Tôn Kiếm là người bình sinh ghét nhất những kẻ hành sự không dứt khoát, vì hắn thích làm việc gì là phải tới nơi tới chốn.
Lão Bá lệnh cho hắn đến tìm Mao Uy, thế là hắn cứ từ nhà thẳng đến tư thất của Mao Uy, không tạt ngang rẽ tắt.
Mao Uy đang ngồi trong đại sảnh uống rượu với một thuộc hạ tên là Trí Tương thì có một tên môn đinh mang vào một tấm danh thiếp trên mặt chỉ viết hai chữ:
Tôn Kiếm.
Mao Uy nhíu mày hỏi:
- Ngươi đã từng nghe thấy tên này chưa?
Trí Tương đáp:
- Hình như là nhi tử của Tôn Ngọc Bá.
Mao Uy càng nhíu đôi mày lại chặt hơn, hỏi tiếp:
- Tôn Ngọc Bá ư? Có phải đó là nhân vật được mệnh danh là Lão Bá không?
Trí Tương gật đầu:
- Không sai! Hắn thích người khác gọi mình là Lão Bá.
Mao Uy lại hỏi:
- Nhi tử của hắn đến tìm ta có viêc gì?
Trí Tương trầm ngâm nói:
- Nghe đâu Lão Bá rất thích kết giao bằng hữu. Rất có khả năng lão muốn giao hảo với đại gia.
Thật ra Trí Tương đoán rằng có nguyên nhân gì đó khác thường, nhưng thấy chẳng việc gì mà phải nói ra những điều chủ nhân không muốn để gánh lấy cơn thịnh nộ vô ích.
Mao Uy cười nói:
- Nếu đã thế thì cho mời hắn vào đi!
Tôn Kiếm không phải đợi mời đã tự đi vào, vì hắn không thích đứng chờ trước cổng nhà người khác.
Không ai ngăn cản hắn. Thật tình có vài người định ngăn lại nhưng đều bị đánh bò lê ra cả rồi.
Mao Uy đứng bật dậy trừng mắt nhìn khách.
Tôn Kiếm không cần chạy, nhưng chỉ lướt ba bốn bước là tới cửa đại sảnh rồi.
Mao Uy thấy thân pháp người này phàm tốc như vậy không khỏi kinh sợ, lên tiếng hỏi:
- Các hạ họ Tôn?
Tôn Kiếm gật đầu, phản vấn:
- Ngươi là Mao Uy đúng không?
- Không sai! Các hạ có việc gì?
- Tới đây để hỏi ngươi một câu.
Mao Uy đưa mắt ra hiệu cho Trí Tương xong mới nói:
- Cứ hỏi!
Tôn Kiếm đi ngay vào việc:
- Có phải ngươi quan hệ bất chính với vợ của một người là Phương Ấu Tần không?
Mao Uy bỗng biến sắc.
Từ hậu sảnh có mấy tên thủ hạ bước ra, dẫn đầu là một tên bảo tiêu mặt sẹo, sấn tới vung chưởng định đánh vào ngực Tôn Kiếm.
Tôn Kiếm chợt trừng mắt quát:
- Ngươi dám ư?
Aùnh mắt và tiếng quát của hắn có uy lực rất lớn làm tên mặt sẹo giật mình rụt tay lại.
Tuy nhiên bát cơm bưng trên tay chẳng phải được ăn không. Nhiều khi vì nó mà phải liều mạng.
Mấy năm gần đây thế lực của Mao Uy ngày càng lớn, vì thế bọn thủ hạ hiếm có cơ hội phải bán mạng vì chủ nhân. Kẻ địch vừa nghe danh Mao Uy đã mất vía, cần gì động thủ nữa?
Thời gian này bọn thủ hạ sống thoải mái nhàn tản, hầu như bưng bát cơm chẳng phải đổ mồ hôi, bởi thế đây là cơ hội tốt để chứng tỏ mình chẳng phải kẻ ăn không.
Tên mặt sẹo lại vung tay xuất một quyền đánh vào ngực Tôn Kiếm.
Tôn Kiếm bất thần chộp lấy uyển mạch đối phương vặn trái ra phía sau.
Chỉ nghe rắc một tiếng, chẳng hay tên mặt sẹo bị sai khớp hay gãy xương, chỉ thấy hắn hự lên một tiếng, người xoay lại rồi rũ xuống như gà vừa bị cắt tiết.
Tôn Kiếm cảm thấy mình xuất thủ hơi quá tay chút ít, bởi vì đối với hạng người này chẳng cần phải phí hơi sức đến thế.
