Những năm trước, khi còn khỏe, ông già Thước thường đi bộ ra cái quan cách nhà chừng vài trăm mét ngồi uống bia hơi. Ông khỏng uống nhiều chỉ gọi một vại rồi ngồi ngẫm ngợi và ngắm nhìn người và cảnh vật chung quanh. Nơi ông ngồi xế đó có một cây bàng rất lớn, thân to người ôm xuê, cây bàng cao xòe cánh phủ lên kín mái nhà lợp tôn. Mùa hè, lá bàng xum xuê, xanh mượt làm mát rợp cả một khu vực rộng, nhìn lên không thấy mặt trời đang phóng những tia nắng xuống. Thỉnh thoảng có gió mạnh những trái bàng xanh rơi trên mái tôn kêu to như tiếng súng lục, làm giật mình. Về mùa thu sang đông, lá vàng úa đỏ dần khô lại và rụng xuống. Những chiếc lá bàng khô cong queo như bánh đa nướng, có hôm chiếc lá đỏ khẽ rơi sát ngay vại bia đang uống dở của ông cụ. Nhìn chiếc lá khô xám xịt, ông già thấy cả sự tàn lụi của sự vật... Ông về nhà, đêm nằm như thấy chiếc lá bàng khô bên mình. Tết đến rồi tết qua đi, mùa xuân với những cơn mưa phùn làm nhớt nhát lối đi và trong nhà cũng ẩm ướt, hôi hám. Sang xuân, khi có nắng mới, ông già ra ngồi trong quán bia, thấy trên cành bàng trụi lá nhô lên những búp nhỏ như ngón tay đứa bé, màu non tơ. Rồi chỉ một hai ngày sau, những búp non tơ ấy xòe ra thành lá và những cái lá bàng chẳng mấy chốc đã phủ kín cành cây, cây bàng đang hồi sinh trở lại, sức sống đang sinh thành, thay cho sự tàn lụi ngày nào. Cây bàng như chàng trai đang ưỡn bộ ngực tràn trề sức lực trước nàng gió và giông bão... Nửa đêm, ông già tỉnh giấc nghe tiếng mọt nghiến kèn kẹt trong nhà. Chăng cần ngồi lên ông cũng biết đàn mọt đang tàn phá mấy thứ đồ gỗ kê cạnh đấy. Đó là bộ bàn ghế, cái tủ đứng và ngay cả cái giường nằm của ông, những thứ mà cơ quan cấp phát cho ông khi về hưu, toàn những thứ làm bằng gỗ tạp, những thứ người ta cấp phát theo tiêu chuẩn. Hơn hai mươi năm rồi, những đồ gỗ ấy đã xuống cấp, đã quá tuổi thọ, gỗ tạp làm sao bì được với các nhóm gỗ tốt, những sến, hồng sắc hay lim dành cho cán bộ cấp cao... Bây giờ, cứ về đêm là các thứ đồ gỗ ấy nổi lên bài ca của sự tàn lụi, như nhắc nhở ông liều liệu, sẽ có một ngày nào đó chúng sập xuống... Nhưng tất cả chẳng làm cho ông già phiền lòng, dàn đồng ca của đàn mọt gỗ ấy như ru ông đi vào giấc ngủ. Ông chỉ lo ngôi nhà này, vào mùa mưa, trong nhà như ngoài đường. Cái nhà cấp bốn, lợp ngói tây, ngói gác vào những thanh gỗ tạp làm rui mè đã mục, ngói ngấm nước càng nặng, gian nhà đã bị thương tích do nhà bên đào móng, đóng cọc xây nên ba bốn tầng, tường nút toác, nền sụt xuống mỗi ngày một ít. Đó là điều đáng lo nhất. Nhưng ai lo bây giờ. Ông thì ông không lo nổi, bà vợ ông là một người đàn bà đoảng nhất trần gian. Vợ chồng ông tuy ở chung nhà nhưng chẳng bao giờ nói với nhau được điều gì tử tế, đến trông mặt nhau còn chẳng muốn. Bà ấy cứ đi suốt, hết vào nhà này lại sang nhà khác tán chuyện, không có thì ra ngồi một mình ngoài vườn hoa ngắm trời, ngắm đất, đói thì nhai bánh mì. Có tiền là sả vào bàn chắn cạ, tổ tôm tài bàn, khi thua khi được. Tiền lương hưu của ông, ông tiêu riêng, tiền hưu của bà, bà cũng tiêu riêng, thiếu thì bả xin con cái, chúng nó mỗi tháng trợ cấp cho bà, đứa một chục, đứa vài ba nghìn đồng, chúng không đưa nhiều bởi chúng biết có tiền là bà lại vào đám bạc. Bà cũng giống như ông, chẳng bao giờ nấu cơm ăn ở nhà, cứ ra ngoài hàng mua năm trăm bạc cơm với bát canh rau là đủ bữa, có hôm cũng chỉ năm trăm đồng bún với bìa đậu chấm mắm tôm, ăn xong chùi mép đứng lên mò tới đám bạc cho đến tối mới về... Hai vợ chồng sống như vậy đã hàng chục năm rồi. Con cái cũng quen cảnh ấy, kệ cho ông bà sống thế nào tuỳ thích. Cô con dâu ở cùng nhà cũng kệ, có ai nhắc việc nấu cho bà hay ông ăn, nó bảo: “Biết nấu cho ai? Nấu cho bà chẳng lẽ không nấu cho ông, mà nấu tất cả thì cháu không còn hơi sức, với lại đi làm về muộn lại đi chợ, về nấu cơm dọn lên các cụ đã đi ngủ. Cuộc sống của ông già Thước cứ diễn ra như thế... như thế... như ngôi nhà cấp bốn dột nát chỉ chờ ngày đổ sập mà chẳng ai ngó nghiêng tới... Sự tàn lụi diễn ra ngày càng rõ rệt...
