Các trang trước đã đưa mô tả giản lược của tôi về sự phát triển khoa học đi xa đến mức có thể trong tiểu luận này. Tuy nhiên, chúng không thể hoàn toàn cung cấp một kết luận. Nếu mô tả này có tóm được cấu trúc cơ bản của sự tiến hoá liên tục của khoa học một chút nào, nó đồng thời đặt ra một vấn đề đặc biệt: Vì sao công việc làm khoa học được phác hoạ ở trên lại chuyển động đều đặn về phía trước theo những cách mà, nghệ thuật, lí thuyết chính trị, hay triết học chẳng hạn, lại không? Vì sao sự tiến bộ lại là đặc quyền dành hầu như riêng cho các hoạt động mà chúng ta gọi là khoa học? Các câu trả lời thông thường nhất cho câu hỏi đó bị từ chối trong thân bài tiểu luận này. Chúng ta phải kết thúc bằng hỏi liệu có tìm được cái thay thế hay không.
Để ý ngay rằng một phần của câu hỏi là hoàn toàn về ngữ nghĩa. Ở chừng mực rất lớn từ ‘khoa học’ được dành cho các lĩnh vực có tiến bộ theo những cách hiển nhiên. Không ở đâu điều này tỏ ra rõ ràng hơn như trong các tranh luận hiện thời về liệu một khoa học xã hội đương thời này hay kia thực sự có là một khoa học hay không. Các tranh luận này có sự tương tự trong các thời kì trước khung mẫu của các lĩnh vực ngày nay được gắn nhãn khoa học một cách không do dự. Từ đầu đến cuối vấn đề bề ngoài của chúng là một định nghĩa của thuật ngữ gây nhiều tranh cãi đó. Người ta lí lẽ rằng tâm lí học, chẳng hạn, là một khoa học bởi vì nó có các đặc tính thế này thế nọ. Những người khác phản lại rằng các đặc tính đó chẳng cần thiết cũng không đủ để biến một lĩnh vực thành một khoa học. Thường rất nhiều năng lực được đầu tư, đam mê to lớn được khêu gợi, và người ngoài thì bối rối để biết vì sao. Rất nhiều có thể phụ thuộc vào một định nghĩa của ‘khoa học’? Một định nghĩa có thể nói cho một người liệu anh ta có là nhà khoa học hay không? Nếu vậy, vì sao các nhà khoa học tự nhiên hay các nghệ sĩ không lo lắng về định nghĩa của thuật ngữ? Chắc hẳn người ta nghi rằng vấn đề là cơ bản hơn. Có lẽ các câu hỏi như sau thực sự được hỏi: Vì sao lĩnh vực của tôi lại không tiến lên phía trước như vật lí học chẳng hạn? Những thay đổi nào về kĩ thuật hay phương pháp hay ý thức hệ khiến nó có thể làm như vậy? Đấy, tuy vậy, không phải là các câu hỏi có thể đáp ứng cho một sự đồng ý về định nghĩa. Hơn nữa, nếu tiền lệ từ các khoa học tự nhiên thích hợp, chúng sẽ ngưng là nguồn lo lắng không phải khi một định nghĩa được tìm thấy, mà là khi các nhóm bây giờ nghi ngờ tình trạng riêng của họ đạt được đồng thuận về các thành tựu quá khứ và hiện tại của họ. Có thể, thí dụ là quan trọng rằng các nhà kinh tế lí lẽ ít về liệu lĩnh vực của họ có là một khoa học hơn những người thực hành các lĩnh vực khác nào đó của khoa học xã hội. Có phải đó là vì các nhà kinh tế biết khoa học là gì không? Hay đúng hơn các nhà kinh tế biết cái mà họ đồng ý?
Điểm đó có một đảo đề, tuy không còn đơn giản mang tính ngữ nghĩa, cái có thể giúp bày tỏ các mối quan hệ không thể gỡ ra được giữa các quan niệm của chúng ta về khoa học và tiến bộ. Trong nhiều thế kỉ, trong thời cổ và lại nữa trong Châu Âu hiện đại lúc ban đầu, hội hoạ đã được coi như là môn học luỹ tích. Trong những năm đó mục tiêu của nghệ sĩ được cho là miêu tả. Các nhà phê bình và sử gia, như Pliny và Vasari, khi đó đã ghi chép với sự sùng kính hàng loạt các sáng chế từ việc vẽ thu gọn lại đến sự phối màu sáng tối, những sáng chế đã làm cho việc miêu tả tự nhiên hoàn hảo hơn một cách lần lượt là có thể.1 Song đó cũng là những năm, đặc biệt trong thời Phục Hưng, khi cảm thấy ít có sự chia tách giữa khoa học và nghệ thuật. Leonardo đã chỉ là một trong nhiều người lui tới một cách thoải mái giữa các lĩnh vực mà chỉ muộn hơn trở nên khác biệt dứt khoát.2 Hơn nữa, thậm chí sau khi sự trao đổi đều đều đó đã ngưng, thuật ngữ ‘nghệ thuật’ vẫn tiếp tục được dùng nhiều cho công nghệ và nghề thủ công, những cái cũng được coi như có tiến bộ, như cho hội hoạ và điêu khắc. Chỉ khi các lĩnh vực sau dứt khoát từ bỏ sự miêu tả như mục tiêu của chúng và bắt đầu học lần nữa từ các mô hình sơ đẳng thì sự chia tách mà bây giờ chúng ta cho là dĩ nhiên mới có bất cứ cái gì giống bề sâu hiện tại của nó. Và ngay cả hiện nay, để chuyển lĩnh vực một lần nữa, một phần của khó khăn của chúng ta về nhìn thấy các khác biệt sâu sắc giữa khoa học và công nghệ phải liên quan đến sự thực rằng sự tiến bộ là một thuộc tính hiển nhiên của cả hai lĩnh vực.
