Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Luật Đời & Cha Con

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14224 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Luật Đời & Cha Con
Nguyễn Bắc Sơn

Chương 18

Lê Cường đi du học nước ngoài được hơn tuần thì ở nhà họp bàn chuyện của Đại. Bà Phụng nhất định không bằng lòng, dĩ nhiên chỉ vì con dâu là Kiều Linh. Ông Hoè hỏi vợ:

- Bà chê nó ở điểm nào?

- Ở cái điểm, chưa chi đã lên giường với đàn ông rồi.

Thảo Tần nói với mẹ:

- Bây giờ không như bố mẹ ngày trước đâu. Chả có mấy ai đợi đến đêm tân hôn đâu. Người ta còn sống thử một thời gian xem có hợp nhau không rồi mới sống thật cơ mẹ ạ.

- Tôi không cần con dâu mỹ miều. Mỹ miều mà chài con, chài cả bố thì là loại người gì?

- Tôi đã nói chuyện, đã thử nó rồi. Nó hoàn toàn không biết Đại là bố thằng Cường. Nếu không phải như thế thì không đời nào tôi chấp nhận - Mẹ ạ, hơn ai hết, anh Đại phải biết rõ là mình có bị lừa không. Mà cả ông và cả anh ấy đều khẳng định cô ấy hoàn toàn không biết. Nếu biết cô ấy chắc chắn không dám về nhà ta sớm thế đâu mẹ ạ. Và điều quan tròng nhất là anh Đại tìm thấy ở cô ấy cả hai: công việc đối với một thư ký kiêm văn phòng và một người phụ nữ đáng yêu.

- Nhưng mà… vẫn không được - Bà khăng khăng.

- Điều quan trọng nhất là anh Đại chấp nhận, không băn khoăn gì.

Bà Phụng vẫn kiên quyết:

- Đàn bà con gái chết hết rồi hay sao mà phải lấy nó.

- Thế mới là duyên số mà mẹ! - Thảo Tần giải thích.

Từ nãy đến giờ Đại vẫn ngồi im, đến nước này, đành phải lên tiếng:

- Cô ấy không có tội tình gì trong cả hai câu chuyện. Nếu mẹ thương con thì mẹ cũng nên thương cô ấy mới phải. Mẹ không bằng lòng thì con cũng đành thất lễ với mẹ. Cô ấy đáng yêu, đáng thương chứ không đáng ghét đâu mẹ ạ.

Bà Phụng không đi dự đám cưới con. Nhưng đó là một ngày vui thật sự của Đại, của công ty anh và nhất là của Kiều Linh. Cô vốn đã đẹp, xinh, nổi bật trong đám con gái công ty, trong bộ váy cưới trắng tinh càng lộng lẫy, duyên dáng. Không một ai trong Công ty biết chuyện cũ của cô, chỉ biết cô là một nhân viên có năng lực, vừa xinh đẹp, vừa ngoan. Cô đến trước mặt bố chồng:

- Ngàn lần con đội ơn sự hiểu biết, lòng độ lượng bao dung của bố. Nhờ thế con mới có được hạnh phúc hôm nay.

Nói xong, cô kéo chồng cùng quỳ xuống trước mặt ông.

Từ phòng cưới họ về thẳng nhà mình, một ngôi biệt thự sang trọng ven nội Thành phố. Đại bảo thuê người giúp việc thì vợ gàn:

- Anh đừng làm em hư đi. Chỉ cần một tuần một lần lau nhà cửa, cầu thang là được rồi. Có loại dịch vụ theo giờ như thế đấy. Buổi tối về, em nấu cơm cho anh ăn chả hơn à. Bữa trưa ở công ty anh biết tài nấu nướng của em rồi đấy. Nhưng ở công ty, không có điều kiện bày vẽ như ở nhà. Em thích vợ chồng xì xụp nấu ăn hơn là đi ăn hiệu, vừa đắt vừa không ngon bằng.

***

Sau hơn ngày rưỡi du hí, cả đoàn sáu người đều nghiệm ra kết luận của người Trung Quốc là quá đúng: "Đến Hải Nam mới biết sức mình yếu quá". Vừa bước chân vào khách sạn năm sao, sáu vị đã được sáu nàng tiên cá theo chân chăm sóc suốt 24/24 giờ trong nửa thời gian lưu tại thiên đường ăn chơi này. Nửa thời gian còn lại là một cô khác do khách tự chọn. Cho đến lúc ra sân bay họ mới lưu luyến chia tay. Một tuần sau, giấy phép đầu tư đến tay Sán. Sán điện cho Hồng Nguyệt.

Lần đầu tiên, anh ta nói hoàn toàn bằng giọng hành chính, không có đoạn làm tình qua điện thoại như mọi lần. Hồng Nguyệt cũng lấy làm lạ:

- Anh không được khoẻ hay sao? Thế, ngọc thể bất an thì… ngọc kia có bất động không?

Mọi khi mà nghe đến đấy thì lập tức anh ta đã "căng buồm lên cho thuyền ta ra khơi" rồi. Nhưng hậu quả của chuyến đi vừa rồi làm anh ta bất động thật.