Mấy năm gần đây, ông già không đi lại được, đi đâu phải kèm theo cây gậy chống. Quán bia hơi lâu nay ông cũng không tới, nhưng hình ảnh về nó vẫn đọng lại trong ông như những kỷ niệm khó quên. Trước hết là cây bàng xanh lá vào mùa hạ, đỏ lá vào mùa thu, tới mùa đông thì trụi lủi, chỉ còn trơ trọi những cành khẳng khiu giơ lên bầu trời xam xám. Quán bia hơi vẫn rất đông khách tới nhậu, nhất là vào nhùng ngày cuối tháng âm lịch, khách hối hả đến ăn thịt chó, bởi sang ngày mồng một cho tới mồng năm, thịt chó nghỉ bán. Những ngày đông khách, người quây lấy hàng thịt và cô bán hàng thái thịt lia lịa, khách chỉ miếng này miếng khác, miếng nào cô cũng chiều, khách lễ mễ bưng hai đĩa thịt chó đầy tú hụ rồi quay lại lấy rau và một túm sả sống rồi chấm mắm tôm chanh ớt. Có đám khách trưa nào ông cũng gặp, thân thể họ lực lưỡng, mặc toàn đồ thể thao: giầy thể thao, mũ thể thao, ngực phanh ra để lộ sợi dây xích vàng chóe đeo quanh cổ, những cái túi to đùng đựng vợt, bóng, xe máy phòng ào ào. Những đĩa thịt chó được bưng lên và ăn, và văng tục, ý hẳn đó mói là tinh thần thể thao chân chính... Khách đến với bia hơi và thịt chó diễu xe máy qua mặt ông, đó là cán bộ dân sự com lê cà-vát miếng phì phèo thuốc Ba số, là sĩ quan quân đội hoặc công an, anh trung tá, anh đại tá, quân hàm và vành mũ đỏ chót, anh cấp thấp xun xoe đi trước dẫn đường... Xã hội bây giờ có lẽ chỉ có ăn và nhậu là rôm rả, ông già nghĩ bụng, chẳng ai đoái hoài gì đến ông già ngồi lặng lẽ ở đây. Xã hội đang hoạt động như vậy ư? Đấy là ông ngồi trong cái quán nhỏ, còn ở những quán khác sang trọng hơn, lại có các em xinh đẹp phục vụ, thì khách ăn tha hồ ném tiền qua cửa sổ.
