Cuộc đời anh như cái tháp cổ lung linh vàng son mơ mộng, bị phủ mờ rêu phong, xói lở, nứt nẻ bởi nghìn cơn bão táp. Đến trận khám nhà do “thằng bán tơ” vu oan, thì cái tháp ấy bị bóc hết da thịt, chỉ còn trở lại bộ khung xương cô độc giữa thời gian mịt mù bụi cát.
Anh sống triền miên trong đói khổ…
Đâu chỉ riêng anh chịu số phận hẩm hiu ấy, mà còn tất cả bạn bè cùng lứa tuổi với anh. Anh Lộc, võ sĩ lừng danh đất Diễn Châu, từng biểu diễn những đường gươm chói loà trước hàng ngàn người trong các cuộc mít tinh sau Cách mạng tháng Tám, rút cục chỉ là anh thợ may quèn nơi xóm nhỏ. Anh vừa cắn răng chịu đựng cơn đau của cơ thể vừa đạp bàn máy để kiếm đồng tiền cho vợ đi chợ chiều…
Anh Hối, tên ghi trong giấy khai sinh sau ngày cướp chính quyền là Võ Sĩ Hối, đã từng làm thư ký đầu tiên của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, đã từng xông pha nơi chiến trường Bình Trị Thiên, nay chỉ còn nắm xương. Không phải nắm xương “nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực” đượm vẻ kiêu căng yêng hùng, mà là nắm xương tàn rụi ở góc phố thanh bình. Năm 1979, con tàu từ Lào Cai về Hà Nội, lúc sắp vào ga Hàng Cỏ thì đâm phải một con tàu khác. Tàu đổ. Mấy chục người bị thiệt mạng. Anh Hối cũng bị tan xương trong vụ đổ tàu năm ấy.
Còn anh Huân? Anh Võ Quang Huân ấy mà! Xin phiền bạn đọc dở lại chương II của cuốn truyện này. Trong đó, có một đoạn tôi ghi việc anh Huân và anh Hiền bàn bạc nên đặt tên khai sinh của mình thế nào cho phù hợp với thời cuộc: “Thôi, hay nhất là Võ Quang. Quang là Sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của Cách mạng. Em cũng đi theo con đường sáng của Cách mạng… Sau một lúc bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền…” Hiện giờ anh Huân sống ra sao? Có một dạo anh đang làm đội trưởng Đội cải cách ruộng đất, bị quy là “đảng viên Quốc dân đảng”, phải ngồi tù hai tháng. Ra tù, anh về nhà sống vất va vất vưởng với tâm trạng của một kẻ chán đời. Mặc chiếc áo rách toạc lưng, đi cày ngoài đồng, sang nhà hàng xóm chơi. Rồi đau ốm, gầy gò. Bị thấp khớp nặng. Chưa đến sáu mươi tuổi đã phải chống chiếc gậy đi lọm khọm như cụ già tám mươi. Không có nghề gì khác ngoài nghề “chính trị” và nghề nông. “Nghề chính trị” thì đã bị thất sủng. Nghề nông thì cần sức khoẻ, mà sức khoẻ cũng đã suy sụp. Sống dựa vào vợ con được chừng nào hay chừng ấy. Con gái đi lấy chồng xa. Chị Huân cắn răng chịu đựng, tần tảo ngày đêm, tằn tiện từng hào. Cảnh nhà sa sút nhanh chóng. Nhiều hôm vét không ra hạt gạo, mang rá sang hàng xóm vay.
Dân làng bảo Lộc, Hối, Huân, Hiền là “bộ tứ trụ” của chính quyền thôn trong buổi đầu cách mạng thành công. Đến nay, cả bộ tứ ấy đều mục ruỗng một cách thảm hại. Ai cũng bảo bốn ông này nghe theo lệnh bác Chắt Kế, đầu tiên phá huỷ đền chùa miếu mạo, chặt phá cổ thụ, cho nên bị thần linh và tổ tiên trừng phạt.