Tuy vậy, nó có thể làm rõ, chứ không giải được khó khăn hiện tại của chúng ta để nhận ra là ta có khuynh hướng nhìn như khoa học bất cứ lĩnh vực nào trong đó tiến bộ là rõ rệt. Vẫn còn vấn đề về hiểu vì sao tiến bộ phải là một đặc trưng đáng chú ý đến vậy của một việc làm được tiến hành với các kĩ thuật và mục tiêu mà tiểu luận này mô tả. Câu hỏi đó tỏ ra là nhiều trong một, và ta sẽ phải xem xét mỗi trong số chúng một cách tách biệt. Trong mọi trường hợp trừ trường hợp cuối cùng, tuy vậy, lời giải của chúng sẽ phụ thuộc một phần vào một sự đảo ngược quan điểm thông thường của chúng ta về quan hệ giữa hoạt động khoa học và cộng đồng thực hành nó. Ta phải học để nhận ra như các nguyên nhân cái thông thường vẫn được coi là kết quả. Nếu ta có thể làm điều đó, các lối nói ‘sự tiến bộ khoa học’ và thậm chí ‘tính khách quan khoa học’ có thể có vẻ một phần là thừa. Thực ra, một khía cạnh của sự thừa đã vừa được minh hoạ. Một lĩnh vực có tiến bộ bởi vì nó là khoa học, hay nó là khoa học bởi vì nó tiến bộ?
Bây giờ hỏi vì sao một công việc như khoa học thông thường phải tiến bộ, và bắt đầu bằng nhớ lại vài trong các đặc trưng nổi bật nhất của nó. Thông thường, các thành viên của một cộng đồng khoa học trưởng thành làm việc từ một khung mẫu đơn nhất hay từ một tập [khung mẫu] có quan hệ mật thiết. Rất hiếm khi các cộng đồng khoa học khác nhau khảo sát cùng các vấn đề. Trong các trường hợp đặc biệt đó các nhóm coi vài khung mẫu chủ yếu là chung. Tuy vậy, xét từ bên trong bất cứ cộng đồng đơn nhất nào của các nhà khoa học hay người không làm khoa học, kết quả của công việc sáng tạo thành công là sự tiến bộ. Làm sao nó có thể là bất cứ thứ gì khác? Thí dụ, ta vừa lưu ý rằng khi các nghệ sĩ nhắm tới miêu tả như mục tiêu của họ, cả các nhà phê bình lẫn các sử gia đã ghi chép sự tiến bộ của nhóm hình như được thống nhất đó. Các lĩnh vực sáng tạo khác biểu lộ sự tiến bộ cùng loại. Nhà thần học người trình bày rõ hơn giáo lí hay nhà triết học người trau chuốt các mệnh lệnh Kantian đóng góp cho sự tiến bộ, cho dù chỉ cho nhóm chia sẻ các tiền đề của ông ta. Không trường phái sáng tạo nào thừa nhận một loại công việc, một mặt, là một thành công sáng tạo, nhưng, mặt khác, lại không là một sự thêm vào thành tựu tập thể của nhóm. Nếu chúng ta nghi ngờ, như nhiều người nghi ngờ, rằng các lĩnh vực phi-khoa học có tiến bộ, điều đó là không thể bởi vì các trường phái riêng không tạo ra gì. Đúng hơn, nó phải là bởi vì luôn có các trường phái cạnh tranh, mỗi trong số chúng liên tục chất vấn chính nền tảng của các trường phái khác. Người lí lẽ rằng triết học, chẳng hạn, không tiến bộ gì, là nhấn mạnh rằng vẫn có các Aristotlian, không phải rằng thuyết Aristotle đã không phát triển.
Các nghi ngờ này về sự tiến bộ, tuy vậy, cũng nảy sinh trong khoa học nữa. Suốt thời kì trước-khung mẫu khi có vô số các trường phái cạnh tranh, rất khó tìm thấy bằng chứng về tiến bộ, trừ bên trong các trường phái. Đấy là thời kì được mô tả ở Mục II như thời kì trong đó các cá nhân thực hành khoa học, nhưng các kết quả của công việc của họ không thêm cho khoa học như chúng ta biết nó. Và lại nữa, ở các giai đoạn cách mạng khi các nguyên lí cơ bản của một lĩnh vực lại một lần nữa bị tranh cãi, những nghi ngờ được bày tỏ lặp đi lặp lại nhiều lần về chính khả năng của sự tiến bộ tiếp tục nếu khung mẫu này hay khung mẫu kia trong số các khung mẫu bị phản đối được chấp nhận. Những người từ chối thuyết Newton đã tuyên bố rằng việc nó dựa vào các lực nội tại sẽ đưa khoa học trở lại đêm trường Trung Cổ. Những người phản đối hoá học của Lavoisier đã cho rằng sự từ bỏ “các nguyên lí” hoá học ủng hộ các nguyên tố phòng thí nghiệm đã là sự từ bỏ sự giải thích đã đạt được về hoá học bởi những người trốn tránh chỉ trên danh nghĩa. Tuy được bày tỏ ôn hoà hơn, một cảm giác tương tự có vẻ nhấn mạnh sự phản đối của Einstein, Bohm, và những người khác, đối với diễn giải xác suất chi phối cơ học lượng tử. Tóm lại, chỉ ở các giai đoạn của khoa học thông thường sự tiến bộ có vẻ là cả hiển nhiên lẫn được đảm bảo. Ở các thời kì đó, tuy vậy, cộng đồng khoa học không thể nhìn các thành quả của công việc của nó theo cách nào khác.
