Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tấm ván phóng dao

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5744 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tấm ván phóng dao
Mạc Can

P 2

Tôi để tấm ván phóng dao dưới đất, cạnh chiếc xe, nằm trên tấm ván, nắng như thiêu đốt mọi thứ chung quanh. Tôi lim dim ngủ, lũ ruồi xanh vo ve chung quanh tôi. Hồi hôm nầy khi vãn hát, anh tôi chạy ra đứng nhìn ai đó trong dòng người đi coi xiệc, đi về hướng rạp chiếu bóng, chợ Tân Hiệp có một rạp chiếu bóng khá lớn, có lần Cha tôi định mướn rạp đó diễn nhưng không thành, nhưng sau đó ông chủ vui vẻ mời gánh xiệc “tăng cường” phụ diễn cho phim. Tôi cứ nhớ khuôn mặt khắc khổ của ông chủ rạp, người đàn bà mập mạp vợ ông thì phúc hậu, hai người con trai lớn tử tế, dễ chịu, riêng cô con gái khoảng mười tám mười chín tuổi thì thập đẹp, sang trọng.
Anh em tôi ít khi ở gần nhau, anh vốn ít nói, nhưng ngay lúc nầy anh cần người để nói một câu chuyện gì đó. Và tôi cứ nằm lẳng lặng nghe. Câu chuyện của anh về vô khối những mối tình đã qua, điều đó xứng đáng với anh, anh thật đáng yêu với các cô gái làng, tuy nhiên khi nghe tôi không khỏi nghĩ tới phận mình, tôi thì chỉ mỗi tấm ván dày cộm như tấm ván hòm dưới lưng là bạn. Gần như nửa cuộc đời tôi, cho tới lúc nầy tôi chưa hề ngủ yên giấc mà cũng khó có dịp nằm trên một cái giường đàng hoàng. Tôi chỉ có chút ván sàn ghe lạnh toát khi chào đời, chút ván sân khấu xó xỉnh, trên chiếc ghế gãy của rạp hát, rất bất tiện. Sang trọng nhứt đối với thằng tôi là cái giường lưu động, tấm ván khổ nầy đây.
Mỗi đêm ở những nơi xa lạ, rất thường một đêm tôi có tới hai ba giấc ngủ chập chờn, một ở nơi nầy lúc trời khuya chờ xe tải tới chở gánh hát đi, và hai ba khi tới một nơi nào đó lúc trời tù mù chưa sáng hẳn. Như tối hôm qua tôi tới chợ Tân Hiệp nầy, nói là tối nhưng thật sự lúc nhóm chợ, nền đất thì nhớp nhúa, Mẹ tôi có chiếc giường xếp lại, nó lớn và nặng, bà đã quen tìm ngay một góc, người ta nói một lần dọn nhà đã khó, chúng tôi hơn một ngàn lần dọn nhà, không còn manh giáp gì để kể thêm... tôi cũng đã quen cách sống nầy, sạp chợ hay thớt thịt cũng xong, buồn cười là tôi chưa hề có một cái gối, tôi luôn gác đầu lên khuỷu tay rồi ước mơ. Tôi mơ nhiều nhứt là được lởi trường học, mà suốt cuộc đời trôi sông lạc chợ của tôi, tôi thường thấy ở nhiều thị trấn hay những làng quê, đó là ngôi trường làng với tiếng trống thôi thúc vui tai. Một mảnh sân chơi dưới tàn cây bàng lớn, tấm bảng đen trên tường, tôi luôn thấy tôi ngồi cạnh nhiều đứa bạn... tưởng tượng, ê a tập đánh vần.
Có lẽ “kiếp trước” của tôi, tôi cũng giỏi chữ và rất chăm học, cho nên trong những giấc mơ tôi nhìn chữ rất quen thuộc, mới đó tôi đã thuộc, điều kỳ dị là dù là học trong giấc mơ (trước đó không dược học một chữ cái làm thuốc) tôi... cũng gần như biết chút chữ rồi. Tôi đang học thì có người lay vào đầu tôi kêu tôi dậy, chợ quê thường nhóm họp lúc trời vừa sáng, người đánh vào đầu tôi khi tôi... đang học bài là bà bán thịt, bà cần lấy lại cái sạp mà tôi thì gác tấm ván phóng dao của tôi trên đó, năm ngủ.
Tôi ngồi nhỏm dậy ngơ ngác, một cõi thiên đường trong mơ đã mất, trường học của tôi đâu mà tôi còn lẩm nẩm đánh vần. Tôi cố nhớ những dòng chữ đã học, nó nhạt nhoà trong nắng đỏ mưa dầm của những chuyến đi dài thăm thẳm. Ngôi trường thân yêu của tôi, cây bàng, tiếng trống, bạn bè, chỉ là trong hư không. Tôi nhớ, tôi có một người bạn gái nhỏ trong một lớp học nào đó, đế rồi khi thành một ông già, tôi hay tìm đến tần ngần trước cửa sân trường nhưng nào có đâu, có lúc nào và không lúc nào?
Sương gió, nắng quái, bất thường nơi cư trú của quá nhiều chuyến đi làm cho tôi lâm một thứ bệnh trầm kha, vô phương cứa chữa, bệnh sổ mũi kinh niên đã đành, tôi lại có bệnh giật mình khi nào ai nói sau lưng tôi. Cả nhà tôi nằm ngủ rất lạ, tôi nằm ngủ cũng lạ như Cha tôi, lúc nào cũng có mảnh vải che mắt mặc dù chưa chết hay bị xử bắn, khi nào mắt tôi được che lại tôi ngủ yên hơn.
Việc nầy giúp tôi nhìn thấy nhiều hình ảnh hơn, nhiều màu sắc hơn. Lúc nào cũng vậy, khi tôi nhắm mắt, ban đầu thường có những đốm sáng lập loè, đó là ánh lửa trong chiếc đèn bão, thời thơ ấu của tôi, rồi là chữ, chỉ có chữ, tôi khát chữ tới độ điên cuồng, ở kiếp nào đó, ở một thế giới nào đó... tôi là một nhà thông thái. Tôi biết quá nhiều điều nhưng rồi tôi đã làm sai một điều gì dó khiến cho tôi bị xoá đi, cả tôi và cả những điều tôi học, giờ đây tôi biến thành kẻ lưu dày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói, nó cho thấy tôi là kẻ tội đồ, một kẻ thủ ác. Tôi nhìn thấy một cột khói hình nấm, với ngọn lửa phủ trùm vạn dặm, quá nhiều người bị thiêu cháy, tàn độc. Đúng vào năm tôi sinh ra, năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, còn tôi hoá kiếp trốn đi như một kẻ đào tẩu.