Lớp đàn em bắt chước các anh, tiếp tục phá nốt các nhà thờ họ, và đào mồ mả một cách bừa bãi để tập trung lên nghĩa trang xã. Bùng là bí thư chi đoàn, đã bày ra cái trò chơi thật là quái đản: những ngôi mộ mà gia chủ đi vắng, chưa kịp về, cứ đào lên tất tần tật, bỏ chung hài cốt vào một tấm ni lông, mang lên nghĩa địa chôn chung… Về sau, Bùng đau ốm, chạy bao nhiêu thầy thuốc cũng không khỏi. Có đêm, Bùng nằm mê thấy hàng chục, hàng trăm bóng ma vây quanh, gào thét, đòi trả lại hình hài. ác mộng đến trong giấc ngủ càng ngày càng dày, Bùng bắt đầu trở thành ngớ ngẩn. Có những buổi trưa, đang đùa vui với bạn bè giữa đồng, Bùng mệt quá, nằm ngủ thiu thiu, bỗng hét toáng lên một tiếng, mắt đỏ ngầu, chạy thục mạng, vừa chạy vừa la: “Chúng nó đuổi bắt tao. Chúng mày ơi, cứu tao với, chúng nó bắt tao…” Bạn bè chạy theo nhưng không thể nào đuổi kịp. Bùng chạy rất nhanh, băng qua bờ ruộng mấp mô mà không vấp ngã. Những cơn hoảng loạn như thế ngày càng nhiều, Bùng bị bệnh tâm thần. Từ một thanh niên khoẻ mạnh, vạm vỡ, cơ thể Bùng trở lên tiều tuỵ. Suốt ngày Bùng đi lang thang ngoài đường, thất tha thất thểu ra đồng rồi vào làng, lên nghĩa trang rồi xuống bến đò Oan. Những lúc Bùng đi về phía bến đò Oan, bạn bè đi theo để đề phòng Bùng nhảy xuống sông. Trông thật thảm hại, quần áo xộc xà xộc xệch, dái luôn luôn bỏ ngoài quần…
Ông Cao Xuân Khuê, huyện đội trưởng đầu tiên của Diễn Châu, đã bị bắn trong cải cách ruộng đất .
“Con hùm xám đường số bốn” - tướng Đặng Văn Việt, một hình ảnh tráng sĩ đầy hấp dẫn đối với anh Hiền, học sinh trường Nguyễn Xuân Ôn và thanh niên trong toàn huyện toàn tỉnh hồi đầu kháng chiến chống Pháp, đã mờ đi rất nhanh. Ông nội của tướng Việt là Đặng Văn Thuỵ, từ một người thợ rèn nghèo khổ, đã dùi mài kinh sử, đậu hoàng giáp năm 1904 cùng một khoa mới Trần Qu?y Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, tạo lập dòng họ quý tộc có học vấn ở Nho Lâm. Trong cải cách ruộng đất, gia đình bị quy là đại địa chủ quan lại, ông Việt bị ra khỏi quân đội, làm cục trưởng cục vật tư. Những năm nghỉ hưu, ông lâm vào tình cảnh túng thiếu, kiếm tiền bằng cách sáng nào cũng đưa bánh rán đến các hàng nước dọc hè phố Hà Nội với chiếc xe đạp cọc cạch, hai bánh xe vấn dày khít dây cao su… Mấy lần ra Hà Nội, anh Hiền cố tìm gặp để được chiêm ngưỡng “con hùm xám” lừng danh ấy, nhưng không thể nào tìm được.
