Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Tây Phương Huyền Bí

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7084 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tây Phương Huyền Bí
Không rõ

Chương 10

 

Là năm 1794. Cuộc Cách Mạng Pháp đã kéo dài trên năm năm, và đang bước vào giai đoạn đẫm máu đến cực điểm. Người ta gọi giai đoạn đó là Thời Đại Khủng Bố mà người lãnh đạo là một nhà Cách Mạng đa sát có cái tên là Robert (Robespierre), Chủ Tịch Ủy Ban Cách Mạng Trung Ương và Chủ Tịch Chánh Phủ Cộng Hòa lâm thời.
      Năm 1794 cũng là năm vừa chấm dứt cuộc tranh chấp quyền hành và xung đột ảnh hưởng giữa con trăn và con sư tử. Con trăn Robert đã thắng đoạt và giết chết con sư tử (Danton). Danton đã ngã gục giữa pháp trường cùng một lượt với Mậu Linh, một nhà cách mạng ái quốc chân chính, chủ trương ôn hòa và ngã về phe Danton. Kể từ khi đó, những vụ tàn sát các nhà cách mạng đối lập đã làm lu mờ sự phán đoán sáng suốt của Robert.
      Sau vụ thanh toán đẫm máu cuối cùng nầy, có lẽ là cần thiết cho sự an toàn của ông ta, nếu Robert chấm dứt ngay Triều Đại Khủng Bố, và áp dụng chánh sách rộng rãi khoan dung như Danton vẫn hô hào đề xướng, thì có lẽ y đã được suy tôn như một người anh hùng của dân tộc. Nhưng những đề lao và khám tối vẫn tiếp tục chứa thêm người cho đến đầy tràn, quân đao phủ và máy chém vẫn tiếp tục hoạt động ngày đêm. Robert không nhận thấy rằng dân chúng đã chán ngấy đến lợm giọng những vụ sát phạt lưu huyết và đang cần có sự tái lập lại cuộc sống bình thường.
      Chủ Tịch Robert làm việc trong một văn phòng đặt tai nhà của công dân Dupleix, người nầy vốn xuất thân làm nghề thợ mộc (Phủ Chủ Tịch đặt tai nhà riêng của một người thuộc giai cấp thợ thuyền là ngụ ý cải cách chế độ quan liêu phong kiến của nền quân chủ đã sụp đổ.
      Robert ngồi trên một chiếc ghế bành, lưng thẳng, trước một cái bàn giấy rộng lớn chứa đầy những văn thư. Đầu chải bóng, tóc hơi quăn nhưng rất ngay hàng và chăm sóc rất kỹ, vị Chủ Tịch Cách Mạng Pháp mặc trang phục chải chuốt với một áo ngoài bằng nỉ xanh, một áo lót trắng tinh cổ lật bằng sa tanh màu hường. Cái trán hơi thấp nhưng rộng và thông minh, đôi môi mím chặt với một vẻ cương quyết, nhưng đôi khi hơi run. Đôi mắt sâu sắc, thần mắt dữ, cái nhìn như soi thấu tâm can người đối thoại, lại không phù hạp với một khổ người mảnh khảnh và một nước da tái nhợt nó biểu lộ một sự lo nghĩ và một sức khỏe kém.
      Văn Phòng Chủ Tịch đặt trên lầu của tiệm thợ mộc nói trên chính là nơi xuất phát ra những quyết nghị tiến binh để cho những đạo binh Cách Mạng ra quân nơi chiến trường. Đó cũng là nơi ra nghị định cho các nhà thầu xây cất một ống cống nhân tạo để dẫn những dòng suối máu người từ những cái máy chém cho chảy thông ra sông và khỏi bị ứ đọng dưới những cống rãnh trong thủ đô của một dân tộc hiếu sát nhất thế giới!
      Trên đây là một vài nét phác họa sơ lược bản chất của một người có tâm trạng rất mâu thuẫn mà cuộc đời thực tế lại hoàn toàn trái ngược hẳn với những ý tưởng của ông ta lúc thiếu thời.
      Tham vọng đầu tiên của ông ta là nắm giữ một chức vị thẩm phán trong ngành tư pháp, nhưng về sau ông ta đã từ chối kh6ng nhận lãnh chức vị quan tòa để khỏi phải hành động trái ngược với những lý tưởng từ ái, nhân đạo của mình, nếu ông ta phải lên án xử tội tử hình một người đồng loại! Với cái lý tưởng nhân đạo đó khi còn trẻ, ông ta đã từng nhiệt liệt chủ trương hủy bỏ án tử hình, nhưng bây giờ thì ác liệt thay, ông ta lại đang đóng vai trò một lãnh tụ độc tài khát máu nhất thế giới! Ngoài ra điểm mâu thuẩn kể trên, thì Chủ Tịch Robert là người rất mực thanh liêm, ngay chính, có tâm hồn khiết bạch, khắc khổ và khinh bỉ mọi sự thái quá, kể cả trong vấn đề tình ái cũng như rượu chè. Với những nết hạnh đó, nếu ông ta chỉ chết sớm hơn độ năm năm thôi, thì ông ta đã có thể làm mẫu mực cho những người trong dân gian lấy đó làm gương hoặc chỉ dạy cho con em của họ noi theo.
      Chủ Tịch Robert đang cầm lấy một quyển sách để trên bàn và chăm chú đọc, thì một người cận vệ lực lưỡng tay cầm gậy lớn với hai khẩu súng ngắn giắt lưng vừa mở cửa bước vào báo tin có hai người khách đến viếng.
      Người khách đầu tiên hãy còn trẻ, nhưng có vẻ mặt cương nghị và quyết đoán. Y bước vào và nhìn thấy quyển sách trong tay Robert, y nói:
      - À! Héloise của Lư Thoa! Một truyện tình cảm!
      - Hỡi đồng chí Bá Văn! Điều làm tôi thích thú không phải là truyện tình cảm, mà là phần triết lý trong sách nầy. Bao nhiêu là tư tưởng dồi dào phong phú, và một lòng nhiệt thành đề cao đức hạnh! A! Nếu Lư Thoa có thể sống tới bây giờ để nhìn thấy có ngày hôm nay!
      Trong khi nhà độc tài còn đang bình phẩm tác giả Lư Thoa, là vị triết gia mà ông ta thường bắt chước tư tưởng để soạn những bài diễn văn của mình, thì người ta đưa vào người khách thứ nhì ngồi trên một chiếc xe lăn. Người nầy trạc độ tứ tuần, và bị liệt cả hai chân. Tuy bị tàn phế hết nửa thân mình, nhưng ông ta lại là một bàn tay đẫm máu, đã từng bày mưu thanh toán nhiều nhân vật quan trọng. Nhưng trên cặp môi ông ta lại xuất hiện một nụ cười êm ái dịu dàng nhất thế gian, và trên gương mặt ông ta phảng phất nhưng nét thanh tao mỹ lện như cái đẹp của Thiên Thần! Bằng một giọng nói êm ái, trong trẻo và du dương, đồng chí cố vấn Cửu Thông mở lời chào vị Chủ Tịch Robert:
      - Đừng nói không phải tình yêu làm cho anh thích thú, đó chính là tình yêu! Nhưng đây không phải là thứ tình yêu nhục dục tầm thường, mà là tình yêu thương rộng rãi bao la đối với nhân loại và tất cả chúng sinh muôn loài.
      Cửu Thông vừa nói vừa vuốt ve con chó nhỏ lông xù mà y luôn luôn đem theo trên chiếc xe lăn, dẫu trong khi họp ở Quốc Hội. Chủ Tịch Robert nói với một giọng xúc cảm:
      - Phải, tình yêu đối với tất cả muôn loài. Hỡi Cửu Thông! A! Loài người thật là hung dữ! Họ vu khống chúng ta! Họ tố giác chúng ta nhúng tay vào máu của những bạn đồng nghiệp! Đó mới là chuyện đau lòng! Thanh toán những kẻ thù của quốc gia dân tộc, đó là một điều cao quý, nhưng khủng bố đàn áp những người tốt, những công dân yêu nước, những người mà ta mến yêu, đó là điều độc ác nhất trong những việc làm đen tối của con người, ít nhất đối với một quả tim chánh trực và nhạy cảm.
      Cửu Thông nói:
      - Đó là lời nói chí lý! Tôi thích nghe anh nói như vậy!


