Ngờ đâu, Ất Côn đưa hai ngón tay lên, kẹp đúng mũi kiếm của Ngư Toàn giữ cứng đó.
Ngư Toàn cố hết sức mình, đâm tới, rồi rút lui về, song thanh kiếm chẳng nhúc nhích.
Y cố giật lại không nổi. Ất Côn chỉ dùng hai ngón tay giật nhẹ về phía lão một chút, thanh kiếm vuột khỏi tay Ngư Toàn.
Rồi lão lại giật nhẹ một lần nữa, thanh kiếm gãy làm hai đoạn.
Một thanh kiếm tùy thân của tay đại kiếm khách, chưởng môn nhân một đại kiếm phái, hẳn phải là thanh kiếm quý, rắn chắc phi thường, thế mà không chịu nổi một cái giật tay nhẹ của Ất Côn, như thế đủ biết công lực của lão ta thâm hậu như thế nào.
Ất Côn bật cười ha hả:
- Ngày kia, là sanh nhật của lão Phú Bát, ngày mai là sanh nhật của ta, vậy ngươi hãy đưa lễ mừng cho ta trước, rồi tìm món khác mà hiến cho Phú Bát.
Ngư Toàn còn nói gì được?
Y không thốt được tiếng nào, nhưng có người thốt thay y:
- Ngày kia là sanh nhật của các hạ, hôm nay là sanh nhật của tại hạ. Vậy các hạ hãy để lễ vật đó lại, rồi tìm vật khá mà tự tặng mình. Vật đó, như các hạ vừa nói, phải thuộc về người có sanh nhật trước.
Người nào đó, thốt xong, lại cười hì hì, tiếng nói và tiếng cười xuất phát từ phía sau phiến đá lớn.
Và người đó bước ra, y phục rách rưới, dơ dáy, song con người thì phiêu nhiên tuấn dật phi thường.
Ất Côn kinh hãi.
Hơn mấy mươi năm dài, xuôi Nam, ngược Bắc, lão Chỉ thấy thiên hạ cúi đầu, lão không nghe ai dám thở trước mặt lão, Giờ đây bỗng có người dám thốt như thế, làm sao lão không kinh ngạc?
Lão quắc mắt nhìn người vừa xuất hiện, trầm giọng hỏi:
- Để vật đó lại cho ngươi? Ngươi là cái quái gì?
Người đó điềm nhiên điểm một nụ cười:
- Tại hạ không là cái quái gì, tại hạ là người , họ Du tên Bội Ngọc, ngoại hiệu Phong Lưu Kiếm Khách!.... Đệ nhất Phong Lưu Kiếm Khách.
Ất Côn không đợi chàng dứt câu, bật cười ha hà, vỗ bụng mà cười, cười một lúc, rồi trầm giọng thốt:
- Đệ nhất Phong Lưu Kiếm Khách trong thiên hạ? Bình sinh ta từng gặp rất nhiều người mặt dày, song chắc chắn là chưa có ai da mặt dày bằng ngươi.
Ngư Toàn hết sức kinh dị, mà cũng hết sức buồn cười.
Nhưng làm sao y dám cười trước mặt Ất Côn.
Du Bội Ngọc nhận ra Ất Côn có thân hình rất khôi vĩ, dù lão gù lưng, song lão còn cao hơn Du Bội Ngọc nửa cái đầu, lão ăn vận không giống đạo mà cũng không giống tục, chiếc áo dài đến gối, áo lại là áo đạo, song ni tấcthì không đạo chút nào.
Tiếng cười của lão to lớn như tiếng chuông.
Người có một âm thanh như vật, hẳn công lực tu vi phải phi thường, Ngư Toàn bại là không oan uổng chút nào.
Nhưng, Du Bội Ngọc không xem lão ta ra quái gì, dù rằng tài nghệ của chàng chưa chắc đã hơn Ngư Toàn.
Chàng cười nhẹ thốt:
- Tại hạ cũng như các hạ, ai không hiến lễ vật chúc thọ cho tại hạ phải nổi giận liền.
Ất Côn nhìn sững chàng như nhìn một quái vật, nhìn một lúc lâu, rồi bật cười khan:
- Ngươi nổi giận, rồi ngươi sẽ làm gì? Ngươi làm gì cứ làm cho ta xem.
Du Bội Ngọc gật đầu:
- Được!
Tiếng được vừa buông dứt, chàng nhít động bàn chân, bàn chân bấm nhẹ lên đầu đoạn kiếm gãy, đầu kia bật lên, vọt cao một chút, thuận tay chàng chụp đoạn kiếm, bất thình lình đâm tới Ất Côn, đoạn kiếm ngắn nhưng cũng rít gió một tiếng vút...
Ngư Toàn không tưởng là chàng dám động thủ thật sự.
