Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> ẢO THIÊN THANH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19693 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ẢO THIÊN THANH
Chu Sa Lan

Chương 1

Thảy đống thư lên mặt kính của coffee table Vĩnh đi thẳng vào trong bếp. Mở cửa tủ lạnh nhìn giây lát anh lắc đầu lẩm bẩm rồi lục tủ lấy gói mì xé ra bỏ vào một cái tô, xé gói bột nêm rắc lên, đổ nước lạnh ngập gói mì xong anh đặt tô mì gói vào microvawe và bấm số 3. Tất cả động tác anh làm như máy vì mì gói được anh ăn ít nhất ba, bốn, năm lần một tuần lễ. Bước ra phòng khách tháo đôi giày quẳng vào góc nhà anh buông mình xuống sofa. Với tay lấy remote control anh bật tivi. NBC. Tin tức 6 giờ chiều. Anh lơ đểnh nhìn và nghe. Thấy chồng thư từ bề bộn trên bàn anh cầm lấy. Junk... junk... Lẩm bẩm mấy tiếng anh nhìn từng cái phong bì. Đột nhiên một phong thư là lạ hiện ra. Vĩnh cầm lên. Nơi góc trái trên cùng có tên người gởi.
 
Lê Thành Đán
113/ 6 Đường Cộng Hoà
Phường 13 Quận Tân Bình
Thành Phố Hồ Chí Minh - Việt Nam

 
Vĩnh ngắm nghía phong thư của cậu mình gởi từ Việt Nam. Nước nghèo, dân nghèo cho nên phong thư cũng nghèo. Anh chậm chạp xé phong thư. Nét chữ nguệch ngoạc. Tờ giấy lem luốc ngã màu vàng.


Cháu Vĩnh thương mến,
Cậu nhận được thư của cháu đã lâu nhưng lại chậm trả lời vì thư viết rồi mà không có tiền để gởi. Nói ra thời cũng buồn và ngượng ngùng nhưng sự thật là thế. Cậu với mợ đi làm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ nuôi cả gia đình bốn người. Hai đứa con của cậu ngoài chuyện ăn còn lo chúng nó chuyện học hành thành ra tốn kém đủ thứ. Nghe nói cháu sống nơi xứ lạ quê người có một mình thời cậu mợ cũng cảm thấy buồn và tội nghiệp cho cháu. Tuy nhiên cậu cũng không biết làm sao ngoại trừ viết vài dòng thăm hỏi cháu mà thôi. Gia đình ta giờ chỉ còn lại cậu mợ thôi. Như lời cháu viết trong thư thời ông Tăng là người ở trong hẻm đối diện với nhà của mình năm xưa bên Thị Nghè. Năm ngoái ông có về thăm nhà và cậu có gặp ông ta. Nếu cậu nhớ không lầm thời năm nay cháu đúng 30 tuổi. Nếu có dịp cháu hãy về thăm lại quê hương cho biết. Quê hương của mình bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Có lẽ cháu không nhớ đâu vì lúc đi cháu còn nhỏ lắm. Cậu làm nghề thợ mộc lương cũng chẳng có bao nhiêu. Còn mợ của cháu là giáo viên tiểu học. Nghề thời nhàn hạ nhưng cũng là lương chết đói. Dù sao cũng có cháo rau ngày hai bữa chứ không đến nỗi đói và ngủ đầu đường xó chợ như nhiều người khác...



Tiếng bíp bíp vang lên. Vĩnh đứng lên lấy tô mì ra khỏi microwave. Vừa ăn anh vừa đọc tiếp lá thư dài gần ba trang của cậu Đán. Càng đọc anh càng cảm thấy tội nghiệp và thương cảm. Nhất là khi nhìn tới tấm hình chụp gia đình của cậu. Người nào cũng ốm o, hốc hác và nét mặt buồn hiu. Nhìn mặt một người đàn bà đứng cạnh cậu Đán Vĩnh đoán đó là vợ của cậu. Bà ta có đôi mắt đẹp nhưng thật buồn. Theo như trong thư thời bà ta mới có 31 tuổi nhưng nhìn hình thời trẻ hơn. Có lẽ tấm hình chụp đã lâu rồi.