Bá Văn có vẻ sốt ruột, nói:
      - Thôi! Nói chi những chuyện dông dài. Chúng ta hãy bàn việc nước đi thôi!
      Chủ Tịch Robert vừa phóng một tia sáng rùng rợn trong cặp mắt đỏ ngầu như máu, vừa nói:
      - Phải đấy, ta hãy bàn việc nước.
      Bá Văn nói:
      - Nay đã đến lúc mà lẽ sống còn của nền Cộng Hòa đòi hỏi một sự tập trung mọi quyền hành trong tay. Những tay bạo động trong Ủy Ban Cứu Quốc chỉ biết làm có một việc, là: phá hoại. Họ hoàn toàn bất lực khi nói đến vấn đề xây dựng. Họ đã thù ghét anh, hỡi đồng chí Chủ Tịch, kể từ khi mà anh muốn thay thế chế độ vô quân bằng những thể chế hiến định. Họ nhạo báng cả cuộc Lễ tuyên bố thừa nhận một Đấng Tối Cao! Họ không muốn có ai làm chủ, dẫu rằng ở trên trời! Với khối óc thông minh sáng suốt của anh, anh cũng hiểu rằng chế độ cũ đã sụp đổ, thì ta cần phải xây dựng nên một chế độ mới. Bước đầu tiên đi đến xây dựng, phải là thủ tiêu những kẻ phá hoại. Trong khi chúng ta thảo luận, thì kẻ thù của anh ra tay hành động. Tốt hơn ta nên hạ thủ ngay đêm nay để tóm trọn tiểu đội Cảnh Sát bảo vệ chúng, hơn là đợi đến ngày mai để phải đương đầu với những trung đoàn quân chánh quy mà chúng có thể huy động.
      Robert không bằng lòng đề nghị của Bá Văn, bèn đáp:
      - Không! Tôi có một kế hoạch tốt và chắc chắn hơn. Hôm nay là mồng sáu, đến ngày mồng mười, toàn thể nhân viên Quốc Hội sẽ đến dự cuộc Đại Lễ thập niên. Ngày đó sẽ có một cuộc tập hợp quần chúng đông đảo: Những sinh viên trường Pháo Binh, quân đội Bảo An của tướng Hăng Ri, sinh viên sĩ quan bộ binh cũng sẽ trà trộn với dân chúng. Chừng đó, chúng ta sẽ thủ tiêu những kẻ âm mưu tạo loạn mà những nhân viên mật vụ đã được điềm chỉ cho biết trước. Ngày đó, Phúc Khuê và Duy Mật cũng sẽ không ngồi yên, và lưới luật pháp sẽ tóm luôn một số người tình nghi nữa để duy trì uy lực và niềm hứng khởi Cách Mạng. Ngày mồng mười sẽ là ngày đại nhật để chúng ta ra tay hành động. Bá Văn, anh đã lập xong bản danh sách những kẻ tình nghi chưa?
      Bá Văn vừa đưa ra một tờ giấy vừa nói:
      - Đây rồi!
      Chủ Tịch Robert đưa mắt liếc nhanh qua một lượt:
      - Đê Boa! Được! Ba Rê! Tốt lắm! Chính Ba Rê đã nói: Ta hãy hạ thủ! Chỉ có những kẻ chết là không còn trở lại!" Vát Đê! Được! Tên Vát Đê nầy là tay lãnh tụ miền núi. Nó dám gọi tôi là Mahomet, thằng xúc phạm, thằng báng bổ thần thánh!
      Cửu Thông vừa vuốt ve con chó xù vừa nói:
      - Thì Mahomet sẽ đi lên miền núi.
      - Nhưng nầy! Tôi không thấy có tên Tạ Liên! Tạ Liên đâu? Tôi không ưa người nầy. Trong cả Quốc Hội không có người nào làm cho tôi e ngại bằng tên Tạ Liên nầy. Anh Cửu Thông, anh nghĩ sao? Theo tôi thì Tạ Liên còn nguy hiểm gấp ngàn lần Danton!
      Bá Văn vốn là người khôn ngoan mềm dẻo trong mọi việc, thậm chí trong cả việc giết người, bèn nói:
      - Tạ Liên là khối óc duy nhất chỉ huy nhóm đối lập hiện nay. Tốt hơn là hãy tạm thời nhân nhượng và mua chuộc y trong lúc nầy, để rồi sẽ thanh toán y dễ dàng hơn khi y đã bị cô lập. Như vậy có phải là hay hơn chăng? Có thể rằng Tạ Liên không ưa anh, nhưng có một vật mà y rất thích, đó là tiền!
      - Không! - Robert vừa nói vừa viết tên Tạ Liên một cách chậm rãi và rõ ràng từng nét trên bản danh sách - Các anh hãy cho tôi xin cái đầu nầy!


Cửu Thông nói bằng một giọng rất êm ái:
      - Tôi cũng có một bản danh sách nhỏ nầy đây, rất nhỏ thôi! Các anh lo toan về các lãnh tụ miền núi, nhưng ta cũng phải làm một vài "cú" ờ miền đồng bằng chứ! Những thành phần ôn hòa cũng giống như những cọng rơm, chúng hay ngã theo chiều gió. Mới hôm qua đây, chúng vừa chống lại chúng ta tại Quốc Hội. Một vài hành động khủng bố sẽ làm cho họ thay đổi lập trường. Tôi không thù ghét gì họ, nhưng phải đặt Tổ Quốc trên hết.
      Cái nhìn rùng rợn của Robert lướt mau trên tờ giấy nhỏ xíu mà Cửu Thông vừa đưa ra.
      - À! Khéo lựa chọn đây! Những thành phần không quá nổi bật để có thể gây sự hối tiếc và xúc động. Đó là chánh sách tốt nhất đối với những nạn nhân của đảng ta. Có cả vài người ngoại quốc nữa... Được! Những người nầy không có bà con gì ở Ba Lê. Chứ nếu có, thì những phụ nữ và thân quyến của họ sẽ khiếu nại ầm lên! Những tiếng khóc than tru tréo của họ sẽ làm cho cái máy chém cũng phải xuống tinh thần!
      Bá Văn nói:
      - Cửu Thông có lý. Bản danh sách của tôi nêu tên những người mà ta sẽ thủ tiêu tập thể một cách chắc chắn hơn trong đám đông tề tựu đến dự cuộc Lễ. Còn bản danh sách của y chọn lựa những người mà chúng ta có thể đưa ra pháp luật một cách an toàn không e ngại. Đồng chí không ký bản danh sách đó ngay bây giờ sao?
      Chủ Tịch Robert vừa đặt cây bút lên giá một cách trịnh trọng vừa nói:
      - Tôi đã ký rồi. Bây giờ chúng ta hãy xét qua những vấn đề quan trọng hơn. Những án tử hình nầy sẽ không gây một cơn xúc động nào, nhưng còn Đê Boa, Buốc Đông và Tạ Liên, họ là những lãnh tụ các đảng phái. Đây là một vấn đề sống chết đối với chúng ta, cũng như đối với họ.
      Bá Văn nói thấp giọng:
      - Thủ cấp của những người nầy tức là những nấc thang để cho anh bước lên đài danh vọng. Không có một hiểm nguy nào xảy đến nếu chúng ta hành động mạnh bạo. Các vị quan tòa và nhân chứng đều do phe ta chọn lựa. Một tay, anh nắm vững quân đội, tay kia, anh nắm luật pháp. Tiếng nói của anh vẫn còn đầy đủ uy lực trong dân chúng.
      Chủ Tịch Robert còn đang suy gẫm, thì Bá Văn đã nói tiếp:
      - Và dẫu cho kế hoạch của ta trong buổi Lễ bị thất bại, ta cũng còn những lực lượng hùng hậu để bày kế khác. Đại tướng Hăng Ri, chỉ huy quân đoàn phòng vệ thủ đô Ba Lê, sẽ cung cấp quân lính cho anh thi hành những vụ bắt bớ. Đảng Jacobins sẽ chuẩn bị dân chúng để hoan hô hành động của anh. Chánh Án Duy Mật sẽ chọn những vị thẩm phán không bao giờ biết dung thứ một tội nhân nào. Chúng ta chỉ cần hành động táo bạo!
      - Phải hành động táo bạo! - Chủ Tịch Robert vừa nói lớn với một sự cảm hứng đột ngột, vừa nện quả đấm xuống bàn và đứng dậy, tóc dựng ngược, cũng như con rắn sắp sửa chụp lấy mồi. - Chúng ta không thể dung túng những kẻ tham lam và tội lỗi trong hàng ngũ của những người cách mạng chân chính. Quái gở thật! Họ muốn cùng nhau chia sẻ quốc gia như một chiến lợi phẩm! Chính những người ấy (y nắm chặt trong tay bản danh sách của Bá Văn) chính họ, chứ không phải chúng ta, đã vạch một đường chia rẽ cách biệt với những người thật sự thương yêu nước Pháp.
      Bá Văn thì thầm:
      - Phải đó, chúng ta phải nắm trọn chính quyền. Nói cách khác, quốc gia cần có một ý chí duy nhất.
      Robert nói tiếp:
      - Tôi sẽ đến dự Quốc Hội. Từ lâu nay tôi đã vắng mặt không đến họp vì e người ta hiểu rằng tôi muốn khống chế cả Quốc Hội sau khi đã sáng lập nền Cộng Hòa. Nay thì không cần phải giữ ý như thế nữa, tôi muốn chuẩn bị quần chúng! Tôi muốn đập tan những kẻ phản bội!
      Y nói với một giọng rắn rỏi của nhà hùng biện chưa hề biết thất bại, và với một quyết định tinh thần của người chiến sĩ xung trận sắp đánh chiếm một pháo đài. Ngay lúc đó, y ngừng lại, vì người cận vệ đem vào một bức thơ. Y mở ra xem, gương mặt sa sầm và tứ chi run rẩy... Đó là một bức thơ nặc danh, lời lẽ hăm dọa như sau:


  "Mi đã nhúng tay vào máu của những người bị hàm oan, hãy xem bản án của mi đây! Ta đợi đến ngày giờ mà dân chúng sẽ đưa mi ra trước tòa án để cho mi đền tội. Nếu hy vọng ấy chưa được thực hiện nay, mà phải chờ đợi quá lâu, thì đây, mi hãy đọc và nghe cho rõ:
      Bàn tay nầy, mà mi đang tìm biết xem của ai, sẽ đâm thủng quả tim của mi. Ta nhìn thấy mi mỗi ngày, hằng ngày ta vẫn sống bên cạnh mi. Bất cứ giờ phút nào, tánh mạng mi cũng nằm trong tay ta. Đồ khốn kiếp! Mi hãy sống thêm ít lâu nữa, nhưng chỉ vài ngày ngắn ngủi nữa thôi. Mi sẽ phải nghĩ đến ta và lo sợ ngày đêm. Hãy cầu nguyện cho linh hồn mi trước khi đền tội."
      Nhà độc tài nói với một giọng trống rỗng, bàn tay run rẩy làm rơi bức thơ xuống đất:
      - Bản danh sách đó chưa đủ dài. Đưa đây tôi xem lại! Hãy tìm thêm những kẻ tình nghi nữa. Hãy kiếm thêm! Ba Rê nói có lý! Phải, y rất có lý! Ta hãy hạ thủ! Chỉ có những người chết mới không còn trở lại!


