Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> CẤU TRÚC CỦA CÁC CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 721334 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

CẤU TRÚC CỦA CÁC CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC
THOMAS S. KUHN

Chương 2

Trong tiểu luận này, ‘khoa học thông thường – normal science”  có nghĩa là nghiên cứu dựa một cách vững chắc vào một hay  nhiều thành tựu khoa học quá khứ, các thành tựu mà cộng đồng  khoa học cá biệt nào đó công nhận trong một thời kì như tạo  thành nền tảng cho sự thực hành hơn nữa của nó. Ngày nay các  thành tựu như vậy được các sách giáo khoa khoa học, sơ đẳng  hay cao cấp, thuật lại chi tiết, tuy hiếm khi ở dạng gốc của  chúng. Các sách giáo khoa này trình bày chi tiết lí thuyết được  chấp nhận, minh hoạ nhiều hay tất cả các ứng dụng thành công  của nó, và so sánh các ứng dụng này với các quan sát và thí  nghiệm dẫn chứng. Trước khi các sách giáo khoa như vậy trở nên phổ biến ban đầu ở thế kỉ mười chín (và cho đến thậm chí  mới đây ở các khoa học mới chín muồi), nhiều trong số các kinh  điển nổi tiếng đã thực hiện một chức năng tương tự. Physica của  Aristotle, Almagest của Ptolemy, Principia và Opticks của  Newton, Electricity của Franklin, Chemistry của Lavoisier, và  Geology của Lyell – các sách kinh điển này và nhiều tác phẩm  khác trong một thời gian đã được dùng một cách ngầm định để xác định các vấn đề và phương pháp chính đáng của một lĩnh  vực nghiên cứu cho các thế hệ kế tiếp nhau của những người  thực hành. Chúng đã có khả năng làm vậy bởi vì chúng chia sẻ hai đặc trưng cốt yếu. Thành tựu của họ là chưa từng có một  cách thoả đáng để thu hút một nhóm bền lâu những người ủng hộ khỏi các phương thức hoạt động khoa học cạnh tranh. Đồng thời,  nó đủ mở để cho phép mọi loại vấn đề để cho nhóm được xác  định lại của những người thực hành giải quyết.
Các thành tựu chia sẻ hai đặc trưng này từ nay về sau tôi sẽ nhắc đến như ‘khung mẫu-paradigm’, một thuật ngữ có quan hệ mật thiết với ‘khoa học thông thường’. Bằng chọn thuật ngữ đó,  tôi muốn gợi ý rằng một số thí dụ được chấp nhận của thực hành  khoa học thực sự - các thí dụ bao gồm qui luật, lí thuyết, ứng  dụng, và sự trang bị dụng cụ cùng với nhau - tạo ra các mô hình  từ đó xuất hiện các truyền thống cố kết cá biệt về nghiên cứu  khoa học. Đấy là các truyền thống mà các sử gia mô tả dưới các  đề mục như ‘thiên văn học Ptolemaic’ (hay ‘Corpernican’),  ‘động học Aristotlian’ (hay ‘Newtonian’), ‘quang học hạt’ (hay ‘quang học sóng’), và v.v. Nghiên cứu các khung mẫu, kể cả nhiều khung mẫu chuyên biệt hơn các khung mẫu được nêu minh  hoạ ở trên, là công việc chuẩn bị chủ yếu cho sinh viên để làm  thành viên của cộng đồng khoa học cá biệt mà muộn hơn anh ta  sẽ hành nghề với. Bởi vì ở đó anh ta đến với những người đã học  những cơ sở của lĩnh vực của họ từ cùng các mô hình cụ thể,  việc thực hành kế tiếp của anh ta sẽ hiếm khi gây ra bất đồng  công khai với những nguyên tắc cơ bản. Những người mà nghiên  cứu của họ dựa trên các khung mẫu dùng chung đều cam kết với  cùng các quy tắc và tiêu chuẩn hành nghề khoa học. Sự cam kết  đó và sự đồng thuận bề ngoài mà nó tạo ra là các điều kiện tiên  quyết cho khoa học thông thường, tức là, cho sự hình thành và  tiếp tục của một truyền thống nghiên cứu cá biệt.