***
Có người nói, người nào ít chữ thì được bù cho nhiều tưởng tượng, điều đó đúng ở trường hợp Mẹ tôi và tôi.
Nhưng tôi lại có nhiều tưởng tượng hơn bà, nó trở thành bệnh hoạn nan giải, một chứng khác của kẻ lưu lạc, khi ngủ không nhớ trước đó đầu mình ở hướng nào, chân mình và chính mình đang ở đâu. Gọi là bệnh “thuỷ thủ” nó còn di căn nhiều chứng khác như (cũng trong khi ngủ) mơ thấy một vật gì thì thường hay đưa tay cầm lấy. Tôi hay giật mình thấy nhiều lưỡi dao bay tới tôi, hai cánh tay tôi đưa lên chống đo, lạ thay dù là cơn mơ tôi cũng đau nhói tim, tệ nhứt khi thức cũng giật mình, nó là một ám ảnh khôn nguôi, không bao giờ dứt. Bất ổn thường xuyên, lúc đầu tôi tưởng chỉ mỗi mình tôi nhưng sau đó tôi mới biết cả nhà tôi ai cũng vậy.
Nhiều năm ròng, trên lưng tôi là tấm ván chán ngán, tôi nghĩ cách khác mỗi khi đem nó xuống sông, tôi không cõng không vác nó nữa. Mà tôi chịu một phần nặng nhất trên vai phải, rồi thả nó nghiêng xuống nơi khuỷu tay, sau đó tôi bám chặt nó lại nơi bàn tay. Tôi đi xuống sông - ngâm nước tấm ván, bơi lặn suốt buổi, chiều về tôi khá thong dong, kế nầy khá hay bởi tôi là một nhà thông thái, nhưng khi nhà thông thái được mười sáu tuổi thì một hôm ông la thấy mình có có cánh tay phải dài hơn cánh tay trái, và bàn tay trái của ông ta lại nhỏ hơn bàn tay phải. Không gì khác hơn, đó là dấu chứng khắc nghiệt của sự cơ cực, bằng cấp tặng cho tôi trong chuỗi ngày lao khổ, điều đó làm cho nhà thông thái e dè, giấu mọi người dị tật của mình, ông ta trốn tránh mọi người, rất tự ti. Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt, tôi chỉ thích ngồi một mình nơi nào đó, bên bờ sông hoang vắng, với tấm ván phóng dao, mặc dù nó gây thương tổn cho tôi, bạn hiền của tôi. Tôi trở về rạp hát, trên lưng tôi có món nợ truyền kiếp, lưng tôi cũng bị gù, với nhiều vết chai, dọc đường tôi đi, mấy đứa con nít chạy theo trêu chọc:
- Ê ê thằng hề hộc máu: thằng hề con lưng gù.
Không có gì khác hơn, mỗi tối chúng nó chui vô cọp, coi tôi làm hề với cái miệng tô son đỏ, ngoác lên tận mang ta, tôi như Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà chú Bê hoạ sĩ hay đọc và dùng dạy chữ cho tôi mỗi đêm, khi tôi ngồi coi chú vẽ quảng cáo. Cũng có lúc tôi đi một mình không vác tấm ván, không có nó thân thể tôi vẫn xiêu vẹo: thân hình tôi thường ngả về bên phải nhiều hơn, thằng tôi, khi nhìn trong kính nó có cánh tay dài như vượn, bàn tay phải chai sạn, quả là hơn hẳn bọn trẻ chung quanh tôi chỉ còn thiếu chiếc mũ gai trên trán, là đủ bộ.
Cũng nhờ chú Bê mà tôi biết ông Đôngkysốt, và Thằng Gù buồn cười thảy cuốn tiểu thuyết Đôngkysốt nầy là cuốn sách học đánh vần của tôi, khi tác giả cuốn sách bị cầm tù trong nhà giam của vua Tây Ban Nha, sau chiến tranh với người Thổ, ông ta nói: Thật là bất tiện? Một cách nói hài hước trong cảnh hoạn nạn, tôi nghĩ vậy. Chú Bê nói:
- Câu nầy là vốn sống riêng của nhà văn, của cải duy nhứt mà người nào muốn viết tiểu thuyết phải có, biết chưa. Cái ông viết cuốn sách kỳ cục, giễu cợt sự đời mà tao cho chú mấy mượn để mầy đang học đánh vần, là một nhà quý tộc bị sa sút, mỗi buổi “cơm” của ổng chỉ có một con bồ câu chiên hay rô ti gì đó thôi. Đói quá mà, làm cho ổng bị chứng bệnh hoang tưởng, biết chưa.
Chú cằn nhằn tôi là một thằng nhỏ hoang tưởng, cả nhà tôi đều bị bệnh hoang tưởng, rồi một buổi chú kể cho tôi nghe về một người Tây Ban Nha khác, một hoạ sĩ lớn, sau cùng chú Bê, nhà hoạ sĩ vẽ quảng cáo nói: chính chú là Picasso.
Anh tôi không có nhiều giấc chiêm bao như tôi, anh chỉ kể chuyện thật trước mắt, chuyện những cô gái làng đã đi qua đời anh, anh còn ghi lại ngày tháng lên tuổi của các “đương sự” đôi khi có cả hình ảnh minh hoạ cho những cuộc tình. Đổi lại tôi kể cho anh nghe một trong những giấc mơ đặc sắc của tôi, vì tôi chẳng có một chuyện tình nào.
- Tối hôm qua em nằm chiêm bao thấy em cỡi một con lừa lùn, chạy lon ton ngoài sau đuôi một con ngựa ốm tong, trên lưng ngựa là anh. Anh mặc áo giáp sắt, thanh gươm thật dài, trên tay còn cầm cây giáo cùn, anh là Đôngkysôt còn em là Xăngxô Pantra người hầu của anh.
Anh tôi không bao giờ cầm tới cuốn sách, anh hỏi Đôngkysốt là ai? Sau cùng anh ngắm tôi rồi nói:
- Mấy giống như cái người hầu mà mầy kể, làm đày tớ, không làm được chuyện gì lớn.