Anh ta trả lời cho xong:

- Bất động thật, hẹn với sếp em, tối nay anh gặp, có chuyện quan trọng.

Không ngờ Nguyệt, đã quen với lối trò chuyện chim chuột ấy liền tung ra một đòn trúng huyệt:

- Tại chuyến đi hoang dâm vô độ vừa rồi chứ gì? Bây giờ có các vàng cũng chịu. Đúng không nào? Được rồi có gì em sẽ gọi lại.

Khách sạn Bàn tay vàng.

Sán có dáng vẻ của kẻ tâng công khi đưa tờ giấy phép đầu tư ra. Người lơ lớ không tỏ vẻ mừng rỡ, thái độ bình thản như không. Đây là chuyện tất yếu, bình thường, chả có gì quan trọng. Cái gì phải đến tất sẽ đến.

Ông ta đọc một lúc khá lâu, tuồng như đánh vần từng chữ tiếng Việt một. Sán chở một lời khen ngợi, hay ít nhất cũng là một lời cảm ơn. Nhưng không. Ông ta đưa lại cho Sán. Theo phản xạ, anh ta đưa tay cầm mà không hiểu vì sao mình lại làm như thế. Và điều không thể hiểu được là, vì sao ông ta lại đưa trả mình cái mà ông ta đang mỏi mắt chờ.

Bốn mắt nhìn nhau, dò hỏi.

Cuối cùng, chính Sán lại là người phải lên tiếng trước:

- Ông không cần nó hay sao?

- Cần chứ… Đầu tư vào đấy có ít đâu…

Ông ta nói câu ấy với giọng của người đi buôn.

- Thế sao trả lại?

- Phải làm lại!

Sán không tin vào tai mình:

- Làm lại?

- Đúng, phải làm lại. Ông nói các ông ấy lấy cho tôi một ngày khác, số quyết định khác. Cụ thể là ngày này… số này… công trình này lớn lắm mà, phải rất cẩn trọng!

Ông ta đưa ra một mảnh giấy, nói như đóng đinh:

- Làm được đấy mà!… Tất nhiên cũng tốn kém thêm. Cái này là lỗi của tôi. Tôi không dặn ông trước. Ông nhớ kỹ, để giấy phép xây dựng không rời vào tình trạng này. Nguyên tắc là, tính ra ngày âm lịch phải chẵn, số quyết định cũng phải là số chẵn…

Người lơ lớ
cúi cái đầu đinh xuống cốc trà nóng, nhấc nắp cốc húp một ngụm, hai tay khẽ khàng đạt cốc trà xuống, hỏi anh ta một câu rõ ràng là hình thức, vì ông ta đã biết câu trả lời rồi:

- Hôm nay, ông có dùng món hàng tươi sống không?

Sán lắc đầu. Ông ta cười lớn:

- Tại mấy hôm ấy quá độ đấy mà. Tôi sẽ có thuốc cho ông phục hồi. Hôm nay chỉ dùng cháo Đài Loan và trà La Hán Đài Loan thôi nhớ.

***

Đúng như bố vợ lưu ý Kiên. Hoá ra cái chuyện lôi thôi nhất bây giờ vẫn là chuyện đất đai.

Đoàn HùNG vừa mở tờ Thời luận ra, hàng tít đậm ở chân trang nhất đã đập vào mắt: "Ăn tiền rồi mà đâu vẫn đấy".

Thủ trưởng vừa đến, anh đã báo cáo:

- Cứ như ý tứ của đơn tố cáo thì đó là một cán bộ của Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng thành phố. Số tiền hối lộ ban đầu là năm ngàn đô la. Theo người tố cáo thì anh ta đề nghị, nếu lùi đường chỉ giới thiết kế vỉa hè lại thì chiều sâu lòng nhà anh ta sẽ còn 2m. Còn chỉ giới đã công bố thì lòng nhà anh ta chỉ còn 1,5m. Người kia đã nhận tiền, với lời hứa "sẽ cố gắng xem xét" - Ngừng một chút, anh nói thêm, giọng lo lắng - Em ngờ chồng chị Thanh Diệu làm vụ này. Anh ấy mới được đề bạt trưởng phòng.

Kiên cũng lo lắng:

- Trên cơ sở nào mà cậu đoán thế?

- Theo em biết, thì anh ấy nắm bản đồ quy hoạch chi tiết từng quận, kể cả quy hoạch quận mình. Nhất là những con đường sẽ mở. - Chỗ này béo bở lắm đấy Thủ trưởng ạ. Mua bán đất mà không biết quy hoạch chi tiết thì toi ngay. Mà nắm được thì lợi vô cùng.

Trần Kiên lo lắng, gọi điện cho Thanh Diệu.

- Liệu có dính dáng gì đến chồng em không?

- Làm sao mà em biết được? Phải đợi cảnh sát vào cuộc thì mọi chuyện mới rõ ràng.

