Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> ÁI TÌNH MIẾU

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12589 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

ÁI TÌNH MIẾU
Hồ Biểu Chánh

Chương 3

Vợ chồng giáo sư Trường mướn một cái nhà lầu nho nhỏ mà ở tại đường Richaud, phía gần Chợ Đuổi.
Chiều bữa ấy, lối bốn giờ rưỡi, cô Mỹ, là vợ Trường, thay đổi y phục và trang điểm đàng hoàng tính kêu xe kéo mà đi một vòng hứng gió rồi ghé chợ Cũ mua trái cây luôn thể. Cô chưa kịp đi thì thấy có một chiếc xe hơi lớn và đẹp ngừng ngay cửa, cô Lý trên xe bước xuống tay ôm bóp xăng xớm đi vô nhà, tướng đi yểu điệu, hình dạng thanh bai, má ửng đỏ như đào non, mặt tốt tươi như hoa nở, lại nhờ áo quần xinh đẹp giúp cho nhan sắc của cô đẹp thêm một phần nữa.
Cô Lý là chị em bạn học của cô Mỹ hồi trước. Cô là con một của ông Thinh, một thương gia có danh tại Sài Gòn, có tiệm lớn ở đường Vienot, ngang chợ Bến Thành, lại có biệt xá ở Phú Nhuận, theo đường đi Bà Chiểu.
Cô Mỹ thấy cô Lý bước lên thềm, thì lật đật đi ra tiếp chào, chị em mừng rỡ, dắt nhau vô nhà. Cô Mỹ mời cô Lý ngồi và hỏi rất hữu duyên: "Hổm nay tôi nhớ chị quá. Chị đi đâu mất biệt vậy hử?"
Cô Lý nhích miệng cười, đóng hai đồng tiền trên hai má, còn miệng thì chúm chím đẹp đẽ dễ thương như hoa hường bán khai, làm cho cô càng thêm duyên hơn nữa.
Cô chậm rãi đáp:
- Tôi đi xuống Mỹ Tho thăm bà ngoại tôi. Tôi ở chơi trót tuần mới về hồi chiều hôm qua.
- Chị thong thả đi chơi hoài, sung sướng quá.
- Ở nhà buồn quá, chị à.
- Tại chị không chịu lấy chồng mà vui sao được.
- Chồng ở đâu mà lấy?
- Thiếu gì. Tại chị kén chọn quá, ai chị cũng chê hết, thì làm sao mà có chồng được.
- Không phải tôi chê. Ba tôi cứ theo an ủi khuyên tôi lấy chồng, tôi muốn làm cho vừa lòng ba tôi lắm chớ. Ngặt vì mấy người cầu hôn hoặc họ vì lợi quyền, hoặc họ vì nhục dục, chớ không phải vì tình tứ hay là vì tâm hồn mà họ xin cưới tôi, thế thì làm sao tôi ưng cho được. Sự lấy chồng là một điều quan hệ thứ nhứt của phụ nữ, nó có thể làm cho mình vui vẻ thơ thới, mà cũng có thể làm cho mình phải lóng đục gạn trong, chớ nhắm mắt mà đánh liều sao được.
- Chị dè dặt kỹ lưỡng quá, nên tới bây giờ mà vẫn còn ở một mình. Tôi tưởng
nỗi người đều có mạng số của trời định trước, nếu mạng số của mình phải buồn rầu cực khổ thì mình chạy đi đâu cũng không khỏi.
- Chị nói như vậy thì hồi chị ưng anh Trường chị không có suy nghĩ dò xét gì hết hay sao?
- Không. Tôi nghe ba má tôi nói anh Trường tánh nết coi được, thì tôi ưng nhầu. Tôi làm như vậy mà bây giờ gia đình của tôi, nếu xét cho kỹ, thì cũng không phải vô phước.
- Gia đình của chị đầm ấm vui vẽ lắm chớ. Mà đó là cái may của chị, nên chị mới gặp anh Trường đứng đắn, cao thượng, biết trọng tình trọng nghĩa, không làm cho chị cực trí nhọc lòng.
- Tại mạng số, chớ không phải may.
- Chị muốn nói mạng số cũng được. Ừ, mà nãy giờ tôi quên hỏi, anh Trường đi đâu vắng?
- Đi thăm người bạn học ở trên Bến Súc.
- Sao chị không đi với ảnh?
- Đi sớm quá nên tôi không chịu đi.
