Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nỗi oan

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 699 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nỗi oan
Trầm Nguyên Ý Anh

      Thằng Một xoay xoay cái miệng chài trong tay một cách điệu nghệ rồi rướn người tung lưới. Mặt nước nổi lên một vòng tròn rồi từ từ lan tỏa trên mặt sông những vòng tròn khác lớn hơn, lớn hơn. Một nắm chặt đầu chài rồi nhẹ nhàng kéo về phía mình. Tay kéo, tay cuộn. Cuối cùng, cả miệng chài đã lên khỏi mặt nước. Một vụt nó vào khoang, Một gỡ từng con cá rất lành nghề dù tuổi nó mới mười ba. Những con cá nhỏ bằng ngón tay, lớn bằng bàn tay đã nằm gọn gàng trong lưới. Già Hốc ngồi ở mũi xuồng, khoắng nhẹ cái dầm dưới nước để chiếc xuồng nhỏ chầm chậm trôi.
- Thôi! Bữa nay bây nhiêu thôi! Về nấu cơm cúng ba mầy! Thằng Một nhìn ông nội, bỏ cá vô giỏ rồi cuộn miệng chài lại, đặt kế bên. Già Hốc khoắng dầm bơi mau hơn. Một nhìn ông nội và nó biết được một điều là ông buồn lắm. Năm nào tới ngày cúng ba nó mà ông nội không buồn. Đám giỗ mà không mời lối xóm, chỉ hai ông cháu với ông bạn già Năm Bỉnh. Cái xã anh hùng này không chấp nhận một kẻ sợ chết, một thằng chiêu hồi. Người ta không qua lại với ông. Con dâu cũng bỏ đi khi thằng cháu nội ông vừa hơn hai tuổi. Nó lấy chồng ở xã bên, đẻ thêm hai đứa nữa, chưa một lần về thăm con. Thằng chồng sau nầy của nó không muốn dính dấp tới quá khứ của vợ, tới người chồng trước của vợ mình. Thằng Một lớn lên và từ từ hiểu được cái nhìn ghẻ lạnh của mọi người cho nó - con của một người phản bội. Nhưng nó không tin. Tự đáy lòng, bằng một thứ trực giác mạnh mẽ và chắc chắn - nó tin ba nó không bao giờ làm chuyện đó. Nhưng chính mắt mọi người đã chứng kiến, khi nắp hầm bí mật bị tung lên, ba nó đã đưa hai tay hô lớn: “Tôi đầu hàng, tôi xin hồi chánh! Tôi xin hồi chánh!”. Rồi ba nó bước những bước mạnh mẽ về phía địch. Một trái lựu đạn từ phía sau bỗng bay về phía trước nổ tung. Người chọi trái lựu đạn đó là Sáu Mi, người vừa vi phạm kỷ luật và cũng vừa bị ba nó kiểm điểm. Thừa lúc hỗn độn đó, Sáu Mi với Năm Thắng biến mất qua một chỗ núp an toàn khác. Chiều tối, tin Hai Trung sắp ra chiêu hồi bị Sáu Mi ném lựu đạn chết chung với địch, lan như lửa gặp dông. Già Hốc đang đốn mấy tàu lá dừa, vụt cái mác chạy một hơi qua nhà Sáu Mi. Mọi người có mặt đầy đủ. Ai cũng muốn biết tường tận chuyện động trời này.
- Tao hổng tin thằng Trung sợ chết rồi ra đầu hàng. Bây kể rõ tao nghe coi Sáu Mi! Mặt già Hốc tái lại, ánh mắt ông long lên những tia dữ dội giống như cái ngày ông moi xác vợ ông từ trong căn nhà cháy rụi vì đợt bom napalm năm đó.
Sáu Mi nhìn già Hốc, ánh mắt thoáng một chút bối rối. Y lẩn tránh tia nhìn sắc cạnh của già Hốc, rồi kể:
- Ba đứa tui ở dưới nghe tụi nó làm quá nên bàn với nhau liều chết. Tui nói, nếu nắp hầm bật tung ra, thì tụi mình cứ chọi lựu đạn ăn thua với tụi nó. Mình chết ba thì tụi nó cũng một bầy.
