Tôi đang dẫn chương trình Đêm thơ tại 26-Lê Lợi, do Phân hội Văn học tổ chức. Vinh Nguyễn nói nhỏ vào tai:
“Anh Phùng Quán và chị Hương Quân ở Hà Nội vừa vào”. Tôi ra cửa đón ông và chị, đồng thời giới thiệu với Nguyễn Khoa Điềm. Anh Điềm bắt tay thăm hỏi, nhắc tôi giới thiệu Phùng Quán đọc thơ nữa nhé. Sau vài lời phi lộ, Phùng Quán chắp tay như cúng lễ đọc ngay bài thơ “Tạ”:
Ngày ra trận Tóc tôi còn để chỏm Nay trở về Đầu đã hoa râm Sau cuộc trường chinh ba mươi năm Quỳ rạp trán xuống đất làng Con tạ... Rồi ông quỳ rạp thật. Ông đứng lên trong tiếng vỗ tay không ngớt. Đêm thơ lắng lại để nghe Phùng Quán đọc tiếp những bài thơ khác. Nếu tôi không nhầm, năm 1986, đêm đầu tiên trở về quê hương, sau bao năm xa cách và lần đầu tiên ông đọc thơ tại nơi chôn rau cắt rốn của ông. Mặc dù bài
Tạ được ông viết từ 1975. Những ngày sau đó ông trở thành khách quý của những người ngưỡng mộ ông. Đám trẻ tuổi chúng tôi thường theo ông để được “ăn theo”, “uống theo” “nói theo” cho có bạn.
Một năm sau, Phùng Quán vẫn chưa về nhà. Hương Quân đã ra Hà Nội. Ông nói với tôi, khi đi anh nói với chị ra phố mua bao thuốc lá. May mà bấy giờ đã có điện thoại liên lạc, không thì đã phải báo mất tích từ lâu.
Phùng Quán vào Đà Nẵng. Ông đọc thơ tại Nhà hát Thành phố, ở huyện Điện Bàn và nhiều nơi khác. Trở lại Huế, ông cầm xấp báo
Đà Nẵng chủ nhật, ra ngày 15/2/87, đăng “Trường ca cây cà”, ký tặng bạn bè. Tôi được một tờ. Đầu chương một, ông viết:
“Ba mươi năm trước/ Tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ/ Tôi lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang/ Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã dạy tôi dũng khí bền gan”. Đó là bài thơ đầu tiên ông in tên thật của mình, mãi sau tạp chí
Sông Hương mới tiếp tục đăng những bài khác.