Đối với khoa học thông thường, thì, một phần của câu trả lời cho vấn đề tiến bộ nằm đơn giản trong mắt của người xem. Tiến bộ khoa học không phải là loại khác với tiến bộ ở các lĩnh vực khác, nhưng sự thiếu vắng các trường phái cạnh tranh nghi ngờ các mục tiêu và các chuẩn mực của nhau trong hầu hết thời gian làm cho sự tiến bộ của một cộng đồng khoa học thông thường dễ nhìn thấy hơn nhiều. Đó, tuy vậy, chỉ là một phần của câu trả lời và không hề là phần quan trọng nhất. Thí dụ, chúng ta đã lưu ý rồi là một khi sự chấp nhận một khung mẫu chung đã giải phóng cộng đồng khoa học khỏi nhu cầu phải liên tục xét lại các nguyên lí cơ bản của nó, các thành viên của cộng đồng đó có thể tập trung chỉ riêng vào cái tinh tế nhất và bí truyền nhất trong các hiện tượng liên quan đến nó. Chắc hẳn, điều đó có làm tăng cả sự hữu hiệu và hiệu suất của nhóm như một tổng thể giải các vấn đề mới. Các khía cạnh khác của đời sống chuyên nghiệp trong các khoa học tăng cường chính hiệu suất đặc biệt này lên thêm nữa.
Vài trong số này là hệ quả của sự cách li vô song của các cộng đồng khoa học trưởng thành khỏi các đòi hỏi của người ngoài và của cuộc sống thường nhật. Sự cách li đó chẳng bao giờ là hoàn toàn – ta đang bàn về mức độ. Tuy nhiên, không có cộng đồng chuyên nghiệp khác nào trong đó công trình sáng tạo cá nhân lại chỉ dành riêng cho và được đánh giá bởi các thành viên khác của chuyên ngành. Người bí truyền nhất trong các nhà thơ hay người trừu tượng nhất trong các nhà thần học quan tâm hơn nhà khoa học nhiều đến sự chấp thuận của giới không chuyên đối với công trình sáng tạo của mình, tuy anh ta có thể thậm chí ít quan tâm hơn đến sự chấp thuận nói chung. Sự khác biệt đó tỏ ra do hậu quả. Chính vì anh ta làm việc chỉ cho cử toạ đồng nghiệp- những người nghe, đọc chia sẻ các giá trị và lòng tin riêng của anh tanhà khoa học có thể coi một tập duy nhất của các chuẩn mực là dĩ nhiên. Anh ta không cần lo về cái nhóm hay trường phái khác nào đó sẽ nghĩ và vì thế có thể vứt bỏ một vấn đề và nhảy sang vấn đề tiếp nhanh hơn người làm việc cho một nhóm không chính thống hơn. Thậm chí quan trọng hơn, sự cách li của cộng đồng khoa học khỏi xã hội cho phép cá nhân các nhà khoa học tập trung sự chú ý của mình vào các vấn đề mà anh ta có lí do chính đáng để tin là mình có khả năng giải quyết. Không giống kĩ sư, và nhiều bác sĩ, và hầu hết các nhà thần học, nhà khoa học không cần chọn các vấn đề bởi vì chúng cấp thiết cần lời giải và không để ý đến các công cụ sẵn có để giải quyết chúng. Cả về khía cạnh này nữa, sự tương phản giữa các nhà khoa học tự nhiên và nhiều nhà khoa học xã hội tỏ ra là bài học bổ ích. Các người sau thường có khuynh hướng, khi những người trước hầu như chẳng bao giờ, bảo vệ sự lựa chọn vấn đề nghiên cứu của họ- thí dụ, các ảnh hưởng của sự phân biệt chủng tộc hay các nguyên nhân của chu kì kinh doanh- chủ yếu dưới dạng tầm quan trọng xã hội của việc đạt một giải pháp. Người ta kì vọng nhóm nào sẽ giải quyết các vấn đề với tốc độ nhanh hơn?
Hiệu quả của sự cách li khỏi xã hội rộng hơn rất được tăng cường bởi một đặc trưng khác của cộng đồng khoa học chuyên nghiệp, bản tính của sự nhập môn giáo dục của nó. Về âm nhạc, nghệ thuật đồ hoạ, và văn học, người hành nghề có được sự giáo dục của mình bằng sự đặt ra trước các tác phẩm của các nghệ sĩ khác, chủ yếu các nghệ sĩ sớm hơn. Các sách giáo khoa, trừ bản tóm tắt hay các sổ tay cho sáng tạo độc đáo, chỉ có vai trò thứ yếu. Về lịch sử, triết học, và các khoa học xã hội, sách giáo khoa có một tầm quan trọng lớn hơn. Nhưng ngay cả trong các lĩnh vực này giáo trình cơ bản ở học viện sử dụng song song việc đọc các nguồn gốc, vài trong số chúng là “kinh điển” của lĩnh vực, số khác là các báo cáo nghiên cứu đương thời do những người hành nghề viết cho nhau. Kết quả là, sinh viên trong bất cứ môn nào trong các môn học này liên tục biết về sự đa dạng bao la của các vấn đề mà các thành viên của nhóm tương lai của anh ta, theo diễn tiến thời gian, thử giải quyết. Thậm chí quan trọng hơn, anh ta liên tục có trước mặt mình một số các lời giải cạnh tranh nhau và không thể so sánh được với nhau cho các vấn đề này, các lời giải cuối cùng anh ta phải đánh giá cho chính mình.