- Mầy nói coi, làm sao mà thằng Trung lại đầu hàng địch. Con tao, tao biết tánh. Nó chưa hề sợ chết. Ngày má nó chết cháy do bom napalm, nó đã thề trả thù. Thù nhà nợ nước mầy biết hôn? Con tao không làm chuyện đó!
- Nhưng thiệt tình là như vậy. Chú hổng tin cũng hổng được! Có Năm Thắng nữa, chớ hổng phải mình con.
Già Hốc đưa mắt tìm Năm Thắng. Ánh mắt ông dừng lại rất lâu như dò hỏi. Năm Thắng liếc nhìn Sáu Mi, rồi gật đầu.
- Sáu Mi nói thiệt đó chú. Con cũng hổng biết tại sao anh Trung lại như vậy. Lúc Sáu Mi chọi trái lựu đạn là ảnh hết cách rồi. Nếu để tụi nó bắt thì chết.
- Bây giờ xác nó ở đâu? Già hỏi trống không.
- Hồi nãy anh em đem về đầu xóm rồi. Chú coi chôn cất cho ảnh. Chuyện này con cũng không biết tính sao.
* * *
Má thằng Một ẵm nó trên tay, miệng khóc thút thít. Xác Hai Trung không còn nguyên vẹn nhưng cũng không cách nào hơn. Hai ba người lối xóm qua phụ đóng quan tài cũng về hết rồi. Không phải người ta không thương già Hốc nhưng cái tiếng “đầu hàng” khó mà được mọi người chấp nhận. Người ta còn tưởng tượng, nếu Sáu Mi không chọi trái lựu đạn thì y với Năm Thắng chắc gì toàn mạng. Mắt già Hốc ráo hoảnh. Ông thản nhiên nện những nhát búa vào mấy cái đinh cuối cùng rồi ngồi bệt xuống đất vấn thuốc. Nếu ai biết được ông đang nghĩ gì... Bao nhiêu nước mắt đã chảy ngược vào trong. Mất đứa con duy nhứt lại mang tiếng xấu ngàn đời - phản bội, đầu hàng. Nhục ơi là nhục.
Huyệt đã đào xong, thằng Trung nằm gần má nó. Chừng hơn mười người tới phụ chôn. Nghĩa tử là nghĩa tận, họ tạm quên chuyện Hai Trung đầu hàng giặc. Già Hốc có một mình. Cháu nội chưa đầy năm, con dâu mảnh mai yếu đuối. Người bạn chí thân của già Hốc là Năm Bỉnh lại không có ở nhà. Khi nấm mộ đã được hoàn thành, mọi người lục tục ra về, già Hốc gượng gạo cám ơn. Năm Bỉnh từ xa, hớt hơ hớt hải chạy tới:
- Trời ơi! Sao lại như vầy hả anh Út? Thằng Trung chết rồi sao? Sao người ta lại nói nó đầu hàng giặc? Tui hổng tin. Có trời xuống nói tui cũng hổng tin.
Già Hốc ôm chầm lấy Năm Bỉnh rồi khóc nấc lên:
- Nó chết rồi anh Năm. Chết nhục nhã lắm! Chết mà để tiếng xấu muôn đời.
Rồi ông khóc. Khóc như bao đớn đau đã òa vỡ khi ôm chặt người bạn thân nhứt trên đời, người mà ông tin là hiểu cha con ông nhứt.
Hai người ngồi phịch xuống đất. Đôi vai già Hốc vẫn run run. Năm Bỉnh khẽ khàng:
- Tui cũng hổng tin. Nhưng thằng Sáu Mi với Năm Thắng sờ sờ ra đó, làm sao bây giờ. Thôi? Ai cũng có phần có số, anh đừng buồn rầu quá tội nghiệp con vợ nó.
Bỗng già Hốc vụt đứng dậy cầm lấy cái mác nằm gần đó rồi bằng một động tác chính xác, ông chặt phụp ngón tay trỏ của mình. Năm Bỉnh chỉ còn kịp nhìn thấy cái ngón tay văng ra, như cái đuôi thằn lằn vừa bị đứt. Tiếng già Hốc tắc nghẹn:
- Tui chôn nó rồi thì coi như không có thằng con nầy. Tui thề như vậy. Máu từ bàn tay ông nhểu xuống ướt một khoảnh đất dưới chưn. Rồi ông ngất xỉu.
