Chuyến đò
Trầm Nguyên Ý Anh
Vừa từ nhà người em chồng bước ra, bà Quang kêu mệt. Không biết họ chưa từng được ăn hay sao mà cứ và cứ gắp, y như đã bị bỏ đói lâu ngày. Thằng cháu Việt kiều thì cứ mải lo huyên thuyên khoe khoang cái chỗ nó vừa từ đó trở về. Nó khoe từ cái ăn, cái mặc, cái làm, cái chơi..., cái nào cũng hơn hẳn xứ sở nghèo nàn đã sinh ra nó. Bà Năm Thịnh đã mấy lần kéo tay, ý muốn nó ngưng nói để hỏi thăm bà bác dâu từ Sài Gòn về mà nó cứ vờ không biết. Khách thì cứ ăn. Chủ thì cứ nói. Đồ ăn bao nhiêu cũng hết. Nhà sau lại nghe tiếng heo kêu la inh ỏi, chắc họ sắp làm thêm một con nữa. Bà Quang ngồi nói chuyện với bà Năm Thịnh một lúc thấy bực bội. “Mình cất công từ Sài Gòn về đây thăm nó là nghĩ tình họ hàng chẳng còn ai. Mà nó cứ như người dưng nước lã thì ngồi lâu làm gì”. Nghĩ như vậy, bà nói lời từ giã với người em dâu. Bà dùng những lời ngọt ngào, thận trọng chứ thật tình trong bụng chẳng chút vấn vương. Một người đàn ông trạc hơn ba mươi nãy giờ đứng xớ rớ, khách chẳng ra khách, mà chủ cũng không ra chủ, đến bên bà:
- Mẹ định về sao mẹ?
- Ừ! Xuống nhà dưới kêu vú con sửa soạn về!
Gã chen trong đám người đang miệt mài ăn uống, xuống nhà ngang. Lát sau, một người đàn bà ăn mặc xuề xòa theo gã lên nhà trước.
- Vú mày đã ăn chưa? Bà Quang hỏi.
- Dạ! Em ăn rồi. Chị tính về bây giờ sao?
- Về! Để cháu nó còn tiếp khách. Mình ở đây chỉ làm chật nhà.
Bà Năm Thịnh biết bà chị dâu giận nhưng cũng không biết làm sao. Hai ông chồng đã chết, chỉ còn hai chị em bạn dâu mà kẻ quê người chợ. Mấy năm nay ai cũng bận bịu chẳng được viếng thăm nhau. Kỳ này, thằng Thuận con bà về nước, tưởng bác cháu gặp nhau vui vẻ, ai ngờ thằng con bà quá quắt, luôn khoe mình giàu. Bà Quang lại quen thói kẻ cả. Thôi thì, chị ấy về cũng tốt. Bà Năm Thịnh đưa ba người tới bến đò rồi quay lại sau khi nói vài câu xin lỗi.
- Thân à! Bây giờ về Sài Gòn cũng trễ, hay là mình bao đò đi chơi một buổi. Tối về thị trấn thuê phòng ngủ rồi mai về sớm- Bà Quang gợi ý với con trai.
- Dạ! Mẹ tính như vậy cũng tiện. Con thấy chú Thuận cũng quá đáng thiệt. Dầu gì cũng là cháu mà không kể gì tới mẹ hết.
- Mặc kệ nó! Tao về cũng không vì nó. Nghĩ mồ mả ông bà với ba mày còn nằm đó mới về. Chứ cái thứ rác rưởi đó, ai thèm nói tới.
Hai người bàn bạc xong, kêu người lái đò xách giùm đồ đạc xuống. Người đàn bà được Thân gọi bằng vú vẫn lặng im. Thân lấy từ trong túi xách ra chai nước khoáng, gã mở nắp rồi đưa bà Quang:
- Mẹ uống đi! Hồi nãy chắc mẹ chưa ăn gì hả? Mẹ có ăn bánh ngọt không, con lấy cho! Gã vừa nói vừa soạn kiếm bọc bánh trong túi xách.
Họ đã xuống đò. Giờ này nước đang lớn. Người chèo đò cặn dặn:
- Ra tới đầu doi hơi có sóng, hai bà với cậu ngồi kỹ chút nghe!
Thân cười, trán gã lấm tấm mồ hôi. Bà vú móc từ túi áo bà ba của mình cái khăn tay đã ố vàng, vói tay lau mồ hôi cho gã. Thân gạt ra. Gã móc khăn giấy từ trong xách đưa bà Quang một bịch. Rồi chừng như nhớ ra, gã hỏi:
- Hồi nãy vú có ăn cơm chưa? Cứ ở đó lo làm!
- Rồi! Vú ăn rồi mà!