Năm nay ông đã quá già, năm ngoái Chi hội Người Cao tuổi đã tổ chức lễ mừng thọ ông tròn tám mươi tuổi, tặng ông cái bảng mầu đỏ to bằng tấm vở học sinh có ghi tên tuổi ông kèm theo lời chúc tụng, lại được chụp ảnh chung với cấp lãnh đạo của phường, của cụm cũng là điều vinh dự, an ủi tuổi già... Sang năm nay, ông quá yếu, không đi lại được như trước, quanh quẩn hết ở nhà lại ra hè phố uống chén nước chè nóng ngắm nhìn thiên hạ đang đi lại như điên như dại mà nuối tiếc thời trai trẻ của mình. Hai mươi năm trước, khỉ về hưu, ông đâu có chịu nghỉ, hết tham gia công tác trên quận lại về phường, cứ chiếc xe đạp được mua cung cấp, kèm thêm cái cặp da cán bộ kẹp vào xe, đi đi về về, nói năng đĩnh đạc, sai bảo vợ con, chẳng ai dám trái lời... Vậy mà giờ đây giá ông có nói cũng chẳng lọt tai đứa nào chẳng ra nghe, chẳng ra không, cứ ngậm tăm đi thẳng. Ôi, tuổi già sao mà đáng ngán... Rồi ông già ít khi ra khỏi nhà, có cô gái bán rượu thường đến đem rượu cho ông, ông uống rượu để giải cơn sầu. Uống buổi tối chẳng cần gì đến sự ăn, chỉ cần uống, và khi uống, ông lại nhớ đến thời trai trẻ của mình, đến các đồng đội của mình. Mà những đồng đội của ông họ đã chết gần hết, thỉnh thoảng lại thấy họ xuất hiện trên màn hình ti vi trong mục Tin buồn, với đầy đủ họ, tên, chức tước với các huân, huy chương, người an táng tại nơi này nơi khác, người được đưa đi hoả táng... Ôi, nỗi buồn cứ trĩu nặng trong trái tim và mỗi lần như thế, ông lại vớ lấy chai rượu rót ra chén, vừa uống vừa ngẫm lại cuộc đời mình... Và ông nức lên khóc như đứa trẻ. Con cháu và bà vợ ông, cá những hàng xóm láng giềng nghe tiếng nức nở của ông, ai cũng nghĩ ông đang say rượu. Người ta cứ rượu vào là la hét, chửi bới, thậm chí còn đập phá, chỉ có ông là khóc. Những giọt rượu nốc vào, những giọt lệ trào ra, đó là sự say cay đắng.
Bây giờ bè bạn chẳng còn ai, hay còn một vài người, ông cũng không thể tới thăm bạn hay bạn cũng không thể tới nhà thăm ông. Bây giờ gọi là bạn của ông chỉ có hai người phụ nữ. Người thứ nhất là cô gái thường đem rượu đến cho ông, cứ tuần một lần vào sáng thứ hai khi cả nhà đi vắng, con cháu đi làm, đi học, bà vợ thì đi đánh bài. Cứ mỗi tuần, cô hàng rượu xách cho ông chiếc can năm lít, sau đó cô nấn ná ở lại dọn dẹp căn phòng bừa bộn và hôi hám của ông. Trước kia, ông nói với cô gái, căn phòng này sạch sẽ, sáng sủa, kê chiếc giường, cái bàn làm việc rồi tủ sách lại một bộ bàn ghế. Rồi bao nhiêu là báo, là tạp chí xếp hàng chồng bên cây đèn bàn. Ông thường ngồi đó nghiên cứu tài liệu với những cuốn sách dày cộp, nào Tự điển Triết học, nào Lịch sử đảng cộng sản Liên Xô, cả Lịch sử Đảng ta, rồi Tuyển tập Lênin, Tuyển tập Hồ Chí Minh v. v... Toàn những cẩm nang để ông đi giảng ở các lớp Tuyên huấn của quận, của phường mà học viên là những đảng viên mới hoặc cảm tình Đảng... Rồi bức tượng nhỏ Hồ chủ tịch bằng thạch cao đặt trên bàn, đối diện với ông. Trên tường treo những tấm lịch tờ từ mấy năm đổ lại, treo cho vui mắt chứ ông chẳng cẩn gì đến chúng, toàn những quà biếu của người ta khi ông còn tham gia công tác. Chính giữa bức tường treo tấm ảnh chân dung ông, ảnh bán thân, mặc quân phục đeo quân hàm đại tá bốn sao với các thứ huân, huy chương vàng chóe. Trông ông lẫm liệt, uy nghi, có lẽ đó là thời kỳ vàng son nhất của đời ông. Vậy