   Ăn xong tô mì gói Vĩnh phân vân không biết phải làm gì để giúp đỡ cho hoàn cảnh nghèo khổ của cậu Đán. Anh thấy cần phải gọi bác Tăng để nhờ sự của cố vấn của bác. Sau gần nửa tiếng đồng hồ nói chuyện anh thu thập được mọi chi tiết cần thiết về việc gởi tiền, gởi bao nhiêu, cước phí bao nhiêu cho việc gởi tiền về Việt Nam. Suốt đêm đó Vĩnh trằn trọc để cố gắng nhớ lại dỉ vãng của mình. Trằn trọc tới hai giờ sáng cũng không ngủ được Vĩnh thức dậy mở labtop lên và bắt đầu tìm hiểu về quê hương Việt Nam của mình. Càng tìm hiểu anh càng cảm thấy bùi ngùi và tội nghiệp. Anh liên tưởng tới gia đình cậu năm. Sáu giờ sáng anh mới trở lại giường ngủ. Khi anh thức dậy nắng đã lên cao. 11 giờ sáng. Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, ăn một tô cereal Vĩnh hối hả ra xe. Từ Saint Charles tới Saint Louis phải mất gần nửa giờ lái. Đó là vào ngày cuối tuần không bị kẹt xe.


Theo địa chỉ ghi trên giấy mà bác Tăng đã đọc Vĩnh tìm được văn phòng gởi tiền kiêm luôn việc bán vé máy bay về Việt Nam. Vĩnh hơi rụt rè khi gặp một người đàn bà còn trẻ ăn mặc lịch sự. 
-  Chào cậu... Tôi có thể giúp cậu việc gì không?  
- Dạ thưa chị tôi muốn gởi tiền về Việt Nam...  
- Đây là lần đầu tiên cậu gởi tiền?
Trước câu hỏi ân cần và nụ cười của người đàn bà Vĩnh thực tình kể lại chuyện nhận được lá thư của cậu mình ngày
hôm qua. 

- Cậu bao nhiêu tuổi rồi?  
-  Dạ ba mươi thưa chị...

 - Chị lớn hơn cậu bảy tuổi. Chị tên Minh Hoàng. Vậy mình xưng hô chị em cho thân mật nghe. Cậu của Vĩnh nói đúng đó. Ở bên nhà họ khổ lắm Vĩnh ơi. Chị còn cha mẹ ở bên đó nên cứ phải gởi tiền về nuôi ổng bả... Vĩnh muốn gởi bao nhiêu tiền?
Vĩnh ngần ngừ. 
-  Em không biết. Theo chị gởi bao nhiêu thời đủ hả chị?
Minh Hoàng bật cười vì câu hỏi của Vĩnh. 
- Đối với bên đó thời em gởi bao nhiêu cũng không đủ. Nếu lần đầu thời em gởi chừng năm trăm đô la cũng được...
Vĩnh tươi cười gật đầu. 
- Vậy chị cho em gởi năm trăm đi... Chị nhận tiền mặt hay personal check?
Nhìn Vĩnh giây lát Minh Hoàng cười nhẹ. 
- Thường chị nhận tiền mặt nhưng nếu không có tiền mặt Vĩnh đưa check cũng được...  
- Em chỉ có bốn trăm cash vậy em ký cái check một trăm cho chị nha...


Minh Hoàng tươi cười nhận. Như để chứng minh sự thành thật của mình Vĩnh đưa bằng lái xe và đưa luôn cả cái business card có địa chỉ của sở làm. Minh Hoàng cười nhìn Vĩnh. 
- Kiến trúc sư... Trẻ mà học giỏi vậy. Em có bồ chưa?
Vĩnh hơi đỏ mặt. 
- Dạ chưa... Chỗ em ở ít có người Việt Nam còn mấy cô bạn gái người Mỹ thời em ngại...
Minh Hoàng cười nói đùa. 
- Chắc tại em kén chứ gì…
Nhìn nét mặt hơi ngơ ngác của Vĩnh Minh Hoàng biết cậu con trai không hiểu danh từ mà nàng đã dùng. 
- Kén là gì hả chị?
Minh Hoàng cười ròn rã. Nàng chưa kịp nói Vĩnh đã lên tiếng trước. 
- Em qua Mỹ lúc một tuổi nên dở tiếng Việt lắm... Từ hồi ba má em mất tới giờ em không có ai để nói tiếng Việt...  
- Kén là chọn lựa, là picky đó em...
Vĩnh gục gặt đầu tỏ vẻ hiểu. 
- Em không có kén đâu chị... Tại em nhút nhát mà con gái bây giờ bạo quá... -Nhìn thấy mấy tấm bảng quảng cáo du lịch Vĩnh hỏi.
-  Chị có bán vé máy bay về Việt Nam hả chị?
- Có... Em muốn đi Việt Nam hả?
- Em chỉ có ý thôi chứ chưa định ngày giờ. Thường thời người ta về bao lâu hả chị?
- Một tháng hoặc ba tháng cũng có... Bây giờ là đầu tháng sáu... Nếu em đi từ tháng sáu, bảy, tám và chín thời có giá rẻ hơn là vào dịp tết. Quê em ở đâu?
- Em không nhớ... Chỉ biết cậu em ở Sài Gòn...
Đưa cho Vĩnh cái biên lai Minh Hoàng hỏi. 
-  Em muốn nhắn gì cho cậu của em không?
- Dạ không...  
- Sở dĩ người ta về một tháng mới trở qua vì đi và về đã mất ba tới bốn ngày rồi...  
-  Để em xin phép sở xong em sẽ điện thoại cho chị biết...
Minh Hoàng có cảm tình với cậu con trai hiền lành và thật thà mới gặp lần đầu này. 
-  Chị cho em số điện thoại tiệm và nhà. Em muốn gọi lúc nào cũng được...