* * *
Thằng Một đi một đỗi thấy đói. Trên vỉa hè có một xe nước mía với một xe bánh mì, nó bước tới, ngồi xuống cái ghế con kêu một ổ bánh mì thịt. Trưa hôm qua, khi quá giang xe tải công ty xuất nhập khẩu của huyện về Sài Gòn, nó chưa kịp ăn gì. Buổi sáng nó xin già Hốc đi phụ đám cưới thằng bạn. Nó giấu biệt già chuyện đi Sài Gòn. Hồi tối này nó ngủ trên xe. Anh tài xế là người cùng xã, chỉ dẫn đường sá cho nó đàng hoàng rồi còn dặn:
- Chừng nào muốn về, mầy kêu xích lô chở tới trạm kinh tế huyện... tỉnh... đường... là tới. Đừng đi lung tung, lạc đường. Coi chừng tiền bạc, ở trên này móc túi dữ lắm.
Không biết có lần nó nghe ai nói, người biết chuyện ba nó rành rọt nhứt chỉ có Sáu Mi và Năm Thắng. Sáu Mi thì không hy vọng rồi vì ông ta là người đã chọi lựu đạn đã khẳng định ba nó đầu hàng. Nhưng còn Năm Thắng, thái độ Năm Thắng không rõ ràng, chỉ ấp a ấp úng nói theo Sáu Mi, không biết còn chỗ khuất lấp nào mà chưa ai biết. Ba nó chết lúc nó mới hơn bảy tháng. Nó lớn lên với nỗi tủi nhục có người cha hèn nhát, đầu hàng địch. Hai ông cháu sống nương nhau. Nó còn la cà trong xóm, chớ già Hốc tuyệt nhiên không. Từ sau cái ngày ông chặt ngón tay thề không có đứa con phản bội, ông cũng không tới lui với ai. Năm Bỉnh biết ý bạn, mỗi ngày qua lại mấy lần. Ngày má thằng Một bỏ đi, già Hốc cũng không ngăn cản. Ông biết cái ngày đó sớm muộn gì cũng tới. Chỉ tội cho thằng Một, mấy năm trước có đăng ký nghĩa vụ quân sự, tay xã đội trưởng gạt đùa:
- Mầy khỏi đăng ký mất công, trên không chọn đâu. Ở nhà đi lưới với ông nội thì được! Giọng y nhuốm màu rẻ rúng. Thằng Một tức mình, chạy một hơi ra mộ ba nó ngồi khóc. Rồi những lời xầm xì của thiên hạ cũng lọt vào tai. Nó nảy ra ý định đi tìm Năm Thắng cho tường tận sự thật.
Căn nhà tương đối rộng với một khoảng sân đầy hoa kiểng đẹp, cái bảng số nhà cũng đẹp với con số 15 mạ vàng nổi bật. Một đứng quan sát hồi lâu. Trong nhà, một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước ra với con chó nhỏ trên tay. Một tới sát bên rào. Người đàn bà bước xuống tam cấp:
- Cậu muốn hỏi gì?
- Dạ! Dạ cháu hỏi nhà chú Năm Thắng!
- Nhà Năm Thắng ở đây. Cậu ở đâu tìm tới?
- Dạ cháu ở Long Toàn, ba cháu ngày xưa là bạn của chú Năm. Ba cháu là Hai Trung chết rồi!
Người đàn bà ra chiều suy nghĩ rồi nhìn đồng hồ tay:
- Giờ này chắc ảnh sắp về! Cậu vô nhà chờ chút!
Ngoài đường, một chiếc xe du lịch màu huyết dụ dừng lại. Một ngó thấy một người đàn ông xấp xỉ năm mươi, dáng vẻ đầy đặn, tay xách cặp hồ sơ bước về phía cổng. Người đàn bà reo lên.
- Ảnh về rồi đó! May là bữa nay không nhậu!
Một nhìn người đàn ông rồi cúi đầu chào. Người đàn ông ngờ ngợ nhìn Một (vì thiệt tình, Một giống Hai Trung như tạc) rồi hỏi:
- Chú muốn hỏi ai?
