Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Phiếm Luận Về Thân Phận Đàn Ông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1128 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phiếm Luận Về Thân Phận Đàn Ông
Lý Lạc Long

Phiếm Luận Về Thân Phận Đàn Ông



Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, thì trên địa cầu con người vẫn còn đúng như "con người" đã tự xếp hạng như là một sinh vật cao cấp nhất của mọi loài. Ở trên trái đất, sinh ra làm con người có lẽ vẫn là một đặc ân của tạo hóa ban cho. Nhưng sinh ra làm đàn ông có còn là một điều may mắn không? Vì theo thời gian "giá trị" của nam và nữ dường như đã thay đổi. Nhân dịp Lễ Từ Phụ (Father s Day), xin gởi đến các bậc mày râu (đang làm cha, sắp làm cha) chút suy tư vặt vảnh về "thân phận đàn ông" của chúng ta.
Khoảng 500 năm trước Tây lịch, Khổng Tử đã nhận xét: "Nhơn tối linh ư vạn vật" vẫn còn đúng. Nhưng những quan điểm của Nho giáo về nam và nữ, chẳng hạn như: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"; "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tùng tử"... chắc phải được xét lại. Vì dựa trên thực tế thì "giá trị" của nam giới có lẽ đang trên đà xuống giá mau chóng.
Từ như ông vua nho nhỏ:
"Đêm năm canh, năm vợ ngồi hầu
Vợ cả pha nước, têm trầu chàng xơi
Vợ hai trải chiếu, chia bài
Vợ ba coi sóc nhà ngoài, nhà trong
Vợ tư ấp lạnh quạt nồng
Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa
Chè thang, cháo đậu bưng ra
Chàng xơi một bát kẻo mà công linh."
Xuống giá còn:
"Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa mời ngồi "
Nếu Khổng Tử còn sống không biết ông sẽ giải thích sao về hiện trạng này và ông có chấp nhận được không?
Theo Cơ đốc giáo, thì Eve được tạo ra từ xương sườn của Adam. Trong sách Ê-phê-sô chương 5, câu 22,23,24 như sau: "Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Ngài và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự". Đa số dân chúng ở các quốc gia Âu Mỹ theo Cơ đốc giáo, nhưng căn cứ theo thực tế thì phải nói là đàn ông Âu Mỹ đa số theo "đạo thờ bà". Như vậy thì Kinh Thánh không đúng hay vì con người sống sai? Theo tôi thì tại đàn ông Âu Mỹ (hậu duệ của Adam) sống không đúng theo Kinh Thánh răn dạy. Cũng giống như Adam ngày xưa không nghe lời Thiên Chúa (Đấng Jehovah) dặn bảo mà nghe lời của Eva ăn trái cấm (trái hiểu biết) để bị đuổi khỏi vườn địa đàng Eden. Vì sống trái với Kinh Thánh nên đàn ông ở Âu Mỹ hiện giờ mới bị sắp hạng thấp hơn chó nữa. Thứ nhất là phụ nữ, thứ nhì là trẻ em, thứ ba là chó và cuối cùng là đàn ông (first is lady, second is child, third is dog... and last is man). Câu nói "giỡn" nhưng phản ánh đúng một phần với thực tế thân phận đàn ông ở xứ Mỹ. Chó không phải hớt hải đi tìm việc làm, cũng không có cảnh mặt mày tái mét, ngơ ngác nghe chủ báo tin bị cho nghỉ việc. Chó không phải đóng thuế, không phải lao động mà đôi lúc còn được ung dung nằm ngủ trên giường bà chủ. Nhưng nếu căn cứ theo mực độ vi phạm lời dặn bảo của Kinh Thánh (và hình phạt tương xứng) để giải thích sự giảm giá trị của đàn ông thì nghe không có hợp lý lẽ lắm vì phụ nữ đã vi phạm "lời dặn bảo" trầm trọng hơn so với đàn ông. Xa hơn, nếu căn cứ theo giá trị để mà tính thì Eve (nữ) chỉ bằng 1 trong 36 xương sườn của Adam (nam) cũng không giải thích được hiện tượng biến đổi giá trị theo chiều hướng "nữ trọng nam khinh" hay "âm thịnh dương suy" hiện giờ. Suy luận dựa trên hiểu biết của cá nhân đã đi vào ngõ cụt. Thôi cách dễ nhất là đổ mọi tội lỗi cho ông Adam. Thế giới ngày xưa mới chỉ có hai người, thế mà Adam đã sợ Eve rồi. Trái cây "biết điều thiện và điều ác" Chúa đã cảnh cáo là không nên ăn mà Eve cũng