Chuyến đi làm ông Hoè rất vui. Tấm ảnh chụp với Tổng thống Putin được phóng cỡ 30 x 40cm treo ngay trước bàn làm việc. Thỉnh thoảng ông lại cười với người trong ảnh.
Ông ghi vào sổ tay:
"Giờ đây, dù quan hệ giữa hai nước đã khác, nhưng nước Nga thất vọng đã làm tôi hy vọng. Putin là ngôi sao hy vọng của niềm hy vọng ấy. Con người thấp bé nhẹ cân này luôn làm cho thế giới bất ngờ. Ai đời, Tổng thống không đi chuyên cơ mà lại bí mật, bất ngờ, chớp nhoáng cưỡi máy bay tiêm kích đi thăm chiến trường Tréc Sinhia nóng bỏng. Chắc chắn ông sẽ đưa đất nước, với tiềm năng quân sự, niềm tự hào của trí tuệ Xô Viết nỗi kinh sợ của nước Mỹ đến định cao của sức mạnh quyền lực. Đấy là một trong những đảm bảo cho nhân loại, để ai đó không thể có ảo vọng làm mưa làm gió trái đất này.
Tôi cứ muốn gọi con người vì lợi ích dân tộc và đất nước này là đồng chí, mặc dù thẻ đảng ông ta đã đút vào ngăn kéo từ lâu rồi. Có sao! Bác Hồ đã chả nói: Tổ quốc trên hết đó thôi".
Sau chuyến bố con đi công tác bên Nga về, Lê Đại ngỏ lời với bố về chuyện mình có ý định lấy vợ. Vợ anh mất đã được gần hai năm rồi. Thời buổi này mà đợi ba năm đoạn tang xong mới được tục huyền thì cũng chả cần thiết. Ông Hoè cũng không có ý định lấy đó làm lý do bảo con chậm lại. Chả biết ý bà Phụng thế nào. Bao giờ Đạt cũng nói chuyện với bố trước. Ông cụ OK rồi, anh mới nói với mẹ.
Nghe Đại kể về cô vợ sắp cưới, ông rất ưng.
Học vấn chỉ là tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không có bằng đại học. Nhưng công việc được giao thì làm rất tốt. Xuất sắc là khác. Kiếm được một cán bộ văn phòng ưng ý như thế khó lắm. Anh nhớ lại những tách cà phê sánh cái cách cô ta chăm sóc đến công việc của công ty…
Đại đã phải cắt hợp đồng hai trường hợp. Cả hai trường hợp đều không phải vì lý do công việc. Tuy không thật tốt, nhưng cũng coi là được. Chỉ tiếc là một cô thì mắt long lanh luôn đưa tình giám đốc, đi thì như người mẫu thời trang ra sân khấu trình diễn ấy. Khổ! Đấy là trên sân khấu, chứ trong văn phòng mà đi như thế thì kỳ quặc vô cùng. Ra cái điều đi đứng yểu điệu đấy! Mà ngồi thì, giám đốc dù trong bụng có thích cũng phải quay mặt đi. Chắc là chưa quen mặc váy ngắn, thế là cứ như đứa trẻ lên năm, lên bẩy chả biết khép đùi khi ngồi, cứ tưởng như đang mặc quần âu, vậy là vô tư… tô hô, tơ hơ, ta ha ra hết cả…
Ai góp ý kiến bây giờ? Giám đốc, dĩ nhiên là không rồi. Mà ai biết, đấy là vô ý hay cố tình? Còn bạn gái với nhau. Cả năm bảy cô, đều đang ở dạng sát hạch, làm thử, hợp đồng tạm tuyển. Cô nào cũng cố để được làm việc lâu dài, cô nào cũng giữ miếng cả. Còn đang nghĩ cách loại nhau đây. Chưa cài bẫy nhau là tử tế lắm rồi đấy.