mà năm kia, khi ông phải nằm viện mất hai tuần, thằng con trai ông đã thu dọn sạch sẽ, cả tượng Bác Hồ, cả ảnh chân dung ông cùng các tờ lịch, sách báo của ông, nó ấn hết vào cái hòm gỗ đẩy tít vào gầm giường, nên khi từ bệnh viện về nhà, ông cứ đứng sững, tất cả trống trơn, tưởng như ông vào nhà ai đó đâu phải nhà mình. Ông lặng người rồi cơn giận bốc lên đùng đùng, ông nằm vật ra giường, chiếc giường không có chiếu trải, đây bụi. Ông giận nhưng nào làm gì có ai để trút nỗi giận hòn. Cả nhà đi vắng hết, bà vợ sau khi đưa ông vào thoáng cái đã biến mất... Chỉ còn mỗi cách, trút cơn giận vào chén rượu. Thế là ông ngồi uống, vừa uống vừa nhìn ngắm càn phòng trống trơn. Tất cả đều sạch sẽ nhưng là sự sạch sẽ hoang vu... Mãi chiều, hai vợ chồng thằng con trai cùng hai đứa cháu nội mới về nhà. Tức thì cơn giận nung nấu trong ông được dịp bung ra. Ông đứng sững giữa nhà, tay chống cây gậy mà mắng chửi, cứ chúng nó mà mắng chửi, rồi ông đập phá, cây gậy vung lên gạt phăng tất cả. Thằng con chạy ra định nói, ông vụt luôn. Con vợ nó khôn ngoan cứ im thít. Bà vợ vừa thò đến cửa cũng biến luôn. Hai đứa cháu nội coi như không nghe thấy gì cả, đem quần áo ra bể nước tắm dội ào ào xong, chúng nó bật ti vi lên xem... Anh con trai hùng hổ bê mấy chai rượu của ông bày trên bàn: “Đây, ông có thích đập nữa cứ đập...” Và chính anh ta ném luôn chai rượu xuống nền gạch, cái chai vỡ tan, rượu đổ tung tóe và hơi rượu bốc lên nồng nặc... Ông gào lên:
- Chúng bay cút hết đi, mày được cấp nhà chẳng ở, đem cho thuê lấy tiền. Mày dồn cả nhà mày về đây báo hại ông... Đồ chó đểu, nhà này là tiêu chuẩn của ông, mày biết nhưng mày cứ ỳ ra, mày chỉ mong ông chết để mày hưỏng cả. Ông có chết cũng không đến lượt mày...
Cô con dâu từ trong bếp nói ra:
- Được thôi. Ông đuổi thì chúng con đi. Hết tháng này sẽ dọn đi. Sở dĩ là do bác cả bảo phải ở đây để trông nom ông bà.
Bà vợ từ nây vẫn lấp ló ngoài cửa, lúc ấy bước vào:
- Thôi đi chị ơi... Chị đừng có giả bộ nhân bộ nghĩa. Bảo phải ở đây để trông nom bố mẹ già, thử hỏi bao nhiêu năm anh chị trông nom gì chúng tôi. Nói thế không sợ hàng xóm người ta cười cho.
Anh con trai ý chừng xấu hổ mới ngăn bà mẹ lại:
- Con xin bà... Rồi nay mai chung con dọn đi nơi khác trả lại nhà cho ông bà, ông mà muốn cho ai thì cho...
Bà vợ lên nhà trên thấy đức ông chồng ngồi lặng đi trước mấy chai rượu đặt trên mặt bàn. Bà lặng lẽ lấy chổi quét những mảnh vỡ trên nền nhà. Ông già nhìn bà như nhìn một người xa lạ, không ai nói với ai lời nào, như thế cũng là hoà bình thân thiện lắm rồi...
Khi bà vợ đã bỏ vào nhà trong nằm ngủ, ông già vẫn chưa rời chai rượu, nhưng càng uống ông chỉ cảm nhận được mùi vị đắng chát.
Lúc ấy có bóng người đẩy cổng đi vào, nhẹ nhàng đến bên ông, đưa ra gói gì đó bọc giấy báo:
- Bác ăn đi, xôi chả nóng đấy, cháu vừa mua... Bác ăn đi...
Ông già nhìn lên nhận ra đó là người bạn thứ hai của ông, một người đàn bà tật nguyền ở cách nhà ông hai dãy. Một cô gái thì đúng hơn, tuy cô đã vào tuổi năm mươi nhưng chưa hề lấy chồng. Lúc đó ông già mới nhận ra mình đang đói, đói thật sự, ăn cơm buổi trưa ở bệnh viện, chiều về nhà lại sa vào chuyện to tiếng này, ông càng nốc rượu càng xót ruột. Ông nói: “Cảm ơn cô...” Cô gái nói: “Thôi bác đừng uống nữa, bác ăn xong rồi đi nghỉ, cháu về bán hàng...”
