Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10336 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cọng Rêu Dưới Đáy Ao
Võ Văn Trực

Chương XVIII

     Anh mất, người đau đớn nhất là chị Hiền. Chị khóc vật vã. Nỗi bất hạnh của cuộc đời anh đã kéo theo cuộc đời chị cùng bất hạnh. Ròng rã suốt mấy chục năm trời chị ngậm tủi nuốt sầu, trọn đạo làm dâu, trọn nghĩa làm vợ. Tuổi trẻ, chị không biết tình yêu là gì. Vào tuổi ba mươi, khói lửa chiến tranh tắt, chị toan nắm được hạnh phúc, nhưng rồi hạnh phúc lại tuột khỏi bàn tay chị. Chị khổ vì chồng. Không chịu đựng được, chị bỏ nhà lên Sơn La trông cháu. Thương chồng, chị lại trở về. Rồi chị lại ra Hải Phòng ở với con gái, trông cháu ngoại. Đến khi nghe tin chồng ốm nặng, chị lại trở về. Một khát khao bình thường của người phụ nữ là được chăm sóc chồng mà chị cũng không đạt được. Những ngày cuối đời anh, chị mới thực sự được gần gũi chồng, lo lắng thuốc men và cơm cháo cho chồng.

Chị quên tất cả, quên mọi điều bất hạnh xô ập tới gia đình trong mấy chục năm trời, quên những cơn dằn vặt do anh gây ra. Trước mặt chị là chồng, một người chồng lăn lóc trên giường bệnh. Chị phải ân cần nâng niu, an ủi. Chị có quyền được nâng niu, an ủi. Ròng rã mấy tháng trời chị không rời anh. Đêm nào chị cũng thức. Nhiều đêm chị thức trắng. Một tiếng ho, một tiếng thở không bìmh thường, một cái trở mình của anh, đều làm chị giật thót. Ngọn đèn hiu hiu thâu canh. Chị thức cùng ngọn đèn, cùng tiếng muỗi vo ve và tiếng thạch sùng chắt lưỡi như ngày nào chị mới sinh cháu. Chị thương con chừng nào thì chị thương chồng dường ấy. Nát ruột nát gan vì nỗi bất hạnh chồng mang đến chính là tình thương rất đỗi có trách nhiệm với gia đình. Chị không quay lưng, mà chị luôn luôn sẵn sàng đối mặt với mọi rắc rối của chồng con với một nghị lực mạnh mẽ mà thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam…

Chính nhờ thái độ ấy, nghị lực ấy, mà đến phút chót của đời mình, trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng, anh gọi chị, anh gọi tên chị, anh gọi “Bà ơi! Bà ơi!” Anh gọi “Bà” là để thay lời cho những đứa cháu - những giọt máu chảy trường tồn trong huyết thống của gia tộc, của dòng họ. Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thật. Tiếng gọi “Bà ơi! Bà ơi!” là lời nói thật chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm ăn năn, hối hận, chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm chua xót, ngọt ngào, hờn giận, thương yêu của cả một đời của anh đối với chị.

Chị hốt hoảng nắm chặt bàn tay anh. Mười ngón tay anh run rẩy nắm lấy bàn tay chị. Ôi đằng đẵng một quãng đời chồng vợ dài gần năm mươi năm, đến phút này đây, đến phút chót này đây, chị mới được chồng nắm chặt tay mình và chị mới biết được bàn tay chồng ấm lạnh như thế nào.

Gục đầu lên người anh, chị khóc nấc lên, vật vã kêu gào. Mọi ngưòi kéo chị ra nơi khác mà chị cứ tưởng là đang ôm lấy anh, tiếng khóc thét lên như nghìn mũi dao đâm ngang đâm dọc vào cơ thể chị…

                                        * * *
Đồng đội anh đâu rồi?
Đồng đội anh đâu rồi?
Đồng đội anh đâu rồi? Không có ai ở đây trong giờ phút này để vĩnh biệt anh!

Chặng đường gần mười năm anh sống với đồng đội, với bạn bè chiến đấu là những năm tháng vui nhất, sôi nổi nhất, đẹp đẽ nhất và có ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời sáu mươi lăm năm của anh. Ăn đói, mặc rét, nằm rừng, hồi hộp chờ đợi giờ xuất kích, xông vào đồn giặc. Gặp nhau dọc đường, dù vội mấy cũng dừng lại dăm ba phút, trao cho nhau điếu thuốc lá. Lúc anh giải ngũ về nhà, thiếu thốn, bạn bè qua lại, cho anh bao thuốc, cân chè, cân cà phê hoặc một ít tiền.

Tôi còn nhớ có lần đi bộ với anh vào Vinh. Đến Quán Hành thì trời đã xâm xẩm tối, bỗng gặp người bạn đi ngược chiều trở ra. Hai anh ôm nhau khóc:

“Tao tưởng mày đã hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên”.
“Tao cũng đinh ninh là mày đã vùi xác ở Việt Bắc”.

