Gió bấc ngày càng dịu dần. Trời đã lộ ra mấy khoảng xanh ngắt và buổi sáng đã thấy những tảng nắng vàng như mật ong tràn ngập vào khung cửa sổ. Những ngày cuối năm rộn rịp. Đường phố đông đúc hàng hóa, hoa trái, mứt bánh. Pháo nổ lẹt đẹt trong hẻm nhỏ và người mua sắm rộn rịp. Lòng tôi cũng nôn nao háo hức vô cùng. Ở nhà, mỗi một giỏ chợ của má lại là một món hàng mới, nào là khoai lang Đà Lạt để làm mứt, gừng mua thêm cho đủ, dừa cũng vậy, bởi mấy loại mứt sau đã làm từ tháng trước, và cũng khá vơi với hai ngón tay ăn cắp của một lũ con đông. Nào là thịt heo mỡ màng để gói bánh, hạt dưa, thuốc lá. Năm nay, nhà tôi ăn tết rộn ràng hơn mọi khi. Trường học cũng vậy giờ nào cũng lơ là. Ngay cả mấy giờ Toán, ông thầy Toán dữ có tiếng thế mà những ngày này cũng cười tươi theo tiếng hát, kẹo bánh, hạt dưa. Đầu phòng khánh tiết bập bùng tiếng trống, tiếng đàn của ban văn nghệ. Tôi cũng có mặt trong đó phụ trách những màn đơn ca và hợp ca. Chúng tôi tập dượt ráo riết để kịp đêm ra mắt cuối năm. Cô Mỹ chạy lăng xăng từ nhóm này đến nhóm kia thúc giục, sửa đổi điệu bộ. - Trời ơi, Minh đi như vậy là sai rồi. Đây nầy, bắt đầu “em gái vườn quê …” Chân bước trái, thụt lùi một bước, tay đưa qua phải … làm lại cô xem… được rồi. Đầu kia thầy Quân đang gân cổ bắt nhịp cho đám con trai. Tiếng đàn guitar của thầy bập bùng “Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà …” Tôi và Mai nhìn khung cảnh diễn ra trước mắt, mà mỉm cười khoái trá. Thầy Quân vừa dứt nốt nhạc cuối cùng và cũng vừa nhìn thấy tụi tôi cười quắc mắt đùa: - A, hai cái trò này vô lễ. Thầy bắt hát cả trăm lần cho mà cười. Mai la lên: - Tụi em dượt xong rồi. Con gái bao giờ cũng siêng năng hơn con trai. Mấy anh chàng con trai Phan Chu Trinh vì xa nhà và ké văn nghệ nhờ nên nín im nhìn nhau lừ mắt chớ không dám nói. Những buổi tập dượt vui như một đám hội – Nhưng càng gần ngày trình diễn tôi càng run. Năm nào thì cũng lên sân khấu, nhưng chỉ hợp ca thôi. Năm nay tôi có màn đơn ca và hơn thế nữa, buổi trình diễn tất niên năm nay lại có bán vé nghĩa là bàn dân thiên hạ ai cũng có thể vào xem hết. Hát mà dở thì eo ơi – Nói như cô Mỹ nói là nhục mạ cái danh của trường nhà đi. Lật bật cũng đến ngày 28 Tết. Ngay từ chiều, tôi đã lo sửa soạn xuống trường. Liên dúi cho tôi một trái chanh Đà Lạt mọng nước và mấy múi cam thảo. Tôi để lại mấy vé mời để ba và các em đi xem. Tâm mượn đâu được chiếc Honda chở tôi xuống trường. Trường còn vắng. Tôi thấy cô Mỹ đi qua đi lại trước phòng khánh tiết. Mai nó cũng đến từ lúc nào tay xách một túi lớn. Tâm chỉ cái bọc hỏi: - Gì đây Mai, làm như chạy loạn. - Bọc quần áo và son phấn cho ban vũ. - Năm nay ai trang điểm cho tụi bay? - Cũng con Oanh, nhà con nhỏ đó mở Mỹ viện nên nó trang điểm tài lắm. Tiếng cô Mỹ léo nhéo ở phòng khánh tiết: - Thôi dượt lại lần chót đi mấy em. Chúng