Một cô nữa thì, cũng được việc, nhưng cứ nói trống không, hỏi trống không, ăn cũng trống không nốt. Bắt đầu ăn cũng không mời, mà ăn xong cũng không xin phép cơm ai. Bữa cơm công ty, chỉ có mấy người, thân thiết như gia đình. Đâu phải nhà ăn tập thể.
Người thành phố này không có lối ấy. Đại chấm cái cô được nhiều mặt. Mà lại xinh nữa mới thích. Mà lại ngoan nữa mới hay. Mà lại có chí tiến thủ nữa mới tuyệt. Anh hẹn sẽ đưa người yêu về ra mắt bố mẹ.
Sau mấy lần hẹn, cả nhà mới có mặt đầy đủ, tất nhiên trừ thằng Cường. Hai lần Kiên phải gọi điện cho anh vợ xin lỗi có việc đột xuất nên lỡ hẹn. Hôm nay thì vui rồi. Đại bảo người yêu mặc bộ đồng phục công ty: Váy ngắn bó màu tro xám, dưới đầu gối một tí. Áo vét tông cùng màu. Giày cao gót nâu sậm. Anh nhìn cô, mãn nguyện, tự hào. Cô gái có phần hồi hộp, lo lắng.
Nghe tiếng đóng cửa xe, cả bốn người dồn mắt nhìn ra. Thảo Tần thầm khen ông anh kiếm được cô gái vừa trẻ, vừa xinh, nghe nói được việc lắm. Trần Kiên cũng phải ghen với ông anh vợ: "Tập một đã hay, tập hai còn hay hơn". Cô gái líu ríu theo người yêu bước vào nhà. Ông Hoè hơi nhổm người lên. Mắt bỗng tối sầm lại rơi người xuống thành sa lông, tay phải vội đưa lên ngực trái. Chỗ ấy nhói liền mấy cái làm ông co rúm người lại. Bà Phụng đứng hẳn người lên, để nhìn cho rõ, rồi cứ đờ người ra như thế. Cô gái sợ hãi lôi lại, kéo tay người yêu nép vào sau anh như trốn tránh. Đại hết nhìn bố mẹ lại nhìn người yêu. Không hiểu chuyện gì xảy ra.
Vợ chồng Kiên, Tần quay lại nhìn nhau như cùng hỏi chuyện gì thế này?
Không ai nói gì nên Đại không hiểu gì cả. Chỉ thấy người yêu vừa kéo vừa giật tay về phía sau. Rồi bà Phụng như mới cử động lại được, cả hai tay cứ vẫy hắt ra như đuổi tà ma. Ông Hoè thì đã nhắm tịt mắt lại từ nãy, tay phải vẫn ấp lấy ngực trái như giữ cho tim khỏi bung ra ngoài. Vợ chồng Kiên đứng như trời trồng. Cô gái rời khỏi tay Đại, chạy ra ngoài, cứ thế chạy như ma đuổi. Đại bước vội ra, mở cửa xe, rồ ga theo. Anh bám hạ cửa kính xuống, đi sát vào phía cô gọi:
- Lên xe đi em!
Cô gái lắc đầu quầy quậy:
- Cứ mặc em, anh đi đi!
Đại vọt lên một tí, tạt xe vào lề đường nhảy ra nắm lấy lay người yêu kéo đi, một tay mở cửa xe, một tay đẩy cô vào sập cửa lại. Đại không chạy xe. Anh hoảng hốt hỏi dồn dập:
- Chuyện gì thế em? Đã có chuyện gì xảy ra giữa em và bố mẹ à?
Im lặng…
- Em đã có việc gì không phải với bố mẹ à?
Im lặng…
- Phải nói ra anh mới biết chứ? Thế này thì biết đằng nào mà lần!
