Cái bàn còn bỏ trống
Anh Đức
Tin chị Ninh mất, từ Hà Nội báo vào cho tôi qua dây nói. Một cô ở văn phòng cơ quan ngoài ấy, khi báo tin, còn cho biết rõ chị Ninh lâm bệnh nặng, gan bị phá hoại nhanh chóng bởi một thứ siêu vi trùng có tên gọi là Pắckin hay Púckin gì đó. Tôi chưa hề nghe nói tên siêu vi trùng này. Nhưng tôi thật bất ngờ, vì cách đây chưa được nửa tháng, chị Ninh vào thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi trở ra Hà Nội, lần ấy gặp tôi, chị Ninh thở dài nói: "Mỗi lần vào trong này, tôi buồn quá anh ạ!". Giọng nói của chị nghe như có tiếng khóc.
Trong nỗi thương tiếc và đau đớn, tôi nhẩm tính, ước chừng tuổi chị năm nay cũng đã tới năm lăm hoặc năm sáu. Rồi tôi nhớ lại buổi gặp chị, cách đây hai mươi sáu năm.
Đó là một vài năm sau khi tập kết ra Bắc, tôi từ cơ quan nọ thuyên chuyển tới một cơ quan mới khác, mà đối với tôi, một người viết trẻ vừa chân ướt chân ráo vô nghề, tôi không sao tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Cơ quan mới này có chức năng lãnh đạo hết thảy nhà văn nhà thơ, và tại đó từ lâu đã lừng lững không hơn dưới hai mươi con người nổi tiếng. Hơn nữa còn có những con người đã nổi tiếng trước cả lúc tôi được sinh ra giữa cái cõi đời này. Buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng thu sang, tôi về cơ quan mới với tâm trạng phập phồng như tôi vừa nói, nhưng cảm giác chung thì lại lâng lâng vui sướng. Bởi vì, tôi dám tin chắc rằng chẳng phải riêng tôi, bất cứ một anh nào mới cầm bút hẳn cũng sẽ thấy khoai khoái như tôi, một khi anh vừa mới nhoi lên, vừa mới cọ quậy làm chưa được hai đầu sách mà lại được chuyển vô một cái cơ quan chuyên môn sản xuất ra sản phẩm văn học như thế. Lại thêm buổi sáng chớm thu này mới thiệt dễ chịu làm sao. Đây là một mùa ngắn ngủi, nhưng êm đềm và gợi cảm nhất trong các mùa đất Bắc. Tôi mê mẩn với bầu trời man mác ở trên đầu, và làn gió hiu hiu xô nhẹ từng chiếc lá dưới lòng đường, với các mặt hồ lăn tăng biết bao là vẩy biếc. Lòng tôi tuy có chút lo âu, nhưng nói chung là tôi đang hứng khởi, đinh ninh rằng về đây thì chắc chắn tôi sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sáng tác, mặc dù về sau này sự đời diễn ra không hẳn như tôi nghĩ. Nhưng đó lại là chuyện khác, để có dịp tôi sẽ nói sau. ở đây, tôi chỉ kể chuyện tôi đến cơ quan. Tôi không gặp nhiều anh chị ở đó, ngoài mấy anh chị đã quen trước và anh chánh văn phòng. Anh chánh văn phòng cũng là một nhà thơ, cười cười bảo tôi xuồng chỗ quản trị để làm một vài thủ tục. Tôi xuống phòng quản trị. Một chị trạc lối trên ba mươi tiếp tôi. Khuôn mặt, dáng người và áo quần giản dị của chị khiến tôi có ấn tượng là chị sống đạm bạc và khắc khổ. Đó là chị Ninh. Chị chào tôi rồi điềm đạm nói:
- Nghe nói anh về mà bữa nay tôi mới gặp.. Tháng này anh đã có lương ở đây. Chỉ còn mỗi mình anh là chưa lĩnh, để tôi gửi anh luôn!
- Cảm ơn chị
- Anh có định báo cơm ăn ở cơ quan không?
Tôi nói có, và đề nghị chị ghi tên tôi vào sổ chấm cơm. Chị nhìn tôi vẻ hơi ái ngại, rồi cười bảo.
- ở đây chị nuôi nấu theo khẩu vị ngoài này, không biết các anh ăn vừa miệng không? Có gì các anh góp ý nhé!