Nhưng từ nhỏ hắn đã quen, rằng hành động chỉ cốt đạt mục đích mà chẳng quan tâm đến thủ đoạn. Tốt nhất là đè bẹp ý chí phản kháng của đối phương ngay từ đầu.
Bọn thủ hạ cùng lao ra với tên mặt sẹo quả nhiên không ai dám vọng động nữa.
Bát cơm ăn là thiết yếu, nhưng mạng sống còn quan trọng hơn nhiều!
Tôn Kiếm không để ý đến bọn lâu la này, trừng mắt nhìn Mao Uy hỏi:
- Ta vừa hỏi ngươi câu gì có nghe không?
Mao Uy mặt đỏ bừng, xương yết hầu nhô lên, nghiến răng nói:
- Việc đó liên quan gì đến ngươi chứ?
Tôn Kiếm chợt xuất thủ như chớp vung trảo chộp vào sườn Mao Uy.
Chiêu đó chẳng phải dùng loại võ công tinh diệu gì, và cũng chẳng biến hóa nhưng vô cùng chính xác và thần tốc đến nỗi Mao Uy hoàn toàn không kịp phản ứng.
Hắn rú lên một tiếng còn thê thảm hơn cả tên thuộc hạ mặt sẹo.
Tôn Kiếm nói:
- Lần này ta không đánh vào mặt ngươi, cho ngươi còn có cơ hội vác mặt ra đường.
Lần sau thì không khách khí như vậy đâu!
Nói xong kéo Mao Uy đang lăn lộn trên nền đất lên, nói tiếp:
- Ta hỏi gì ngươi phải trả lời. Bây giờ ngươi rõ rồi chứ?
Mao Uy bị chộp ngực áo, chân run rẩy tưởng định té lần nữa, mặt tái xanh, mồ hôi nhỏ từng giọt to như hạt đậu xuống đất, nghiến răng gật gật đầu.
Tôn Kiếm trầm giọng:
- Ngươi tằng tịu với vợ Phương Ấu Tần, có chuyện đó không?
Mao Uy lại gật đầu.
Tôn Kiếm hỏi tiếp:
- Ngươi còn định tiếp tục quan hệ bất chính với con chó cái đó nữa không?
Mao Uy lắc đầu, miệng bỗng phát ra âm thanh khàn khàn cố lắm mới nghe rõ:
- Nữ nhân đó đúng là chó cái. Là một con điếm....
Tôn Kiếm thấy trong mắt đối phương phát ra những tia căm hận, biết rằng sau này hắn không bao giờ đi lại với nữ nhân kia nữa, nhất định hắn sẽ trút mối hận hôm nay mà mình phải chịu lên đầu con điếm đó....
Trên đời hầu hết đều đổ lỗi lên đầu người khác, rất ít người nhìn nhận tội lỗi của mình.
Tôn Kiếm tỏ ra hài lòng:
- Thôi được! Chỉ cần ngươi thôi quan hệ với nữ nhân đó thì có thể sống dài thêm một chút!
Mao Uy thở phào một hơi, cho rằng sự việc tới đây là kết thúc.
Nào ngờ Tôn Kiếm lại nói:
- Nếu sau này biết nữ nhân đó vẫn còn tằng tịu với nam nhân khác, ta vẫn cứ tìm hỏi tội ngươi.
Mao Uy kinh sợ kêu lên:
- Nữ nhân đó đã quen thói đàng điếm rồi, tôi làm sao quản được nó?
Tôn Kiếm nhìn sâu vào mắt đối phương rồi chậm rãi nói:
- Ta tin rằng ngươi nhất định sẽ tìm được biện pháp!
Aùnh mắt Mao Uy chợt sáng lên. Hắn vội gật đầu:
- Tôi hiểu rồi!
Mãi đến lúc đó Tôn Kiếm mới lộ một nét như là nụ cười, nói:
- Rất tốt! Hạng nữ nhân mà theo ngươi đã thành thói quen như vậy thì bất cứ lúc nào cũng vụng trộm theo nam nhân. Nhưng đây nó không cần vụng trộm nữa mà còn công nhiên thách thức phu quân của mình dựa vào uy thế của ngươi. Bây giờ ngươi đã tìm được biện pháp tốt nhất thì thực hiện sơm sớm một chút.
Mao Uy gật đầu:
- Tôi hiểu!
