Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> LA HAI

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 485 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

LA HAI
Thanh Quế

Lúc ấy, khoảng bảy gần giờ tối. Khi con tàu sắp rời ga Hàng Cỏ, tôi bỗng thấy một anh bộ đội vai mang ba lô, tay xách túi, đang hớt ha hớt hải chạy dọc theo các toa. Anh dừng lại bên tôi, đang nhìn ra cửa sổ con tàu, hỏi giọng đứt quãng:
- Đây?có phải?toa 8 không đồng chí?

- Vâng-tôi đáp và hỏi lại anh-Anh ngồi ghế số mấy?

- 12.

Tôi vui vẻ:

- Lên nhanh đi, anh ngồi ở ghế đối diện với tôi.

Anh vui mừng nhờ tôi chuyển hộ ba lô qua cửa sổ rồi lao nhanh về phía cửa toa.

Đúng lúc ấy, con tàu hú lên một hồi còi dài rồi chuyển bánh.

Phải một lúc sau, lách qua bao nhiêu người đứng lộn xộn ở cửa và lăng xăng đi lại trong toa, anh mới đến được bên tôi. Anh treo túi xách và mũ lên móc rồi mỉm cười giơ tay bắt tay tôi thật chặt. Rõ ràng việc giúp đỡ nhau nho nhỏ ban nãy đã làm cho hai chúng tôi gần gũi nhau hơn.

Anh ngồi xuống ghế, rút từ trong túi quần ra một bọc giấy bóng đựng thuốc sợi Lạng Sơn:

- Không có thuồc điếu, anh hút tạm thứ này.

Anh mỉm cười đưa những ngón tay vàng khè chất ni-cô-tin ra quấn thuốc. Tôi cũng đưa những ngón tay vàng khè của tôi xin một điếu.

- Trời, may quá ? Anh lại lên tiếng ? Lâu ngày ghé Hà Nội, dao loanh quanh mua vài thứ làm quà một chút, đến nơi tàu sắp chạy, tìm toa đến hụt hơi. Anh nghĩ coi, mình cũng có vé, người ta cũng có vé. Vé nào cũng có chỗ ngồi. ấy vậy mà mình như sợ mình sẽ lấn chỗ họ nên khi tôi hỏi toa chẳng ai chỉ cả. Có người thấy sự bối rối của tôi, chả là lần đầu tôi đi tàu Thống Nhất mà, họ còn cười nhạo anh à. May gặp anh cùng cánh cán bộ chiến sĩ với nhau cả.

Chúng tôi ngồi rít thuốc, im lặng nhìn ra cửa sổ. Con tàu đang chậm chạp đi qua thành phố rồi qua những cánh đồng, những làng mạc đang chìm trong bóng đêm. Anh bạn có vẻ mệt nhọc. Anh rít vội điếu thuốc rồi dựa người vào thành ghế ngủ gà ngủ gật. Hơn một tiếng sau, anh đột ngột bừng mắt nhìn ra bên ngoài:

- Tàu tới đâu rồi anh?

- Sắp tới ga Chợ Tín anh ạ.

- Cách Hà Nội bao xa?

- Độ 26 cây số.

Anh chép miệng:

- Ôi, sao mà nó chạy rì rì thế.

Chúng tôi lại cùng nhau hút thuốc, im lặng nhìn ra cửa sổ con tàu?

Đã mười giờ đêm. Dưới ánh trăng lờ mờ của ngọn đèn bão treo ở giữa toa (vốn xưa ở đó có một cái bóng điện sáng, nhưng cũng như quạt máy và các thứ khác nó lặng lẽ biến đi lúc nào) mọi người đã ngủ gà ngủ gật. Có ai đó đã ngáy. Có ai đó thì thầm ngoài cửa toa. Có tiếng léo nhéo cãi nhau ở đâu đó. Bên ngoài, một cơn mưa đổ, gió đông bắc rú rít gào thét. Cửa sổ con tàu bị hỏng, gió lạnh và mưa cứ tạt vào. Tôi vứt mẩu thuốc, co chân ngủ chập chờn. Bỗng có một tiếng thét thật to, có lẽ ai đó ngủ mơ, làm tôi choàng dậy. Tôi thấy anh bạn vẫn đang ngồi im lặng hút thuốc.