Cô gái nhẹ nhàng đi ra, lát nữa cô sẽ đem mẹt thuốc lá ra ngồi bán ở ngã tư đường phố. Mấy năm trước ông còn khỏe đi lại được ông thường gặp bà mẹ cô, một bà cụ già hơn ông đến chục tuổi. Bà cụ lưng còng như gập xuống, chống cây gậy ra ngồi sưởi nắng ngoài hiên, ấy là vào mùa đông. Mùa hè bà cụ cũng chống gậy ra ngồi đó hóng gió. Một bà mẹ già gần chín mươi sống với người con gái không chồng lại tàn tật, bên cánh tay bị teo quắt và bên chân dặt dẹo, mỗi khi bước đi, người cứ ngả nghiêng, cánh tay hất lên và bàn chân cũng hất lên. Hai mẹ con sống trong căn phòng nhỏ chừng chín mét vuông kê vẻn vẹn chiếc giường đôi, mùa đông hai mẹ con nằm chung, đắp chung chăn. Mùa hè, người con gái trải chiếu năm trên nên nhà, nhường giường cho mẹ. Hai mẹ con sống bằng tiền trợ cấp của người con trai, gian nhà ấy, chú ấy chiếm phía ngoài mặt phố, ngăn thành cửa hàng cho thuê, mỗi tháng hai triệu, biếu mẹ và chị gái mỗi tháng năm trăm ngàn, giao hẹn chị phải chăm sóc mẹ chu đáo. Hai năm trước bà mẹ bị ốm liệt, thoạt đầu còn ngồi lên được sau nằm không nhúc nhích, cô gái tận tình săn sóc mẹ cho đến khi bà cụ qua đời. Bây giờ người em trai chỉ đưa cho chị mỗi tháng hai trăm nghìn đủ để chị sống dè sẻn. Cô muốn có thêm tiền chi dùng, đành bê cái mẹt ra ngồi đầu phố bán thuốc lá lẻ nhưng cũng chỉ vào buổi tối nhoạng từ sáu giờ đến chín giờ. Cô gái có hàm ơn với ông già bởi đã một lần ông cho cô vay một trăm nghìn làm vốn. Cô nhớ mãi ân nghĩa ấy nên cô thường hay qua lại giúp đỡ, mua bán cho ông, lúc gói mì, khi gói xôi...
Ông già ngồi lặng lẽ ăn gói xôi chả mà cô gái vừa mua về, ăn mà nước mắt cứ nghèn nghẹn. Ông sống thật cô đơn chẳng biết trò chuyện cùng ai, nói với vợ không xong vì chỉ nói câu trước câu sau là cãi nhau, với con cháu cũng không được, trước hết bao giò chúng nó cũng sẵn ấn tượng ông là người lẩm cẩm, dở hơi, cũng chỉ câu trước câu sau là ông cáu lên với chúng nó... Người con gái lớn của ông thì ở xa, mãi trong thành phố Hồ Chí Minh, năm thì mười hoạ mới viết thư ra hỏi thăm ông bà. Người con trai cả sắp về hưu, sống với vợ con tuy cùng hàng phố nhung cũng ít đến thăm nom, nó đang bận xin đất hay mua đất xây nhà ngôi nhà những ba bốn tầng. Hôm xây xong nhà nó mời ông xuống ở với nó, nhưng ông lắc đầu. Lên sống với nó tất nó sẽ đùn ông lên ở trên tầng ba, sống ngất nghểu trên ấy tuy tiện nghi đầy đủ nhưng sống thế như bị quản thúc. Ông cứ nhà ông ông ở, căn nhà được cấp trước khi nghỉ hưu tuy dột nát, sập sệ nhưng là nhà của ông, bây giờ ông chỉ còn mỗi cái quyền ấy.
Năm trước, thằng con sống với ông gạ ông phá nhà để nó xây lại lên tầng cho đàng hoàng, nhưng ông dứt khoát không nghe. Nó phá nhà cũ làm nhà mới, thì nghiễm nhiên đó là nhà của nó, ông thành kẻ ở nhờ, ong há miệng mắc quai. Vì nếu nó có tử tế thì cũng mời bố trèo lên sống ở tầng ba, nghĩa là cũng quản thúc bố. Trời, chưa bao giờ ông thấy cuộc sống đảo điên như vậy?