Cả làng Hậu Luật chẳng mấy ai được dư dật, nhiều gia đình ăn bữa trước chạy bữa sau. Nghề phụ không có. Cắm cây mạ xuống đồng như đánh bạc với trời. Thảm cảnh lại diễn ra giống như hồi trước cách mạng tháng Tám. Nhiều người rủ nhau lên Phủ Quỳ làm thuê, đào khoai mài. Nhiều người ở nhà, rỗi rãi chân tay, tụ họp từng đám, đánh đề đánh bạc… Người ta đua nhau đi xem tướng, đi bói toán. Mấy ông thầy bói đã bị cấm tiệt hành nghề, nay lại có đất sống. Ngày nào cũng có người xúm xít quanh thầy bói ở chợ, ở nhà riêng. Ai cũng được thầy phán: hoặc là mất mồ mả tổ tiên, hoặc là mất mồ bà cô, hoặc là mất mộ cụ Tổ năm đời, hoặc là con cháu bội bạc không chịu hương khói thờ cúng… Biết làm sao bây giờ? Mồ mả thì đã chôn chung vào khu tập thể nghĩa trang, lẫn lộn, lung tung, chồng chất lên nhau, làm thế nào mà tìm được? Muốn hương khói thờ cúng thì thờ cúng ở đâu? Đình phá rồi. Đền phá rồi. Chùa phá rồi. Các nhà thờ họ cũng phá rồi. Các công trình tín ngưỡng được các bậc tiền nhân xây dựng qua sáu trăm năm, bị phá sạch, lấy tiền đâu mà xây lại? Kiếm cái ăn hàng ngày đã bạc mắt, nói chi đến việc xây dựng đền đài, nhà thờ. Bội bạc với thần thánh, Tổ tiên, con cháu đành phải chịu vận hạn…
* * *
Tuy nghèo đói, nhưng không khí cách mạng vẫn hừng hực như từ trước, đến nay vẫn hừng hực. Chiến dịch “Tiếng trống Xô viết” mở ra. Tiếng trống vang dội làng xóm, gợi lại khí thế xung thiên những năm Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Toàn dân lại cuồn cuộn lao vào cuộc đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên. Người ta trưng lên những khẩu hiệu với từ ngữ sắc nhọn đâm vào thần kinh con người:
Trời làm mất bắt đất đền! Vắt đất ra nước thay trời làm mưa Dốc ngược dòng sông để nước lên đồng, trói tay thần hạn! Treo nước lên ngọn cây! Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản, đi làm thuỷ lợi! Những ban mai chưa tỏ mặt người, tiếng trống đã ầm vang, cờ đỏ đã rợp đồng, phô phang khí thế xung thiên. Không ai có thể bình tâm mà ngồi yên được. Bụng đói meo, vẫn phải tất tưởi chạy ra đồng, hoà nhập với tiếng trống với cờ đỏ với quần chúng cách mạng. Đảng đề cao kỷ luật sắt, đảng viên đi trước làng nước theo sau, thanh niên dẫn đầu cán bộ gương mẫu!
Anh Cu Lộc, bí thư chi bộ, chỉ vì một buổi sáng, tiếng trống đã nổi lên, ra chậm dăm bảy phút, bị Đảng uỷ tuyên bố cách chức ngay tại trận!
Đã nghèo khổ cơm gạo thì phải lấy cái giàu có tinh thần để tấn công vào nghèo khổ. Tấn công và tấn công. Bất chấp tất cả. Bất chấp quy luật thiên nhiên. Bất chấp phong tục truyền thống. Bất chấp quy luật tâm lý con người. Triệt để giương cao tinh thần cách mạng, tấn công và tấn công!
Mấy trăm năm nay, xung quanh làng có sáu cái giếng: giếng Đình, giếng Trước, giếng Triều, giếng Đồng, giếng Cây Đa, giếng Xóm Trang. Chi bộ Đảng làng Hậu Luật ra nghị quyết: chỉ để lại giếng Đình, còn năm giếng kia lấp bằng - thực hiện kế hoạch “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Thế là trống nổi lên, cờ đỏ giương lên, dân làng vác cuốc vác thuổng xông ra chỉ trong vài ngày là lấp xong.
Mặt giếng bình yên hàng mấy thế kỷ, bỗng ầm ầm nổi sóng. Những cọng rêu nằm yên dưới đáy giếng hàng mấy thế kỷ, bỗng lay động, xơ xác, và bị vùi xuống chín tầng đất sâu.
Trong làng có chừng ba chục cái ao, trên mười bảy xứ đồng có gần một trăm cái đìa. Chi bộ Đảng làng Hậu Luật ra quyết nghị: lấp tuốt tuồn tuột. Triệt để xoá bỏ tàn dư manh mún cá thể, tư hữu, “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.