Anh vẫn ngồi trên nóc xe, còn tôi vẫn nằm trên tấm ván phóng dao trơ trụi, tôi kể tiếp:
- Nơi chân trời hiện ra chiếc cầu vồng, Pantra cỡi con lừa lùn qua tận bên kia chiếc cầu, hoá ra bên đó cũng không có gì hơn bên nầy. Anh ta muốn trở về chỗ cũ nhưng con lừa biến mất theo chiếc cầu. Pantra la hét kêu cứu nhưng Đôngkysôt cũng bỏ đi. Bỗng xuất hiện một con rồng hút nước, hút anh ta lên tận mây, từ trên đó anh ta nhìn xuống trái đất nhỏ như trái cam, sau đó tất cả đều biến mất, như trước đó vốn không có gì.
Không nghe anh tôi hỏi hay nói gì, tôi tưởng anh chán quá nên đã ngủ, hồi lâu tôi cũng lim dim. Một lúc sau bỗng nghe anh hỏi:
- Mấy nằm chiêm bao như vậy có nghĩa gì?
Tôi nói:
- Trước đây hàng triệu triệu năm, trái đất không có gì, sau nầy nó sẽ trở lại như vậy.
Tôi nghe tiếng anh thở dài, có lẽ anh ngán ngẩm câu chuyện tầm phào của tôi, anh nói chuyện của anh, chuyện tại làm sao đêm rồi anh cứ nhìn theo dòng người khi vãn suất hát. Trong khi nghe anh kể tôi ngước nhìn lên nóc xe, nơi người ta nói có một cô gái đã chết, tôi thấy anh tôi nằm ngửa mặt, trên mắt anh đắp một cái khăn tay, thói quen khi ngủ như Cha tôi và cả nhà tôi.
Tôi buồn vì mỗi lần kể cho anh nghe những giấc chiêm bao của tôi, anh chỉ yên lặng nhìn tôi thở dài, giống như anh đang nhìn một con người tội nghiệp, trong nhà thương điên.
Còn tôi vẫn nhớ giấc chiêm bao của mình: Tôi vẫn còn là Xăngxô Pantra, nhưng lần nầy đứng sau tấm ván phóng dao, em gái tôi như một thiên thần nhỏ đứng trước tấm ván, anh tôi cách chúng tôi một khoảng xa, chỉ có 3 anh em tôi trên một trái đất nhỏ xíu. Anh ném những mũi dao nhọn về phía em tôi, nó ôm mặt khóc, bất ngờ tôi xô ngã tấm ván, xông tới dùng thân của mình che em tôi lại, những lưỡi dao bay tới loang loáng như tên bắn, tôi chộp lấy những lưỡi dao, chợt thấy đau nhói, một lưỡi dao cắm vào tim tôi, tôi thấy tôi chết, khi đó chung quanh rộ lên tiếng cười và nhiều tiếng vỗ tay. Trái đất, anh tôi và em tôi biến mất, chỉ một mình tôi trơ trọi giữa không gian bao la vô tận, tôi nhẹ tênh, lạnh toát, chung quanh tôi không còn gì, không còn mặt trời, mặt trăng, các vì sao, kể cả những tiếng động, tất cả đều màu đen.
Có lẽ tôi giãy giụa la hét một lúc khá lâu, nhưng chẳng ai nghe tôi, tôi không biết mình thức hay ngủ, anh tôi vẫn nằm trên nóc xe, bên cạnh anh có một người con gái không rõ mặt, thân người đầy máu. Người đó leo xuống xe, cúi nhìn tôi, tôi cố đạp chân thật mạnh, la thật lớn, cuối cùng tôi thoát ra cơn mê sảng, tôi vẫn nằm trên tấm ván phóng dao, buổi trưa yên lặng. Trong chợ vắng tanh, ngoài kia trên sân chợ nắng dữ, tôi bị ngợp thở như ở trong một đám cháy, khi tôi mở mắt thì vật tôi nhìn thấy là... một con chó bỗng chạy ngang qua sân chợ. Miệng nó ngậm một khúc xương, nắng loá mắt và rồi con chó mất hút trong màu vàng chanh, một cách khó hiểu.
Trong đêm gánh hát chuyển qua một điểm khác, tôi ngồi trên mui xe ngắm nhìn mây trôi lang thang trên bầu trời khuya, mảnh trăng mờ trong mây. Gió tạt vào mặt tôi mát lạnh, chú Bê ngồi cạnh tôi vai đắp cái mền cũ, tôi kể cho chú Bê nghe giấc mơ của tôi, chú nói bộ não con người có một nơi bí ẩn. Nó chứa lại những hình ảnh như một cuốn phim, kể cả những điều mà mình mong ước và “thậm chí” không muốn có, sau đó một lúc khi mình ngủ thật say. Những hình ảnh đó tái hiện như dự cảm, loại trừ nhiều chi tiết vô lý vốn có, hoang đường, như là bay đi hay biến mất, thì nhiều giấc mơ giống - như - thật, chỉ có điều là sự thật đó không biết nó xảy ra lúc nào.
Chiếc xe lãng tử vẫn trôi đi trên con đường hun hút, trăng khuya bàng bạc khắp thôn làng say ngủ, ánh đèn nhà ai tù mù sau luỹ tre đen ngòm, một vài thị trấn ven đường mái ngói rêu phong. Chú Bê vẫn ngồi trên nóc xe với tôi, tôi không thể nào quên được khuôn mặt “đặc biệt” của chú, với chiếc mũi cong như mụ phù thuỷ, và cái miệng móm mém, sương khuya ướt đẫm cái mền cũ trên vai chú. Cha tôi ngồi với ngươi tài xế, Mẹ tôi lúc nào cũng nằm trên một cái thùng, bên cạnh em gái tôi lúc nào cũng thao thức. Còn anh tôi lúc nào cũng nằm cạnh chú Tài “say”, gánh hát di chuyển mọi nơi chỉ có một chiếc xe, mọi người chen chúc với những đồ vật biểu diễn, tôi thả người nằm trên tấm ván phóng dao.
Nhìn trời cao vời vợi, mảnh trăng trôi theo chúng tôi, hay là đứng yên một nơi, dải ngân hà lấp lánh như mọi đêm trăng sáng.