Cô gái tật nguyền ngồi bán thuốc lá ở ngã tư đầu phố. Gió từ bốn phía thổi tới lành lạnh, cô gái nghĩ đến ông già ngoài tám mươi tuổi mà cô vừa mua xôi cho ông. Thật tội, cô thấy thương cảm cho ông già, có vợ, có con có cháu hẳn hoi mà như người cô độc, cô quả chẳng khác thân phận cô bây giờ. Mười mấy năm trước, cô nhớ sau khi ông nghỉ hưu trong quân đội, ông tham gia công tác trên quận, sáng sáng ông đạp xe đạp ra đi, quần áo chỉnh tề, giầy đen, âu phục đen đeo ca-vát nghiêm túc như một công chức thực thụ, chẳng ai nghĩ ông đã bảy mươi. Khi ông về qua nhà cô, ông còn dừng xe đứng nói chuyện với mẹ cô, hỏi han thân tình. Bà cụ quý ông lắm vẫn thường răn dạy cô phải biết quý trọng ông, rằng già rồi vẫn say mê công việc cách mạng, rằng gia đình ông là gia đình nề nếp v.v... Vậy mà chỉ chục năm sau, con người biến đổi hoàn toàn, lúc nào cô qua nhà ông cũng thấy ông ngồi uống rượu một mình hoặc ông chống gậy mò mẫm ra mấy hàng phở, hàng mì hoặc hàng rượu. Có hôm say quá, ông không đi được phải bò bốn chân, ngã dúi dụi, may có người vực lên dìu về nhà. Cô gái đi báo với anh con trai, anh ta vẫn coi như không, có lần còn bảo: “Kệ ông ấy, ông ấy ngã thì đứng lên bò về nhà... Ai đỡ được, ngày nào ông ấy chẳng ngã vì rượu...”. Ông già được dìu về nhà, nằm lăn trên giường, tưởng ngủ nhưng ông vẫn thức và la lối kêu rên rồi chửi “chúng nó” chẳng ai hiểu “chúng nó” là ai? Và “chúng nó” làm gì ông? Căn nhà đầy đặc không khí buồn phiền như có thể xắn ra được. Gia đình anh con trai vẫn lặng lẽ trong phòng, người vợ ngồi giặt bên bể nước, hai đứa con ngồi học bài, còn anh thì bó gối giữa nhà, hút thuốc lá, bà mẹ vẫn đi chưa về.
Đã một tuần nay, ỏng già không ra khỏi nhà. Bà vợ sáng mua cho ông bát phở, trưa lại bát phở còn bữa tối, ông ăn bát phở còn lại. Rồi bà ra đi. Nhà bây giờ quá vắng vẻ. Vợ chồng thằng con trai và con cái nó đã dọn nhà đi nơi khác. Chúng nó cũng không thể ở mãi trong cái nhà này bởi ông già cứ rượu và chửi rủa. Hôm nó ra đi, chúng nó có vào chào ông nhưng ông nằm quay mặt vào tường, coi như không nghe tiếng, mặt ông dàn dụa nước mắt, ông không dám quay ra, hơn nữa ông cũng không muốn nhìn mặt chúng nó. Chúng nó dọn sạch, chẳng để sót lại vật gì kể cả chổi cùn rế rách, có con chó nuôi từ chục năm nay, nó cũng đưa đi. Con chó khôn ngoan cứ rúc vào gầm giường không chịu ra, thằng con phải chui vào bế ra xe. Thế là chúng nó đi hết... Còn lại ông bà già ở lại, chúng nó không muốn dính dáng gì đến ông nữa. Nhà ông ông ở, nhà nó nó ở.
Có một đêm, ông già thức giấc, ông lại mơ thấy cây bàng. Về mùa này, cây đã trụi gần hết lá. Chiếc lá khô rời khỏi cành, quay cuồng trong gió và rơi bên cạnh ông, chiếc lá đỏ khé, cong queo. Tiếng lá rơi như một tiếng thở dài nặng nề. Những ngày gần đảy, ông già cảm thấy cái chết đến gần ông. Cái chết ám ảnh ông cả ngày lán đêm, mỗi khi nhắm mắt ông lại cảm thấy cải chết đến mỗi lúc một gần, không phải hình ảnh ông lão Thần chết với bộ xương trắng hếu khoác tấm áo choàng đen cầm lưỡi hái của châu Âu, không phải hình ảnh ấy mà là cây bàng mấy năm trước ông ngồi ngắm nó ở quán bia, cây bàng mùa đông khẳng khiu trụi lá... Đó là sự tàn lụi giống như ông bây giờ.
Khoảng gần sáng ông thấy bên cạnh sườn có cái gì như ngọn dùi nóng xiên vào đau nhói. Đau không ngủ tiếp được, đau đến mức ông bật kêu lên. "Ối mẹ ơi, đau quá, mẹ ơi...". Nước mắt ông dàn ra, tay ôm bụng, cơn đau âm ỉ, chốc chốc lại dội lên. "Mẹ ơi, cứu con, con đau quá, mẹ ơi...”. Con người ta dù là tuổi cao bao nhiêu, những lúc gian nam đều cấ. tiếng gọi mẹ, cầu cứu đến mẹ, chỉ gọi không gọi ai khác, đó là phản ứng tự nhiên của con người... Tiếng gọi mẹ, tiếng kêu la của ông vang trong căn nhà trống, chẳng ai nghe thấy. Bà vợ nằm ngủ gian bên thức giấc càu nhàu: "Rượu lắm, đêm cũng không để cho người ta ngủ...”. Bà cằn nhằn vậy rồi tiếp tục ngủ. Ông cứ la hét như vậy đến khi quá mệt thiếp đi...