Sau khi giếng, ao, đìa đã bị lấp, không may gặp kỳ hạn hán, đồng điền khô kiệt nước. Biết lấy nước đâu để uống và tưới hoa màu? Người ta chen nhau đi gánh nước ở giếng Đình. Hạn chế tối đa việc lấy nước tưới hoa màu.
Thì ra bây giờ chi bộ mới nhận ra lời khuyên của mấy cụ đồ nho và mấy cụ lão nông là đúng: không nên lấp giếng và lấp ao, đìa! Có phải thời đại này mới làm thuỷ lợi đâu. Qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã từng làm thuỷ lợi. Trải qua kinh nghiệm canh tác, giữa đồng nước trũng người ta đắp những công đất để phân dòng nước chảy khi có lũ: cồn Hà, cồn Cưa, cồn Dã Cá, cồn Tuôn, cồn Hạc. Tất cả các cồn đã bị phá để “cải tạo đồng ruộng theo hướng sản xuất lớn…”, nước lũ tha hồ tung hoành cuốn trôi lúa má… May mà còn lại cồn Hà, vì cồn này được dùng làm nghĩa địa, nếu không thì cũng bị san phẳng. Giếng đào từ xưa, đã được các cụ dò xem mạch ngầm, dẫu gặp mùa đại hạn nước giếng vẫn còn… Hệ thống ao và đìa cũng để trữ nước và làm nơi ẩn náu cho tôm cá khi mặt đồng đã khô nẻ… Bây giờ hạn hán, không còn nước đìa để tưới lúa, lúa chết khô; và tôm cá cũng chết khô.
Bao nhiêu công trình thuỷ lợi được tích góp từ kinh nghiệm và công sức của tiền nhân bị phá tan hoang để “cải tạo đồng ruộng”. Cái thành tựu mới chưa thấy, chỉ thấy hạn hán và mất mùa. Qua mùa hạn hán đến mùa mưa, chỉ một đêm mưa ròng rã, sáng dậy đã thấy nước ngập trắng băng đồng dưới đồng trên. Làng trở thành hòn đảo. Đói kém. Cơn đói kéo dài như một thứ bệnh mãn tính. Cứ tưởng cách mạng thành công thì không còn đói kém nữa, không còn thiếu cơm gạo nữa. Ai ngờ nạn giáp hạt ngày ba tháng tám quay trở lại quật vào từng gia đình, quật vào từng số phận người nông dân.
Anh Hiền cũng chịu chung cơn đói với bà con làng xóm. Lại cộng thêm cái bệnh đau dạ dày hành hạ. Lắm đêm anh nằm vật vã, cố nghiến chặt hai hàm răng để không bật ra tiếng rên, nhưng không thể chịu được, tiếng rên phải bật ra. Tiếng rên thảm thiết vọng sang các gia đình láng giềng. Bà con không nỡ nằm yên, chạy sang, đỏ đèn, chăm sóc cùng với vợ con anh. Người thì cho uống nước mắm để dành lâu năm. Người thì cho uống mật ong. Người thì cho chút thuốc phiện lấy ở Phủ Quỳ. Có người chạy xuống bệnh viện Diễn Châu báo cho y sĩ Phù, anh Phù đem lên cho mấy lọ ca- vét và mấy lọ viên nghệ…
Bệnh sốt rét từ hồi ở Việt Bắc tái phát. Người anh vàng vọt, gày gò, chân tay khẳng khiu như que củi, hai hàng xương sườn trơ ra, giống như bộ xương trong sách giáo khoa. Chưa đến sáu mươi tuổi mà trông anh như ông cụ tám mươi, râu ria xồm xoàm, da mặt nhăn nheo, mắt hoắm sâu. Sức khoẻ anh suy sụp một cách nghiêm trọng. Thỉnh thoảng chị Hiền nấu cho anh bát cháo lều phều mấy sợi thịt, anh ăn phều phào đến hàng tiếng đồng hồ mới hết.