Tương phản tình hình này với tình hình chí ít trong các khoa học tự nhiên đương thời. Trong các lĩnh vực này nghiên cứu sinh chủ yếu dựa vào các sách giáo khoa cho đến khi, trong công trình năm thứ ba hay thứ tư của mình, anh ta bắt đầu nghiên cứu riêng của mình. Nhiều chương trình khoa học thậm chí không yêu cầu nghiên cứu sinh đọc các tác phẩm không được viết đặc biệt cho các nghiên cứu sinh. Vài chưng trình có chỉ định đọc thêm các bài báo nghiên cứu và sách chuyên khảo giới hạn các chỉ định như vậy cho các cua cao cấp nhất và cho các nội dung mà các sách giáo khoa sẵn có ít nhiều bỏ qua. Cho đến chính các giai đoạn cuối cùng của việc đào tạo một nhà khoa học, các sách giáo khoa là cái thay thế có hệ thống cho văn học khoa học sáng tạo làm cho chúng có thể. Căn cứ vào sự tin tưởng vào khung mẫu của họ, khung mẫu khiến cho kĩ thuật giáo dục này có thể, ít nhà khoa học muốn thay đổi nó. Rốt cuộc, vì sao nghiên cứu sinh vật lí, chẳng hạn, phải đọc các công trình của Newton, Faraday, Einstein, hay Schrödinger, khi mọi thứ anh ta cần để biết về các công trình này được tóm tắt lại ở dạng ngắn hơn, chính xác hơn, và có hệ thống hơn nhiều trong một số sách giáo khoa hiện đại?
Không muốn bảo vệ độ dài quá thể mà loại giáo dục này đôi khi mang lại, người ta không thể không nhận ra rằng nói chung nó cực kì có kết quả. Tất nhiên, nó là một sự giáo dục hẹp và cứng nhắc, có lẽ như thế hơn bất cứ sự giáo dục khác nào trừ có lẽ thần học chính thống. Nhưng cho công việc khoa học thông thường, cho giải câu đố bên trong truyền thống mà sách giáo khoa xác định, nhà khoa học hầu như được trang bị hoàn hảo. Vả lại, anh ta cũng được trang bị tốt cho nhiệm vụ khác nữa – gây ra các khủng hoảng quan trọng qua khoa học thông thường. Khi chúng nổi lên, nhà khoa học, tất nhiên, không được trang bị tốt ngang thế. Cho dù các khủng hoảng kéo dài có lẽ phản ánh thực tiễn giáo dục ít cứng nhắc hơn, sự đào tạo khoa học không được thiết kế khéo để tạo ra người dễ dàng khám phá ra một cách tiếp cận mới. Song chừng nào có ai đó xuất hiện với một ứng viên mới cho khung mẫu- thường là một người trẻ hay người mới đối với lĩnh vực- sự mất mát do tính cứng nhắc dồn hết chỉ cho cá nhân. Cho trước một thế hệ mang lại sự thay đổi, tính cứng nhắc cá nhân là tương thích với một cộng đồng có thể chuyển đột ngột từ khung mẫu này sang khung mẫu kia khi nhu cầu đòi hỏi. Đặc biệt, nó tương thích khi chính tính cứng nhắc đó cung cấp cho cộng đồng một chỉ báo nhạy cảm rằng đã có cái gì đó sai.
Trong trạng thái bình thường của nó, khi đó, một cộng đồng khoa học là một công cụ cực kì hiệu quả cho giải quyết các vấn đề hay giải các câu đố mà khung mẫu của nó xác định. Hơn nữa, kết quả của giải các vấn đề đó phải chắc hẳn là tiến bộ. Không có vấn đề gì ở đây cả. Nhìn thấy ngần ấy, tuy vậy, chỉ nêu bật phần chủ yếu thứ hai của vấn đề tiến bộ trong các khoa học. Vì thế hãy quay sang nó và hỏi về sự tiến bộ qua khoa học khác thường. Vì sao sự tiến bộ cũng là cái đi kèm hình như phổ quát của các cuộc cách mạng khoa học? Lại một lần nữa, có nhiều để học bằng cách hỏi kết quả của một cuộc cách mạng có thể là gì khác. Các cuộc cách mạng kết thúc với một thắng lợi hoàn toàn cho một trong hai phe đối lập nhau. Nhóm đó có bao giờ nói rằng kết quả của thắng lợi của nó là cái gì đó ít hơn sự tiến bộ? Điều đó sẽ đúng hơn như thừa nhận rằng họ đã sai và đối thủ của họ đúng. Đối với họ, chí ít, kết quả của cách mạng phải là tiến bộ, và họ ở vị thế tuyệt vời để đảm bảo chắc rằng các thành viên tương lai của cộng đồng của họ sẽ nhìn lịch sử quá khứ theo cùng cách.
