Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> ẢO THIÊN THANH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19636 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ẢO THIÊN THANH
Chu Sa Lan

Chương 2

Chiếc xe đò dừng lại khi tới bắc Vàm Cống.  Vĩnh đưa tay đỡ mợ năm xuống xe. Cử chỉ của anh khiến cho Thanh e thẹn vì ở đây không có ai làm như vậy.
- Sông gì lớn quá vậy mợ?
- Sông Hậu... Nó là một nhánh của sông Cửu Long...
- Cháu biết rồi... Tiếng Mỹ là Mekong River...
Đưa tay vén mái tóc dài bay vào mặt vì gió thổi Thanh cười tiếp.
- Mình qua bắc là tới Long Xuyên...
Sáng hôm nay trước khi đi Vĩnh có hỏi trung tâm du lịch ở khách sạn thời họ khuyên anh nên đổi đô la thành tiền Việt Nam để dễ tiêu xài lặt vặt hơn khi đi về các tỉnh nhỏ. Khi tới nhà Vĩnh trao cho mợ một cọc tiền nói là mua vé xe đò và mướn phòng trọ. Thanh thầm cám ơn cháu về sự chu đáo này. Mua một bịch mận nàng lục trong túi lấy ra con dao nhỏ cắt trái mận làm đôi, bỏ hột  xong đưa cho Vĩnh ăn thử.
- Ngon lắm... Trái này gọi là gì hở mợ?
- Trái mận... Cháu thích hả để mợ tách cho cháu ăn...
Thấy Tâm và Hùng cứ vừa cắn vừa nhai Vĩnh cười.
- Sao mợ không tách cho hai em?
- Tụi nó ăn quen rồi không cần mợ. Chỉ có cháu chưa quen nên mợ mới làm cho...
- Mợ ăn đi... Mợ ăn cho vui...
Thanh cười khẽ cắt trái mận làm đôi, nữa đưa cho cháu còn phân nữa cho mình.
- Cháu thích ăn trái này. Ăn nhiều mà không thấy no...
Thanh cười thánh thót. Nàng thích cái tính vui vẻ, thật thà và chất phác của Vĩnh. Nghĩ sao nói vậy. Điều đó làm cho Vĩnh khác hơn người ở đây. Họ ít khi nói thật bởi vì nói thật không có lợi mà nhiều khi đem lại phiền phức.
- Cháu ăn nữa đi... Tới Long Xuyên mợ sẽ dẫn cháu đi  chợ mua trái cây... Nhiều thứ lắm...
Bắc cặp cầu. Hành khách lục tục lên xe. Khoảng chừng hai giờ trưa Thanh với hai con và cháu có mặt ở thị xã.
- Mình nghỉ đêm ở thị xã Long Xuyên rồi sáng mai đi đò vào núi Sập...
Thanh có vẻ không được tự nhiên lắm khi bước vào căn phòng của khách sạn. Chỉ có một cái giường.
- Cháu ngủ trên giường đi còn mợ và hai em nằm dưới sàn cho...
Vĩnh lắc đầu.
- Không được đâu... Mợ và hai em ngủ trên giường đi còn cháu ngủ dưới sàn... Cháu quen tục lệ của người Mỹ rồi. Ở bên đó trẻ em và đàn bà là hạng nhất. Cho nên cháu không thể ngủ trên giường mà mợ nằm dưới đất...
- Cháu trả tiền nên cháu phải nằm trên giường...
Vĩnh nói bằng một giọng tự nhiên và thật tình.
- Cháu thương mợ, quý mợ nên nhường cho mợ ngủ trên giường...
Tâm nói nhanh.
- Vậy để con và em Hùng ngủ trên giường cho còn má và anh Vĩnh nằm dưới sàn...
Thanh làm thinh còn Vĩnh cũng không phản đối.
- Mình nghỉ mệt chờ tối trời mát sẽ đi ăn tối. Vĩnh muốn ăn gì?
- Cháu đâu có biết... Mợ ăn gì cháu ăn đó...