Im lặng. Cô gái mặt mày tái dại, trắng bệch như chết trôi, vẫn câm lặng. Cô gục đầu lên cốp xe. Sợ hãi, choáng váng đến không còn khóc nổi nữa. Anh lay cô, kéo cô lại phía mình, cố nhìn vào mắt cô, nhưng cô giấu cả mặt đi. Hỏi thế nào, dỗ thế nào cũng không cậy miệng được. Đại đành đánh xe đưa về nhà cô trọ. Chỗ ấy xe không vào được - cũng không có chỗ đỗ, nên Đại đành để cô về một mình.
Anh lập túc quay xe, phóng vội về nhà. "Hiện trường" vẫn còn nguyên. Mọi người như vẫn chờ anh về.
Đại vừa mở miệng:
- Chuyện gì thế hả ông bà?
Ông Hoè như chỉ đợi có thế, nói như thở hắt ra:
- Con bé chính là người yêu thằng Cường!
Thảo Tần:
- Ôi sao thế hở ông?
Kiên:
- Ái chà chà!
Đại nghiến răng kèn kẹt.
Bà Phụng:
- Nó là con yêu tinh làm hại nhà này!
Đại hét lên:
- Mẹ! Rồi bỏ chạy ra ngoài, chiếc xe rú ga phóng đi như hoá rồ.
***
Kiên có vẻ bình tĩnh hơn cả. Anh không biết đầu cua tai nheo ra sao, trước tình huống này, phải tìm hiểu xem câu chuyện đã xẩy ra như thế nào thì mới có giải pháp phù hợp. Anh lựa lời:
- Ông bà cứ bình tĩnh đã. Đừng vội kết luận điều gì. Con thấy bác Đại có vẻ hoang mang lắm. Nhỡ bác ấy không kiềm chế được mà làm điều gì đáng tiếc là rất nguy hiểm. Điều quan trọng nhất, theo con là ông hỏi kỹ chuyện bác ấy với cô gái này xem sự thể như thế nào thì mới biết được thực chất của vấn đề. Bấy giờ mới tính được.
Anh quay sang vợ:
- Anh phải đi công việc, em ở đây nói chuyện với ông bà đã nhớ.
Kiên đi rồi, Tần hỏi bố mẹ:
- Con chả biết nhà mình dạy dỗ cháu Cường kiểu gì để nó tự do quá. Lúc chị Miên còn sống, có lần con hỏi, sao lần nào em về cũng chả gặp nó thì chị ấy bảo, đến mẹ con còn chả mấy khi ăn cơm cùng nhau. Nó ăn ở đâu ấy nếu có ăn ở nhà thì ăn sau cùng, ăn một mình, lúc mọi người đã đi ngủ cả rồi. Buổi sáng, hoặc là nó đi từ tinh mơ, lúc chưa ai dậy; hoặc là mọi người đi làm hết nó mới dậy. Chuyện lăng nhăng của nó là hậu quả của việc dạy dỗ quản lý nó không đúng.
Bà Phụng quay sang chồng:
- Có mỗi thằng cháu trai mà không dạy được. Ông mày thì chỉ lo dạy dỗ thiên hạ, làm sao cho thiên hạ thấm nhuần nghị quyết, làm theo nghị quyết. Trong khi nhà mình thì chính cháu đích tôn lại phá nghị quyết…
Ông Hoè không nói gì, bỏ lên gác. Chỉ còn hai mẹ con. Tần nói với mẹ:
- Nhiều tiền chưa hẳn đã hay đâu mẹ ạ.
- Thế nghèo như nhà cô thì hay à? Chuyện nhà cửa đến đâu rồi. Mẹ thấy chả còn ai ở nhà lắp ghép đâu? Các bác ấy chạy đất làm nhà cả rồi. Những chỗ ấy giở chỉ còn dân ngụ cư thuê, hoặc bọn trẻ mới ra trường ở thôi. Rao bán, họ mua ngay đấy mà.
- Vâng, thì tiền ông bà cho, chúng con đã mua được một mảnh đất rồi. Đang thuê người thiết kế. Nhà con đã có người mua rồi, họ chưa chồng đủ tiền thôi.