Bởi vì trong tiểu luận này khái niệm về một khung mẫu sẽ thường thay cho đủ loại khái niệm quen thuộc, cần nói nhiều hơn  về các lí do để đưa nó vào. Vì sao thành tựu khoa học cụ thể, như vị trí (locus) của cam kết chuyên nghiệp, lại là trước [trên] các  khái niệm khác nhau, các qui luật, các lí thuyết, và các quan  điểm có thể được trừu tượng hoá từ nó? Theo nghĩa nào mà  khung mẫu chung là một đơn vị cơ bản cho nhà nghiên cứu sự phát triển khoa học, một đơn vị không thể hoàn toàn qui giản về các thành phần nguyên tử logic có thể hoạt động thay cho nó?  Khi chúng ta đối mặt với chúng ở Mục V, các câu trả lời cho  những câu hỏi này và các câu hỏi giống chúng sẽ tạo cơ sở cho  một sự hiểu biết cả về khoa học thông thường lẫn về khái niệm  liên quan về khung mẫu. Thảo luận trừu tượng hơn đó sẽ phụ thuộc, tuy vậy, vào một sự phơi bày trước của các thí dụ về khoa  học thông thường hay về các khung mẫu đang hoạt động. Đặc  biệt, cả hai khái niệm có liên quan này sẽ được làm rõ bằng lưu ý  rằng có thể có loại nghiên cứu khoa học mà không có các khung  mẫu, hay chí ít không đến nỗi rõ ràng và trói buộc đến thế như các khung mẫu được nói tới ở trên. Việc đạt được một khung  mẫu và loại nghiên cứu bí truyền hơn mà nó cho phép là một dấu  hiệu về sự trưởng thành trong sự phát triển của bất cứ lĩnh vực  khoa học cho trước nào.
Nếu nhà sử học lần vết tri thức khoa học của bất cứ nhóm được  chọn nào của các hiện tượng liên quan theo ngược dòng thời  gian, anh ta chắc bắt gặp biến thể nhỏ nào đấy của một hình mẫu được minh hoạ ở đây từ lịch sử của vật lí quang học. Các sách  giáo khoa ngày nay nói cho sinh viên rằng ánh sáng là các  photon, tức là, các thực thể cơ học lượng tử biểu lộ một số tính  chất sóng và một số tính chất hạt. Nghiên cứu tiến hành một cách  phù hợp, hay đúng hơn theo mô tả đặc trưng toán học và công  phu hơn mà từ đó sự phát biểu bằng lời này được suy ra. Mô tả đặc trưng đó về ánh sáng, tuy vậy, chỉ vừa mới cỡ nửa thế kỉ.  Trước khi nó được Planck, Einstein, và những người khác trong  thế kỉ này phát triển, các sách giáo khoa vật lí đã dạy rằng ánh  sáng là chuyển động sóng ngang, một khái niệm có gốc rễ trong  một khung mẫu xuất xứ cuối cùng từ các tác phẩm quang học  của Young và Fresnel vào đầu thế kỉ mười chín. Lí thuyết sóng  đầu tiên cũng đã chẳng được hầu hết các nhà thực hành khoa học  quang học o bế. Suốt thế kỉ mười tám Opticks của Newton đã  cung cấp khung mẫu cho lĩnh vực này, nó dạy rằng ánh sáng là  các hạt vật chất. Lúc đó các nhà vật lí đã tìm kiếm, vì các nhà lí  thuyết sóng ban đầu đã không thấy, bằng chứng về áp suất do các  hạt ánh sáng va chạm vào các vật thể rắn.1
Những sự biến đổi này về các khung mẫu của quang học vật lí  là các cuộc cách mạng khoa học, và sự chuyển đổi kế tiếp từ một  khung mẫu sang khung mẫu khác thông qua cách mạng là hình  mẫu phát triển thông thường của khoa học trưởng thành. Tuy  vậy, nó không là hình mẫu đặc trưng của giai đoạn trước công  trình của Newton, và đó là sự tương phản mà chúng ta quan tâm  ở đây. Không có giai đoạn nào giữa thời cổ xa xưa và cuối thế kỉ mười bảy biểu lộ một quan điểm được chấp nhận rộng rãi duy  nhất về bản tính của ánh sáng. Thay vào đó đã có một số các  trường phái và các trường phái phụ cạnh tranh nhau, hầu hết tán  thành một biến thể hay biến thể khác của lí thuyết Epicurean,  Aristotlean, hay Platonic. Một nhóm coi ánh sáng là các hạt phát  ra từ các vật thể vật chất; với nhóm khác nó là một sự thay đổi  của môi trường giữa vật thể và mắt; còn nhóm khác thì giải thích  ánh sáng bằng một tương tác của môi trường với một cái phát ra  từ mắt; và ngoài ra đã có những sự kết hợp và sửa đổi khác. Mỗi  trường phái tương ứng tìm thấy sức mạnh từ quan hệ của nó đối với siêu hình học cá biệt nào đó, và mỗi trường phái nhấn mạnh,  như các quan sát mang tính khung mẫu, cụm cá biệt của các hiện  tượng mà lí thuyết riêng của nó có thể giải thích nhiều nhất. Các  quan sát khác được xử lí bằng những việc thảo tỉ mỉ chi tiết ad  hoc [đặc biệt], hoặc chúng còn lại như các vấn đề chưa được giải  quyết để cho nghiên cứu tiếp.2
Vào những thời kì khác nhau tất cả các trường phái này đã có  các đóng góp quan trọng cho nhiều khái niệm, hiện tượng, và kĩ thuật mà từ đó Newton đã rút ra khung mẫu đầu tiên được chấp  nhận gần như đồng đều cho quang học vật lí. Bất cứ định nghĩa  nào về nhà khoa học, định nghĩa loại trừ chí ít các thành viên  sáng tạo hơn của các trường phái khác nhau này, sẽ loại trừ cả những người nối nghiệp hiện đại của họ nữa. Những người đó đã  là các nhà khoa học. Thế nhưng bất cứ ai khảo sát một tổng quan  về quang học vật lí trước Newton chắc có thể kết luận rằng, tuy  những người thực hành của lĩnh vực đã là các nhà khoa học, kết  quả thực của hoạt động của họ đã là cái gì đó ít hơn khoa học.  Do có khả năng coi không khối lòng tin nào là dĩ nhiên, mỗi tác  giả về quang học vật lí cảm thấy buộc phải xây dựng lĩnh vực  của mình một lần nữa từ nền tảng. Bằng cách làm vậy, sự lựa  chọn của ông ta về quan sát và thí nghiệm hỗ trợ là tương đối tự do, vì đã không có tập chuẩn nào của các phương pháp hay các  hiện tượng mà mỗi tác giả về quang học cảm thấy buộc phải áp  dụng và giải thích. Trong các hoàn cảnh như vậy, đối thoại của  các sách được sinh ra thường hướng cũng nhiều đến các thành  viên của các trường phái khác như đến tự nhiên. Hình mẫu này  không phải là xa lạ trong một số lĩnh vực sáng tạo ngày nay, nó  cũng chẳng không tương thích với các phát minh và sáng chế quan trọng. Tuy vậy, nó không là hình mẫu về sự phát triển mà  quang học vật lí đã kiếm được sau Newton và các khoa học tự nhiên khác làm cho quen thuộc hiện nay.