- Sao anh không ngủ? Tôi hỏi.

- Tôi không ngủ được anh ạ. Ngày hôm nay, tôi đi một mạch từ Lạng Sơn xuống, mua vé đi ngay, người mệt đừ. Thế mà chợp mắt một cái đã tỉnh ngay. Tôi chỉ mong cho mau đến nơi, sốt ruột quá.

- Anh trở về đơn vị hay đi phép?

- Tôi nghỉ phép.

- Chị và các cháu ở trong đó?

Tôi hỏi thế vì vốn biết, nhiều cán bộ chiến sĩ người Bắc ta chiến đấu ở miền Nam, lấy vợ luôn trong ấy. Nay đơn vị dời ra ngoài này, vẫn tranh thủ mấy ngày phép đi về. Ngược lại, nhiều anh em cán bộ miền Nam tập kết, như kiểu tôi, lấy vợ miền Bắc, thỉnh thoảng lại đi phép về thăm quê. Đó là tình trạng chung của một đất nước bị chia cắt lâu dài như nước ta. Nhưng anh bạn lắc đầu:

- Không, vợ con tôi đang ở ngoài Bắc.

Anh quay lại nhìn vào mắt tôi. Trong cái con người có dáng cao gầy, khuôn mặt sạm nắng khắc khổ, đôi mắt thẳm sâu này có cái gì đó trông rất bồn chồn. Hình như anh muốn tâm sự. Đó là một đặc tính vốn có và đáng yêu nhất của những người chiến sĩ chúng ta.


*

* *


Cuối 1966, vừa tốt nghiệp lớp Mười, tôi nhập ngũ. Sau một thời gian ngắn huấn luyện, đơn vị chúng tôi được đưa vào chiến trường miền Nam. Dạo đó, bọn chúng tôi còn rất trẻ, mặt anh nào anh nấy căng bóng tròn trịa. Nói như dân gian thì má còn búng ra sữa. Đôi anh còn muốn để lộ ria mép cho có vẻ người lớn. Chúng tôi chưa am hiểu gì cuộc sống. Trong đầu chỉ có dăm bài thơ, một mớ lý luận học được, chúng tôi thường hay to tiếng với nhau về nhân dân về Tổ quốc.

Đi mất ba tháng thì chúng tôi tới chiến trường Phú Yên. Người ta cho nghỉ ngơi, tập luyện thêm nửa tháng rồi có lệnh đi chiến đấu.

Cái đồn mà chúng tôi đánh nằm trên một hòn núi tên là Núi Một, nắm cô đơn giữa cánh đồng Tuy Hòa. Chung quanh nó là những làng mạc, trong đêm tối làng nào cũng giống làng nào, không làm sao phân biệt nổi.

Chúng tôi hành quân từ bìa ranh xuống, nằm phục quanh núi và nổ súng lúc ba giờ sáng. Nhưng trận đáng không gọn. Bọn địch phản ứng dữ. Chúng dã pháo, cho trực thăng thả đèn quần bắn. Bọn lính mới chúng tôi rất hoang mang nên vùng chạy lung tung. Lệnh trên cho rút, nhằm hướng Tây mà rút. Tôi chạy ào xuống núi. Nói đúng hơn là tôi lăn người trên những lớp đá sỏi. Người tôi sây sát đau điếng. Xuống tới đồng, tôi nhằm theo một con mương mà bươn tới. Pháo cối vẫn nổ trên đầu chúng tôi. Đang chạy, tôi nghe một tiếng pháo nổ sàn sạt và một vật gì đó, táng vào bắp vế. Tôi ngất đi. Những tiếng rào rào bên mình như tiếng nước làm tôi tỉnh dậy, ngỡ mình đã đến bờ sông, địa điểm tập kết lúc đầu hôm. Nhưng định thần lại một lúc, tôi biết không phải là tiếng nước chảy. Đó là tiếng gió thổi qua đầu ngọn lúa. Tôi chợt nhớ, hình như có một bài thơ nào, tôi đọc được ngày nào thuở còn đi học nói về những trận gió ở Tuy Hòa?