Song chàng động thủ, liền sau lời thách thức của Ất Côn, thế kiếm đưa ra rất nhẹ nhàng, rất chậm, chừng như chàng không dùng mảy may nội lực, mà cũng bất cần đánh may, cứ để cho đối phương nhận thấy rõ ràng rồi tùy tiện mà phản ứng.
Đánh ra nhát kiếm đó, Du Bội Ngọc không theo một chiêu thức nào cả, nên làm gì Ngư Toàn ức độ được vũ công của chàng. Cho nên y nghĩ rằng bất quá Ất Côn búng nhẹ một ngón tay là đoạn kiếm sẽ tung bay mất dạng.
Ngờ đâu, Ất Côn lui lại ba bước rồi kêu lên:
- Khá lắm! Ta không ngờ tiểu tử cũng là tay khá.
Ngư Toàn giật mình không hiểu tại sao Ất Côn lại tán thưởng một nhát kiếm không ra hồn như vậy.
Trong khi đó Du Bội Ngọc tiếp tục công luôn, ánh kiếm chớp liền liền, không hề đứt đoạn, chàng đã đưa ra hơn mười nhát, Ất Côn cứ lùi mãi, không hề hoàn thủ.
Vốn là tay đại kiếm khách, Ngư Toàn vẫn chẳng hiểu chi hết cứ giương tròn mắt nhìn, không nhận được chố huyền diệu của thế kiếm nổi.
Thế kiếm phải huyền diệu, nên Ất Côn mới lùi không dám phản công chứ?
Tại sao? Tại sao?
Ngư Toàn còn không hiểu nổi thì ai hiểu nổi chứ?
Ất Côn luôn miệng khen dồi:
- Hay! Tiểu tử hay quá! Múa kiếm, phải ít nhất cũng bằng ngươi mới nên cầm kiếm mà đi ngang đi dọc, chứ vác kiếm xuôi ngược khắp sông hồ lại không đánh ra được một chiêu thức nào đáng kể, thì còn đeo kiếm làm gì? Hà hà! Ta nực cười cho những kẻ chỉ mới võ vẽ mấy nhát kiếm xua gà đuổi chó mà tự xưng là thiên hạ kiếm khách rồi. Ê chề quá, dày dạn quá. Ngươi tự xưng mình thiên hạ đệ nhất phong lưu kiếm khách, kể ra cũng xứng đáng lắm, xứng đáng lắm.
Lão mắng ai, nếu không mắng Ngư Toàn?
Ngư Toàn biết vậy, song chẳng dám nói gì, chỉ cười lạnh thôi.
Y cười lạnh một mình chỉ tưởng là Ất Côn không thấy ngờ đâu lão thấy rõ, vừa thấy y nở nụ cười liền đảo bộ vọt tới trước mặt y, gằn từng tiếng:
- Ngươi cười gì? Hay là ngươi cho rằng kiếm pháp của ngươi cao diệu hơn kiếm pháp của hắn?
Ngư Toàn bực nói liều:
- Thực tình tại hạ chẳng thấy được chỗ huyền diệu của kiếm pháp của vị nhân huynh đó.
Ất Côn xì một tiếng:
- Ngươi thì làm gì thấy nổi chỗ huyền diệu trong kiếm pháp của hắn chứ? Ngươi biết không đàn của Bá Nha chỉ có mỗi một Tử Kỳ nghe lọt, thì kiếm pháp của hắn những con mắt tục phàm như mắt ngươi làm gì thấy được?
Ngư Toàn thẹn quá, đỏ mặt, không dằn được cơn tức giận rồi bước tới.
Y quên đi là Du Bội Ngọc đứng trong một chiến tuyến với y chống lại Ất Côn, y vung tay đánh sang chàng hai quyền.
Du Bội Ngọc nằm mộng cũng chẳng nghĩ là Ngư Toàn nặng tự ái hơn đứa trẻ, bắt buộc chàng phải hoành ngọn kiếm gãy chống đỡ hai quyền đó.
Ngư Toàn đinh ninh là Du Bội Ngọc không tránh nổi hai quyền của y.
Ngờ đâu, chàng vừa hoành kiếm nghinh đón quyền phong của y, y bỗng cảm thấy kiếm khí phát sanh liên miên, trong thoáng mắt bao bọc quanh người y, kiếm khí từ dồn ép vào, bàn tay y cố vung ra, song làm sao vượt khỏi vầng kiếm khí thành thử y phải rụt về, rồi thân hình như bị nhốt trong vầng kiếm khí đó, chẳng làm sao vùng vẫy nổi.