Đói, sốt rét, đau dạ dày quật anh ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chân tay run. Đi ra đi vào phải chống gậy… Bá, tổ trưởng tổ thông tin, đến chơi, nói đùa: “Trông cho chú chóng phục hồi sức khoẻ để tham gia công tác thông tin. Chú viết khẩu hiệu đẹp nhất làng…”. Anh Hiền nhìn Bá, gượng cười, nụ cười héo hắt nở trên hai làn môi bạc như hai chiếc lá khô. Gò má Bá lăn giọt nước mắt… Dạo này Bá hay lên chơi với anh Hiền. Hai người rủ rỉ trò chuyện với nhau, thỉnh thoảng Bá lại xoa bụng, xoa lưng, xoa chân tay cho anh. Mỗi lần đi làm đồng về, Bá lại mang lên hoặc con cá tràu, hoặc con cá trê, hoặc mấy con lươn. Biết khẩu vị của anh, chị Hiền nấu những món dân dã: dấm cá trê với khế chua, cá tràu kho mặn, cháo lươn… Nhìn anh ăn ngon lành, Bá cảm thấy vui: “Thức ăn có sẵn ngoài đồng, chú ăn hết tôi lại bắt về cho chú ăn”.
Đêm nào Bá cũng ngồi với anh đến khuya. Tuy còn ít tuổi nhưng Bá thuộc chi trên, nên anh Hiền gọi Bá bằng “anh”:
“Anh ngồi với tôi là tôi thấy khoẻ người…”
Hai anh em chẳng biết nói chuyện gì, chỉ nhìn nhau cũng vui lắm rồi. Hễ Bá đứng dậy định ra về thì anh níu tay: “Ngồi thêm với tôi một ít nữa…”. Bà con làng xóm nói đùa: “Ông Bá là thầy thuốc chữa bệnh cho ông Hiền”.
Những lúc vắng Bá, anh thấy trống trải ghê gớm và cơn đau dạ dày lại hành hạ anh nhiều hơn.
Nửa đêm mùa đông, cơn đau nổi lên dữ dội. Sợ phiền luỵ đến người nhà và bà con láng giềng, anh nằm úp sấp lên giường, hai tay ôm chặt lấy chăn, nghiến hàm răng. Nhưng cơn đau càng lâu càng hoành hành, không thể nào chịu được, anh thốt ra một tiếng kêu rồi kèm theo tiếng rên kéo dài. Chị Hiền hốt hoảng chạy ra. Mấy đứa con chạy ra. Bà con hàng xóm chạy sang. Mặt anh tái mét, hai mắt lờ đờ nhìn mọi người. Gian phòng nhốn nháo:
“Ông làm sao thế?”
“Cha ơi!”
“Chú Hiền thủng dạ dày rồi!”
“Chú Hiền thủng dạ dày rồi!”
“Mang lên bệnh viện cấp cứu ngay!”