Trời vừa rạng sáng thì bọn địch càng làm dữ. Từng đàn trực thăng bay rà rà trên mặt đồng, dưới đất bọn địch chia nhau sục sạo. Chúng tôi la ó, nổ súng loạn xạ. Tôi rất lo. Tôi sợ mình bị bắt quá. Trước khi đánh đòn, chính trị viên có bảo vùng này là vùng địch, bọn Đại Việt rất nhiều, dân chúng gặp ta hay đánh mõ la làng nên tôi rất ngại. Nhưng chẳng lẽ nằm trơ trơ ngoài đồng cho chúng bắt. Tôi đành bò theo bờ ruộng, đâm sả vào một cái làng, may ra sẽ gặp được một người dân tốt?

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong một cái hầm tối. Thôi thế là mình bị bắt giam rồi. Tôi chưa biết bị giam ở hầm tối là thế nào. Nhưng hồi đi học, đọc sách thấy Bác Tôn và các chú các bác bị giam ở hầm tối là điều ghê gớm lắm. Tôi duỗi thử đôi tay, thấy tay mình không bị còng, tôi duỗi chân ra, chân mình còn tự do. Thế là thế nào? Đang suy nghĩ thì tôi nghe có tiếng lộp cộp trên đầu mình. Có tiếng gì như tiếng quy lát khua lắc cắc, rồi một giọng hỏi hách dịch:

- Có thấy thằng Việt cộng nào chạy quanh quẩn đâu đây không?

Một giọng khàn khàn của một bà già trả lời:

- Đâu có thấy gì đâu, mấy ông?

- Đù mẹ, con mẹ Sáu này. Mụ là dân xứ cộng sản vô đây. Mụ có dấu cộng sản không, khai đi?

- Có gì đâu mà khai.

Cái giọng hách dịch ban nãy lại quát to hơn:

- Có người nói hồi sáng thấy mụ dìu một đứa vào đây. Mụ nên nhớ ở đây lắm người của quốc gia. Mụ dấu thằng cộng sản ở đâu?

- Hồi sáng giờ tôi chưa ra khỏi nhà.

- Xét nhà.

Lập tức, trên đầu tôi, tiếng bước chân thình thịch, tiếng gì như tiếng báng súng, gõ cồm cộp, tiếng đổ vỡ của những vật gì đấy kêu loảng xoảng. Và, bỗng nhiên, tôi nghe tiếng roi quất, tiếng gậy nện và giọng bà già la lên:" Uớ các ông ơi, các ông ác quá. Các ông nện báng súng vào lưng già này, thì làm sao tôi sống được".

- Có dấu Việt cộng không?

- Không có.

Tôi nghe một tiếng "bịch", và tiếp liền có tiếng đổ của thân người ngay trên đầu tôi. Ngay lúc ấy, tôi lại ngất đi?

Có bàn tay của ai đó lay lay tôi dậy. Tôi bừng mở mắt. Trong quầng sáng của một ngọn đèn dầu, căn hầm dần dần hiện rõ lên. Một bà cụ tóc bạc xóa, lưng khòm khòm, cúi xuống bên tôi hỏi:

- Con đỡ không? Má đem chai xá xị đây, con uống đi.