Lịch sử nghiên cứu điện trong nửa đầu thế kỉ mười tám cho  một thí dụ cụ thể hơn và được biết đến nhiều hơn về cách một  khoa học phát triển trước khi nó có được khung mẫu được thừa  nhận phổ quát. Trong giai đoạn đó hầu như đã có nhiều quan điểm về bản tính của điện như số các nhà thực nghiệm quan  trọng về điện, những người như Hauksbee, Gray, Dasaguliers,  Du Fay, Nollett, Watson, Franklin, và những người khác. Tất cả rất nhiều khái niệm của họ về điện có cái gì đó chung – chúng  một phần bắt nguồn từ một phiên bản hay phiên bản khác của  triết học cơ-hạt đã hướng dẫn mọi nghiên cứu khoa học của thời  đó. Ngoài ra, tất cả đều là các thành phần của các lí thuyết khoa  học thật, của các lí thuyết đã được rút ra một phần từ thí nghiệm  và quan sát và một phần đã xác định sự lựa chọn và diễn giải của  các vấn đề thêm được đưa vào nghiên cứu. Thế mà tuy tất cả các  thí nghiệm đều là về điện và tuy hầu hết các nhà thực nghiệm có  đọc các công trình của nhau, các lí thuyết của họ không nhiều  hơn một nét giống nhau trong gia đình.3
Một nhóm ban đầu của các lí thuyết, theo thông lệ thế kỉ mười  bảy, đã coi sự hút và sinh điện ma sát như các hiện tượng điện cơ bản. Nhóm này đã có khuynh hướng coi sự đẩy như một tác động  thứ yếu do loại bật lại cơ học nào đó và hoãn lại càng lâu càng  tốt cả việc thảo luận và nghiên cứu có hệ thống về hiệu ứng mới  được Gray phát hiện, sự dẫn điện. Các “thợ điện - electrician”  (thuật ngữ của chính họ)* khác coi sự hút và sự đẩy là những  biểu hiện cơ bản ngang nhau của điện và thay đổi các lí thuyết và  nghiên cứu của họ một cách phù hợp. (Thực sự, nhóm này đặc  biệt nhỏ - ngay cả lí thuyết của Franklin đã chẳng bao giờ hoàn  toàn giải thích sự đẩy lẫn nhau của hai vật được tích điện âm).  Song họ cũng đã có nhiều khó khăn như nhóm đầu tiên trong giải thích đồng thời cho bất cứ gì trừ các hiệu ứng dẫn điện đơn giản  nhất. Các hiệu ứng đó, tuy vậy, đã tạo điểm xuất phát cho một  nhóm thứ ba nữa, nhóm hay nói về điện như một “chất lỏng” có  thể chạy qua các vật dẫn hơn là như một “effuvium-xú khí” xông  ra từ các vật không dẫn. Nhóm này, đến lượt, lại gặp khó khăn  hoà giải lí thuyết của nó với một số hiệu ứng hút và đẩy. Chỉ thông qua công trình của Franklin và những người kế nghiệp trực  tiếp của ông mới nảy sinh một lí thuyết có thể được coi là cái gì  đó như có đủ năng khiếu để giải thích gần như toàn bộ các hiệu  ứng này và vì thế có thể và đã tạo cho thế hệ kế tiếp của các “thợ điện” một khung mẫu chung cho nghiên cứu.