Mọi người rối rít lấy võng, lấy cáng, bế anh nằm vào võng. Hai chú thanh niên khoẻ mạnh ghé vai khiêng. Năm, sáu người chạy theo. Chị Hiền và hai đứa con cũng chạy theo. Có người ôm theo cái chăn. có người ôm theo bọc quần áo của anh Hiền… Tình làng nghĩa xóm như bát nước đầy, tối lửa tắt đèn có nhau…
May quá, vừa đến bệnh viện thì gặp y sĩ Phù. Chẳng phải bà con họ hàng, chẳng phải láng giềng, anh Phù quê ở tận làng Xuân Sơn cách làng Hậu Luật đến năm cây số. Hai anh quen nhau trong những trận dân quân diễn tập hồi mới cách mạng tháng Tám. Có một lần anh Hiền là “quân bên ta” bắt được anh Phù là “quân bên địch”. Phù nói: “Mi là thằng Hiền ở Hậu Luật chứ gì! Mi có biết ta không?” Anh Hiền cười: “Mi là thằng Phù ở Xuân Sơn”. Phù bỗ bã: “Tao đói bụng lắm. Chạy rạc cẳng từ sáng đến giờ, chưa có miếng gì vào bụng, mi cho quân bên địch ăn một chút gì để có sức mà tiếp tục đánh nhau”. Dạo đó là sau tết Nguyên đán, anh Hiền còn giữ nửa cái bánh tét, bèn đem ra, “quân bên ta” và “quân bên địch” ngồi ăn ngon lành. Anh Phù nhớ mãi kỷ niệm ấy. Những ngày anh Hiền đau ốm, anh Phù thường qua lại chăm sóc và cho thuốc men… Bây giờ gặp nhau đột ngột trong trường hợp anh Hiền bị cấp cứu, Phù trực tiếp đưa vào phòng khám. Tuy bằng cấp của Phù mới chỉ là y sĩ, nhưng đã vào nghề lâu năm, đã mổ mấy ca dạ dày, cho nên chẩn đoán bệnh chính xác: “Anh Hiền không thủng dạ dày”. Mẹ con chị Hiền và bà con đi theo mừng rỡ. Phù giữ anh lại bệnh viện mấy ngày để truyền máu và theo dõi bệnh tình. Biết anh túng thiếu, Phù đưa cho anh hai hộp sữa, ba lọ ca vét, một chai mật ong, tiễn anh ra đến cổng bệnh viện…
Nghe tin anh Hiền ốm, tôi về thăm. Vừa vào đến ngõ thì thấy Bá đi ra. Gặp tôi, Bá xoắn xuýt nắm tay tôi: “Chú Hiền đau nặng lắm. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện về, bệnh có đỡ, nhưng còn gay lắm. Mi về thật đúng lúc…” Tôi nắm tay Bá, chân bước run run… Anh ngồi co ro trên giường, nhìn tôi từ từ bước vào.
“ Em đã về…”
“Anh…”
Không nén được, nước mắt tôi trào ra. Lạnh quá. Cửa nhà lạnh quá. Cha mất rồi. Mẹ mất rồi. Anh là con trai trưởng, cái cột trụ của gia đình. Cái cột trụ đã mục ruỗng, không còn đủ sức để chống đỡ gian nhà đã quá cũ kỹ. Một thời khang trang, một thời ấm cúng, một thời oanh liệt… Tất cả trở thành dĩ vãng. Chỉ còn lại anh ngồi đây, ốm o xo rụi. Tiếng muỗi vo ve. Bên cạnh giường là bát cháo nguội lạnh với vài ba mẩu thuốc lá sâu kèn. Nắng hoàng hôn nhuộm vàng ệch hòn sơn giả trước sân.
Tình cảnh bi đát. Đến gạo còn không đủ ăn, nói gì đến đường, sữa, thịt nạc để bồi dưỡng. Bạn bè qua lại thăm hỏi có đưa cho anh một ít tiền. Anh em thân thuộc lúc thì đưa cho anh lon gạo ngon, lúc thì cân nếp, lúc thì mấy lạng thịt nạc. Nhưng ai cũng nghèo túng, moi đâu ra gạo, thịt để cung cấp mãi cho anh. Nhìn nhau, thương nhau, cũng đành quay mặt…
Tôi nhìn anh mà không dám nhìn lâu.Tôi cảm thấy có lỗi với anh, có lỗi với cha mẹ, có lỗi với gia đình. Tại sao hồi đó tôi không thẳng thắn nói cho anh biết ýý nghĩ “vui thú điền viên” sau chín năm chinh chiến là một ý nghĩ lỗi thời. Để đến bây giờ, nông nỗi này. Đồng lương của tôi phải tằn tiện may ra mới đủ nuôi hai cháu ăn học, làm sao gửi về thường xuyên được. Lực bất tòng tâm, thương anh mà đành phải bó tay. Tôi rút điếu thuốc lá, châm lửa cho anh hút, phải bật đến nhát thứ ba lửa mới xoè ra. Nhìn anh ngậm điếu thuốc đầu lọc một cách sung sướng mà thương anh quá, tôi đưa anh cả bao, rồi rút ví đưa anh năm chục ngàn đồng. Anh quay mặt vào tường khóc như một đứa trẻ. Tôi cũng trào nước mắt…
* * *
Tình làng nghĩa xóm vẫn ấm áp như xưa, vẫn thương nhau hạt muối cắn đôi. Nhưng do cách quản lý xã hội suốt hàng chục năm nay, không khí thôn mạc luôn luôn căng thẳng, người này nhìn người kia bằng con mắt “cảnh giác”, hoặc tạo ra sự xa cách giả tạo. Một chính sách từ đâu ban ra, không có văn bản, nhưng Đảng uỷ và Uỷ ban xã lại thi hành rất nghiêm chỉnh: gia đình nào không vào hợp tác xã thì con cái không được thi vào đại học!