Tối hôm đó, hai anh ngủ lại quán bên đường. Gọi là quán, nhưng chỉ là túp lều gianh của một gia đình nông dân che tạm để bán nước và bán cơm sau ngày hoà bình lập lại. Đêm nào bà chủ cũng về trong xóm. Hai anh em xin bà cho được ở lại quán một đêm. Bà ái ngại vì chỉ có một cái giường con ọp ẹp, bèn mời hai anh vào nhà nghỉ ngơi. Hai anh từ chối. Thế là bà vội chạy về nhà, mang thêm thức ăn. Rồi hai anh tự nấu nướng, mua rượu, cùng ăn bũa cơm ngon lành trong cái quán lụp xụp… Đêm ngắn ngủi, dường như hai anh thức đến gần sáng, rủ rỉ trò chuyện…

Lúc này, tôi nhớ lắm, nhớ vợ chồng anh Thái ở số nhà 35 Hàng Ngang, Hà Nội, đã tận tình giúp đỡ ròng rã hai tháng trời để anh học may. Tôi cũng nhớ tới vợ chồng anh Chiến ở thị trấn Thái Hoà, miền núi Nghệ An đã vồn vã cưu mang khi anh vừa đặt chân đến vùng kinh tế mới. Giá các anh chị biết anh Hiền mất thì thế nào cũng đến dự lễ tang. Không hiểu trong giấc ngủ, các anh chị có mộng thấy anh Hiền về chào và cảm ơn một lần cuối cùng?...

Còn đông đảo những người bạn khác, những đồng đội khác, xa cách nơi phương trời nào? Chiến tranh thì đoàn tụ. Hoà bình thì phải chia phôi. Chiến tranh thì được sống với cộng đồng biết thương yêu nhau. Hoà bình thì phải sống giữa một tập thể mà ngày ngày ghen ghét nhau, đố kỵ nhau, moi móc nhau. Thật là oái oăm. Tôi khát khao trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này, có các anh sum vầy, cúi đầu quanh thi hài anh. Dẫu mọi giác quan của anh đã chết rồi, nhưng linh hồn vẫn phiêu diêu nơi trần thế để nhận lấy chút ấm áp cuối cùng của tình đồng đội.

Bạn bè anh trong làng cùng tham gia kéo cờ ngày khởi nghĩa, đâu cả rồi? Anh Lộc đã chết bệnh. Anh Hối đã chết trong một tai nạn đổ tàu hoả… Còn ai nữa? Còn đây, anh Huân…

“Thằng Hiền chết rồi à?”, đang nằm mệt lịm trên giường, nghe có người báo tin, anh Huân giật mình ngồi dậy.

“Thằng Hiền chết rồi!...”, anh khóc hu hu như một đứa trẻ. Thằng bạn thân thiết cuối cùng đã ra đi. Thằng bạn hoạt động hăng hái một thời đã ra đi, thằng bạn cuối cùng…

Anh chống gậy lập cập bước ra ngõ. Bệnh thấp khớp hành hạ bao nhiêu năm trời, anh chỉ lê bước quẩn quanh trong nhà. Nhưng hôm nay, anh phải đi để “nhìn mặt nó trước khi vĩnh viễn xa nó”. Bóng anh xiêu vẹo trên đường làng. Cố Hoe từ trong sân nhìn ra, sợ anh ngã, vội chạy tới dìu anh. Vừa đi, anh vừa khóc, Cố Hoe cũng rơm rớm nước mắt.

Không ra được nghĩa địa. Gắng gượng lắm anh chỉ đi theo sau quan tài đến đầu ngõ, rồi quỵ xuống ngồi co ro, hai tay ôm chặt đầu. Mấy người tới đỡ anh dậy, anh lắc đầu. Qua cơn chóng mặt, anh vẫn ngồi đó, nhìn theo cỗ quan tài với đôi mắt mỏi mệt và buồn rười rượi… Một thời nhiệt huyết là thế, một thời hào hoa là thế, một thời sum vầy bè bạn là thế, mà nay chỉ mình anh tiễn đưa người bạn chí cốt về bên kia thế giới …

Cuối đông. Mưa dầm. Rét tê tái. Nghĩa địa Cồn Rộng lởm chởm những mộ cũ mộ mới. Cỏ vàng úa. Gió bấc rít lên từng hồi làm động những hố huyệt đen sền sệt mà người ta vừa đào lên để cải táng. Mấy tấm gỗ mục còn đầy âm khí nằm chơ chỏng như cửa nhà người nghèo vứt lại trước lúc di cư.

Bao nhiêu thế hệ tiền nhân đã nằm xuống đây, như một nơi tạm nghỉ của cõi âm, để rồi linh hồn lại theo hài cốt đi đến nghĩa trang vĩnh cửu.
 