Mục XI đã mô tả chi tiết các kĩ thuật theo đó điều này được thực hiện, và ta vừa trở lại một khía cạnh liên quan mật thiết của đời sống khoa học chuyên nghiệp. Khi nó từ bỏ một khung mẫu quá khứ, một cộng đồng khoa học đồng thời không theo hầu hết các sách giáo khoa và các bài báo trong đó khung mẫu ấy được hiện thân, như một chủ đề phù hợp cho nghiên cứu chuyên sâu cẩn thận. Giáo dục khoa học không dùng sự tương đương cho viện bảo tàng nghệ thuật hay thư viện các tác phẩm kinh điển, và kết quả là sự bóp méo đôi khi rất nghiêm trọng về cảm nhận của nhà khoa học về quá khứ của môn học của anh ta. Nhiều hơn những người thực hành các lĩnh vực sáng tạo khác, anh ta đi đến thấy nó như dẫn theo đường thẳng đến ưu thế hiện tại của môn học. Tóm lại, anh ta đi đến thấy nó như sự tiến bộ. Không có lựa chọn khả dĩ nào sẵn có cho anh ta khi anh ta vẫn ở trong lĩnh vực.
Chắc hẳn các nhận xét đó sẽ gợi ý rằng thành viên của một cộng đồng khoa học trưởng thành, giống nhân vật điển hình của [tác phẩm] 1984 của Orwell, là nạn nhân của một lịch sử được viết lại bởi những kẻ nắm quyền. Vả lại, sự gợi ý đó hoàn toàn không phải không thích hợp. Có những mất mát cũng như lợi lộc trong các cuộc cách mạng khoa học, và các nhà khoa học có khuynh hướng đặc biệt mù với cái trước.3 Mặt khác, không giải thích nào về tiến bộ qua các cuộc cách mạng có thể dừng lại ở điểm này. Làm như vậy sẽ là ngụ ý rằng trong các khoa học kẻ mạnh làm ra lẽ phải, một cách diễn đạt lại không hoàn toàn sai nếu nó không ngăn bản chất của quá trình và của quyền uy theo đó sự lựa chọn giữa các khung mẫu được đưa ra. Nếu giả như riêng quyền uy, và đặc biệt nếu là quyền uy phi chuyên môn, là quan toà của các tranh cãi khung mẫu, kết quả của các cuộc tranh cãi đó vẫn có thể là cách mạng, song sẽ không là cách mạng khoa học. Chính sự tồn tại của khoa học phụ thuộc vào sự trao quyền lựa chọn giữa các khung mẫu cho các thành viên của một loại cộng đồng đặc biệt. Tính đặc biệt thế nào cộng đồng đó phải là nếu muốn khoa học sống sót và phát triển có thể được biểu lộ bởi tính rất mong manh của ảnh hưởng của loài người đến hoạt động khoa học. Mỗi nền văn minh mà ta có hồ sơ đã có một công nghệ, một nghệ thuật, một tôn giáo, một hệ thống chính trị, pháp luật, và v.v. Trong nhiều trường hợp các mặt đó của nền văn minh đã phát triển như của riêng chúng ta. Song chỉ các nền văn minh bắt nguồn từ Hy Lạp Cổ có nhiều hơn khoa học sơ đẳng nhất. Khối tri thức khoa học là sản phẩm của Châu Âu trong bốn thế kỉ vừa qua. Không chỗ nào và thời kì nào khác đã cổ vũ các cộng đồng rất đặc biệt từ đó hiệu suất khoa học bắt nguồn.
Các đặc trưng cơ bản của các cộng đồng này là gì? Hiển nhiên, chúng cần nghiên cứu nhiều hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực này chỉ có thể có những khái quát hoá mang tính thăm dò nhất, chưa dứt khoát nhất. Tuy nhiên, một số các điều kiện tất yếu cho tư cách thành viên trong một nhóm khoa học chuyên nghiệp phải là rõ một cách nổi bật rồi. Nhà khoa học phải, chẳng hạn, quan tâm đến giải quyết các vấn đề về ứng xử của tự nhiên. Ngoài ra, tuy mối quan tâm của anh ta đến tự nhiên có thể là bao trùm trong phạm vi của nó, các vấn đề mà anh ta làm việc phải là các vấn đề về chi tiết. Quan trọng hơn, các lời giải làm anh ta thoả mãn có thể không chỉ có tính cá nhân mà thay vào đó phải được nhiều người chấp nhận như các lời giải. Nhóm chia sẻ chúng, tuy vậy, có thể không phải được rút ra ngẫu nhiên từ toàn bộ xã hội, mà đúng hơn là cộng đồng được xác định rõ của các bạn đồng nghiệp của nhà khoa học. Một trong những qui tắc mạnh nhất, nếu như vẫn không thành văn, của đời sống khoa học là sự cấm cầu khẩn đến các nguyên thủ quốc gia hay đến công chúng rộng rãi trong các vấn đề khoa học. Sự thừa nhận sự tồn tại của một nhóm chuyên môn có trình độ duy nhất và chấp nhận vai trò của nó như quan toà độc nhất của thành tích chuyên nghiệp có các ngụ ý thêm. Các thành viên của nhóm, như các cá thể và do đức hạnh của sự đào tạo chung và kinh nghiệm của họ, phải được coi như những người sở hữu duy nhất của các quy tắc chơi hay của cơ sở tương đương nào đó cho các đánh giá dứt khoát. Đi nghi ngờ rằng họ chia sẻ cơ sở nào đó như vậy để đánh giá sẽ là đi thừa nhận sự tồn tại của các chuẩn mực không tương thích về thành tựu khoa học. Sự thú nhận đó sẽ chắc hẳn làm nảy sinh sự nghi ngờ liệu chân lí trong các khoa học có thể là một.