tôi kéo nhau vào. Sân khấu đã sẵn sàng. Đó là công lao của nam sinh Phan Chu Trinh làm suốt từ sáng. Những hình người cười khóc và những nốt nhạc bay bướm cắt bằng giấy bạc đủ màu rực rỡ trên màn nhung màu đỏ thẫm. Nhìn hai dãy ghế kéo dài ngút mắt đến tận cùng của phòng khánh tiết, tôi hỏi cô Mỹ: - Thưa cô, liệu khán giả có đông không mà có nhiều dữ vậy? Cô Mỹ cười: - Hết vé rồi đó. Tối nay đông lắm, ráng mà hát đó mấy em, để lấy danh dự cho trường. Mai xen vào: - Cô nhớ để em hát hợp ca trước rồi mới ngâm thơ sau nghe cô. Đứng một mình mà ra đầu tiên khớp không làm chi được hết. Cô Mỹ gật đầu: - Thì ban chương trình cũng để ý nên mới có màn Trường Ca Mẹ Việt Nam trước đó. Thôi muộn rồi mình dượt trước để còn chừa sân khấu cho nam sinh họ làm hoạt cảnh. Chúng tôi dượt đi dượt lại đến 5 giờ chiều thì nghỉ để lại sức. Tôi rủ Mai và Tâm ra hàng nước sau trường ngồi ngắm thiên hạ đi bát Tết và uống nước giải lao. Mấy tép chanh của Liên được tôi và Mai dùng triệt để. Chúng tôi bàn về buổi tối trình diễn, về tài nghệ của của bọn nam sinh bên Phan Chu Trinh. Mai nói: - Tối này tao run lắm mày ơi. Ông anh tao dẫn cho một lô bạn đi coi. Tao nhất định không cho vé, thế mà ổng làm cách nào đào ra được đến năm sáu vé hạng chót. Tâm cười: - Anh Hải là vua tiếu lâm. Đi lính đánh giặc mòn giầy mà vẫn tiếu. Tôi chưa bao giờ biết mặt anh của Mai cả mặc dù đôi lúc nghe tiếng ông ấy oang oang trong nhà trong, và như vậy thì đâu có đáng lo, đáng sợ. Tôi cười: - Mai mà hát ệch oạc thì phải biết, mấy ổng dám ném cà chua lên sân khấu lắm. - Mai về xúi me cắt tai ảnh đó chớ. Đến phiên Mai hát là phải vỗ tay, biss cho thật kêu. Tâm cười trêu: - Hát dở thay vì biss ổng lại la lên bịt bịt thì hết thuốc chữa. Mai ngồi nhăn mặt lo ra. Nhưng chỉ một chốc là quên ngay. Cả bài vở thi cử cũng nằm ở đâu xa. Mai khoe mới may một cái áo dài vàng thật đẹp. Tôi nhớ lại tấm áo tết màu tím than buồn bã của tôi. Màu áo lựa đã làm tôi bị mắng một buổi. Mấy đứa em trai bảo tôi muốn giống cô gái Huế áo tím nón bài thơ chèo đò trên sông Hương. Tôi bật cười khi nhớ tới nét mặt của Trung lúc tôi đem áo về nhà. - Cái gì mà mày cười vậy Mỵ. Áo tết của mày màu gì. Tao nhớ mày khoái màu xanh chiêu đãi hàng không lắm. Chắc màu đó hả? Tôi lắc đầu bí mật: - Cho đoán đó. - Mầu vàng, đỏ, hồng … Tôi bật ra: - Sai bét, mầu tím than. - Tím than? Mai tròn mắt: - Bộ mày không sợ xui hả? Năm nay là năm thi con ạ. Liệu đó mà không kiêng không cử. Tôi giật mình. Ừ nhỉ, sao mình không để ý. Hay đó là một điềm gở. Ý nghĩ làm tôi mất vui đôi chút. Tôi gượng gạo: - Tao ưa màu tím bởi nó có vẻ cô đơn và an phận. Mày xem tao có dáng ở ẩn không? Mai cười khúc khích: - Ừ ở ẩn chờ Lưu Nguyễn đến là vừa bạn ạ. Mãi nói chuyện, trời đã về chiều. Những đám mây màu cà phê sữa xuống thấp – Mai nhìn trời lo ngại. Không có gì