Tôi đáp rằng vấn đề đó không sao cả. Sự thật là mấy anh em tôi từ Nam Bộ ra mấy năm nay, trước lạ sau quen, hầu như đã ăn được mọi món, có món tôi còn thấy thú vị, ví dụ như món canh chua nấu với rau muống kèm rau rút hay là món cà pháo muối.
ở cơ quan chúng tôi, chị Ninh không phải là người đảm trách những chuyện to tát. Chị là người lo chuyện giấy má, cơm áo, gạo tiền. Đó là một con người làm việc thầm lặng, không có tên tuổi. Chị hoàn toàn không ở trong địa hạt đó, không nghĩ tới điều đó, trong lúc chúng tôi quan tâm thường trực tới nó hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Tuần nào, tháng nào, năm nào tên mình không xuất hiện trên báo, trên sách là chúng tôi áy náy, khổ sở, dằn vặt. Chị Ninh lo phục vụ chúng tôi, từ tờ công lệnh, tờ hộ chiếu cho tới cốc cà phê, cốc nước trà mỗi lúc chúng tôi họp bàn trao đổi về những dự định, những đề cương sáng tác, đôi khi cả những chuyện dông dài. Nói cho đúng, thì ngoài chị Ninh, còn có sáu bảy anh chị nữa, là bộ phận chuyên lo phục vụ cho sự nghiệp của chúng tôi, cái sự nghiệp mà khi nào chúng tôi cũng thấy nó lớn lao, nó cao cả, nó quý trọng đến nỗi có người còn gẫm ra mình mang sứ mệnh của đấng tiên tri, đến nỗi lâu ngày chày tháng chúng tôi sinh ra những thói tật hư xấu thì cũng được miễn chấp, bỏ quá và các anh chị em ở khâu phục vụ, trong đó có chị Ninh, dường như cũng cảm thấy rằng mình phải thế tất, chớ không nên cáu kỉnh, bởi đó như là cái nét cố hữu đặc thù của anh em chúng tôi. Nào nói ngay, chúng tôi cũng không có thói tật nào lớn, thường chỉ là những việc vặt thậm chí rất ư lặt vặt so với cái sứ mệnh cao vời của kẻ cầm bút. Nhưng tôi cám cảnh chị Ninh, vì chị đứng đầu tổ quản trị, nên tất nhiên những việc vặt ấy chị đều lãnh đủ. Có một hôm tôi sắp bước vô phòng quản trị tìm chị Ninh có chút việc, thì thấy một ông ở trong đó bước ra, cười cười, mắt đáo đáo ngó quanh. Chị Ninh khép cửa phòng, khẽ bảo tôi.
- Anh biết ông ấy ngó tìm gì không? Tìm chai đấy. Tôi còn chai, nhưng nói dối là không có. Lần nào có rượu ngon mua về chia, lần nào tôi cho mượn chai, ông ấy cũng đều quên luôn không trả lạ. Anh nghĩ thế thì tôi lấy đâu chai mà cho anh mượn chứ!
Nói rồi, chỉ thoáng sau, chị Ninh vụt phì cười. Vẻ cáu kỉnh trên mặt chị cũng tan đi. Tôi bèn góp ý:
- Thì chị cứ yết lên bảng, ai nộp chai mới chia rượu!
- Yến lên bảng để có khách vào người ta cười cho. Đấy lần nào tôi cũng nhắc mà vẫn cứ như thế. Chẳng nhẽ có rượu ngon mà mình không mua về. Các anh ấy thích ngâm mơ ngâm táo lắm. Tôi cũng mới mua cho cả mơ lẫn rượu rồi đấy, anh có chia không?