Y phóng mình định lao vút lên không mũi kiếm quét ngang vai bắt buộc y phải rùng mình xuống, vừa rùng xuống bên dưới mũi kiếm lại đâm thốc lên, y đảo qua tả mũi kiếm chận y liền, y tràn qua hữu, mũi kiếm lại đón ngăn, y lúng túng, chẳng biết làm sao thoát khỏi vầng kiếm khí.
Tuy không bị thương, song quần áo bị mũi kiếm rạch mấy đường.
Ất Côn chân nhân bật cười ha hả:
- Bây giờ đủ thấy chỗ huyền diệu chưa?
Ngư Toàn biến sắc mặt, thoạt xanh, thoạt trắng, bỗng y đứng yên lại, vòng tay hướng ngay Du Bội Ngọc, thốt:
- Tại hạ chịu phục rồi, kiếm pháp của các hạ cao diệu phi thường, tài của các hạ trên tại hạ mấy bậc.
Ất Côn cười ròn:
- Khá đó! Ngươi còn biết phục thiệp, kể ra cũng chưa mất hẳn nhân tánh.
Ngư Toàn tiếp:
- Thực sự thì tại hạ có nghe trên giang hồ có một vị thiếu niên, đồng tên với vị công tử Du minh chủ, không đấy ba tháng mà đã có những hành động long trời lở đất chấn dội khắp giang hồ.
Du Bội Ngọc mỉm cười:
- Tin tức truyền đi trên giang hồ kể ra cũng không chậm lắm.
Ngư Toàn lại tiếp:
- Nghe nói vị nhân huynh Du Bội Ngọc đó, võ công rất cao tánh tình lại hoà nhã, hành động rất cẩn thận...
Ất Côn xì một tiếng:
- Đã là phong lưu đệ nhất kiếm khách thì còn hoà nhã làm sao được? Nếu muốn được hai tiếng đệ nhất, phải có giao đấu, mà giao đấu thì sao còn hoà nhã? Một con người còn tranh thắng, nhất định không hoà nhãn được, Du Bội Ngọc cười nhẹ:
- Rất có thể như vậy lắm.
Ất Côn lại xì một tiếng:
- Tuy ngươi khá về kiếm pháp, song chưa phải là đối thủ của ra.
Du Bội Ngọc điềm nhiên:
- Đúng vậy! Trong vòng ba trăm chiêu, tuy tại hạ không bại, song rất khó thủ thắng.
Ất Côn hừ một tiếng:
- Không thủ thắng, tức nhiên là bại. Ngươi phải bại trong vòng ba trăm chiêu là cái chắc. Nhưng đã là người cẩn thận sao ngươi dám động thủ với ta.
Du Bội Ngọc mỉm cười:
- Mỗi cá nhân đều có biến đổi, tại hạ hôm nay, không còn là tại hạ ngày hôm qua, và ngày mai tại hạ sẽ là một người khác.
Ất Côn trố mắt :
- Tại sao ngươi muốn biến đổi?
Du Bội Ngọc thản nhiên?
- Vì tại hạ muốn nổi danh.
Ất Côn cau mày:
- Con người sợ nổi danh như beo sợ mập, người chưa nghe ai nói đến câu đó sao?
Người càng nổi danh, thiên hạ càng tìm đến ngươi nhiều, ngươi càng chết gấp, có lợi gì đâu mà ngươi muốn nổi danh.
Du Bội Ngọc cười lớn:
- Tại hạ muốn người ta tìm tại hạ.
Ất Côn lắc đầu:
- Ta thành thật khuyên ngươi, hãy trở về nhà đi. An phận sống qua ngày, ta thấy ngươi cũng là con người đáng mến, nên không nỡ sát hại ngươi?
Du Bội Ngọc trầm giọng:
- Các hạ trao chiếc rương cho tại hạ, tại hạ xin đi ngay.
Ất Côn chớp mắt.
- Ngươi biết vật gì đó chăng?
Du Bội Ngọc lắc đầu:
- Không.
Ất Côn trố mắt:
- Không biết là vật gì, thì còn muốn lấy để làm chi?
Du Bội Ngọc điềm nhiên:
- Chẳng để làm chi cả.
Ất Côn giật mình:
- Không để làm chi thì lấy làm gì?
Du Bội Ngọc cười nhẹ:
- Các vị muốn lấy, tại sao tại hạ không thể lấy?
Ất Côn trầm gương mặt:
- Thì ra ngươi muốn sanh sự với ta không hơn không kém.
Cả hai giao thủ liền.
Cho đến đây, Ngư Toàn mới nhận ra Du Bội Ngọc có cái tật quái dị, mà cái tật đó rất lớn.
Y hy vọng, cả hai đánh nhau chí chết khi cả hai bị thương nặng rồi thì đương nhiên chiếc rương thuộc về y.
Y trầm khí chờ đợi.
Một lúc sau, y nhận ra kiếm quanh của Du Bội Ngọc mờ dần, còn chưởng phong của Ất Côn thì mạnh lên dần.