Tôn Kiếm lại duỗi tay chộp vào sườn bên trái vẫn còn lành lặn của Mao Uy rồi móc ngược lên khiến tên này thót người lại, bao nhiêu rượu thịt vừa nốc vào đã trào hết ra.
Tôn Kiếm cười nói:
- Lần này ta chưa muốn đánh ngươi đâu, chỉ để ngươi nhớ rằng ta là người thế nào.
Vừa rồi đã làm Mao Uy gãy ít nhất ba cái xương sườn mà còn bảo chưa đánh, ngay cả Trí Tương đứng lùi vào góc tường bay mất cả hồn vía, nghe câu đó cũng phải dở cười dở khóc.
Nhưng hắn nói sao thì mọi người phải nghe như vậy, biết làm gì được?
Tôn Kiếm đến bên cầm lấy bình rượu tu một hơi rồi bỗng nhăn mặt nói:
- Bọn ngươi là đồ chó chết! Ngay cả rượu ngon rượu dở cũng không biết phân biệt thì còn biết thế quái nào là nữ nhân xấu hay tốt?
Mao Uy tuy vẫn còn ôm bụng vì đau, nhưng cố mỉm miệng cười một cách khổ sở nói:
- Nữ nhân họ Phương đó tuy là thứ điếm đàng, nhưng phải thừa nhận là.... bốc lửa!
Tôn Kiếm chợt hỏi:
- Vậy còn nữ nhân của ngươi thì sao?
Mao Uy chợt biến sắc, ấp úng:
- Nó.... chúng nó.... không sánh được họ Phương đâu!
Tôn Kiếm nhíu mày nhìn hắn rồi chợt cười nói:
- Ta không tin! Ngươi cả rượu còn không biết uống, tất nhiên chẳng hiểu gì nữ nhân!
Vừa dứt câu chợt bước nhanh vào hậu sảnh.
Hắn đã để ý thấy sau bình phong có mấy nữ nhân đang đứng nhìn trộm, xông vào túm một ả kéo ra vác trên vai.
Nữ nhân đó hình như sợ quá đã ngất đi, không thấy động tĩnh.
Mao Uy tái mặt kêu lên:
- Ngươi.... ngươi làm gì thế?
Tôn Kiếm thản nhiên đáp:
- Chẳng làm gì cả! Chỉ định làm cái chuyện mà ngươi thường làm thôi!
Rồi một tay chộp lấy uyển mạch của Mao Uy quát:
- Dẫn ta đi!
Chắc rằng Tôn Kiếm chẳng đến nỗi sợ người ám toán, làm thế chỉ để tránh phiền phức thôi.
Mao Uy đành phải bước theo hắn, khóc lóc nói:
- Chỉ cần ngươi thả Phụng Quyên ra, ta sẽ đưa ngươi một nghìn lượng bạc.
Tôn Kiếm hỏi:
- Nó đáng giá nhiều tiền đến thế sao?
Mao Uy nghiến răng không đáp.
Tôn Kiếm lại hỏi:
- Ngươi rất yêu cô ta phải không?
Mao Uy vẫn không trả lời.
Tôn Kiếm cười nói:
- Thế là tốt. Để lần sau trước khi ngươi lèm nhèm với vợ người khác, cần phải nghĩ đến nữ nhân của mình.
Ngoài cửa đã có một con tuấn mã đứng chờ sẵn.
Tôn Kiếm vừa bước ra khỏi cửa đã nhảy phắt lên ngựa, không để đối phương kịp có phản ứng. Đó là thói quen của hắn.
Ngựa phi được năm sáu dặm, nữ nhân mà Tôn Kiếm vác trên vai bỗng cười lên khúc khích.
Tôn Kiếm nói:
- Thì ra không phải là cô đã ngất đi!
Phụng Quyên cười đáp:
- Thiếp đâu có ngất! Chỉ giả bộ vậy thôi mà. Thiếp đã có ý theo chàng đi....
Tôn Kiếm hỏi:
- Vì sao?
Phụng Quyên trả lời hết sức tự nhiên:
- Vì chàng là một nam tử hán thật sự. Thiếp biết rằng người như chàng sẽ rất mạnh mẽ....
Tôn Kiếm ngắt lời:
- Mao Uy đối với cô không tốt hay sao?
Phụng Quyên cười đáp:
- Tuy hắn rất nhiều tiền nhưng hết sức bủn xỉn. Nếu không tốt với thiếp thì làm sao dám bỏ ra một nghìn lạng?
Tôn Kiếm gật đầu nhưng không nói gì.