 

Sự Phản Bội

 

Trong khi Chủ Tịch Robert còn đang bận rộn với những kế hoạch và sự lo âu đó, thì cái hiểm họa chung, sự thù hận chung của tất cả những phe phái cách mạng riêng rẽ đối với sự cai trị độc tài đẫm máu của y, đã làm cho họ kết hợp lại với nhau thành một khối. Thật vậy, một cuộc liên minh thật sự đã được tổ chức chống lại y, do âm mưu của những lãnh tụ cách mạng khác cũng đa sát và đẫm máu như y vậy. Thiên Thời và Nhân Hòa là hai yếu tố phá hoại ngày càng siết chặt gọng kềm thù nghịch chung quanh y. Xét về khía cạnh Thiên Thời, thì y không còn thích hợp với thời cuộc nữa. Về khía cạnh thứ hai, y đã mất hẳn yếu tố Nhân Hòa bởi y đã tỏ ra khinh miệt lòng dân và gây thù chuốc oán khắp trong mọi giới cũng như trong các đảng phái đối lập. Đảng phái ghê gớm nhất trong cuộc Cách Mạng do lãnh tụ Hê Be cầm đầu, nổi tiếng là tàn bạo và vô thần, cũng đã đồng loạt trở mũi súng chống lại y sau khi Hê Be bị hành quyết.
      Trong số những người đã theo chủ thuyết vô thần của Hê Be và bây giờ đang lo sợ phải chịu cùng chung số phận với vị lãnh tụ nầy, có nhà họa sĩ My Cốt. Bất bình và thất vọng vì sự nghiệp cách mạng của y đã tan tành ra mây khói vì cái chết của quan thầy y, và thấy rằng giữa hồi Cách Mạng đang thành công rực rỡ, với sự đóng góp bao nhiêu công lao khó nhọc của chính mình, nay y lại phải sống ẩn núp trốn tránh trong những hầm rượu, nghèo túng, tối tăm và nheo nhóc khốn khổ hơn bao giờ hết, thậm chí cũng không dám công khai hành nghề của mình, và ngày đêm lo sợ bị tóm cổ đem ra pháp trường xử trảm, nên dĩ nhiên là y đã trở thành một trong những kẻ thù bất cộng đái thiên với Chủ Tịch Robert và chánh phủ Cách Mạng.
      Y thường có những cuộc hội họp kín với Đê Boa, người nầy cũng chia sẻ quan niệm với y, y đã viết hịch và truyền đơn đem phân phát các nơi, và đi tuyên truyền trong dân chúng để chuẩn bị cuộc nổi dậy chống nhà độc tài khát máu. Tuy nhiên, thế lực của Chủ Tịch Robert vẫn còn khá mạnh và vững chắc, và cuộc âm mưu chống đối vẫn còn e dè, do dự, đến nỗi My Cốt cũng như nhiều người khác, đã hy vọng nơi mũi dao găm của kẻ ám sát hơn là sự nổi dậy của quần chúng. Nhưng My Cốt, tuy không hẳn là một kẻ hèn nhát, lại không thích cái viễn ảnh của một sự hy sinh. Y cũng có đủ lý trí sáng suốt để hiểu rằng nếu tất cả các đảng phái đều sẵn sàng hoan hô vụ ám sát, thì chắc họ cũng sẵn sàng đồng ý chặt đầu tên thích khách! Y không có đức hy sinh và can đảm cần thiết để trở nên một Brutus. Mục đích của y là gây nguồn cảm hứng cho một Brutus để làm công việc đó thế cho y, và giữa một quần chúng đang sôi sục nẩy lửa như dân Ba Lê thời ấy, thì cái hy vọng đó không phải là không có căn cứ.
      Trong số những người tỏ ra thù nghịch một cách công khai nhất và cương quyết nhất đối với chế độ sắt máu nầy, trong số những người tỏ ra thất vọng nhất, kinh ngạc nhất về những hành động tàn ác quá trớn của Cách Mạng Pháp, có một người Ăng Lê tên Linh Đông. Trước đó, Linh Đông đã có ủng hộ lập trường ôn hòa và khoan dung của Mậu Linh, và sau khi nhà lãnh tụ cách mạng nầy bị Robert đưa lên máy chém thì Linh Đông sợ bị liên lụy đến mình, bèn tìm cơ hội thoát thân. Nhưng ngoài ra bản thân y, Linh Đông còn phải lo cho hai mạng sống khác nữa, và chính vì lo sợ cho hai người nầy mà y phải đặt kế hoạch đào tẩu ra khỏi xứ Pháp một cách an toàn. Tuy y không ưa những lập trường, chánh kiến và thói xấu của My Cốt, y vẫn giúp đỡ người họa sĩ nầy những phương tiện sinh sống trong cơn túng ngặt, và để đáp lại tấm thịnh tình đó, My Cốt bèn phác họa trong trí cái kế hoạch đưa Linh Đông lên cái vai trò thiêng liêng bất tử của một Brutus, vai trò mà y đã từ chối một cách khiêm tốn cho riêng mình.
      Đúng vào ngày giờ mà Chủ Tịch Robert thảo luận với các cố vấn của y như chúng ta đã thấy trước đây, thì trong một gian phòng nhỏ cạnh bên đường Thánh Honoré, có hai người đang nói chuyện với nhau: một người đàn ông đang ngồi nghe một cách nhẫn nại và an phận, với một người đàn bà trẻ đẹp một cách khác thường, nhưng gương mặt biểu lộ những nét mạnh bạo, cương quyết. Trong khi nàng nói chuyện thì những nét mặt vô cùng linh động biểu lộ một tánh chất man dại hung hăng như sát khí của rừng thiêng. Nàng nói:
      - Anh hãy coi chừng! Anh biết rằng trong cuộc trốn chạy hay trong cơn nguy hiểm, em sẽ đường đầu với tất cả mọi sự để có mặt ở một bên anh. Anh biết rõ chứ, vậy anh hãy nói đi!
      - Hỡi Phi Lịch, anh có bao giờ nghi ngờ lòng chung thủy của em đâu?
      - Lòng chung thủy của em, anh không thể nghi ngờ, nhưng anh có thể phản bội! Anh nói rằng trong khi chạy trốn, anh phải đem theo một người nữa ngoài ra em, và người đó là một người đàn bà. Cái đó không được đâu.
      - Không được à?
      - Không được!
      Phi Lịch vừa lập lại câu đó một cách quyết liệt vừa khoanh hai tay trước ngực. Nhưng Linh Đông chưa kịp đáp, thì có tiếng gõ cửa, và My Cốt thò tay rút then cửa rồi bước vào. Phi Lịch để rơi mình ngồi phịch xuống ghế bành và hai tay ôm lấy đầu, nàng có vẻ thản nhiên với người mới đến và không chú ý gì đến câu chuyện giữa hai người.
      My Cốt bước vào trong bộ y phục của người bình dân, một cái nón rách đội trên đầu, hai tay thọc vào túi và một bộ râu dê mọc đã tám ngày ở dước cằm:
      - Tôi không thể chúc anh một ngày tốt, vì ngày nào mà tên bạo chúa còn sống, thì ngày đó chưa có thể tốt được!


- Đúng, và sao nữa? Chúng ta đã gieo gió, bây giờ chúng ta phải gặt bão.
      My Cốt nói với giọng độc thoại dường như y không nghe câu trả lời:
      - Tuy vậy, thật là một điều lạ lùng mà nghĩ rằng tên đao phủ cũng có thể chết như những nạn nhân của y, rằng cuộc đời y chỉ như chỉ mành treo chuông, và giữa làn da mỏng với quả tim trong lồng ngực y, quãng cách không xa bao nhiêu. Nói tóm lại, chỉ cần một bàn tay quyết liệt với một mũi dao nhọn là có thể cứu nạn cho nước Pháp và toàn thể nhân loại.
      Linh Đông nhìn y một cách ngạo nghễ và thản nhiên, không đáp. My Cốt nói tiếp:
      - Đôi khi tôi cũng để ý tìm kiếm chung quanh tôi một người do Trời sinh ra để làm cái sứ mạng đó, và mỗi lần như vậy, những bước chân của tôi lại đưa tôi đến đây.
      Linh Đông nói một cách mỉa mai:
      - Những bước chân của anh sao không đưa anh đến ngay nhà của Chủ Tịch Robert, có phải là tiện hơn chăng?
      My Cốt đáp một cách lạnh lùng:
      - Không, bởi vì tôi là một kẻ bị tình nghi. Tôi không thể trà trộn vào đám tùy viên, cận vệ của y được, tôi không thể nào đến gần y dưới một trăm bước mà không bị bắt giữ. Còn anh, anh có một hồ sơ trong trắng, và anh không có gì phải sợ. Anh hãy nghe tôi nói: việc nầy bề ngoài xem dường như nguy hiểm, nhưng thật ra không có gì hết! Tôi vừa hội ý với Đê Boa và Va Ren, họ sẽ tuyên bố trắng án cho người nào dám ra tay hành động. Dân chúng sẽ ủng hộ anh, Quốc Hội sẽ hoan hô anh như một anh hùng giải phóng.
      - Sao anh có thể nghĩ rằng tôi là một kẻ ám sát? Nếu phải nổi dậy và công khai tuyến chiến với tên bạo chúa, thì tôi sẽ không phải là kẻ đi sau chót ra bãi chiến trường. Những người theo lý tưởng tự do có bao giờ thừa nhận một kẻ phản bội là ân nhân của họ đâu!
      Giọng nói và cử chỉ của Linh Đông làm cho My Cốt thất vọng. Y hiểu rằng y đã xét lầm con người nầy. Lúc ấy Phi Lịch ngẩng đầu lên và nói với My Cốt:
      - Không! Bạn anh có một kế hoạch khôn ngoan hơn: y muốn rằng cứ để yên cho bọn hùm beo cấu xé lẫn nhau, y có lý, nhưng...
      My Cốt kêu lên trong sự ngạc nhiên:
      - Thế nghĩa là chạy...? Có thể được sao? Làm sao chạy? Chừng nào? Chạy bằng phương tiện gì mới được? Khắp cả nước Pháp đều có quân lính và mật vụ bao vây chặt chẽ, một con chuột cũng không qua lọt! Chạy sao cho thoát bây giờ?
      - Nếu vậy anh cũng muốn chạy trốn cuộc Cách Mạng thần thánh của anh hay sao?
      My Cốt vừa quỳ xuống đất và hai tay ôm lấy đầu gối Linh Đông vừa kêu lên:
      - Sao không muốn? Ôi! Anh hãy cho tôi đi với! Cuộc đời tôi là một cái cực hình, cái máy chém lúc nào cũng lởn vởn trước mắt tôi. Tôi biết rằng ngày giờ chết của tôi đã điểm, tên tôi sẽ có trong bản án tử hình. Tôi biết rằng Chánh Án Duy Mật, vị thẩm án không bao giờ tha tội cho ai, đã lên án tử hình tôi từ lâu. Ôi! Linh Đông, nhân danh tình bạn cố cựu giữa chúng ta, anh hãy cho tôi tháp tùng theo anh với nhé!
      - Được rồi, nếu anh muốn.