Chiếc rương đó Ất Côn còn ôm dưới nách, song không vì thế mà lão xuất thủ có phần vướng bận. Giao đấu với một người mà kè kè bên mình một chiếc rương, như vậy, đủ biết, lão không cần tận dụng công lực.
Bởi giả như lão quyết thắng thi lão buông chiếc rương xuống, ai cấm lão điều đó.
Tuy nhiên dù đeo chiếc rương lão vẫn nghinh chiến dũng mãnh như thường, lão nghĩ dùng nửa phần công lực cũng thủ thắng được, nên không phải gập đến độ buông rương, vận dụng toàn lực.
Và nếu không thắng thì Du Bội Ngọc phải bại, rất có thể chàng chết dưới tay Ất Côn lắm.
Y tự nhủ tại sao chàng lại tìm cái chết như vậy.
Cuộc đấu càng diễn tiến, Ất Côn càng nắm chắc cái cớ thắng trận, song chính lúc sự hơn kém sắp sửa được định phân, thì Du Bội Ngọc nói gì đó vớt Ất Côn, rất nhỏ Ngư Toàn không nghe lọt.
Thay vì tấn công, Ất Côn vụt tung người lên không, lộn mình đi mấy vòng, đáp xuống ngoài ba trượng xa.
Lão giương tròn mắt nhìn Du Bội Ngọc , mặt trắng nhợt thân hình rung rung.
Tại sao lại có việc lạ lùng như thế?
Ngư Toàn tưởng chừng mình vừa từ cung trời rơi xuống, chẳng hiểu chi cả.
Lâu lắm, Ất Côn rung rung giọng hỏi:
- Thực sự người là ai? Tại sao ngươi lại biết được việc đó?
Du Bội Ngọc bình tĩnh nhìn lão, không nói chi hết.
Mồ hôi đượm thành hạt to nơi đầu nơi trán Ất Côn rơi xuống áo lão nếu để ý hẳn nghe rõ tiếng rơi.
Lâu lắm, lão lại thở dài lẩm nhẩm:
- Hai mươi chín năm rồi. Còn mười bảy hôm nữa là đúng hai mươi chín năm tròn.
Không ngờ việc đó ngày nay lại có người biết...
Du Bội Ngọc hỏi:
- Các hạ đã quên việc đấy rồi chứ?
Ất Côn thở ra mấy lượt:
- Nếu quên được thì còn nói làm gì. Ta hy vọng quên đi, song rất tiếc càng cố quên lại càng nhớ.
Du Bội Ngọc trầm gương mặt:
- Tự các hạ, các hạ không quên nổi, thì người ngoài quên làm sao được? Mà, người ngoài là số đông, một các hạ còn không quên nổi, thì số đông làm sao quên nổi.
Ất Côn ấp úng:
- Nhưng... việc đó... chẳng một người ngoài nào biết cả...
Du Bội Ngọc mỉm cười:
- Nếu có làm, thì phải có người biết, chứ đừng tưởng là chẳng ai biết. Muốn cho thiên hạ đừng biét thì đừng nên làm chi cả. Bằng cớ là tại hạ biết.
Ất Côn hỏi:
- Người... hay là việc đó có liên quan đến ngươi?
Du Bội Ngọc điềm nhiên:
- Dưới gầm trời này, phàm những ai có cái tâm con người đều có liên quan đến việc đó.
Ất Côn ngẩng mặt nhìn nền trời xanh, có mấy ngôi sao lấp lánh, lẩm nhẩm:
- Ta biết món nợ đó, trước sau gì cũng phải trả, và ta chỉ sợ là đã đến lúc ta phải trả món nợ ấy rồi.
Bỗng lão dậm chân thình thịch, lão gào lên:
- Vô luận người là ai, ta chỉ muốn ngươi biết là Ất Côn nầy chẳng phải là kẻ trốn nợ.
Du Bội Ngọc cười lạnh lùng:
- Tại hạ không phải là người đòi nợ, bất quá tại hạ muốn các hạ hối cải tội lỗi ngày trước thôi.
Ất Côn cười mấy tiếng, nghe chua xót vô cùng:
- Nếu ta không hối cải, thì ngươi vừa mở miệng là ta hạ sát ngươi để diệt khẩu rồi.
Lão từ từ đặt chiếc rương xuống đất, rồi thở dài, buông từng tiếng :
- Một phút lỡ lầm, ngàn năm hối tiếc, sờ lại mái đầu tóc đã bạc phơ. Bạc phơ mái tóc.
Bỗng lão đưa cao tay, đập xuống đỉnh đầu.Du Bội Ngọc lầm nhẩm:
- Một phút lỡ lầm, ngàn năm hối tiếc, sờ lại mái đầu tóc đã bạc phơ.
