớ hết tên cám ơn các bạn đã cùng trò chuyện vui đùa với tôi trên tất cả mọi dòng sông, tôi muôn hẹn gặp lại các bạn nhưng tôi sợ tôi sẽ là người lỗi hẹn. Sóng nước lăn tăn trên con sông lúc nầy đã lạnh, đưa tiễn tôi về lại bến cũ, tôi nghe tiếng con sông thì thầm:
- Tạm biệt Quasimodo.