Đó, chị Ninh ở cơ quan tôi là như vậy. Chị là một người lo lắng cho chúng tôi những việc vặt như vậy mà thôi, những việc chẳng có tên ở giữa một cơ quan có rất nhiều tên tuổi. Và chúng tôi, lai rai anh nào cũng có gây phiền hà cho chị. Tôi cũng có lần làm cho chị cực khổ. Chả là dạo ấy cơ quan tôi tính mở trại sáng tác, mua về chất trong kho mấy mươi bộ bàn ghế, giường tủ. Vì trại sáng tác xây dựng chưa xong, nên số đồ đạc chưa chở lên trại. Mấy anh em Nam Bộ chúng tôi, bàn với nhau đặt vấ đề mượn mỗi người một bộ gồm bàn, giường, tủ, đem về nhà dùng. Trong lúc bàn soạn, dự đoán là còn lâu sáng tác mới mở và có một điều chẳng ai thốt ra, nhưng ai cũng đều nghĩ tới, là cậy thế anh em miền Nam, thể nào chị Ninh cũng cho mượn. Quả nhiên chúng tôi dự tính không sai. Chị Ninh không nỡ từ chối, đã cho chúng tôi mượn một bộ đồ "mớp" đó. Chúng tôi hể hả kêu xe chuyên chở về nhà. Và cũng như y như dự đoán của chúng tôi, tới cả năm sau trại sáng tác vẫn chưa mở được. Chúng tôi sử dụng các thứ đồ đạc đó riết rồi tựa hồ như thấy nó là vật sở hữu của mình, thậm chí có anh trong chúng tôi còn bảo: "Kể như cơ quan cho mình xài luôn!". Tính là tính như vậy, nhưng dầu có dây dưa thế nào đi nữa thì trại sáng tác cũng tới lúc phải mở, vì phong trào những người viết trẻ ngày một phát triển. Nghĩa là đã tới lúc chúng tôi phải hoàn trả các thứ giường tủ bàn ghế ấy. Chị Ninh đã có nhắc. ấy vậy mà chúng tôi lại cứ dùng dằng. Vào một buổi chiều nọ, giữa lúc chúng tôi đang hăng hái ngồi viết truyện, thì chị Ninh thuê xe tới chở. Bây giờ chúng tôi mới hoảng lên, hối hả chạy kiếm dây chạc, thòng giường, thòng tủ xuống để chị Ninh chuyển lên trại. Sau sự việc ấy, chúng tôi biết mình quấy, nên có tự phê bình trong chi bộ. Chị Ninh ngồi trong góc phòng họp, tủm tỉm cười, vẫn nụ cười điềm đạm của chị. Tôi thấy quá xấu hổ, mãi tới giờ mỗi lần nhớ tới cũng còn ân hận, vì đã làm chị Ninh vất vả cực nhọc suốt buổi chiều hôm ấy.
ở cái cơ quan ngày xưa đó của tôi, còn lưu lại những gì đậm nét trong trí nhớ của tôi nữa? Có rất nhiều chuyện để nhớ. Biết bao sự cố lớn nhỏ của văn học đã diễn ra. Những mùa gặt rộ của thơ, của truyện ngắn. Những tiểu thuyết được khởi thảo bộ ba, bộ tư. Rồi những biến động, nghiên ngả, đấu tranh. Đã đành, tôi đều nhớ các vụ việc đó. Nhưng hằn sâu trong trí nhớ tôi, lại có những việc nhỏ khó quên. Như vào một ngày tháng bảy oi ả đã xa, chị Ninh từ trên trại sáng tác đem về những sọt vải thiều đỏ ối, rồi chị cặm cụi ngồi suốt trưa chia đều cho mỗi anh em chúng tôi một túm vải mà chị bảo là của cây nhà lá vườn. Trong tâm trí tôi còn lưu lại cho tới hôm nay, bộ quần áo chị Ninh mặc trên người hầu như không đổi khác, hầu như chỉ là quần đen áo trắng. Mùa đông chỉ có thêm chiếc áo bông trần hoặc chiếc áo may bằng vải ka ki màu vàng nhạt. Chị Ninh có nhiều con, nên cuộc sống thiếu thốn. Nhiều hôm tôi để ý thấy thằng con của chị chừng mười hai tuổi hay ghé vào chỗ chị lấy bìa đậu, rau cá mà chị tranh thủ mua lúc đi làm. Thằng bé đem về trước, chắc để thổi nấu trong lúc học bài. Tôi loáng thoáng nghe chị Ninh dặn con xung quanh việc làm món gì cho bữa trưa. Thường thì thằng bé xách giỏ về nhà ngay, nhưng cũng có lúc nó thơ thẩn chơi trong khuôn viên cơ quan, và đã có lần nó lẳng lặng dòm tôi rồi chạy vào, ghé tai rì rầm to nhỏ điều gì đó với mẹ nó. Tôi để ý thấy chị Ninh gật gật đầu. Lát sau khi thằng bé đã về, chị Ninh gặp tôi cười bảo:
- Thằng bé nhà tôi vừa tìm xem mặt anh đấy. Nó tên thằng Vũ. Chả là nó đọc cái truyện của anh. Nó hỏi vặn tôi mãi là có đúng thực của anh không. Tôi bảo là đúng, ấy thế mà xem chừng nó chưa tin hẳn, rõ buồn cười!
