Tản mạn về Trà & Trà Đạo.
Lý Lạc Long
Hầu như mọi dân tộc, mọi xứ sở trên trái đất đều biết uống trà. Theo ước tính, đây là loại nước uống phổ biến nhất sau "nước" và mỗi ngày thế giới tiêu thụ chắc không dưới một tỉ tách trà đủ các loại. Theo sách vở ghi lại thì tục uống trà của nhân loại bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo cuốn Trà kinh, của Lục Vũ viết năm 780 (Lục Vũ là một cuồng sĩ đất Hồng Tiệm đời Ðường, thường lang thang ngâm thơ rồi khóc. Ông để lại cho đời sách Trà Kinh gồm ba quyển bàn về trà, gốm trà, cách pha và uống trà, được người đời sau gọi là ông tiên trà, thờ làm ông tổ của trà đạo Trung Quốc) thì uống trà bắt đầu từ thời Thần Nông, truyền sang Chu Công nước Lỗ. Như vậy loài người biết uống trà vào khoảng năm 3300 - 3100 trước Công nguyên. Qua các thời đại Trung Quốc, tục uống trà và tác dụng của cây trà ngày được nâng cao và khai thác triệt để. Cách uống trà cũng theo những con đường buôn bán tơ lụa, đồ gốm và qua sự giao lưu của các thương gia tỏa ra khắp thế giới.
Cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, cùng với thiền, trà ở Trung Hoa tràn sang Nhật. Người Nhật tiếp thu cả hai thứ văn hoá vật chất và tôn giáo này, đem nó hoà quyện với văn hoá bản địa và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc Nhật gọi là Trà đạo. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian này, có một vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, sư Eisai mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Phẩm Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Những công dụng của trà về mặt y khoa và hương vị hấp dẫn đặc biệt của trà đã thu hút nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo. Trà đạo phát triển dựa trên triết lý xem uống trà như là một thú tiêu khiển thanh tao và nghi lễ của việc uống trà do các sư Thiền tông đặt ra để giữ cho họ thức tỉnh. Đến đời thiền sư Senno Rikyu (1521-1591) thì trà đạo ở Nhật thực sự trở thành một nghệ thuật gắn liền với đời sống thiền thông qua việc định nghĩa các yêu cầu của trà đạo như là sự hài hòa, tĩnh lặng, thanh khiết và trang trọng. Như Kakuzo Okakura đã viết trong cuốn "Quyển sách về Trà" xuất bản vào năm 1906: "Trà đạo là một giáo phái được sáng lập dựa trên lòng tôn thờ cái đẹp, cái đẹp giữa những thực tế nhớp nhúa trần ai. Trà đạo bao gồm những nghi lễ thiêng liêng thấm đượm chất tâm linh tôn giáo, biến việc uống trà trở thành một cuộc lễ. Bất cứ một thiền thất nào của môn phái Trà đạo đều có những trà thất. Tuy được xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng được coi là nơi thiêng liêng nhất. Đó là những gian nhỏ được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh rất nguyên sơ. Trong nhà bài trí một vài bức thư pháp cổ, hoặc tranh thuỷ mạc. Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như tiếng gió. Người ta cảm thấy như ngồi giữa một thảo am nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người như vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Ấm trà được sắp lên toả hương thơm thanh cao, tinh khiết. Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tâm không còn dao động, tự soi được vào cõi tâm mình. Thiền nhân gọi đó là trạng thái vấn tuệ. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Người ta nói đó là đạt tới thiền và là Trà đạo."
Theo hai cuốn sách “The Empire of Tea: The Remarkable History of the Plant That Took Over the World” ( Đế Quốc Trà ) của Alan Macfarlane and Iris Macfarlane và “Tea: Addiction, Exploitation, and Empire” (Trà: Nghiện, Bóc Lột, và Đế quốc) của Roy Moxham mới xuất bản gần đây thì các tác giả người Anh này thuật lại thì các nhà buôn bán Tây phương để ý đến trà vào khoảng thế kỷ 17. Cuốn “Đế quốc trà” mở đầu với một hồi ký ngắn và cảm động của Iris về nhận thức văn hóa mà bà mang theo cùng chồng đến nông trại trồng trà Assam. Bà viết: "Tôi lớn lên với tất cả những mưu mẹo, những lời nói hoa mỹ : rằng ‘Bên ấy ở Ấn Độ’ có những người da ngăm thấp kém không thể cứu chữa, những người rất may mắn được chúng ta cai trị". Sau đó thì tác giả kể lại những tình trạng đối xử tàn bạo đối với những công nhân làm việc trong các nông trại trồng trà, những hồi tưởng buồn bã. Cuốn "Đế quốc trà" phân tích một cách dí dỏm sắc nước của trà và qua đó suy luận về vai trò của trà trong việc duy trì một hệ thống trật tự xã hội theo đẳng cấp ở Anh. Tác giả còn tìm cách trả lời một câu hỏi : Có phải quả thật trà đã thuần hóa người Anh? Có phải trà làm cho những người da trắng, thích ăn thịt đỏ và uống bia trở thành những người hiền lành hơn và dễ mến hơn? Không! Đó là câu trả lời. Những người Anh, chủ đồn điền trà, khinh miệt công nhân người bản xứ, họ cho đó là những cu-li (coolies). Họ đối xử tàn bạo đối với những phu người địa phương và gây cho cái chết cho hàng trăm ngàn người. Theo thống kê của Moxham, cho đến năm 1900, hơn 200 ngàn mẫu trà được khai khẩn và trồng trong rừng Assam, và nó làm mất đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người phu Ấn Độ nhưng chỉ vài mạng người Anh. Đó chỉ là một thảm nạn trồng trà ở vùng Assam; nhiều thảm nạn còn xảy ra ở Darjeeling, Tích Lan (Ceylon), và nhiều nơi khác. Quy trình sản xuất trà ở Ấn Độ được mô phỏng theo cách tổ chức sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ: giờ làm việc dài, điều kiện làm việc cực xấu, và thiếu an toàn. Macfarlane viết: “Công nhân trở thành một phần của bộ máy sản xuất khổng lồ. Trong bộ máy đó họ là những con người làm việc không hồn. Cái giá nhân sinh mà con người phải trả cho những công việc nhàm chán và không cần đến trí óc, đó là chưa kể đến tình trạng công nhân phải đứng hết giờ này sang giờ khác để hái trà. Thật khó tưởng tượng nổi!”