Tôi đưa tay cầm chai nước, uống ừng ực rồi đưa mắt nhìn bà cụ. Bà cụ nói:

- Hồi sáng, nghe tụi nó nói với nhau, hồi hôm bắt được mấy tên Việt cộng. Thế nào cũng còn sót, nên chúng đi lùng. Má giả bộ đi đồng, lội ra ruộng thử thì gặp con. Má đem con về đây xuống hầm bí mật này.

Bà cụ nói xong với tay bên cạnh lấy một nải chuối bẻ một trái đưa cho tôi. Tay cụ đặt lên trán tôi. Cụ giục tôi ăn chuối rồi nói:

- Con bị sốt rồi. Má đi kiếm mấy viên tê-tra-xi-lin đã. Con ráng nằm im, má băng chỗ đùi hồi sáng rồi, đừng cựa nhiều nó ra máu đó.

Bà cụ lo chăm sóc, thuốc thang, cơm nước cho tôi độ nửa tháng thì tôi bình phục. May quá, vết thương chỉ ở phần mềm. Cho tới bây giờ, nghĩ lại hồi đó, tôi cứ ứa nước mắt. Nhưng hồi đó tôi còn vô tư lắm. Tôi đón nhận tình cảm của bà cụ mà chưa lúc nào tìm hiểu về cụ. Âu cũng là nhược điểm của tuổi trẻ chúng ta! Có lẽ vì thế, mà khi lớn lên, ta mới hiểu được những lo toan của cha mẹ khi ta còn tấm bé quý giá biết chừng nào.

Anh bạn quấn một điếu thuốc, châm lửa hút rồi kể tiếp, giọng trầm hẳn đi.

- Cái đêm ấy, chẳng rõ đêm nào mà mưa gió quá. Bà cụ lọm com dắt tôi đi gặp các anh du kích. Mưa tạt ào ào. Gió tràn như bão. Dáng cụ đi trước bước xiêu xiêu làm tôi nhớ mãi. Thỉnh thoảng, hai mẹ con tôi phải nằm dưới bùn nước lấp xấp để tránh bọn tàu soi và pháo sáng của giặc. Đến bây giờ, tôi như còn nghe hơi thở hổn hển và hàm răng đánh cầm cập vì lạnh của bà cụ. Chúng tôi cứ lội qua những bờ ruộng, những con mương nhỏ. Một lúc sau, chúng tôi đứng bên bờ sông, đúng là con sông bữa trước chúng tôi làm vị trí tập kết.

- ộp ộp ộp-Phía trước tôi bà cụ bỗng giả tiếng ếch kêu lên.

- ộp ộp ộp ? bên kia sông có tiếng đáp lại.

Một lúc sau, có một chiếc thuyền thúng cập bến. Bà cụ nắm tay tôi:

- Thôi, con đi mạnh giỏi nghe con.

Tôi xúc động cầm tay bà cụ rồi chạy đến với các anh du kích. Khi sắp qua sông, chợt nhớ chưa nói lời nào từ biệt cụ, tôi quay lại thì cụ đã biến đi đâu mất rồi?


Trời đã hửng sáng. Con tàu đang đi qua một cái chợ nhỏ, bỗng đột ngột dừng lại. Mọi người đang ngủ như đang được du trong nhịp đi của con tàu đều bật cả dậy. Có tiếng người nào đó hỏi:

- Tới ga nào rứa các anh?

- Đang ở giữa đường.

- Sao lại dừng nhỉ? Có sự cố gì chăng?

Người bạn tôi từ nãy đến giờ vẫn ngồi im lặng, chau mày. Hình như cú dừng lại của con tàu đã cắt đứt câu chuyện của anh làm cho anh rất khó chịu. Nhưng chỉ mấy phút sau, anh lại kể tiếp:

- Tôi có cái khổ tâm là khi đi tôi vẫn chưa hiểu biết gì về bà cụ. Thậm chí cả cái tên tôi cũng không biết. Lúc sắp chia tay ở bìa ranh, tôi hỏi một anh du kích. Anh nói:

- Tụi tui chỉ biết là cụ Sáu, cơ sở tụi tui thôi anh à.