- Lên miệt trên coi vườn tược rừng bụi chơi vui lắm chớ.
- Tôi chưa có đi lần nào.
- Ba tôi có dắt tôi lên Thủ-Dầu-Một chơi mấy lần. Vườn tược thạnh mậu (24), xem khỏe mắt lắm. Mà cái thú miệt trển không phải như thú dưới mình. Lâu lâu lên chơi thì vui, chớ ở đó chắc là buồn dữ.
- Hồi khuya anh Trường muốn đem tôi theo chơi, ngặt vì ảnh đi sớm quá, lại tôi mắc sửa soạn đặng có đi Đà Lạt, nên tôi không đi với ảnh được.
- Chị tính đi Đà Lạt hay sao? Chừng nào đi? đi một mình hay là đi với anh Trường?
- Tôi đi với anh Trường chớ. Lúc nầy bãi trường ảnh có viết thơ mướn được một cái nhà 15 ngày đặng lên ở nghỉ. Trưa mốt hoặc sáng bữa kia đi.
- Tôi muốn đi theo chị quá. Mướn nhà lớn hay nhỏ?
- Được a. Chị đi với tôi chơi. Nhà lớn mà, có 3 giường lận. Sợ ba chị không cho chị đi chớ.
- Tôi đi khỏi, ba tôi mừng lắm chớ. Có tôi ở nhà ba tôi không được thong thả.
- Nếu vậy thì chị sắp đặt rồi đi với vợ chồng tôi.
- Tôi sợ đi theo làm nhọc lòng anh Trường.
- Không có nhọc lòng đâu. Tôi chắc có chị đi thì anh Trường vui lắm. Xe rộng, nhà lớn, thì có chi nhọc lòng. Đi chơi với tôi, chị.
- Để tôi xin phép với ba tôi rồi ngày mai tôi sẽ trả lời...
- Tối nay chị xin phép rồi sáng mai trả lời sớm sớm cho tôi mừng.
- Chiều nay chị tính đi đâu mà sửa soạn vậy? Tôi ghé nói chuyện làm mất thì giờ của chị quá.
- Không. Tôi tính đi chơi một vòng hứng mát chớ không có chuyện gì.
- Vậy thì chị đi với tôi, có xe của tôi sẵn đây.
- Ừ, được. Hai chị em mình đi chơi một chút.
Hai cô đứng dậy, vừa đi lại cái kiếng soi mặt mà giồi phấn, thì liền nghe có tiếng xe hơi bóp kèn và quanh vô sân.
Cô Mỹ day mặt ngó ra cửa rồi nói: "Anh Trường về..., ý có người nào đi với ảnh nữa.... chắc anh Phúc..."
Xe dừng dưới thềm. Trường mở cửa xuống trước rồi Phúc theo sau. Hai cô đứng ngó trân trân.
Trường bước vô cửa, đưa tay xô cái lưng cho Phúc xơm tới rồi nói với vợ: "Tôi mời được anh nông phu xuống Sài Gòn chơi vài bữa rồi đi Đà Lạt với tôi... Người bạn thiết của tôi hồi ở bên Tây là anh Phúc đây".
Hai cô cúi đầu chào, vừa trúng phép lịch sự, vừa có duyên đằm thắm. Hơn hai năm nay Phúc không có dịp gặp được một người đờn bà sang trọng xinh đẹp, nay thấy nhan sắc và y phục của hai cô tự nhiên phải khớp, lại nhớ tới quần áo cũ kỹ, nước da nắng táp của mình thì thẹn thầm, nên đứng bợ ngợ, bộ tướng coi quê mùa cực điểm .
Trường thấy vậy thì tội nghiệp, không muốn bạn để trí khinh mình và trọng người thái quá, nên lật đật chỉ từ cô mà nói với Phúc: "Ma femme đây, tuy mới biết mặt toa lần nầy là lần thứ nhứt, nhưng mà đã thường có nghe mỏa khen ngợi tánh tình của toa; mỏa chắc từ nay biết nhau rồi, thì ma femme sẽ trọng toa và toa sẽ mến ma femme như anh em một nhà. Còn cô Lý đây là chị em bạn học của ma femme, tánh nết hai người giống nhau, nên thương yêu nhau như ruột thịt. Mỏa chắc hễ cô Lý được quen với toa rồi thì cô cũng sẽ trọng toa cũng như cô trọng mỏa thuở nay vậy".