Danh mục nhỏ về các đặc trưng chung cho các cộng đồng khoa học được rút ra hoàn toàn từ thực hành khoa học thông thường, và nó phải thế. Đó là hoạt động mà nhà khoa học thông thường được đào tạo. Tuy vậy, lưu ý rằng bất chấp kích thước nhỏ của nó danh mục này là đủ để tách hẳn các cộng đồng như vậy khỏi tất cả các nhóm chuyên nghiệp khác rồi. Và lưu ý thêm rằng bất chấp nguồn của nó là từ khoa học thông thường danh mục giải thích nhiều đặc tính của phản ứng của nhóm trong các cuộc cách mạng và đặc biệt trong các tranh luận khung mẫu. Chúng ta đã quan sát rồi rằng một nhóm thuộc loại này phải thấy một sự thay đổi khung mẫu như sự tiến bộ. Bây giờ chúng ta có thể nhận ra rằng cảm nhận này, trong các khía cạnh quan trọng, là tự-thoả mãn. Cộng đồng khoa học là một công cụ vô cùng có hiệu quả để tối đa hoá số lượng và sự chính xác của vấn đề được giải quyết quan thay đổi khung mẫu.
Bởi vì đơn vị của thành tựu khoa học là vấn đề đã được giải quyết và vì nhóm biết kĩ các vấn đề nào đã được giải rồi, ít nhà khoa học sẽ dễ bị thuyết phục để chấp nhận một quan điểm lại bắt đầu nghi ngờ nhiều vấn đề đã được giải quyết trước đây. Bản thân tự nhiên phải đầu tiên làm xói mòn tính an toàn nghề nghiệp bằng làm cho các thành tựu trước có vẻ có vấn đề. Hơn nữa, thậm chí khi điều đó xảy ra và một ứng viên mới cho khung mẫu đã được gợi lên, các nhà khoa học sẽ không sẵn lòng theo nó trừ khi được thuyết phục rằng hai điều kiện quan trọng nhất được thoả mãn. Thứ nhất, ứng viên mới phải có vẻ giải quyết được vấn đề nổi bật và nói chung được thừa nhận nào đó mà không thể thoả mãn bằng cách nào khác. Thứ hai, khung mẫu mới phải hứa hẹn duy trì một phần tương đối lớn khả năng giải-vấn đề cụ thể đã được tích luỹ cho khoa học qua các khung mẫu trước. Tính mới vì tính mới không phải là một điều ao ước trong các khoa học như trong rất nhiều lĩnh vực sáng tạo khác. Kết quả là, mặc dù các khung mẫu mới hiếm khi hoặc chẳng bao giờ có tất cả các năng lực của các tiền nhiệm của chúng, chúng thường bảo toàn rất nhiều phần chụ thể nhất của thành tựu quá khứ và ngoài ra chúng luôn cho phép các giải pháp-vấn đề cụ thể thêm.
Nói ngần ấy không phải gợi ý rằng khả năng giải vấn đề hoặc là cơ sở duy nhất hoặc là cơ sở dứt khoát cho sự lựa chọn khung mẫu. Chúng ta đã nhắc đến nhiều lí do vì sao không thể có tiêu chuẩn nào thuộc loại đó rồi. Nhưng nó có gợi ý rằng một cộng đồng các chuyên gia khoa học sẽ làm mọi thứ sao cho nó có thể đảm bảo sự tăng trưởng liên tục của dữ liệu được thu thập mà nó có thể xử lí với sự chính xác và chi tiết. Trong quá trình cộng đồng sẽ chịu những thiệt hại. Thường một số vấn đề cũ phải bị xua đuổi. Ngoài ra cách mạng thường xuyên làm hẹp phạm vi của các mối quan tâm của cộng đồng, làm tăng mức độ chuyên môn hoá của nó, và làm suy giảm sự liên lạc của nó với các nhóm khác, cả khoa học lẫn không chuyên. Mặc dù khoa học chắc chắn tăng về bề sâu, nó có thể cũng không tăng về bề rộng. Nếu nó làm vậy, bề rộng đó biểu lộ ở sự tăng nhanh của các chuyên ngành khoa học, chứ không ở phạm vi của riêng bất cứ chuyên ngành độc nhất nào. Tuy bất chấp các thiệt hại này hay thiệt hại khác đối với riêng các cộng đồng, bản chất của các cộng đồng như vậy cho một sự đảm bảo thực sự rằng cả danh mục các vấn đề được khoa học giải quyết và sự chính xác của riêng các lời giải-vấn đề sẽ tăng lên và tăng lên. Chí ít, bản chất của cộng đồng cung cấp một đảm bảo như vậy nếu có bất cứ cách nào theo đó nó có thể được cung cấp. Có tiêu chuẩn nào tốt hơn quyết định của nhóm khoa học có thể có ở đó?
Đoạn văn vừa qua chỉ ra các hướng theo đó tôi tin một lời giải tao nhã hơn của vấn đề tiến bộ trong các khoa học phải được tìm. Có lẽ chúng cho biết rằng tiến bộ khoa học không hoàn toàn là cái chúng ta cho nó là. Song chúng đồng thời cho thấy rằng một loại tiến bộ sẽ chắc hẳn đặc trưng cho việc làm khoa học chừng nào một việc làm táo bạo như vậy tiếp tục tồn tại. Trong khoa học không cần có sự tiến bộ thuộc loại khác. Chúng ta có thể, chính xác hơn, phải từ bỏ quan niệm, tường minh hay ngầm định, rằng những thay đổi khung mẫu đưa các nhà khoa học và những người học từ họ đến gần hơn và gần hơn tới chân lí.