Trà, ngoài là thức uống và những công dụng tốt cho sức khỏe , cái lá cây thơm ngát" này đã là đề tài làm say mê nghệ nhân để sáng tạo ra những bình sứ thời xưa ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Trà đã là chất xúc-tác khuyến khích các tay thực dân Âu châu ; là chất châm ngòi cuộc chiến tranh Nha phiến; là cảm hứng cho cho những nhà thiết kế thuyền bè vào thế kỷ 19th; và là một trong những nguồn cung cấp sinh lực cho cuộc Cách mạng kỹ nghệ .
Gần đây ở Việt Nam có nhiều "trà quán" mở cửa theo nhu cầu của thị trường, tôi tình cờ đọc một số bài viết so sánh và tỏ ý ngưỡng mộ nghệ thuật uống trà của Nhật và Trung Hoa. Phải công nhận là các nước khác thành công hơn Việt Nam trong việc quảng bá truyền thống tốt đẹp của dân tộc họ. Trà đạo của Nhật nổi tiếng đã lâu, và Trung Hoa thì cũng vậy. Mặc dù theo truyền thuyết thì Việt Nam đã biết đến trà từ thời Ðông Hán và trà đạo Việt thành hình khoảng vào đời nhà Ðường. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng "trà là loài cây lớn ở phương nam". Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, lên đến tột đỉnh thời Lý, Trần, thời Phật giáo thịnh nhất trong lịch sử VN. Trà đạo Việt là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan: không cửa vào, không lối ra. Cũng như Việt Nam, lúc bấy giờ Phật giáo ở Nhật bén rễ vào giới thế quyền. Tăng sư là khách quý của các sứ quân và các phú hào. Họ học Phật rồi tiêm nhiễm luôn đạo thưởng trà. Uống trà nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt chỗ rốt ráo của an bần lạc đạo, hòa đồng với Tự Nhiên, tức là Chân Như. Và uống trà, hành trà đạo phải có các trà khí mà ngành gốm Nhật bấy giờ rất phôi thai. Nên trà gốm từ Cao Ly, Trung Hoa, Ðại Việt đưa sang giá đắt, chỉ được xử dụng giới hạn trong hàng sứ quân và đại phú. Thay vì hấp thu nếp thanh bần, họ bèn mượn trà đạo làm trò trà dư tiêu khiển, đặt ra các quy tắc kiểu cách (Cha No Yu), muốn vào phải qua cổng Hữu Môn Quan. Trà đã đưa thiền vị đạm bạc vào trú ngụ chỗ đền các xa hoa. Trong khuôn viên cung đình nguy nga, các lãnh chúa sai dựng nên trà thất bắt chước lều cỏ bần hàn của ẩn sĩ để hành trà đạo. Còn bên nước Việt, đạo đã từ cung cấm ra đi, bỏ phú quý phù vân để phiêu bồng nơi cảnh thật của "rừng trúc lắm chim" (Trúc lâm đa túc điểu) như thơ ngài Huyền Quang. Các vua Lý, Trần bỏ kinh về núi, thực hiện hạnh tầm đạo, dẫm theo bước chân của đức Phật. Đây là chỗ khác biệt trong lịch sử thiền đạo Việt - Nhật .
Thời đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức , để áp dụng cho lợi ích của bản thân và đất nước . Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ , thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy "trà quán" phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường - sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam.... mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói " có nằm trong chăn mới biết chăn có rận", và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách viếng thăm. Không thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ, và áo Kimono hay sường sám, cũng rất đẹp mắt... Nói cách khác là tôi chỉ "cỡi ngựa xem hoa" . Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn là đẹp nhất , gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản : Vì tôi là người Việt Nam .
Riêng về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn quan (Nhật Bản) ... "tốt" hơn ? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện "Trà Đạo" dưới đây :
"Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà … v.v. Nghe xong khách nói:
- À, thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi khách xuất khẩu ngâm:
Xưa nay trà là đạo.
Khát cứ việc uống thôi.
Nghĩ thêm trà với đạo.
Ðầu thượng trước đầu rồi!"
Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả một cuối tuần như ý .
Lý Lạc Long
(TTL/TCT/MAI7/9/05)