- Dạ! Cháu là con Hai Trung, cháu muốn tìm chú Năm Thắng.
Nét mặt người đàn ông thoáng chút bối rối, rồi chỉ tay vào nhà:
- Vô nhà đi, chú là Năm Thắng đây!
Phòng khách khá sang trọng với cách trưng bày tuy đơn giản nhưng cũng toát lên được dụng ý của chủ nhân. Năm Thắng kêu vợ cho nước uống rồi ngồi nhìn đăm đăm Một:
- Năm nay cháu được bao nhiêu?
- Dạ hăm ba!
- Cháu sống bằng nghề gì? Mà ông nội còn mạnh không?
- Dạ! Cháu câu lưới phụ ông nội, ông nội già rồi nhưng cũng còn khỏe.
- Ai chỉ mà cháu biết đi tìm chú? Tìm có việc gì không?
Một ấp úng, mắt nhìn thẳng vào Năm Thắng với cái nhìn như cầu khẩn. Năm Thắng chột dạ. Cái ngày này rồi cũng đến, lẩn tránh đến đâu rồi cũng đối diện với nó thôi. Mà đâu phải y không đối diện. Còn sự đối diện nào quyết liệt và đáng sợ hơn khi đối diện với lương tâm mình. Giống như phải nhìn chằm chằm gương mặt mình trong gương. Phải đối diện với chính con người thật sự của mình để nhớ, để nghĩ tới những chuyện mình đã làm cho mình, cho người. Đã bao năm trôi qua từ sau cái chết của Hai Trung. Cuộc chiến khốc liệt hơn làm người ta không còn thì giờ để nghĩ, để nhớ chuyện mình làm. Nhưng khi đất nước đã thanh bình rồi, những người may mắn còn lại sau cuộc chiến là những người nhận được sự ưu đãi của Nhà nước, của nhân dân. Người ta được tôn vinh, được tặng thưởng. Cuộc sống đã đi vào giai đoạn mới và cũng có lúc người ta quay về quá khứ. Năm Thắng từ sau ngày hòa bình đã về Sài Gòn công tác. Tài năng đưa đẩy ông đến với cái chỗ ngồi hôm nay thật là xứng đáng. Nhưng ngay cả vợ ông, cũng không biết được ông đã bao đêm dài không ngủ. Đã bao đêm ông phai đối diện với chính mình về cái chết của Hai Trung. Người chiến sĩ cách mạng có thể chết mấy lần trong cuộc chiến nhưng không thể để lại tiếng xấu ngàn sau. Chính cái hèn hạ trong con người ông. Chính cái gật đầu đồng thuận của ông đã biến một anh hùng liệt sĩ thành một kẻ phản bội quê hương và lý tưởng của mình. Cái gật đầu ngu si của ông đã như mũi tên xé không khí lao vào phía trước. Không nắm giữ lại được nữa rồi. Lịch sử đã bước những bước dài của nó. Người anh hùng nằm dưới mộ mãi mãi là một tội đồ và bao người thân quanh anh đã chịu chung số phận. Cũng có những lúc ông muốn hét to lên sự thật để lương tâm không còn dằn vặt nữa, nhưng một chút yếu hèn đã giữ ông lại. Ông không thể đánh mất những gì ông đang có để đổi lại sự trong sạch cho Hai Trung. Quá khứ đã bị chôn vùi. Hơn hai mươi năm, ông chưa một lần về qua chốn cũ, ông không muốn biết già Hốc với thằng Một sống ra sao. Nhưng ông trời chẳng chiều ông, bây giờ ông phải đối diện với cái ông muốn quên, muốn chôn vùi...
***
Thằng Một được Năm Thắng cầm ở lại. Ông vẫn chưa nói gì ngoài chuyện đãi đằng cơm nước. Đêm đến, ông lặng lẽ ra ngoài sân trong cái băng đá gần gốc mai chiếu thủy chín tầng. Bầu trời đầy sao y như cái đêm đưa xác Hai Trung về. Rồi ông nhớ tới Sáu Mi, ông bỗng rùng mình. Phải chăng Sáu Mi đã bị quả báo và chừng nào đến lượt ông? Suốt bữa cơm chiều, ông không dám nhìn thẳng thằng Một. Nó giống ba nó như một bản sao. Từ cái gắp, cái nhai, từ cách đặt đôi đũa xuống bàn. Có tiếng bước chân của vợ, Năm Thắng rít một hơi thuốc.