bẻ ăn. Ăn rồi bắt Adam cùng ăn. Adam cũng nghe lời ăn theo. Việc ấy đã gây ra bao nhiêu điều rắc rối cho hậu duệ của ông. Phải chi lúc bà Eve vừa thò tay định bẻ trái cấm, Adam ngăn lại thì đàn ông chúng ta đâu có khổ. Đúng như vậy, vì nếu họ không ăn "trái cấm hiểu biết", thì có hiểu biết chi đâu để tòm tèm, và đâu có nhân loại. Nhưng chuyện đã qua, ngày nay trên trái đất đã có đến 6.5 tỷ con người và đang trên đà tăng trưởng thêm. Thời gian gần đây, căn cứ theo thống kê của số lượng trẻ sơ sinh chào đời thì tỷ lệ bé trai sinh ra lại cao hơn bé gái. Theo qui luật "của hiếm là quý" thì điều này chắc chắn sẽ làm giảm giá trị của nam giới thêm nữa. Không lẽ thân phận đàn ông cứ tuột dốc mãi như vậy sao? Không hẳn là như vậy. Nói đúng hơn có thể là "tuyệt vọng" cho thế hệ chúng ta nhưng hậu duệ của chúng ta vẫn còn hy vọng vì hết suy sẽ tới thịnh lại theo quan niệm của Lão giáo.
Theo Lão giáo mọi sự vật đều có hai mặt âm dương để tồn tại và phát triển. Loài người chắc cũng không ở ngoài quy luật này. Nói khác thì loài người cũng là sự kếp hợp và biểu hiện của dương (nam) và âm (nữ). Dựa theo thuyết âm dương và thực tại của thế kỷ 21 thì âm đang trên đà thịnh và dương đang trên đà suy thoái. Xem chừng thuyết âm dương có thể giải thích được một cách hợp lý sự biến đổi giá trị về giá trị giữa nam và nữ của nhân loại. Chúng ta thử "ngâm cứu" sâu thêm chút xem.
Âm và dương là khái niệm cốt lõi của nền triết học cổ Đông phương, âm và dương không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng phần tử, từng chi tiết. Âm và dương là hai mặt đối lập, mâu thuẫn thống nhất, trong dương có mầm mống của âm và ngược lại. Để biểu thị sự biến hoá không ngừng và qui luật của sự biến hoá đó, người xưa đặt ra "thuyết âm dương" (thái cực sinh lưỡng nghi, lương nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là âm và dương, tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương. Bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài). Nói chung, phàm cái gì có tính chất hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, ở ngoài, hướng lên, vô hình, nóng rực, sáng chói, rắn chắc, tích cực đều thuộc dương. Tất cả những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, hữu hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc âm.
Người xưa còn nhận xét thấy rằng cơ cấu của sự biến hoá không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ, ảnh hưởng lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau và theo tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại (tức năm hành thủy, hỏa, thổ, mộc, kim). Từ những nhận xét này "thuyết ngũ hành" ra đời. Trên cơ bản, thuyết ngũ hành bao gồm hai phương diện tương sinh (giúp đỡ nhau) và tương khắc (chống lại nhau). Trên cơ sở sinh và khắc lại thêm hiện tượng chế hóa, tương thừa (thừa thế lấn áp), tương vũ (hàm ý khinh lờn). Chế hoá là một khâu trọng yếu trong thuyết ngũ hành, đây sự cân bằng tất nhiên phải thấy trong vạn vật. Nếu có hiện tượng sinh khắc thái quá hoặc không đủ thì sẽ xảy ra sự biến hoá khác thường. Chế hoá là chế ức và sinh hoá phối hợp với nhau. Trong chế hoá bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau vì không thể không có sinh mà cũng không thể không có khắc. Không có sinh thì không có đâu mà nảy nở; không có khắc thì phát triển quá độ sẽ có hại. Cần phải có sinh trong khắc, có khắc trong sinh mới vận hành liên tục, tương phản, tương thành với nhau. Tóm lại theo thuyết ngũ hành thì tương sinh, tương khắc, chế hóa, tương thừa, tương vũ biểu thị mọi sự biến hóa phức tạp của sự vật. Thuyết ngũ hành là một bổ sung và làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn.