- Cám ơn anh. Suốt đời tôi sẽ nhớ ơn anh. Nhưng anh đã chuẩn bị đi bằng cách nào? Phương tiện di chuyển? Giấy thông hành? Và cách hóa trang, làm sao...?
      - Tôi sẽ nói cho anh biết. Anh biết lão Cai Da trong Quốc Hội chứ? Y rất có thế lực và y lại tham nhũng. Nếu người ta phiền trách y về cái tật tham nhũng nầy, thì y nói rằng: "Ai có khinh tôi cũng không sao, miễn là tôi có ăn no bụng!"
      - Thế rồi sao nữa?
      - Với sự giúp đỡ của lão trong đảng Cộng Hòa, và cũng không thiếu gì bạn bè vây cánh trong Ủy Ban Cách Mạng, tôi đã có những phương tiện cần thiết để lên đường, lẽ tất nhiên là phải có đút lót cho lão ít nhiều. Với một ít tiền, tôi cũng sẽ lo được một giấy thông hành cho anh.
      - Anh định đem cả giấy bạc theo chăng?
      - Không, tôi có đủ số vàng cần thiết cho cả bọn chúng ta.
      Đến đây, Linh Đông bèn kéo My Cốt qua phòng bên cạnh, nói vắn tắt cho y nghe kế hoạch đào tẩu và y phục hóa trang cần có, theo như đã ghi trong giấy thông hành rồi nói thêm:
      - Để đáp lại lòng tốt của tôi, anh hãy làm giúp tôi một việc mà tôi nghĩ rằng anh có thể làm được. Anh còn nhớ Kiều Dung chứ?
      - Tôi còn nhớ rõ cô ta, luôn cả người tình đã đem cô ta đi mất.
      - Người tình ấy cô ta cũng vừa mới từ bỏ để ra đi.
      - Thật vậy sao?... Có chuyện gì? À! Tôi hiểu rồi, mẹ kiếp! Anh thật có số đào hoa kinh khủng, hỡi đồng nghiệp!
      - Hãy im đi! Anh lúc nào cũng đề cao đức hạnh và tình huynh đệ, nhưng dường như không bao giờ tin một hành động vô kỷ, hay một tư tưởng vị tha.
      My Cốt đáp:
      - Việc đời thường hay đem đến cho ta nhiều kinh nghiệm rất phũ phàng! Nhưng thôi! Anh muốn nhờ tôi việc gì đó?
      - Tôi chịu trách nhiệm đã đưa Kiều Dung đến đây là một thành phố đầy rẫy những cạm bẫy và vực thẳm. Tôi không thể bỏ nàng ở lại một mình giữa nhiều sự hiểm nguy, bất trắc trong cơn dầu sôi lửa bỏng nầy. Nói tóm lại, Kiều Dung phải đi cùng với chúng ta ra nước ngoài.
      - Có gì khó? Chắc anh đã lo giấy thông hành cho cô ta rồi?
      - Rất khó, vì có Phi Lịch! Tôi rất hối hận đã dính líu với nàng. Liên hệ tình cảm với một người con gái thô bạo, thất học, thiếu lễ nghi quy tắc, bắt đầu từ cõi thiên đàng để rồi kết thúc nơi chốn địa ngục! Nàng có máu ghen kinh khủng, và không muốn nghe nói đến chuyện có một người đàn bà cùng đi với chúng ta. Đó là nàng chưa nhìn thấy sắc đẹp của Kiều Dung, tôi chỉ nghĩ đến khi đó mà rùng mình. Trong cơn ghen tức, nàng có thể làm bất cứ điều gì! Theo ý anh, ở địa vị tôi, anh sẽ làm sao?
      - Hãy bỏ Phi Lịch ở lại.


- Không được. Ai nỡ lòng nào bỏ nàng lại trong chỗ hỗn loạn đầy sát khí, máu chảy đầu rơi như ở đây! Không. Tuy tôi từng có những lầm lỗi đối với nàng, nhưng dầu việc gì xảy ra, tôi cũng sẽ không bỏ rơi một cách hèn nhát một người con gái đã phó thác vận mệnh của nàng trong tay tôi.
      - Anh đã bỏ nàng ở Mạc Xây một lần rồi.
      - Phải, nhưng tôi để nàng trong hoàn cảnh tuyệt đối an toàn, và hồi đó tôi không nghĩ rằng tình yêu của nàng lại sâu đậm và trung kiên như vậy. Tôi đã để lại cho nàng một số vàng, và nghĩa rằng nàng sẽ tìm cách xoay sở và tự an ủi một cách dễ dàng. Nhưng kể từ khi đó, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những cơn hoạn nạn. Và bây giờ, tôi lại bỏ nàng một mình giữa cơn nguy hiểm mà nếu không vì tình yêu chung thủy với tôi, nàng đã không bao giờ mạo hiểm đến đây. Không! Tôi không thể làm như vậy được! À! Tôi có một ý kiến. Anh có thể nào nói rằng anh có một người em gái, một người bà con, một nữ ân nhân hay một bạn gái mà anh muốn cứu giúp chăng? Có thể nào trong cuộc hành trình cho đến khi rời khỏi nước Pháp, chúng ta làm cho Phi Lịch tưởng rằng Kiều Dung là người của anh, mà vì tình bạn đối với anh, nên tôi bằng lòng cho anh đem đi lánh nạn cùng với chúng ta?
      - À! Anh có óc tưởng tượng khá lắm đấy.
      - Tôi có thể giả vờ từ bỏ ý định riêng của tôi để làm vừa lòng Phi Lịch. Trong khi đó, anh sẽ cầu khẩn Phi Lịch hãy nói giúp anh một lời, để cho tôi lo giấy tờ và phương tiện di chuyển cho...
      - Một nữ ân nhân của tôi, đã từng cứu giúp tôi trong cơn quẫn bách (vì nàng biết rằng tôi không có em gái). Phải đó, tôi sẽ sắp đặt việc ấy, anh đừng lo gì cả. À! Còn Zanoni bây giờ ra sao?
      - Anh đừng hỏi tôi việc ấy, tôi không biết.
      - Y còn yêu Kiều Dung nữa không?
      - Dường như còn, nàng đã là vợ y, và đã có một đứa con. Đứa con hiện đang ở cùng với nàng.
      - A! Làm vợ! Làm mẹ! A! A! Tại sao?
      - Anh đừng hỏi gì ngay bây giờ. Tôi sẽ báo tin cho Kiều Dung để sửa soạn lên đường. Trong khi chờ đợi, anh hãy qua nói chuyện với Phi Lịch.
      - Nhưng còn địa chỉ của Kiều Dung? Tôi cần biết địa chỉ ấy phòng khi Phi Lịch hỏi đến...
      - Đường M.T... số nhà 27. Thôi, tôi đi!
      Linh Đông bèn hối hả bước ra khỏi nhà. My Cốt còn ngồi lại một mình và đắm chìm một lúc trong cơn suy gẫm. Y nghĩ thầm:
      - À! À! Ta có thể xoay trở câu chuyện nầy vào một tư thế có lợi cho ta chăng? Ta có thể nào, như ta đã nhiều lần thề nguyền, trả thù Zanoni bằng cách ám hại vợ con y chăng? Ta có thể tước đoạt của Linh Đông số vàng, những giấy thông hành và Phi Lịch chăng? Ta yêu Phi Lịch, nhưng số vàng của nó, ta yêu nhiều hơn!
      Thế rồi, y bước qua phòng bên cạnh. Phi Lịch vẫn còn ngồi đó, nét mặt sa sầm vì những ý nghĩ đen tối ám ảnh, và đôi mắt nhung đen của nàng đẫm ướt long lanh. Khi cửa vừa mở, nàng ngẩng đầu lên một cách đột ngột, nhưng vừa nhìn thấy bộ mặt xấu xí của My Cốt, nàng quay mặt đi chỗ khác một cách thất vọng và sốt ruột. Chàng họa sĩ vừa kéo ghế xích lại gần bên Phi Lịch vừa nói:
      - Hỡi người đẹp, Linh Đông có dặn tôi hãy qua nói chuyện với cô cho có bạn. Y không ghen với gã My Cốt xí trai đó chứ? Ha ha! Xưa kia My Cốt vẫn yêu cô, khi mà thời vận của y khả quan hơn bây giờ... Nhưng thôi, không nhắc làm gì những chuyện đã qua!
      - Bạn anh đã đi vắng nhà rồi chứ? Anh ấy đi đâu vậy? À! Anh nhìn qua chỗ khác, anh do dự, lúng túng, anh không dám nhìn thẳng vào mắt tôi? Anh hãy nói đi, tôi yêu cầu anh hãy nói thật. Anh nói đi!