Phụng Quyên vẫn tiếp tục tuôn ra:
- Thiếp không chịu nổi hạng người như hắn! Ồ.... nằm thế này không thoải mái chút nào. Chàng buông thiếp xuống được không? Thiếp chỉ muốn nằm trong lòng chàng....
Tôn Kiếm lắc đầu.
Phụng Quyên thở dài:
- Chàng là người thật kỳ quặc!
Tôn Kiếm vẫn nín thinh, ra roi giục ngựa.
Trước mặt là một khu rừng vắng vẻ, không thấy bóng người nào.
Phụng Quyên bắt đầu lo lắng, không nhịn nổi lên tiếng hỏi:
- Chàng còn định đưa thiếp đi đâu nữa?
Tôn Kiếm lãnh đạm trả lời:
- Đến một nơi mà cô không ngờ tới.
Phụng Quyên thở phào, cười nói:
- Thiếp biết chàng muốn được kích thích mạnh. Thật ra trong chuyện này.... Ở đâu cũng thế cả!
Tôn Kiếm vẫn im lặng.
Một lúc, Phụng Quyên chợt nói:
- Thiếp biết vợ của Phương Ấu Tần. Nó tên là Châu Thanh.
Tôn Kiếm chỉ ừm một tiếng.
Phụng Quyên liến thoắng:
- Châu Thanh đúng là hạng dâm đãng thành tính, ngày nào cũng tơ tưởng đến chuyện ân ái. Muốn nó bỏ thói điếm đàng chẳng khác gì bắt chó thôi ăn phân. Thiếp thật không hiểu nổi Mao Uy sẽ làm cách nào để nó không tằng tịu với người khác nữa.
Tôn Kiếm nói:
- Một con điếm đã chết thì không còn tằng tịu với ai nữa!
Dứt lời đột nhiên buông tay đang giữ Phụng Quyên, nữ nhân lại rơi từ vai xuống đất chẳng khác gì một túi bột.
Rơi từ lưng ngựa xuống với tốc độ không chậm, đương nhiên chẳng phải là điều dễ chịu gì.
Phụng Quyên cố nén đau kêu lên:
- Chàng làm gì thế?
Tôn Kiếm đã phi tới chừng tầm tên, quay ngựa lại đưa mắt lạnh lùng nhìn thiếu nữ nằm rũ rượi dưới đất.
Phụng Quyên cố nhỏm dậy duỗi tay nói:
- Kéo thiếp lên với!
Tôn Kiếm lạnh nhạt trả lời:
- Nếu ta định kéo ngươi lên thì đã không để rơi xuống.
Phụng Quyên nở một nụ cười thật quyến rũ nhưng cơn đau và nỗi sợ hãi đã làm mặt thị bị méo mó đi.
- Chàng cướp thiếp đi, chẳng lẽ chỉ đem tới vứt xuống đây hay sao?
Tôn Kiếm gật đầu xác nhận:
- Hoàn toàn đúng!
Phụng Quyên gào lên:
- Chàng làm thế có ý gì?
Tôn Kiếm nhếch môi cười rồi quay ngựa phi thẳng. Hắn xưa nay không quen giải thích với người khác mọi hành động của mình, đặc biệt với nữ nhân.
Phụng Quyên nghiến chặt răng rồi bỗng chồm lên cất tiếng chửi.
Thị tuôn ra những lời chửi rủa độc địa nhất mà người ta có thể dùng, cả những từ mà phần lớn rất hiếm khi dùng.
Chửi chán, thị đột nhiên òa lên khóc, không phải vì đau, cũng không phải vì sợ Ở lại trong rừng vắng một mình.
Thị khóc vì biết Mao Uy sẽ không bao giờ tin vào lời mình rằng Tôn Kiếm đã không làm gì cả.
Nếu Tôn Kiếm có làm gì thì chắc rằng thị đã không phải thương tâm như thế.
Những nữ nhân không biết thế nào là nhục nhã mới đúng là vô sỉ nhất.
Phụng Quyên thuộc hạng người này.
Khi bị người khác làm nhục thị mới thích thú, nếu không thị lại thấy sỉ nhục.
Phụng Quyên không sao hiểu được hành động đó của Tôn Kiếm, không biết hắn làm thế nào cốt để Mao Uy hiểu rằng việc nữ nhân của mình bị người khác làm nhục là thế nào.
Hành vi đó gọi là lấy răng chọi răng, lấy tội ác trả thù tội ác.
Lão Bá tuy biết rằng dùng phương pháp đó để trừng phạt không phải là cách tốt lành gì, nhưng ông chưa nghĩ ra cách gì tốt hơn.