Trải tấm vải trải giường nơi chính giữa phòng xong Thanh mới khám phá ra cái bất tiện khi dành ngủ dưới sàn. Chỉ có mỗi tấm vải trải giường nên nàng và Vĩnh phải chia nhau. Có lẽ vì đi xe mệt lại nằm trên giường nệm ấm êm nên hai đứa nhỏ lăn ra ngủ liền. Thay bộ bà ba xong bước ra khỏi phòng tắm Thanh lắc đầu khi thấy hai con ngủ say. Nàng hơi đỏ mặt khi thấy Vĩnh nhìn mình. Tuy là cháu nhưng Vĩnh chỉ nhỏ hơn nàng có một tuổi. Điều đó khiến cho nàng đôi khi cảm thấy mất tự nhiên và khó mà cư xử với Vĩnh như là một đứa cháu thuần túy.
- Mợ mặc quần áo đẹp quá. Cháu nhớ má cháu cũng có bộ quần áo giống như mợ. Từ khi má cháu mất đi thời cháu không thấy ai mặc nữa. Còn bộ quần áo của má cháu cất trong tủ...
Thanh mỉm cười gợi chuyện.
- Chắc má cháu đẹp lắm phải không?
Vĩnh cười.
- Má cháu cũng đẹp nhưng không đẹp bằng mợ. Chắc tại má cháu già hơn mợ...
Nhìn Thanh giây lát Vĩnh nói nhanh.
- Hay là cậu mợ qua Mỹ sống với cháu...
Thanh cười buồn vì câu nói của cháu.
- Đâu có được... Người ta đâu có cho mình đi...
- Có cách nào để cậu mợ và hai em qua Mỹ sống với cháu...
Thanh lắc đầu thở dài buồn bã. Như không muốn nói tới chuyện đó nữa nàng lảng sang chuyện khác.
- Thôi hai mợ cháu mình nghỉ mệt một chút chờ hai đứa nó thức dậy rồi đi ăn tối...
Quán ăn nằm cạnh bên dòng sông Hậu. Gió mát rợi. Thanh hơi có chút thẹn thùng lẫn sung sướng khi được người cháu chồng kéo ghế mời nàng ngồi. Mấy người ngồi ăn trong quán đều cười thầm. Họ biết người đàn ông đó là Việt kiều hồi hương vì chỉ có họ mới có cử chỉ nịnh đầm này. Thanh tự động gọi thức ăn cho cả gia đình. Đói bụng nên hai người lớn và hai đứa nhỏ ăn không chừa thứ nào.
- Ngon quá...
Vĩnh lên tiếng. Thanh cười nhìn cháu.
- Vĩnh no chưa... Mợ gọi món tráng miệng nha...
Hai đứa nhỏ gật đầu trước nhất. Bồi bàn đem ra hai dĩa bánh ngọt cho hai đứa nhỏ và một dĩa trái cây lớn cho hai người lớn. Dường như có điều gì vui thích trong lòng cho nên Thanh cười đùa với người cháu chồng.
- Mời cháu Vĩnh thưởng thức hương vị hoa quả miền lục tỉnh...
Chỉ vào một trái Vĩnh cười.
- Trái này là trái soài, còn trái này là trái bưởi. Trái này là trái gì vậy mợ?
- Trái ổi xá lị...
Thanh cầm lấy một miếng đưa cho cháu. Cắn miếng nhỏ nhai từ từ xong Vĩnh cười.
- Ngọt mà thơm... Mợ ăn đi chứ... Ăn trái cây không có mập đâu mà mợ sợ...
Thanh cười vui vẻ cắn miếng ổi nhai từ từ xong lấy xoài cho hai đứa con. Bảy giờ tối gia đình trở về phòng trọ. Hai đứa nhỏ bày đồ chơi ra chơi với nhau. Trong lúc Vĩnh tắm Thanh đứng nơi cửa sổ nhìn xuống con rạch nhỏ. Không gian im vắng và quạnh hiu. Bỗng dưng nàng thở dài. Đời sống tẻ nhạt. Nhàm chán. Chỉ có đi làm. Ăn ngủ. Đời sống nghèo khổ, thiếu thốn, thành ra bị trói buộc đủ thứ kể cả suy tư. Hai mươi lăm năm sống dưới một chế độ mà mọi thứ tự do đều bị cấm chỉ khiến cho nàng cảm thấy trí não mục rữa và tư tưởng cùn nhụt. Phải có suy tư con người mới tồn tại. Nàng đã đọc điều đó trong sách vở ở đại học tổng hợp. Tuy nhiên người dân dưới chế độ này không được và không cần suy tư bởi vì việc đó là đặc quyền của tầng lớp trưởng giả hay thống trị. Người dân nghèo như nàng chỉ có làm việc, ăn ngủ và chết. Giản dị như thế.