Phúc cúi đầu chào từ cô, muốn dùng câu thanh nhã mà nói với mỗi cô cho ra vẻ mình là người biết phép giao thiệp và có giáo dục, ngặt vì Phúc khớp quá, rồi trong trí bối rối, kiếm không ra lời mà nói.
Cô Mỹ bải buôi bặt thiệp, cô cười và nói: "Anh Trường yêu và trọng anh lắm, hơn một năm nay thường nhắc nhở anh; mà hễ nhắc tới anh thì khen anh luôn luôn. Em có ý trông gặp anh đặng anh em biết nhau. Hồi khuya anh Trường đi sớm quá nên em đi với ảnh không được. May anh xuống đây, thiệt em mừng lắm, mà vợ chồng em được đi Đà Lạt với anh thì em càng vui hơn nữa“.
Mấy lời lễ nghĩa vui vẻ ấy làm cho Phúc dạn dĩ được chút nên gượng mà đáp:
- Từ ngày anh Trường cưới chị đến nay tôi không có dịp xuống Sài Gòn.
- Ồ! Sao anh kêu em bằng chị? Phải kêu bằng em chớ.
- Không nên. Tôi với anh Trường là anh em, nên tôi phải kêu bằng chị.
- Sao vậy? Em nhỏ tuổi mà.
- Lễ nghĩa buộc phải kêu như vậy mới phân biệt được. Xin chị vui lòng để cho tôi kêu bằng chị tôi mới khỏi ái ngại.
- Anh muốn thế nào cũng được, song phận em thì em cũng kêu anh bằng anh.
- Tự ý chị. Sớp phơ bưng vô một thúng, ở trên sắp 4 trái sầu riêng nằm nương nưởng. Cô Lý vừa ngó thấy liền bước lại rờ rẩm và hỏi: "Cha chả, sầu riêng ở đâu mà tươi chong lại lớn trái quá như vầy?... Ý, mà có thơm tàng ong nữa!... Anh Trường giỏi quá, đi lên vườn ảnh kiếm trái cây thiệt ngon đây nè!".
Cô Mỹ cũng bước lại gần rồi hiệp với bạn mà trầm trồ.
Cô Lý day lại nói với Trường: "Anh cho em một trái sầu riêng với vài trái thơm nghe hôn anh Trường?"
Trường cười và chỉ Phúc mà nói: "Của anh Phúc chớ không phải của tôi."
Cô Lý ngó Phúc, rồi bợ ngợ, nên chúm chím cười, chớ không dám nói như đã nói với Trường, Phúc chưa quen nên cũng ái ngại không dám pha lửng.
Cô Mỹ đương coi cho thằng bồi sắp sầu riêng trên tủ rượu, cô hớt mà nói với cô Lý: "Chị muốn xin mấy trái thì cứ lấy, của anh Phúc cũng như anh Trường, khỏi phải ái ngại."
Bây giờ Phúc mới tỉnh trí nên nói: "Tôi ở nhà quê chẳng có vật chi quí nên phải hái ít trái cây của tôi trồng trong vườn để tạm dùng làm lễ ra mắt chị Trường".
Cô Mỹ liền đáp gọn gàng: "Em coi thúng trái cây nầy quí hơn hết, chẳng có lễ vật nào bằng, quí là tại trái cây nầy chánh bởi tay anh Phúc vun phân tưới nước nên mới có, chớ không phải ảnh mua".
Bây giờ cô Lý mới dạn dĩ nên pha lửng với Phúc:
- Anh Phúc làm lễ ra mắt chị Mỹ mà ảnh không làm lễ làm quen với em chớ, em hổ quá.
- Xin cô tha lỗi cho tôi. Vì tôi không dè xuống đây được gặp cô, nên tôi mới thất lễ. Chớ chi tôi biết trước thì tôi sẽ đem hai thúng. Thôi, để lần sau rồi tôi lễ đền tội vô lễ lần nầy.
- Ừ, được. Lần sau anh phải nhớ đem cho bằng số trái cây bữa nay em mới chịu.
- Tôi không dám quên.
Cô Mỹ hỏi chồng:
- Đất Bến Súc tốt lắm hay sao, nên anh Phúc trồng thơm, trồng sầu riêng lớn trái dữ vậy?
- Tốt lắm, tốt lắm.
- Vườn của anh Phúc cây trái nhiều lắm hả?