Sau khi ghi thêm số điện thoại nhà Minh Hoàng đưa cho Vĩnh cái business card. Vĩnh suy nghĩ miên man trên đường lái xe trở về nhà. Sau khi đọc thư của cậu năm anh cảm thấy có điều gì khác lạ trong tâm hồn mình. Quê hương. Việt Nam. Mấy chữ đó như một hối thúc, một mời gọi dành cho đứa con đi xa phải trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Năm năm kể từ khi má mất, Vĩnh hầu như không còn liên lạc thường xuyên với Việt Nam nhất là với cậu của mình. Cách đây hai tháng tình cờ gặp bác Tăng nói về hoàn cảnh nghèo khó của cậu Đán Vĩnh mới chợt nhớ và viết thư thăm hỏi. Bây giờ tự nhiên anh muốn về thăm quê hương và gặp cậu của mình.


Ghé vào tiệm Pizza Hut mua hai cái pizza xong Vĩnh về thẳng nhà. Hai ngày liền Vĩnh lên mạng tìm hiểu về quê hương của mình. Càng tìm hiểu nhiều chừng nào anh càng thêm thương xót và tội nghiệp cho hoàn cảnh nghèo khổ của những người cùng chung xứ sở với mình.


Sáng thứ hai vào sở làm Vĩnh nói với " boss " của mình về chuyện xin phép nghỉ hai tuần để về Việt Nam thăm gia đình. Hai ngày sau anh được boss chấp thuận cho nghỉ hai tuần. Chiều thứ sáu đi làm về Vĩnh nhận được giấy hồi báo đã nhận đủ tiền của cậu Đán. Sáng thứ bảy anh lái xe xuống Saint Louis gặp Minh Hoàng mua vé máy bay và phòng trọ tại Metropole Hotel ở Sài Gòn .