Khi ông tỉnh dậy, trời đã gần trưa. Ông ngồi lên thấy ngay cái cặp lồng đựng phở nguội ngắt, ông ra đi giải rồi chống gậy lọm khọm ra cửa. Cánh cửa đóng chặt, luồn tay vào cái lỗ xích ông nhận thấy cái khoá to tướng. Bà ấy đã khoá trái cửa và đi rồi, chẳng biết đi đâu, ra ngồi ngoài công viên hay trong chiếu bạc? Bà đi, sau khi làm xong nhiệm vụ với ông: mua sẵn cho ông bát phở...
Hồi này ông luôn luôn nằm mê, trong cơn mê, ông thấy nhiều người, nhiều chuyện. Có đêm ông mê thấy ông chết, đám ma ông tổ chức ở Nhà tang lễ, vòng hoa chất quanh quan tài và người đi đưa toàn những anh em đồng đội cũ, những người đãhy sinh từ lâu hoặc mới mất. Gia đình chẳng thấy ai, chỉ có bà mẹ ông qua đời từ mấy chục năm đi theo quan tài ông, bà cụ cũng còng lưng gập xuống như bà mẹ cô gái thường vào nhà ông, còn cô gái ông lại thấy cô ngồi bán thuốc lá trước linh cữu. Đột nhiên có luồng gió mạnh những chiếc lá bàng kho đỏ rơi trên nắp quan tài rồi chính ông lại chạy ra nhặt lá vứt xuống đất... Ông tỉnh giấc, người mơ màng như vừa uống hết chai rượu mạnh rồi ông đau cơn đau đột ngột đến âm ỉ và ông bật kêu lên, la lối, gọi mẹ...
Ông đau nặng, người con cả nghe tin vội gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện. Bác sĩ bảo phải mổ vì gan ông đã xưng tấy. Mổ xong, ông kiệt sức qua đời... Sự tàn lụi kết thúc vào mùa đông năm ấy. Ai cũng nói ông chết vì rượu, chỉ có cô gái tàn tật là im lặng không bình luận.
Mùa đông đi qua rất nhanh rồi mùa xuân tới với những đợt mưa phùn. Cây bàng bên quán bia hơi đã mọc lên những chồi lá non, ít ngày sau biến thành những chiếc lá non thay thế đám lá khô còn sót lại. Sang hè, lá bàng xanh mởn xòe kín, cây bàng như hồi sinh trở lại, một sức sinh thành mới khỏe khoắn và tươi tắn đầy sức sống...
Trưa hôm ấy, trời nắng, có hai người đàn ông vào quán uống bia. Một người nhiều tuổi, chừng năm nhăm năm sáu, một người ít tuổi hơn, kém người kia đến chục tuổi. Họ ngồi trước hai cốc bia và đĩa lạc rang. Đó là hai anh em ruột. Người anh nói:
- Hôm nọ trăm ngày ông, chú bảo tôi hôm nay đến để chú bàn việc nhà. Lúc nãy chú nói có bà ở nhà không tiện bàn, bây giờ chú nói đi. Chắc chú muốn bàn về cái nhà phải không?
Người kia gật đầu:
- Vâng, em muốn bàn với anh về cái nhà. Em muốn phá đi xây lại, nhà sập sệ quá rồi, phải làm lại mới ở được. Kỳ này em sẽ phá cả đi xây lên hai tầng rưỡi... ý anh thế nào?
- Chú phá đi xây lên vài tầng nhưng cho chú hay cho bà?
- Tất nhiên là em xây gia đinh em ở... Vợ chồng em đã sống với ông bà mấy chục năm, chịu đựng mọi nỗi, dĩ nhiên cái nhà ấy là thuộc phần em... Anh chị đã có nhà cao cửa rộng, thừa thãi rồi...
- Trước hết tôi hỏi chú, ý định này là của chú hay của vợ chú?
Người em gãi đầu, nói:
- Tất nhiên là em với vợ em...
Người anh uống cạn cốc bia, gọi thêm và nói:
- Thế này nhá: Chú nói là tôi đã có nhà cao cửa rộng nhưng đó là nhà của tôi bỏ tiền ra xây, cơ quan chia cho bốn chục mét đất. Mà chú nói tôi đã có nhà thì vợ chồng cũng có nhà tuy không rộng rãi như nhà tôi nhưng là nhà được cấp, chẳng mất đồng nào. Còn chú nói mấy chục năm vợ chồng chú đã chịu đựng, tôi thật sự thông cảm nhưng chú nên nhớ rằng chú có nhà riêng đem cho thuê và sống với ông bà tất nhiên sao bằng mình sống ở nhà mình. Với lại, vợ chồng chú cần nhỏ rằng vợ chồng con cái chú đã sống chung với ông bà mấy chục năm, của chú chú ăn, của ông bà ông bà ăn không ai ăn nhờ ai, đến khi ông ốm gần chết thì chú dọn nhà đì nơi khác, bỏ ông cụ nằm liệt cho bà cụ hầu hạ. Nếu vợ chồng chú không nhớ thì hàng xóm láng giềng người ta đều nhớ, người ta còn mua cơm, mua phở cho ông cụ...