Thật không gì thất sách bằng nhà lắp ghép…
Chị rùng mình khi nhớ lại hình ảnh chiếc quan tài lủng lẳng trên đầu dây hôm nào. Bậy giờ làm bao nhiêu tầng chả được. Thế mà ngày ấy, không một công trình nào được làm trên năm tầng. Trói chân trói tay nhau đủ mọi chuyện.
- Thôi giờ thì tốt rồi. Không thì vợ chồng con cái cô cứ là ở cái chuồng chim ấy suốt đời. Ở đây ăn cơm với mẹ nhớ.
- Thôi con phải về với cháu. Con trai lo đằng con trai, con gái lo đằng con gái mẹ ạ. Mẹ cứ bình tĩnh nhé.
Trên gác, ông Hoè lo lắng gọi vào máy di động của Đại:
- Con đang ở đâu? Lái xe cho cẩn thận. Hết sức bình tĩnh đấy nhớ. Không có tình cảnh nào là không có lối thoát. Cứ đi công việc đi, tối về bố con nói chuyện.
Lúc chuyện thằng Cường với Kiều Linh xảy ra, Đại đang có chuyến công tác bên Nga. Mọi chuyện phải giải quyết nhanh gọn. Anh chỉ được bố thông báo tóm tắt sự việc và cách giải quyết. Đại thấy chả có cách nào hơn nên nói với bố cứ làm. Nói chuyện điện thoại quốc tế, từ Việt Nam đắt gấp nhiều lần gọi từ nước ngoài về, nên không thể dài dòng văn tự ê a, ề à, buôn dưa lẽ được, nên anh cũng không hỏi tên tuổi cô ta làm gì.
Đại về muộn. Ông Hoè vẫn ngồi đợi con. Nhìn bố, anh biết ông đang hết sức căng thẳng. Không biết lục phủ ngũ tạng có vấn đề gì không, chỉ biết mỗi khi xúc động mạnh, ngực ông lại nhói lên như có người bóp nghẹt lấy tim không cho nó tự do co bóp. Ông suy nghĩ rất lung. Không cần hỏi nhiều, không cần vòng vo, chỉ cần hỏi mấy câu thôi.
- Anh đã… gì với nó chưa?
- Rồi bố ạ. - Ngừng một tí Đại tiếp - Cô ấy đã… có mang.
Thế là rõ! Bản chất sự việc, mức độ sự việc là ở đấy! Giải quyết thế nào cũng phải căn cứ vào thực trạng ấy ông hỏi tiếp câu thứ hai:
- Thế nó có biết con là bồ thằng Cường không?
- Con cũng không biết nữa. Không có gì tỏ ra là cô ấy biết. Nhà mình thì đã chuyển đến đây. Mà con cũng đã đưa cô ấy về đây bao giờ đâu.
Ông Hoè lại hỏi:
- Nó đang ở đâu, tinh thần nó thế nào?
- Cô ấy ở nhà trọ. Có vẻ hoang mang, suy sụp lắm. Con dặn cứ yên tâm, tạm nghỉ ở nhà một hai ngày.
Ông cụ quả quyết:
- Bằng mọi cách, phải tìm hiểu, phải kiểm tra, thử thách xem cô ta có biết không. Đấy là mấu chốt vấn đề, là điều quan trọng nhất, nó chứng tỏ phẩm chất, nhân cách của cô ta - giọng ông băm, chặt từng nhát, như đứng trên hội trường mỗi khi quán triệt nghị quyết - chỉ có trên cơ sở ấy, mới chọn được một giải pháp phù hợp. Con tiến hành ngay đi - Ông ra lệnh.