Bà vú nói thì nói vậy, chớ đã ăn uống gì đâu. Mới tờ mờ sáng, bà đã xuống bếp phụ làm. Bà Quang ở nhà trên chắc còn ngủ được. Còn bà nằm chèo queo ở bộ vạt nhà dưới nghe đám thanh niên đánh bài, đánh lô tô cười nói sáng đêm nên đâu chợp mắt được. Bà lại sợ thằng Thân bị người ta ép uống rượu nên cứ giở mùng dòm ra hoài. Rốt cuộc thì trời sáng. Thằng Thân tuy do bà mang nặng đẻ đau, nuôi nó tới ngày khôn lớn nó vẫn chưa bao giờ kêu bà một tiếng má ngọt ngào. Âu cũng là kiếp số. Còn người đàn bà không chung cùng một giọt máu, không cực khổ một ngày vì nó, lại được nó luôn miệng kêu tiếng “mẹ” thương yêu. Thằng Thân bao nhiêu tuổi thì nỗi đắng cay đau đớn trong lòng bà cũng bao nhiêu năm. Mười tám tuổi, bà vào nấu ăn cho nhà ông Quang, con trai một địa chủ có tiếng trong vùng. Ông Quang mở rộng làm ăn, có nhiều nhà máy ở khắp huyện. Bà Quang lại là người đàn bà đầy tham vọng. Bà quán xuyến công việc hơn cả chồng. Trong tay vợ chồng bà có cả trăm người phụ việc. Chính vì ham mê công việc, nên bà thường xuyên vắng nhà. Bà vú thuở ấy lại là người con gái dễ coi. Cái ngày phát hiện người làm có thai với chồng mình, bà Quang đã ngồi lì trong phòng một buổi. Cuối cùng, bà nói với chồng: “Em biết em có lỗi đã để mình phải chăn đơn gối chiếc. Nhưng dù sao, cô ấy cũng là người làm, để bên ngoài biết, thiên hạ sẽ cười chê. Bây giờ, tạm đưa cô ấy về quê em, chờ sinh nở xong rồi tính”. Không một ai biết chuyện ngoài vợ chồng bà, bà vú và lão quản gia. Hai đứa con bà Quang đứa mười, đứa sáu tuổi đã reo mừng khi thấy mẹ chúng đem về một đứa em trai. Thằng Quân hỏi:
- Ủa! Mẹ đẻ em hồi nào hả mẹ?
Còn thằng Quỳnh ngọng nghịu:
- Em... em “ngỏ khíu” hà!
Bà Quang cười với con:
- Đây là em của hai đứa con, vú sẽ nuôi em thay cho mẹ. Mai mốt, tụi con có ba đứa, mặc sức mà chơi mà giỡn.
Vậy là bà vú lại được nuôi con mình và gần người chồng hờ của bà. Ông Quang từ đó thêm nể vì người vợ biết cư xử và cũng không mặn mòi với bà vú nữa. Thằng Thân không được đặt cho những cái tên rất kêu của dòng họ chỉ đơn giản là Văn Thân, theo họ bà vú, cha vô danh. Đó là ý của bà Quang và ông Quang không một lời phản đối. Thằng Thân vẫn kêu cha gọi mẹ và vẫn mang cái lý lịch “tréo cẳng ngỗng” đó đến ngày ông Quang mất. Bà vú không đòi hỏi gì hơn là được gần con và thấy con mỗi ngày khôn lớn, lại được ăn học đàng hoàng. Với thiên hạ ở bên ngoài thì Thân là đứa con nuôi. Với ông bà Quang, gã là đứa con ngoài ý muốn. Nhưng với bà vú, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời bà. Mãi đến năm lên tám, Thân mới biết bà vú là mẹ ruột, là người đã sinh ra gã. Lẽ ra, càng lớn, gã càng phải biết thương yêu người đàn bà khốn khổ đã rứt ruột đẻ ra mình, đã chịu bao nhiêu đắng cay trong đời tôi tớ chỉ để được gần con. Quân và Quỳnh trực tiếp quản lý công việc làm ăn với mẹ. Thân chỉ làm những việc vòng ngoài. Gã biết cái thân chẳng đáng giá của mình từ sau khi cha chết và gã đã làm đủ mọi cách để có tên trong giấy tờ chia gia tài của bà Quang.
* * *
Con đò đã xuôi dòng nước. Dòng sông càng gần ngã ba càng mở rộng ra. Sóng nhấp nhô, nắng trải một màu vàng lụa. Bà Quang đã lâu không còn hưởng cái thú điền viên dân dã. Mỗi ngày của bà đều hái ra tiền. Từ lúc bà quyết định bán hết đất đai, nhà máy để về Sài Gòn mở rộng kinh doanh thì bà đã là người dân thành thị chính hiệu rồi. Ở tuổi sáu mươi ba mà bà vẫn điều hành công việc làm ăn đạt nhiều thành quả. Bà là cái đầu, hai thằng con trai là hai cánh tay đắc lực. Bà vú vẫn yên phận quản gia và bếp núc. Chỉ còn Thân, gã vẫn đang cố tạo cho mình một chỗ đứng trong lòng bà Quang và trong gia tộc. Gã vẫn biết Quân và Quỳnh không thương mình như ruột thịt và quyền hành vẫn còn trong tay người đàn bà bản lĩnh này. Vậy nên, gã đã không ngần ngại khi tự cho mình cái quyền là con của bà. Đi đâu cũng “mẹ”, làm gì cũng “mẹ”. Còn đối với bà vú, gã đã quên hay cố tình quên người đã tạo ra mình.