- Mợ nghĩ gì vậy mợ?
Nghe tiếng nói sau lưng Thanh giật mình quay lại. Nàng thấy người cháu chồng đang nhìn mình với ánh mắt quan hoài và lo lắng.
- Mợ suy nghĩ vẫn vơ vậy mà...
- Cháu không biết tại sao hoặc có điều gì mà lúc nào cháu cũng thấy mợ buồn. Ngay cả những lúc vui nhất mợ cười cháu vẫn thấy nụ cười của mợ thấp thoáng một cái gì lạ lùng, nửa u ẩn nửa buồn rầu...
Thanh nhìn sửng Vĩnh. Nàng không ngờ người cháu chồng chỉ mới gặp có ba bốn ngày lại có nhận xét đúng với tâm trạng của mình.
- Dường như mợ có điều gì không vừa ý với mình hoặc với đời sống mà mình đang sống...
Thanh cười buồn tự nghĩ không có một người nào vừa ý khi phải sống một đời sống như nàng. Tất cả là sự chịu đựng triền miên, sự hy sinh dai dẳng và sự mất mát đến không còn gì để mất mát.
- Từ từ có dịp mợ sẽ nói cho Vĩnh nghe nhiều chuyện buồn lắm...
- Dạ... Cháu thương mợ. Cháu muốn chia xẻ với mợ...
Thanh cười với người cháu chồng bằng tuổi mình.
- Cám ơn Vĩnh...
Hai người. Một người đàn bà ba mươi mốt tuổi và một người đàn ông ba mươi tuổi, nằm dưới sàn chung một tấm vải trải giường, đâu lưng lại với nhau, cách nhau khoảng nửa thước. Dù cố gắng nằm im dỗ giấc ngủ nhưng người này biết người kia cũng khó ngủ, cũng trằn trọc như mình. Tuy nhiên rồi họ cũng yên giấc cho tới lúc ánh mặt trời dọi vào khung cửa sổ. Thức dậy trước Thanh hơi đỏ mặt khi thấy cánh tay của Vĩnh dang ra chỉ còn cách người mình chừng hai ba tấc. Rón rén ngồi dậy nàng đi tới góc phòng lấy quần áo và các thứ lặt vặt rồi bước vào phòng tắm. Nàng nhìn mình trong gương. Đúng như Vĩnh nói nàng còn trẻ. Dù ánh mắt phảng phất nét buồn rầu nhưng vẫn còn nhiều long lanh. Da mặt nàng vẫn mịn màng và trắng xanh của một người đàn bà may mắn không phải dãi nắng dầm mưa để sống. Sở dĩ nàng u buồn chỉ vì đời sống tinh thần của mình bị thiếu thốn nhiều hơn là sự thiếu thốn về vật chất. Nghe tiếng hai con cười đùa với Vĩnh nàng vội đánh răng và trang điểm sơ sài rồi bước ra nhường chỗ cho cháu chồng.
Vì muốn được tự nhiên và không muốn mất thời giờ chờ đợi Thanh bao nguyên chiếc đò nhỏ chở cả gia đình đi về quê chồng. Khoảng trưa gia đình về tới quê nội. Bà con của Vĩnh cũng không nhiều lắm. Bà nội thời già thêm lẫn, hai người cô họ cũng gần bảy mươi, còn anh em bà con thời cũng ít. Thay mặt Vĩnh Thanh kín đáo cho mỗi người ít tiền. Ở chơi hai ngày, đi thăm hết bà con xong gia đình trở lại Sài Gòn. Cậu năm vui vẻ hơn khi thấy vợ con và cháu trở về.
Mới hơn chín giờ mà hai vợ chồng đã đi ngủ. Đán lúc nào cũng ngủ sớm vì mệt mỏi sau một ngày lao động khổ cực.
- Bà ngủ chưa?
- Chưa...
- Bà nói thằng Vĩnh nó muốn mình qua bên Mỹ sống với nó...
- Dạ... Cháu có nói như vậy...
- Làm sao mà đi được... Ai cho đi mà đi...
- Tôi có quen với cô Hằng làm về chuyện xin đoàn tụ. Để mai tôi hỏi cô ta xem sao. Nếu được thời mình cũng nên đi...
- Tốn tiền lắm... Mình tiền đâu mà lo...
- Thì mình nói với cháu giúp rồi qua bên đó mình đi làm trả lại cháu. Tôi muốn đi... Hai đứa nhỏ qua bên đó được học hành còn ông cũng đỡ vất vả hơn... Ở bên này riết chắc tôi điên mất...