Bây giờ là lúc lưu ý rằng cho đến vài trang vừa qua thuật ngữ ‘chân lí’ đã bước vào tiểu luận này chỉ ở dạng một trích dẫn từ Francis Bacon. Và ngay cả ở các trang đó nó bước vào chỉ như một nguồn cho niềm tin chắc của nhà khoa học rằng các quy tắc không tương thích cho làm khoa học không thể cùng tồn tại trừ trong các cuộc cách mạng khi nhiệm vụ chính của nghề là đi loại bỏ tất cả các tập trừ một tập. Quá trình phát triển được mô tả trong tiểu luận này là một quá trình tiến hoá từ khởi đầu thô sơ - một quá trình mà các giai đoạn kế tiếp của nó được đặc trưng bởi sự hiểu biết chi tiết và tinh tế ngày càng tăng về tự nhiên. Nhưng chẳng có gì được nói hay sẽ được nói khiến cho nó là một quá trình tiến hoá đến bất cứ cái gì. Chắc hẳn chỗ thiếu đó sẽ làm bối rối nhiều bạn đọc. Tất cả chúng ta đều hết sức quen để nhìn khoa học như một việc làm táo bạo liên tục đưa gần hơn tới mục tiêu nào đó do tự nhiên đặt ra trước.
Nhưng có cần bất cứ mục tiêu nào như vậy không? Có phải chúng ta không thể giải thích cả sự tồn tại của khoa học lẫn thành công của nó dưới dạng tiến hoá từ trạng thái hiểu biết của cộng đồng ở bất cứ thời điểm nào? Nó có thực sự giúp để tưởng tượng rằng có một sự giải thích đầy đủ, khách quan, đúng nào đó về tự nhiên và rằng thước đo thích đáng của thành tựu khoa học là mức độ mà nó đưa chúng ta gần hơn đến mục tiêu cuối cùng đó? Nếu chúng ta có thể học để thay sự tiến hoá-từ-cái-chúng ta-biết cho sự tiến hoá-đến-cái-chúng ta-muốn-biết, một loạt các vấn đề gây bực mình có thể biến mất trong quá trình. Vấn đề về quy nạp phải nằm, chẳng hạn, ở đâu đó trong mê cung này.
Tôi vẫn không thể chỉ rõ một chút chi tiết nào các hậu quả của cách nhìn luân phiên này về sự tiến bộ khoa học. Nhưng nó giúp để nhận ra rằng sự đổi chỗ quan niệm được kiến nghị ở đây là rất gần với cái mà Phương Tây đã đảm nhận đúng một thế kỉ trước. Nó đặc biệt có ích bởi vì trong cả hai trường hợp trở ngại chính cho sự đổi chỗ là như nhau. Khi Darwin lần đầu tiên công bố lí thuyết của mình về tiến hoá bằng chọn lọc tự nhiên năm 1859, cái gây buồn bực nhất đối với nhiều nhà chuyên môn đã chẳng phải là khái niệm về các loài thay đổi cũng không phải là nguồn gốc khả dĩ của con người từ khỉ. Bằng chứng chỉ ra sự tiến hoá, bao gồm tiến hoá của người, đã được thu thập từ hàng thập kỉ, và ý tưởng về tiến hoá đã được gợi ý và phổ biến rộng rãi trước đó. Tuy tiến hoá, như vốn là, đã bắt gặp sự kháng cự, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo nào đó, nó không hề là khó khăn lớn nhất mà các nhà Darwinian đối mặt. Khó khăn đó xuất phát từ một ý tưởng gần như ý tưởng riêng của Darwin. Tất cả các lí thuyết tiến hoá trước Darwin được nhiều người biết đến – các lí thuyết của Lamarck, Chambers, Spencer, và các nhà Triết học Tự nhiên Đức – đã coi sự tiến hoá là một quá trình hướng mục tiêu. “Ý tưởng” về người và về hệ động thực vật đương thời đã được nghĩ là đã có mặt từ sự tạo ra đầu tiên của sự sống, có lẽ trong đầu của Chúa. Ý tưởng hay kế hoạch đó đã cung cấp một hướng và lực hướng dẫn cho toàn bộ quá trình tiến hoá. Mỗi giai đoạn mới của sự phát triển tiến hoá đã là một sự thực hiện hoàn hảo hơn của một kế họch đã hiện diện từ lúc đầu.4
Đối với nhiều người sự huỷ bỏ loại tiến hoá thần học đó đã là gợi ý quan trọng nhất và ít có thể chấp nhận được nhất trong các gợi ý của Darwin.5 Cuốn Origin of Species [Nguồn gốc của các Loài] không thừa nhận mục tiêu nào do hoặc Chúa hoặc Tự nhiên đặt ra. Thay vào đó, sự chọn lọc tự nhiên, hoạt động trong môi trường cho trước và với các sinh vật hiện tại có sẵn, chịu trách nhiệm về sự nổi lên dần dần nhưng đều đặn của các sinh vật tinh vi hơn, khác biệt hơn, và cực kì thích ứng hơn. Ngay cả các cơ quan được thích nghi tuyệt diệu như mắt và tay của con người – các cơ quan mà mục đích của chúng trước đây đã cung cấp các lí lẽ hùng mạnh cho sự tồn tại của một nhà sáng chế tối cao và một kế hoạch từ trước – là các sản phẩm của một quá trình chuyển động đều đặn từ khởi đầu thô sơ nhưng không tới mục tiêu nào. Lòng tin rằng sự chọn lọc tự nhiên, sinh ra từ sự cạnh tranh đơn thuần giữa các sinh vật vì sự sống sót, đã có thể tạo ra con người cùng với các động vật bậc cao và thực vật đã là khía cạnh khó khăn và gây bối rối nhất của lí thuyết Darwin. “Sự tiến hoá’, ‘sự phát triển’, và ‘sự tiến bộ’ có thể có nghĩa gì khi thiếu một mục tiêu được định rõ? Đối với nhiều người, các từ như vậy đột nhiên có vẻ tự-mâu thuẫn.