Lòng chàng man mác.
Tự hối đến độ tự sát, để chuộc lại lỡ lầm. Nghĩ cũng đáng thương hơn đán trách.
Nhưng vì đâu Ất Côn chân phân phải tự sát?
Vì hối lỗi ngày xưa, hay vì Du Bội Ngọc nhắc lại?
Rồi chàng lẩm nhẩm:
- Ta có trách nhiệm gì trong cái chết của lão chăng?
Ngư Toàn sững sờ, một lúc lâu hỏi:
- Lão ấy đã làm gì?
Du Bội Ngọc vụt hỏi lại:
- Sao các hạ không tự hỏi lấy mình? Mình đã làm gì?
Ngư Toàn trố mắt.
- Tại hạ?
Du Bội Ngọc hừ một tiếng.
- Vì mấy pho tượng, các hạ để cho một người phải chết. Các hạ đã làm một việc sai lầm.
Ngư Toàn cao giọng:
- Tại hạ không giết hắn, hắn giết tại hạ. Tại hạ bắt buộc phải giết hắn. Tại hạ không giết nổi hắn tại hạ phải chết. Mạnh sống, yếu chết, đó là quy luật giang hồ. đã là khách giang hồ thì không ai còn xem trọng sự sanh tử nữa. Các hạ rồi cũng sẽ có lúc giết người để giữ cái sống. Tại sao lại trách cứ tại hạ?
Du Bội Ngọc trầm ngâm một lúc lâu, sau cùng cũng thở dài, hỏi:
- Nói như các hạ, là con người đã vào giang hồ rồi hẳn không sợ chết, thế sao các hạ lại sợ Phú Bát Thái Gia?
Ngư Toàn thoáng đỏ mặt:
- Ngươi không sợ chết, vẫn sợ quỷ như thường.
Du Bội Ngọc trầm giọng:
- Lão ấy là quỷ?
Ngư Toàn thở dài:
- Theo sự nhận xét của tại hạ, lão ấy còn đáng sợ hơn quỷ.
Y dừng lại một chút rồi tiếp :
- Lão họ Phú, trên giang hồ thiên hạ thầm nói với nhau là vị họ Phú bất nhân, nhưng trước mặt lão, chẳng ai dám nói đến bốn tiếng đó. Có một lần, vì vô ý Kim Đao Trần Hùng tại Lạc Dương Phủ buột miệng nói đến, vừa ra khỏi cửa là ói máu ngaỵ..
Du Bội Ngọc bỗng hỏi:
- Lão ấy có người vợ gọi là Phú Bát Nương?
Ngư Toàn gật đầu:
- Đúng vậy ! Nghe nói bà ấy rất hiền thục, thành tâm tu phật, không hề nhìn sự sát sanh, bởi chống đối sự giết người của chồng vừa ly gia là chết.
Du Bội Ngọc sáng mắt, lầm nhẩm:
- Tại hạ nghĩ ra rồi!.... Nghĩ ra rồi.
Ngư Toàn lấy làm lạ:
- Các hạ nghĩ gì!
Du Bội Ngọc không đáp câu hỏi chỉ cười, thốt:
- Con người đó rất thú vị, tại hạ muốn gặp lão.
Ngư Toàn kêu lên:
- Thú vị? Trời ơi! Các hạ cho là lão rất thú vị. Có gặp lão rồi, các hạ mới thấy mình nuôi một ảo tưởng.
Y nhìn chiếc rương, thoáng biến sắc mặt buông một câu:
- Cái món lễ vật kia nếu các hạ muốn...
Du Bội Ngọc lắc đầu:
- Các hạ cứ mang lễ vật của các hạ, còn tại hạ cứ đi như ý mình muốn.
Ngư Toàn trố mắt:
- Nhưng không có lễ vật... thì làm sao vào cửa?
Du Bội Ngọc mỉm cười:
- Tại hạ cần gì có lễ vật? Tại hạ tháp tùng theo các hạ mà. Đường đường là một chưởng môn nhân, chẳng lẽ không có kẻ tùy tùng?Nơi ở của Phú Bát Gia có cái tên là Nhã Tự Viên.
Phàm những kẻ tham tại, háo sắc, đều muốn tỏ ra mình thuộc hạng thanh cao, phong nhã tự hành vi đến tiểu sử đều mang sắc thái đó.
Nhã Tự Viên là một kiến trúc không khác những kiến trúc của mấy tay đại phú gia, cũng cao, rộng, cũng kiên cố dựng lên với mục đích tồn tại muôn đời.
Song người đời lại quên đi khiếp sống chỉ giới hạn trong trăm năm, chết rồi là thành cát bụi, cái kiên cố muôn đời kia trở thành vô ích.