Đó không phải là chủ ý của Lão Bá vì ông không ra lệnh làm như vậy. Xưa nay ông để thuộc hạ và Tôn Kiếm tùy ý hành động theo cách của mình, cốt sao hoàn thành được nhiệm vụ.
Tuy vậy Lão Bá không phải không đoán biết Tôn Kiếm sẽ trừng phạt đối phương bằng cách nào vì ông biết rõ tính nhi tử của mình.
Tôn Kiếm xuống ngựa, không nhịn được cười. Hắn hài lòng nghĩ rằng cho dù Lão Bá thân hành xử việc này cũng không thể có biện pháp trừng phạt hoàn hảo như mình.
Mãi đến hoàng hôn mà Lão Bá vẫn lúi húi trong khu vườn của mình bắt sâu, tỉa lá.
Ông có thú vui đặc biệt là làm vườn, vì thế muốn tự mình chăm sóc những luống hoa yêu thích, và phải thừa nhận ông làm rất tận tụy và thành thạo chẳng kém gì một người thợ làm vườn chuyên nghiệp.
Cho tới khi Văn Hổ và Văn Báo về tới trang, Lão Bá mới buông tay kéo ra khỏi khu vườn.
Thú vui là thú vui, còn công việc vẫn là công việc, không để thú vui ảnh hưởng đến công việc.
Đó là nguyên tắc hành sự của những nhân vật lớn.
Văn Hổ và Văn Báo đang ở độ tuổi thiếu niên, mới ngoài hai mươi nhưng mặt đã có nếp nhăn, trông già hơn tuổi nhiều.
Bây giờ vẻ mặt chúng trông càng hốc hác, chắc rằng hai ngày vừa qua chúng phải rất cố gắng để hoàn thành công việc.
Nhưng dù vất vả bao nhiêu, chỉ cần làm hài lòng Lão Bá, chỉ cần ông khen ngợi một tiếng thì mọi nhọc nhằn đều tan biến.
Lão Bá cười hỏi:
- Công việc của các ngươi hoàn thành rồi chứ?
Văn Hổ cúi người đáp:
- Dạ!
Lão Bá nói:
- Hãy kể lại cho ta nghe các ngươi đã thực hiện nó thế nào!
Văn Hổ bắt đầu:
- Chúng tôi dò biết được Từ đại bảo chủ có một nhi nữ nên đã tìm cách bắt cô ta....
Lão Bá ngắt lời:
- Nhi nữ của Từ Thanh Công bao nhiêu tuổi? Đã có chồng chưa?
Văn Hổ đáp:
- Thị năm nay đã hai mươi mốt tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Về sắc, không thể coi thị là người đẹp, hơn nữa tính khí lại rất đỏng đảnh khó chịu. Nghe nói trước đây từng có người đến cầu hôn nhưng chính thị do thất ý gì đó mà đuổi cả song thân của tân lang ra khỏi bảo.
Lão Bá gật đầu:
- Nói tiếp đi!
Văn Hổ tiếp tục kể:
- Chúng tôi lại tìm cách làm quen với Giang gia huynh đệ, chuốc cho hai tên say rượu sau đó đưa Từ cô nương vào....
Văn Báo tiếp lời:
- Hai tên dâm tặc đó say rượu, thấy nữ nhân chẳng khác gì ruồi nhặng đánh hơi được mùi huyết tanh, chẳng cần biết đối phương là ai lập tức xúm tới hành động.
Văn Hổ thêm:
- Chờ chúng hành động xong chúng tôi mới xuất thủ giáo huấn cẩn thận....
Văn Báo cướp lời:
- Chúng thuộc hạ rất cẩn thận, lưu tâm không để phạm vào những yếu huyệt, thực hiện đúng chỉ thị của lão nhân gia, đảm bảo ít nhất ba tháng chúng không thể dậy nổi khỏi giường.
Văn Hổ luyện Đả Hổ quyền, còn Văn Báo luyện Thiết Sa Chưởng.
Võ công của chúng cũng như phần lớn những thuộc hạ khác của Lão Bá, xuất thủ không có nhiều biến hóa, cũng không tinh diệu nhưng vô cùng chuẩn xác và thần tốc.
Lão Bá thường nói rằng võ công không phải là để thưởng ngoạn, do đó cốt yếu là phải thắng được đối phương.
