Phúc được gần cô Lý, rồi nhờ cô Lý nhen nhúm lại bếp lửa lòng đã nguội lạnh, nên chàng nhứt định quên cô Hạnh mà kết nghĩa vợ chồng với cô Lý.
Cô Lý vì chán ngán cảnh đời rực rỡ bề ngoài mà giả dối bề trong, lại vì cảm tánh tình chất phác mà thâm trầm của Phúc, nên đành xa lánh các cuộc vui sướng về hình thức để vùi thân trong chốn vườn rẫy mà cứu chữa dùm tâm bịnh cho Phúc rồi thưởng thức cái tình chơn chánh của Phúc.
Bà giáo Viễn hay con đã đổi trí nên chịu cưới vợ, thì bà mừng rỡ, lại thấy cô Lý vừa xinh đẹp, vừa lanh lợi, thì bà thương yêu, nên bà
nong nả (45) muốn nói mà cưới dâu cho mau.
Ông Thinh sẵn lòng gả con gái lấy chồng đặng ông thong thả, hễ con ưng đâu thì ông gả đó, ông không kén chọn.
Vợ chồng giáo sư Trường vì tình bạn hữu với hai bên, nên vui lòng lãnh làm mai, đặng gây dựng cuộc gia thất nầy mà làm cho tình bằng hữu nọ càng thêm khắng khít.
Mọi người đều xuôi thuận hết, tự nhiên cuộc hôn nhơn tán thành rất dễ dàng.
Bữa trước vợ chồng Trường với cô Lý đi Bến Súc về, thì sớm mơi bữa sau bà giáo Viễn với Phúc xuống mà nói chánh thức cậy vợ chồng Trường làm mai. Vợ chồng Trường liền lên nhà ông Thinh mà tỏ việc Phúc muốn cầu hôn cho ông biết, rồi xin ông cho phép mẹ con Phúc đến nhà thăm. Ông Thinh hỏi con thì con chịu, nên liền cậy vợ chồng Trường mời mẹ con Phúc buổi chiều đó lên nhà uống nước trà đặng biết nhau và nhơn dịp nói chuyện hôn nhơn luôn thể.
Ông vui vẻ tiếp khách và nói với bà giáo rằng đời nay mình có con, trong cuộc hôn nhơn mình phải để cho con tự do lựa chọn, hễ con đành đâu thì mình định đó, không nên ép duyên con. Mà đã nhứt định gả rồi thì không nên làm khó, đòi đủ tục lễ, phải nhập các lễ lại mà làm một lễ cưới cho tiện. Bà giáo thấy suôi gái dễ như vậy bà càng thêm mừng, bà xin phép về chọn ngày tốt rồi bà sẽ cậy vợ chồng Trường cho ông Thinh hay đặng sắp đặt lễ cưới. Ông Thinh nhận lời, song xin hãy cho ông biết trước vài tuần lễ.
Mẹ con bà giáo về chọn ngày rồi cách ba bữa sau Phúc xuống Sài Gòn cậy vợ chồng Trường dắt lên nhà ông Thinh mà trình ngày cưới.
Đám cưới thì Phúc không chịu làm rình rang bề ngoài, mời khách thì chỉ mời bà con cô bác trong thân mà thôi. Nhưng mà Phúc lo lắng dọn nhà dọn vườn rất kỹ lưỡng, bổn thân coi sắp đặt cái chỗ để rước người yêu cho xứng đáng.
Còn ông Thinh là một nhà giàu mới, làm việc gì ông cũng muốn se sua. Ông gởi thiệp mời khách nhóm họ trên một trăm, ông cậy các nhựt báo đăng tin mà bố cáo đám cưới, ông dọn nhà cửa hực hỡ, ông đặt cỗ bàn ê hề.
Đến bữa cưới, họ đàng trai đi bốn xe hơi. Lúc làm lễ từ đường rồi, ông Thinh biểu Phúc cởi áo rộng đặng ra ngoài ngồi dự tiệc cưới với họ.
Phúc ngồi chung một bàn với Trường và sáu ông khách lạ Phúc chưa biết. Cô Lý mặc y phục thiệt quý, trang điểm thiệt đẹp, cô cũng ra ngoài ngồi ăn cơm với cô Mỹ và nhiều chị em khác.