  - Cô sợ gì vậy?
      - Sợ à? Phải, tôi sợ, hỡi ôi!
      Phi Lịch đáp và để rơi mình xuống chiếc ghế bành. Sau một phút im lặng, thình lình nàng ngồi nhổm dậy, lấy tay vén lại mái tóc rơi xỏa xuống trán che lấp đôi mắt nhung, rồi đứng dậy đi bách bộ qua lại trong gian phòng. Sau cùng, nàng dừng chân trước mặt My Cốt, đặt một bàn tay trên vai y và kéo y lại gần một tủ đứng. Nàng vặn chìa khóa xoay một vòng, mở nắp một cái hộp gỗ, chỉ cho y thấy số vàng ròng đựng trong đó và nói:
      - Anh nghèo, chắc anh thích có tiền. Vàng đây anh muốn lấy bao nhiêu tùy ý, nhưng anh phải nói thật, không được dấu tôi! Người đàn bà mà bạn anh vừa đi thăm đó là ai vậy?
      Nhìn thấy vàng, đôi mắt My Cốt sáng rực lên. Nhưng y gắng gượng chống lại sự cám dỗ và nói bằng một giọng thành thật giả tạo:
      - Cô muốn lung lạc tôi sao? Nếu cô có thể lung lạc được tôi thì không phải là bằng tiền của bạc vàng. Nhưng nếu Linh Đông yêu một người đàn bà khác? Nếu nó phản bội cô? Nếu vì chán ngán sự ghen tuông của cô, nó âm mưu chạy trốn và bỏ cô ở lại? Cô có thật sung sướng hơn chăng mà muốn biết tất cả những điều đó?
      Phi Lịch đáp:
      - Có chứ! Có chứ! Thật là một điều sung sướng mà được thù ghét và có hành động trả thù. Ôi! Anh không biết rằng sự thù ghét thật là êm ái dịu dàng xiết bao đối với người đã từng yêu thật tình!
      - Nếu tôi nói cho cô nghe những gì tôi biết, cô có thề rằng cô sẽ không phản bội tôi không? Cô có dám hứa chắc rằng cô sẽ không khóc than, kể lể, trách móc người đã phụ tình cô chăng, cũng như mọi người đàn bà khác?
      - Khóc than hử? Trách móc hử? Sự trả thù phải được ẩn dấu kín nhẹm dưới một nụ cười!
      My Cốt nói mà trong lòng khen thầm:
      - Cô thật là một người can đảm. Nhưng còn một điều kiện nầy nữa. Người tình của cô định trốn đi với một người yêu mới, và bỏ cô ở lại. Nếu tôi giúp cho cô phương tiện để trả thù kẻ tình địch, cô có chịu bằng lòng ra đi với tôi không? Tôi yêu cô, và muốn cưới cô làm vợ.
      Đôi mắt Phi Lịch phóng những tia lửa... bực tức! Nàng nhìn My Cốt với một vẻ khinh ngạo khôn tả và giữ im lặng không nói gì.
      My Cốt hiểu rằng y đã đi quá trớn, bèn nói vớt vát:
      - Xin lỗi cô, tình yêu đã làm cho tôi trở nên... tự phụ. Tuy nhiên, chính vì tình yêu của tôi đối với cô là một người đẹp như thế mà bị phụ bạc, nên tôi phải nói cho biết hết sự thật, mặc dầu nói thế là bất lợi cho bạn tôi. Cô hãy thề nguyền với tôi là cô sẽ dấu diếm việc nầy không cho Linh Đông biết gì cả.
      - Tôi xin thề bằng danh dự, bằng máu của tôi.
      - Được lắm. Bây giờ cô hãy sửa soạn rồi đi theo tôi.
      Trong khi Phi Lịch bước qua phòng bên thay áo, My Cốt lại liếc nhìn số vàng, vàng nhiều lắm, nhiều hơn sự dự đoán của y. Khi y còn đang ước lượng tổng số vàng ròng đựng trong cái hộp gỗ, và thuận tay mở luôn các hộc tủ khác, y nhìn thấy một bó văn thư với tuồng chữ quen thuộc của nhà Cách Mạng Mậu Linh. Y chụp lấy gói thơ mở ra xem, vừa đọc qua mấy giòng chữ đầu tiên đôi mắt y đã vụt sáng lên! Y nói thầm một mình: "Với những tang chứng nầy, thì năm chục cái đầu như Linh Đông cũng phải rụng!" Rồi y lén dấu trọn gói thơ ấy vào trong túi áo.


 

Thư Của Zanoni Gửi Kiều Mâu

 

  "Hỡi đạo huynh, quyền năng của tôi đã mất gần hết. Để tìm tung tích Kiều Dung, tôi chỉ còn sử dụng được có những bản năng tầm thường của một kẻ thế nhân phàm tục. Tôi vẫn không hề thất vọng, và trong sự dò dẫm khó khăn, tôi có cái linh cảm rằng có ngày chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Tất cả những bí thuật linh ứng nhất của khoa Huyền Môn mà tôi đã dùng đều tỏ ra vô hiệu và không làm sao giúp tôi tìm thấy được linh hồn nàng.
      Tuy vậy, hai buổi sớm mai và chiều, hỡi người hiền giả cô đơn, bằng cách xuất thần, tôi có thể giao cảm tâm linh với đứa con tôi. Tôi không biết gì về nơi ăn chốn ở của nó, những linh ảnh của tôi không cho tôi thấy rõ nó đang ở tại xứ nào mà chỉ thấy có linh hồn còn non dại của nó trong không gian. Vì linh hồn trẻ con còn trong trắng hồn nhiên, vốn không có sự cách biệt ranh giới quốc gia hay ngôn ngữ, nên nó vẫn là công dân của tất cả mọi người và của tất cả mọi bầu thế giới. Trong không gian, linh hồn nó giao cảm được với linh hồn tôi, đứa con đã thông công được với cha nó!
      Bằng cách nào tôi đã theo dõi mẹ con nó đến tại thành phố Ánh Sáng? Tôi được nghe tin người đệ tử của đạo huynh đã đến Venise. Tôi đã lạc hướng không nhận ra được người đệ tử sơ cơ son trẻ của đạo huynh, khi tôi nghe người ta diễn tả hình dáng của một nhân vật có cái vẻ mặt hốc hác bơ phờ đến tìm Kiều Dung trước khi nàng bỏ nhà ra đi. Nhưng khi tôi thử kêu gọi linh hồn y đến với tôi trong cơn xuất thần, thì nó từ chối không chịu nghe lời tôi. Khi đó tôi mới kết luận rằng định mệnh của nó đã kết liên chặt chẽ với định mệnh của Kiều Dung. Bởi đó, tôi mới theo dõi nó đến tận chốn hiểm nguy đầy sắt máu nầy? Tôi vừa đến đây ngày hôm qua, nhưng chưa tìm thấy nó ở đâu.
      Hởi Kiềm Mâu! Những sự tìm kiếm của tôi vẫn không có kết quả. Tôi đã đi lục lạo trong những phiên xử ở các Tòa Án, tôi đã len lõi trong giới thẩm phán, quan tòa, và những giới công an, mật vụ, nhưng vẫn không tìm thấy một chi tiết nào có thể giúp tôi theo dõi dấu vết của họ. Tôi biết rằng nàng đang ở đây, bản năng của tôi xác nhận như vậy: tôi cảm thấy hơi thở của con tôi dường như đã trở nên nồng ấm hơn và quen thuộc hơn..."


 

Kiều Dung Trong Cơn Hoạn Nạn

 

Những câu lạc bộ dân chúng trong thành phố vang rền những tiếng hoan hô nồng nhiệt. Tướng Hăng Ri chạy tới lui lăng xăng khắp nơi và thì thầm với các binh sĩ trong các quân trại: "Chủ Tịch Robert, thần tượng của các anh em, đang lâm nguy!" Robert cố gắng che dấu sự lo ngại của y trong những điệu bộ bình tĩnh. Bản danh sách những nạn nhân của y mỗi lúc càng dài thêm. Tạ Liên, địch thủ đáng ngại của y, hô hào những đảng viên đối lập hãy can đảm và giữ vững tinh thần. Trên các đường phố, những chiếc tù xa đưa tội nhân ra pháp trường vẫn lăn bánh chạy một cách nặng nề chậm chạp. Những cửa tiệm đều đóng chặt, dân chúng đã chán ngấy mùi máu tanh đến lợm giọng.
      Trong một gian phòng ở trung tâm thành phố, Kiều Dung đang ngồi chơi với con. Đứa bé nằm dưới chân nàng, đang đưa tay định bắt lấy một tia nắng xuyên qua cửa sổ. Ánh nắng ấy làm cho nàng lại càng buồn thấm thía, nàng bèn day mặt qua một bên và thở dài não nuột.
      Kiều Dung đã thay đổi nhiều. Nàng có vẻ xanh xao héo hắt! Nàng ngồi đó nhưng trí óc nàng vơ vẩn đâu đâu, nàng để hai tay buông thõng, nụ cười tươi tắn thường xuất hiện trên môi trước kia, nay đã biến mất. Một sự chán nản tối tăm nặng nề dường như đè nặng lên tuổi trẻ hồn nhiên và làm cho ánh nắng vui tươi của tuổi ban mai cũng trở nên khó chịu đối với nàng. Cuộc đời đối với nàng dường như đã mất cả sinh khí. Nàng không cảm giác, hay nghe, thấy gì cả về cơn giông tố đang gầm thét bên ngoài. Chỉ khi nào nhìn thấy Linh Đông đến với nàng mỗi ngày, mặt mầy tái nhợt, mệt mỏi và âm thầm lặng lẽ như một cái bóng ma, mà nàng mới hiểu rằng cái bầu tử khí bao bọc chung quanh nàng lúc ấy thật là nặng nề u ám đến mức độ nào. Đắm chìm trong một tâm trạng vô ý thức, giữa một cuộc sống máy móc khô khan, nàng vẫn thản nhiên không hề biết sợ sệt, tuy rằng lúc ấy nàng ví như người đang ngồi trên bờ vực thẳm, với bao nhiêu những độc xà ác thú rình rập trong bóng tối ở chung quanh. Cánh cửa đột nhiên mở, và Linh Đông bước vào với một vẻ băn khoăn lo nghĩ hơn ngày thường. Kiều Dung nói với một giọng dịu dàng, vô tư:
      - Ủa! Anh đó sao? Anh đến trước giờ mà tôi định gặp anh.
      Linh Đông nói với một nụ cười rùng rợn:
      - Ai mà có thể tính toán giờ giấc được ở Ba Lê? Sự có mặt của tôi há chẳng phải là đủ lắm sao? Sự điềm nhiên vô tư của cô làm tôi phát sợ. Cô thản nhiên khi tôi đến cũng như khi tôi đi, cơ hồ như mỗi góc đường không có che dấu một tên gián điệp, hay mỗi ngày không có xảy ra một vụ ám sát!
      - Xin lỗi anh, nhưng thế giới của tôi là ở đây, ở giữa bốn bức tường nầy. Tôi không tài nào chứng minh được gì cho những điều mà anh vừa kể. Ở đây, trừ ra con tôi, thì tất cả đều như là cõi chết không có gì là sống động đến nỗi không ai màng để ý đến những việc gì xảy ra ở bên ngoài.
      Linh Đông im lặng trong một lúc, y nhìn vào gương mặt và thân hình người đàn bà hãy còn tươi trẻ như thế mà đã trở thành một con người chán đời, với một quả tim cảm thấy sắp già.
      Sau cùng, y nói với một giọng xúc động:
      - Hỡi Kiều Dung, chỉ có ở đây, giữa những cơn bạo động, dầu sôi lửa bỏng nầy, mà Tà Ma mới không theo dõi tôi. Thậm chí tôi cũng quên cả sự chết, nó vẫn lén lút theo sát cạnh tôi và ám ảnh tôi như một cái bóng. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ còn có những ngày tốt đẹp hơn. Hỡi Kiều Dung, tôi bắt đầu nhận thấy một cách mơ hồ bằng cách nào tôi có thể thắng đoạt con Ma nó ám ảnh cuộc đời tôi: đó là thách thức nó, và đương đầu với nó. Tôi có nói với cô rằng trong những khi tôi sống cuộc đời cẩu thả, trác táng, thì nó không theo đuổi tôi. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu lời cảnh cáo rùng rợn của Kiềm Mâu, rằng [con Ma chỉa đáng sợ nhất khi nào ta không nhìn thấy nó]. Trong những lúc tâm hồn bình tĩnh, hướng thượng, thì nó xuất hiện. À! Tôi đã thấy nó rồi kia kìa, với đôi mắt nhợt nhạt lạnh lùng của nó. (Trán y toát mồ hôi lạnh). Nhưng tôi không sờn lòng mà vẫn giữ đúng quyết định của tôi: tôi nhìn thẳng vào mặt... và tôi thấy rằng nó đã từ từ rút lui vào bóng tối...
      Y ngừng lại, đôi mắt y nhìn vào khoảng không gian chói rạng ánh sáng mặt trời, rồi với một tiếng thở dài nặng nề não nuột, y nói thêm:
      - Hỡi Kiều Dung, tôi đã có cách trốn đi. Chúng ta sẽ rời khỏi Ba Lê, chúng ta sẽ sống với nhau, nâng đỡ an ủi nhau ở nước ngoài và sẽ quên dĩ vãng.