Đang đứng trong bếp nấu cơm chiều Thiên Thanh nghe có tiếng gõ cửa. 
- Ai đó?
Không nghe có tiếng người trả lời nàng vội bước ra. Thấy một cậu thanh niên còn trẻ ăn mặc giản dị nàng hỏi. 
- Xin lổi cậu kiếm ai?  
- Thưa cô đây có phải là nhà của cậu năm Đán...  
- Dạ đúng... Cậu là ai?  
- Dạ tôi tên Vĩnh...
Thanh hỏi dồn. 
- Vĩnh nào... Phải cậu là cậu Vĩnh ở bên Mỹ không?  
- Dạ phải... Tôi là Vĩnh, cháu của cậu Năm...  
- Trời ơi... Cháu Vĩnh đây hả. Cháu về thăm mà không có nói trước thành ra...  
- Dạ tại đi gấp quá. Cô là con của cậu Năm?
Thiên Thanh mỉm cười nói với người cháu chồng mới gặp mặt lần đầu tiên. 
- Tôi tên là Thiên Thanh, vợ của cậu Năm...
Vĩnh cũng cười với người mợ lần đầu tiên mới gặp mặt. 
- Cháu xin lổi mợ. Tại mợ...  
- Tại mợ già phải không?
Vĩnh lắc đầu. 
- Dạ không phải... Tại mợ trẻ hơn trong hình rất nhiều thành ra cháu tưởng mợ là con của cậu...
Thanh cười gật đầu nói với người cháu chồng.
- Cháu Vĩnh ngồi chơi...
Nàng mời Vĩnh ngồi nơi bộ ván cũ mèm mà khi ngồi xuống nó kêu kẽo kẹt và lung lay như muốn gãy. Hơi đỏ mặt nàng cười gượng. 
-  Nhà cậu mợ nghèo thành ra...
Vĩnh cũng cười.
- Cháu hiểu nên gấp về đây xem có giúp được gì cho cậu mợ...
Thanh nói nhỏ khi nghe có tiếng bước chân vang lên ngoài hẻm. 
-  Chắc cậu về...
Dường như có linh tính Đán nhận ra ngay cậu thanh niên trẻ tuổi đang ngồi nói chuyện với vợ mình là ai. 
- Cháu Vĩnh...
- Cậu Năm...
Hai cậu cháu ôm chầm lấy nhau. Đưa tay áo sơ mi lau nước mắt Đán cười.
Cháu lớn và lạ lắm. Gặp ngoài đường chắc cậu nhìn không ra...
Vĩnh rơm rớm nước mắt nhìn người cậu ruột của mình. Già trước tuổi đã đành Đán còn gầy còm và trông không được mạnh khỏe lắm. Hai hàm răng rụng nhiều khiến cho cái miệng như móm đi. Mới ngoài bốn mươi mà tóc của cậu đã bạc nhiều. Đôi mắt lờ đờ mỏi mệt có lẽ do lao lực nhiều quá.
- Cậu mới nhận được tiền của cháu gởi về độ tuần trước... Nhờ tiền của cháu mà cậu trang trải được chút nợ nần, mua chút quần áo cho hai đứa nhỏ...
Liếc nhanh mợ của mình đang ngồi im lặng với vẻ buồn rầu Vĩnh cười nói với cậu.
- Dạ con có mang ít tiền về cho cậu mợ. Con cũng có mua quà cho cậu mợ và hai em. Sáng mai con sẽ mang lại cho cậu mợ. Hai em đi đâu rồi cậu mợ?
Thanh lên tiếng trả lời thay cho chồng.
- Lúc này nghỉ hè nên tụi nó đi chơi bên hàng xóm...
- Con mời cậu mợ đi ăn tối nay...
Thanh hơi ngần ngừ trong lúc Đán nhìn vợ như hỏi ý kiến. Gặp ánh mắt van lơn và thành khẩn của người cháu chồng nàng cười nhẹ.
- Cháu đã mời thời cậu mợ xin làm phiền cháu.
- Không có gì phiền đâu mợ. Cháu muốn gia đình mình có dịp nói chuyện với nhau. Từ nào tới giờ cháu mới có dịp gặp cậu mợ...
- Bà đi kêu hai đứa nhỏ về. Bảo nó ăn mặc đàng hoàng. Còn bà cũng vậy. Kiếm bộ đồ nào mơi mới một chút...
Thanh nhìn chồng.
- Ông cũng vậy. Diện bộ đồ đi ăn giỗ của ông lên...
Vĩnh làm bộ quay nhìn ra cửa sổ để cười khi nghe cậu mợ nói chuyện với nhau. Lát sau Thanh và hai con trở về.
- Hai con chào anh Vĩnh đi...
Hai đứa bé một trai, một gái lí nhí.
- Chào anh Vĩnh...
Cả gia đình năm người đi bộ tới một nhà hàng khá sang trọng nằm trên đường Cộng Hòa. Vĩnh nói nhỏ với mợ năm của mình.