- Ừ... Bà muốn đi thì mình đi... Để tối mai nó lại chơi rồi tôi với bà nói với nó...
- Thôi ông nói đi... Nó là cháu của ông mà...
- Nó là cháu tôi mà tôi thấy nó cũng mến bà lắm. Hai vợ chồng mình nói có hiệu lực hơn...
Vì trong bóng tối nên Đán không thấy được vợ của mình mỉm cười khi nghe câu nói cuối cùng. Thanh xoay lưng nằm nghiêng. Năm phút sau nàng nghe tiếng thở đều đều của chồng vang lên. Bỗng dưng nàng cảm thấy cô đơn lạ lùng. Thứ cô đơn mênh mông trùm phủ lấy tâm hồn mình và cứ ở yên trong đó rồi trở thành một căn bệnh trầm kha không thuốc chữa. Đêm đêm nàng nằm cạnh người chồng bệnh hoạn và nhiều tuổi hơn mình để trằn trọc, suy nghĩ, mộng mơ và cuối cùng buồn rầu ứa nước mắt vì mơ không phải là sự thực. Dù sống với nhau hơn mười năm, dù có với nhau hai mặt con; nhưng nàng với chồng như hai người tuy không hẵn xa lạ mà ngăn cách và thiếu sự cảm thông. Người ta bảo ở cạnh người già thời mình sẽ mau già hơn. Thanh cảm thấy điều đó không sai sự thực, ít nhất trong hoàn cảnh của mình. Dù không bao giờ la mắng, quát tháo, đánh đập hoặc đay nghiến nhưng Đán không hề có cử chỉ âu yếm và săn sóc nàng. Ngay cả trong vấn đề ân ái cũng vậy. Nàng không có sự rung động hoặc cái cảm giác say đắm. Nàng chỉ làm bổn phận của một người vợ thỏa mãn đòi hỏi của chồng. Thế thôi. Nhất là ba bốn năm sau này do ở tình trạng sức khỏe suy kém Đán lên giường là ngủ khò một mạch tới sáng. Lâu quá rồi nàng quên mất chuyện ân ái với chồng. Hai vợ chồng càng ngày càng thêm ít chuyện trò với nhau. Hai giờ sáng Thanh mới thiếp dần vào giấc ngủ trong đó nàng thấy mình đang lái xe trên con lộ rộng thênh thang mà hình dáng người ngồi bên cạnh thật nhạt mờ.
Thanh rụt rè bước vào văn phòng của IOM. Đây là một văn phòng tư chuyên môn lo giấy tờ đoàn tụ nằm tại số 1 đường Phạm Ngọc Thạch.
Chị Thanh...
Thanh quay lại khi nghe có người gọi tên mình. Nàng vui mừng khi thấy Hằng, người bạn ở đại học tổng hợp.
Chị đi đâu vậy?
Muốn hỏi Hằng vài câu...
Chị lại bàn của em ngồi rồi mình nói chuyện sau... Chị có chuyện gì cần?
Hằng cười hỏi. Thanh nói nhỏ.
Chị muốn hỏi Hằng về cách thức để được bảo trợ...
Thanh thong thả kể cho bạn nghe về chuyện cháu chồng muốn bảo trợ gia đình nàng qua Mỹ. Hằng lắc đầu cười.
Không được đâu chị ơi. Cái ưu tiên cậu cháu không nằm trong danh sách đoàn tụ. Phải là vợ chồng hoặc cha con mới được chấp thuận...
Nhìn nét mặt buồn rầu và thất vọng của bạn Hằng cảm thấy tội nghiệp.
Như vậy là không có cách nào để cháu bảo trợ gia đình của chị?
Có nhưng em chỉ sợ chị không làm được hoặc chị không dám làm...
Đâu cách gì Hằng nói cho chị nghe...
Nhìn Thanh giây lát Hằng cười nói.
Đó là chị đi với diện vợ chồng hoặc diện hôn thê...
Chị không hiểu Hằng muốn ám chỉ điều gì...