buồn bằng buổi trình diễn văn nghệ lúc trời mưa. Tâm chỉ về phía phòng khánh tiết. Cô Mỹ đang loay hoay khênh một giỏ bánh mì. Chúng tôi cùng chạy ùa vào. Nhưng không kịp, chỉ còn lại 2 khúc bánh mì thịt. Tôi chia cho Tâm phần của mình nhưng Tâm không chịu đòi về sửa soạn quần áo đi xem. Tâm nói như phân bua: - Ngồi phía dưới xem đã và oai hơn núp cánh gà. Ta cũng có vé chớ ít gì. Không có lý gì giữ Tâm ở lại, tôi và Mai đưa Tâm ra tận cổng rồi trở vào. Đèn trong phòng khánh tiết đã bật sáng, sân khấu còn tối đen. Chắc chuyên viên ánh sáng của sân khấu đang kiếm góc nào ăn bánh mì. Diễn viên của đêm văn nghệ tất niên đến gần đông đủ. Căn phòng hóa trang chật ních những người. Mùi áo quần son phấn bay bay như hậu trường của một đoàn hát nhà nghề. Tiếng nói, tiếng hát, tiếng cười vọng râm ran ở khắp nơi, khắp góc. Oanh giữ nhiệm vụ hóa trang cho học sinh đệ nhất. Con nhỏ thật khéo tay. Những lớp phấn mỏng nhẹ hồng phơn phớt trên má Mai trông mịn như da trái đào thơm. Cây bút vẽ môi vờn thoăn thoắt phút chốc thành hình trái tim chúm chím. Một lượn viết chì đen quanh khóe mắt. Chải đậm thêm cặp lông mi dài. Mái tóc vén gọn gàng hai bên tai chải dài thành một giòng suối nhỏ trên lưng. Mai trông khác lạ và xinh như một nàng tiên trong truyện liêu trai. Tôi khen tặng nức nở. Mai liếc nhìn vào trong gương lần chót bằng hai con mắt dài có đuôi. - Đến phiên Mỵ kìa. Bồ lấy dùm tôi cái khăn tay ở bên kia kìa. Bên trái đó. Tôi ngồi vào chổ Mai vừa đứng lên. Gương kính soi rõ một khuôn mặt quen thuộc. Tôi không có can đảm nhìn vào gương mà khép mắt nhìn xuống để Oanh tự do tô điểm. Từng cái lướt tay trên má phấn, từng thỏi son màu quẹt nhẹ trên môi. Mái tóc vén cao, và cũng như mọi lần, niềm hy vọng tràn đầy, tôi nhìn vào gương bằng lòng với tôi thêm một tí. - Soi gương xem thử có bằng lòng không nào? Oanh kéo tay áo dí sát tấm gươngvào mặt tôi. Tôi nhắm mắt rồi mở mắt một thoáng. Sau cùng đứng dậy thật nhanh. - Thôi đẹp rồi, để mình đi thay áo . Sân khấu đã rực rỡ ánh đèn. Từ phía bên kia bức màn nhung đã nghe thấy tiếng người lao xao, tiếng ghế di động. Lúc tôi thay xong chiếc áo dài màu hồng bằng lụa hoa thì tiếng đàn dạo của dàn nhạc của dàn nhạc cũng đã bắt đầu. Hậu trường càng lúc càng rộn rịp, lăng xăng. Tôi và Mai hé tấm cánh gà nhìn xuống hàng ghế khán giả. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy Lãm chễm chệ trên một chiếc ghế hàng thứ hai. Bên cạnh là ba má tôi. Tôi cũng thấy Tâm ngồi một mình ở góc trái. Mai khèo tôi chỉ một nhóm thanh niên vừa bước vào: - Ông anh quý của tao với bạn của ổng vô kia kìa. - Mai, đừng nhìn xuống sân khấu nữa. Vào đây nghe cô dặn nè. Cô Mỹ kêu chúng tôi. Cô đang đứng với một nhóm học sinh đệ nhị có mặt trong trường ca ra mắt đầu tiên. Cô dặn dò lại về vị trí đứng của từng người. Chúng tôi im lặng chăm chú nghe trong