Hai hôm sau, anh nói với bố, việc anh thông báo tuyển nhân viên do một bộ phận khác làm. Sau khi chọn được một số, anh là người gặp cuối cùng. Anh cũng chỉ hỏi chuyện qua loa, để xem trực giác, có mách bảo điều gì khác không thôi. Các nhân viên tạm tuyển thì dĩ nhiên không dám "phỏng vấn lại" giám đốc rồi.
Anh chưa bao giờ gặp cô ta ở bất cứ đâu. Chưa nghe thấy cái tên ấy ở bất cứ chỗ nào. Cô ta không đưa mắt tống tình, không cố ý làm duyên. Mà công việc thì không chê vào đâu được.
Ông Hoè bảo con trai:
- Để bố trực tiếp hỏi chuyện cô ta xem sao.
- Ở đâu ạ?
- Ở công ty, trong phòng làm việc của bố.
***
Sự thật tàn nhẫn giáng Kiều Linh một đòn chí tử.
Chuyện lần trước, đau lắm đấy. Nhưng là nỗi đau bị phụ bạc. Và còn có cách giải quyết và cũng đã nguôi ngoai.
Chuyện lần này là nghịch cảnh, là trớ trêu, là vô phương cứu chữa. Nếu lại giải quyết như lần trước thì nỗi đau này gấp nghìn vạn lần. Cô không ăn, không ngủ. Nơm nớp như sắp bị xô xuống vực. Đại đến tận nơi - lần đầu tiên anh đến gian buồng chật hẹp Kiều Linh thuê chung với một cô bạn cùng quê cho đỡ tốn tiền và còn dựa dẫm vào nhau những lúc khó khăn.
Anh mang một túi xách nặng đồ ăn thức uống đến:
- Em phải ăn uống để còn nuôi con chứ?
Kiều Linh ngước đôi mắt trũng sâu:
- Liệu em có được nuôi con em không chứ? Hay là…
Giọng Đại kiên quyết:
- Không ai cướp được con chúng mình!
Kiều Linh run run:
- Em sợ mẹ lắm.
Nhắc đến mẹ, quả thật, Đại cũng thấy ngại, nhất là lời bà hôm ấy.
- Em cứ yên tâm, đừng sợ!
Nói đừng sợ để trấn an thế thôi, chứ thật ra anh cũng thấy không yên tâm.
- Sáng mai em đến công ty gặp bố. Chuyện thế nào cứ nói thế. Muốn ra sao thì ra. Mà anh nói phải nghe lời. Ăn uống đi, uống viên thuốc này vào, cố ngủ cho đỡ căng thẳng. Chỉ có mấy ngày mà em sọp hẳn đi đấy. Anh không muốn trông thấy vợ anh thế này!
Câu nói cuối cùng của Đại, như được an ủi, cô ngoan ngoãn:
- Vâng, em nghe lời anh. Thôi anh về đi, công việc đang đợi anh. Phần việc của em, chắc là cái Yến làm. Nó cũng chịu khó đấy anh ạ. Chỉ chưa được sáng ý lắm thôi.
***
- Cháu làm thế nào để được vào làm công ty này?