Tức là chị kết hôn với cậu Vĩnh gì đó. Sau khi thành vợ chồng cậu Vĩnh sẽ bảo lãnh chị qua Mỹ theo diện vợ chồng. Hoặc là cậu Vĩnh về bên đó làm đơn xin cho chị đi qua Mỹ với diện là vợ chưa cưới của cậu ta. Khi tới Mỹ hai người sẽ làm hôn thú để chị được ở lại bên đó cho tới khi chị có thẻ xanh rồi trở về bên đây kết hôn với anh Đán sau đó nhập quốc tịch và bảo lãnh ảnh và hai đứa nhỏ qua Mỹ...
Vòng vo và lâu lắc quá...
Hằng cười nhẹ.
Thủ tục như vậy đó. Chị có hôn thú với anh Đán không?
Thanh lắc đầu.
Tụi này lấy nhau mười mấy năm, có hai mặt con mà cũng không có hôn thú...
Như vậy chị không cần phải ra tòa xin lỵ ảnh. Chị chỉ cần tới phường xin một cái công hàm độc thân... Em nói như vậy mà chị có chịu làm không?
Để chị về bàn lại với anh Đán. Nếu ảnh chịu thời chị sẽ nhờ em làm nha...
Hằng tươi cười thốt.
Chị tính với ảnh đi. Chỉ có cách đó chị mới qua Mỹ trước rồi mấy năm sau về bảo trợ gia đình sang...
Đi bộ trên đường mà đầu óc của Thanh rối bời. Việc giản dị lại hóa ra không giản dị như nàng tưởng. Nó có nhiều phức tạp và tế nhị vì dính líu hay liên hệ tới tình cảm. Muốn được qua Mỹ nàng phải giả vờ làm vợ Vĩnh, phải sống chung nhà, phải làm tất cả mọi chuyện của một người nội trợ ngoại trừ việc chăn gối. Nghĩ tới đó Thanh lắc đầu thở dài.
Mợ... Mợ... Mợ đi đâu vậy mợ?
Thanh ngơ ngác khi nghe có giọng nói quen quen bên tai mình. Nhìn về bên trái nàng thấy Vĩnh đang hấp tấp bước tới chỗ nàng đứng chờ xe. Thấy nét mặt tái xanh và ủ dột của mợ năm Vĩnh hỏi bằng giọng săn đón.
Mợ sao vậy mợ? Mợ bịnh hả mợ?
Thanh gật đầu trả lời.
Mợ bị nhức đầu và chóng mặt...
Phòng của Vĩnh ở gần đây vậy mợ về phòng nghĩ rồi Vĩnh lấy thuốc cho mợ uống...
Nói xong Vĩnh nắm tay Thanh và nàng để cho người cháu chồng dìu về khách sạn.. Khi bước vào cửa khách sạn nàng hơi do dự và lúng túng khi thấy những cặp mắt nhìn mình một cách soi mói.
Cúi đầu xuống Thanh bước song song với Vĩnh trên hành lang trải thảm màu xanh. Nàng cảm thấy người như lên cơn sốt thực sự khi cùng Vĩnh bước vào thang máy nhỏ hẹp.
Phòng của cháu đó mợ...
Vĩnh mở cửa rồi đứng yên như có ý nhường cho mợ năm của mình vào trước. Thanh cảm thấy hồi hộp, khó thở và hai lòng bàn tay ươn ướt mồ hôi khi bước vào căn phòng của người cháu chồng.
Mợ nằm lên giường đi rồi Vĩnh lấy thuốc cho mợ uống...
Thanh nhìn Vĩnh. Bắt gặp nụ cười tự nhiên và khuôn mặt bình thường không có nét gì khác lạ của Vĩnh nàng khẽ thở dài nằm xuống giường. Không khí trong phòng mát lạnh khiến cho nàng rùng mình.
Mợ lạnh hả mợ... Để Vĩnh đắp mền cho mợ...
Thanh hơi mỉm cười khi chiếc mền ấm áp phủ lên người. Nhìn lên trần nhà trắng muốt nàng bàng hoàng như đang sống trong mơ. Nằm im trong căn phòng này nàng cảm thấy lòng bình yên và êm ả. Nhạc êm êm, dìu dịu. Từ lâu nàng toàn nghe những lời cộc cằn thô lổ. Những tiếng chửi thề tục tủi. Tiếng xe gắn máy rú điếc tai. Tiếng muỗi vo ve ban đêm. Tiếng ca tân nhạc, cải lương hay vọng cổ. Giờ đây nằm trên chiếc giường nệm êm ái, ấm áp, thoang thoảng mùi đàn ông... Nghĩ tới đó Thanh nhắm mắt lại không dám nghĩ tiếp.