- Làm gì mà ngồi ngoài này? Chừng nào thằng cháu đó về, hả anh?
- Ừ! Anh còn chút công chuyện với nó. Em vô ngủ đi!
* * *
Người dàn ông ở phòng chăm sóc đặc biệt không có tóc. Cái đầu y giống đầu một nhà sư. Khi Năm Thắng với thằng Một bước vô, y liền chạy đến núp sau cái bàn rồi thò đầu ra cười như con trẻ. Năm Thắng đưa tay ngoắc, y lắc đầu rồi lại gật đầu. Năm Thắng dỗ dành:
- Năm Thắng nè! Anh không nhớ sao? Sáu Mi không nhớ Năm Thắng sao?
Sáu Mi - quả thật người đàn ông đó là Sáu Mi - giương đôi mắt vô cảm nhìn Năm Thắng rồi nhìn qua thằng Một. Bỗng, y bật lên tiếng kêu thảng thốt:
- Hai Trung! Hai Trung đây mà! Hai Trung còn sống đây mà!
Một tái mặt. Nó chưa kịp hiểu những gì đang xảy ra trước mắt. Năm Thắng xua tay:
- Không phải Hai Trung đâu! Con của Hai Trung đó! Sáu Mi nhớ không? Hai Trung chết rồi.
Sáu Mi bỗng ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Cô hộ lý bước vào:
- Bữa nay anh ấy lại bị kích động. Thôi! Mình ra ngoài đi!
Thằng Một không dằn được nỗi ngạc nhiên:
- Người đó là chú Sáu Mi, là người đã liệng trái lựu đạn phải không chú?
- Ừ! Sáu Mi đó!
Gương mặt Năm Thắng bỗng tối sầm lại. Ông nắm tay lôi thằng Một vào xe rồi ra dấu cho người tài xế bước ra. Ông bắt đầu thú tội:
- Sự thật, ba cháu không phải kẻ hèn nhát phản bội gì đâu! Ba cháu là một anh hùng - một liệt sĩ cháu à! Lúc biết nắp hầm sắp bị cạy và tụi nó đông lắm, Hai Trung đề nghị mình sẽ liều chết. Anh sẽ giả hàng, giả chiêu hồi để tiến gần tới bọn địch. Như vậy, tụi nó chỉ chú ý tới ảnh thôi. Lúc đó, Sáu Mi sẽ chọi lựu đạn để thoát thân.
Thằng Một xoay người lại. Đôi mắt nó phóng ra tia nhìn như hai tia lửa điện nhắm vào mắt Năm Thắng:
- Như vậy, ba con đã liều chết để mấy chú thoát thân. Ba con nói chiêu hồi, nói đầu hàng là giả. Sao mấy chú lại nói khác?
Năm Thắng cúi đầu, giọng lạc đi.
- Chú có lỗi với ba cháu. Lúc đó, chú không ngờ Sáu Mi nói vậy. Bữa trước, chú với Sáu Mi bị ba cháu phê bình nên trong lòng còn oán giận. Sáu Mi đã nhân cơ hội trả thù, chú thì hèn nhát không dám nói khác đi vì chú nghĩ dẫu sao ba cháu cũng chết rồi. Chú đâu ngờ lương tâm chú không yên. Đã bao nhiêu lần chú định nói ra sự thật cho lòng dạ được nhẹ nhàng nhưng chú chưa đủ can đảm. Lúc Sáu Mi chưa gặp tai nạn, ảnh vẫn tìm cách khống chế thậm chí là đe dọa chú. Hai năm trước, ảnh bị tai nạn giao thông trong một lần đi công tác rồi lâm vào hoàn cảnh này. Vợ ảnh không nuôi được người bịnh như ảnh nên gởi luôn trong trại. Chú nghĩ là ảnh bị quả báo, chú sợ cái ngày của chú cũng tới. Chú phải nói - nói hết những gì đã giằng xé chú bao năm nay.
Nói tới đây, Năm Thắng bỗng ôm lấy đầu, rồi ông khóc nấc lên như một đứa trẻ.
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 211

Return to top