Khó thể giải mã giấc mơ của một người có trái tim thốn thức, và bộ não chưa hoàn chỉnh như tôi, nó hoàn toàn hư ảo. Tôi rất sợ những giấc mơ dữ như vậy mà sao mỗi đêm nó cứ hiện về tìm kiếm chính tôi, chỉ có một tôi. Trong những giấc mơ mệt nhọc nầy, lạ thay tôi hiện thân, trở thành những nhân vật tiểu thuyết còn hơn vậy nữa, những nhân vật thời sự, nếu như tôi tìm được một người nào đó biết về cõi thứ ba, miền đất mà người ta gọi là tâm linh, miền đất hoang tưởng vô thường, mà số phận của tôi cho phép tôi chạm chân lên đó, tôi sẽ hỏi nhiều điều, rất tiếc là tôi không gặp được người đó. Bỗng nhiên tôi nhớ chú Bê, khi tôi suy nghĩ điều nầy, tất cả những cái gọi là kiến thức mà tôi có là nhờ chú. Người hoạ sĩ giang hồ nầy có quá nhiều sách, và nhiều ý tưởng trừu tượng, trong một hoàn cảnh như tôi, sách đánh vần vỡ lòng, sách tập đọc mà tôi cắm cúi học, đều do chú Bê tốt bụng cho mượn, khổ thay nó toàn là tiểu thuyết. Sau cùng, nó có một hậu quả tôi sống và ước mơ như một nhân vật trong tiểu thuyết, mà buồn cười thay trong đời sống của tôi nó cũng không khác gì? Tôi gần như không thật, mà có kể cũng ít ai tin.
Mặt khác, tôi có nhiều dự cảm về những bi kịch, tên nầy do tôi đặt cho các loại chuyện buồn, bất trắc, khi nào tôi ngờ rằng nó sẽ xảy ra, và nó xảy ra thật, ban đầu chỉ là những dự cảm nhỏ. Tôi còn làm cho mọi người ngạc nhiên về cái- tài- tìm- đồ vật, ban đầu là Mẹ tôi, bà hay làm rớt cây kim, sau đó thường xuyên là vài lá bài, ngẫu nhiên tôi nói nó đang nằm đâu, bà tìm thấy, về sau khi mất cây kim hay lá bài, bà lại nhờ tôi kêu tên nó. Chúng ở đúng nơi trong xó xỉnh nào đó tới nỗi khiến chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi đoán mưa nắng ít khi sai, sau đó lần hồi vào các chuyện nhiêu khê khác, có khi tôi nói bâng quơ về ai đó, về tai nạn hay một người... chết. Lạ thật sự việc tuần tự xảy ra, từ đó, ít có người dám tới gần tôi hay nghe tôi nói chuyện, mỗi lần tôi đoán đúng một chuyện, trong người tôi rất mệt, như trút tất cả sinh lực của mình, năng khiếu nầy ngày càng lớn, tôi càng còm cõi hơn, điều khác khiến tôi lo sợ và cố giấu mọi người, tôi có nhiều dự cảm lớn hơn đúng hơn, nhưng khổ thay ai cũng đã biết. Chính Cha tôi cũng ít khi tới gần tôi, tôi thường thấy ông đứng đâu dó, một khoảng cách mà theo tôi nghĩ, ông giữ sự an toàn, để nhìn tôi bằng đôi mắt lo lắng. Chỉ có một điều khó, những chuyện tôi đoán tôi lại không biết là nó xảy ra lúc nào? Điều đó vô cùng khổ tâm, làm đau buốt tận trái tim tôi, nó hạn chế lòng tốt của tôi, khi tôi muôn giúp người, giúp ai đó tránh hay qua khỏi tai nạn, thường là ngẫu nhiên, không cách nào hạn chế hay ngăn chận được cái gọi là ngẫu nhiên, tôi chỉ dự cảm được cho người khác còn khi dùng bài vặt cho chính tôi, nó hoàn toàn mù mờ không hiệu nghiệm. Cái đó không lạ, về sau tôi chiêm nghiệm, như người ta hay gọi là- không- lường- trước- được, hoàn cảnh đâu có phải như một khối lượng như gạo, cát trong một dung tích, nó vô hình và bất ngờ xuất hiện, hoàn toàn không hề là vật chất.
Bi kịch phần nhiều tuần tự biến chuyển, có thể trông thấy như mây trên trời mà nó lại phát triển tạo nhiều hoàn cảnh khó cho con người, nhiều người không biết cho rằng định mệnh, thật ra do mâu thuẫn, ngộ nhận... và nhiều thứ khác, bi kịch là sản phẩm chính con người tạo ra, tự họ đem tới điều xấu, điều bất hạnh, buồn cười là nhiều lúc, chỉ là một lời nói đùa, rủi thay nó lại khá ít niềm vui.
***
Tôi không hiểu tại sao Cha tôi không nhờ thợ mộc đóng thêm cái bệ để tấm ván phóng dao, mà phải tốn thêm một người đứng sau vịn nó khi biểu diễn là tôi. Tại sao không phải là chú Tài “say” hay chú Bê hoạ sĩ mà là tôi, sự hình thành ban đầu nầy cho thấy nhen nhóm bộ ba nhân vật của bi kịch. Anh tôi phóng dao, em gái tôi đứng trước tấm ván, còn tôi ở sau nó. Em tôi từ nhỏ đã đứng trước tấm ván, lúc đó chúng tôi còn là gánh hát rong bán thuốc nhức răng, ở tuổi nó, một đứa con gái nhỏ bé đáng lý chơi trò búp bê, cột võng đưa em, nấu ăn, hay nói chuyện với những bông hoa thì em tôi cứ phải nhìn những lưỡi dao bay về phía nó. Có lẽ lúc đầu vì còn nhỏ quá nó không biết sợ, nhưng thời gian trôi qua nó bắt đầu hiểu ra những lưỡi dao bén thật. Tôi vẫn còn nhớ một chuyện, tuy nhỏ, một hôm em tôi ngồi nhìn Mẹ làm cá, nó cứ nhìn trân trối con dao, bà có một con dao bằng thép thật bén, những ngày sau đó nó cứ ngồi một chỗ lấy tay che mắt, tối lại diễn xong màn phóng dao tôi thấy em tôi khóc, nó đã biết sợ. Nhưng mọi chuyện đã là thói quen thành nếp, khó thay đổi được, mà cũng mấy ai muốn thay đổi cho mất công, chỉ có mỗi tôi là muốn điều đó khác đi. Lập tức trước mắt mọi người tôi liền có vẻ bất thường.