Lúc tiệc gần mãn, Phúc nghe phía sau lưng có một người nói: "Ê, toa coi phải cô Lý đẹp hơn các cô hết thảy hay không? Mỏa tiếc quá, lúc mỏa quen với M. Thinh thì mỏa đã có vợ rồi. Nếu mỏa chưa có vợ, thì cô Lý làm sao mà lọt vào tay người khác được."
Phúc nghe ngưới ta khen nhan sắc vợ mình thì đắc ý, song muốn coi người khen ấy là ai, nên day mặt ra phía sau mà dòm. Phúc thấy người ấy còn trai, mặt mày sáng sủa, bộ tướng bảnh trai, mặc một bộ đồ nỉ xám rất đẹp.
Tiệc mãn rồi, họ đàng trai trình lễ rước dâu. Phúc mặc áo rộng lại, hiệp với cô Lý, cũng mặc áo rộng, mà bái từ đường rồi ra cửa đặng lên xe. Phúc cứ ngó người trai mặc đồ nỉ xám hồi nãy hoài, thấy người ấy Đi khít một bên cha vợ mình rồi cũng lên chung một xe với ông.
Chừng xe chạy, Phúc muốn biết coi người mặc đồ nỉ xám đó là ai, nên hỏi vợ:
- Ai đi chung một xe với ba đó?
- Em không thấy.
- Người đó còn trai, mặc bộ đồ nỉ xám.
- Người anh nói đó chắc là anh Huờn, bởi vì họ nhà gái có một mình anh Huờn mặc đồ nỉ xám. Anh hỏi chi vậy?
- Hỏi cho biết vậy mà!
- Anh biết anh Huờn mà.
- Qua biết hồi nào?
- Bữa mình đi Đà Lạt về, em mời anh lên nhà ăn cơm. Ăn được nửa bữa rồi anh Huờn ghé xe rước ba đi đó. Anh quên hay sao?
- À, qua nhớ rồi. Té ra người đó hả?
- Phải.
- Huờn có vợ phải hôn?
- Phải. Có vợ con rồi.
Rước dâu về tới nhà, mẹ con bà giáo Viễn đãi họ hai bên cũng hẳn hòi đúng đắn. Chừng mãn tiệc họ đàng gái cáo từ mà về. Bà giáo biểu con và dâu phải đưa họ ra tới xe.
Từ nay ông Thinh sẽ xa cách con, ông không biết cái đời tương lai của con sẽ ra thế nào nhưng mà lúc từ biệt nhau ông không cảm không buồn, mà bộ ông lại hân hoan mãn ý.
Huờn bắt tay từ giả Phúc, mà Huờn liếc mắt ngó cô Lý, miệng chúm chím cười và nói: "Em Lý bỏ cảnh vui sung sướng Sài Gòn mà về ở chỗ quê mùa như vầy, chắc em sẽ buồn lắm, Sài Gòn mất một gái xinh đẹp như em, Sài Gòn cũng hết vui, Sài Gòn sẽ trông đợi em, vậy dầu vui đạo vợ chồng xin em cũng đừng quên Sài Gòn nghe."
Phúc nghe những lời ấy thì châu mày tái mặt.
Cô Lý lấy làm bất bình về mấy câu diễu cợt trái mùa đó, song cô vừa muốn dạy Huờn một bài học về cách lịch sự ở đời, thì ông Thinh đã kéo Huờn lên xe, rồi xe tuốt chạy, làm cho cô Lý nói không kịp.
Xe của họ nhà gái chạy hết rồi, vợ vhồng Phúc ngó nhau mà cười, rồi thủng thẳng trở vô nhà, chồng chan chứa ân tình vợ ngại ngùng đời mới.
Đến tối trong nhà dọn dẹp xong rồi, bà con cũng đã về hết. Bà giáo Viễn ngồi trên bộ ván ngoài trước mà ăn trầu, bà thấy con với dâu ra vô nói chuyện vui vẻ, thì bà đắc ý, nên bà nói:
- Đến bữa phản bái, hai vợ chồng con lựa mua một chiếc xe hơi nghe hôn con.
Cô lý chưng hửng hỏi:
- Má biểu mua xe hơi mà mua thứ nào?
- Mua thứ nào tùy ý con. Lựa thứ nào đẹp mua để hai con đi chơi. Cô Lý day lại hỏi chồng:
- Anh muốn mua xe hơi đặng đi chơi hay không?