Hôm trước dự cuộc họp do Thanh Diệu chủ trì, Kiên nẩy ra một ý tưởng thuộc về cơ chế, về phương thức lãnh đạo, về phương pháp phối hợp công tác. Diễn biến tình hình thì nhanh, từng ngày, từng giờ. Các vấn đề đều rất phức tạp. Tính chất thì rất nghiêm trọng mà yêu cầu giải quyết lại phải kịp thời. Thời đại thông tin toàn cầu không cho phép các cơ quan quản lý muốn để bao giờ giải quyết cũng được. Nếu đợi bên chính quyền đề xuất rồi bên mình mới họp bàn, xem xét, rồi đưa ra chủ trương hướng giải quyết thì không thể đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Hôm ấy, nếu mình chỉ làm người ngồi dự để nắm tình hình rồi về họp thường vụ ra nghị quyết thì không biết bao giờ mới ra được văn bản. Nhanh cũng phải ba ngày. Thanh Diệu lúc ấy thực sự không có khả năng quyết định. Mình đề nghị cô ấy quyết định theo phương án mình nêu là tôn trọng nguyên tắc làm việc, để khỏi mang tiếng là bao biện. Thế nếu có những cuộc họp gọi là liên tịch thì… Không đúng, thế thì gọi là gì nhỉ? Hay gọi là giao ban công tác giữa Quận uỷ và Uỷ ban… không biết có được không?

Kiên suy đi tính lại, cân nhắc xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, thấy không có gì trái với nguyên tắc Đảng lãnh tạo, Nhà nước quản lý. Tất nhiên trong cuộc họp giao ban ấy, mình phải là người chủ trì, người kết luận. Thậm chí vạch ra kế hoạch đại thể, phân công cụ thể ngay cũng vẫn được chứ sao.

Anh gọi điện cho bố vợ, hẹn về xin ý kiến.

Ông bố vợ nghe anh-bạn-con-rể trình bày, phân tích thì tỏ ra hào hứng vô cùng. Ông vốn quý anh từ khi anh còn ở nhà máy. Ông cũng là người hay suy nghĩ, phân tích vấn đề. Lại cũng đã có những phát hiện, đề xuất với cấp trên, giờ nghe Kiên nói, ông OK liền!

- Được được quá chứ sao. Đây là cơ chế phối hợp thôi mà, còn ai vẫn làm chức trách, phận sự của người ấy đấy chứ.

- Nhưng, bố thử đóng vai phản biện, lật lại vấn đề xem sao. Bố nhất trí nhanh quá làm con chưa yên tâm lắm.

- Ờ anh này. Có phải cứ ngâm lâu là chứng tỏ suy nghĩ kỹ đâu. Cứ "để xem xét" là chứng tỏ thận trọng đâu Cứ đồng ý ngay là không nghĩ kỳ đâu. Bố đồng ý ngay là vì không hiểu sao, một việc rõ như ban ngày như thế, mà từ trước đến nay không ai nghĩ ra. Hoặc nghĩ đến mà không dám làm. Bố cho là, từ thực tiễn giải quyết công việc nóng bỏng ở địa bàn, mà con nảy ra cách làm này…

Đúng thế đấy bố ạ. Con hoàn toàn không có ý thức đổi mới phương thức lãnh đạo gì cả. Hôm ấy, con chỉ định sang dự thôi. Ngay chuyện ai chủ trì, cũng phải tranh luận. Đồng chí phó chủ tịch thì bảo con chủ trì, vì là lãnh đạo cao nhất. Con thì bảo họp bên Quận uỷ thì đúng là như vậy. Chứ họp bên Uỷ ban thì phải là Uỷ ban chủ trì mới đúng. Nhưng đến khi vấn đề đã chín, đồng chí ấy lại không dám kết luận. Nếu để lằng nhằng, rồi theo trình tự thông thường thì sẽ mất thì giờ lắm. Mà con thì không thể lấy quyền bí thư ra để kết luận. Thế thì có khác gì mình chủ trì? Con mới đề nghị đồng chí phó chủ tịch kết luận theo phương án mà con đề xuất.

Vậy là nguyên tắc vẫn được đảm bảo, mà công việc lại được giải quyết dứt điểm nhanh chóng.

Đột nhiên, ông bố nêu vấn đề:

- Thế chế độ trách nhiệm?

Cũng như lúc nãy, ông-bạn-bố-vợ nhất trí ngay với mình, lúc này Trần Kiên cũng ngay lập tức trả lời, chắc cũng đúng với suy nghĩ của bố vợ.

- Con hiểu vì sao bố hỏi đến chế độ trách nhiệm. Lâu nay bên Đảng chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng cấp trên chứ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn bên chính quyền thì phải chịu trách nhiệm trước cả Đảng và pháp luật. Con thì con nghĩ, và con sẽ hành động như con nghĩ. Con cũng chịu trách nhiệm trước cả tổ chức Đảng cấp trên và trước cả pháp luật, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Quận. Ví dụ, nếu phương án xây đền Linh Vân trả dân mà sai thì chính con là người chịu trách nhiệm cao nhất, vì bên chính quyền đã làm theo chỉ đạo của con.