Trước kia, người ta trồng một cây đa trên cồn đất cao ngay giữa nghĩa địa với ý niệm bóng mát che hồn người đã khuất. Rễ bủa ra chằng chịt néo chặt thân gỗ và vòm lá to lớn vào lòng đất. Bà con làng xóm kể cho nhau nghe nhiều chuyện li kì về gốc đa này. Ma họp làng, cãi nhau om sòm. Ma ngồi ăn cơm trưa lúc nghỉ tay gặt lúa. Đêm mùa hè, ma mắc võng trên cành đa để hóng mát. Sự hiện diện của cây đa làm tăng thêm vẻ tôn kính của người sống đối với người chết… Nhưng cây đa này đã bị chặt và bị đào tận gốc ngay từ hồi 1945. Vắng bóng đa, nghĩa địa trống hoang trống huếch. Những chuyện đồn về ma quỷ, thần thánh không còn nữa, trẻ con tha hồ cho trâu bò vào húc đổ mồ mả. Thậm chí, có lần hai thằng bé sinh sự gây gổ, đã nhổ cả mộ chí lên để ném nhau. Sự tàn phá về văn hoá đã dẫn đến sự độc ác của con người ngay từ buổi thiếu thời.

Anh Hiền lại nằm xuống đây, giữa nghĩa địa hoang trống không bóng cây che. Số phận hẩm hiu truy đuổi anh đến cùng, anh chịu chung số phận với bao người thân khác.

Bà con chen chúc đứng xung quanh, tiễn đưa một con người mà nửa cuối cuộc đời là bất hạnh. Ai cũng lo sự bất hạnh sẽ lần lượt đến với mình, vì sự trừng phạt của Thần Thánh, Tổ Tiên. Chuyện đau lòng cũ đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đáng nhẽ ra Thần Thánh,Tổ Tiên đã nguôi cơn giận. Nhưng sự tàn phá ngày ấy quá nặng nề, đến nỗi không còn một chút bóng dáng của nền văn hoá mà ông cha đã dày công vun đắp sáu trăm năm qua - từ khi ông tỉ tổ Võ Phúc Sơn và Võ Chính Đạo mang khăn gói từ ngoài bắc vào khai sơn phá thạch, chiêu dân lập ấp. Không còn gì nữa! Không còn đến cả một ngôi mộ cổ. Không còn đến cả một cái bàn thờ để con cháu sum vầy, nhang khói thờ phụng. Chẳng hiểu nỗi đau này còn di căn đến mấy thế hệ nữa?

Trước mặt bà con là một chiếc áo quan đang từ từ hạ xuống. Trong áo quan là một con người đã từng chịu đựng bao nỗi buồn đau quá sức mình, để rồi đến lúc nhắm mắt buông tay thầm nhắn gửi lại những ý nghĩ nhân tình: “Ai rồi cũng phải chết. Mỗi người chỉ được sống trên mảnh đất này một thời gian rất ngắn. Vậy thì lúc sống hãy giành thì giờ để yêu thương nhau, đừng sinh sự hiềm khích nhau”.

Anh Hiền ơi, hàng trăm người cư trú ở cái làng này, chiều nay, cùng chung ý nghĩ với anh. Không phải đến bây giờ mà suốt mấy thế kỷ nay, bà con vẫn nghĩ như thế. Lúc anh đang sống, gặp hoạn nạn, bà con cưu mang đùm bọc anh. Tình làng nghĩa xóm luôn luôn như bát nước đầy. Ngay cả khi gặp cơn tai biến bị khám nhà, người ta vẫn không nghĩ xấu về anh. Nhiều người biết mình bị lừa nhưng ai chẳng ai dám nói ra, vì sợ thế lực.

Nói cho cùng, những người chấp chính phạm sai lầm. Họ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Họ phục thiện nhanh chóng. Đủ mặt tất cả những con người ấy trong buổi vĩnh biệt thê lương này: đồng chí trưởng công an xã tham gia vụ khám nhà, đồng chí bí thư Đảng uỷ và bí thư chi bộ khởi xướng việc thi hành kỷ luật anh, và có cả “thằng bán tơ” đã từng vu oan cho anh. Họ cũng buồn rũ rượi khi tiễn biệt người đồng hương đồng tộc. Họ cũng cầm nắm đất ném xuống huyệt, cũng cắm nén hương lên mộ, để chứng tỏ họ không ghét bỏ gì anh, họ là người cùng huyết thống với anh.

Tôi đặt lên ngôi mộ tấm ảnh của anh - không phải tấm ảnh gày gò của ông lão sáu mươi, mà là tấm ảnh người thanh niên cường tráng những năm tháng hào hùng ở Việt Bắc: mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới đính quân hiệu. Hàng trăm cặp mắt chăm chắm nhìn vào tấm ảnh, chợt thức dậy trong tiền thức của họ những kỷ niệm về anh và về làng xóm thuở Cách mạng sơ khai. Nhiều người cúi đầu lau nước mắt. Thằng Bá vừa cắm nén hương vừa buột miệng thốt ra câu đồng dao:

Nhông nhông ngựa ông đã về…

Yên Hoà, đông xuân 1996 - 1997
Sửa lại tại Hậu Luật - Yên Hoà, thu 2006.

<< Chương XVII |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 407

Return to top