Thứ năm, ngày 1/6, anh giáo Andre Heintz ở Caen mở đài
BBC lúc 9h15, phấp phỏng chờ thông điệp mà anh mong đợi bấy lâu. Nếu có thì đây là lệnh báo hiệu lần thứ hai, rằng D-Day đã đến gần. Anh đã mong chờ lâu đến nỗi việc mở đài và dò sóng
BBC trở thành quá quen thuộc.
Heintz lắng nghe giọng nói yếu ớt mang đến thông điệp qua sóng truyền thanh. "L’espoir brule toujours" (Hy vọng mùa xuân vĩnh cửu) – không có gì. "La lune est pleine d’éléphants verts" (Mặt trăng đầy những con voi xanh). Lại không có gì.
Rồi đột nhiên, nó đến. Mấy từ đã ăn sâu vào óc não anh từ mấy hôm trước. Heintz đang dạy ở một lớp nam sinh thì có thông báo của hiệu trưởng mời anh xuống cầu thang gặp một phụ nữ. Rất vội vàng, cô đưa anh đọc thuộc lòng mấy dòng và nói cho anh biết ý nghĩa của thông điệp. Cô là người của phong trào kháng chiến.
Những từ đó là dấu hiệu cho biết cuộc tấn công sẽ nổ ra trong vòng 24 giờ kế tiếp, và đó cũng là hiệu lệnh bắt đầu những hoạt động lật đổ bên trong vùng Đức tạm chiếm. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh nghe rõ mồn một: "L’heure du combat viendra" (Giờ chiến trận đang đến). Thông báo phát đi từ Vùng 1 của Phong trào kháng chiến Pháp, vùng Normandy, lệnh cho toàn vùng sẵn sàng. Cuộc tấn công có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong tháng 6. Công việc của anh giờ đây là thông báo với các mối liên lạc, và chuẩn bị sẵn sàng.
Với Albert Grunberg, đang lẩn trốn trong một căn gác nhỏ ở Paris, đấy cũng là tin tốt lành. Anh đã trốn ở đó một năm rưỡi. Mấy hôm nay, Grunberg đau đáu lo cho số phận của hai con trai đang ở Chambery, nơi máy bay ném bom của đồng minh oanh tạc dữ dội nhằm vào các tuyến đường sắt và nhà ga. Cuối cùng, hôm nay anh đã nghe được tin tức bấy lâu mong ngóng. 5 giờ chiều, có tiếng gõ cửa nhẹ. Bà chủ nhà Oudard đứng bên ngoài, giúi vào tay anh một lá thư rồi biến xuống cầu thang trong chớp mắt. Thư của các con. “Chúng con vẫn ổn”, anh đọc, “thành phố bị ném bom dữ dội, nhưng nơi trú ẩn của chúng con ăn sâu trong núi đá nên không có gì đáng ngại…”. Nhờ ơn trên, những người đến giải phóng cho anh sẽ không vô tình làm hại các con anh.
1/6 cũng là ngày Đô đốc Bertram Ramsay chính thức nhận trọng trách chỉ huy chiến dịch Neptune, đưa quân đội vượt eo biển Anh. Ông là một trong ba viên tướng cao cấp nhất dưới sự tổng chỉ huy của tướng Dwight D Eisenhower. Từ tổng hành dinh ở ngoại ô Portsmouth, đô đốc Ramsay kiểm soát khoảng 5.000 tàu chiến.
Ngay cả đô đốc Ramsay (61 tuổi) với trọng trách nặng nề trên vai cũng không bỏ lỡ dịp thư giãn trong một buổi chiều hè tuyệt đẹp đầy nắng. Ông hào hứng tham gia chơi cricket và góp khá nhiều công cho chiến thắng của đội mình. Trong khi đó, tại đại bản doanh ở Kingston, Eisenhower cảm thấy tràn đầy tự tin. “Dự báo thời tiết khá thuận”, ông đánh điện bức điện tối mật gửi George C Marshall, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. “Mọi người có tâm lý tốt và không ngại nếu thời tiết thay đổi. Chúng ta sẽ chơi một vố như đã định”. Mọi việc dường như sẵn sàng cho ngày 5/6.