- Con không biết món ăn gì hết... Mợ cứ việc gọi thức ăn cho cả gia đình. Con sẽ trả tiền...
Thanh cười nói với Vĩnh.
- Ở bên đó cháu ăn thức ăn Việt Nam thường không?
- Dạ cháu ăn mì gói tối ngày. Đi làm về làm biếng nấu nên ăn mì gói tiện nhất...
Thanh gọi bốn món cho cả gia đình ăn chung. Biết chồng tánh lầm lì ít nói nên Thanh cố gợi chuyện nói với cháu chồng.
- Cháu năm nay được mấy tuổi?
- Dạ cháu ba mươi tuổi...
Vĩnh thấy được nét ngạc nhiên hiện lên trong mắt của mợ năm.
- Cháu có nhớ lầm không... Không lẽ...
Quay sang chồng đang ngồi nhìn vơ vẩn Thanh hỏi.
- Ông... Vĩnh bảo cháu ba mươi tuổi. Hổng lẽ cháu lại lớn tuổi như vậy...
Đán gật đầu cười.
- Nó nói đúng... Chị hai lớn hơn tôi mười bảy tuổi. Khi chị hai sinh Vĩnh thời tôi mới được mười ba tuổi... Bà chỉ lớn hơn nó có một tuổi thôi...
- Bởi vậy mợ năm còn trẻ quá. Lúc mới gặp con tưởng mợ là con của cậu...
Đán cười lớn vì câu nói của cháu ruột. Thức ăn được đem ra. Hai đứa nhỏ nhao nhao đòi ăn khiến cho Thanh phải lo gắp thức ăn cho con nên không nói chuyện với Vĩnh được.
- Quê của mình ở đâu vậy cậu?
- Ở Long Xuyên... Chắc con không nhớ hả?
- Dạ không... Con muốn về thăm quê cho biết...
 Do dự giây lát Đán mới lên tiếng.
- Cậu phải đi làm vậy để cậu nói với mợ dẫn con về Long Xuyên chơi hai ba bữa thăm bà con họ hàng cho biết...
- Ông đi luôn cho vui. Lâu quá rồi ông cũng đâu có về Long Xuyên...
Đán lắc đầu.
- Tôi đang đi làm mà làm sao nghỉ được. Chủ nó đuổi lấy cơm đâu mà ăn. Bà nghỉ hè ba tháng nên thay tôi dẫn cháu Vĩnh đi chơi cho biết...
Thức ăn lạ cho nên Vĩnh ăn ít. Hai vợ chồng Đán cũng ăn uống, trò chuyện với Vĩnh một cách vui vẻ và thân mật. Ăn xong cả gia đình đi bộ về nhà rồi Vĩnh mới đón xe về phòng trọ. Sáng hôm sau khi anh trở lại thời cậu năm đã đi làm chỉ có Thanh ở nhà với hai con. Được anh cho quần áo mới và đồ chơi hai đứa bé mừng rỡ cười nói huyên thiên.
- Cháu mua cho cậu mấy bộ quần áo...
Ngừng lại nhìn mợ năm của mình anh cười gượng.
- Cháu không biết mợ thích gì thành ra chỉ mua xà phòng gội đầu, kem đánh răng, dầu thơm và ít trang sức cho mợ...
- Cám ơn cháu... Cháu cho nhiều quá...
Móc túi quần lấy ra một phong bì dày Vĩnh cười nói.
- Tiền này cháu gởi cậu mợ...
Thấy phong bì dày nên Thanh biết số tiền phải lớn lắm vì thế nàng ngần ngại.
- Cháu về thăm là quý rồi mà lại cho tiền nhiều quá mợ không dám nhận đâu... Hay là cháu đợi cậu về đưa cho cậu đi...
Ấn phong bì vào tay mợ năm của mình Vĩnh nài nỉ.
- Mợ cầm đi... Mợ cũng như cậu mà... Tuy mới gặp nhưng cháu coi mợ như người trong gia đình. Mà gia đình giúp nhau là chuyện thường phải không mợ?
- Cháu đã nói thế thời mợ xin thay cậu mà nhận. Chừng nào cháu muốn đi thăm bà con ở Long Xuyên...
Nhẩm tính giây lát Vĩnh cười nói.
- Cháu được phép về Việt Nam hai tuần. Ngoài việc về Long Xuyên cháu cũng muốn đi thăm vài nơi cho biết...
- Vậy ngày mốt mợ sẽ đưa cháu về Long Xuyên. Cháu chịu không?
- Chịu... Bây giờ cháu nhờ mợ dẫn cháu đi ra phố...
- Cháu cần mua souvernir cho bạn gái hả?
Thanh hỏi đùa. Hơi đỏ mặt Vĩnh cười.