Ông-bạn-bố-vợ chìa tay ra:

- Đấy là một thái độ dũng cảm, mà chỉ những người cộng sản chân chính mới có. Vạn nhất, nếu điều xấu ấy xẩy ra, mà con làm đúng như điều mình nói, thì dù có bị kỷ luật, con vẫn cứ được, mà cái được sẽ rất lớn. Ấy là mang lại niềm tin của mọi người vào những người cộng sản. Con sẽ làm được một điều có sức thuyết phục là cải chính trong thực tế câu người ta vẫn cứ giễu chúng ta, mà giễu cũng không oan là "mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta".

Một lần nữa ông-bạn-bố-vợ lại chìa tay ra bắt tay anh-bạn-con-rể. Ông nói với con rể mà như nói với một người đồng chí, chí cốt, tin cậy, trông chở:

- Lớp người như bố cũ quá rồi, lạc hậu quá rồi, không bắt kịp nhịp đi của thời đại. Con hãy tiếp tục con đường đã chọn. Cá nhân bố, thành phố này, đất nước này đặt hy vọng vào những người như con. Bố chắc trong Đảng có rất nhiều người như con, chỉ có điều, họ chưa có điều kiện bộc lộ mà thôi. Không có gì khiến bố phải tâng bốc, nịnh nọt con đâu. Đúng không nào?

Đến lượt anh-bạn-con-rể chìa tay ra:

- Con cảm ơn bố vô cùng.

***

Được bố vợ động viên, Kiên vững lòng hơn rất nhiều.

Hôm nay, anh mời Thường vụ họp đột xuất, lúc 19 giờ. Anh còn đang giải thích vì sao có cuộc họp này, thì điện thoại di động rung lên bần bật. Người gọi là phó tổng biên tập Thời luận. Tổng biên tập của anh trên đường về nhà đã bị tạt a xít, mới cách đây chừng 40 phút.

- Tình trạng sức khoẻ đồng chí ấy ra sao?

- Má trái và cổ bị bỏng nặng, may là cả hai mắt không việc gì. Đang nằm trong khoa bỏng bệnh viện thành phố.

Kiên thông báo cho mọi người, đề nghị Trưởng Công an Quận báo cáo ngay với Giám đốc Công an thành phố và triển khai những động tác nghiệp vụ cần thiết.

- Các đồng chí biết cả rồi. Vừa rồi mấy tờ báo tập trung nêu một số việc nghi vấn, hoặc làm chưa tốt ở quận ta. Vì sao đồng chí phó tổng biên tập lại gọi cho tôi? Chắc hẳn trong suy nghĩ, thấy sự việc có mối liên hệ nào đó với quận ta đây. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Bởi trong toàn thành phố, các vụ việc khác cũng bị nêu cơ mà. Về nhận thức, tôi cho rằng dư luận báo chí, chính là phản ảnh dư luận xã hội, dư luận quần chúng, chứ đừng có nghĩ đấy là chuyện của mấy anh nhà báo rách việc. Mặt tích cực của vấn đề là ở chỗ, nó làm cho chúng ta phải vắt chân lên cổ mà chạy mới kịp.

Cứ giữ nguyên cách làm trước nay là không đáp ứng đòi hỏi của xã hội, nhất là đòi hỏi của thời đại thông tin này. Đó chính là lý do dẫn đến cuộc họp này. Mặt tiêu cực. Có lẽ ở một khía cạnh khác. Tất nhiên chúng ta không làm bất cứ điều gì cản trở báo chí lên tiếng phê phán, hoặc đặt những câu hỏi nghi ngờ đối với đội ngũ chúng ta. Vậy thì ai? Thế lực nào làm việc này? Vụ tạt a xít đồng chí tổng biên tập Thời luận buộc chúng ta phải suy nghĩ theo hướng ấy. Bởi đây không phải là chuyện trả thù cá nhân hay ghen tuông, chắc chắn có liên quan đến mấy bài báo này đã đăng.

Trần Kiên trình bày việc cải tiến cơ chế lãnh đạo của Quận. Quận uỷ vẫn lãnh đạo, chỉ đạo, Uỷ ban vẫn quản lý, điều hành. Nhưng việc phối hợp công tác giữa hai bên cần thiết điều chỉnh cho nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Ta sẽ tiến hành giao ban công tác định kỳ giữa Quận uỷ và Uỷ ban nhân dân Quận tháng một lần. Nếu có những vụ việc đột suất, nóng bỏng như mấy việc gần đây, thì sẽ giao ban đột xuất. Tý nữa, sau khi trao đổi, bàn bạc, chúng ta sẽ biểu quyết. Chúng ta sẽ báo cáo lên Thành uỷ, và không chờ trả lời, ngay sáng mai, chúng ta sẽ tiến hành cuộc họp giao ban đột xuất đầu tiên, nhằm giải quyết một loạt vấn đề nóng bỏng xảy ra trên địa bàn quận ta. Chúng ta không sợ bị phê bình là tiền trảm hậu tấu. Bởi đây chỉ là một cải tiến nhỏ về phương pháp công tác thôi, không liên quan gì đến chức năng nhiệm vụ, đến nguyên tắc tổ chức v.v…

Thường vụ biểu quyết với 100% số phiếu tán thành.