khi nhịp tim nhảy trong lồng ngực râm ran không ngớt. Buổi trình diễn bắt đầu sau bài diễn văn tất niên của ông Hiệu Trưởng và lời chúc tụng giáo sư của toàn thể học sinh. Quả như lời cô Mỹ nói, số khán giả đông nghẹt. Những nam sinh Phan Chu Trinh chen chúc trên những ghế dài ở cuối phòng. Quần xanh áo trắng, họ làm thành một tập thể ồn ào và lạ mắt giữa rừng áo quần đủ màu sặc sỡ của khán giả phụ huynh thân nhân học sinh. Mỗi một màn trình diễn thành công là mỗi tràng pháo tay muốn vỡ tung cả phòng khánh tiết. Sân khấu đã tạo nên được cái say mê quen thuộc và các học sinh trình diễn không còn run sợ. Cô Mỹ đến gần vỗ vai tôi bảo: - Sắp đến phiên Mỵ rồi đó. Ráng nghe. Tôi run lên. Hai chân như muốn khuỵu xuống. Nhưng tấm màn nhung đã mở. Tôi bước ra đơn độc ngoài sân khấu. Khiếp. Sao hát hợp ca vui và bạo thế mà bây giờ tôi run không thể tưởng tượng được. Tiếng Mai nói nhỏ ở cánh sân khấu: - Không có gì đâu. Ráng lên. Sắp vào rồi đó. Một, hai, ba, bốn … Tôi men theo tiếng đàn – Bài “Hoài cảm” của Cung Tiến buồn như một cung đàn lỡ … “Chiều buồn len lén tâm tư mơ hồ nghe gió thu đưa. Rạt rào vọng những âm xưa … Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người đâu ân tình cũ. Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa …” Tôi không còn nhớ là lòng tôi hát hay miệng tôi hát nữa. Qua một phút nghỉ cho nhạc tôi nghe tiếng Mai khen: - Hay lắm Mỵ ơi, được lắm … Dứt bài hát, những tràng pháo tay vang dội khắp thính đường. Tôi bối rối nhìn vào trong. Cô Mỹ giục: - Em cám ơn, rồi hát môt bài nữa để trả lễ đi. Tôi nói theo lời nhắc của cô Mỹ: - Em xin cám ơn quý vị, và sau đây em xin trinh bày bản “Trương Chi” Nhac dạo những cung bậc réo rắc. Tôi chờ đợi. Bỗng từ dưới xa, phía các nam sinh, một câu nói vọng lên rõ mồn một: - Em này xấu như Trương Chi nên hát bài này hợp lắm. Hằng trăm tiếng cười ồ đồng tình và cũng có những tiếng la nhỏ bất bình. Tôi chỉ muốn quay lưng chạy vào bên trong. Nước mắt ở đâu mà trào ra thành một màng mỏng trên mắt. Qua nước mắt tôi thấy nét khổ tâm hằn học trên mắt ba má tôi, còn Lãm thì quay người lại đưa quả đấm đe dọa. - Mỵ ơi, kệ chúng nó hát đi. – Nhạc dạo lần thứ hai rồi đó. Ở dưới khán giả đã có tiếng xì xào khi tôi vẫn đứng im trên sân khấu. - Hát đi. Hát đi. Tôi mở miệng ra và hát như phản xạ … “Đò ơi, đêm nay giòng sông Thương dâng cao mà ai hát giũa đêm trường. Ngồi đây ta vỗ mạn thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta. Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau, đôi lứa bến giang đầu. Người ra đi với cuộc từ ly. Đâu bóng thuyền Trương chi…” Nước mắt tôi ứa ra má cùng lúc với tấm màn nhung khép lại. Mai ra dìu tôi vào an ủi: - Mỵ hát hay quá trời. Thấy không, họ vỗ tay nhiều hơn cả bài hợp ca Mẹ Việt Nam nữa. Ai cũng công nhận vậy hết. Mọi người cùng xúm lại khen ngợi. Nhưng những câu khen tặng không làm tôi nguôi ngoai được cơn buồn phiền âm thầm. Cơn buồn đó đã nằm sâu trong xương tủy và mỗi lần châm chọc là mỗi lần làm tê liệt tinh thần. Mai rủ tôi: - Chờ Mai vũ xong màn này rồi mình ra ngoài chút cho thoáng nghe. Hay Mỵ xuống dưới với hai bác ngồi xem Mai vũ. Tôi lắc đầu khi nghĩ đến việc vác gương mặt vô duyên này xuống nơi đông người để họ dè biểu phê bình. Tôi ngồi thu mình lại một góc không nhìn ai, không nói chuyện với ai. Mỗi khi thấy người nào đưa mặt lén nhìn tôi lại nghĩ rằng họ đang dòm ngó sự bất hạnh của tôi và lòng tôi quặn lên nỗi đau tê chua xót. Mai vũ xong, thay quần áo. Cả hai đứa vẫn giữ nguyên bộ mặt phấn son rời hậu trường. bên ngoài trời tối đen. Một vành trăng lưỡi liềm nhàn nhạt trên nền trời nhiều mây. Mai lôi tôi xuống Câu lạc bộ, bên trong lác đác vài người ngồi uống nước tán chuyện gẫu chắc là không chịu được sự nóng nảy trong căn phòng khánh tiết đầy người. Mai kêu cho tôi một ly chanh muối. Hai đứa ngồi nhìn nhau, chả ai nói ai câu nào. Đầu óc tôi trống rỗng, không nghĩ, không buồn, không vui cái trạng thái rỗng tênh kỳ quặc lạ lùng. Tôi ngồi và mắt lơ đãng ra khoảng đêm đặc quánh ở góc trường nơi những tàn phượng che rũ dày bít. - Mỵ à, Tết này nhớ đến nhà tao chơi nghe. Mồng hai tụi mình rủ nhau đi xi-nê rồi về đổ “tam hường” ở nhà tao vui lắm. Tôi rùng mình nghĩ đến buổi đi coi xi-nê chua xót cách đây mấy tháng. Mai vô tình nói tiếp: - Tết này đến phiên tao bao mày với Thu Tâm. Để rủ thêm cả con Thanh nữa. Mày đồng ý không? Tôi uể oải khuấy đường trong ly, gật đầu nhè nhẹ. Chiếc muỗng chạm thủy tinh vang lên những tiếng lanh canh trong vắt. “Cuộc đời buồn đến thế sao” Tôi tự hỏi một mình. - A, Mai lại ăn hàng rồi đấy phỏng? Nhừng bước chân và âm thinh ồn ào vây bọc chúng tôi. Tôi ngửng đầu lên trong khi Mai liếng thoắng: - Biết ngay mà, thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Có anh Hải ở đây, tụi mình tha hồ uống. Chả sợ tốn tiền. Mỵ, kêu cô-ca với bánh ngọt đi Mỵ. A, còn anh Hải uống gì? Anh Hải cười cười ngồi xuống, đưa tay vẫy một người bạn đang đứng ngập ngừng ở cửa. - Vào đây Nam, em tao đó, con nhỏ xí xọn nhất nữ sinh Đà nẵng đó. Nam bước vào, gương mặt bình thản như mặt nước hồ phẳng. Anh cao lêu nghêu. Chiếc áo sơ mi màu xanh da trời nhạt trông lạnh ngắt trong đêm. Khi Nam ngồi xuống, anh Hải chỉ vào tôi hỏi: - Phải cô Mỵ đây không? Còn đây là Mai, em tao, Mỵ bạn học cùng lớp của Mai. Tôi bối rối cúi mặt xuống ly nước đá lạnh. Nam gật đầu chào tôi và Mai, nhưng tôi vẫn yên lặng. Mai hơi bực bội hỏi: - Anh Nam thấy Mai vũ thế nào, được không? Nam mỉm cười nhẹ nhàng. Chàng xoay ly nước màu đen cho những cục nước đá sóng sánh và không nói được câu nào. Tôi nghĩ: Bất lịch sự. - Mai vũ là nhất rồi, để thưởng, cho Mai chọn hai thứ kẹo chanh hoặc thèo lèo. Mai háy một đuôi