Phúc lắc đầu đáp:
- Không...Đi chơi ở đâu?...Chơi giống gì?
Bà giáo nói:
- Con hai ở Sài gòn từ nhỏ chí lớn. Bây giờ về vườn chắc nó buồn lắm. Vậy má muốn mua xe hơi đặng con đi xuống Sài Gòn thường thường mà chơi với nó cho nó vui. Hay là con muốn đem nó đi Đà Lạt, hoặc chỗ nào xa cũng được, đi chơi cho khỏi buồn vậy mà.
Cô Lý nghe nói như vậy thì cô cười mà đáp:
- Xin má đừng lo cho phận con. Về ở trên nầy con không buồn đâu.
- Con thương chồng nên con nói như vậy chớ sao lại không buồn. Ở vườn mà vui sao được.
- Khi con ưng anh Phúc, thì con đã biết con phải về ở chỗ nầy. Sài Gòn có thú vui theo Sài Gòn, Bến Súc có thú vui theo Bến Súc, nên con mới ưng anh Phúc. Xin má đừng lo cho con buồn.
- Anh sanh có một mình con. Anh gả con lấy chồng chắc anh nhớ lắm. Bề nào má cũng phải cho con về Sài Gòn thường thường mà thăm anh. Vậy phải có một chiếc xe hơi để vợ chồng con lên xuống cho tiện.
- Thưa má, bữa nào má muốn cho con về thăm ba con, thì con gởi thơ trước, rồi ba con cho xe dưới nhà lên rước vợ chồng con cũng được, chẳng cần phải sắm xe riêng cho vợ chồng con. Ba con mắc buôn bán, nên ít khi đi đâu xa. Xe dưới nhà nằm không hoài, ba con cho đưa rước được.
- Gái có chồng không nên làm nhọc lòng cha mẹ nữa.
- Thưa chẳng có điều chi nhọc lòng đâu.
- Phúc, vợ con nói như vậy, con nghĩ sao? Con muốn sắm xe hơi hay không?
Phúc suy nghĩ một chút rồi mới đáp:
- Vợ con không muốn sắm xe hơi thì thôi. Còn về phần con, thì hiện bây giờ con không cần dùng xe.
- Tùy ý con. Má sẵn lòng làm cho hai con hưởng chút sung sướng với thiên hạ. Như hai con không muốn sắm xe, mà muốn làm việc gì khác, thì cứ nói cho má biết, đừng ngại chi hết.
Sáng bữa sau, Phúc thức dậy rửa mặt, thấy vợ đã trang điểm rồi thì nói:
- Bữa nay chúng ta phải đi bái tạ ông Thần ái tình của chúng ta, không nên để trễ nữa.
Cô Lý ngó chồng với cặp mắt chứa chan ân ái và nhích miệng cười rất có duyên, mà hỏi:
- Ông Thần ái tình ở đâu?
- Ở ngoài cái miễu sau vườn, em quên rồi hay sao?
- À, em nhớ rồi. Anh lau mặt chải đầu đi. Để em đi bận áo.
- Em phải mặc cái áo xanh với cái quần trắng hôm trước mới đụơc.
- Đồ đó cũ rồi nên em để lại dưới nhà, em không có đem theo.
- Qua lấy làm tiếc lắm.
- Không hại gì. Em có đồ khác cũng giống như vậy.
Cô Lý vội vã trở vô phòng thay đồ, Phúc cũng đi thay áo và mặc đồ y như bữa tiếp khách hôm nọ. Cách một hồi cô Lý trở ra, cô mặc quần trắng áo xanh như hôm trước, song áo quần còn mới tinh, lại màu áo tươi hơn, nên làm cho sắc cô càng thêm đẹp.
Phúc ngó vợ mà gặc đầu. Vợ chồng dắt nhau vô trong cho mẹ hay rồi đi thẳng ra sau vườn.
Mặt trời vừa mới mọc, giọt sương chưa khô, nên ngọn cỏ lá cây còn đầm đầm oằn oại. Hoa ngâu đương nở rộ, mùi thơm phưởng phất, làm cho không khí vừa mát mẻ vừa ngọt ngào.