Đoàn Hùng giơ tay xin có một ý kiến nhỏ thuộc về thủ tục.

- Để triệu tập cuộc họp ngay sáng mai, đề nghị bên Uỷ ban mời các cán bộ chủ chốt liên quan đến các vụ việc cụ thể.

Ông chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận hỏi:

- Thế giấy mời?

Hùng trả lời ngay, giọng cố tỏ ra nhã nhặn, lễ phép.

- Báo cáo đồng chí chủ tịch. Đã gọi là đột xuất mà còn có giấy mời thì phải lùi cuộc họp sang ngày kia, ngày kìa mất. Ai chả có điện thoại di động. Không nhẽ nó chỉ phục vụ cho các cuộc… - Suýt nữa thì anh buột mồm - hẹn hò thôi à? Nhưng anh đã kịp phanh lại, nói tiếp nhắn tìm nhau thôi à?

Không ai hiểu, vì sao lúc đó Kiên lại khẽ lắc đầu một cái.

***

Đào Trọng Toàn hỏi ý kiến tư vấn pháp luật thì được biết, tuy tổng biên tập tờ báo dưới quyền mình thật, nhưng không thể miễn nhiệm như miễn nhiệm các cán bộ dưới quyền khác được. Vì là cơ quan ngôn luận nên nó còn bị ràng buộc bởi luật Báo chí. Mà luật Báo chí thì quy định: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí (kể cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Quản lý Nhà nước về báo chí, là Bộ Văn hoá Thông tin. Ấy là chưa nói đến chuyện phải được sự đồng ý bằng văn bản của bên Đảng, là Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Điều này không ghi trong luật Báo chí. Nhưng Đảng lãnh đạo toàn diện, nên hệ thống thông tin đại chúng dứt khoát phải do Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

"Thế thì bí nhỉ? Chẳng nhẽ lại chịu thằng cha cứng cổ này. Nó bảo chấp hành ý kiến mình, nhưng lại chơi một vố khác, nặng truỳ không kém, thậm chí còn nặng hơn. Chắc nó tuồn tài liệu cho tờ kia, mượn tay tờ kia đánh tiếp".

Điều ông ta nghĩ không sai. Nhưng vụ này thì có khác. Giới báo chí chơi với nhau không theo Luật Báo chí, mà theo luật đời, có mầu sắc riêng. Nó như một thứ luật riêng, bất thành văn, dựa trên tình cảm bạn bè, nghề nghiệp, vì mục đích chung là diệt cái ác, cái xấu, lên án cái sai, phê phán cái dở, khinh ghét cái hèn hạ, đê tiện, biểu dương cái mới, cái đẹp, cái tốt v.v… Thế nên, họ có thể rủ nhau, hò nhau đánh cho kỳ thân bại danh liệt một kẻ nào đó, mặt người bụng lợn. Tối kỵ cái kiểu đánh lẫn nhau. Ai đánh đồng nghiệp, sẽ bị các đồng nghiệp khác coi thường, tẩy chay không thèm chơi. Họ có thể nhờ đồng nghiệp, đánh hộ một vụ nào đó, mà vì mối quan hệ, thấy mình làm không tiện. Bởi lẽ, không thể bỏ qua cho một kẻ xấu mà mình biết rõ mặt. Còn yêu cầu công bằng, dân chủ của xã hội nữa chứ? Vụ vừa rồi thì không phải là báo Thời luận tránh mặt mà là vì báo bạn cũng được cung cấp tài liệu.

Biết không thể hạ bệ được Phạm Năng Triển, Toàn vận động chuyển anh ta ra khỏi vị trí ấy. Nếu cần thì đá hất lên cũng được. Nhưng bài toán này đòi hỏi phải giải đồng thời hai phép tính: Chuyển đi đâu? và ai sẽ thay thế? Ông này mới đi vận động được một nơi thì xáy ra vụ tạt a xít. Chắc là cảnh sát điều tra xét hỏi, qua lời khai của Tổng biên tập mới lần đến ông ta. Dĩ nhiên ông ta khai, không dính dáng đến chuyện khủng bố dã man này. Nhưng họ lại cứ xoáy vào câu hỏi, vì lý do gì mà ông yêu cầu Thời luận không đăng tiếp vụ đất quận Lâm Du. Mới đầu, ông ta còn loanh quanh, rằng các anh chị ở Thành phố và Quận sang, đã có nhời nên tôi nể nang. Một trong hai tay điều tra viên, cái tay còn trẻ hỏi một câu, tưởng như không phạm tệ gì mà ngẫm ra thật đau:

- Thế ra ông làm việc là để giải quyết các mối quan hệ, sau đó mới đến công việc à?

Ông ta thấy nó nói đúng, nhưng vì thấy cái đều bình thường mà ai cũng làm ấy, xét cho cùng lại quá nhục nên cố vớt vát:

- Các đồng chí thông cảm, có lẽ ai cũng vậy, cái khó nhiều khi không phải là công việc mà là việc xử lý các mối quan hệ.