Cháu Thanh, con anh Hoe Phác, học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Uỷ ban không cho giấy để thi đại học chỉ vì cha mẹ “làm ăn cá lẻ”. Hai đứa con gái anh Hiền, cháu Thảo và cháu Thu cũng vậy, học xong cấp ba không được thi vào bất kỳ trường nào, dẫu là trường chuyên nghiệp trung cấp. Chạy ngược chạy xuôi xin xỏ mãi các cấp lãnh đạo trả lời rằng: Muốn học nghề để thoát ly, phải kinh qua thời gian rèn luyện ở chiến trường. Thế là cháu Thảo tình nguyện đi Thanh niên xung phong, cháu Thu gia nhập quân Giải phóng.
Hai cháu đi rồi, nhà cửa đã vắng vẻ càng thêm vắng vẻ. ở nhà chỉ còn anh Hiền và chị Hiền. Kinh tế lại quá eo hẹp. Lắm chuyện lôi thôi xảy ra. Vợ chồng ăn riêng, chồng một nồi, vợ một niêu, người nào người nấy tự thổi cơm. Chán chường đến tột cùng chán chường.
Lác đác những năm sau, hai cặp vợ chồng già khác, cũng lục đục, chồng một nồi, vợ một niêu. Đáng chú ý là ba cặp vợ chồng này cùng anh em thúc bá trong một chi họ Võ, ở quây quần với nhau. Bi kịch của một cặp vợ chồng đã gây tai tiếng khắp làng khắp xóm. Nhưng cái bi kịch đó lại loang ra đến hai đến ba, thì người ta giật mình đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao?
Ba bà vợ lén lút mang cơm đùm cơm nắm đi bói ở ba nơi khác nhau. Ba thầy bói đều nói: Tại vì chôn hài cốt của bà cô vào khu mộ của chi họ này, cho nên mới xảy ra chuyện phân li giữa các cặp vợ chồng đã ăn ở hoà thuận với nhau trên năm chục năm trời.
Bà cô đó là ai? Đó là bà Võ Thị Chương lấy chồng về xóm Bến Kiềng, xã Nho Lâm. Sau khi chồng qua đời, bà đem con về Hậu Luật nương tựa nhờ các cậu các mợ. Lúc bà mất, một số cụ già bảo “Nhất giặc Ngô, nhì bà cô bên chồng”. Từ xưa đến nay, con gái đã xuất giá không được chôn chung với khu mộ anh em bên ngoại. Nếu chôn chung thì người dưới âm phủ ở không yên, người trên trần thế cũng gây sự xích mích nhau. Ngưòi ta cho đó là chuyện mê tín dị đoan. Thời đại mới mà còn tin vào những điều xằng bậy, thiên hạ cười thối óc! Các cụ còn khuyên thêm: “Nếu muốn táng chung bà cô vào khu mộ bên ngoại thì phải làm lễ xin phép tổ tiên”. Nhưng người ta vẫn phớt lờ. Chẳng lễ bái gì hết. Làm gì có thần thánh. Còn xương cốt tổ tiên thì đã tan thành đất, còn biết gì nữa mà xin phép!