dài: - Anh này keo quá . - Chớ nói xấu anh ấy giữa đám đông nhé. Mai cười: - Chính anh quảng cáo tính mình bằng những ân sủng ban phát cho thiên hạ chớ bộ. Tôi cười mỉm. Hai anh em nhà này nói chuyện đến hay – Vui quá. Giá tôi cũng có ông anh nhỉ. - Sao cô Mỵ ít nói quá nhỉ? Anh Hải hỏi tôi. Mai trả lời tranh: - Anh Nam, bạn anh thì sao, như cái nồi úp vung, chả tuyên bố câu nào cả. Nam cười. Tôi đưa mắt nhìn chàng, bắt gặp Nam ngẩng nhìn lên tôi. Ánh mắt dừng lại một chút. Tôi đưa tay quẹt ngang má và nhớ lại dung nhan mình. Tôi nói thầm: Đừng có để những ảo tưởng giết chết mình - đừng có để … - Cô Mỵ hát hay quá. Thật tôi chưa nghe ai hát bài Hoài Cảm hay như cô. Kể cả Lệ Thu. Tôi bàng hoàng xúc động. Câu khen tặng nhẹ như bài thơ. Nhưng chỉ một thoáng tôi nhớ lại gương mặt mình. Câu la hét của lũ nam sinh ác độc chắc hẳn đã vào lỗ tai của Nam và hẳn anh chàng đang mỉa mai mình chăng. Tôi trả lời giọng chát như sấu xanh: - Đừng khen tôi như vậy, mọi người không thất vọng là may rồi. Nam khoát tay: - Cô đừng hiểu lầm, tôi nói thật. Có thể cô không ca điêu luyện như Lệ Thu, nhưng với thính quang tôi, tôi thích giọng ca của cô hơn. Tôi không khen vớt đâu. Anh Hải cũng nói thêm: - Nam ít khi nói dối hoặc khen ai bao giờ. Lần đầu tiên tôi nghe nó khen Mỵ đấy. Mừng đi. Lòng tôi dịu lại. Tôi thấy mình hơi bất lịch sự, nhứt là với người lạ như Nam. Tôi nói một câu khách sáo: - Tôi xin lỗi. Và cám ơn anh Nam. Nam mỉm cười. Đôi mắt sáng lên thông minh và tế nhị: - Bây giờ đến phiên cô dối lòng nhé. Cô vẫn không tin tôi. Tôi ấp úng: - Không … tôi … Mai vỗ vào vai tôi: - Bồ thấy không, tui khen bồ đúng lắm chớ bộ, thôi khỏi cần nói năng chi cho nhiều. Anh Hải và Nam trao đổi vài câu chuyện thời sự. Những trận đánh đang sôi nổi ở vùng Cửu Long, biên giới Hạ Lào. Họ nói về hòa bình, về chính trị, về Nga về Tàu, Mỹ. Tôi và Mai không hiểu và mù tịt về những chuyện rắc rối đó. Hai đứa cắm cúi uống hết ly nước của mình rồi tấn công dĩa bánh ngọt. Mãi đến khi dĩa bánh hết, chúng tôi mới để ý là câu chuyện giữa anh Hải và anh Nam đã chấm dứt. Họ hút thuốc lá. - Xong chưa, trả tiền rồi xem tiếp. Mai kêu: - Tụi em đói quá, anh cho tiền mua mấy cái bánh bột lọc. Hai anh vô xem rồi nhớ khi anh về anh nhớ đưa em về nghe anh Hải. Anh Hải cười: - Biết rồi. À mà Mỵ về bằng gì? - Em về bằng xe nhà trường. Anh Hải nghĩ ngợi một đôi chút rồi quay qua Nam nói nhỏ. Nam gật đầu. Anh Hải quay sang tôi: - Như thế này cho tiện. Anh và Nam có 2 xe Honda. Tí nữa cả 4 người cùng về, Mai đưa Mỵ về nhà xong rồi anh em tôi về. Chứ chờ xe trường đưa từng người về mệt và khuya lắm. Được không? Tôi còn ngần ngại thì Mai đã nhanh nhẩu: - Vậy thì còn gì bằng. Anh Hải sao tối nay dễ thương quá. Để về nhà em thưa với mợ cho anh một cái ruột cá nguyên. Anh Hải cười xòa cùng Nam bước ra. Tôi nhìn theo, dáng