Mợ uống viên tylenol này rồi nằm nghỉ đi mợ... Khi nào mợ khỏe Vĩnh đưa mợ về...
Thanh há miệng cho Vĩnh bỏ viên thuốc vào rồi gượng ngồi dậy uống hớp nước lạnh. Nằm xuống giường, kéo mền lên tới cổ nàng nhắm mắt lại. Lát sau nàng thở đều. Đứng nhìn mợ năm của mình giây lát Vĩnh bỏ ra ngoài phòng khách rồi mở cửa phòng bước ra hành lang. Mười phút sau anh có mặt trong một tiệm bán tivi.
Thanh thức dậy sau một giấc ngủ dài. Nàng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo để biết mình đang ở đâu. Nhìn lên trần nhà rồi nhìn quanh căn phòng lạ nàng mới dần dần nhớ ra. Giật mình nàng ngồi dậy dáo dác tìm kiếm.
Vĩnh... Vĩnh...
Dù tiếng nàng gọi yếu ớt nhưng Vĩnh cũng nghe được. Nghe tiếng động và cánh cửa phòng mở nàng quay nhìn. Vĩnh ló đầu vào với nụ cười tươi tắn và giọng nói đầy săn sóc:
Mợ khỏe rồi hả mợ...
Thanh gật đầu.
Cám ơn cháu... Mợ khỏe rồi... Mấy giờ rồi hả cháu?
Đưa tay xem đồng hồ Vĩnh trả lời.
Dạ hai giờ chiều rồi mợ...
Hốt hoảng Thanh ngồi bật dậy.
Mợ phải về... Hai đứa nhỏ ở nhà lâu quá...
Vĩnh cười nói trước khi khép cửa lại.
Mợ sửa soạn đi rồi Vĩnh đưa mợ về...
Đợi cho cánh cửa khép lại Thanh mới rời giường. Chải sơ lại mái tóc, vuốt sơ lại áo dài, nhìn mình trong gương giây lát nàng mở cửa bước ra.
Mợ xong rồi...
Thấy Vĩnh vác trên vai một cái thùng to tướng nàng động tính tò mò.
Cháu vác cái gì vậy?
Tivi...
Nhìn nét mặt hơi ngơ ngác Vĩnh biết mợ năm không hiểu mình nói cái gì.
Tivi là tiếng đọc tắt của chữ television đó mợ. Máy truyền hình này con mua cho cậu mợ và hai em để giải trí...
Thanh cười im lặng. Dù không nói ra nàng thầm cám ơn cháu chồng của mình. Đó là một mơ ước nhỏ nhoi mà gia đình nàng cần nhưng không bao giờ có đủ tiền để mua.
Cháu mua cho gia đình cậu mợ nhiều thứ quá...
Vĩnh cười.
Có gì đâu mợ... Tivi rẻ lắm... Với lại con đã nói với cậu mợ rồi. Nếu làm được chuyện gì để giúp đỡ cho cậu mợ thời con rất sẵn lòng. Con vui mừng để làm...
Nhìn ánh mắt thành khẩn và giọng nghiêm trọng của Vĩnh Thanh biết người cháu chồng nói thật. Hơi mỉm cười nàng nói với vẻ nửa đùa nửa thật.
Mợ sẽ ghi nhớ lời nói của cháu. Chỉ mong cháu đừng quên...
Vĩnh nói bằng giọng quả quyết.
Vĩnh không quên đâu mợ...
Được rồi... Lúc đó mợ sẽ níu áo cháu...
Cười vui vẻ Vĩnh vác cái thùng đựng tivi bước vào thang máy. Ngồi trong lòng xe tắc xi với người cháu chồng Thanh cảm thấy tâm tình của mình có điều gì mới mẻ và khác lạ. Tuy nhiên nàng chưa có dịp tìm hiểu sự thay đổi đó.
Cô cậu đi đâu?
Quay sang cười với Vĩnh khi nghe câu hỏi của người tài xế Thanh đáp nhanh.
Bác cho tôi xuống chỗ ngã ba đường Cộng Hòa với Hoàng Hoa Thám...


Tâm và Hùng hò reo khi thấy má và anh Vĩnh bước vào nhà. Chúng xúm xít, trầm trồ ngồi xem người anh cô cậu tháo cái thùng đựng tivi. Thanh cũng vậy. Nàng vui lây với cái vui của con và cháu.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 163

Return to top