Nghe chị Ninh nói, tôi cũng lấy làm lạ, tự nghĩ sao thằng nhỏ con nhà chị Ninh lại hỏi thế. Tại sao nó ngó thấy tôi mà vẫn không tin đó là tôi. Sự hiện diện của tôi trước mặt nó bộ không giống như nó nghĩ sao. Hoặc có thể những gì tôi miêu tả trong truyện rất là hoang tưởng, khiến nó chẳng thể nào nghĩ rằng tôi bày ra được, trong khi nó ngó bộ tướng tôi không có vẻ chi khác lạ, không có vẻ chi là người bày ra được như thế. Trong cái chuyện của tôi mà thằng bé đọc, tôi nghĩ lại, hình như tôi có đơm những chi tiết dám làm cho nó ngỡ ngàng, lạ lẫm. Tỷ như tôi có nói tới vụ "sụp hồ" ở biển, hay tôi có tả một thứ đồ chơi của con nít ở vùng ấy, những chiếc càng cua biển lớn kềnh mà một ông già đã làm thành những chiếc lục lạc, treo khua lắc cắc lụp cụp suốt ngày đêm trước gió biển. Trong trí tưởng của trẻ thơ, có phải cần chi tới những sự lớn lao, đôi khi chỉ một vài chi tiết lẻ loi cũng đủ khơi động, cũng đủ ấn sâu cho chúng nhớ suốt đời, cũng đủ để chúng mơ màng vui thích nghĩ rằng trên đất nước mà chúng chào đời có những vùng đất sinh ra những điều như vậy.
Sự suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ về chuyện dò hỏi, đối chiếu của thằng bé con chị Ninh, mãi về sau này được chứng minh là tôi đã nói đúng. Bấy giờ tôi phỏng đoán, ngờ ngờ như thế rồi quên đi. Vì đó là chuyện chẳng có gì quan tâm. Vài năm sau thằng Vũ con chị Ninh lớn lên, như tất cả những đứa trẻ khác, con của các anh chị trong cơ quan. Thỉnh thoảng nó vẫn tới cơ quan, nhưng không lốc thốc đi bộ nữa, mà đi bằng xe đạp, hễ vừa thót lên yên là nó phóng như bay. Thế rồi dần dà, tôi cũng chẳng để ý gì đến nó nữa. Vả lại, vào cái năm đó, hiện tình đất nước ngày càng trở nên sôi động, một nửa nước lo hàn gắn xây dựng nhưng chẳng thể nào yên bởi bên kia bờ Bến Hải, một nửa nước đang đớn đau oằn oại. Chính vì lẽ đó, cho nên vào một mùa hè nóng bỏng, cuộc đời tôi lại rẽ ngoặc. Tôi chỉ kịp ăn những quả vải cuối cùng của chị Ninh đem về, rồi rời miền Bắc, lên đường trở lại quên hương. Hôm tôi sắp đi, ở cơ quan chỉ có vài người biết, vì chuyện về Nam khi đó được giấu kín. Chị Ninh biết tôi đi, nhưng lặng lẽ không nói gì, chị dúi vào tay tôi hai lọ cao "Con hổ" rồi rân rấn nước mắt. Tôi biết chị lo cho tôi, nên vui vẻ nói để chị yên tâm
- Chị ở lại khỏe, tôi sẽ đi tới nơi về tới chốn!
- Chúc anh đi đường được bình yên!