Cho nên kiến trúc chẳng có gì đặc biệt, so sánh với nhau mằ đặc biệt chăng, là những người ở trong kiến trúc đó so sánh với nhau.
Bước qua ngưỡng cửa Nhã Tự Viên rồi, là thấy ngay vô số gia đinh, vận áo xanh, đội mão nhỏ.
Nhà giàu, có nhiều gia đinh, cũng chẳng phải là một sự lạ.
Có lạ chăng là các gia đinh đó, tuy là nam nhân lại cử động như nữ nhân.
Thoạt nhiên có hai người ra đón khách.
Hai người đó, một lùn, một cao, lùn mặt trắng, cao mặt rỗ, có nốt ruồi thay vì đen lại trắng.
Đôi mắt liếc xéo Du Bội Ngọc, như đưa tình với chàng.
Liếc mắt đưa tình với chàng, không phải thiếu chi người song nam nhân với nam nhân đây là lần đầu tiên chàng mới thấy.
Du Bội Ngọc chỉ muốn móc đôi mắt của kẻ đó mà quăng đi cho hắn mù mắt.
Người có thân hình cao, đưa tay xoa má nhìn sang Ngư Toàn hỏi:
- Ngươi là ai? Ngươi đến đây có việc gì?
Hắn dùng cái giọng thấp, nhỏ, phỏng theo cái giọng nữ nhân, lúc nói lại uốn cổ uốn lưng, tỏ vẻ yểu diệu.
Nếu hắn không có bộ ria mép, người ta có thể lầm hắn với một nữ nhân.
Ngư Toàn đằng hắng một tiếng:
- Tại hạ là Ngư Toàn, từ Nam Hải đến đây, chúc thọ Phú Bát Gia.
Người cao nở một nụ cười duyên:
- A! Thì ra là Ngư đại chưởng môn. Đại chưởng muôn có mang lễ vật đến chứ?
Ngư Toàn gật đầu; - Dĩ nhiên là có. Xin quản gia thông báo hộ.
Người cao lại nhìn quan Du Bội Ngọc hỏi:
- Còn người nầy là ai? Đến đây có việc gì?
Hắn vẫn dùng cái giọng âm dương, ai nghe giọng đó là thấy bực liền, muốn tát cho hắn mấy tát thật mạnh.
Nhưng Ngư Toàn vốn tính nóng, vẫn dằn được như thường, mỉm cười đáp:
- Hắn là Ngư nhị, môn đệ của tại hạ, theo tại hạ đến đây, mong quản gia chiếu cố.
Người cao bật cười hắc hắc:
- A! Thì ra là Ngư nhị ca ca. Đẹp trai quá! Chẳng hay Ngư nhị ca ca có vợ chưa?
Người lùn nắm tay Du Bội Ngọc, bật cười khanh khách:
- Đại chưởng môn vào chúc thọ đi, để Ngư nhị ca ca ở đây với bọn nầy.
Bàn tay của hắn ướt át, nhơn nhớt, lại dính như chất nhựa, Du Bội Ngọc tởm quá, song không rút tay mình về, có chịu vậy xem hắn còn làm gì hơn, chàng tưởng chừng mình chạm phải một cục đờm.
Vừa lúc đó, một người từ trong nhà bước ra, cao giọng thốt:
- Bát Gia thỉnh Đại chưởng muôn vào, xin mang luôn lễ vật theo.
Ngư Toàn hấp tấp đáp:
- Có đây! Tại hạ xin mang vào gấp.
Y bước lên thềm nhà quay lại gọi:
- Ngư nhị sao chưa mang lễ vật theo ta?
Du Bội Ngọc thở phào. Ngư Toàn đã giải nạn cho chàng.
Người lùn chưa chịu buông tay, cười nhẹ:
Xong việc rồi, ra đây ngay nhé. Tôi tên Tiểu Quái. Nhớ gọi Tiểu Quái nhé.
Du Bội Ngọc chỉ muốn đạp hắn một đạp cho hả hận.
Trong đại sảnh, có mặt tám, chín người, người nào cũng có khí phái cả, họ vận y phục hoa lệ, chứng tỏ họ là những người có thân phận cao.
Nhưng xem ra, người nào cũng áy náy, mất cả tự nhiên.
Nơi trung gian, có một toà vị chúc thọ, trước toà vị, một người ngồi, người đó chính là Phú Bát Thái Gia. Bên cạnh lão có một người vợ, cũng gọi là Phú Bát Nương, như người đã chết.
Phú Bát Gia, có ngũ quan như người thường, song chẳng biết tại sao, nhìn vào lão ai ai cũng cảm thấy không thích mắt chút nào.