Trừ các lĩnh vực, như toán học và thiên văn học, mà các khung  mẫu vững chắc đầu tiên có niên đại từ thời tiền sử và các lĩnh  vực, như sinh hoá học, nảy sinh bởi phân chia và tái kết hợp của  các chuyên ngành đã trưởng thành rồi, các tình trạng vừa được  phác hoạ ở trên là điển hình về mặt lịch sử. Mặc dù nó dính đến  việc tôi tiếp tục dùng sự đơn giản hoá đáng tiếc gắn một thời kì  lịch sử kéo dài với một cái tên duy nhất và được chọn hơi tuỳ ý  (thí dụ, Newton hay Franklin), tôi gợi ý rằng các bất đồng cơ bản  tương tự đã đặc trưng, thí dụ, cho nghiên cứu về chuyển động  trước Aristotle và tĩnh học trước Archimedes, nghiên cứu về nhiệt trước Black, về hoá học trước Boyle và Boerhaave, và về địa chất học lịch sử trước Hutton. Trong các phần của sinh học – nghiên cứu di truyền, chẳng hạn – các khung mẫu được thừa  nhận phổ quát vẫn là mới đây; và vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ những phần nào của khoa học xã hội đã hề có được các khung  mẫu như vậy chăng. Lịch sử gợi ý rằng con đường tới một sự đồng thuận nghiên cứu là cực kì khó khăn.
Tuy vậy, lịch sử cũng gợi ý một số lí do cho những khó khăn  gặp phải trên con đường đó. Thiếu một khung mẫu hay ứng viên  nào đấy cho khung mẫu, tất cả các sự thực có lẽ có thể gắn liền  với sự phát triển của một khoa học cho trước chắc có vẻ là thích  đáng ngang nhau. Kết quả là, sự thu thập sự thực ban đầu là hoạt  động gần như hoàn toàn ngẫu nhiên hơn là sự thu thập sự thực  mà sự phát triển khoa học tiếp theo làm cho quen thuộc. Hơn  nữa, thiếu một lí do để tìm kiếm dạng cá biệt nào đó của thông  tin khó hiểu hơn, việc tìm kiếm sự thực ban đầu thường được  giới hạn ở sự phong phú của dữ liệu đã có sẵn rồi. Đống sự thực được sinh như vậy chứa các sự kiện có thể tiếp cận được cho  quan sát nhân quả và thí nghiệm cùng với một số dữ liệu bí  truyền hơn từ các nghề đã được xác lập như làm thuốc, làm lịch,  và luyện kim. Bởi vì các nghề thủ công là một nguồn có thể tiếp  cận được dễ dàng về các sự thực những cái đã không được khám  phá ra một cách nhân quả, công nghệ thường đã đóng một vai trò  sống còn trong sự nổi lên của các khoa học mới.
Nhưng mặc dù loại thu lượm sự thực này đã là thiết yếu cho  nguồn gốc của nhiều khoa học quan trọng, bất cứ ai xem xét, thí  dụ, các tác phẩm bách khoa của Pliny hay các lịch sử tự nhiên  Baconian của thế kỉ mười bảy sẽ phát hiện ra rằng nó tạo ra một  bãi lầy. Người ta với lí do nào đó lưỡng lự đi gọi tác phẩm sinh  ra như vậy là khoa học. Các ‘lịch sử’ Baconian về nhiệt, màu,  gió, khai mỏ, và v.v., được chất đầy thông tin, một số ít ai hiểu.  Nhưng chúng xếp kề nhau các sự thực mà muộn hơn tỏ ra bộc lộ (thí dụ, làm nóng bằng pha trộn) với những cái khác (thí dụ, sự ấm của phân thú vật) sẽ vẫn còn quá phức tạp trong một thời  gian nữa để được tích hợp chút nào với lí thuyết.4 Ngoài ra, vì  bất cứ mô tả nào hẳn đều là một phần, sử học tự nhiên điển hình  thường bỏ sót trong các tường thuật vô cùng chi tiết của nó đúng  những chi tiết mà các nhà khoa học muộn hơn sẽ tìm thấy các  nguồn làm sáng tỏ quan trọng. Hầu như chẳng lịch sử nào trong  các ‘lịch sử’ về điện, chẳng hạn, lại nói đến rằng rơm rác, bị hút  vào que thuỷ tinh được chà xát, lại nảy lên. Hiệu ứng này có vẻ như cơ học, chứ không phải điện.5 Hơn nữa, vì người thu thập sự thực tình cờ hiếm khi có thời gian hay các công cụ để là phê  phán, các lịch sử tự nhiên thường để cạnh nhau các mô tả giống  như ở trên với những cái khác, thí dụ, làm nóng bằng làm lạnh  (hay bằng antiperistasis), mà bây giờ chúng ta hoàn toàn không  có khả năng xác nhận.6 Chỉ rất thi thoảng, như trường hợp của tĩnh học, động học, và quang học hình học cổ xưa, các sự thực  được thu thập với ít sự hướng dẫn như vậy từ lí thuyết đã được  xác lập trước mới nói đủ rõ để cho phép sự nổi lên của khung  mẫu đầu tiên.