Phép tương tự liên hệ sự tiến hoá của các sinh vật với sự tiến hoá của các ý tưởng khoa học có thể dễ bị đẩy đi quá xa. Nhưng đối với các vấn đề của mục kết thúc này nó rất gần như hoàn hảo. Quá trình được mô tả trong Mục XII như sự giải quyết của các cuộc cách mạng là sự chọn lọc bởi xung đột bên trong cộng đồng khoa học về cách thích hợp nhất để thực hành khoa học tương lai. Kết quả thuần của một chuỗi các chọn lọc cách mạng như vậy, được tách rời bởi các giai đoạn nghiên cứu thông thường, là tập được thích nghi tuyệt vời của các công cụ mà chúng ta gọi là tri thức khoa học hiện đại. Các giai đoạn kế tiếp trong quá trình phát triển đó được đánh dấu bằng một sự tăng lên về sự trình bày rõ hơn và chuyên môn hoá. Và toàn bộ quá trình có thể đã xảy ra, như bây giờ chúng ta cho rằng sự tiến hoá sinh học đã xảy ra, mà không có lợi ích của một mục tiêu cố định, một chân lí khoa học cố định mãi mãi, mà mỗi giai đoạn trong sự phát triển của tri thức khoa học là một bản tốt hơn của nó.
Bất cứ ai theo dõi lí lẽ cho đến đây tuy nhiên sẽ cảm thấy nhu cầu để hỏi vì sao quá trình tiến hoá lại hoạt động. Tự nhiên, kể cả con người, phải là thế nào để cho khoa học là có thể chút nào? Vì sao các cộng đồng khoa học lại có thể đạt được một sự đồng thuận vững chắc không thể đạt được trong các lĩnh vực khác? Vì sao sự đồng thuận lại kéo dài qua sự thay đổi khung mẫu này sau một sự thay đổi khác? Và vì sao sự thay đổi khung mẫu lại lúc nào cũng tạo ra một công cụ hoàn hảo hơn theo bất cứ nghĩa nào so với những cái được biết trước đấy? Từ một quan điểm các câu hỏi đó, trừ câu đầu, đã được trả lời rồi. Nhưng từ quan điểm khác chúng vẫn còn bỏ ngỏ như chúng đã là khi tiểu luận này bắt đầu. Không phải chỉ cộng đồng khoa học phải là đặc biệt. Thế giới mà cộng đồng đó là một phần cũng phải có các đặc trưng khá đặc biệt, và chúng ta không hề gần hơn so với chúng ta đã ở lúc xuất phát để biết những cái này phải là gì. Vấn đề đó – Thế giới phải giống thế nào để cho con người có thể hiểu biết nó? – tuy vậy, đã không do tiểu luận này tạo ra. Ngược lại, nó là vấn đề cổ như bản thân khoa học, và nó vẫn không được trả lời. Nhưng nó không cần được trả lời ở chỗ này. Bất cứ quan niệm nào về tự nhiên tương thích với sự tăng trưởng của khoa học bằng chứng minh là tương thích với quan điểm tiến hoá của khoa học được trình bày ở đây. Vì cách nhìn này cũng tương thích với sự quan sát tỉ mỉ của đời sống khoa học, có các lí lẽ mạnh mẽ cho việc dùng nó trong các nỗ lực để giải hàng loạt vấn đề vẫn còn lại.
------------------
1 E. H. Gombrich, Art and Illusion: A Study in the Psychology of Pictorial Representation (New York, 1960), pp. 11-12.
2 Ibid., p. 97; và Giorgio de Santillana, “The Role of Art in Scientific Renaissance,” trong Critical Problems in the History of Science, ed. M. Clagett (Madison, Wis., 1959), pp. 33-65.
3 Các sử gia khoa học thường bắt gặp sự mù quáng này ở một dạng đặc biệt nổi bật. Nhóm các sinh viên đến với họ từ các khoa học rất thường là nhóm xứng đáng nhất mà họ dạy. Song nó cũng thường là nhóm gây bực dọc nhất lúc đầu. Bởi vì các sinh viên khoa học “biết các câu trả lời đúng”, đặc biệt khó để khiến họ phân tích một khoa học cũ hơn bằng các thuật ngữ riêng của nó.
4 Loren Eiseley, Darwin’s Century: Evolution and the Men Who Discovered It (New York, 1958), ch. ii, iv-v.
5 Về một tường thuật đặc biệt gay gắt về cuộc chiến đấu của một nhà Darwinian xuất sắc với vấn đề này, xem A. Hunter Dupree, Asa Gray, 1810- 1888 (Cambridge, Mass., 1959), pp. 295-306, 355-83.