- Đó là tên cụ hay là cái thứ?

- Đấy có lẽ là thứ, ở miền Nam này chẳng mấy ai gọi tên.

Tôi ra đi, lòng ân hận mãi. Từ đó, tôi đã đi qua bao vùng quê, đánh bao nhiêu trận không nhớ nữa. Đôi lúc nhớ về bà cụ, tôi thấy mình như mất một cái gì quý giá mà suốt cuộc đời không tìm lại được.

Sau giải phóng miền Nam, đơn vị tôi hành quân ra phía Bắc. Xe dừng lại ở Tuy Hòa một ngày. Nhân thể, tôi xin phép đi tìm lại bà cụ dưới chân núi Một ấy. Khốn nỗi khi bước xuống xe lam ở sát bên núi, tôi chợt nhớ mình không biết cụ ở làng nào để hỏi. Tôi đã kể với anh các làng ở đây giống nhau quá mà. Suốt ngày, tôi chạy rông các làng để tìm hỏi thì cũng ra mối, nhưng mọi người bảo cụ đã trở về quê cũ ở La Hai rồi. Tôi không biết La Hai ở đâu. Cái tên vùng quê này tôi mới nghe lần đầu. Nó ở nơi nào trong vùng nào sâu thẳm của đất nước ta? Từ đó, trong lòng tôi có thêm tiếng "La Hai". Tôi cảm thấy mình mắc nợ với vùng đất ấy. Trong đời chúng ta, có biết bao vùng, bao con người mà ta mắc nợ phải không anh?

Vì không còn thì giờ nữa nên tôi phải quay về đơn vị.

Ra tới Phủ Lý, trong khi đơn vị tiếp tục lên phía Bắc, tôi được thủ trưởng cho phép về thăm nhà. Anh thử nghĩ coi, gần chục năm trời không tin tức gì, tôi nóng lòng biết mấy. Bấy giờ đã nửa đêm, nhưng tôi không nghỉ lại. Tôi phóng bộ luôn một mạch hai mươi cây số về làng Tân Tiến. Trời ơi, anh biết cái gì chờ đợi tôi không? Một cô bạn học cũ cho biết: hồi chiến tranh phá hoại, thầy mẹ và các em tôi đã bị một quả bom ném xuống giữa nhà lúc cả nhà đang quây quần ăn cơm tối?Chỉ còn một đứa em gái, lúc đó đang đánh dậm nên thoát, bây giờ, nó theo chồng vào miền Nam. Cô cũng chưa biết tin nó ở đâu. Tôi lặng người. Vốn gốc gác ở Hải Hưng, bố mẹ tôi lên đây làm ăn, giờ nơi đây không còn ai thân thuộc, tôi dạo loanh quanh trong xóm một ngày rồi hôm sau trở về ngay đơn vị. ấy vậy mà cái làng quê ấy vẫn níu kéo tôi trở lại. Có kỳ lạ không anh. Một năm sau. Tôi lấy vợ. Để lại đi đi về về nơi ấy. Thì ra, quê hương là nơi có sức hút diệu kỳ, con người nào mấy ai có thể dứt ra. Vợ tôi chính là cô bạn học đã báo tin buồn gia đình cho tôi. Cô có người em mới nhập ngũ lên đơn vị tôi, ở trong tiểu đoàn do tôi làm tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi gặp nhau. Một năm sau, chúng tôi có một cháu trai dễ thương, giống tôi như đúc. Hạnh phúc của tôi đã nhóm lại. Nhưng cũng từ lúc ấy, những kỷ niệm cũ lại dậy lên trong tôi. Nó càng giày vò tôi nhiều hơn khi tôi gặp một người bạn. Số là, trong một trận đánh bọn bành trướng vừa qua, tôi và anh ấy bị thương, cùng nằm trong một phòng. Những buổi sáng, chúng tôi cùng ngồi ở sân viện chơi. Như bao người lính, chúng tôi hay tâm sự về thời thế, về lai lịch, về những kỷ niệm cũ. Đang vui chuyện, bạn tôi bỗng vỗ tay reo lên:

- Trời ơi, bà cụ Sáu La Hai ấy cũng đã nuôi tôi suốt một tháng ở dưới hầm nhà bà. Không có bà cụ thì tôi chết rồi. Chả là tôi bị thương vào phổi mà. Bà cụ đã nhặt tôi đem về, mướn bác sĩ tốt chạy chữa. Tôi không biết lấy gì đền ơn cụ. Sau khi giải phóng miền Nam, tôi về tìm cụ. Người ta bảo cụ đã về quê ở La Hai rồi. Tôi phóng ra La Hai để tìm. Tới nơi, người ta bảo có hai bà cụ Sáu cùng làm ăn ở Tuy Hòa về. Thế thì rắc rối quá. Tôi chẳng biết cụ nào là cụ nào. Tôi nhớ bà cụ Sáu chúng mình tóc bạc, rất gầy, không ăn trầu. Người ta bảo cả hai cụ đều gầy, đều không ăn trầu. Cuối cùng, tôi quyết định đến cả nhà hai cụ để nhận mặt. Đầu tiên, tôi đến nhà một cụ ở đầu làng. Đó là một ngôi nhà ngói đỏ vứa mới xây. ở phòng khách có một bộ xa lông và một cái tủ đứng rất đẹp. Cụ đi vắng, mấy cháu của cụ chạy đi tìm gọi về. Vừa thấy một bà cụ gầy nhưng nước da hồng hào, ăn vận sang trọng, đon đả mời vào chơi, tôi đã xin phép vì vội.

Chiều hôm ấy, tôi mới đến nhà bà cụ Sáu thứ hai. Chẳng hiểu thế nào mà linh tính báo tôi đây chính là bà cụ tôi tìm. Tôi phập phồng, tim đập mạnh khi đứng trước một ngôi nhà như cái chòi, vách xiêu vẹo, mái tranh nhiều chỗ thủng dột. Tôi đánh tiếng gọi. Chẳng ai trả lời. Tôi ngập ngừng bước ra thì từ sau hè, một bà cụ có dáng lom khom, mắt hom hem, mặc bộ quần áo xanh bạc màu bước vào. Đó là bà cụ Sáu của chúng mình. Tôi lên tiếng chào. Cụ đến sát bên, hấp háy mắt nhìn tôi nhưng không nhận ra. Tôi nói:

- Thưa má, con là thằng Tới-khi tôi nói, cụ nghiêng tai sát bên tôi để nghe như vốn có ở những người già nặng tai-đã được má nuôi năm 1969 về thăm má.

Bà cụ cười võm vẽm có vẻ vui mừng rồi nói:

- Bay đến thăm tao, tao mừng lắm. Nhưng tao già, tao lẫn, tao chẳng nhớ đứa nào trọi.

Bà cụ tíu tít nắm tay tôi dắt vào nhà, lấy chiếc chiếu phủi bụi trên chõng tre, rồi trải ra mời tôi ngồi. Trong nhà cụ chỉ có cái giường này với một sợi dây phơi quần áo cũ thay thế cho hòm tủ. Cụ vào bếp bưng ra một rổ khoai lang, một bát muối ớt mời tôi:

- Tao đi tù, hòa bình mới được thả về đây, nên nghèo lắm. Có gạo ăn gạo, có khoai ăn khoai, bay ăn cho tao vui.

Tôi cầm củ khoai trên tay mà nước mắt cứ chực trào ra:

- Thưa má, má sinh sống ra sao, má?

- Bay biết rồi, tao chẳng có ai, sống một mình, già rồi làm vườn ăn bậy bạ.

- Hợp tác xã có bán thóc điều hòa cho má không má?