Tình hình này là cái tạo ra các trường phái đặc trưng của các  giai đoạn ban đầu của sự phát triển khoa học. Không lịch sử tự nhiên nào có thể được diễn giải khi thiếu ít nhất nhóm ngầm định  nào đó của lòng tin lí thuyết và phương pháp luận đan xen nhau  cho phép lựa chọn, đánh giá, và phê phán. Nếu nhóm lòng tin đó  không tiềm ẩn rồi trong việc thu thập các sự thực – trong trường  hợp đó ta có nhiều hơn “các sự thực đơn thuần” – nó phải được  cung cấp từ bên ngoài, có lẽ bởi siêu hình học hiện hành, bởi  khoa học khác, hay bởi sự tình cờ cá nhân hay lịch sử. Không  ngạc nhiên rằng, khi đó, trong các giai đoạn ban đầu phát triển  của bất cứ khoa học nào những người khác nhau đối mặt với  cùng dải các hiện tượng, nhưng thường không hoàn toàn cùng  các hiện tượng cá biệt, mô tả và diễn giải chúng theo các cách  khác nhau. Cái gây ngạc nhiên, và có lẽ cũng độc nhất về mức độ của nó đối với lĩnh vực chúng ta gọi là khoa học, là các sự khác  biệt ban đầu như vậy phải mãi biến mất trên qui mô lớn.
Vì chúng có biến đi ở mức độ đáng kể và rồi hình như biến đi  dứt khoát. Hơn nữa, sự biến đi của chúng thường do thắng lợi  của một trong các trường phái tiền-khung mẫu gây ra, trường  phái, bởi vì các lòng tin và nhận thức trước của riêng nó, đã chỉ nhấn mạnh phần đặc biệt nào đó của đống thông tin quá lớn và  lộn xộn. Các thợ điện đó, những người nghĩ điện là một chất lỏng  và vì thế đã nhấn mạnh đặc biệt đến sự dẫn, cho một thí dụ thích  đáng tuyệt vời. Được hướng dẫn bởi lòng tin này, cái chắc không  thể đối phó với vô số các hiệu ứng hút và đẩy được biết đến,  nhiều người trong số họ đã nghĩ đến ý tưởng đóng chai chất lỏng  điện. Kết quả trực tiếp của các nỗ lực của họ là bình Leyden, một  công cụ có thể chẳng bao giờ được tìm ra bởi một người khai phá  tự nhiên tình cờ hay ngẫu nhiên, nhưng thực ra nó được phát  triển độc lập bởi ít nhất hai nhà khảo sát vào đầu các năm 1740.7
Hầu như ngay từ đầu các nghiên cứu điện của mình, Franklin đã  đặc biệt quan tâm đến giải thích cái lạ kì và, nếu điều đó xảy ra,  đặc biệt bộc lộ của thiết bị đặc biệt này. Thành công của ông để làm vậy đã tạo các lí lẽ hữu hiệu nhất làm cho lí thuyết của ông  là một khung mẫu, tuy là lí thuyết vẫn chưa có khả năng giải  thích hầu hết mọi trường hợp được biết về sự đẩy điện.8 Để được  chấp nhận như một khung mẫu, một lí thuyết phải có vẻ tốt hơn  các đối thủ cạnh tranh của nó, nhưng nó không cần và thực ra  chẳng bao giờ giải thích mọi sự thực mà nó có thể đối diện.
Cái mà lí thuyết lỏng về điện đã làm cho nhóm phụ đã tin vào  nó, là khung mẫu Franklinian muộn hơn đã làm cho cả nhóm thợ điện. Nó gợi ý bõ công thực hiện các thí nghiệm nào và không  nên thực hiện các thí nghiệm nào vì chúng hướng tới các biểu  hiện thứ cấp hay quá phức tạp của điện. Chỉ khung mẫu mới làm  cho công việc hữu hiệu hơn nhiều, một phần vì sự kết thúc của  tranh luận giữa các trường phái đã chấm dứt sự lặp đi lặp lại liên  tục của các nguyên tắc cơ bản và một phần vì sự tin tưởng rằng  họ đã đi đúng hướng đã khích lệ các nhà khoa học đảm nhiệm  các loại công việc chính xác, bí truyền, và ám ảnh hơn.9 Thoát  khỏi nỗi lo âu về bất cứ và mọi hiện tượng điện, nhóm được  thống nhất đã có thể theo đuổi các hiện tượng chọn lọc một cách  chi tiết hơn nhiều, thiết kế thiết bị đặc biệt hơn nhiều cho công  việc và dùng nó ngoan cường hơn và có hệ thống hơn các thợ điện đã từng làm trước đó. Cả sự thu thập sự thực và trình bày rõ  lí thuyết đã trở thành các hoạt động có định hướng cao. Tính hiệu  quả và năng suất của nghiên cứu điện đã tăng lên tương ứng,  cung cấp bằng chứng cho một phiên bản xã hội của châm ngôn phương pháp luận sắc sảo của Francis Bacon: “Chân lí nổi lên dễ dàng từ sai lầm hơn là từ sự lẫn lộn”.10