Càng ra tới ngã ba sông, gió càng thổi lộng. Những lượn sóng lớn hơn. Bà vú dựa lưng vô vách ghe, thiu thiu ngủ. Thân nhìn nét mặt khắc khổ già nua của bà rồi so sánh với bà Quang sang trọng, đẫy đà. Gã càng nghĩ càng thấy không cam tâm. Mới tuần trước, gã đã nghe phong phanh bà Quang đang nhờ luật sư làm di chúc. Gã bỗng bồn chồn. Gã không biết bà có nghĩ chút công lao và tấm lòng “hiếu thảo” của gã mà chia cho một ít. Một ít thôi trong cái gia tài của bà cũng bằng cả đống của cải thiên hạ. Cho nên khi bà vừa cho biết sẽ về quê và kêu gã đi theo, gã đã vui mừng tở mở. Gã đã mua những thức ăn đồ uống mà bà thích, đã chuẩn bị mọi thứ cho bà. Còn bà vú, chỉ mấy bộ đồ cũ mèm trong giỏ, bà đã quen rồi nên cũng chẳng buồn chẳng tủi. Bà Quang đang say sưa ngắm cảnh vật hai bên bờ sông. Hồi tối bà ngủ được nên bây giờ thấy tỉnh táo lắm. Thân ngồi bên vú đối diện với bà Quang để chuyện trò.
- Đi chuyến này chắc mẹ vui lắm! Thỉnh thoảng cũng nên về quê đổi gió hả mẹ?
- Mẹ thì công chuyện không dứt, rảnh đâu mà đi chơi. Họa chăng, chừng nào thu xếp cho tụi nó xong rồi, mẹ mới yên.
Thân thấy thất vọng. “Thu xếp cho tụi nó” nghĩa là Quân và Quỳnh chớ không có gã. Tuy vậy, gã cũng gượng cười:
- Anh hai, anh ba thì giỏi rồi, mẹ cũng đừng lo quá!
Từ đằng xa bỗng có tiếng động cơ thật lớn, một chiếc vỏ lãi đang lao hết tốc độ về phía con đò. Người lái đò biến sắc, anh khoát tay ra dấu biểu nó tránh ra. Chiếc vỏ lãi chẳng thay đổi luồng chạy, vẫn phóng như bay trên mặt nước. Một đợt sóng rồi hai ba đợt xô chiếc đò giạt ngang. Một đợt nữa đẩy nó lên cao. Tiếng người lái đò thất thanh: “Chết rồi! Đò chìm rồi!”. Bà vú choàng tỉnh chụp lấy cánh tay con như bản năng của một người mẹ. Ngay trong phút giây kinh hoàng đó Thân lại nảy ra cái ý nghĩ tuyệt vời - phải cứu bà Quang. Gã gỡ mấy ngón tay của bà vú ra lúc chiếc ghe đã lật ngang. Gã nắm lấy cánh tay bà Quang bằng tất cả sức lực của mình. Và để biện minh cho việc làm của mình, gã nghĩ “người lái đò sẽ cứu bà vú thôi!”.
* * *
Người ta huy động tới mấy chiếc ghe cào để tìm xác bà vú. Bà Quang đã được Thân hết lòng cứu sống. Gã đã bơi bằng hai lần sức lực của mình khi nghĩ đến tên mình trong tờ di chúc. Người lái đò thấy bà vú chìm xuống nhưng anh không nắm được. Những con sóng cứ bổ tới đẩy bà xa anh. Bà vú được đặt nằm trên bờ sông chờ chính quyền tới xác minh sự việc. Một người tốt bụng đã lót cho bà chiếc chiếu bông. Bà Quang vẫn chưa hoàn hồn và bà đã khóc khi nhìn thấy bà vú nằm đó như đang ngủ. Bà nhìn Thân thầm nghĩ: “Lẽ ra nó phải cứu mẹ nó” và bà ngờ ngợ một điều gì đó trong đầu:“Trời ơi! Không lẽ là như vậy!”. Thân đứng cách đó không xa. Gã nhìn người đẻ ra mình nằm đó giống như nhìn một xác người xa lạ. Trong đầu gã lúc này là cái ơn gã đã cứu sống bà Quang và gã mường tượng những ngày giàu sang sắp tới.