Chuyện đã nhỡ rồi, biết làm sao bây giờ? Một người đi bói, có thể không tin. Nhưng ba người tìm đến ba thầy bói ở ba nơi khác nhau, không tin sao được. Đành phải chuyển mộ bà Chương đi nơi khác. Đau đớn thay, biết mộ ở đâu mà chuyển! Hồi tập trung mồ mả, chi đoàn thanh niên đào một cái rãnh dài, ghép sít sìn sịt các tiểu liền nhau, rồi đắp đất thành một cái mộ chung dài như bờ ruộng. Cái bờ ấy mỗi năm một dài thêm, không ai có thể nhớ được chính xác mộ bà Chương nằm ở vị trí nào. Anh em trong chi họ Võ chạy ngược chạy xuôi khắp nơi, tìm đến thầy cúng này, thầy bói kia, nhà ngoại cảm nọ, mà vẫn không được.
Ba cặp vợ chồng già ấy cũng tự nỗ lực để hàn gắn tình cảm. Mỗi lần xích lại gần nhau một chút, thì như có sức mạnh vô hình nào đẩy ra. Thử cố gắng cùng ngồi ăn cơm vài bữa, không dám nhìn nhau, cơm nuốt không ngon. Lợi dụng lúc có khách đến nhà, hai vợ chồng gượng gạo cùng tiếp, nhưng chỉ được một lát là vợ hoặc chồng vờ bận việc phải bỏ đi nơi khác.
Tình cảm u uất cứ kéo dài lê thê như mưa dầm mùa đông. Chị Hiền tần tảo hơn muời năm trời một nắng hai sương, nuôi bố mẹ chồng, nuôi em chồng ăn học. Chồng đi xa biền biệt. Tưởng là ngày chồng trở về quê vui thú điền viên, nào ngờ không những không vui mà còn tan nát hơn. Chị im lặng, nhẫn nhục, vừa tham gia Hội đồng nhân dân, vừa chăm con trâu, cấy lúa trồng khoai và ráng hết sức mình để vun đắp gia đình. Chị giận anh, thương anh và thương cho thân phận mình quá hẩm hiu. Chị lên Sơn La trông con cho cậu em. Nhớ nhà quá, thương anh quá, chị lại trở về. Nhìn anh ốm o, gầy guộc, vét trong bồ không còn hột thóc, chị ngồi vào góc bếp, gục mặt xuống đầu gối, nước mắt ướt đầm…
Cảnh chồng một nồi, vợ một niêu vẫn tiếp tục kéo dài. Ngán ngẩm đến tận cùng ngán ngẩm. Lắm lúc người chị tê dại tưởng chừng như mất hết mọi cảm giác. Ra đồng làm việc, chị cố trò chuyện với chị em cho khuây khoả mà không khuây khoả được. Buổi tối rảnh rỗi, chị sang hàng xóm chơi cho vơi nỗi buồn mà không vơi được. Rút cục chị vẫn phải âm thầm trong ngôi nhà của mình, chịu đựng cơn đau dai dẳng như dao cùn cứa vào da thịt.
Khuya. Đi họp về. Chị nằm trằn trọc không ngủ được. Thương số phận mình long đong. Chợt một tình thương khác, một tình thương vị tha lớn lao như dòng thác xối vào cái vực thẳm của tâm hồn chị - dòng thác vừa lạnh buốt vừa nóng ấm: thương chồng! Chị rón rén đi từng bước rất nhẹ ra nhà trên… Trời ơi! Chồng chị nằm đó. Chồng chị nằm còng queo quay mặt vào tường, tiếng thở nghe rõ từng nhịp. Chị quay xuống bếp nấu nồi cháo, xé nhỏ từng sợi thịt nạc trộn lẫn vào, ra vườn hái lá tía tô băm vụn rồi rắc lên bát cháo. Ngập ngừng một lát, chị gọi đứa con gái lớn: “Thảo ơi! Thảo ơi! Con đem bát cháo này cho cha ăn. Cha có hỏi ai nấu, thì nói là con nấu, đừng nói mẹ nấu...” Chị lại nằm thao thức trên giường, lắng nghe từng động tác con gái bưng cháo ra cho cha, rồi lắng nghe tiếng động chồng ngồi dậy bưng bát cháo, múc từng thìa ăn ngon lành…