- Ồ! Nói không được, bởi vì nói ra em không thể tưởng tượng cho trúng. Em phải lên đó rồi mới biết. Để qua nói tóm một câu nầy cho em nghe; ngày nay qua lên vườn của anh Phúc, thân qua hưởng được nhiều thú vị thanh cao, nhàn lạc chẳng khác nào như lọt vào cảnh tiên. Em không đi chơi với qua, thiệt uổng lắm vậy.
- Em có dè đâu. Sao anh không nói trước?
- Nói trước mất cái hay.
Cô Lý vỗ vai cô Mỹ mà nói: "Anh Trường vị kỷ lắm. Biết thú vui mà ảnh lén hưởng riêng một mình, ảnh không muốn cho chị em mình chung hưởng với ảnh".
Trường cười mà đáp với cô Lý:
- Không phải tôi vị kỷ. Trí ý của đờn ông khác hơn trí ý của đờn bà; cái tôi yêu, tôi sợ mấy cô không thích nên tôi phải dè dặt chút đỉnh.
- Đờn bà cũng có tâm hồn, cũng có gan ruột như đờn ông, thì có lẽ cũng biết thích cái lý thú của đờn ông thích chớ. Xin anh đừng khinh rẻ đờn bà nữa.
- Tốt lắm. Mấy cô muốn nếm cái lý thú nhà quê trên Bến Súc thì lần sau tôi sẽ dắt đi. Bây giờ có lẽ anh Phúc nực nội, thôi để tôi xin phép mấy cô cho hai anh em tôi đi tắm rửa thay đồ một chút rồi sẽ nói chuyện tiếp.
Cô Mỹ nói với chồng:
- Thôi, anh với anh Phúc tắm đi, để em với chị Lý đi chơi một vòng, nghe hôn.
- Được lắm.
- À, anh Trường, chị Lý nghe mình sửa soạn đi Đà Lạt chỉ tỏ ý muốn đi theo mình chơi. Tôi mừng lắm, tôi đốc chỉ đi, mà chỉ nói sợ nhọc lòng anh nên chỉ dụ dự chưa nhứt định.
- Ồ! Nếu cô Lý đi chơi với mình thì càng vui lắm, sao lại nhọc lòng. Cô Mỹ với cô Lý ngó nhau mà cười rồi từ giã Trường với Phúc ra xe mà đi. Trường hỏi Phúc muốn ở trên lầu hay là từng dưới. Phúc nói ở từng dưới cho tiện. Trường mới biểu bồi đem va ly của Phúc để trong phòng bên tay mặt rồi khuyên Phúc đi thay đồ đặng tắm cho mát. Trường lại dặn bồi đi mua nước đá cho sẵn đặng chừng tắm rồi uống rượu khai vị.
Tắm gội xong rồi, hai anh em mặc đồ mát ngồi ngoài hàng ba uống rượu nói chuyện chơi cho thong thả.
Trường hỏi Phúc:
- Có khi nào ngồi một mình, toa nhớ tới cái khoảng đời học sanh của chúng ta hồi ở bên Tây hay không?
- Mỏa nhớ luôn luôn, nhứt là trong khoảng mấy tháng nay mỏa càng nhớ nhiều hơn nữa. Cái khoảng đời ấy chứa đầy hy vọng, mà lại còn làm cho mình hăng hái làm sao, cứng cỏi làm sao, không thể nói được. Khoảng đời ấy đã qua rồi, không trở lại nữa, đáng tiếc hết sức.
- Mỏa cũng nhớ hoài, mà hễ mỏa nhớ thì mỏa tức cười thầm, không hiểu tại sao đã sống trong cái phong trào sôi nổi ầm ầm như vậy mà bây giờ cũng sống được với cái hoàn cảnh ấm áp im lìm như vầy.
- Tại trí tấn hóa rồi nó thay đổi cách quan niệm về việc đời. Như mỏa đây, hồi trước mỏa có cái óc xu hướng về sự ẩn dật bao giờ đâu. Tại hoàn cảnh nên bây giờ mỏa mới thành một tên nông phu chánh thức.
- Phải... Toa nói phải... Tại sự tấn hóa nó đổi trí con người. Ai dám chắc bây giờ toa thích ẩn dật mà toa sẽ ôm sở thích ấy đến già, chẳng bao giờ toa đổi ý mà thích sự phiêu lưu hay là thích mùi danh lợi.
