Nép mình giữa rừng tùng, bách vươn cao, nằm sát bờ biển là khu phức hợp chuyển giao khí tài, chiến lược của nước Cộng hòa nhân dân Libya cách thành phố Tripoli mười lăm cây số về phía Đông Nam.
Vòng lấy ba mặt là hàng rào thép chống lốc xoáy cao gần sáu thước. Ấy, lại thêm một thước kẽm gai mắc điện bao lấy trên cùng. Khi màn đêm buông xuống, đội tuần tra lái mấy chiếc xe bọc thép Cascavel rảo liên tục vòng ngoài. Còn bên trong, lũ chó nghiệp vụ hếch mũi lên, lùng sục khắp nơi. Thấp thoáng gần đấy là doanh trại làm bằng gỗ dành cho lực lượng cảnh vệ.
Xuôi về một phía là hai khu nhà nghỉ: một dành cho lực lượng quân sự Libya, khu còn lại dùng để tiếp các đoàn đại biểu quân sự nước ngoài.
Ngay khoảng giữa là căn nhà gạch, mặt tiền hình vòm, tường dày non thước, quét lớp vôi hồng. Bước qua bậc thềm vào cửa chính, xuôi theo hành lang, về hai phía trái phải, người ta gặp chuỗi văn phòng của các sĩ quan, phòng liên lạc vô tuyến. Đoạn cuối hành lang là một phòng họp kín như bưng, không một cánh cửa sổ với những chiếc bàn to, hàng ghế lưng cao. Bên dưới hệ thống máy điều hòa nhiệt độ hiện đại là các thiết bị xem phim, đèn chiếu. Xa vào phía trong là cửa sắt nhỏ dành cho đám an ninh và đội quét dọn.
Thường một năm người ta chỉ mở cửa chính của căn phòng này năm, sáu lần gì đó. Với số nhân viên trên dưới trăm bốn mươi người vào ban ngày, khu phức hợp quân sự trở thành điểm nóng theo dõi của cả thế giới phương Tây, nhất là khi tình hình Trung Đông đang hồi quyết liệt.
Dù chính quyền chưa công bố điều gì nhưng báo chí cứ một mực đưa tin Libya vừa tiếp nhận một số lượng lớn tên lửa, máy bay, khí tài hạng nặng.
Vâng, đúng 9 giờ 15 sáng hôm ấy, hai đoàn đại biểu quân sự cao cấp của Libya và Nga tiến hành buổi họp cuối cùng của quá trình chuyển giao vũ khí tại ngôi nhà quét lớp vôi hồng ngay trong khu phức hợp.
Tay bắt mặt mừng theo đúng nghi thức ngoại giao, mỗi bên gồm hai mươi viên sĩ quan bước lên thềm, qua hành lang dài tới trước cửa phòng họp có hai người lính gác sẵn bên ngoài. Khi cánh cửa mở ra, từng người một tiến vào, đầu ngẩng cao, nét mặt trang nghiêm, dáng đi bệ vệ.
Ồ, không thể tin được! Hơn hai mươi sĩ quan bước hẳn vào trong cứ trố mắt ra nhìn, mồm há hốc …
Phía cuối phòng, mười tên đeo mặt nạ kín mít, trong bộ đồ rằn ri, quần jean xám, chân mang ủng da, tay thủ súng máy, đứng thành hình vòng cung. Lủng lẳng trước ngực bọn chúng là những tấm thẻ bạc với mấy chử NSAA rồi bật trên chiếc sọ người với vạch sấm sét viền lấy vòng ngoài.
Hệt như đám thuộc hạ của gã Tử thần đến từ địa ngục, dáng vẻ đầy sát khí, người bọn chúng căng ra theo tư thế chuẩn bị tấn công. Chân phải bước tới, đầu gối khuỵu xuống, báng súng kẹp chặt vào hông, mười họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào đám sĩ quan cao cấp.
Quái, cách đây chưa đầy mười phút, khi các đại biểu còn giơ tay chào nhau ngoài sân, đội quét dọn vừa rời khỏi cánh cửa sắt nhỏ, cả căn phòng vẫn còn trống trơn kia mà?
Vâng, không tới năm giây, sau tiếng lên cò rôm rốp, mười họng súng bắt đầu khạc lửa.
Đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng ...