Kiều Linh nhận ra cái ý móc máy, nghi ngờ trong câu hỏi nhưng cô không tự ái. Cuộc đời mình quyết định bởi cuộc nói chuyện này đây. Cô nhớ đến thái độ của ông khi giải quyết vụ với Cường nên cô nhìn ông hy vọng:
- Nhở số tiền bác cho, cháu theo được cả hai lớp tiếng Anh và vi tính, xong chương trình vi tính phổ thông, cháu theo tiếp một lớp nâng cao, và theo học một lớp thư ký văn phòng. Cháu còn mua được một số sách vi tính, hai cuốn từ điển Anh Việt, Việt Anh, dạy nấu ăn, dạy ứng xử v.v… Cháu và một số bạn cùng cảnh, quy ước với nhau, hễ thấy nơi nào thông báo tuyển nhân viên thì báo cho nhau. Được các bạn rủ, mấy đứa cháu thì tuyển vào đây. Cháu và một bạn nữa trúng tuyển. Được làm thử không lương hai tháng. Rồi được ký hợp đồng tạm tuyển. Một năm rưỡi sau thì cháu được ký hợp đồng dài hạn, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Ông Hoè chăm chú nghe. Chăm chú quan sát cô. Cố xem có gì lèo lá, là điêu trác không. Ông nhớ lại hai lần gặp cô. Cái nhìn thẳng đàng hoàng. Cả khi nói ra cái đều rất khó khăn là số tiền "đền bù thiệt hại". Ông thấy rõ cái nét sắc sảo khi trả lời ông phương thức giao tiền. Gần hai năm trôi qua, trông cô già dặn hơn, sự lo lắng không át được vẻ mặn mà của một cô gái khi mầm sống đang tượng hình trong cơ thể vào thời xuân sắc nhất. Ông nhớ lần đầu đến, cô ta chỉ nhìn ông chứ không nhìn bà Phụng. Điều ấy cũng dễ giải thích.
Câu thứ hai ông Hoè hỏi là:
- Cháu có biết giám đốc công ty là bố thằng Cường không?
- Thưa bác, cháu làm sao mà biết được ạ. Anh Cường không có nét nào giống bố cả. Có lẽ anh ấy giống mẹ hơn. Mà giám đốc thì cũng không giống bác, có lẽ cũng giống bác gái hơn. Mà dù có giống nhau thì cháu cũng không thể chắp nối lại để tìm ra mối liên hệ máu mủ huyết thống được. Còn nếu cháu biết quan hệ ấy thì chả hoá ra cháu làm chuyện… loạn luân ạ?
Ngập ngừng đắn đo một chút, cô nói tiếp:
- Bác thứ lỗi cho cháu. Nếu cháu biết mối quan hệ ấy thì ngoài lý do đã nói, cháu cũng không dám nghĩ đến chuyện trêu giám đốc!
- Vì sao?
- Vì… vì thưa bác, cháu xin lỗi bác lần nữa, bác cho cháu nói ra điều này: Cháu rất sợ bác gái.
Nói giữa dạ, ông Hoè hoàn toàn không nghi ngờ những điều Kiều Linh nói. Phải công nhận là nó đúng. Nó sắc sảo, nó nói thật. Không thể bác được. Càng nói Kiều Linh càng cảm thấy vũng tâm hơn. Và điều làm cô phần nào yên tâm, ngay khi Đại nói gặp ông Hoè. Nhờ hiểu biết, nên ông có cái độ lượng bao dung hơn. Đến đây chính ông Hoè cũng thấy phân vân vô cùng. Rõ ràng là nó không biết thật. Chưa kể những lý do nó vừa nói. Chỉ nhớ lại hôm nó về cùng với thằng con mình thì thấy nó hoàn toàn bất ngờ. Nếu biết, nó sẽ kiếm cớ không về vội, đợi bụng to tướng ra đã, để không thể nạo hút được, để đặt gia đình Đại trước sự đã rồi. Hoặc ít nhất thì nó cũng phải có biện pháp đối phó, phải chuẩn bị tư tưởng cho Đại chứ. Chinh ông Hoè cũng không biết nên làm thế nào bây giờ. Sự thể đã thế này. Ông quyết định hỏi câu thứ ba, buộc Kiều Linh, chứ không phải ông, phải giải bài toán này.
- Thế bây giờ cháu định thế nào?
Câu hỏi đẩy cô gái tội nghiệp vào thế cùng đường. Ông Hoè nhớ, trong câu chuyện với thằng Cường, ông cũng hỏi cô gái một câu đại ý như thế… nhưng bây giờ, sự việc khác hoàn cảnh khác, bản chất vấn đề cũng khác. Và điều quan trọng nhất là, ông bố Lê Đại không phải là thằng con mất dậy Lê Cường. Tất nhiên ý kiến con trai ông phải đóng vai trò quyết định. Nhưng lại không thể không đếm xỉa đến ý kiến bà Phụng, không thể không đếm xỉa đến phong tục tập quán, dư luận xã hội. Dẫu sao ông cũng cảm thấy việc này thật khó mà giải quyết ổn thoả, nếu không đạt được sự đồng thuận của cô gái này. Vì thế ông mới đấy bóng sang chân cô.
