Mẹ Quỳnh được đưa về nhà.
Bà bị liệt nửa người, sau đó liệt cả người. Các bác sĩ bó tay. Các biện pháp châm cứu đều không có kết quả.
Suốt ngày mẹ Quỳnh nằm một chỗ. Quỳnh phải lo cho mẹ từng cái ăn miếng uống, kể cả chuyện vệ sinh thường nhật.
Quỳnh đã thôi đi theo ông chú. Thùng thuốc lá của mẹ, Quỳnh ôm vào nhà, đặt trên bàn học. Quỳnh cũng chẳng chường mặt đến trường, mặc dù trong buổi liên hoan văn nghệ cuối năm, theo thông lệ bạn bè phân anh đóng vai hề chuyên biểu diễn những trò lạ mắt trên sân khấu.
Sự "mất tích" của Quỳnh trong những ngày cuối cùng của năm học chẳng gây một ngạc nhiên nào đáng kể. Không chỉ mình anh, cả khối đứa chuồn khỏi lớp trong thời điểm lỏng lẻo này. Năm nào cũng vậy. Chỉ có Ngoạn là hay biết tai nạn của Quỳnh. Nhưng anh cấm ngặt, không cho nó hó hé với Nga nửa lời. Quỳnh không muốn Nga đến với anh chỉ vì lòng thương hại. Anh chỉ cho phép Nga đến thăm anh trong những giấc mơ. Những lúc ấy, Nga mới chính là Nga của anh. Nga nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến và dịu dàng nói:
- Những ngày vừa qua, anh buồn Nga lắm phải không ?
Quỳnh lắc đầu:
- Tôi chẳng buồn Nga đâu. Tôi chỉ buồn tôi thôi.
Mặt Nga rầu rầu:
- Anh nói vậy tức là anh buồn Nga rồi.
- Không có đâu. Tôi chỉ buồn tôi thôi mà.
Rồi Quỳnh nói thêm:
- Nhưng hôm nay Nga đến thì tôi hết buồn rồi.
Mặt Nga tươi lên:
- Ừ, hôm nay, và mai mốt cũng vậy, Nga không nghỉ chơi với anh nữa đâu.
Quỳnh chớp mắt:
- Nga nói thật chứ ?
Nga gật đầu hiền lành:
- Nga nói thật. Nghỉ chơi với anh, Nga buồn ghê là !
Quỳnh ngậm ngùi:
- Tôi còn buồn hơn Nga gấp bội. Không có Nga làm bạn, người tôi cứ thẫn thờ làm sao ấy ! Lạ ghê !
Đột nhiên, Nga rút trong túi xách ra một cuốn tập đưa cho Quỳnh, mỉm cười nói:
- Trả anh cuốn tập nè !
Quỳnh cầm lấy cuốn tập và giật nẩy người khi nhận ra đó là cuốn tập dành để chép thơ của mình. Anh đỏ mặt, bối rối:
- Những vần thơ lếu láo trong này, Nga coi làm chi !
Nga nguýt Quỳnh:
- Thơ hay vậy mà anh kêu lếu láo ! Nga chép hết lại trong tập của Nga rồi.
- Chi vậy ? - Quỳnh ngẩn ngơ hỏi.
- Để làm kỷ niệm chứ chi !
Nói xong, Nga che miệng cười khúc khích.
Tiếng cười của Nga đánh thức Quỳnh dậy. Anh bần thần lắng tai nghe. Không phải tiếng cười của Nga mà tiếng ú ớ của mẹ anh ở giường bên cạnh. Quỳnh vội vàng nhỏm dậy chạy đi rót nước cho mẹ.
Đến khi leo lên giường nằm lại, Quỳnh chẳng ngủ được nữa. Anh nằm nghe gió thổi xạc xào qua mái tôn mà thấy lòng buồn hiu hắt. Nga ở ngoài đời đâu có được như Nga ở trong giấc mơ anh. Nga chạy trốn những vần thơ lặng lẽ kia như chạy trốn bệnh hủi. Nga bỏ rơi anh, để anh trở lại là thằng quỷ nhỏ ngày nào, lủi thủi một mình giữa bốn bề huyên náo. Tình cảm vừa chớm lên, chưa nở đã vội tàn. Quỳnh nằm nghĩ lan man một hồi rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Để lại thấy Nga hiện ra và dịu dàng thủ thỉ:
- Những ngày vừa qua, anh buồn Nga lắm phải không ?
Ban đêm thuộc về những giấc mơ, còn ban ngày thuộc về đời sống. Từ khi mẹ Quỳnh nằm bệnh, cuộc sống của mẹ con Quỳnh bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Mẹ Quỳnh nghỉ bán thuốc, Quỳnh nghỉ đạp xe, sự túng thiếu ập đến. Thêm nữa, suốt ngày đêm thao thức quanh quẩn bên giường mẹ, sức khỏe Quỳnh sa sút trông thấy. Mặt mày Quỳnh hốc hác, mắt trũng sâu, cái mũi và hai vành tai vốn đã to trông càng to hơn. Quỳnh chẳng biết mình còn đủ sức chăm sóc mẹ bao lâu nữa.