- Tiền trình của mình làm sao mình biết trước được, đi tới khúc nào thì mình biết khúc ấy mà thôi.
- Ở đời mình thấy việc gì, vật gì cũng đổi dời hết thảy, ấy là tại sự tấn hóa mà gây ra, bởi vì hễ một việc được tấn hóa thì nó lôi cuốn mấy việc khác phải tấn hóa theo hết. Như trong xứ mình, vì sự học thức tấn hóa mà nó kéo luôn tâm hồn, luân lý, phong tục đều phải tấn hóa hết thảy.
- Mỏa không để ý khảo cứu về khoản đó. Mỏa chỉ biết luân lý và phong tục của người mình bây giờ đổi khác hơn xưa đến 100 phần trăm mà đổi ra xấu, chớ không phải đổi ra tốt.
- Có chỗ xấu mà cũng có chỗ tốt chớ.
- Hum! Tốt theo hình thức ở ngoài... Chánh cái khuôn khổ ở trong, là chỗ cần có ích hơn hết, thì suy bại lắm.
- Nhằm lắm... Hồi nãy toa tiếp chuyện với ma femme và cô Lý, toa có thấy đờn bà con gái bây giờ khác hơn hồi trước hay không?
- Khác xa lắm, khác như 1 với 10. Hồi trước người ta lấy cách sụt sè e lệ làm quí; bây giờ người ta lại thích cách lanh lợi lẳng lơ.
- Rõ ràng trí toa oán đàn bà!
- À! Phải... xin toa dung thứ... mỏa có bịnh.
- Mỏa hiểu. Mỏa cầu chúc cho toa mau trừ được bịnh của toa đặng thưởng thức cái nhan sắc xinh đẹp với cái giọng nói hữu duyên của hạng thuyền quyên bồ liễu kim thời một chút.
- Mỏa chắc mỏa không có cái mạng được hưởng sự ấy.
- Đờn ông phải cứng cỏi hăng hái, không nên thổ lộ những lời nhu nhược bi quan như vậy.
Trời đã tối rồi. Bồi vừa vặn đèn trong nhà cháy lên, thì xe của cô Lý và cô Mỹ về tới.
Cô Lý đưa cô Mỹ vô nhà, thấy Trường với Phúc Đương ngồi trước hàng ba thì nói: "Em ghé lấy sầu riêng với thơm. Không biết sầu riêng nầy ăn liền được hay chưa?"
Phúc lật đật trả lời:
- Bốn trái đều mới chín. Như muốn ăn gấp thì ăn liền cũng được. Nhưng mà
để ngày mai sẽ ăn thì thơm hơn.
- Em muốn về ăn liền đêm nay. Anh làm ơn lựa dùm coi trái nào chín nhiều hơn hết đặng em xin.
- Trái nào cũng vậy. Chín rồi hết.
Cô Mỹ nói: "Anh Phúc cho mình, chớ bán chác gì đó mà đày ảnh lựa. Chị vô đây tôi lựa cho".
Hai cô đi vô trong. Cách một hồi, bồi xách một trái sầu riêng với hai trái thơm đem ra xe. Cô lý đi theo. Khi ra tới hàng ba, cô đứng lại mà nói: "Em xin từ hai anh. Em cảm ơn anh Phúc nhiều lắm“.
Phúc đáp: "Vật nhỏ mọn không đáng cảm ơn".
Cô Lý cười mà xuống thềm. Cô Mỹ nói với: "Chị nhớ sáng mai chị lại trả lời việc ấy nghe hôn."
Bồi dọn cơm rồi, cô Mỹ mời Phúc và Trường vô dùng bữa tối. Lúc ngồi ăn cơm cũng vậy, mà lúc ăn cơm rồi ngồi sa lông (25) uống trà nói chuyện cũng vậy, vợ chồng Trường vui vẻ, cứ kiếm chuyện mà nói đặng Phúc hết ái ngại sụt sè.
Nhưng mà Phúc vẫn dè dặt, ít nói ít cười, nhứt là cố ý không muốn nói dài với cô Mỹ, mà hễ nói thì ngó chỗ khác, không chịu ngó cô.
Mới 9 giờ rưỡi mà Phúc đã buồn ngủ, chịu lỗi rằng ở vườn ngủ sớm nên thành thói quen.
Cô Mỹ đích thân đi coi cho bồi dọn phòng giăng mùng rồi mới nói nhỏ với chồng đặng mời khách đi nghỉ.