Chúng ta sẽ khảo sát bản tính của việc nghiên cứu có định  hướng cao này, hay dựa vào khung mẫu, ở mục tiếp, nhưng đầu  tiên phải lưu ý ngắn gọn sự nổi lên của một khung mẫu ảnh  hưởng ra sao đến cấu trúc của nhóm thực hành lĩnh vực ấy.  Trong sự phát triển của một khoa học tự nhiên, khi một cá nhân  hay nhóm đầu tiên tạo ra một sự tổng hợp có khả năng thu hút  hầu hết thế hệ tiếp theo của những người thực hành, thì các  trường phái cũ dần dần biến mất. Một phần sự biến mất của  chúng là do các thành viên của chúng chuyển sang khung mẫu  mới. Nhưng luôn luôn có ai đó vẫn bám vào một quan điểm hay  quan điểm khác trong số các quan điểm cũ, và họ đơn giản bị đuổi ra khỏi giới, giới chuyên môn vì thế bỏ qua công trình của  họ. Khung mẫu mới ngụ ý một định nghĩa mới và khắt khe hơn  về lĩnh vực. Những người không muốn hay không thể thích nghi  công việc của mình với nó phải tiến hành trong sự cô lập hay gắn  mình với nhóm khác nào đó.11 Về mặt lịch sử, họ thường đơn  giản ở lại trong các bộ môn triết học từ đó có biết bao nhiêu khoa  học đặc biệt đã được sinh ra. Như các chỉ báo này ám chỉ, đôi khi  chính sự chấp nhận một khung mẫu là cái biến đổi một nhóm  trước đây chỉ quan tâm đến nghiên cứu tự nhiên trở thành một  nghề hay, chí ít, một môn học. Trong các khoa học (tuy không trong các lĩnh vực như y học, công nghệ, và luật, mà raison  d’être [lí do tồn tại] chính của chúng là là một nhu cầu xã hội  bên ngoài), sự hình thành của các tạp chí chuyên ngành, sự thành  lập các hiệp hội chuyên gia, và sự đòi hỏi có một chỗ đặc biệt  trong chương trình giảng dạy thường được kết hợp với sự chấp  nhận đầu tiên của nhóm đối với một khung mẫu duy nhất. Chí ít  đó là trường hợp giữa thời kì, một thế kỉ rưỡi trước đây, khi hình  mẫu thể chế về chuyên môn hoá khoa học đầu tiên được phát  triển và thời gian mới gần đây khi đồ lề của sự chuyên môn hoá  có được uy tín riêng của chúng.
Định nghĩa khắt khe hơn về nhóm khoa học có các hậu quả khác. Khi cá nhân nhà khoa học có thể coi một khung mẫu là dĩ nhiên, anh ta không còn cần, trong các công việc chính của mình,  thử xây dựng lĩnh vực của mình một lần nữa, xuất phát từ các  nguyên lí đầu tiên và biện hộ cho việc dùng từng khái niệm được  đưa vào. Việc đó có thể được để cho các tác giả của các sách  giáo khoa. Cho trước một sách giáo khoa, tuy vậy, nhà khoa học  sáng tạo có thể bắt đầu nghiên cứu của mình nơi nó ngừng lại và  như thế tập trung chỉ riêng vào các khía cạnh tinh tế nhất và bí  truyền nhất của các hiện tượng tự nhiên liên quan tới nhóm anh  ta. Và khi anh ta làm thế, các thông cáo nghiên cứu của anh ta sẽ bắt đầu thay đổi theo các cách mà sự tiến hoá của chúng chỉ được  nghiên cứu quá ít nhưng các sản phẩm cuối cùng hiện đại của  chúng là hiển nhiên với mọi người và ngột ngạt với nhiều người.  Các nghiên cứu của anh ta sẽ không còn được biểu hiện trong  các sách, như Các thí nghiệm .. về Điện của Franklin hay Nguồn  gốc các Loài của Darwin, nhắm tới bất cứ ai người có thể quan  tâm đến nội dung chủ đề của lĩnh vực. Thay vào đó chúng  thường xuất hiện như các bài báo ngắn chỉ nhắm tới các đồng  nghiệp trong nghề, những người mà hiểu biết của họ về khung  mẫu chung có thể được giả sử và những người tỏ ra là những  người duy nhất có khả năng đọc các bài báo nhắm tới họ.