Kiều Dung nói một cách bình thản:
      - Không, tôi không còn đi đâu nữa cho đến khi người ta đem tôi đi đến chốn an nghỉ cuối cùng. Hỡi Linh Đông, đêm vừa qua tôi đã nằm mộng thấy chàng. Đây là lần đầu tiên mà tôi nằm mơ thấy chàng từ ngày cách biệt nhau. Anh đừng nhạo báng tôi nhé, dường như chàng tha lỗi cho tôi và gọi tôi bằng: Hiền thê ơi! Giấc mộng đó đã thánh hóa gian phòng nầy: có lẽ chàng sẽ còn đến thăm tôi trước khi tôi chết.
      - Cô muốn ở lại hử? Tại sao? Để bỏ mất bổn phận làm mẹ ư? Nếu cô gặp tai nạn ở đây, con cô sẽ ra sao? Nó sẽ trở nên mồ côi, thật tội nghiệp. Cô có muốn chăng cho nó trở thành đứa con mồ côi ở một xứ đã báng bổ tôn giáo cô, ở một xứ mà lòng từ ái của con người sẽ không còn nữa? Phải! Cô hãy khóc đi và ôm nó vào lòng! Nhưng nước mắt sẽ không đủ bảo vệ, che chở hay cứu mạng cho nó được đâu!
      - Tôi xin nghe lời anh, tôi sẽ cùng anh lên đường!
      - Cô hãy sẵn sàng vào lúc chiều mai. Tôi sẽ đem đến cho cô những đồ y phục hóa trang cần thiết.
      Kế đó, Linh Đông bèn kể sơ qua trong vài nét đại cương, sự sắp đặt cuộc hành trình sắp tới, lộ trình sẽ đi qua và những gì phải làm ở dọc đường. Kiều Dung nghe câu được câu chăng, như người tâm hồn bất định. Y nói xong, bèn siết lấy hai bàn tay nàng trong lòng bàn tay mình, rồi kiếu từ bước ra.


Sự Trả Thù Của Phi Lịch

 

Khi Linh Đông vội vã đi ra khỏi nhà, y không nhìn thấy có hai cái bóng đen ẩn núp ở một nơi góc tường rào. Y nhìn thấy một cái bóng lướt nhẹ một bên y, nhưng y lại không nhìn thấy những cặp mắt ganh tị, nham hiểm và ghen tương đang rình rập y lúc y bước ra cửa. My Cốt tiến đến gần nhà, Phi Lịch lặng lẽ bước theo sau. Người họa sĩ, vốn là một kẻ cùng đinh vô sản thâm niên, biết cách mở lời nói chuyện với người gác cổng. Y đưa tay ra hiệu cho người nầy đang ngồi trong chòi canh:
      - Thế nầy nghĩa là gì, hỡi công dân? Anh che giấu một kẻ tình nghi sao?
      - Hỡi công dân, anh làm tôi sợ hãi! Nếu quả thật như vậy, anh hãy nói tên y nghe coi!
      - Đây không phải là một người đàn ông, mà là một người nữ di trú, một người đàn bà Ý ở tại đây.
      - Đúng, gian phòng thứ ba trên lầu, cửa bên trái. Nhưng cô ấy có gì là tình nghi? Nàng không thể là một người nguy hiểm, con bé thật hiền quá!
      - Hãy coi chừng đó, hỡi công dân! Anh có dám đảm bảo cho cô ta không?
      - Không, không! Tự nhiên là không, nhưng mà...
      - Có ai đến viếng cô ta?
      - Không ai cả, trừ một người Anh.
      - Phải rồi! Một người Anh, một người gián điệp của William Pitt và Cobourg!
      - Lạy trời! Có thể như vậy được sao?


  - Ủa! Nầy công dân! Anh dám nói lạy Trời ư? Vậy chắc anh phải là một người trong dòng quý tộc?
      - Không phải! Đó là một thói quen cố hữu, tôi chỉ thốt ra một cách vô tâm vậy thôi!
      - Người Ăng Lê đó có thường đến không?
      - Y đến đây hằng ngày.
      Phi Lịch không đè nén nổi một tiếng kêu ngạc nhiên. Người gác cổng nói tiếp:
      - Cô ấy không đi ra ngoài bao giờ. Cô ta chỉ lo bận rộn công việc và săn sóc đứa con mà thôi.
      - Đứa con!
      Phi Lịch bất giác thốt lên và xông vào cư xá. My Cốt cố gắng giữ nàng lại nhưng vô hiệu, nàng bước lên lầu do cánh cửa hé mở mà người gác cổng đã chỉ lúc nãy. Phi Lịch bước tới gian phòng thứ ba và dừng chân trước ngưỡng cửa khi nàng nhìn thấy gương mặt vẫn còn đẹp sắc sảo mặn mà của Kiều Dung. Cảnh tượng ấy làm nàng mất đi một tia hy vọng cuối cùng. Nàng không thốt lên được một tiếng kêu, cơn ghen tức đã nổi lên và gậm nhấm quả tim nàng. Lúc ấy Kiều Dung quay đầu nhìn ra cửa thì thấy Phi Lịch. Sự xuất hiện đột ngột của người sơn nữ với vẻ mặt đầy sát khí, hằm hằm một khác vọng trả thù, một niềm thù hận không đội trời chung, làm cho Kiều Dung bất giác thốt lên một tiếng kêu và ôm chặt đứa con vào lòng. Người sơn nữ phát lên một tiếng cười rùng rợn, chậm rãi quay lưng đi ra, bước xuống thang lầu, trở lại chòi canh của người gác cổng, và kéo tay My Cốt đi ra ngoài. Ra tới đường lộ, nàng ngừng lại đột ngột và nói:
      - Anh hãy trả thù cho tôi, và cho tôi biết tôi phải đền đáp anh bằng cái giá nào?
      - Bằng cái giá nào, hử cô bạn gái rừng xanh? Cái giá đó là... cô cho tôi được phép yêu cô! Cô sẽ cùng đi trốn với tôi vào lúc chiều mai. Cô hãy giữ các giấy thông hành, và những bản lộ trình.
      - Còn họ?
   - Họ sẽ vào nghỉ mát trongkhám lớn trước giờ chúng ta khởi hành. Cái máy chém sẽ trả thù giúp cho cô.
      Phi Lịch nói với một giọng quyết liệt:
      - Anh cứ làm đi. Được vậy tôi mới yên lòng.
      Hai người không nói với nhau một lời nào nữa cho đến khi họ về tới nhà. Nhưng Phi Lịch ngước mắt lên nhìn ngôi nhà, nàng nhìn thấy những khung cửa sổ gian phòng ngủ ấm cúng mà sự tin tưởng vào tình yêu của Linh Đông trước kia đã làm cho nó trở thành một vườn địa đàng mến yêu với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, khi đó sư tử cái Hà Đông bỗng cảm thấy mềm lòng, lòng trắc ẩn của nữ giới làm cho nàng dịu dàng trở lại, và quên mất cái bản tính man dại cố hữu của mình. Nàng bèn kéo tay My Cốt lại và nói:
      - Không, không phải hắn! Anh chỉ tố giác con mụ kia thôi, nó phải chết, con mụ đó! Còn hắn, thì thôi, hãy tha cho!
      My Cốt vừa phát lên một tiếng cười quỷ quái, vừa nói:
      - Cô muốn sao cũng được, nhưng nó phải bị bắt giam tạm trong ít lâu. Nó sẽ được bình yên, vì sẽ không có ai đứng ra tố giác. Nhưng còn con mụ kia, cô không tội nghiệp cho con mụ ấy sao?


Phi Lịch quay lại nhìn thẳng vào mặt y: cái nhìn u ám rùng rợn ấy cũng đủ nói lên cái quyết định cứng rắn của nàng.

 

Ngoài Hành Lang Phủ Chủ Tịch

 