Sáng bữa sau, vợ chồng Trường thức dậy ở trên lầu đi xuống thì thấy Phúc đã thay đồ rồi. Trường chưng hửng hỏi:
- Toa dậy hồi nào?
- Mỏa dậy hồi 5 giờ.
- Dậy làm chi sớm vậy?
- Mỏa quen dậy sớm nên ngủ nán không được.
- Toa muốn đi đâu mà thay đồ?
- Đi mua đồ chút đỉnh, mua giày, vớ, sơ-mi. Mấy năm nay mỏa không thèm sắm nên đồ tệ quá.
- Còn sớm lắm, nhà hàng chưa mở cửa đâu. Để lót lòng rồi sẽ đi. Mà toa muốn mua đồ thì lấy xe hơi mà đi chớ. Toa ở nhà quê mới ra chợ, toa đi lang bang lính bắt còn gì.
Cô Mỹ tức cười rồi kêu bồi thúc dọn đồ lót lòng cho mau. Ăn rồi Trường kêu sớp phơ biểu đem xe ra mà đưa Phúc đi chợ và dặn Phúc nếu muốn mua thứ gì thì nói với sớp-phơ nó sẽ chạy lại đó coi mà mua, vì sớp-phơ biết tiệm nào bán thứ nào tốt, thứ nào rẻ.
Phúc lên xe đi một hồi lâu, thì cô Lý lại nhà Trường, bữa nay cô đi xe kéo. Vừa bước vô cửa thì cô nói: "Ba tôi cho phép tôi đi Đà Lạt rồi, chị Mỹ à. Tôi vừa nói thì ba tôi chịu liền, sẵn lòng lắm. Vậy tôi lật đật lại cho chị hay và xin phép anh Trường cho tôi đi chung xe rồi lên Đà Lạt cho tôi ở đậu trong nhà".
Trường cười và đáp: "Tôi cũng sẵn lòng cho nữa. Người có sắc và có duyên như cô muốn xin việc gì cũng được hết, ai nỡ bắt bẻ cho đành".
Cô Lý ngồi và ngó cô Mỹ và nói: "Chị Mỹ, chị nghe hay không? Anh Trường cũng biết ve gái nữa chớ".
Cô Mỹ cười và đp: "Tập dượt lần đặng chạy độ hội“.
Trường hả miệng le lưỡi nói: "Cha chả, qua là ngựa đua hay sao mà em nói như vậy? đờn bà thượng lưu chẳng nên bắt chước lối văn "bàn ngựa" để dùng mà nói chuyện. Nói điệu đó nghe khiếm nhã".
Hai cô cười ngất.
Cô lý nói: "Tại anh dùng lời khiếm nhã mà nói với em trước, nên chị Mỹ phải lấy điệu ấy mà trả lại cho anh chớ sao."
Truờng chắc lưỡi nói: "Mới học chọc gái bị đòn nặng quá".
Cô Lý hỏi cô Mỹ:
- Anh Phúc đi đâu vắng?
- Ảnh đi mua đồ.
- Hồi hôm tôi ăn trái sầu riêng ngon quá, mà thơm tàng ong cũng ngon nữa.
Chị có ăn thử hay chưa?
- Tôi cũng có ăn rồi hồi hôm. Ngon thiệt.
- Tôi lấy làm tiếc không gặp anh Phúc đặng tạ ơn ảnh.
Trường chận mà đáp với cô Lý:
- Tôi tưởng tạ ơn người đi xin về cho mà ăn có lẽ cũng được mà.
- Ơn của anh thì chị Mỹ tạ, chớ không phải em. Nầy, anh Trường, anh Phúc có đi học bên Tây mà sao bộ ảnh thiệt thà quá há?
- Ê! Không phải thiệt thà đâu. Xanh vỏ đỏ lòng đa. Đừng có thấy bề ngoài quê mùa cà khu mà khinh khi ảnh. Lầm to đa cô.
- Em đâu dám khinh khi anh Phúc. Em thấy bộ ảnh thiệt thà thì em nói thiệt thà vậy thôi chớ.
- Anh Phúc hồi ở bên Tây ảnh lanh lợi bặt thiệp hơn tôi nhiều lắm. Tại bây giờ ảnh có bịnh nên ảnh lơ lửng chán ngán rồi thành chú nhà quê đó.
- Bịnh gì vậy? Tội nghiệp dữ hôn!
- Bịnh thất tình.