Con đường Trường Sơn mà chúng tôi phải vượt qua ở năm đầu sáu mươi không phải là dễ dàng. Có biết bao gian khổ đang chờ đợi chúng tôi trên hàng nghìn cây số núi non sông suối, với những cơn sốt rét khó bề tránh khỏi và những cơn đói, khát, những cuộc phục kích bất thần của địch. Nhưng đó mới chỉ là con đường, còn đích chúng tôi tới, là quê nhà, thì quê nhà đang ở trong cảnh lửa đạn. Tất cả những điều đang đón đợi chúng tôi đó khiến chị Ninh lo lắng, ái ngại. Tôi biết vậy, nhưng đều đã nghĩ tới, mặc dù mức độ gian nan về sau trải qua trên thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Tôi đã về Nam năm ấy, năm một chín sáu hai. Tôi đã không thể ngờ được là sau tôi, những chuyến vượt Trường Sơn còn phải liên tục kéo dài tới mười ba năm nữa. Thế hệ sinh sau tôi hằng thập kỷ, lại đi trên con đường ấy trong đó có cả thằng Vũ con chị Ninh, thằng bé ngày nào tới cơ quan lấy đậu phụ. Cuộc chiến mở rộng ra tới độ nước Mỹ phải đứa năm sáu trăm ngàn lính không kể lũ tôi tớ chư hầu, cho nên đất nước tôi cũng phải cho con vừa mới qua vịthành niên vào trận. Chị Ninh tưởng chỉ tiễn biệt tôi. Không ngờ chị đã tiễn biệt chính con chị. Và bất ngờ làm sao, tôi đã gặp lại Vũ, giữa một chiều mưa tầm tã, trong một cánh rừng miền đông căng đầy những cánh võng. Tôi tới đó để nhập vào đoàn quân sắp tiến về đồng bằng. Cái tăng tôi mới vừa căng ra thì mưa đã trút xuống. Mấy chiến sĩ trẻ xúm lại buộc võng hộ tôi. Sau đó, họ chạy đi. Một lát, chớt lại thấy mấy cậu đội mưa tới. Một cậu vừa vuốt nước chảy ròng ròng trên mặt vừa kêu:
- Chú!
Tôi bật dậy trên võng, chưa kịp nhận ra ai, thì cậu ta nói:
- Chú không nhận ra cháu à, cháu là..
Bấy giờ qua những dòng nước mưa đang chảy xuống khuôn mặt hãy còn bầu bĩnh trẻ thơ kia, tôi mới nhận ra đó là Vũ, thằng con của chị Ninh. Tôi nhảy khỏi võng, chụp lấy nó. Thế rồi tôi và nó, hai chú cháu đứng ôm nhau, ngó nhau cười, dưới mái tăng ni lông mưa tuôn xối xả. Tối đó, trời dứt mưa, chúng tôi làm một cuộc liên hoan nhỏ, uống trà với kẹo đậu phộng, hút thuốc lá hiệu "Con két". Thằng Vũ lặt củi trà chôm khô, nhóm lửa khá thạo, nấu nước pha trà đậm và cũng đốt một điếu thuốc như đứa khác. Tôi cười nói:
- Cháu lớn quá. Hút thuốc lâu chưa?
Vũ cười rộng miệng:
- Chắc chú đâu ngờ cháu vô đây phải không? Cháu tốt nghiệp cấp ba xong là đi. Thuốc thì cháu mới hút thôi, hồi đi Trường Sơn qua mấy ngọn núi cao ở Trị Thiên mưa dầm dề, cháu rít mấy hơi cho ấm, rồi hút luôn..
Thằng Vũ để lộ cánh tay xâm một dòng chữ "Sinh Bắc tử Nam". Tôi để ý thấy cả mấy đứa kia, đứa nào cũng xâm dòng chữ ấy. Tôi đập nhẹ lên cánh tay Vũ và nói:
- Không nhất thiết như thế!
Vũ cười, vẻ ngượng nghịu, nhưng rồi nó nói:
- Không phải ý chúng cháu suy nghĩ bi quan chết chóc gì đâu. Chúng cháu xâm dòng chữ đó coi như là lời thề quyết tử với tụi Mỹ tại miền Nam.
- Thế thì được tôi bảo nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng mình chết
Tất cả mấy đứa đều đồng ý gật đầu với tôi, rồi tiếp tục ăn kẹo, uống trà. Vũ còn kể với tôi rằng nó đã đánh nhiều trận, đã hành quân qua vùng biển mà Vũ đọc ở truyện tôi ngày còn đi học và thấy ở đó những điều do tôi tả. Vũ vui sướng bảo với tôi rằng đơn vị nó đã ngâm mình nằm phục hai ngày liền ở gần một cửa biển để bắn hạ một đoàn tàu giặc, do vậy mà nó mới được biết rõ thế nào là một xẻo biển, biết cây dừa nước và cây mắm, con cá thòi lòi và con ba khía nơi đất mặn.