Khi Linh Đông về đến nhà, thái độ của Phi Lịch vẫn không có gì thay đổi. Không một lời nói hay một cái nhìn khác lạ nào tỏ ra cho Linh Đông thấy sự thay đổi nghiêm trọng nó đã làm cho mối tình chung thủy của nàng từ nay đã trở thành mối hận thù. Vả lại, Linh Đông còn đang mắc lo toan về những kế hoạch sắp tớ và bận rộn với những ý nghĩ về cái định mệnh lạ lùng của chính mình, nên y cũng không để ý đến việc gì xảy ra ở chung quanh. Y bèn nói cho Phi Lịch biết về những triển vọng tương lai đang chờ đón họ ở nước ngoài, một khi họ trốn ra khỏi nước Pháp một cách an toàn.
      Phi Lịch hỏi:
      - Còn người đẹp mà anh định đem đi cùng với chúng ta? My Cốt có nói với em là anh đã bỏ nàng ở lại, để cho một người bạn gái của My Cốt thay vào chỗ đó, có phải vậy không?
      Linh Đông nói:
      - Y đã nói cho em nghe rồi à? Em có hài lòng về sự thay đổi đó không?
      Phi Lịch nghĩ thầm:
      - Đồ phản bội!
      Rồi nàng đột nhiên đứng phắt dậy, bước đến sau lưng Linh Đông lấy tay vén lại mái tóc xỏa xuống mắt y, vừa ôm lấy đầu y vừa nói với một nụ cười nhạt:
      - Cái đầu đẹp như thế nầy mà đút vào máy chém thì cũng hơi uổng!
      Nói xong, nàng quay mặt đi và làm ra vẻ sửa soạn đồ hành trang để lên đường.
      Qua ngày hôm sau, lúc thức giấc, Linh Đông không thấy Phi Lịch, nàng vẫn còn vắng mặt khi y rời khỏi nhà. Y phải đến viếng lão nghị viên Cai Da một lần cuối cùng trước khi lên đường, để thanh toán số tiền trà nước về việc lo giấy thông hành cho My Cốt, và cũng để thăm dò xem có việc gì bất trắc xảy ra có thể làm hỏng kế hoạch của y chăng.
      Trong khi đó, My Cốt cũng đang quay cuồng trong trí những ước mơ, mộng tưởng về tương lai, và định bụng sẽ sử dụng một cách khôn ngoan số vàng của người bạn mà y sắp phản bội, y bèn đi đến phủ Chủ Tịch của Robert. Y không hề có ý muốn tha mạng sống cho Linh Đông để làm vừa lòng Phi Lịch. Y cũng nghĩ như Ba Rê rằng chỉ có những người chết mới không còn trở lại. Và bây giờ trên đường đi đến phủ Chủ Tịch, y bắt đầu nghiền ngẫm trong trí một sự đảo lộn tất cả mọi kế hoạch mà y đã dự tính từ ngày hôm trước. Không phải là y do dự trong quyết định tố cáo Linh Đông, và do hành động nầy làm cho Kiều Dung phải bị liên lụy như một người bạn thân và đồng lõa. Về khoản ấy, y đã quyết định rồi, vì y căm thù luôn cả hai người. Kiều Dung đã khinh rẻ y và không thèm chiếu cố đến cái mặt y, còn Linh Đông tuy có giúp đỡ y, nhưng y không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ phải chịu ơn, nó gần như là một sự sỉ nhục.
      Vậy thì bây giờ, y có cần gì phải rời khỏi nước Pháp? Y có thể chiếm đoạt số vàng của Linh Đông, và ép bức Phi Lịch phải chiều theo ý muốn của y. Những thư từ của Mậu Linh gửi cho Linh Đông mà y đã lén lấy trộm, vừa là những tang chứng độc hại để khép Linh Đông vào án tử hình, lại vừa là một dịp để cho y lập công lớn với Robert. Nhờ đó, y có thể làm cho Robert tha thứ cho y cái tội kết giao với lãnh tụ Hê Be trước kia, và đồng thời thâu dụng y làm vây cánh trong đảng để thực thi chính sách khủng bố hiện tại. Những triển vọng về công danh, giàu sang, danh vọng, lại hé mở trước mắt y. Những thơ từ ấy gởi đi ít lâu trước khi Mậu Linh bị hành quyết, được viết ra một cách táo bạo và vô tâm là những đặc tính quen thuộc của nhà cách mạng nói trên, một đệ tử của Danton. Những văn thư ấy công khai nói về những âm mưu chống lại Robert, và nêu đích danh những người chủ mưu và đồng loã, mà nhà độc tài vẫn cho người rình rập thường xuyên, chỉ chờ đợi có một bằng chứng cụ thể trong tay là đập tan cả bọn một cách hợp pháp trước dư luận quần chúng. Y có thể hiến dâng cho nhà độc tài món quà nào quý báo hơn nữa?
      Với những ý nghĩ đó lởn vởn trong trí óc, y đã bước đến phủ Chủ Tịch. Trước cửa, có một nhóm độ chừng một chục tên quân canh cao lớn lực lưỡng, ngày đêm canh phòng và giữ gìn an ninh cho Chủ Tịch Robert. Bên ngoài là một đám đông dân chúng, phần lớn gồm những người có việc cần gặp Chủ Tịch để xin xỏ đặc ân hoặc khiếu nại, kêu oan một việc gì đó, cũng có vài kẻ vô tích sự đứng xem để giết thời giờ. Thình lình, đám đông rẽ ra hai bên để nhường chổ cho một người mảnh khảnh, với một khuôn mặt có vẻ dịu dàng, một nụ cười khả ái trên môi, ăn mặc giản dị nhưng sạch sẽ và có một cái nhìn khiêm tốn, e dè. Người ấy từ ngoài đi vào với một bước đi âm thầm lặng lẽ như một cái bóng, nhưng dường như có một mãnh lực gì bí mật làm cho đám quân canh lực lưỡng với những thớt lưng nặng nề như những tấm phản phải hối hả vẹt ra để dọn đường và đè dẫm lên nhau một cách hỗn độn. Đi gần đến trước cửa, ngừơi ấy liếc nhìn My Cốt và người cận vệ với một cái nhìn thoáng qua nhanh như chớp, không nói một lời, hay hỏi một câu nào, người cận vệ cũng đứng thẳng người để nhường lối đi. Thế là người khách lạ cứ đi thẳng lên lầu để vào văn phòng Chủ Tịch.


 

Vào Hang Sói

 

Chủ Tịch Robert đang ngả lưng nghỉ trên chiếc ghế bành, gương mặt tái ngắt có vẻ mệt mỏi và đôi má lõm sâu hơn lúc bình thường. Thật vậy, y giống như một người mà cuộc đời sắp sửa xuống dốc và đặt sẵn một chân xuống mồ.

Cách đó một quãng, Bá Văn và Cửu Thông ngồi chung nhau ở một bàn khác, đang loay hoay viết lách và thỉnh thoảng lại ngưng làm việc dể thăm dò nhau bằng những giọng nói thì thầm.
      Thình lình, tên cận vệ Jacobin túc trực bên ngoài mở cửa phòng và bước đến gần Robert rồi kề tai nói nhỏ: "Ghê Ranh". Nghe báo, Chủ Tịch Robert liền đứng dậy dường như cái tên ấy có mãnh lực chuyền vào người y một nguồn sinh khí mới. Một lúc sau đó, con người mãnh khảnh và khiêm tốn vừa rẽ đám đông từ bên ngoài lúc nãy, đã bước vào phòng và nghiêng mình chào rất sâu trước mặt nhà độc tài. Thật vậy, Robert đang vui mừng đón tiếp một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của y, một người mà y có thể tin cậy hơn cả các câu lạc bộ đảng viên Jacobins, hay tài hùng biện của những viên sứ giả ruột thịt, hay khí dũng hiên ngang của những đạo binh giải phóng. Đó là Ghê Ranh, tay trùm mật vụ của Ủy Ban Cách Mạng, một người có cặp mắt dò xét thấu suốt đến mọi nơi, và đem đến cho nhà độc tài những tin tức sốt dẻo, xác thực, không những về hành động mà còn về cả những tư tưởng của mọi người.
      - Thế nào, hỡi công dân, có tin gì thêm về Tạ Liên không?
      - Sáng nay, y đã ra đi thật sớm, vào lúc tám giờ hai phút.
      - A! Sớm như vậy à! Hừm!
      - Y đi theo đường Tứ Tự, đường Nhà Thờ, đường Thống Nhất, đường Bãi Sậy, rồi đường Mác Tinh, nhưng không có gì lạ, trừ ra...
      - Gì đó?
      - Y dừng chân lại trước một quán sách và trả giá vài quyển.
      - Mua sách? A! Thằng bịp láo! Nó muốn lập mẹo gì đây trong bộ lốt áo của nhà bác học đó hử? Được lắm.
      - Sau đó, y đến đường Mông Mạc, thì một người lạ mặt khoác áo tơi màu xanh bước đến cạnh y. Hai người cùng đi bách bộ với nhau vài phút trên đường lộ, thì gặp Lữ Giang cùng nhập bọn.
      - Lữ Giang à? Nầy Bá Văn, hãy lại đây. Anh có nghe gì chưa? Lữ Giang?
      - Khi đó tôi bèn nấp vào một tiệm trái cây, và bày mưu cho hai đứa con gái nhỏ giả vờ đánh banh ở gần bên họ để nghe lỏm xem họ nói với nhau những gì. Hai đứa bé gái ấy nghe Lữ Giang nói:"Hình như quyền uy của y đã giảm sút." Và Tạ Liên đáp: "Đúng, và cả sức khỏe của y cũng vậy. Tôi cho y sống nhiều lắm là ba tháng nữa." Hỡi đồng chí Chủ Tịch, tôi không biết có phải là họ nói về anh không.
      Robert đáp với một nụ cười lạnh như băng, tiếp theo với một vẻ mặt lo lắng băn khoăn:


- Tôi cũng vậy.
      Rồi y lại thầm nhủ lấy một mình:
      - Nhưng không, mình hãy còn trẻ, đang độ tuổi xuân, lại không trác táng hay vô tiết độ. Không, sức khỏe của mình còn lành mạnh.
      Còn tin gì nữa không?
      - Có. Người yêu của Tạ Liên, là Tê Rê Xa de Fontenai, hiện đang bị giam, vẫn tiếp tục trao đổi thư tín với y. Nàng thúc giục y hãy tìm cách giết đồng chí để cứu nàng. Điều nầy, chính bọn nhân viên của tôi đã nghe. Chính tên người nhà của y làm người liên lạc để thông tin tới Tê Rê Xa.
      - Vậy sao? Tên gia bộc đó anh phải chận bắt nó ở giữa đường cho tôi. Thời đại khủng bố còn chưa chấm dứt. Nếu bắt được thơ tín gì trong mình nó và có tang chứng rõ ràng, tôi sẽ trục xuất Tạ Liên ra khỏi Quốc Hội.