Giá như huynh đệ họ Giang tỉnh táo thì có thể động thủ quá chiêu nhưng chúng lúc đó đã say mềm đành bò ra chịu trận, kết quả là hai tên nằm trong vũng nước sền sệt gồm cả rượu thịt do chúng ói ra lẫn với máu.
Văn Hổ kể tiếp:
- Sau đó chúng tôi tìm một chiếc kiệu ném cả ba vào trong đó rồi đưa tất cả đến trước thư phòng của Từ Thanh Công.
Văn Báo thêm:
- Chỉ tiếc rằng không được nhìn thấy vẻ mặt của Từ lão nhi lúc đó xem thế nào....
Tới đó, liếc nhìn vẻ mặt của Lão Bá, Văn Báo vội vàng nín bặt lại.
Nét mặt Lão Bá tuy không có biểu cảm gì nhưng nụ cười đã tắt mất từ trước.
Văn Hổ, Văn Báo bắt đầu cảm thấy luống cuống lo sợ, biết rằng mình đã hành động sai lầm.
Bất cứ ai nếu hành động sai lầm tất phải bị trừng phạt, không một người nào ngoại lệ.
Hồi lâu, Lão Bá mới trầm giọng hỏi:
- Các ngươi có biết đã sai lầm chỗ nào không?
Văn Hổ, Văn Báo cùng cúi gục đầu.
Lão Bá nói:
- Huynh đệ họ Giang phải nằm liệt giường ba tháng hoặc hơn nữa là xứng tội. Từ Thanh Công xử sự bất công, đáng phải được giáo huấn. Về mặt này các ngươi hành động đúng.
Tới đó, mặt ông lộ vẻ nghiêm khắc, nói tiếp:
- Nhưng nữ nhi của Từ Thanh Công đã phạm tội gì? Căn cứ vào đâu mà các ngươi trừng phạt cô ta thê thảm như vậy?
Văn Hổ, Văn Báo càng cúi thấp đầu không dám ngẩng lên, mồi hôi trên trán toát ra từng hạt lớn.
Khi Lão Bá tức giận thì không ai dám nhìn thẳng vào mặt ông.
Lại một lúc nữa, giọng Lão Bá có phần bớt gay gắt:
- Ai đã đề xuất chủ ý đó?
Văn Hổ vội đáp:
- Thuộc hạ!
Văn Báo cũng tranh lời:
- Chính là ý của thuộc hạ!
Lão Bá nhìn hai người đứng ủ rũ trước mặt, ánh mắt tức giận lại dịu đi mấy phần, trầm giọng nói:
- Văn Hổ bản tính thật thà, nhất định không đề xuất chủ ý tàn nhẫn này.
Văn Báo rầu rĩ nói:
- Đại ca vốn cũng không đồng tình với việc đó....
Lão Bá chắp tay ra sau lưng đi quanh quẩn một lúc rồi đến trước mặt Văn Báo nói:
- Ta biết ngươi còn chưa lấy vợ....
Văn Báo chẳng hiểu việc chưa lấy vợ của mình thì có ăn nhập gì việc đang bàn ở đây, thấp giọng đáp:
- Dạ....
Lão Bá ra lệnh:
- Hãy lập tức cầm thiếp của ta đến Từ Gia Bảo cầu thân hỏi Từ cô nương làm vợ!
Văn Báo như bị sét đánh ngang đầu, mặt đỏ bừng rồi tái xám đi, lắp bắp:
- Việc này.... việc này thuộc hạ không....
Lão Bá quát to:
- Không nói gì nữa. Bảo ngươi đi cầu hôn là ngươi phải đi! Ngươi đã hại một đời con gái của người ta, bởi thế ngươi phải chịu tránh nhiệm!
Đương nhiên bất cứ ai phạm phải sai lầm đều chịu sự trừng phạt, nhưng hình thức trừng phạt như thế có lẽ chỉ Lão Bá mới nghĩ ra được.
Văn Báo đưa tay lau mồ hôi trán hỏi:
- Nếu Từ đại bảo chủ không chấp nhận thì sao?
Lão Bá khẳng định:
- Hắn nhất định sẽ không cự tuyệt, nhất là vào thời điểm này.
Từ bảo chủ đương nhiên không thể cự tuyệt, lúc này chỉ sợ nhi nữ không lấy được chồng, huống chi Văn Báo đang là thiếu niên rất có triển vọng.
Văn Báo không dám nói gì thêm, cúi đầu thiểu não lui ra.