Kiều Linh cũng không biết phải thế nào. Cô chỉ biết cái hoạ này, cũng như cái hoạ trước không phải đo cô gây ra. Về mặt tình cảm, cả lần trước lẫn lần này cô đều yêu thành thật, chân tình, cô đều không có lỗi. Vì thế cả về lý và về tình, cô đều bị đẩy vào tình cảnh bất lợi nhất. Cô không biết nên thế nào nên đành nói thật:
- Quả thật, cháu cũng không biết nên giải quyết thế nào.
Kiều Linh nói thế, ông Hoè thấy tốt nhất là dấn thêm mọt bước nữa.
- Bác biết trong cả hai câu chuyện, cháu đều không có lỗi. Trong chuyện này, nếu cháu thật lòng yêu con trai bác thì cháu cần có một sự hy sinh.
Kiều Linh hiểu ngay ông nói thế, nghĩa là thế nào. Cô bật khóc.
Cô khóc như chưa bao giờ được khóc. Chả việc gì phải ý tứ. Người này là bố người chồng tương lai của cô kia mà. Cô vẫn nói thế. Vậy mà bây giờ ông chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ đang đẩy cô đến tận cùng cái mất mát đau thương, không phải một lần mà đến hai lần, lần sau khốn nạn hơn, đau đớn hơn lần trước ngàn lần. Nước mắt cô như từ một túi nước hứng trong căn nhà dột nát, đầy ứ tràn ra. Cô nhớ lại quãng đời học sinh cách đây chưa lâu, mấy đứa bạn gái đã có lần độc mồm bảo, trời cho mày xinh đẹp hơn người, rồi sẽ cướp của mày cái khác cho mà xem. Có đứa còn bảo, tên mày là tên nàng Kiều, không khéo chả ra sao đâu.
… "Mẹ ơi, con đã cố gắng bao nhiêu mẹ có biết không? Nhà mình nghèo, có vào đại học cũng không đào đâu tiến ăn học. Con đã thử rồi, đi làm ôsin, làm gia sư cũng không ai nhận. Không ai dám chứa một đứa con gái xinh đẹp như con trong nhà, sợ các anh chủ, ông chủ không cưỡng lại được sắc đẹp. Làm tiếp viên nhà hàng thì người ta nhận ngay đấy. Nhưng mà có hay ho gì đâu. Con gặp anh ấy, trông khôi ngô tuấn tú thế, lại giầu có, ga lăng nữa, chơi trên tiền nữa. Con mẹ gửi thân vào đấy, chắc cũng được phận nhờ. Ai ngờ, anh ấy chỉ coi con như thứ đồ chơi qua ngày… Mẹ ơi, con có tội tình gì đâu hả mẹ…".
Cô nhắm mắt lại, mà nước mắt cứ tràn ra, chảy ướt đầm cả vạt váy trên đùi. Hai tay cô khoanh lại, đặt trên bàn, đầu gục vào đấy. Cô vừa khóc vừa thầm gọi mẹ, nói chuyện với mẹ. Ông Hoè nhìn cô. Cái đầu cứng như đá cũng nhão ra theo tiếng khóc cô gái.