Không ai nhìn thấy điều nầy, về hình thể em tôi khô cằn không ra dáng vẻ thiếu nữ, ở tuổi mười bốn mười lăm những đứa con gái khác đã trổ mã, nhưng sao nó vẫn như đứa trẻ con, lại có vẻ “già” trước tuổi. Ở em chỉ có đôi mắt là cử động, còn toàn thân bất động, nó hay ngồi liền một lúc chỉ một nơi, đôi mắt như muốn nói gì nhưng không dám nói, không nói được, đôi khi nó cứ ngậm hoài một một ngón tay, cứ vậy. Năm đó tôi được 16 tuổi, em tôi 14 và anh chúng tôi 18 tuổi, tôi có chút thay đổ, u buồn hơn, tôi ngẩn ngơ xa lạ với chính mình, tôi từ chối sự hiện hữu của tôi, nhưng cái gì biết suy nghĩ thì nó lại còn sống. Tôi suy nghĩ và sống kiểu tôi, khá bệ rạc, tôi không chăm sóc vẻ ngoài, sống mòn mỏi khủng khiếp trong những giấc mơ tiểu thuyết, tôi thường mơ thấy:
“Tôi thấy tôi cầm một lưỡi dao trên tay, nó đúng là lưỡi dao của Mẹ tôi hay làm cá, không biết tại sao tôi lại len lỏi vào một đám đông, hình như đó là buổi lễ ngoài trời. Tôi cứ theo sát một người đàn ông nhỏ thó da nâu sậm, ông già mang kính tròn gọng sắt, choàng miếng vải thô rộng quanh người. Bỗng ông già tiến tới đứng trước một tấm ván, nó như canh cửa nhà mồ, tôi đứng trong đám đông, bất thần phóng lưỡi dao về phía ông...”
Giấc mơ kể trên là một trong những giấc mơ quen thuộc, khủng khiếp là hoảng loạn nhứt của tôi. Anh tôi khó ai hiểu nổi, anh rất ít nói, cuộc sống nầy tàn phá anh em tôi tới tận cùng, có lẽ anh cũng khổ tâm không thua gì ai, nhưng anh chịu đựng được nó. Hôm tôi nằm trên tấm ván kể cho anh nghe câu chuyện chiêm bao về Xăngxô Pantra ở nhà lồng chợ Tân Hiệp, tôi cứ tưởng là anh ngủ, nhưng không. Sau đó khi tôi vác tấm ván xuống sông, anh đi theo tôi. Tôi với anh ngồi bên bờ sông nhìn chiều xuống, lúc đó anh có mang theo cần câu cá tự chế, anh cho tôi một cần câu nhỏ hơn, chúng tôi thả câu, mặt sông lúc hoàng hôn lăn tăn sóng nhỏ, tranh tối tranh sáng, anh hỏi:
- Làm cách nào mà người ta tìm được một vài giấc chiêm bao.
Lúc nầy, khi nhìn anh tôi trong bóng chiều, lần đầu liên sau nhiều năm trường sống vui buồn bên nhau, tôi không còn có cảm giác anh là người xa lạ với tôi, lần đầu tiên tôi biết thương anh, gần gũi với anh. Tôi khám phá ra anh dễ thương hơn là tôi tưởng, tuy nhiên, bỗng tôi thấy mình có lỗi với anh, mình đã làm điều gì đó sai quấy với anh, mà anh lại hiền lành là vậy, đằm thắm là vậy, tôi cứ nhìn anh cố nhớ xem tôi đã xúc phạm anh lúc nào. Gió chiều làm cho mái tóc đen dài của anh bay bồng bềnh trông anh thật lãng mạn, anh quay qua bắt gặp cái nhìn trìu mến của tôi, bất chợt anh lại hỏi, vẫn với nụ cười trên môi:
- Hình như ban ngày mình muốn cái gì, thì trong khi ngủ mình nằm chiêm bao thấy chuyện đó, đúng chưa? Em có nhiều giấc mơ hơn anh, em giàu hơn anh nhiều.
Tôi lại khám phá ra anh tôi thêm một lần nữa, anh là một con người mộc mạc giản dị hơn tôi, còn một khám phá thú vị hơn, anh nói chuyện nghe rất hay, vậy mà lâu nay tôi đâu có biết. Anh lại nói với tôi:
- Nhà mình nghèo quá, cứ sống lang thang, anh muốn làm một chuyện gì đó lớn hơn, để đổi đời, sống chết một lần, mình lại chỉ có một đời, ít vốn quá.
Anh có một khát vọng nóng bỏng, táo bạo, nguy hiểm, và khá phiêu lưu, tôi rợn người khi lắng nghe anh kể về điều đó Lúc nầy mặt trời miền Tây đỏ rực trên sông trong buổi chiều tà. Anh tôi mỉm cười, răng anh trắng đều như hạt bắp. Nhưng đúng vào lúc đó tại sao lại có một chút nắng tàn phai trên tóc và mắt anh. Tôi như nhớ lại có lẽ nào Má tôi nói về những linh hồn phiêu du, khuôn mặt hiền hậu nầy tôi đã trông thấy ở đâu? Trong giấc mơ, phải rồi, trong một giấc mơ của tôi. Anh có nhiều nét giống hệt như ông già mang gọng kính sắt tròn mà tôi ném lưỡi dao vào ông (trong tiềm thức, tôi đã giết anh tôi, tôi đã giết người. Một điều không thể chối cãi, rõ ràng là tôi có mặt ở đó với hung khí, hoàn toàn không có chứng cớ ngoại phạm).
Ức chế bao lâu nay, khi đứng sau tấm ván phóng dao, vì thương em tôi, đã đưa tôi giấc mơ dữ, dù là vậy tôi vẫn cứ xót xa nhìn anh, anh của tôi. Anh tôi không có được một giấc chiêm bao, thà như vậy còn hơn, tôi biết như vậy làm cho anh buồn, ở phía sau của một tờ giấy nhiều chữ, vẫn còn có một ý nghĩa khác. Cũng như ngoài sau những nụ cười bỡn cợt Cha tôi già nhanh hơn, mái tóc ông điểm bạc lưa thưa, còn Mẹ tôi, sau cùng không giấu nổi bệnh suy tim, bà lúc nào cũng phải có chai thuốc trợ tim bên cạnh, như đứa con gái nhỏ tội nghiệp của bà.
Ở miền Nam hai mùa mưa nắng, song giữa lúc trời hanh khô thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa rào không ướt đất, trong những cơn mưa trời bỗng nổi cơn thịnh nộ với ánh chớp sáng rực, tia lửa giết chết người. Chúng tôi lại đi nơi khác triền miên kiếp giang hồ, tôi tạm biệt Tân Hiệp vào một đêm trời sáng trắng, anh tôi không giấu được vẻ bồn chồn, xe lăn bánh ngang qua rạp chiếu bóng nhỏ như yên ngủ. Những tấm panô quảng cáo phim vẽ hình đôi tình nhân đang hôn nhau, phim nói về một mối tình trắc trở giàu nghèo, có lẽ anh tôi rời thị trấn heo hút nầy với với bao nỗi niềm, tôi đoán là với người con gái nào đó đã đến xem anh phóng những lưỡi dao.
