Phùng Quán có tới ba nơi ở, Nghi Tàm, 3-Hàng Cân và Lê Văn Hưu. Mùa đông tôi thường xuống Nghi Tàm ngủ lại. Có khi Phùng Quán nấu thêm cơm rồi hẹn xuống, có khi nạo cơm cháy qua loa, rồi chuyện trò. Những bài thơ tôi viết hồi đó ông đọc hết và còn góp ý để tôi sửa lại.
Tôn Ái Nhân, Trần Anh Trang ở cùng phòng, thường bảo tôi là đứa ham chơi, ít khi ở nhà trọn một ngày. Tôi nói có việc mình mới đi. Có người gặp tôi đi theo Phùng Quán, nhắc nhở, lãnh đạo biết đấy. Tôi kệ. Gặp được
con-người-khác- người này là quý hoá, là may mắn cho mình.
Một buổi chiều tôi vừa bước vô nhà đã gặp người khách lạ. Chưa kịp chào, anh ấy đã tự giới thiệu:
“Mình là Tuân Nguyễn. Mình nghe nói về Hoàng Vũ Thuật từ Quảng Bình ra, đang chờ cậu tới đây”. “Cám ơn, chắc chắn anh Quán kể chứ gì”. Tuân Nguyễn vừa ở tù ra sau gần chín năm bị giam vô cớ. Không bản án, không luận tội. Anh bị bắt cũng như được thả, đều mù mờ. Tuân Nguyễn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đẹp trai, dong dỏng cao, đeo kính trắng. Phùng Quán nói với tôi, Tuân Nguyễn sẽ tá túc vài ngày, nhờ bạn cho chiếc xe đạp đi lại.
“Tĩnh dưỡng” cho khoẻ rồi Tuân Nguyễn sẽ tìm cách dịch thuê mà sống. Tĩnh dưỡng là nói vậy chứ vợ chồng Tuân Nguyễn chỉ ăn cơm với rau muống luộc, chắm nước mắm hết ngày này qua ngày khác. Đêm lạnh, tôi được nằm giữa. Ba người đắp chung cái chăn bông sờn. Khi Phùng Quán kéo thì Tuân Nguyễn hụt, khi Tuân Nguyễn kéo thì Phùng Quán hụt. Chỉ có tôi là được ấm. Tôi bảo, đổi chỗ em nằm ngoài cho. Tuân Nguyễn ôm lấy người tôi: “
Chín năm anh quen cái lạnh rồi. Em ngủ đi mai còn về trường, khéo mà ngủ gục”. Phùng Quán ho lốc khốc. Bà Hai Dơi nói vọng:
“Không biết đến bao giờ mới hết lạnh”. Tết tôi về Quảng Bình. Tuân Nguyễn gửi thư cho người bà con tập kết đang làm cán bộ có chức vụ trên huyện, gia đình sinh sống gần làng tôi. Anh dặn khi nào ra cậu ghé lại hỏi thăm, có gì gửi không. Tôi ghé nhà, trước lúc ra Hà Nội, người bà con không gửi gì, kể cả thư tay, chỉ nói: “
Cậu ấy làm cậu ấy chịu”. Tuân Nguyễn cùng Phùng Quán nghe thuật chuyện. Phùng Quán nói, nằm trong tù chẳng ngán, chuyện vặt.
Nhiều lần đến Nghi Tàm không gặp, tôi lên 80 Lê Văn Hưu (hồi đó là nhà khách Bộ Văn hoá). Phùng Quán được bố trí ở trong buồng một toilét không dùng nữa. Ông phủ lên mặt toilét cái thùng gỗ làm chỗ viết. Mùa đông lót báo dưới, trải chiếu lên trên. Nhiều khi ông và tôi không nói gì. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ hoặc công việc gì đó. Ông thường hài hước: “
Ở thế này là sang lắm rồi, tầng hai hẳn hoi”. Còn tôi thì thương cho cái kiếp lao đao của nhà thơ có đến ba nơi ở mà chỉ là nơi tạm trú mà thôi. Sáng dậy, chúng tôi ra chợ Đồng Xuân ăn bún thang. Thứ bún thêm vào thìa ruốc nêm, ông rất thích. Về tới trường, lại có người nhắc nhở đừng chơi với Phùng Quán, người ta theo dõi đấy. Tôi không để ý tới câu nói, vì mình có làm việc gì đâu. Chính nhờ Phùng Quán tôi mới gặp Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung và một số người khác. Phùng Cung chép đề tặng tôi bài thơ, có câu: “
Ngọn đèn toả sáng nước da dưa”. Một ngọn đèn hiu hắt màu da dưa chỉ đủ soi cho trang giấy. Đêm đêm được Phùng Quán khêu lên, ngồi hút thuốc lào, bóng mờ in lên vách, bên Hồ Tây để viết “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”.