Còn người vợ của lão đại thể giồng như hầu hết con nhà giàu đương nhiên có tô một lượt phấn trên mặt, nhưng nữ nhân càng giàn càng tô phấn dày, có tô dày mới che dấu nổi mấy đường nhăn, dịu bớt màu da đen, đen sạm vì thời gian, cao tuổi tác...Bước vào đại sảnh, Ngư Toàn cố lấy cái vẻ chưởng môn nhân xuất hiện trước mọi người, nhưng gặp Phú Bát Thái Gia rồi cũng mất tự chủ phần nào.
Y nghiêng mình thốt:
- Hậu bối là Ngư Toàn, từ Nam Hải đến đây, bái chúc Bát Gia vạn thọ vô cương.
Phú Bát Gia nhếch môi cười nhưng nụ cười không hiện lộ, lạnh lùng đáp:
- Vất vả quá đi thôi. Cứ ngồi! Ngồi đi!
Khi Ngư Toàn mang chiếc rương đến trước mặt lão, thì nụ cười của lão trông tươi rõ một chút, lão cầm một tượng hình cao hơn một thước lên, ngắm, sờ rồi luôn miệng khen tốt, tốt, tốt...
Sau cừng, lão vỗ tay lên vai Ngư Toàn, lần này thì lão cười thực sự:
- Tốt quá! Ngồi đi, ngồi xuống chứ. Tìm vật nầy mang đến đây tặng lão phu, các hạ hẳn phải khó nhọc lắm? Cái chỗ cao quý hơn bàn tiệc hôm nay phải dành cho các hạ mới xứng đáng cái công của các hạ.
Dĩ nhiên, Ngư Toàn phải hãnh diện vô cùng.
Y hãnh diện, song làm chín người kia bất bình.
Trong lễ chúc thọ, Phú Bát Thái Gia không quan tâm đến thân phận của người dâng lễ, mà chỉ căn cứ vào lễ vật để định ngôi vị tại bàn tiệc, như vậy cũng quá đáng thay.
Cái quá đáng đó gây bẽ bàng cho những người có thân phận cao nhưng lễ vật kém giá trị.
Mà vũ lâm thì trọng danh diện, nêu mất danh diện thì có khác nào đã chết rồi, chết còn dễ chịu hơn mất danh diện.
Tiếp nhận được thiếp mời của Phú Bát Thái Gia, là một danh dự rồi, lại được Thái Gia đặt vào chỗ ngồi cao quí nơi bàn tiệc, danh dự đó càng cao hơn, do đó ai ai cũng tranh nhau tìm vật có giá trị để hiến dâng.
Có người dâng tám hạt minh châu to bằng mắt rồng, đều nhau, từ hình thức đến màu sắc, có người hiến một cái chén bằng ngọc mang tên là Cửu Long Ngọc Bội, lúc mây đen giăng mắc ngang trời thì từ chiếc chén bốc lên một lớp sương mù, sương mù đó kết thành mây, dần dần biến thành màu đen như mây ngoài trời. Khi trời quang đãng mây trong chén cũng tan biến.
Nước lã rót vào chén đó nước cũng biến thành loại rượu ngon.
Mang những vật đó đến tặng Phú Bát Gia, chủ nhân hẳn phải đau lòng lắm lắm, song vì oai phong của Phú Bát Gia, vì danh dự trong vũ lâm, họ phải tặng.
Tặng vật rồi, lại chẳng được ăn trên ngồi trước thì còn gì buồn, ức chăng?
Cái ức hơn nữa là những tượng hình của Ngư Toàn, chỉ bằng đá, đá sao hơn châu ngọc được?
Họ lấy làm lạ, họ bất bình, song có ai dám nói gì ngay lúc đó?
Và lúc đó,đúng là giờ cơm. Họ từ xa chưa kịp uống chén trà giải khát, lại phải dùng cơm.
Song trà cũng không thì làm gì có cơm mà dùng. Bởi Phú Bát Thái Gia không hề ra lịnh dọn cơm cho họ ăn, mặc dù đã đến giờ cơm.
Đã thế, lão mặc cho mọi người ngồi thừ ra đó, lão nhắm mắt lại, như ngủ.
Ai ai cũng nghe đói, đói đến rã cả ruột, nhưng làm gì có người dám đòi hỏi, bởi Thái Gia đã ngủ, thì trừ trời ra, còn ai dám làm kinh động lão ta?
Cũng may, bà vợ của lão ta, chừng như còn chút nhân tâm, khẽ gọi một gia nhân đến gần, bảo:
- Giờ cơm của lão gia tuy chưa đến, song tân khách từ xa đến đây, hẳn phải đói, người vào nhà bếp, xem có món gì dọn lên đây cho các vị ấy điểm tâm.
Mọi người nghe Phú Bát Nương nói như thế đều thở phào.
Và họ có cảm tình ngay với bà ấy, họ quên mất là trước đó họ xem bà ấy không hạp nhãn chút nào.