Cũng may mắn, căn cứ theo thuyết âm dương thì nam giới vẫn có thể hy vọng để mà sống, vì sống không có hy vọng là đang đứng bên thềm của sự chết. Dù hy vọng này rất là mong manh cho các thế hệ đàn ông sinh ra vào những thập niên của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Sinh ra làm đàn ông (nhất là đàn ông VN) chắc chắn không phải là một sự may mắn trong giai đoạn này. Thế kỷ 21 có lẽ sẽ vẫn là thế kỷ của các bà. Đàn ông Âu Mỹ chịu đựng trước và dường như họ đã quen. Thiết nghĩ, chắc đàn ông Âu Mỹ cũng đặt hy vọng vào "ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay" (tomorrow will be better than today) để mà sống. Đông hay Tây, có am tường thuyết âm dương hay không, dường như con người đều hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn cho số phận của mình.
Ở Việt Nam thì thời kỳ "phu xướng phụ tùy" cũng đã qua từ lâu. Cái hình ảnh người vợ lúc nào cũng vui vẻ, dịu dàng để chồng được hài lòng, lúc nào cũng cố gắng mang hạnh phúc đến cho chồng dù có chịu nhiều thua thiệt. Chỉ còn là một hình ảnh lịch sử qua thơ ca.
"Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì
Sao anh vội giận em chi
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho."
Sau tháng 4, 1975 một số đàn ông Việt theo vận nước đổi dời phải lìa bỏ quê hương sinh sống ở các nước Âu Mỹ thì càng thấm thía hơn với cái thân phận đang xuống giá của mình, cố tập theo "triết lý thờ bà" như đàn ông Âu Mỹ, bám víu vào cái hy vọng mong manh "ngày mai sẽ tốt hơn" để mà sống. Các bà biết "tỏng tòng tong" như vậy, nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam dường như còn vượt qua xa lắc phụ nữ Âu Mỹ về việc thực thi quyền bình đẳng đến bất bình đẳng của nữ giới. Có lẽ mới có được "công cụ" mới nên phụ nữ Việt Nam sử dụng rất là hăng hái, thừa thắng xông lên và cho rằng: "Một trăm thằng đàn ông không bằng cái mông đàn bà", hoặc "một trăm thằng con trai không bằng cánh tay người con gái".... Thân phận đàn ông Á đông ở xứ Âu Mỹ đã xuống đến tận cùng đáy vực rồi thế mà thỉnh thoảng vẫn còn bị các bà đem ra đem dán ở sau xe so sánh với chó để chọc quê ở công chúng : "Càng biết nhiều về đàn ông, tôi càng thương con chó của tôi nhiều hơn" (The more I know the men, the more I love my dog). Đàn ông mà làm như vậy bị "kêu ca" là cái chắc hoặc dám bị rắc rối với pháp luật vì tội kỳ thị giới tính.
Cũng may là ở Bắc Mỹ, cũng còn có được một ngày vinh danh những người cha. Nhìn tấm thiệp và gói quà của con gởi, tôi tự an ủi. Ít ra thì giá trị đàn ông của mình với thế hệ tương lai vẫn còn rạng rỡ. Như một người đàn ông giác ngộ thân phận của mình tôi tự nhủ : "Sinh bất phùng thời... thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chạy... không đủ can đảm chạy thì phải có can đảm chịu."
Xót xa cho phận đàn ông
Còng lưng trả nợ "tổ tông" trẻ, già
Lỡ tay ký giấy làm cha
Bịt tai, nhắm mắt qua phà cho xong.
Lý Lạc Long (15/6/06)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 181

Return to top