Robert đứng dậy, và sau khi vừa đi bách bộ vừa suy nghĩ một lúc trong gian phòng, y mở cửa và gọi một người cận vệ. Y ra lệnh cho người nầy hãy theo dõi và chận bắt tên đầy tớ của Tạ Liên. Khi người cận vệ đã ra đi, Ghê Ranh hỏi thấp giọng:
      - Có phải người nầy là công dân Ari đó không?
      - Phải đó. Nó là một người trung tín. Chớ chi nó chịu khó tắm nhiều hơn và chửi thề ít hơn một chút thì hay quá!
      - Phải chăng đồng chí đã ra lịnh chặt đầu anh nó?
    - Phải, chính Ari đã tố giác anh ruột nó!
      - Tuy nhiên, đối với anh, những người như vậy có đáng tin cậy hay không?
      - À nhỉ! Anh nói đúng!
      Kế đó, Robert rút một quyển sách tay từ trong túi áo, viết trong đó vài hàng chữ, rồi đặt lại chỗ cũ và nói:
      - Còn gì nữa về Tạ Liên?
      - Hết rồi! Lữ Giang và người lạ mặt đi đến công viên rồi chia tay từ giã. Tôi thấy Tạ Liên trở về nhà y. Nhưng tôi có những tin khác. Anh có dặn tôi tìm cho ra tác giả của những bức thơ nặc danh.
      - À! Anh có tìm được chưa? Hử, Ghê Ranh? Hãy nói đi.
      - Thưa đồng chí Chủ Tịch, tôi đã tìm ra được một người. Đồng chí hẳn biết rằng trong số những kẻ bất mãn nhát, có một người tên My Cốt?
      Robert vừa tra hồ sơ trong một quyển vở đóng bìa da màu đỏ, vừa nói:
      - À!À! Hãy đợi một chút... My Cốt! Đây rồi: "Vô thần, bạn thân của Hê Be." À! À! Chú thích: Chánh Á Duy Mật biết rõ lý lịch và tội ác của tên nầy."... Rồi gì nữa?
      - Tên My Cốt nầy bị tình nghi đã viết hịch và rải truyền đơn chống đồng chí Chủ Tịch và Ủy Ban Cách Mạng. Đêm qua, khi nó đi vắng nhà, người gác cổng cư xá đã để cho tôi vào nhà nó, ở đường Bô Rơ Pe: Với xâu chìa khóa của tôi, tôi mở cửa phòng và cửa tủ của nó. Tôi tìm thấy một bức hoạt họa vẽ đồng chí bị đút đầu vô máy chém với một giòng chữ nầy ở dưới: "[Hỡi đao phủ của dân tộc, mi hãy đọc bản án của mi!" Tôi so sánh hàng chữ đó với tuồng chữ trong các bức thư nặc danh mà anh đã đưa cho tôi, thì thấy tất cả đều giống nhau. Anh xem đây, tôi có cắt giòng chữ đó đây rồi!
      Robert lấy xem và mỉm cười. Rồi dường như đã được thỏa mãn, y lại ngã ngửa người trên lưng ghế bành và nói:
      - Tốt lắm! Tôi tưởng rằng đó là một kẻ thù nào nguy hiểm hơn! Thằng nầy phải bị bắt giữ, và lên án tử hình!
      - Nhưng nó đang đợi ở dưới, tôi có thấy nó khi tôi bước lên lầu.


- Vậy sao? Hãy kêu nó lên. À không, hãy đợi một chút. Ghê Ranh, anh hãy tạm lánh mặt sang phòng bên, chờ đến khi nào tôi gọi lại anh. Bá Văn đâu, anh hãy cho người lục soát tên My Cốt trước khi đưa nó vào đây.
      Bá Văn, bước ra cửa, trong khi đó, Robert đầu cúi xuống trước ngực, có vẻ chìm đắm trong một cơn suy tư thâm trầm.
      Sau một lúc, cánh cửa thình lình mở, Bá Văn bước vào và nói nhỏ với nhà độc tài:
      - Xong rồi! Đồng chí có thể tiếp nó được.
      Robert ra lịnh cho người cận vệ đưa My Cốt vào. Người họa sĩ bước vào với một vẻ mặt bình tĩnh và đứng thẳng người trước mặt vị Chủ Tịch.
      Robert hỏi:
      - Hỡi công dân, anh muốn nói chuyện với tôi? Tôi biết công lao và lòng ái quốc của anh đã từ lâu rồi. Phải chăng anh muốn xin tôi một chức vụ, hay anh có điều gì muốn trình bày, anh cứ nói thẳng.
      - Thưa đồng chí Chủ Tịch, tôi đến đây không phải để cầu xin một ân huệ, mà để làm một việc phụng sự quốc gia. Tôi có nắm trong tay những tang chứng về một vụ âm mưu khuynh đảo chính quyền, mà nhiều kẻ chủ mưu vẫn còn sống phây phây ngoài vòng pháp luật.
      Nói xong, y đặt bó văn thư lên bàn. Robert cầm lấy, liếc nhanh qua một lượt, và tự nói thầm một mình:
      - À! À! Tốt quá, đây là tất cả những gì ta đang cần. Ba Rê! Lữ Giang! Ta đã nắm được bọn nầy. Mậu Linh chỉ là nạn nhân bị chúng lừa bịp. Cám ơn anh, hỡi công dân My Cốt! Tôi thấy rằng những thơ từ nầy là gửi cho một người Anh. Có người Pháp nào mà không đề phòng bọn chó săn Ăng Lê hóa trang làm trừu non nầy? Nước Pháp không còn cần đến những công dân thế giới nữa. Cái trò hề đó đã chấm dứt với tên Cờ Lút. À! Xin lỗi anh, hỡi công dân My Cốt, hình như Cờ Lút và Hê Be đều là bạn thân của anh?
      My Cốt đáp bằng một giọng dường như để tự bào chữa:
      - Thưa đồng chí Chủ Tịch, tất cả mọi người đều có thể lầm lẫn. Tôi không còn chơi thân với họ nữa kể từ ngày mà đồng chí Chủ Tịch công khai tuyên bố chống lại họ, vì tôi sẵn sàng từ bỏ những cảm tình riêng tư của tôi hơn là nền công lý và chánh nghĩa cách mạng!
      - Đúng vậy, tôi nắm vững công lý: đó chính là cái đức tính mà tôi hằng có! Anh có thể tin chắc rằng sự công bằng của tôi sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ đối với những công lao của anh, hỡi công dân My Cốt. Anh biết tên Linh Đông nầy không?
      - Tôi biết y lắm, và còn chơi thân nữa kia. Y là bạn tôi trước kia, nhưng tôi sẵn lòng tố cáo cả anh ruột tôi nếu y là một trong những kẻ đối lập ôn hòa. Tôi cũng không hổ thẹn mà nhìn nhận rằng tôi có chịu ơn y ít nhiều.
      - À! À! Và phải chăng anh chủ trương một cách can đảm và thành thật rằng khi có kẻ nào hăm dọa đến tính mạng tôi, thì tất cả những cảm tình cá nhân của anh đều phải được dẹp bỏ?
      - Tất cả!
      - Anh là một công dân gương mẫu, hỡi My Cốt. Anh hãy viết cho tôi cái địa chỉ của tên Linh Đông nầy nhé!
      My Cốt cúi xuống bàn viết. Thình lình, khi tay y cầm lấy cán bút, một tư tưởng vụt thoáng qua óc y, làm cho y khựng lại, lộ vẻ bối rối và lưỡng lự vô cùng.


- Anh hãy viết đi, My Cốt!
      Người họa sĩ buộc lòng phải tuân lệnh một cách miễn cưỡng.
      - Tên Linh Đông nầy có giao thiệp với ai nữa không?
      My Cốt đáp:
      - Chính tôi muốn nói với đồng chí Chủ Tịch về điểm đó. Mỗi ngày, y đến viếng một người đàn bà, một nữ ngoại nhân biết rõ tất cả những điều bí mật của y. Mụ đàn bà ấy giả vờ nghèo và làm việc nuôi con. Nhưng mụ ấy là vợ của một người Ý rất giàu, và đã từng tiêu xài những khoản tiền khổng lồ để mua chuộc công dân ở xứ ta. Mụ ấy phải bị bắt giữ mới xong.
      - Anh cũng viết tên mụ ấy luôn thể.
      - Nhưng phải làm gấp mới được, vì tôi biết rằng cả hai đều định rời khỏi Ba Lê nội trong đêm nay.
      - Anh đừng sợ gì cả, hỡi My Cốt! Chánh phủ ta hành động rất mau lẹ!
      Robert cầm lấy tờ giấy mà My Cốt vừa viết xong, và nói với một nụ cười:
      - Có phải chăng lúc nầy anh cũng viết như thế nầy, hử công dân? Dường như anh đã đổi tuồng chữ khác?
      - Tôi không muốn cho họ biết rằng chính tôi đã tố cáo họ, thưa đồng chí Chủ Tịch!
      - Tốt lắm! Tốt lắm! Công lao của anh sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, anh hãy trông cậy nơi tôi. Chào đoàn kết!
      Robert vừa nói xong vừa đứng nhổm dậy nửa người, My Cốt cũng cúi chào và lui ra.
      Nhà độc tài rung cái chuông nhỏ. Người cận vệ túc trực bên ngoài bước vào chờ lịnh.
      - Anh hãy theo dõi người nầy, y tên là My Cốt. Khi y vừa ra khỏi cửa, hãy bắt giữ y lại và đưa ngay ra khám lớn. À! Đợi chút nữa! Đây là lịnh tống giam. Công tố viên sẽ được chỉ thị buộc tội sau!
      Người cận vệ bước ra. Robert không có vẻ gì là mệt mỏi bơ phờ như lúc đầu. Y chồm dậy, và đứng dạng hai chân ngay giữa phòng, hai tay khoanh trước ngực, nét mặt căng thẳng và kêu to:
      - Ghê Ranh đâu?
      Tay trùm mật vụ lại xuất hiện.
      - Anh hãy cầm lấy những địa chỉ nầy. Trong vòng một giờ, hãy bắt giam người Ăng Lê và người đàn bà nầy. Những lời khẩu cung của họ sẽ giúp tôi bắt giữ những kẻ thù quan trọng hơn. Họ sẽ bị án tử hình, và đưa lên máy chém cùng với những tội nhân khác vào ngày mồng mười, tức là còn ba ngày nữa. Và đây - y hối hả viết vài chữ trên một tờ giấy, - đây là lịnh tống giam.
      Sau khi Ghê Ranh đã đi ra cửa, Robert nói:
      - Và bây giờ, hỡi Bá Văn và Cửu Thông, chúng ta không trì hoãn ngày giờ với Tạ Liên và đồng bọn được nữa. Tôi vừa được báo cáo là toàn thể nghị viên sẽ không dự ngày đại lễ mồng mười tháng nầy. Chúng ta phải dựa vào pháp luật mà thôi. Tôi sẽ sắp đặt ý tứ cho có trật tự, và chuẩn bị bài diễn văn của tôi. Ngày mai, tôi sẽ đăng đàn trở lại tại Quốc Hội. Ngày mai, Sanh Juýt sẽ khải hoàn với những đạo binh thắng trận và sẽ nhập cuộc với chúng ta. Ngày mai trên diễn đàn tôi sẽ đả kích những kẻ thù bí mật của nước Pháp. Ngày mai, trước quốc dân, tôi sẽ đòi thủ cấp của những kẻ phản bội.

 

<< Chương 9 | Chương 11 (chương kết) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 596

Return to top