Nhiều lần tôi tới Tân Hiệp, tôi cũng đã yêu, khi tôi ngồi trên sàn một cây cầu tàu bỏ hoang với tấm ván ướt sũng nước, đó là một buổi chiều muộn màng và buồn rầu, bỗng có một cô gái không quen từ thị trấn đi về hướng chợ. Bóng cô gái xa lít tắp trong một không gian bao la vần vũ mây trời, mất tôi cứ mải nhìn theo nhìn cô gái cho tới khi cô xuống một chiếc xuồng nhỏ qua bên kia sông, thân phận một con người thật nhỏ nhoi với thiên nhiên. Buổi chiều hôm đó lòng dạ tôi cứ bâng khuâng làm sao, và tôi đã biết thế nào là yêu, cho mãi về sau nầy tôi mới biết đó là Phương, con gái ông chủ rạp chiếu bóng. Lúc đó tôi nói nhỏ: Tạm biệt, có lẽ anh tôi cũng nói như vậy trong lòng anh, còn tôi sau nầy có trở lại Tân Hiệp nhiều lần, trong cuộc đời thăng trầm của mình, có khi trên đường ngang qua, bao nhiêu năm rồi mà thị trấn nầy vẫn có vẻ như nằm say ngủ hai bên con đường bụi mờ, nó cứ vẫn còn một đoạn đường sắt nhưng không có chuyến tàu lửa nào đi qua.
Anh tôi thì khác, đó là câu chuyện của những trang sau, vào thời nầy khán giả không có được nhiều trò giải trí như bây giờ quanh quẩn cũng chỉ có vài gánh hát về làng. Nơi chợ quê, bến nước, con đò, mỗi lần gánh hát, như gánh của Cha tôi về thì thật sự như những ngày hội hoa đăng. Với gánh hát xiệc của Cha tôi, ngoài những trò hề, xiệc, ảo thuật, nó còn những vở kịch ngắn hài hước vui nhộn. Nhưng màn phóng dao của anh em tôi mới là màn mà khán giả thích nhất của đêm biểu diễn.
Chính vào buổi chiều tàn bên bờ sông Tân Hiệp, lúc anh em tôi có dịp ngồi bên nhau, nói về những ước vọng xa mờ, nó đã có những tín hiệu đầu tiên của cuộc phân ly đau lòng. Tôi có một cảm giác khác thường, sợ hãi, hối hận, đồng thời cũng khó hiểu được vì sao một lúc tôi thương yêu anh tôi, còn một lúc khác tôi lại coi anh như một người xa lạ. Có lẽ vì đứa em gái tội nghiệp của tôi và anh.
***
Cô gái trẻ trẻ mang chiếc máy ảnh đi quanh quẩn khá lâu trong xóm Đa Kao, hỏi thăm một lúc mới gặp được một thằng nhỏ biết nhà của chú hoạ sĩ Bê. Chú Tài “say” ngồi trước đĩa cơm cháy với xị rượu đế, đôi mắt chú vàng như nghệ, coi như lú lẫn không còn nhớ gì. Chú Bê với cái ngực dẹp lép như người ho lao vậy mà sống dai tỉnh táo:
- Sao cháu không tìm tư liệu viết về sân khấu ca kịch, viết chi về xiệc với mấy trò ảo thuật, nghề đó đâu có ai coi trọng. Đây nè chú với ông ngoại nầy hồi trào năm mươi sáu mươi có đi gánh hát xiệc của ông Sạc lô Trần, bây giờ về già có được cái gì đâu, người ta quên ráo trọi rồi.
Chú Bê than phiền như mình là một nghệ sĩ lớn bị bỏ quên, cô gái nói:
- Cháu muốn biết về một người nổi tiếng lúc đó, làm nghề phóng dao.
Phóng dao thì có Sáu Sơn, sau đó thì Phi Long, cựu trào còn như người trẻ hơn là cậu Hai con trai lớn của ông Trần.
- Cháu muốn xin ông cho cháu địa chỉ người đó.
- Còn đâu nữa mà địa chỉ.
- Xin ông vui lòng kể về người đó, được không ông.
Một lúc sau ông Bê mới chịu kể, nhưng khi ông chịu kể rồi thì không dứt, ông già bây giờ sanh tật nói một hồi là “say” chuyện:
- Tôi kêu ông Trần bằng anh Hai, còn cậu con trai lớn của ổng tui kêu bằng cậu Hai. Cứ mỗi lần cậu Hai ra sân khấu hát màn phóng dao thì cậu ăn mặc toàn màu đen, áo đen, quần đen, đôi giày cũng đen. Độc đáo là bộ dao của cậu Hai, nó làm bằng thép đen bóng coi thấy sợ lắm, ăn tiền là chỗ đó, nó có hết thảy là 12 lưỡi, chuôi dao cột chỉ ngũ sắc. Cái nghề nầy ít ai làm, khó lắm, không khéo là giết chết người. Không phải ai phóng dao cũng dính tấm ván, theo tui biết là như vầy, ví dụ như tui cầm lưỡi dao, tui phải đứng cách xa tấm ván 7 bước bởi vì tầm tay tui ngắn. Sở dĩ cậu Hai danh tiếng hơn mấy người khác bởi gì cậu nầy lạ hơn, đứng cách xa tấm ván tới mười bước, khó điều khiển lắm, cậu có thể phóng bể những cái bong bóng mà người đứng trước tấm ván không bị thương, cậu nầy có tài. Theo tui biết chút đỉnh thì nguyên tắc không bao giờ được quên của người phóng dao giỏi là không bận tâm cái chuyện gì ngoài đời, khi lên sân khấu hát màn nầy. Khi phóng lưỡi dao, lúc nào cũng phải chồm người tới đàng trước một chút, gọi là trừ hao? Lưỡi với chuôi dao, khi phóng mạnh nó quay tròn trong không khí, nó quay chiều dọc. Nhưng khi nào cánh tay của người phóng xê dịch chiều ngang, lưỡi dao chiếm chỗ bằng hàng ngang, cô hiểu chưa, nguy hiểm vô cùng cho người nào đứng thí mạng trước tấm ván. Quá nhiều lần tui chứng kiến mấy cô đào phóng dao bị sát thương, từ trào Sáu Sơn cho tới quái kiệt Phi Long. Làm cái nghề đào hát đứng trước tấm ván nầy là chịu chết, lưỡi dao thế nào cũng chém vô mặt, đâm vô tay, chạy trời không khỏi nắng, sớm muộn gì cũng bị. Tui kể cô nghe chuyện nầy mới là thấy thương, người anh lớn thì đứng hát vai phóng dao, còn cậu Ba, cái người mà hồi đó tui hay kêu bằng người cõi trên thì đứng ở ngoài sau vịn tấm ván, thê thảm nhứt là cô Tư, đứa em gái trong nhà lại đóng vai cô đào phóng dao. Tôi nghĩ rằng cậu Ba nầy trước sau gì cũng điên, tim gan con người chịu làm sao thấu, cốt nhục tương tàn, 12 lưỡi dao phóng nhiều kiểu. Tất cả theo tôi đếm được là hơn 48 lần cô gái phải hứng chịu sự nguy hiểm tới thân mình, không phải một suất hát mà hàng trăm hàng ngàn suất, 48 lưỡi dao bay tới trong một suất.