Vẫn tay điều tra viên trẻ:

- Thế nghĩa là, nhân dân không bao giờ được đặt trong mối quan hệ mà các ông phải để tâm tới chứ gì?

Biết là nó nói đúng, nhưng ông ta vẫn tức. Một thằng trẻ ranh mà dám lên lớp mình thế nào Những câu ấy trong bài giảng của các thầy ở trường Đảng đã đi một nhẽ. Đằng này…

- Đồng chí cứ nói quá lên thế.

Đột nhiên, anh đều tra viên trẻ ngồi thẳng người lên, nhìn thẳng vào người trước mặt dằn giọng:

- Còn hơn thế kia, ông ạ. Cái việc đồng chí trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ và phó chủ tịch Quận có lời với ông, chỉ là cái cớ thôi. Còn một mối quan hệ khác, mà vì nó, ông mới ép đồng chí tổng biên tập không được đăng tiếp bài sau.

Ông này tái mặt, ấp úng:

- Chả có mối quan hệ nào. Tôi… tôi chả có mối quan hệ nào, mà vì nó tôi phải can thiệp với tờ Thời luận.

Anh điều tra viên trẻ nghiêm mặt, đanh giọng:

- Có thật thế không? Thế quan hệ của ông với ông chủ tịch Quận là gì? - Giọng anh ta dài ra, đầy vẻ khinh miệt - Đây là ông em vợ muốn đỡ cho ông anh rể một tay đây… Làm sai thì phải chịu trách nhiệm, thì sửa, không ai đúng cả trăm việc. Làm quan mà chỉ nghĩ đến việc vơ vét bảo vệ lẫn nhau thì dân chúng tôi trông mong vào ai?

Lúc ra ngoài, người nhiều tuổi hỏi người trẻ tuổi:

- Sao mà biết quan hệ ấy mà lên lớp lão ta ghê thế?

- Cũng tình cờ thôi, nhà em đối diện với lão chủ tịch, vẫn thấy lão này đến chơi. Kể ra cũng không liên quan đến vụ tạt a xít, nhưng anh Triển khai thế thì mình phải điểu tra để loại trừ bớt một hướng. Chứ trông cái mặt đần thối ra ấy, có cho ăn kẹo cũng không dám thuê người tạt a xít.

Thế thì đó là ai?

Trời tối. Đêm đường Thanh Hoa vốn chỗ tỏ chỗ mờ, kẻ hành động đi xe máy hoà lẫn trong dòng người nghìn nghịt không để lại dấu vết gì.

***

Hàng chục tờ báo lên tiếng đòi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tìm cho ra kẻ chủ mưu và kẻ tiến hành vụ khủng bố đồng nghiệp của họ. Tổng biên tập Thời luận được tôn vinh như một người anh hùng chống tiêu cực. Ảnh anh nằm trên giường bệnh với nửa mặt bên trái bị a xít phá huỷ gây xúc động hàng chực triệu người.

Thủ trưởng cơ quan chủ quản thành đối tượng tập trung nghi vấn. Băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Tổng biên tập và ông ta được gỡ ra. Điều này ông ta không ngờ.

Ông ta nhớ, lúc ấy mình đã chối phắt rồi. Hình như lúc ấy hắn có nói rằng hắn ta là nhà báo, là tổng biên tập chứ không phải như các cán bộ khác dưới quyền. Nghĩa là hắn ta có phương tiện nghiệp vụ để lật tẩy kẻ tráo trở.

Vậy mà ông ta không để ý.

Người ta lên án sự tráo trở của Toàn. Người ta phân tích mổ xẻ việc ông ta gọi chuyện "các báo cùng đánh" một vụ là "đòn hội chợ", là "đánh hôi". Có báo viết: Không ai nghĩ rằng, những lời lẽ chợ búa, hàng tôm, hàng cá ấy lại có thể phát ra từ miệng người đứng đầu một tổ chức xã hội nghề nghiệp như thế. Có báo còn khái quát lên, cho rằng, thái độ, nhận thức coi báo chí chỉ là công cụ của cơ quan chủ quản, không phải chỉ là của ông thủ trưởng này, mà còn có ở đâu đó, không ít. Rằng một số thủ trưởng cơ quan chủ quản hoá ra không chỉ thích được trưng ảnh mình trên báo mình, mà còn dùng quyền thủ trưởng cơ quan chủ quản để giải quyết các mối quan hệ. "To thế đấy, oai thế đấy" "Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó…" Câu này vốn là tên một truyện ngắn (trước năm 1945) của nhà văn Nguyễn Công Hoan để giễu những ông chủ báo (chủ bút, hồi ấy chưa có từ tổng biên tập như bây giờ), coi việc đứng đầu một cơ quan báo chí là cái mốt. Bây giờ được một báo mang ra, dùng cho các vị thủ trưởng cơ quan chủ quản, dù to nhỏ, lớn bé đều rất khoái xin ra báo để có công cụ trong tay v.v… và v v…

***

Mở đầu cuộc họp giao ban, bí thư Quận uỷ giải thích tên gọi của cuộc họp, tính chất, thành phần.