Ngày nay trong các khoa học, các sách thường hoặc là sách  giáo khoa hay những suy ngẫm nhìn lại quá khứ về một khía  cạnh hay khía cạnh khác của đời sống khoa học. Nhà khoa học  viết một cuốn sách rất có thể thấy uy tín chuyên môn của mình bị sút kém hơn là được nâng cao. Chỉ trong các giai đoạn sớm hơn,  trước-khung mẫu, của sự phát triển của các khoa học khác nhau thì sách nói chung mới có cùng quan hệ với thành tựu chuyên  môn, quan hệ vẫn còn giữ được ở các lĩnh vực sáng tạo khác. Và  chỉ ở các lĩnh vực vẫn giữ được sách, có hay không có bài báo,  với tư cách một phương tiện truyền bá cho truyền thông nghiên  cứu, thì các ngành chuyên môn vẫn được thảo ra lỏng lẻo đến  mức dân thường có thể hi vọng theo được sự tiến bộ bằng đọc  các báo cáo gốc của những người hành nghề. Cả trong toán học  lẫn thiên văn học, các báo cáo nghiên cứu ở thời cổ xưa đã không  còn dễ hiểu đối với bạn đọc có trình độ giáo dục phổ thông rồi.  Trong động học, nghiên cứu đã trở nên bí truyền tương tự ở cuối  Thời Trung cổ, và nó lấy lại được tính dễ hiểu nói chung chỉ ngắn ở đầu thế kỉ mười bảy khi một khung mẫu mới thay thế khung mẫu đã hướng dẫn nghiên cứu thời trung cổ. Nghiên cứu  điện bắt đầu đòi hỏi việc dịch cho người dân thường trước cuối  thế kỉ mười tám, và hầu hết các lĩnh vực khác của khoa học vật lí  đã không còn có thể tiếp cận được nói chung trong thế kỉ mười  chín. Trong cùng hai thế kỉ các bước quá độ tương tự có thể được  cô lập ở các phần khác nhau của các khoa học sinh học. Trong  các phần của các khoa học xã hội chúng có thể đang xảy ra ngày  nay. Mặc dù đã trở thành thói quen, và chắc chắn đúng, để phàn  nàn về hố sâu ngày càng rộng ngăn cách nhà khoa học chuyên  nghiệp khỏi các đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác, đã chú ý quá ít  tới mối quan hệ cốt yếu giữa hố sâu đó và cơ chế nội tại cho tiến  bộ khoa học.
Suốt từ thời cổ tiền sử, lĩnh vực nghiên cứu này sau lĩnh vực  khác đã vượt qua sự chia rẽ giữa cái sử gia có thể gọi tiền lịch sử của nó như một khoa học và lịch sử đích thực của nó. Các bước  quá độ này tới trưởng thành hiếm khi đột ngột hay dứt khoát đến  vậy như thảo luận nhất thiết sơ lược của tôi có thể ngụ ý. Song  chúng cũng đã không từ từ về mặt lịch sử, mà bao trùm toàn bộ sự phát triển của các lĩnh vực trong đó chúng xuất hiện. Các tác  giả về điện học trong bốn thập niên đầu của thế kỉ mười tám đã  có được nhiều thông tin về các hiện tượng điện hơn các tiền bối  thế kỉ mười sáu của họ rất nhiều. Trong nửa thế kỉ sau 1740, có ít  loại hiện tượng điện mới được đưa thêm vào danh sách của họ.  Tuy nhiên, về các khía cạnh quan trọng, các tác phẩm về điện  của Cavendish, Coulomb, và Volta trong phần ba cuối của thế kỉ mười tám có vẻ còn xa các tác phẩm của Gray, Du Fay, và thậm chí Franklin hơn so với các tác phẩm của các nhà phát minh điện  đầu thế kỉ mười tám xa hơn các tác phẩm của thế kỉ mười sáu.12 Lúc nào đó giữa 1740 và 1780, các thợ điện đã lần đầu tiên có  khả năng coi nền tảng của lĩnh vực của họ là dĩ nhiên. Từ thời  điểm đó họ theo đuổi các vấn đề cụ thể và khó hiểu hơn, và rồi  ngày càng tăng dần họ báo cáo các kết quả của mình trong các  bài báo nhắm tới các thợ điện khác hơn là trong các sách nhắm  tới giới có học nói chung. Như một nhóm họ đã đạt cái mà các  nhà thiên văn đã đạt được trong thời cổ và các nhà nghiên cứu  chuyển động đã đạt được trong thời Trung Cổ, quang học vật lí  vào cuối thế kỉ mười bảy, và địa chất học lịch sử ở đầu thế kỉ mười chín. Tức là, họ đã đạt được một khung mẫu tỏ ra có khả năng hướng dẫn việc nghiên cứu của toàn bộ nhóm. Trừ với lợi  thế của sự nhận thức muộn, khó để tìm ra tiêu chuẩn khác chỉ ra  một lĩnh vực là một khoa học một cách rõ như vậy.
--------------
1 Joseph Priestley, The History and Present State of Discoveries Relating to  Vision, Light, and Colours (London, 1772), pp. 385-90.
2 Vasco Ronchi, Histoire de la lumière, do Jean Taton dịch (Paris, 1956), các  chương i-vi.
3 Duane Roller and Duane H. D. Roller, The Development of the Concept of  Electric Charge: Electricity from the Greeks to Coulomb (“Harvard Case  Histories in Experimental Science,” Case 8; Cambridge, Mass., 1954); và I. B.  Cohen, Franklin and Newton: An Inquiry into Speculative Newtonian  Experimental Science and Franklin’s Works in Electricity as an Example  Thereof (Philadelphia, 1956), chps. vii-xii. Về một số chi tiết giải tích trong  đoạn văn tiếp theo trong văn bản, tôi mang ơn một bài báo vẫn chưa công bố của sinh viên của tôi John L. Heilbron. Trong khi chờ nó được công bố, một  tường thuật hơi dài hơn và chính xác hơn về sự nổi lên của khung mẫu của  Franklin được bao hàm trong T. S. Kuhn, “The Function of Dogma in  Scientific Research,” trong A. C. Crombie (ed.), “Symposium on the History  of Science, University of Oxford, July 9-15, 1961,” sẽ được Heinemann  Educational Books, Ltd. xuất bản.