Cô cứ thử tính một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, trái tim con người ta phải đập biết bao nhiêu lần cho sự hồi hộp tủi thân chưa kể 3 ngày Tết diễn biết bao nhiêu suất phải là nhịp đập của trái tim của một con người phi thường, cho cái trò chơi bạo lực, sự tra tấn dã man, như thời trung cổ đó.
Cô gái khóc, đôi mắt đỏ hoe, cánh mũi cũng đỏ, làm cho hai ông già khá ngạc nhiên, câu chuyện nầy có gì liên quan tới cô, nhưng ông Bê không biết, ở tuổi 17 của cuộc sống mới ngày nay, đối với cô gái trẻ, chuyện một ông già kể, giống như cổ tích. Màn phóng dao không thể thiếu một “Thằng Hề” một thời gian dài, chú Tài “say” làm việc nầy, chú biết khá nhiều nhưng uống rượu cũng nhiều.
***
Những điều chú Tài “say” biết chú đều bỏ quên đâu đó, chú như cái đồng hồ luôn luôn sai giở, trớ trêu thay chú chỉ nhớ khi đã ngà ngà men rượu, thành ra chú chỉ được việc khi nào say mềm. Khi say chú Tài nói chuyện có duyên, tướng tá ngả nghiêng lật đật lức cười, chính ông Trần khám phá điều đó, nhờ vậy... chú có thêm một công việc khác hơn là đi xin phép hát, chú làm thằng hề gỡ dao!
Không biết từ lúc nào, hễ ở đâu có màn phóng dao thì ở đó có thằng hề, vai trò nầy chỉ để gỡ những lưỡi dao, ghim chặt vào tấm ván sau mỗi lần người diễn viên chính phóng đi. Rất giàu chi tiết tạo cớ để pha hài, như thằng hề bị bắt đứng trước tấm ván, run lập cập, bất ngờ cúi lạy như tế sao, hay là bất ngờ hơn những lưỡi dao cắm thẳng vào bụng anh ta, làm cho khán giả hét lên.
Nhưng sau đó anh chàng toe toét cười, lôi trong bụng, sau vải áo một mảnh ván khác thật dầy, cuối cùng anh ngậm bên kia đầu một trái chuối, cô đào phóng dao cắn một bên, lưỡi dao chặt ngọt chia hai trái chuối, một pha... cười đứng tim.
Trò hề nầy thật... hề, lúc nào cũng làm cho khán giả cười ngất ngư... nhưng chú Tài “say” thì không cười, mặc dù lúc nào cũng say, nhưng khi tới màn nầy, chú để sẵn một xị rượu sau tấm ván, lúc nào chú không có việc ngoài sân khấu thì chú chạy tọt ra sau tợp một ngụm, cũng có lúc dứt cơn say, lúc đó chú buồn hiu, run lập cập vì sợ.
Làm hề không phải nghề của chú, nhưng chú cũng phải vẽ mặt, đeo một cái râu quặp xuống hai bên mép, nó còn run lên qua hai ống tre, tạo thêm những tràng cười. Chú là người đạo mạo nghiêm trang, vai trò “quản lý” gánh hát, thành ra rất bực mình khi phải làm thằng hề, mọi sự đều được chú đổ thừa để tìm tới hũ rượu, nên mọi người gọi chú là Tài say.
Ông Trần có nhiều cái khó rất đúng, như là ông buộc các diễn viên ra sân khấu phải hoá trang thật đẹp, đúng nhưng chuyện nầy khổ cho mấy anh dàn cảnh, có anh chỉ bê cái bàn ra sân khấu cũng phải hoá trang, còn bà Trần ngồi bán vé, gác cửa, cũng tô son điểm phấn? Mà nào phải son phấn gì cho tốt, màu đen từ lọ chảo pha với dầu dừa, màu trắng là bột màu nước nấu với tròng trắng hột vịt, còn màu đỏ có khi là bao nhang, có khi là... cũng bột màu nước vẽ quảng cáo của chú Bê. Da mặt của các “nghệ sĩ” càng ngày càng thâm xịt như miếng thịt trâu quá buổi chợ chiều.
Buổi chiều khi xe “rao bảng” chạy đi khắp chốn trong chợ huyện, thì ông Trần đã ngồi hoá trang, ông luôn luôn có cái râu Sạc lô dưới mũi, điều lạ là ông chưa lên sân khấu cũng để nguyên khuôn mặt đã hoá trang ngồi quán cà phê, hay là la cà đâu đó trước rạp. “Dộng màn” tức là dùng một thanh gỗ dộng xuống sàn ván sân khấu coi như chuông báo hiệu sắp kéo màn biểu diễn, chú Tài Say liền hoá trang cho mình, tức cười là, cũng có khi rắc rối về giấy phép hay bị nạn coi cọp, chú cũng y chang cái mặt hề ra nói chuyện phải quấy với ông huyện ông xã. Chú là người hoá trang cho cô đào con đứng chịu phóng dao, cô gái nhỏ có khuôn mặt xanh xao tội nghiệp được phủ một lớp phấn trắng dầy, và một màu hồng giả tạo trên má, chú cũng vẽ mặt hề cho cậu bé mà ai cũng nói là “người cõi trên” chú tô cho nó một cái mũi đỏ chót, cái miệng cũng đỏ ngoác lên tận mang tai.
Tháng bảy trời nóng như thiêu đốt, trên mặt những con lộ tráng nhựa nổi sóng lăn tăn, vài con chó đang chạy chơi ngoài đường... bỗng té khuỵ chân lè lưỡi, bà Trần cứ ngồi nhìn chăm chú đứa con trai “người cõi trên” của bà, sao lạ? Nó đi vòng vòng như con gà tìm chỗ đẻ, miệng lầm bầm chỉ một câu - Tại sao - Bà chỉ cho ông Trần thấy, ông lắc đầu, bà Trần sợ hãi lo lắng.