Ra khỏi Cúc Hoa Viên, Văn Hổ mới vỗ vai lão đệ nói:
- Làm gì mà ngươi mang bộ mặt đưa đám thế? Ngươi lẽ ra nên lấy vợ lâu rồi mới phải. Có vợ rồi, ngươi sẽ biết việc đó rất cần thiết, mà còn thích thú nữa, chẳng tệ lắm đâu! Thậm chí có những cái hay của nó....
Văn Báo xì một tiếng, lẩm bẩm:
- Hay ho cái con khỉ! Đúng là quỷ tha ma bắt....
Văn Hổ làm ra vẻ một người sành sỏi:
- Sao lại không hay chứ? Lão đệ ngươi xem này, đi đâu về đều có cơm ngon, canh ngọt chờ sẵn, mùa đông tháng giá ngươi từ giá tuyết mới về nhà là có lò sưởi nóng rực lên rồi..... Văn Báo nói:
- Tôi có biết một câu tục ngữ, không biết đại ca đã từng nghe bao giờ chưa?
- Câu gì vậy?
- Không phải tất cả những người ăn trứng gà đều phải nuôi gà mái.
Văn Hổ cười nói:
- Nhưng làm gì hơn mình có sẵn? Ngươi muốn ăn khi nào cũng được mà! Còn ở ngươi ngươi cứ việc nếm trứng gà trứng vịt bao nhiêu tùy thích!
Văn Báo thở dài:
- Thật ra tiểu đệ cũng không phản đối chuyện lấy vợ. Nhưng phải lấy một con hổ cái như vậy thì ai mà chịu được?
Văn Hổ nói:
- Ta cũng biết một câu tục ngữ, không biết ngươi đã từng nghe bao giờ chưa....
- Câu gì?
- Nữ nhân cũng như con ngựa, còn nam nhân là kỵ sĩ. Chỉ cần một tay kỵ sĩ cứng cựa thì dù gặp phải loại ngựa bất kham thế nào cũng thuần phục được tất. Ngươi bắt nó đi phía đông, nó quyết không dám dông về phía tây đâu!
Y lại cười cười nói thêm:
- Tỷ như chị dâu ngươi đó, trước kia nào có hay ho gì? Nhưng bây giờ....
Văn Báo hỏi vặn:
- Chẳng lẽ bây giờ chị ấy thuần tính hơn?
Văn Hổ ngẩng đầu, hùng hồn đáp:
- Chứ sao! Bây giờ dần dần cô ấy cũng hiểu ra trong gia đình ai là chủ....
Hắn còn chưa kịp nói xong câu thì từ hoa viên một phụ nữ cao lớn xồng xộc bước tới trừng mắt nhìn Văn Hổ hỏi sừng sộ:
- Ngươi nói nghe coi, trong nhà ta ai là chủ?
Văn Hổ xịu ngay mặt lại, trông thảm hại như con gà trống vừa chọi thua, nhỏ nhẹ trả lời:
- Đương nhiên là bà!
Lão Bá thích làm vườn, không bao giờ để lại một chiếc lá sâu hoặc thừa, bởi vì như thế sẽ làm mất mỹ quan.
Thuộc hạ của Lão Bá cũng thế, tuy không nhiều nhưng ai cũng có phận sự và đủ năng lực hoàn thành phận sự của mình.
Hơn nữa tất cả đều rất trung thành với chủ. Lão Bá xưa nay chưa từng phàn nàn gì về chuyện đó.
Ông biết rõ chỉ cần sai bảo thủ hạ việc gì hợp với khả năng chúng đều hoàn thành.
Bởi thế mấy năm gần đây ông rất ít khi đích thân hành sự.
Chẳng phải vì Lão Bá đã không còn sức lực.
Ông tin rằng mình còn đủ khả năng khống chế bất cứ lực lượng nào dám phạm tới mình.
Ngày hôm đó bị Nhất Thạch đạo nhân chỉ kiếm vào cổ, ông đã thấy trong kiếm pháp của Nhất Thạch có tới ba chỗ sơ hở. Nếu lúc đó không có Lục Hương Xuyên phóng ám khí làm rơi kiếm đối phương, ông vẫn đủ thời gian đánh ngã Nhất Thạch.
Ông xuất thủ đúng vào thời gian tối hậu, trong lúc chiêu cũ của đối phương đã hết lực, chiêu mới chưa kịp thi triển. Hơn nữa lúc đó thấy ông không phản ứng, địch nhân nhất định có phần chủ quan.
Xuất thủ đúng thời cơ đó thường cầm chắc phần thắng, đối phương không kịp trở tay.