hai người lờ mờ trong bóng tối, chỉ còn điếu thuốc cháy đỏ trên môi Nam, tôi tưởng như cục than hồng ấm áp. Đêm càng lúc càng lạnh. Buổi đại hội tất niên chỉ còn một màn cuối nữa là vãn. Ba má tôi ra về từ lâu. Ngay khi tôi vừa hát xong. Đã có nhiều người lần lượt ra về. Anh Hải chở Mai, Nam chở tôi. Đường vàng nhòa nhạt và những sợi gió mong manh lồng lộng chân tóc, xôn xao trên đỉnh mấy vòm cây. Lần đầu tiên, tôi ngồi cho một người con trai không quen biết chở, nên ngượng ngùng vô kể. Vạt áo dài cứ theo gió muốn tốc cuốn vào một chân của Nam. Nam nhắc tôi: - Cô Mỵ nhớ giữ hai vạt áo dài nhé. Coi chừng nó tạt vô xe là khốn… - Dạ. Tôi nghe tiếng tôi nhỏ nhẹ như một con mèo ngoan. Nam gọi chuyện: - Cô Mỵ có bao nhiêu anh em nhỉ? Tôi hơi cười: - Đông lắm, đôi lúc Mỵ đếm không hết nữa. Lâu ngày đâm ra quên, không biết đã tới con số bao nhiêu rồi. Nam cười: - Gớm, cô Mỵ cũng khôi hài dữ. Cô có học hát ở đâu không mà hát hay thế? - Mỵ nhái theo đài phát thanh đó anh. Ở Đà nẵng làm gì có trường dạy hát. - Ừ nhỉ, tôi cứ tưởng như sống ở Sàigòn. Kể ra như vậy cũng uổng. Tôi mím môi: - Mình đâu có theo nghề hát hỏng ca sĩ mà học làm gì? Hát cho trường đấy, chớ hát cho Thông tin là ba má Mỵ từ ngay. Nam nói vu vơ: - Ông bà cụ còn nhớ tới quan niệm xướng ca vô loại chứ gì. - Vâng. Quãng đường ngắn ngủi. Chả mấy chốc đã đến nhà. Mai đưa tôi vào tận trong. Lúc lên gác, tôi đến bên cửa sổ nhìn xuống đường theo bóng ba người về cho đến khi tiếng xe Honda khuất hẳn trong đêm yên lặng. Tôi rửa mặt thay áo và lên giường. Cơn ngủ tưởng chừng sẽ khép mắt tôi ngay, thế mà không, tôi thao thức trong nỗi nôn nao và sự xao động dịu dàng. Có vài tiếng pháo lẻ nổ trong thinh vắng. Đêm im như một bức thảm dầy. Tôi quấn chăn khắp người cố xua đuổi những tạp niệm. Nhưng hàng trăm hình ảnh dồn dập kế tiếp như không bao giờ dứt và tôi thiếp ngủ giữa bao hồi tưởng rắc rối. Mồng một Tết, tôi ngồi nhà tiếp khách. Ba má tôi đi mừng tuổi suốt ngày. Lũ em được dịp lông nhông bỏ đi tứ tán. Liên cũng theo mấy đứa bạn học. Chỉ còn mình tôi vào ra cắn hạt dưa tí tách và uống trà tiếp khách. Buổi chiều, khách thưa hơn. Tôi rổi rãi lấy mấy cuốn sách Hồng ngồi dựa ghế, chân tréo qua tréo lại như kẻ nhàn cư nhất đời. Quyển truyện vừa mới lật, tôi đã nghe tiếng Mai vọng từ bên ngoài: - Chào Mỵ, chúc Mỵ sang năm thi đỗ và gặp nhiều tin vui. Tôi giật mình. Quyển sách rơi xuống ghế. Chưa kịp đứng dậy thì Mai đã tràn vào nhà như cơn gió lốc. - Đi tới nhà mấy đứa đi Mỵ. May qua bà đi chúc Tết mất thì xui. Tôi rót một tách trà cho Mai rồi đem mứt me ra mời: - Ăn mứt uống nước đi Mai. Mình đi không được đâu. Nhà đi hết cả rồi. Thôi ngồi đây chơi mai rảnh mình rủ nhau đi luôn. Mỵ biết bữa nay nhiều đứa bận lắm. Mai tiu nghỉu: - Xui ta rồi nghe. Rủ đi mà không đi. - Bất khả kháng chớ bộ. Thôi, bồ ăn một