- Nếu là họp giao ban định kỳ thì thành phần sẽ cố định. Ngoài thành phần cố định, sẽ mời thêm các thành phần khác có liên quan, tuỳ theo nội dung chương trình. Hôm nay, lần đầu tiên ta tổ chức họp giao ban công tác giữa Quận uỷ và Uỷ ban Nhân dân Quận, lại là đột xuất nên thành phần mời gồm cả các cán bộ có liên quan. Cách làm sẽ là, bí thư chủ trì, đồng chí chủ tịch, phó bí thư Quận uỷ điều hành kiểm điểm từng việc, rồi Bí thư sẽ kết luận luôn, dứt điểm từng việc một.

Ông chủ tịch vốn là vụ trưởng một cơ quan ngang bộ được điều về, chứ không phải từ cấp phó đôn lên, hay từ thành phố đưa về. Chưa quen với việc quản lý hành chính một địa bàn với đủ thứ việc, về đủ mọi lĩnh vực lại là người có tuổi, trông không còn nhanh nhảu, hoạt bát lắm. Vốn tính cẩn thận, mà lại chậm chạp trong cả cử chỉ lẫn nói năng, ông bắt đầu bằng việc thưa gửi rất bài bản. Trần Kiên ngồi bên, cố kiềm chế cho tâm trạng sốt ruột không lộ ra. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận tóm tắt sự việc: Về việc đất thừa ra từ khu Văn hoá, Thể thao đã có quyết định của Thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cái khó là chúng ta có phân cho đúng đối tượng không thôi.

Trần Kiên tiếp:

- Còn việc báo chí nêu thì, cả thành phố này đều như thế. Ai chả có nhà rồi. Chỉ có đủ hay chưa đủ tiêu chuẩn thôi. Nói thật là tôi thấy rất yên tâm vì chính đồng chí Bí thư Thành uỷ cũng làm một suất ở đây.

Việc giải phóng mặt bằng ở nút cổ chai Linh Vân, chủ tịch Uỷ ban báo cáo có hai việc. Việc giải quyết ngôi đền Linh Vân, đích thân đồng chí bí thư Quận uỷ đã đi thực địa, đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi nên đã gỡ rối xong. Giờ đang tháo dỡ đền cũ. Việc tháo dỡ rồi lắp lại phần khung gỗ phải kén thợ mộc từ Nam Định lên. Nhưng nảy ra một vấn đề là mấy chiếc cột quân và một chiếc cột cái bị mọt không thể dùng lại được nữa. Phải thay. Nếu đợi vào Nghệ An mua gỗ lim hoặc đặt mua bên Lào thì không thể bảo đảm tiến độ thì công. Đề nghị hội nghị và lãnh đạo cho ý kiến giải quyết.

Phòng họp im lặng, chờ…

Nào xem bí thư tài cán ra sao trước con tính này.

Ý nghĩ ấy không phải chỉ của riêng chủ tịch.

Thanh Diệu lo lắng, kín đáo nhìn Trần Kiên. Anh phát biểu thế này:

- Việc tháo dỡ ngôi đền để giải phóng mặt bằng phục vụ mở đường vẫn cứ làm khẩn trương cho kịp tiến độ. Dựng lán che mưa nắng cho cột kèo, xà… tháo ra. Làm việc với nhà đền, đặt các cụ trước một sự lựa chọn: nếu đợi gỗ thì tượng Thánh và đồ thờ phải ở trọ, đợi ít ra cũng nửa năm nữa gỗ mới về. Tính toán, đục đẽo nữa cũng phải vài tuần mới xong. Còn, nếu làm cột xi măng cốt sắt sơn giả gỗ như đền Bến Dược trong thành phố Hồ Chí Minh thì… xong ngay. Nhà đến chọn cách nào, ta làm cách ấy. Chắc chắn họ sẽ có một sự lựa chọn phù hợp. Còn ta, ta không sợ tốn thêm một số kinh phí nữa. Đối với ta, việc giải phóng mặt bằng để thì công nốt phần đường còn lại quan trọng hơn. Tôi đề xuất như thế có được không, xin các đồng chí cho ý kiến ngay, để ta sang chuyện thứ hai.

Không ai có ý kiến gì. Thiên hạ có vẻ tâm phục khẩu phục lắm. Chủ tịch Uỷ ban:

- Báo cáo đồng chí Bí thư, báo cáo hội nghị… còn chuyện bài báo tố cáo… tôi nghĩ không liên quan đến chúng ta, bởi vì người bị tố cáo không phải là cán bộ của chúng ta…

Trần Kiên:

- Tôi đồng ý với đồng chí chủ tịch Uỷ ban. Vì thế, chỉ nên đề cập đến vấn đề nhân sự. Tôi xin bổ sung thêm, nó cũng liên quan đến việc giải phóng mặt bằng. Hôm trước, tôi có nhắc đồng chí trưởng Công an Quận, làm việc với Công an Thành phố xem thực hư đơn tố cáo ấy thế nào, vì người bị tố cáo là thân nhân của một đồng chí chúng ta ngồi đây. Mời đồng chí trưởng Công an Quận báo cáo.