- Dạ không... Cháu không có bạn gái...
Tuy hơi ngạc nhiên nhưng Thanh im lặng không hỏi tiếp.
- Cháu chờ mợ thay quần áo rồi mình đi...
Áo dài xanh màu thiên thanh với mái tóc đen dài buông trên lưng, ngần thứ ấy tạo thành một vẻ đẹp đơn sơ và mộc mạc khiến cho người thanh niên nhìn đăm đăm mợ năm của mình. Bắt gặp cái nhìn đó Thanh hơi đỏ mặt cúi đầu xuống. Vĩnh cười nói một cách tự nhiên.
- Mợ đẹp quá... Cháu thấy cô gái Việt Nam nào cũng lạ và đẹp hết...
- Cháu muốn có bạn gái Việt Nam không mợ giới thiệu cho...
- Dạ cám ơn mợ... Cháu...
- Thôi mình đi cháu...
Nghe nói được ra phố Tâm và Hùng reo hò. Chúng biết đi với anh Vĩnh sẽ được ăn ngon và được quà. Ngồi băng trước với tài xế Vĩnh im lặng ngắm cảnh phố phường. Như bao nhiêu thành phố lớn khác Sài Gòn cũng có hai mặt đẹp và xấu, giàu và nghèo. Nhà lầu mấy chục tầng cao ngất thời cũng có xóm lao động nhà tôn vách ván. Đường tráng nhựa bóng loáng và đường hẻm tối tăm lầy lội. Nhìn hàng ngàn chiếc xe gắn máy chạy vùn vụt trên đường Vĩnh cười nói với mợ của mình ngồi băng sau.
- Ở đây người ta chạy xe ngộ quá... Xe gắn máy lại nhiều hơn xe hơi...
Người tài xế tắc xi liếc nhanh Vĩnh.
- Cậu chắc ở xa mới về?
Thanh trả lời thay cho cháu của mình.
- Cháu của tôi ở bên Mỹ mới về thăm nhà...
Vĩnh quay đầu nói với Thanh mà cũng để nói với người tài xế.
- Ở bên Mỹ đường có vẽ lane đàng hoàng. Người ta phải lái xe vào giữa hai cái lane còn ở đây họ chạy luông tuồng...
- Ở đây cũng có đường vẽ lane như cậu nói nhưng thiên hạ mạnh ai nấy chạy thành ra không có luật lệ gì hết. Họ muốn chạy cứ việc chạy nên tại nạn nhiều lắm...
Vĩnh cười nói với Thanh.
- Cháu muốn mướn một một chiếc xe du lịch để đi Long Xuyên nhưng trung tâm du lịch ở khách sạn họ bảo phiền phức lắm...
- Họ nói đúng đó cậu. Nhiều người ở đây ma le lắm. Biết cậu ở Mỹ về họ tìm cách đụng xe với cậu rồi nằm vạ để cậu lòi tiền ra...
Thanh im lặng. Nàng cũng có nghe đồn về những chuyện vặt vảnh đó nhưng không để tâm lắm. Nàng sống ở thành phố có năm sáu triệu dân nhưng đời sống khác hẵn. Nó khép kín trong việc đi dạy học ở một trường sơ cấp gần nhà xong về lo cơm nước, giặt giũ quần áo, quanh quẩn trong ngôi nhà chật hẹp dơ bẩn. Nàng ít khi ra khỏi nhà trừ khi phải đi chợ hoặc mua sắm các thứ lặt vặt. Đôi khi nàng cũng mơ ước dù mơ ước giản dị và tầm thường. Đó là thứ ước mơ của người nghèo khổ được cơm no ngày hai bữa và có việc làm để sống qua ngày và khỏi phải vay nợ.
Xe dừng ở chợ Bến Thành. Người đi lại dập dìu. Tiếng kèn xe kêu inh ỏi. Mùi săng nhớt hoà với mùi bụi bặm khiến cho Vĩnh phải khịt mũi còn Thanh phải đưa khăn mù xoa lên bịt mũi lại.
Tâm và Hùng tung tăng đi trước còn Vĩnh và Thanh thong thả đi bộ.
- Cháu thấy Sài Gòn ra sao?
Thanh hỏi cháu chồng của mình.
- Đẹp nhưng có điều không được sạch sẻ lắm. Bụi bặm quá...
Nhìn thấy rác rưới hai bên lề đường Vĩnh cười tiếp.
- Chắc người ta quen xả rác trên đường cũng như ít khi hốt rác...
- Cháu nói đúng... Mợ có người quen trong trường sau khi tham quan bên Mỹ về bà đó khen bên Mỹ đường xá rộng và sạch lắm. Bà nói sở dĩ đường xá sạch là do chính phủ có luật lệ phạt tiền những người nào xả rác trên đường. Ngoài ra cũng do người dân ý thức không có xả rác và chính phủ có xe đi hốt rác và hút bụi thường xuyên...