trái me xả xui đi. Me nầy bồ khai mạc đó, Mỵ chưa đem mời khách. Mai nhai me có vẻ khoan khoái lắm nên không nhắc tới việc đi nữa mà chỉ kể chuyện Tết ở đầu nhà, ngoài phố. Tôi lơ đãng nghe. Hình như trong tôi, môt chút thất vọng nào đó đã đến và buồn buồn. Tôi nhớ đến bóng dáng một người. Sợ Mai đoán được tôi vội vàng nhấm lấy một miếng mứt lớn. Câu chuyện Mai kể đã sang đến những cái Tết của gia đình, đến anh Hải. Tôi chờ dợi nôn nao một lời nhắc nhở. - Mỵ à, anh Nam gởi lời thăm và chào bồ đó, ảnh đi Nha Trang thăm người anh và ăn Tết ở đó. - Thế à ! Tôi làm như không chú ý đến tin đó cho lắm mặc dù lòng tôi cảm động và sung sướng đột khởi tự nhiên. Người ta vẫn còn nhớ đến mình. Tôi thấy mùa xuân này đẹp và vui quá. Nắng rực rỡ và tiếng trẻ vui đùa vang xóm. Màu sắc và cảnh vật như như mới mẻ và tôi muốn ôm tất cả vào lòng. Nỗi vui đến thật nhanh và tràn trề nên tôi không dấu được, tấm kính lót bàn soi lờ mờ gương mặt tôi hớn hở. Một phút trôi qua, tôi giật mình khi nghĩ tới gương mặt vô duyên của mình. Cái vui vừa đến có thể làm Mai chú ý và biết đâu nó chả cười thầm trong bụng là con nhỏ này xấu xí mà cũng bày đặt. Phút chốc, nỗi vui tan biến như vệt mây trắng trên trời. Tôi lạnh lùng yên lặng. - Anh Nam với anh Hải cứ khen Mỵ hát hay ghê, tụi bạn lớp mình cũng vậy. Mỵ có còn nhớ con Nhạn không, tụi nó ghét “băng” mình lắm, nhưng nó cũng công nhận là hay đó. Tôi cười yếu ớt: - Ngày xưa, có anh Trương Chi. Người thì xấu, nhưng hát rất hay. Mai đập nhẹ tay tôi: - Nghĩ bậy bạ hoài. Đầu năm đầu tháng phải tươi đẹp lên chứ. Chuyện vãn được một lúc thì Mai đòi về. Còn một mình tôi khép cửa để bớt khách hầu có thì giờ nghĩ ngợi một mình. Tôi có cảm tình với Nam chăng? Hay tôi đã bắt đầu yêu? Nếu không, tại sao mỗi lần nhắc đến tên Nam là mỗi lần tôi nôn nao rạo rực. Tôi nhớ lại đêm tất niên ở trường. Nam có nghe lời chê bai của tụi nam sinh? Chắc Nam đã nghe. Nhưng Nam nghĩ gì khi thấy mặt tôi. Nam có cảm tình với tôi không? Hay đó chỉ là phép lịch sự của người con trai đối với người con gái. Với gương mặt xấu của tôi, liệu tôi có lấy được cảm tình của người bạn khác phái? Những câu hỏi quay tròn trong đầu làm tôi vừa tủi thân, vừa xấu hổ. Tôi hư quá rồi còn gì nữa. Mới bây lớn mà đã mơ mộng chuyện yêu đương. Đang đi học mà đã để ý đến người khác phái. Điều đó đáng khiển trách. Nếu mọi người biết chuyện, chắc tôi khó thể nào tự nhiên được. Nhưng nghĩ ngợi trấn tỉnh được một lúc, tôi lại để tâm hồn nghĩ về Nam. Chàng như một vết tích không phai mờ, một hình bóng hạnh phúc rỡ ràng, xa xôi, là tia hy vọng huyền hoặc cho khoảng đời con gái tôi nhiều mặc cảm. Tôi biết nghĩ của mình nhiều ảo tưởng hơn mơ mộng. Nhưng tôi đành chấp nhận. Thôi cứ để hồn tan vào giấc mơ hơn là sống u buồn như bóng chiều đêm. Lần đầu tiên tôi lẩm bẩm gọi tên chàng, lập lờ không rõ rệt.