Nói thì dễ, nhưng chờ đến giây lát cuối cùng mới xuất thủ không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi không những cần có bản tính trầm tĩnh, sự dũng cảm mà phải có bản lĩnh lớn và dày dạn kinh nghiệm.
Lão bá nhận ra rằng Lục Hương Xuyên tuy không phải con mình nhưng trung thành với ông còn hơn cả Tôn Kiếm.
Càng ngày Lão Bá càng tin tưởng thiếu niên này, định bụng truyền cho hắn một nửa sự nghiệp của mình.
Trong số thuộc hạ thì Lục Hương Xuyên bình tĩnh và cơ trí nhất. Sự nghiệp càng lớn thì càng cần đến những trợ thủ đắc lực như vậy.
Đó là điều bí mật mà trừ Lão Bá ra, không một ai biết cả.
Với những nhân vật như Lão Bá, đương nhiên có rất nhiều bằng hữu và cũng không ít địch nhân.
Có những địch nhân ông ra mặt đối địch không khoan nhượng, nhưng cũng có những thế lực mặc dù luôn tìm cách đối địch hoặc ngăn cản hành động của ông nhưng Lão Bá vẫn phải thận trọng.
Thập Nhị Phi Bằng Bang là một thí dụ.
Lão Bá biết rõ thế lực của bang phái lớn vào bậc nhất vùng bắc Đại Giang này, và hiểu rất rõ thủ đoạn của Bang chủ Vạn Bằng Vương.
Bởi thế lần này Lão Bá mới phái đích thân Lục Hương Xuyên đến Thập Nhị Phi Bằng Bang giải quyết sự vụ.
Công việc lần này hoàn toàn không phải quan trọng nguy hiểm gì hơn những lần khác, nhưng bỗng dưng Lão Bá tự nhiên cảm thấy lo lắng, dự cảm thấy có gì đó chẳng lành.
Băn khoăn hồi lâu, ông chợt thở dài nghĩ bụng:
- Ta lo lắng quá nhiều gì chứ. Chỉ sợ đó là biểu hiện của tuổi già....
Ông chợt nghĩ sang chuyện khác, nhớ tới thiếu niên hôm trước đến chúc thọ có danh thiếp ghi tên là Trần Chí Dân, đối với ông rất có ấn tượng nhưng không biết ngay sau khi vụ huyết án xảy ra đã biến đi đâu không để lại chút dấu tích.
Lão Bá không hề ngạc nhiên về vụ án đó. Tuy rất ít khi có người xông vào Cúc Hoa Viên giở trò càn quấy như Hoàng Sơn Tam Hữu nhưng với Lão Bá đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt.
Ông cũng không ngạc nhiên về người đã xuất thủ thần tốc hạ sát Hoàng Sơn Tam Hữu. Hiển nhiên ông đoán biết người đó là ai.
Bây giờ Lục Hương Xuyên đang ngồi trên xe ngựa. Y không nghĩ nhiều đến Vạn Bằng Vương là người mà mình sắp phải đối phó mà nghĩ đến người ám toán hôm trước xuất thủ hạ sát Hoàng Sơn Tam Hữu.
Người đó xuất thủ vô cùng thần tốc đến nỗi chàng cũng không thấy rõ diện mục nhưng cũng phần nào đoán ra đó là ai.
Lục Hương Xuyên tin chắc rằng Lão Bá nhất định biết người này nhưng chàng không hỏi.
Việc gì Lão Bá đã không muốn nói thì trên đời không có bất cứ ai bắt ông hé răng được.
Lục Hương Xuyên có cảm giác rằng người đó là Hàn Đường.
Nhớ tới thân thủ phàm tốc và động giết người tàn khốc đó, Lục Hương Xuyên chợt nghĩ đến lời Lão Bá nói rằng những gì mà Hàn Đường làm thì trước đây chưa từng có ai làm và chỉ e sau này cũng không ai làm như thế.
Thời gian gần đây địa vị của Lục Hương Xuyên được củng cố, quyền hành lớn và thuộc hạ dưới quyền nhiều hơn trước. Tuy vậy, dù Lục Hương Xuyên đã dùng mọi phương pháp vẫn không sao dò được tung tích con người bí hiểm là Hàn Đường.
Không ai biết thân thế lai lịch của hắn, cũng không biết võ công hắn đến trình độ nào.
Mỗi người sống tới bốn năm mươi tuổi thường để lại lịch sử của mình, thế nhưng Hàn Đường lại không có, như thể trên đời không hề có người đó tồn tại vậy.