Người em tự ái vặc lại:
- Thế sao ngày đó vợ chồng anh không nghĩ đến ông cụ, không xuống trông nom ông cụ? Anh là trưởng kia mà...
- Phải, đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi quá chủ quan, tôi chỉ nghĩ ông cụ chỉ bệnh rượu thôi, không ngờ...
Hai anh em ngồi im lặng rất lâu, cuối cùng người anh nói:
- Thôi được, tôi tính thế này, nếu vợ chồng chu đồng ý: Ngôi nhà ấy là tài sản duy nhất của ông cụ để lại cho con cháu. Ngoài này chỉ có hai anh em mình. Gia đình cô Tâm thì ở xa. Chú muốn lấy cả nhà rồi phá đi xây lại, tôi chấp nhận nhưng vợ chồng chú phải cam kết giành lại hai phòng ở gác hai, một phòng đặt bàn thờ ông, một phòng để bà ở.
Người em gạt phắt:
- Anh là trưởng, anh phải đặt bàn thờ ông ở nhà anh, còn bà cũng xuống ở với vợ chôgng anh...
Người anh cười gằn:
- Chú tính toán khéo lắm. Tôi là trư ởng thì lẽ ra ngôi nhả ấy thuộc quyền tôi sử dụng. Bàn thờ ông phải đặt ở nhà ông, bà cũng sống ở đây để thờ phụng ông. Tôi biết vợ chồng chú không muốn để bà sống chung, tôi biết. Vậy đó là phương án một còn phương án hai là; ngôi nhà chia đôi ra, tôi cho vợ chồng chú một nửa chú muốn xây bao nhiêu tầng tuỳ còn một nửa tôi cũng xây, nhỏ thôi, để bàn thờ ông và nơi bà sống. Dù nhà tôi có cao to bao nhiêu, bà cũng không đến ở với tôi đâu. Như thế, có hai phương án, vợ chồng chấp nhận phương án nào cũng được chú cứ bàn bạc với vợ chú đi, mà mình chú cũng chẳng quyết định được phải vợ chú kia, sáng mai chú lên trả lời tôi. Chú lấy cả cải nhà ấy thì bà cụ không bao giờ chấp nhận. Ông mất thì nhà thuộc quyền bà, chú quyết định đi, tôi sẽ thuyết phục bà đồng ý. Thế nhá...
Hai người trả tiền rồi đứng lên ra về. Cuộc thương thuyết hai bên chưa ngã ngũ. Gió lại xào xào trên cành bàng, những chiếc lá xanh mướt phe phẩy, vài chú chim sâu giật mình bay vọt lên như những chấm cũng màu xanh, tiếng chim kêu chiêm chiếp, chích chích...
Ba tháng sau, khi mùa thu đến, gió heo may xào xạc, lá bàng sẫm lại và dầy, đã thấy sắc đỏ giữa thân lá, trên ngôi nhà cấp bốn của ông già Thước đã bị phá đi, mọc lên hai ngôi nhà giáp lưng nhau và đối lập nhau về phong cách. Ngôi nhà thú nhất một tầng mái bằng trên có lợp thêm mái tôn Ausnam, ngôi nhà quá khiêm tốn. Đó là ngôi nhà của bà cụ sống với bàn thờ ông cụ ở giữa nhà, dưới tấm chân dung một sĩ quan với đầy đủ quân hàm quân hiệu, huân huy chương vàng chóe nhưng nét mặt người trong ảnh cứ u dột, cau có thế nào?
Ngôi nhà thứ hai là của người em, cuối cùng thì họ chấp nhận phương án hai, thà chật một chút nhưng tự do thoải mái, ngôi nhà ba tầng ngất nghểu, bên ngoài trang trí đầy màu sắc với hai tấm cánh cửa kiểu “chuồng gà” (theo lối gọi của mấy anh thợ nhà quê) nghĩa là những thanh sắt dầy hàn gần sát nhau, chỉ lọt ngón tay, sơn đỏ sẫm. Một ngôi nhà khá đẹp, mọc lên như là sức sinh thành của một thế hệ mới. Chiều chiều, tiếng réo con, tiếng quát mắng cứ vang lên của người vợ nay đã thành bà chủ, xen vào tiếng chuông điện thoại gắt lên khiến người lạ đi qua phải giật mình...