Quá bất ngờ, bốn mươi viên sĩ quan không kịp phản ứng. Đạn bắn tới đâu, thây người gục ngã tới đó. Máu văng vào tường loang lổ, đọng thành vũng trên nhà. Tiếng nổ xé tan khoảng không tĩnh mịch, vang vọng khắp nơi.
Một phút sau đó, sáu viên sĩ quan của Nga và Libya phơi thây tại chỗ.
Rồi tiếng còi báo động cho toàn khu vực hụ lên inh ỏi. Từ phía ngoài, nhóm cảnh vệ chạy xộc vào, nổ súng chống trả. Hai bên quần nhau chí tử đúng mười lăm phút.
Đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng ...
Đạn bay vèo vèo như mưa rào xoáy thành những vết to tướng trên bức tưòng vôi. Chà, bọn sát thủ không hề nao núng, tay kéo cò phản công quyết liệt. Sau khi ba tên gục xuống bên cạnh vũng máu càng lúc càng nhiều, bảy tên mở đường máu tháo lui.
Rồi trận chiến lan nhanh ra toàn khu phức hợp.
Đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng đùng ...
Nấp vào dãy nhà kế bên, bảy tên còn lại chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Và thêm mười tay súng của Libya tiếp tục ngã xuống cùng đám đồng đội xấu số trước đó.
Sáng hôm sau, đúng 9 giờ, giờ quốc tế, toà soạn của tờ báo Reuter nhận được bức thông điệp qua diện thoại. Chưa đầy mười phút sau, toàn bộ giới truyền thông đại chúng đồng loạt đưa tin THẢM HOẠ Ở TRIPOLI.
Bức thông điệp nêu rõ:
Rạng sáng ngày hôm qua, ba chiếc phản lực cơ hạng nhẹ bay dưới tầm kiểm soát của ra đa, lượn đảo quanh khu phức hợp chuyển giao khí tài và chiến lược quân sự gần thủ đô Tripoli của nước Cộng hoà nhân dân Libya, thả xuống một biệt đội đặc nhiệm. Ấy thế mà chẳng ai phát hiện dù khu vực này được canh phòng nghiêm ngặt.
Chẳng bao lâu sau, nhân danh chủ nghĩa PHÁT XÍT QUỐC TẾ, đơn vị này đã giáng một đòn chí tử vào đám sĩ quan cao cấp xô Viết. Bọn chúng phơi thây như rạ, cuống cuồng tháo chạy.
Trong niềm thương tiếc vô hạn và đầy long tự hào, chúng ta tổ chức tang lễ của toàn đội đặc nhiệm thuộc PHẢN ĐOÀN TUYỂN CHỌN số I hy sinh vì chính nghĩa, vì hòa bình của nhân loại.
Hơn bao giờ hết, trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa bá truyền hoang tưởng, chúng tôi, những người theo chủ nghĩa phát xít, phải gấp rút hành động để tránh lây lan đến phần thế giới tự do còn lại.
Một lần nữa, chúng tôi xin cảnh báo với toàn thế giới: bất kỳ hành động nào có liên hệ với Nga dù với lý do gì đều sẽ gánh lấy những hậu quả thảm khốc.
THÔNG CÁO CHUNG SỐ I CỦA BỘ TƯ LỆNH TỐI CAO NSAA.
Tờ báo còn cho biết thêm toàn bộ vũ khí của đám sát thủ đều có xuất xứ từ Nga: sáu khẩu Kaladhnikov RPK và bốn khẩu AKM cải tiến.
Ậy, trong thời đại khủng bố cứ diễn ra ngày một như cơm bữa, thiên hạ chỉ bàn tán xôn xao có vài hôm rồi quên lãng. Theo nhiều người, bất quá bọn NSAA là một nhóm phiến quân ly khai của chủ nghĩa phát xít cuồng tín nào đó.
•
• •
Một tháng sau sự kiện Tripoli, tại một ngôi nhà gần Quảng trường Trafalgar diễn ra bữa tiệc chiêu đãi của năm thành viên Đảng Cộng sản Anh. Họ đang tiếp ba uỷ viên Trung Ương Đảng của chính quyền Xô Viết vừa đặt chân tới Luân Đôn trong chuyến viếng thăm thân hữu.
Chà, cái đám người Nga thật khách sáo, ì à, ì ạch mang theo mấy thùng vốtka thượng hạng. Cà phê mới vừa dọn lên, người ta lại bắt đầu khui rượu lốp bốp. Chén tạc chén thù, tám người nâng ly chúc tụng nhau. bữa tiệc đang râm vang rôm rả bỗng tiếng chuông cửa vang lên inh ỏi.