- Ạ! .... vợ chết hay sao mà ảnh thất tình?
- Không phải. Để tôi thuật sơ tâm sự của ảnh cho mà nghe. Hôm qua tôi lên, không có anh Phúc ở nhà, ảnh ở ngoài rẫy mía. Bà già mới nói chuyện với tôi như vầy; hồi ảnh ở bên Tây thì ông già ở nhà có hứa làm sui với Hai Bình, là chủ vườn cao su ở bến Bà Tang, là chỗ nào không hiểu. Người con gái hứa hôn với ảnh tên cô Hạnh. Ảnh với cô nọ có gởi hình cho nhau và có gởi thơ qua lại mà tỏ tình với nhau nữa.
- Chừng ông già mất, ảnh phải thôi học trở về nuôi mẹ, cô nọ thấy ảnh học lỡ dở không có bằng cấp chi hết, mới bội ước, bỏ ảnh mà ưng ông bác sĩ nào đó ở Sài Gòn đây. Tôi không rõ ông Bác sĩ đó tên gì, bà già không biết.
- Ối! Em biết mà. Thằng cha Khuyến nhổ răng đó, chớ bác sĩ gì. Phải, em có nghe M. Khuyến cưới con của chủ vườn cao su nào ở miệt Gia Định giàu lớn lắm; cưới chừng tám chín tháng nay phải hôn?
- Phải, có lẽ mông xừ đó. Vì anh Phúc có tánh đa sầu đa cảm, lại ảnh lỡ thương cô nọ, bởi vậy ảnh thất tình thất chí, hết biết ham muốn sự chi nữa. Mấy tháng nay lăn lóc làm vườn làm rẫy như cu ly (26) vậy, tính dùng sự mệt xác mà chôn cái uất vì tình. Tội nghiệp bà già buồn quá, xúi ảnh đi chơi cho khuây lảng ảnh không chịu đi, khuyên ảnh cưới vợ đặng quên người cũ ảnh không chịu cưới, tự quyết sống mãn đời với cảnh vườn tược, để ý oán hết thảy đờn bà con gái trong thế gian. Chừng kêu ảnh về đặng gặp tôi, tôi thấy nền cư xử của ảnh tôi nghe ảnh than thở việc đời, tôi thương ảnh hết sức. Ảnh có bịnh, bịnh nhiều lắm, bịnh về tâm hồn. Bà già cậy riêng tôi phải ráng làm thế nào mà trị bịnh dùm cho ảnh. Anh em thương nhau quá, tôi phải lo cứu ảnh, bởi vậy tôi ép ảnh phải đi với tôi xuống đây rồi lên Đà Lạt nghỉ ít ngày đặng giải trí. Ban đầu ảnh không chịu đi, bà già với tôi theo ép riết nên ảnh phải đi đó. Chuyện của anh Phúc như vậy, em với cô Lý phải dè dặt, đừng có khinh thị ảnh tội nghiệp, phải giúp với tôi mà làm cho ảnh vui lòng đặng ảnh quên tâm sự của ảnh hoặc may ảnh hết bịnh. Hồi trước ảnh là người đứng đắn lắm vậy, cang trực, nghĩa dõng, liêm sĩ, các tư chất tốt ảnh có đủ hết, không phải là bợm xỏ lá, đánh dóc như họ vậy đâu.
Nghe rõ rồi cô Lý ngồi suy nghĩ mà sắc mặt buồn hiu.
Cô Mỹ hỏi chồng:
- Anh Phúc chơi vơi trong cái cảnh thảm khổ như vậy, mà sao hôm qua, lúc anh mới về, anh lại khen bề ăn ở của anh Phúc có nhiều thú vị thanh cao nhàn lạc cũng như cảnh tiên? Anh muốn nói như vậy cho vui lòng anh Phúc hả?
- Không phải. Thiệt anh Phúc sắp đặt bề ăn ở thanh cao nhàn lạc lắm chớ.
Cảnh ấy thú vị lắm, song thú vị với bực già cả chán đời, hết muốn lợi danh gì nữa kìa. Anh Phúc còn thanh niên mà lại có viễn chí, nếu để ảnh nằm êm trong cảnh ấy thì uổng mà cũng tội nghiệp cho đời của ảnh quá. Sanh làm người mà trọn đời phải chịu buồn bực, không hưởng được chút vui sướng nào của đời hết, thì sự sống có ý nghĩa gì. Em hiểu hay không?