Cuối cùng, theo lời khuyên của ông chú, Quỳnh thuê xe chở mẹ về quê để các dì phụ với Quỳnh lo lắng và trông nom mẹ.
Ngày Quỳnh đi, Ngoạn và các đứa trẻ hàng xóm xúm xít và bùi ngùi đưa tiễn. Có một vài đứa khóc. Khóc to nhất là con bé nhờ Quỳnh chữa búp bê ngày nào.
Nga chẳng hay biết gì về tất cả những chuyện đó. Những ngày vừa qua, thấy Quỳnh không đến lớp, Nga ngỡ Quỳnh cố ý tránh mặt mình. Nga nghĩ là thái độ lạnh nhạt của mình đã có kết quả. Quỳnh đã hiểu ra vấn đề và anh muốn thực hiện một cú "nghỉ hè sớm" để khỏi bịn rịn vẩn vơ. Vậy cũng tốt ! Nga nhủ thầm, nhưng không hiểu sao Nga chẳng thấy nhẹ nhõm lắm.
Một hôm tình cờ gặp Luận ngoài đường, Nga mới biết những gì đã xảy đến với Quỳnh.
Thoạt đầu, trông thấy Luận đi bên kia đường, Nga ngoảnh mặt vô trong lề. Nó giả vờ như không thấy Luận.
Nhưng Luận đã cất giọng kêu:
- Nga !
Bị gọi đích danh, Nga đành phải quay lại, mặt cố giữ vẻ nghiêm nghị:
- Có gì không ?
Luận phớt lờ vẻ khiêu khích trong câu hỏi trống không của "kẻ thù xưa". Nó lặng lẽ băng qua đường, đến trước mặt Nga và hắng giọng nói:
- Tôi mới ở nhà Quỳnh về.
Nga giật thót. Nó chẳng hiểu tại sao Luận lại nói với mình chuyện đó. Hay là Luận có ý định chòng ghẹo gì nữa đây. Nga nhìn Luận, cảnh giác:
- Luận tới nhà ai thì kệ Luận, mắc mớ gì tới Nga !
Luận thở dài. Nó nói, chẳng ăn nhập gì đến câu nói của Nga:
- Quỳnh về quê rồi.
Nga thản nhiên:
- Nghỉ hè thì về quê chứ sao !
Luận nhún vai:
- Không phải là nghỉ hè. Mẹ Quỳnh bệnh, Quỳnh đưa về quê để chăm sóc.
Nga thảng thốt:
- Mẹ Quỳnh bệnh gì vậy ?
Giọng Luận buồn thiu:
- Tai biến mạch máu não. Bị liệt cả người.
Lời thông báo của Luận khiến Nga choáng váng. Nga bàng hoàng nhớ lại người đàn bà dịu dàng mà mình đã gặp. Lần nào Nga tới chơi, mẹ Quỳnh cũng mời chào niềm nở. Nga không thể nào quên được giọng nói âu yếm và đôi mắt lấp lánh niềm vui trên gương mặt khắc khổ kia. Vậy mà bây giờ cơn bệnh ngặt nghèo đã rơi xuống trên số phận mẹ Quỳnh. Bà sẽ chẳng bao giờ đi lại được nữa. Bà sẽ chẳng còn có dịp lặng lẽ đi nấu chè để mời Nga ăn như lần đầu Nga ghé.
Nga ngậm ngùi hỏi:
- Sao Luận biết được những chuyện này ?
- Luận đến nhà Quỳnh chơi, nghe chú Quỳnh nói. Chú Quỳnh ở trông nhà giùm.
Nga ngạc nhiên:
- Ông chú nào, sao Nga không biết ?
Luận tặc lưỡi:
- Ông chú đạp xe ba gác mà hằng ngày Quỳnh vẫn đi theo đạp phụ đó.
Nga đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác:
- Quỳnh đạp xe ba gác hồi nào ?
Luận chẳng buồn giấu giếm nữa. Nó chép miệng, nói:
- Quỳnh đạp xe cả nửa năm nay rồi. Quỳnh phải làm thêm để phụ với mẹ.
Nga ngơ ngác:
- Sao Quỳnh nói với Nga là Quỳnh làm thêm nghề đóng sách ?
Luận chớp mắt:
- Làm gì có chuyện đóng sách ! Quỳnh phịa với Nga đó thôi !
Nói xong, Luận liền kể cho Nga lần gặp gỡ tình cờ giữa Luận và Quỳnh hôm trước. Câu chuyện khiến Nga tê tái cả lòng. Và bây giờ Nga mới hiểu tại sao trong suốt thời gian dài Luận không chọc phá Quỳnh nữa, thậm chí gần đây thỉnh thoảng Luận còn ghé nhà Quỳnh chơi.
Câu chuyện Luận kể làm Nga thẫn thờ. Hóa ra, Nga chẳng bằng Luận. Nga chơi với Quỳnh đã lâu mà chẳng biết một tí gì về hoàn cảnh của anh. Nga chẳng thông cảm anh, chỉ mãi giận hờn và trách cứ. Hóa ra những cuốn sách anh đóng cho Nga, cho Hạnh là những cuốn sách mà anh phải đi thuê người ta làm. Anh chỉ biết nhọc nhằn gò lưng trên xe ba gác mỗi ngày để tự nuôi sống lấy mình, chẳng như bọn Nga quanh năm thanh thản.