Hình như ai đó muốn gặp riêng vị chủ nhà. mặt mày đỏ kè như mấy con gà chọi, khó chịu, tay đảng viên sừng sỏ, to họng nhất của Đảng Cộng sản Anh bước tới mở cửa.
Thật không ngờ, ngay trước bậc thềm, bốn tên trong bộ quần áo rằn ri hệt như đám sát thủ ở Tripoli, nổ súng ngay lập tức.
Đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng ...
Tay chủ nhà gục ngay tại chỗ.
Đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng ... đùng đùng đùng ...
Chưa đầy một phút, mưa đạn khạc ra giết sạch bảy người còn lại. Rồi như đám ma trơi, bọn chúng biến mất trong đêm, không để lại dấu vết. Chỉ còn mớ vỏ đạn có lẽ từ những khẩu súng tự động Makarov, Stechkin của Nga, vương vãi trên sàn.
Vâng, sang hôm sau, đúng 9 giờ, giờ quốc tế, đội đặc nhiệm mang tên Adolf Hitler của NSAA thừa nhận trách nhiệm với BẢN THÔNG CÁO CHUNG THỨ II.
Rồi trong vòng mười hai tháng sau đó, có hơn ba mươi vụ khủng bố liên tiếp xảy ra trên toàn thế giới. Từ Tây Berlin, Bonn, Paris, Washington, Rome, New York, Luân Đôn, Madrid, Milan tới các thành phố lớn ở Trung Đông, nhiều đảng viên Đảng Cộng sản bị giết chết cùng với những người có liên quan.
Trong số này, phải kể đến ba phát ngôn viên của các tổ chức Công đoàn Anh và Hoa Kỳ bị thủ tiêu rất thảm khốc. Thế mà người ta chẳng tóm được một tên sát thủ nào thuộc nhóm NSAA. Trong bốn vụ khủng bố, khi cùng đường bọn chúng tự sát để khỏi bị bắt.
Dĩ nhiên sau từng vụ, các bản Thông cáo chung của Bộ Tư Lệnh Tối Cao lần lượt phát ra với lời lẽ thật khoa trương, rỗng tuếch. Những cái tên từng một thời khét tiếng trong lịch sử nhân loại nay được nhắc tới: sư đoàn SS của Heinrich Himmler, tiểu đoàn Heydrich, sư đoàn kỵ binh Hermann Goering, biệt đội đặc nhiệm số I của Eichmann.
Còn đám cớm và phản gián quốc tế, cứ ngẩn tò te, vò đầu bứt tóc mãi nhưng chẳng tìm ra manh mối. Lần theo mấy xác chết của bọn NSAA bỏ lại ở hiện trường, họ gặp phải con số không to tướng. Chẳng lẽ bọn chúng đến từ địa ngục.
Trong cơn sốc khủng bố cứ rung lên từng hồi như luồng địa chấn, chẳng biết tay nha báo nào hăng máu viết một bài “lá cải” hệt như đánh trống, thổi kèn cho mấy bộ phim vào thập kỷ 40.
Như đám ma trơi, từ hư không, bọn chúng xuất hiện, giết người như ngoé, rồi tan biến trong hư không. Có phải là hồn ma của Chủ nghĩa phát xít đang đội mồ sống dậy đưa nhân loại vào thảm hoạ diệt chủng? Bọn PHÁT XÍT MỚI muốn tắm máu loài người một lần nữa? Cả hành tinh không một đêm yên giấc, ngày cứ nơm nớp lo sợ.
Bọn NSAA giết người hiệu quả quá, khủng khiếp quá! Các giáo đường cứ vang lên tiếng cầu kinh. Chẳng lẽ ngày tận thế đang đến gần như lời sấm truyền cách đây mấy ngàn năm?
•
• •
Mặc cho thiên hạ bàn tán xôn xao, vẽ rồng, vẽ rắn, các cơ quan tình báo quốc tế đang vào cuộc. Từng chút rối từng chút một họ xích lại gần nhau, chia sẻ quan điểm, thông tin, báo cáo. Và việc gì đến, ắt phải đến, hợp thành khối liên minh, họ cố truy tìm bóng ma trơi NSAA lơ lửng trên đầu của cả nhân loại.