Một lúc sau, hai người khệ nệ mang hai chiếc mâm lớn ra đại sảnh trên mâm, chẳng rõ có những món gì, khói bốc lên ngùn ngụt.
Khi hai gia nhân đến gần, khách nhận ra chỉ là những tô mì.
Trời! Mang những vật có giá trị liên thành, vào nguy ra tử mà tìm, bứt ruột bứt gan mà tặng, để đánh đổi mấy sợi mì.
Chừng như Phú Bát Nương cũng ngượng ngùng vì thức ăn quá hèn, nên gượng cười thấy rõ, ấp úng:
- Vật tuy hèn, mong các vị đừng hiềm, tạm dùng vậy, chẳng biết Phú Bát Gia ngủ đến lúc nào thức dậy mà chờ, chờ như thế các vị phải đói.
Nghe nói Phú Bát Gia chưa thức dậy gấp, nghĩa là bữa ăn phải còn xa, mà ai ai cũng đói quá chừng rồi, nếu không ăn mì đó, họ có sức chịu nổi mà chờ chủ nhân thức dậy không? Và chủ nhân thức dậy rồi, liệu có ra lịnh dọn cơm ngay cho họ hay không?
Như thế nầy, chắc là họ phải ăn rồi.
Du Bội Ngọc vừa bực vừa tức, vừa buồn cười.
Chàng thấy Phú Bát Nương cười chàng đâm lo, sợ bà ta cười nhăn mặt làm cho lớp phấn dày rạn nứt ra, rồi rơi xuống thì gương mặt lỗ chỗ trông khôi hài lắm.
Cũng may lớp phấn nơi gương mặt bà ta như gắn vào đó bằng một chất keo, giá như có lấy đao kiếm mà cao đi chưa chắc gì cạo nổi, như vậy bà ta có cười to cũng chẳng sao.
Trong khi đó, quần hùng ăn ngấu nghiên, họ nhai chanh chách, họ nuốt ực, họ ăn ngon như bình thời ăn cá ăn thịt tại nhà.
Họ ăn nhanh, trong thoáng mắt, các lô đĩa sạch nhẵn như chùi. Rồi họ uống nước lã, uống ực ực như ăn, cũng như thường.
Có mấy người đa nghi họ nghĩ rằng Phú Bát Gia cố làm vậy, cho dạ dày của họ đầy ứ rồi lúc dọn ra các thức ăn ngon họ không còn ăn được nữa, đỡ tốn thêm cho lão ta.
Những người đó họ chỉ ăn qua loa vài miếng rồi thôi, và họ nhất định chờ bữa ăn chánh thức.
Đúng như họ suy đoán, sau đó không lâu Phú Bát Gia đột nhiên thức dậy, gọi gấp:
- Dọn cơm lên! Dọn rượu lên chứ khách đã đói lắm rồi kìa, các ngươi còn chờ gì?
Bữa ăn được dọn ngay và những người đoán trúng ý chủ nhân khoái trá cười thầm.
Những thức ăn quả thật trông đẹp mắt vô cùng chỉ nhìn thôi cũng thấy chảy nước dãi rồi.
Ai đã ăn no, bắt đầu hối hận.
Và ai ai cũng chờ chủ nhân cất tiếng mời, là họ quơ đũa quơ của tấn công các đĩa liền, dù đã ăn no, cũng phải ăn gỡ lại, đừng nói là những người ăn qua loa.
Phú Bát Thái Gia cầm bình rượu lên, đưa vào mũi ngửi một chút, kêu to:
- Sắc là thanh đao treo nơi đầu, rượu là loại thuốc làm đứt ruột, người xưa từng răn dạy đừng tham sắc, đừng tham rượu, tham sắc mất nước, tham rượu hại thân. Các vị từ xa mang lễ vật tặng lão phu, lão phu phải xem các vị như bằng hữu chí thân, do đó không thể gây tai hại cho các vị, bởi nếu đãi rượu là gây hại cho các vi.....
Lão vẫy tay gọi gia nhân:
- Thay vì rót rượu vào chén cho các vị quý khách, bọn người hãy rót nước đường vào đấy, đường cũng dùng để quá ngọt nhé, bởi chất ngọt làm hư răng.
Quần hùng tưởng được một bữa bằng thích, bây giờ lại được chủ nhân cho uống nước đường.
Thật là dở khóc dở cười.
Và tự nhiên họ phải tức uất.
Họ phải uống nước đường, trong khi đó Phú Bát Thái Gia tự rót cho lão một chén rượu, rồi lẩm nhẩm:
- Lão phu già rồi, dù có bị rượu hại cho chết cũng chẳng sao, con người sống đến từng tuổi này, kể ra cũng đã hưởng quá nhiều ngày trời rồi...