- Báo cáo hội nghị. Theo Công an Thành phố cho biết thì, người tố cáo cam đoan bằng văn bản, đã biếu người bị tố cáo một hộp bia lon và 5000 USD. Còn người bị tố cáo thì cũng cam kết bằng văn bản, chỉ nhận có hộp bia lon Halida, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng chí nào còn kêu cầu công an và đại diện cơ quan ngay lúc ấy về nhà mình xem. Chứ không phải có chuyện khám nhà như tin đồn. Bởi muốn khám nhà phải có lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can. Hoá ra hộp bia vẫn nằm dưới gầm giường thật. Công an đã mang hộp bia ấy về. Đã mở ra kiểm tra trước sự chứng kiến của cả người tố cáo. Thì đúng là có 5000 USD đựng trong một chiếc phong bì. Anh Vũ Sán, chồng đồng chí Phó Chủ tịch đây lập luận: "Anh ta không nói tiền nong gì, chỉ biếu hộp bia. Một hộp bia lon mà là hối lộ à? Còn anh ta nhét phong bì vào trong ấy, đến cả herôin vào trong ấy thì từ bấy đến giờ, hơn tháng rồi, nó vẫn nằm đấy. May mà nhà tôi, không ai uống, không mở ra, cũng không cho lại ai, không bán đi, chứ không thì oan gia. Chả còn kêu ai: Nếu tôi biết số tiền ấy, nhận số tiền ấy thì nó đã chả còn ở đấy". Người kia thì cãi: "Nhỡ ông ấy lấy rồi, thấy tôi tố cáo mới bỏ lại vào đấy thì sao?" Nhưng trước khi mở ra, Công an đã hồi anh ta: "Có đúng đây là hộp bia anh đem biếu ông Vũ Sán không?" "Đúng!" - "Anh xem dấu vết anh dán có đúng không? Phong bì đựng tiền là phong bì gì, có đặc điểm gì…?" Anh ta tả ra hết.. Thế nên không thể cãi được. Anh này đã phải làm đơn xin rút lời tố cáo, xin lỗi báo, xin lỗi bạn đọc và người bị hại. Nhưng Công an vẫn truy tố anh ta về tội vu cáo công dân.

Mọi người thở phào.

Từ lúc Trưởng Công an Quận báo cáo, Thanh Diệu ngồi cứng người. Bộ quần áo như bằng mo cau, không sao cựa quận được. Chị cảm thấy thế, chứ áo quần vẫn áo quần ấy vẫn ôm gọn lấy tấm thân thon thả cân đối của chị. Đến lúc ấy, Thanh Diệu mới chùng người ra, toàn thân mỏi rã rời, như vừa mới được cởi trói.

Trần Kiên chăm chú nghe. Chỉ mới đến đoạn Vũ Sán nhận có một hộp bia thôi, không tin đến kiểm tra, anh đã nhận ra cái lắt léo trong tình tiết đầy kịch tính này rồi. Thì đã chả có người, mua bao bì, giấy cũ mà vớ được cả mấy trăm đô là là gì. Chủ nhân cứ tưởng chỉ có thiếp chúc tết, mà tiền đô thì mỏng tang, thế là vút vào thùng giấy loại… vậy là kẻ muốn dùng tiền nắn lại quy hoạch không thành. Sau này cả thành phố mới trông thấy một ngôi nhà mỏng nhất nước là vì thế… Báo chí có chụp, có phản ứng. Nhưng về mặt pháp lý thì không làm gì được người ta. Không có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm xây ngôi nhà mỏng như thế…

Đấy là chuyện sau này. Còn bây giờ, ta trở lại với cuộc họp giao ban ở quận Lâm Du. Không khí cuộc họp nhẹ hẳn đi, khi Trưởng Công an báo cáo xong. Trước lúc vào họp, ngay cả lúc gặp ở ngoài hành lang, nhiều người đã cố tránh gặp Thanh Diệu, tránh nhìn, để khỏi phải chào. Mọi khi chào xong là hỏi chuyện ríu rít đấy.

Thì thói đời vẫn vậy. Đến lúc này, mọi người mới lại nhìn chị. Trần Kiên có vẻ vui hơn, anh nói với giọng hào hứng:
- Còn bài: "Dự án thoát nước Lâm Du, tất cả đều thoát, trừ nước", không biết các đồng chí thế nào, chứ tôi khi đọc hàng tít ấy thấy hết sức ấn tượng. Rất hóm, nhưng cũng ác. Tất nhiên là có phần ngoa ngôn rồi. Nhưng rõ ràng là mỗi trận mưa lớn, quận ta, nơi trũng nhất Thành phố vẫn là cái túi hứng nước. Ta sẽ đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố lập một đoàn thanh tra liên ngành gồm tài chính, xây dựng, công chính, nhất thiết phải có kiểm toán. Dự án này Thành phố là chủ đầu tư chứ không phải Quận ta, ta chỉ mang tiếng một tí thôi. Chả sao!

<< Chương 16 | Chương 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 618

Return to top