… "Con biết làm thế nào bây giờ mẹ ơi! Con mẹ không có tài cán gì, chỉ sáng ý thôi, biết suy nghĩ thôi, nên được việc cho Công ty lắm mẹ ạ. Thế nên giám đốc mới để ý đến. Chứ nếu chỉ xinh đẹp thôi, thì dù có thêm thân hình bốc lửa như chị Khanh, cũng bị cắt hợp đồng rồi mẹ ạ. Anh ấy yêu con thật lòng. Anh ấy là người lớn chứ không phải trẻ con. Lần này, con lại hy vọng. Nhưng hy vọng lắm lại thất vọng nhiều, bố mẹ ơi! Mà cũng lại chót nhỡ rồi cơ chứ. Không nhẽ mẹ con con lại phải một lần nữa lìa nhau à? Liệu ông trời có vì thế mà trừng phạt con, không cho con được quyền sinh nở nữa không?"
Mẹ cô nhìn cô đăm đăm, không nói gì. Nước mắt cũng giàn dụa như cô. Chỉ nhìn cô thương cảm, vuốt tóc cô ghì chặt đầu cô vào lòng. Nước mắt bà cứ rơi như mưa trên đầu, trên má cô. Bố cô thì trừng mắt:
- Con hãy đứng dậy và không khóc nữa. Đứng dậy!
Đau đớn làm cô lả đi, tiếng khóc nhỏ dần.
Căn phòng lặng đi trong tiếng nấc nghẹn, thưa dần của cô gái tội nghiệp. Cô thiếp đi trong mộng mị hãi hùng, khi biết rằng, không còn cách gì nữa rồi, một lần nữa lại phải rời bỏ hòn máu của mình.
Không ai biết căn phòng ấy chết lặng đi trong bao lâu. Không ai biết cô đã thiếp đi trong chán chường tuyệt vọng bao lâu. Hai đứa bé, một gái, một trai cứ bám riết hai tay cô, khóc ngặt nghẽo. Dỗ thế nào cũng không nín. Cho sữa không ăn, bú chực không bú, cứ đòi bú cô. Ngực cô thật lép kẹp. Khóc mãi, khóc mãi, cuối cùng nó lả đi. Mấy ngón tay bé tẹo rời ra. Nó rơi xuống một cái hố đen ngòm, ngoe nguẩy toàn những rắn rết thuồng luồng…
Một hồi chuông điện thoại làm cô giật mình.
Ông Hoè nhắc máy đặt ra ngoài.
Cô gái mở mắt, ngơ ngác không nhớ được điều gì.
Cô không biết, khi gục xuống thì thầm nói chuyện với bố mẹ mình, thì ông Hoè cũng lặng lẽ khóc theo.
Rồi ông đến bên cô, đứng cạnh cô. Yên lặng để cô nói chuyện. Yên lặng để cô khóc. Cô thiếp dần đi. Ông kiên nhẫn đứng bên, không nói gì, không một cử chỉ gì mà vẫn cảm thấy mình đang chở che, thay cho bố mẹ cô, ở một miền quê nào đó ông chưa biết.
Khi cô dụi mắt đứng dậy ngơ ngác nhìn quanh, thì gương mặt có bộ lông mày lưỡi mác vểnh ngược đã trìu mến cúi xuống bên cô. Ông dang cả hai tay ra, ôm cô vào lòng. Bàn tay xương xẩu vỗ vỗ lưng cô, nói nhưng lời dịu dàng nhất mà cả mấy người ruột thịt của ông, hai người vợ ông, con trai, con gái, con sống, con chết cũng chưa bao giờ được nghe:
- Thôi không là cháu thì là con bác cũng được cháu ạ!
Cô gái vùng khỏi tay ông, quỳ sụp xuống, ôm lấy hai chân ông, ngước cặp mắt ầng ậng nước nhìn ông, như nhìn một vị thánh sống. Cô nói trong nước mắt, sung sướng nghẹn ngào:
- Thế này thì đúng là trời cũng có mắt thật rồi bác ơi! Con… con… con biết ơn bố vô cùng bố ạ! Đêm ấy ông ghi vào sổ tay: "Nếu không làm như thế, mình sẽ không còn là con người".