Bà cụ ngồi im, một lúc sau mới lên tiếng:

- Uớ trời, xã này là vùng đồi núi, ruộng nương kém, làn ăn trầy trật lắm. Tao có xin mua gạo, nhưng họ chưa cho. ở xã này nhiều gia đình có con em tham gia cách mạng hy sinh nên họ chiếu cố trước.

- Má cũng làm việc cho cách mạng.

- Kể gì chuyện đó. ở đây, có ai biết. Mọi người còn bảo tao, trong ác liệt đã chạy vào vùng địch tránh bom đạn?

- Sao má không nói cho họ biết?

Bà cụ cười:

- Nói làm chi. Tụi bay đi rồi. Tụi du kích xã ở trong này cũng hy sinh hết. Giờ lớp mới lên, chẳng biết ai là ai. Tao chạy đi xin cái giấy chứng nhận để lãnh bằng gia đình có công với cách mạng cũng không có đứa nào giám chứng nhận cho. Thôi, mình làm cách mạng mình tính chi công lao.

Anh ạ, nghe cụ nói tôi rơm rớm nước mắt. Tôi có quen với một anh cán bộ ở phòng thương binh xã hội huyện, tôi chạy lên kể chuyện cho anh nghe, đề nghị anh can thiệp với xã bán gạo và giúp đỡ bà cụ. Anh hứa là sẽ giải quyết. Nhưng rồi tôi đi xa, biết họ có làm không. Anh ạ, tôi định có dịp nghỉ phép, tôi sẽ vào thăm cụ, coi thử ra sao. Nếu anh cùng đi thì vui quá. Ta sẽ cố sắp xếp thời gian nghỉ phép cho trùng nhau để cùng đi. Đường đi thì dễ thôi. Ta mua vé đi tuyến Hà Nội-Nha Trang. Nhưng tới ga Chí Thạnh thì xuống rồi đi xe lam lên La Hai. Tôi thạo rồi, anh cứ đi với tôi?

Con tàu lại đột ngột dừng lại. Nó cũng không dừng lại ở ga mà dừng lại bên một cánh đồng. Chúng tôi nhìn về phía đầu tàu thì thấy có mấy người đang xuống. Hành khách nhao lên khi thấy tàu đậu lại một cách vô lý. Tôi hỏi một chị nhân viên phục vụ trên tàu đang đi ngang:

- Sao tàu lại dừng lại ở đây hở chị?

- Cho người nhà của trưởng tàu xuống, việc gì đến anh mà hỏi. Tàu cứ đưa anh đến ga anh đến là được.

Chị nhân viên ngúng nguẩy bước đi. Anh bạn tôi nhìn theo lắc đầu. Anh đưa thuốc cho tôi hút rồi kể tiếp, như việc dừng lại của con tàu không làm cho anh dứt chuyện được:

- Tôi đã nói với anh là tôi và anh bạn ấy trao địa chỉ cho nhau để liên hệ nhau, có dịp anh dẫn tôi cùng đi. Thế nhưng, một việc đáng tiếc xảy ra. Trên đường ra viện về đơn vị, xe anh đã bị một xe khác tông, anh đã mất. Tôi nghĩ, cái rủi ro kỳ lạ quá. Anh ấy đã vào sinh ra tử chẳng sao mà giờ chỉ vì một chiếc xe?

Chẳng hiểu sao, từ đó, tôi đâm ra có nhiều suy nghĩ lạ lắm về cái ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên cho tôi gặp anh ấy, một tai nạn ngẫu nhiên làm cho anh ấy mất đi. Tại sao anh ấy không đi xe sau hay đi xe trước đó? Không đi ngày trước hay ngày sau đó mà đi chính ngày hôm đó? Những sự ngẫu nhiên đôi lúc làm cho đời ta thay đổi một cách bất ngờ. Nhưng thôi, đó là chuyện khác. Tôi quay lại cái chuyện của tôi. Sau khi ra viện, tôi về nhà. Cấp trên cho tôi nghỉ một thời gian để dưỡng sức, sau đó có thể cho tôi giải ngũ vì sức yếu. Câu chuyện của anh bạn, cái chỗ ở của bà cụ được anh chỉ ra, làm cho mộng ước cũ của tôi bừng lên.