Suốt nhiều ngày “người cõi trên” không ăn một miếng cháo, nó nằm trên tấm ván nhìn lên nóc rạp, cô em gái rón rén tới nhìn:
- Anh sao vậy?
Thằng nhỏ nóng hàm, nó khóc thút thít những ngày trước nó chỉ ngồi trong bóng tối, nó nói: có... người nào đó trên nóc rạp cứ phóng những lưỡi dao xuống mặt nó?
Nó la hét như bị ma đè, cụng đầu vào tường. Cô em gái thương anh lo chườm cái khăn bọc nước đá trên đầu anh mình, mỉm cười nhìn nhìn... làm quen, một lúc sau lại hỏi:
- Anh sao vậy? Nói cho em nghe đi, “người cõi trên” ấm ức không nói, nó khổ tâm vì chiều nào cũng phải vẽ cái mặt hề, ngồi trên chiếc xe ngựa hai bên treo hai tấm bảng quảng cáo, nó phải đánh trống, rồi nhăn mặt nhíu mày làm trò khỉ. Con nít trong huyện cứ chạy theo chiếc xe ngựa, trêu chọc nó cho tới khi chiếc xe rao bảng về trước sân rạp, nó lại chịu trận, đứng đánh trống cho tới chập tối, chân cẳng mỏi nhừ, vẫn với khuôn mặt hề lem luốc như ma trơi. Còn mấy đứa con nít được má tụi nó kêu về nhà, ăn cơm chiều xong, tắm rửa thay đồ mới, chạy mau qua sân chợ, vây chung quanh nó tiếp tục trò chơi “chọc quê”, có đứa chơi ác lấy đất cát chọi phá. Dưới ánh sáng của cái đèn “măng xông” treo cạnh bàn bán vé “người cõi trên” hậm hực, nước mắt lưng tròng thấy còn thêm tức cười, chưa hết, sau đó nó đứng sau rạp vắng hoe đầy gò mả, tưới những gáo nước lên tấm ván, hơi bị sợ ma.
“người cõi trên” lâm bịnh, nằm thừ lừ trên tấm ván phóng dao, nó không nói được, không ai chịu hiểu nó, nó chạy tới cụng cái đầu trọc vô vách, rồi cứ đi... vòng vòng, miệng lẩm bẩm - tại sao tại sao - làm cho bà Trần lấy làm lạ hỏi chú Bê, bởi chú hay nói chuyện với con bà:
- Chú Bê, thằng Ba bị cái gì vậy?
Chú Bê cười ruồi:
- Nó bị người khuất mày khuất mặt bắt, tại đêm nào nó cũng đứng sau gò mả!
Bà Trần lại hỏi:
- Trời... trời, nó đứng ở ngoài làm cái gì vậy trời?
Bà Trần lo quá, “người cõi trên” đây sao. Bà cứ ngồi nhìn Ba chăm chú, đứa em gái của nó thấy vậy tội nghiệp, hỏi nhỏ nhẹ, như năn nỉ anh mình.
- Sao anh khóc? Anh đừng khóc nữa.
Nó khóc thút thít, em nó cũng khóc, làm cho chú Tài “say” cũng mếu:
- Anh không muốn vẽ mặt hề đi rao bảng, mắc cỡ quá!
Chỉ có vậy, bà Trần nói với chồng:
- Thằng Ba xin ông cho nó đừng vẽ mặt hề đi rao bảng. Tụi con nít chạy theo chọc nó quá, nó khùng, nó bịnh, nó cụng đầu vô vách.
- Không muốn thì nói, ai cấm nó nói.
Ông Trần bực tức la lên, nhưng tối đó sau khi vãn hát, ông nói nhỏ nhẹ với con.
- Vậy chớ con muốn làm cái gì?
- Dạ, Cha muốn con làm gì con cũng làm, Cha đừng bắt con vẽ cái mặt hề đi rao bảng, con khổ lắm, tụi nó chọc con là thằng hề lưng gù hộc máu.
- Vậy thôi mầy ở không ăn khỏi làm nữa.
Ông Trần giận dữ bỏ đi, ông có cái tánh không chịu nghe nhiều, nếu ông chịu khó ở lại một chút, chịu lắng nghe một chút, ông sẽ hiểu đứa con nhỏ bé yếu đuối của ông còn có chút lòng tự trọng, trong cái thân hình còm cõi không ra hình người của nó, nó bị mất nhân cách về việc mà ông coi là nhỏ đó, những đứa trẻ bằng tuổi nó sung sướng hơn. Còn hơn như vậy, đứa trẻ tội nghiệp nầy muốn nói với ông nhiều điều mà nó không dám, nó muốn nói: ông không nên để đứa em gái nhỏ của nó phải đứng trước tấm ván phóng dao, tội nghiệp. Lúc nào trong cái đầu nóng bưng của nó cũng vang lên tiếng thổn thức:
- Cha ơi đừng cho em con đứng phóng dao nữa, nó là con gái, nó còn nhỏ quá, Cha ơi bỏ... nghề nầy đi Cha.
Thằng nhỏ lại sốt suốt đêm, nó nằm trên tấm ván hằn sâu những vết thương, nó chỉ thều thào câu nói đó.
Ông Trần không giấu được nỗi buồn, thằng con ông nói đúng, buổi tối khi tất cả mọi người ngủ say, ông ngồi một mình hút gần hết bao thuốc, lúc sau bà Trần tới ngồi bên chồng. Không phải một mình ông buồn mà bà cũng buồn, ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ tổ nghiệp, với vài cây nhang tàn, hai ông bà thở dài nhìn đứa con mọn nằm trơ trọi trên mảnh ván, không mùng không mền, không có nổi một cái gối, còn đứa con gái ngồi trong bóng tối với xâu chuỗi cầu kinh. Gần sáng ông đi qua các dãy ghế tới chỗ con, ông khe khẽ đưa bàn tay già nua vuốt tóc nó. Mưa rào trên nóc rạp chợ, trời mờ sáng, sau khi dứt cơn mưa, chợ nhóm một chút rồi tàn, ông đi ra ngoài, nhìn cái gánh hát nghèo nàn của ông, sau cơn mưa lúc nửa đêm. Nó như không có thật, chỉ mong manh vòng tròn vài thước sân khấu đất, vuông vức chút sân khấu ván, đối với ông, vậy mà đã đi hết cả một đời người.

<< Phần 1 | P 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 335

Return to top