- Hiểu rồi... mà bây giờ mình phải làm thế nào mới trị bịnh cho anh Phúc được?
- Qua tưởng trước hết mình phải làm cho ảnh quên cô Hạnh. Hễ ảnh quên được, thì ảnh hết buồn bực, rồi lần lần ảnh sẽ ái mộ mùi đời, hết chán ngán nhơn tình thế thái nữa.
- Vấu (27) ái tình khắn chặt lắm, sợ khó mà gỡ được.
- Qua phải ráng thử coi.
Cô Lý nãy giờ lặng thinh, bây giờ cô mới vỗ vai cô Mỹ mà nói:
- Tôi nhớ rồi chị Mỹ à. Hai chị em mình biết cô Hạnh đó.
- Biết hồi nào?
- Hôm tháng trước hai chị em mình đi xem hát cải lương trong rạp hát Tây. Vợ chồng M. Khuyến ngồi 2 cái ghế trước mặt mình đó, chị nhớ hôn. Cô ngồi ngay chị, mặc áo xanh, đeo hột xoàn lớn, hai tay đưa lên vuốt tóc đặng khoe hột xoàn với mình đó là cô Hạnh đa!
- Tôi nhớ rồi. Cô đó nhan sắc tầm thường quá, mà sao lại làm cho anh Phúc thất tình thất chí được? Ạ, trái tim có nhiều cái lý, mình không thể nào dùng lý mà giải nghĩa được.
- Chị nói phải. Khối tình gây nên là bởi tại duyên cớ huyền bí nào khác nữa, chớ không phải tại nhan sắc và văn nói mà thôi đâu. Tâm sự của anh Phúc cũng là một bài học cho chúng ta. Thôi, anh Phúc vắng mặt, chúng ta không nên nói lén ảnh nhiều. Bây giờ hai ông bà phải cho tôi biết coi đi Đà Lạt bữa nào, giờ nào, đặng tôi có sửa soạn trước.
Vợ chồng Trường bàn tính rồi nhứt định ngày sau, đúng 7 giờ thì khởi hành và bời cô Lý 6 giờ phải lại đặng ăn lót lòng. Hẹn chắc rồi cô Lý mới từ giã đi về đặng rửa soạn hành lý.
Cô Mỹ đứng trong nhà ngó theo và nói nho nhỏ với chồng:
- Không biết chị Lý chịu hay không. Nếu chỉ chịu thì mình làm mai phứt cho anh Phúc cưới chỉ nghĩ tiện lắm.
- Có được đâu.
- Sao lại không được? Ba của chị Lý chơi bời ổng muốn gả chỉ lấy chồng đặng ổng thong thả. Hễ chỉ ưng thì ổng gả liền.
- Phúc không chịu cưới vợ.
- Sao lại không chịu? Mất cô Hạnh mà được cô Lý thì lời, chớ có lỗ đâu mà không chịu.
- Anh Phúc tâm tánh chất phác theo xưa, còn cô Lý thì tâm hồn lãng mạn theo nay, hai người làm vợ chồng với nhau sao được.
Hai vợ chồng Trường nói chuyện tới đó, thì xe Phúc về tới, nên phải dứt ngang câu chuyện.
Cô Mỹ nói với Phúc: "Hồi nãy chị Lý có ghé cảm ơn anh. Chỉ khen sầu riêng thơm ngon. Mai chỉ cũng đi Đà Lạt với mình".
Phúc chúm chím cười chớ không nói chi hết. Sớp-phơ kêu bồi ra phụ khiêng vô một thùng và ôm năm sáu gói nữa. Trường hỏi mua đồ gì mà nhiều vậy. Phúc nói mua giày, vớ, mu-soa, sơ-mi mà dùng.
Còn hỏi tới cái thùng, thì Phúc nói mua rượu chát với đồ hộp đặng đem đi Đà Lạt. Vợ chồng Truờng trách Phúc, nói rằng đồ đi Đà Lạt vợ chồng mình mua đủ dùng rồi. Phúc khoát tay nói: " Đa đa ích không thiện. Không hại gì".
Trường rùn vai rồi bỏ qua, không muốn cãi với bạn.
24 sung túc
25 nơi tiếp khách
26 (coolies, couli) 1. giai cấp thấp nhứt của người Ấn độ. 2. phu khuân vác ở Mỹ và ở các xứ thuộc địa.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 958

Return to top