- Thế là bây giờ anh đi vào tìm cụ? Tôi chen vô.

- Vâng. Tôi đi tìm cụ. Cái ý định này được vợ tôi tán thành. Chẳng phải lúc đầu cô ấy đã đồng ý ngay đâu. Chả là cô ta sợ tôi yếu sức, đi lại nhọc mệt. Nhưng thấy tôi sốt ruột quá nên cô ấy cũng gật. Cô ấy còn bảo:" Em dành dụm được ít tiền, anh mang đi mà tiêu. Nhân tiện sắm quà cho bà cụ luôn thể". Tôi đi lần này có thêm một nghĩa vụ nữa: Tôi đi cho cả suất anh ấy. Tôi sẽ vào xem thử họ đã thực hiện chính sách cho cụ chưa? Bản thân, tôi sẽ cố làm thêm một nhân chứng nữa cho cụ. Đi tới đâu tôi cũng đi. Chẳng lẽ trong cuộc sống hôm nay, chúng ta quên lãng những con người như cụ hay sao?

Anh dừng lại, quấn một điếu thuốc nữa, rít liên tục mấy hơi liền rồi tiếp:

- Vợ tôi, cô ấy cũng là người có suy nghĩ lắm. Cô ấy bảo thế này, anh ấy có gan không:" Sắp tới, anh sẽ nghỉ mất sức. Bên em chỉ còn cậu Thắng đi bộ đội, chả còn ai, bên anh cũng vậy, xã đang vận động bà con vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới, hay ta vào chỗ cô nó (em gái tôi) làm ăn. Vừa qua cô nó bảo trong đó đất tốt lắm, người lại thưa, ngoài ta thì cũng khó khăn. Ta vào rồi, anh đến mời bà cụ lên ở với chúng ta. Cha mẹ anh sinh ra anh, cụ cứu anh thoát chết, coi như cụ sinh anh lần nữa. Anh thấy em nói có được không?" Tất nhiên là tôi tán thành quá. Kỳ này, tôi vào thăm cụ xong sẽ lên chỗ cô em gái ở Lâm Đồng bàn thêm chút nữa. Nhiệm vụ của vợ giao đấy. Thế là, tôi vội vã quay lên Lạng Sơn xin giấy phép đơn vị rồi vù xuống Hà Nội mua vé đi ngay hôm nay.


*

* *


Anh lại đốt thuốc lá rồi trầm ngâm nhìn ra cửa sổ. Con tàu đang đi qua một vùng đồi núi hoang vu, lòi còi sim mua của miền Trung. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ đến Quảng Bình, Đông Hà, rồi đến Huế. Những vùng đất nổi tiếng ấy đã bao lâu rồi quen thuộc với chúng ta, làm cho nhiều hành khách qua đây đều phải nhoài người ra cửa sổ để chiêm ngưỡng. Nhưng có một miền quê ấy, miền quê chưa ai biết đến mà bạn tôi đang đi tìm: miền quê La Hai của bà cụ Sáu?đang hiện lên giữa trái tim tôi. Tôi cầu mong anh sẽ thực hiện được ý định trong chuyến đi này và mường tượng ra cuộc gặp gỡ giữa anh với bà cụ Sáu: Hẳn lúc đó với tuổi già, bà cụ cũng sẽ không nhận ra anh như ngày nào đã từng không nhận ra người bạn của anh vừa mới mất.

Anh bạn tôi vẫn ngồi sốt ruột nhìn về phía đầu máy đang ì ạch kéo con tàu lên dốc như muốn thúc cho nó chạy nhanh hơn.

Tuy Hòa, 12-1981



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 220

Return to top