Đợi cho Thanh nói dứt Vĩnh mới cười hỏi.
- Tham quan là gì hả mợ?
Thanh cười khẽ nhìn Vĩnh.
- Chắc cháu chưa quen những danh từ lạ và mới. Thay vì đi thăm viếng thời họ gọi là tham quan...
Vĩnh gật gù.
- Ạ... Như vậy nếu cháu về thăm viếng cậu mợ thời nói là tham quan cậu mợ phải không?
Thanh đưa tay lên bụm miệng để cho tiếng cười không phát ra lớn quá. Nhìn quanh quất không thấy ai nàng nói nhỏ.
- Đó là tiếng ngoài bắc mới đem vô trong nam. Tuy nhiên cháu nói thăm viếng cậu mợ người ta cũng hiểu...
- Mợ... Cháu muốn chụp hình...
- Cháu cứ chụp đi... Mợ đứng đây chờ...
Ngần ngừ giây lát Vĩnh cười.
- Cháu muốn chụp hình mợ với hai em...
Thanh cười nhẹ.
- Thôi cho mợ xin đi... Mợ chụp hình xấu lắm...
Vĩnh nài nỉ.
- Không đâu... Cháu biết mợ chụp hình sẽ đẹp lắm... Mợ đứng đó... Cháu chụp vài tấm làm kỷ niệm...
Thanh không nỡ từ chối khi nhìn ánh mắt van lơn của cháu chồng nên đành phải đứng cho Vĩnh chụp vài tấm hình. Ngoắc Tâm với Hùng lại bảo hai đứa đứng cạnh Vĩnh chụp thêm vài tấm nữa. Đi một hồi mỏi chân cả gia đình ghé vào một tiệm kem. Lần đầu tiên được ăn kem nên hai đứa nhỏ ăn liền một lúc hai ly kem. Thấy Vĩnh móc túi Thanh cười.
- Vĩnh để mợ trả tiền cho...
Vĩnh cười lắc đầu.
- Cháu bao mợ với hai em mà. Tiện đây cháu xin nói với mợ là chuyến đi về Long Xuyên cháu sẽ trả tiền hết...
Thanh cười nhẹ.
- Thú thật với cháu mợ cũng không có tiền dư... Tiền cháu cho chắc cũng đủ trả nợ...
Liếc một vòng thấy không có ai ở gần Thanh nghiêng người thì thầm như muốn chỉ có Vĩnh nghe mà thôi.
- Mợ hỏi thiệt cháu chuyện này nghe...
Múc muỗng kem đưa vào miệng Vĩnh cười.
- Mợ cứ hỏi và cháu sẽ trả lời. Với mợ cháu sẽ không dấu điều gì...
- Vĩnh cho cậu mợ bao nhiêu tiền?
Vĩnh cười đưa năm ngón tay ra trước mặt mợ năm của mình. Anh thấy đôi mắt long lanh của mợ mở lớn vì kinh ngạc.
- Nhiều quá... Vĩnh làm gì mà có nhiều tiền vậy?
- Đâu có nhiều mợ... Cháu đi làm lương cũng khá mà không có ăn xài nên để dành được... Cậu mợ cần hơn cháu nhiều. Cậu mợ cần tiền để trả nợ, sửa sang nhà cửa, mua quần áo cho hai em. Cậu cũng cần phải ăn uống cho bổ. Thấy cậu ốm yếu con thương cậu quá...
Thanh ứa nước mắt khi nghe Vĩnh nói. Nàng đã biết những điều đó nhưng không có tiền thời phải chịu thôi.
- Mợ cám ơn cháu nhiều lắm...
Vĩnh cười đùa.
- Mợ không cần cám ơn. Chỉ cần mợ dẫn cháu đi tham quan vài thắng cảnh...
Thanh cười thánh thót. Vĩnh cảm thấy tiếng cười của mợ năm thật êm dịu.
- Cháu tiến bộ nhanh lắm...
Ra khỏi tiệm kem mặc dù Thanh cố cản nhưng Vĩnh cũng ghé vào tiệm mua cho hai đứa em bà con một lô đồ chơi. Nếu nàng không quyết liệt chối từ Vĩnh đã mua cho nàng và chồng đủ thứ. Đi ngang qua một tiệm thấy chưng bày quạt máy Vĩnh nảy ý kiến.
- Con muốn mua cho cậu một cái quạt máy để quạt cho mát...
Thanh  gạt liền.
- Cậu của cháu sợ gió lắm...
Vĩnh cười vì biết mợ năm của mình nói không đúng sự thật.
- Vả lại nếu cậu mợ muốn con ở chơi lâu hơn thời để con mua quạt máy quạt cho mát. Con không thích nóng...