Lòng đầy day dứt, Nga nhìn Luận, bâng khuâng hỏi:
- Mai mốt Quỳnh có trở lên nữa không ?
- Chuyện đó thì không ai biết. Ngay chú Quỳnh cũng chẳng biết.
Nói xong, Luận chào Nga rồi cắm cúi bỏ đi.
Nga nhìn theo Luận, nỗi căm tức ngày nào dã biến khỏi lòng Nga.
Về tới nhà, vừa gặp Ngoạn, Nga nạt liền:
- Mẹ anh Quỳnh bị bệnh, sao em chẳng báo cho chị hay ?
Thấy chị trách, Ngoạn rụt cổ:
- Anh Quỳnh dặn em không được nói với chị.
Nga đã định "quần" cho Ngoạn một trận ra trò nhưng nghe nó nói vậy, Nga đành thở dài im lặng. Nga hiểu tâm trạng Quỳnh. Nga đã đẩy anh vào cái vỏ ốc cô độc mà anh muốn từ bỏ, bây giờ còn trách móc làm chi !
Nga hỏi Ngoạn, giọng dịu lại:
- Anh Quỳnh về quê lúc nào ?
- Hơn mười ngày nay rồi ! - Ngoạn ấp úng nói thêm - Ảnh có gửi cho chị cái này nè !
- Cái gì vậy ? Sao bây giờ mày mới chịu đưa ? - Nga giật mình hỏi, giọng nôn nao.
- Ảnh dặn để ảnh đi lâu lâu rồi hãy đưa chị !
Vừa nói Ngoạn vừa chạy vô trong nhà.
Lát sau, Ngoạn chạy ra, tay cầm một cuốn sách khổ to, đóng bìa da, mạ chữ vàng cẩn thận, tay kia cầm một chùm hoa tim tím. Nga run run đón lấy cuốn sách. Cuốn "Nghệ thuật cắm hoa". Hóa ra trước khi rời bỏ thành phố, Quỳnh vẫn chưa quên "nghề đóng sách" khốn khổ của anh. Anh cũng không quên lời hứa với Nga hôm nào. Hôm đó, Nga "xạo" Quỳnh chơi. Quỳnh lại tưởng Nga đang học cắm hoa thật. Tội Quỳnh ghê ! Nhưng thôi, Nga sẽ giữ cuốn sách này để làm kỷ niệm.
Đang mân mê cuốn sách, Nga bỗng giật nảy người khi nhìn thấy hàng chữ nhỏ xíu mạ dưới góc bìa: "Mến tặng Nga - Khải". Lời đề tặng khiến Nga sững sờ, dở cười dở khóc. Nga đã cố gắng để làm cho Quỳnh tin điều đó, bây giờ Quỳnh tin rồi, Nga lại cảm thấy khổ tâm làm sao !
Để quên đi nỗi ám ảnh khó chịu đó, Nga lúc lắc chùm hoa giấy trên tay, hỏi Ngoạn:
- Em biết hoa gì đây không ?
- Đây là hoa thạch thảo.
Tên của loài hoa khiến Nga nhớ tới bài hát quen quen: "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...". Nga chẳng biết hoa thạch thảo tượng trưng cho điều gì mà sao bài hát nghe buồn thiu. Sực nhớ tới cuốn sách Quỳnh tặng, Nga tò mò lật ra xem.
Ở trang mười tám, Nga tìm thấy phần nói về ý nghĩ của các loài hoa. Trong đó, người ta nói hoa thạch thảo tượng trưng cho sự lưu luyến lúc chia tay...
Như vậy, hẳn là Quỳnh muốn nói với Nga là dù xa Nga, dù Nga có đối xử với Quỳnh như thế nào chăng nữa, lúc nào Quỳnh cũng nhớ tới Nga, lúc nào cũng nhớ. Còn lúc này, ở nơi xa xôi, Quỳnh đâu có biết rằng giữa Nga và Quỳnh, không phải chỉ có một mình Quỳnh biết nhớ...
Nga ngẩn ngơ nhìn ra sân nắng. Dọc theo hàng rào cạnh cổng, hoa mào gà, hoa vạn thọ và họ hàng nhà cúc đang đùa giỡn với nhau. Trong sách nói hoa thạch thảo cũng thuộc họ nhà cúc, vậy mà đằng trước sân chẳng có đóa thạch thảo nào. Nhất định mình sẽ trồng trước cổng một bụi thạch thảo ! - Nga dặn mình như vậy.
Ngày hôm sau, Khải tới chơi đúng vào lúc Nga đang dùng lưỡi lam cạo hàng chữ "Mến tặng Nga - Khải" trên cuốn sách Quỳnh gửi lại.
Chẳng biết Khải có nhìn thấy hành động đó của Nga không !
Saigon 1990
Nguyễn Nhật Ánh