Phúc lựa đường trống mà dắt vợ đi đặng cho ngọn cỏ lá cây khỏi quất cô Lý ướt quần áo. Cô Lý lửng thửng đi theo chồng, chơn bước khoan thai, mặt mày hớn vở, cô ngó thấy vườn thơm thì cô chỉ mà nói:
- Thơm kia!
Phúc day lại nói:
- Phải thơm đó. Từ rày vườn thơm đó thuộc về của em, vườn trà nầy cũng của em, sở mía dưới kia cũng của em. Em làm chủ các cây trong vườn nầy hết thảy cũng như qua vậy. Qua rất tiếc, qua không có của quý nào khác nữa, qua chỉ có bao nhiêu đó mà thôi. Mà có bao nhiêu qua dâng hết cho em, mong rằng em sẽ vui lòng mà thâu nhận, rồi đôi ta chung lo trồng tỉa, vun phân tưới nước, đặng cộng hưởng hoa quả với nhau. Mấy năm nay qua vì lợi nên qua không trồng bông. Bây giờ có em, vậy đến mùa mưa, qua sẽ dọn liếp phía trước mà trồng huệ, trồng vường để em chơi.
Cô Lý cười mà đáp:
- Anh cưng em quá, em sẽ nhõng nhẽo cho mà coi.
Hai người mắc nói chuyện nên đi gần tới nhà mát mà cô Lý không hay. Chừng cô ngó thấy cái nhà bây giờ nóc lợp lại bằng tranh mới, cột và lan can đều sơn xanh như màu áo của cô, trong nhà để có hai cái ghế ngồi, song có để thêm một cái ghế canapé và giăng tới hai cái võng, còn chung quanh nhà thì quét dọn sạch sẽ, không có một cộng cỏ, không có một lá khô. Cô đứng chưng hửng rồi ngó chồng mà nói:
- Anh sửa soạn cái nhà mát lại đẹp quá!
- Qua muốn cất lại bằng ngói gạch cho đẹp đẽ chắc chắn đặng thờ Thần ái tình của chúng ta cho xứng đáng. Tại hôm trước em không chịu, nên qua không dám cãi. Qua có sửa sơ lại cho sạch sẽ mà thôi.
- Như vậy thì đủ rồi.
- Qua muốn cất một cái nhà nhỏ tại đây đặng vợ chồng mình ở riêng ngoài nầy.
- Ý! Không nên. Anh đừng có tính như vậy má nghe má buồn. Mình phải ở chung với má, lúc nào rảnh mình ra đây nằm chơi vậy thôi.
- Tự ý em.
Phúc nắm tay dắt cô Lý bước lên thang mà vô nhà, rồi mời cô ngồi tại ghế canapé. Phúc ngồi một bên vợ, rồi vợ chồng ngó mông trong vườn. Cũng như hôm trước, dưới suối nước vẫn chảy ro re, trong rừng cúc vẫn kêu từng nhịp.
Ngắm cảnh rồi động tình, cô Lý day qua ôm mặt chồng mà hun, chớ không nói chi hết.
Phúc khoái lạc tràn trề nên nói nhỏ nhỏ:
- Cám ơn em. Qua cám ơn em nhiều lắm. Nhờ em mà qua được biết ý nghĩa của sự sống, được hưởng chút hạnh phước của thế gian.
- Anh còn nhớ cô Hạnh nữa hay không?
Phúc đương hân hoan mãn ý, mà nghe câu hỏi ấy thì liền châu mày ủ mặt rồi thủng thẳng đáp:
- Cô Hạnh đã chết mất rồi. Chuyện cô Hạnh là chuyện thuộc về kiếp trước của qua. Em nhắc lại làm chi? Hôm trước em cấm qua không được nhắc tới tên đó. Em nhớ nghe hôn?
- Vưng . Em không dám nhắc tới nữa đâu. Lỡ lần nầy, Thôi em xin anh tha lỗi cho em.
- Qua tha.
Phúc ngồi lơ lửng khí sắc không còn hân hoan như hồi nãy nữa. Bây giờ cô Lý cũng buồn hiu, cô ăn năn sự cô nhắc cô Hạnh, mà nhứt là cô thấy cử chỉ của Phúc như vậy, cô nghi Phúc chưa dứt tình với cô Hạnh được.