Thế là Thanh chịu thua để cho cháu mua hai cái quạt máy.
- Một cái để trong phòng cậu mợ còn một cái để ngoài cho hai em...
Tâm và Hùng hoan nghinh ý kiến của anh Vĩnh còn Thanh cũng gượng cười. Ngồi băng sau với Vĩnh Thanh cười hỏi nhỏ.
- Cháu làm nghề gì bên Mỹ?
- Dạ cháu làm nghề vẽ họa đồ xây cất nhà cửa dinh thự đủ thứ... Có phải bên này người ta gọi là kiến trúc sư không mợ...
- Chắc là vậy... Nghề đó nhiều tiền lắm...
- Cậu mợ mà qua được Mỹ ở con sẽ xây cho cậu mợ một ngôi nhà đẹp...
Thanh thở dài.
- Chuyện đó khó lắm... Chắc không bao giờ xảy ra...
Vĩnh liếc nhanh mợ năm. Khuôn mặt của mợ chợt trở nên buồn rầu và u uất...
- Hồi trước cậu cũng lo mà không đi được. Rốt cuộc cậu đành phải thôi không đi nữa. Không thôi cũng không được vì hết tiền... Cháu ở với ai bên đó?
- Dạ cháu ở có một mình. Nhà ba phòng ngủ rộng lắm. Ba má cháu mua được hơn mười năm rồi mất để lại căn nhà cho cháu. Gia đình cậu mợ qua ở với cháu chắc vui lắm...
Thanh làm thinh dường như suy nghĩ chuyện gì. Tắc xi dừng nơi đầu hẻm. Bốn người xuống xe. Đường hẻm nhỏ và hẹp bốc mùi ngai ngái rất lạ mà Vĩnh không biết là mùi gì. Thanh mở cửa cho Vĩnh ôm một bọc thức ăn to tướng vào nhà. Hai đứa nhỏ reo hò thi nhau đứng trước quạt máy. Dù không nói Thanh cũng thầm cám ơn cháu vì ý kiến mua quạt máy trong lúc mùa hè nóng nực. Nhờ vậy mà căn nhà thêm thoáng khí hơn. Hôm nay Đán về sớm hơn thường lệ. Có lẽ được vợ nói cho biết nên Đán rưng rưng nói với cháu.
- Cậu cám ơn con nhiều lắm...
- Con chỉ làm theo lời má con dặn. Má thương cậu lắm nhưng từ khi má chết con vì còn đi học vả lại tánh thanh niên nên con đã không làm được những gì má dặn. Bây giờ thấy hoàn cảnh của cậu mợ con giúp gì được con sẽ không từ chối...
Thanh dọn cơm lên. Thấy nào thịt heo quay bánh hỏi, vịt quay bánh mì Đán cười.
- Chà bà bữa nay sang dữ a...
Thanh cười đùa.
- Tôi không có mua đâu. Tôi tính nấu cơm đãi cháu Vĩnh mà cháu chê tôi nấu không ngon nên đòi mua thịt heo quay, vịt quay...
- Con không có chê mợ nấu dở đâu nghe. Con không muốn mợ cực. Để thời giờ mình nói chuyện vui hơn...
Cả gia đình quây quần ăn uống trò chuyện vui vẻ.
- Ba mát hôn ba... Anh Vĩnh mua hai cái quạt máy... Ba cho tụi con một cái nghe ba...
Vĩnh xen lời.
- Để mai mốt anh mua cho mỗi đứa em một cái... Con mua cho mợ một cái để ở nhà bếp cho mợ khỏi bị nóng khi nấu cơm...
Thanh lắc đầu quầy quậy.
- Thôi thôi... Mợ không có tiền trả tiền điện đâu... Hai cái đủ rồi...
- Bà tính chừng nào đi Long Xuyên?
- Sáng mai. Tôi dẫn Vĩnh và hai đứa nhỏ đi về thăm bên nội... Chắc chừng hai ba ngày mới về... Ông ở nhà kiếm gì ăn bậy bạ...
- Bà khỏi lo...
- Mình đi xe gì hả mợ?
- Xe đò... Đi xe đò chậm hơn nhưng lại rẻ tiền hơn...


Ở chơi với gia đình cậu mợ tới tối Vĩnh mới từ giã về khách sạn. Đứng cạnh cửa sổ nhìn thành phố sáng rực ánh đèn Vĩnh nhớ tới khuôn mặt ốm o gầy gò của cậu và ánh mắt buồn u uất của mợ năm. Anh tự nhủ lòng là mình cần phải giúp đỡ cho gia đình cậu mợ nhiều hơn nữa.

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 609

Return to top