Nhưng ngày 2/6 mang đến một tin xấu. Sáng hôm đó, 72 giờ trước D-Day, Eisenhower tới tổng hành dinh cùng đô đốc Ramsay. Đi cùng với ông là viên phụ trách theo dõi khí tượng, Đại uý không quân hoàng gia James Stagg. Sinh trưởng tại Edinburgh, Stagg có trí tuệ sắc sảo và lòng dũng cảm tuyệt vời, những phẩm chất mà anh sẽ tỏ rõ trong những ngày tới. Hôm trước, Stagg đã nhận thấy những chuyển biển bất lợi của thời tiết từ phía Đại tây dương lan dần đến Anh. Sáng thứ sáu, Stagg báo cáo rằng anh không thể ước tính mức độ gió và tầm mây thấp đến đâu vào ngày 5/6. Cuối ngày hôm đó, khi những tấm rèm của tổng hành dinh đều phải kéo xuống và đóng chặt, Stagg thừa nhận rằng các chuyên gia khí tượng không thể đưa ra những dự đoán đồng nhất, và từ nay không thể tin tưởng hoàn toàn vào dự báo. Sau khi lắng nghe chăm chú, Eisenhower hỏi: “Stagg, anh nghĩ thế nào?”. Stagg nhìn thẳng vào mắt viên chỉ huy. “Nếu tôi phải trả lời câu hỏi này, thưa ngài, tôi sẽ biến thành người đoán mò, chứ không còn là nhà khí tượng học”. Eisenhower đành phải hài lòng.
Thời tiết bất thường đe doạ làm hỏng kế hoạch D-Day. Quân nhân Glenn Dickin người Canada hôm nay rời doanh trại ở Southampton tới điểm xuất phát trên bờ biển. Đoàn công voa của anh, cùng với tất cả các mũi khác hướng tới D-Day, được lập kế hoạch để tới cùng mục tiêu, cùng thời điểm đe cùng lên tàu. Trên khắp miền nam nước Anh lúc này, hàng trăm chuyến xe khác cũng lăn bánh. Dickin mang theo ít khẩu phần ăn dành cho những giờ đầu tiên ở đất Pháp – vài thanh chocolate nho, thịt chế biến, một hộp súp. Muốn ăn nóng, anh chỉ cần châm đám bùi nhùi bên dưới hộp, và thế là có súp nóng ăn ngay.
Dickin còn mang một tấm thẻ “phòng khi cần”, trên có tên, số hiệu, cấp bậc, chức vụ và đơn vị của anh. Tấm thẻ có hai phần giống nhau. Khi lên tàu để vượt eo biển, anh sẽ nộp nửa thứ nhất của thẻ. Sau đó, khi cách bờ biển Normandy 3 hải lý, lúc bước vào tàu há mồm để đổ bộ, Dickin sẽ giữ nốt nửa còn lại. Nó nhắc nhở anh rằng chỉ vài tiếng nữa thôi, chiếc thẻ có thể trở thành vật duy nhất giúp xác định thời gian và địa điểm thân thể anh chạm vào bờ.
Ở ngoại ô Portsmouth, Veronica Owen đang tận hưởng một ngày nghỉ hoàn toàn. Cô viết thư cho cha mẹ, nói rằng mọi người đã tưởng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra vào tháng 5. Nhưng giờ mọi con mắt đều dồn vào Italy. Ở đây, đồng minh đã tắc sau những trận đánh ác liệt với Đức, và cuối cùng quyết định chuyển hướng sang Rome. Không lẽ những câu chuyện về Mặt trận thứ hai ở châu Âu là vớ vẩn? “Con không biết liệu chúng ta có thể nào vào miền bắc nước Pháp hay không”, Owen viết nhanh trước khi chiếc xe buýt tới đưa cô về trung tâm thông tin làm ca tối.
Đêm hôm đó, hai tàu ngầm cỡ nhỏ được đưa từ Portsmouth vào eo biển Manche, mỗi thuỷ thủ đoàn gồm 4 người. Nhiệm vụ của chúng là do thám mặt biển ngoài khơi Normandy, và sẽ làm hoa tiêu cho các tàu chiến của hạm đội đồng minh. Cho đến khi đó, chúng vẫn nằm chờ đợi dưới làn nước. Không sơn màu xám hay đen thông thường, hai tàu ngầm được nguỵ trang màu vàng và xanh, để tránh bị máy bay đối phương phát hiện khi chúng ẩn trong vùng nước nông.