Phúc ngồi lặng thinh ngó mông một hồi, rồi thình lình một tay thì nắm tay cô Lý, còn một tay thì choàng ôm sau lưng cô mà hỏi nhỏ nhỏ:
- Thiệt em thương qua hay không?
- Nếu em không thương thì có lẽ nào em ưng làm vợ anh.
- Tại sao mà em thương?
- Câu anh hỏi đó khó trả lời quá. Em không hiểu tại sao mà em thương anh.
Trái tim có nhiều lý luận, mình không thể dùng chánh lý mà giải được.
- Đó là câu sách.
- Phải. Tuy là câu sách, song hạp với thế tình lắm.
- Qua thương em là tại qua thấy em có sắc đẹp đẽ, có trí thông minh, mà lại có lòng tốt quyết chữa dùm tâm bịnh cho qua, nên qua thương. Qua thương em có cớ như vậy đó. Qua muốn biết em thương qua là tại cớ nào.
- Có lẽ tại em thấy anh bị tâm bịnh nên em thương.
- Đó là thương vì tội nghiệp, chớ không phải thương vì tình ái.
- Có lẽ tại em có cái tâm hồn chán đời mà em gặp anh có cái tâm hồn chán đời còn hơn em nữa, vì đồng bịnh tương lân, nên em thương anh.
Phúc gật đầu, nhưng mà ngẫm nghĩ một chút, rồi lại hỏi nữa:
- Tại sao mà em chán đời?
- Hôm trước đã có cắt nghĩa cho anh nghe rồi. Từ nhỏ em ở trong cảnh đời rực rỡ vui sướng. Chừng em lớn khôn, em dòm thấy cảnh đời ấy là cảnh đời giả dối nên em chán ngán.
- Phải hôm nọ em có tỏ ý ấy với qua ...Qua xin em đừng chấp qua hỏi đon hỏi ren. Những câu qua hỏi nãy giờ đó chẳng có ý nghĩa nào khác hơn là muốn vợ chồng ta thấu hiểu tình nhau, chẳng nên nghi ngại chỗ nào hết. Qua tỏ thiệt với em qua nhờ có em, nên qua mới biết vui với sự sống. Qua cần dùng em lung lắm. Vậy xin em ráng thương dùm qua. Thương luôn luôn đừng bỏ qua. Nếu ngày nào qua dòm thấy em hết thương qua, thì ngày ấy là ngày cuối cùng của qua.
- Em sẽ thương anh cho tới mãn đời em. Mà chừng em chết em cũng còn đem sự thương ấy xuống cửu tuyền với em.
- Cảm ơn. Qua được người vợ như vầy thì hạnh phước của qua đầy đủ, chẳng còn thiếu chút nào hết. Qua vái ông Thần ái tình giúp qua làm cho em cũng được hưởng hạnh phước tràn trề như qua. Em muốn việc gì thì em cứ tỏ thiệt cho qua biết. Qua sẽ làm y theo ý em muốn.
- Hiện bây giờ em muốn có một việc mà thôi.
- Em muốn việc gì? Em nói đi em nói cho mau.
- Em muốn anh tập dùm cho em thông thạo cách làm vườn làm rẫy, đặng em giúp đỡ cho anh.
- Không nên. Làm vườn bị nắng mưa cực khổ lắm. Em cứ ở không mà chơi, đừng có làm theo qua.
- Ở không mà chơi thì em vui sao được. Ở vườn phải làm công việc theo vườn mới hưởng thú vui vườn được chớ. Để mai em về phản bái em, lấy hết áo quần cũ đem lên trên nầy đặng bận đi coi họ làm vườn làm rẫy với anh. Bây giờ anh dạy trước cho em biết hái trái cây, biết trồng rau trồng cải, dần lần rồi em sẽ học trồng thơm, trồng mía.
- Chắc má sợ em cực má không cho đâu
- Em sẽ năn nỉ với má.
Phúc ôm mặt vợ mà hun và nói: "Ai dè gái đời nay, nhứt là gái sanh trưởng tại đất Sài Gòn, mà lại có gái như vầy! Tôi có phước lắm! Tôi có phước lắm!“
Cô Lý cười, mặt mày ửng lòa hạnh phước. Mặt trời lên đã cao, chói nắng vào vườn sáng trưng mà chào mừng cái ngày đầu của cuộc vợ chồng Phúc.
45. hăm hở