* Nay lẽ ra phải gọi là các nhà điện học, sau đây nó vẫn được dịch là thợ điện.
4 So phác hoạ cho một lịch sử tự nhiên về nhiệt trong Novum Organum của  Bacon, vol. VIII của The Works of Francis Bacon, ed. J. Spedding, R. L. Ellis,  and D. D. Heath (New York, 1869), pp. 179-203.
5 Roller and Roller, op. cit., pp. 14, 22, 28, 43. Chỉ sau khi công việc được ghi  chép lại trong trích dẫn cuối của các trích dẫn này thì các hiệu ứng đẩy mới  nhận được sự thừa nhận như rõ ràng thuộc về điện.
6 Bacon, op. cit., pp. 235, 337, nói, “Nước hơi ấm dễ đông hơn nước khá  lạnh”. Về một tường thuật một phần của lịch sử sớm hơn về quan sát lạ kì này, xem Marshall Clagett, Giaovanni Marliani and Late Mediveal Physics (New  York, 1941), ch. iv.
7 Roller and Roller, op. cit., pp. 51-54.
8 Trường hợp rắc rối là sự đẩy lẫn nhau của các vật nhiễm điện âm, về nó xem  Cohen, op. cit., pp. 491-94, 531-43.
9 Phải lưu ý rằng sự chấp nhận lí thuyết của Franklin đã không chấm dứt hoàn  toàn mọi tranh cãi. Năm 1759 Robert Symmer đề xuất phiên bản hai chất lỏng  của lí thuyết đó, và trong nhiều năm sau đó các thợ điện bị chia rẽ về việc liệu  điện là một chất lỏng duy nhất hay hai. Nhưng tranh luận về chủ đề này chỉ xác nhận cái được nói ở trên về cách theo đó một thành tựu được thừa nhận  phổ quát liên kết nghề nghiệp lại. Các thợ điện, tuy họ vẫn chia rẽ về điểm  này, mau chóng kết luận rằng không kiểm chứng thí nghiệm nào có thể phân  biệt được hai phiên bản của lí thuyết và vì thế chúng là tương đương nhau.  Sau việc đó, cả hai trường phái đã có thể và đã khai thác mọi lợi ích mà lí  thuyết Franklinian cung cấp (ibid., pp. 543-46, 548-54).
10 Bacon, op. cit., p. 210. [“Truth emerges more readily from error than from confusion”] 11 Lịch sử về điện cho một thí dụ tuyệt vời cái có thể được sao lại từ sự nghiệp  của Priestley, Kelvin, và những người khác. Franklin thuật lại rằng Nollet, là  người có ảnh hưởng nhất của các thợ điện Lục địa vào giữa thế kỉ, “đã sống  để thấy mình là người cuối cùng của Phái ông, trừ ông B.- Học trò và Đệ tử trực tiếp của ông” (Max Farrand [ed.], Benjamin Franklin’s Memoirs [Berkeley, Calif., 1949], pp. 384-86). Lí thú hơn, tuy vậy, là sự kéo dài của  toàn bộ các trường phái trong sự cô lập ngày càng tăng khỏi giới khoa học.  Xem, thí dụ, trường hợp của thuật chiêm tinh, một thời là phần không tách rời  của thiên văn học. Hay xét sự tiếp tục ở cuối thế kỉ mười tám và đầu thế kỉ mười chín của một truyền thống được kính trọng trước đấy về hoá học “lãng  mạn”. Đây là truyền thống được Charles C. Gillispie thảo luận trong “The  Encyclopédie and the Jacobin Philosophy of Science: A Study in Ideals and  Consequences,” Critical Problems in the History of Sciences, ed. Marshall  Clagett (Madison, Wis., 1959), pp. 255-89; và “The Formation of Lamarck’s  Evolutionary Theory,” Archives internationales d’histoire des sciences,  XXXVII (1956), 323-38.
12 Những sự phát triển hậu-Franklinian bao gồm một sự tăng lên rất nhiều về độ nhạy của các máy dò điện tích, các kĩ thuật tin cậy đầu tiên và được phổ biến rộng rãi để đo điện tích, sự tiến hoá của khái niệm điện dung và quan hệ của nó đối với quan niệm được xác định lại về điện thế, và sự lượng hoá lực  tĩnh điện. Về tất cả các thứ này xem Roller and Roller, op. cit., pp. 66-81; W.
C. Walker, “The Detection of Electric Charges in the Eighteenth Century,”  Annals of Science, I (1936), 66-100; và Edmund Hoppe, Geschichte der  Elektrizität (Leipzig, 1884), Part I, ch. iii-iv.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 746

Return to top