Qua hôm sau, tôi và Vũ chia tay nhau, vì đơn vị phân tán nhỏ ra. Từ đó, tôi không gặp lại Vũ nữa. Nhưng tôi có viết thư ra Bắc, kể lại chuyện gặp Vũ cho chị Ninh biết, chị Ninh nhận được thư viết vào với những lời lẽ vui mừng chen lẫn với nỗi lo âu khôn tả của một người mẹ, và chị tha thiết đề nghị tôi giữ chặt liên lạc với Vũ, động viên giúp đỡ Vũ. Rất đáng tiếc theo địa chỉ hòm thư Vũ ghi lại, tôi và Vũ thư từ cho nhau được vài lần thì bị đứt. Mãi tới sau giải phóng, tôi về thành phố Hồ Chí Minh, được chừng trên một tháng thì nghe tin Vũ đã hy sinh trước đó gần một năm, và nghe đâu chị Ninh từ Hà Nội mới vào để đi tìm mộ con. Tôi vộn vã lần tới địa chỉ nhà người bà con mà chị Ninh đang ở, nhưng không gặp chị ở đấy. Mấy hôm sau vào một buổi chiều, tôi đang ở trong phòng thì bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa khe khẽ. Tôi mở cửa ra. Chị Ninh đứng trước mắt tôi, già đi nhiều, gương mặt ủ dột. Nhưng vẫn là chị Ninh điềm đạm đó, trên người vẫn là chiếc áo trắng và chiếc quần đen giản dị đó. Tôi cầm tay chị dắt vào, mời chị ngồi, rồi pha nước chanh đem đến.
Chị Ninh nhìn tôi giây lâu rồi nói:
- Anh trông vẫn như xưa, chỉ hơi gầy đi.. Mới đó mà đã mười mấy năm rồi anh nhỉ?
Tôi chưa dám đả động gì về Vũ, thì chị đã rơm rớm:
- Vũ nó đã hy sinh rồi anh ạ.. Cháu nó mất gần một năm nay. Tôi vào tháng trước, biết anh ở gần đây, định tới anh mà rồi cũng không tới được, tôi xin lỗi anh.. Cả tháng nay, tôi lặn lội đi tìm mộ cháu, nhưng tìm không được anh ạ, thành ra chẳng còn bụng dạ nào lo nghĩ đến chuyện khác.
Chị Ninh dừng lại, sụt sịt khóc, quệt nước mắt rồi tiếp:
- Được biết cháu hy sinh gần Bến Lức, tôi về đó, đi khắp vùng, hỏi thăm tỉ mỉ chỗ xảy ra trận đánh, tìm đến các ngôi mộ chôn rải rác ở ven sông, trên đồng. Có ngôi mộ có bia nhưng cũng có rất nhiều ngôi mộ không bia. Vùng đó trước gần địch cô bác trong xóm cũng có ghi dấu, nhưng không đủ, ngay như những cô bác đó cũng còn có người còn kẻ mất, đó là chưa kể có những vùng mộ nay đã bị bom pháo đánh phá tan hoang, không còn để lại vết tích gì ngoài những hố lớn hố nhỏ. Tôi đã đi trên các cánh đồng, men theo bờ từng con rạch. Sớm, trưa cho đến chiều tối, tôi tha thẩn đi không kể nắng mưa. Cô bác hết lòng giúp đỡ, cho người đưa dắt. Chỗ nào tôi cũng chém. Cả một vùng đất đau thương hiện ra ràng ràng trước mắt tôi. Và tôi đã gặp bao ngôi mộ của con tôi. Không, không có phần mộ nào của riêng con tôi cả. Vả lại, anh cũng biết đấy, có những trận đánh gọi là hủy diệt, thì làm gì còn có thể chôn cất được. Vậy là suốt gần một tháng tôi đi kiếm cháu, nhưng chỉ biết được vùng đất cháu mất mà thôi. Điều an ủi duy nhất cho tôi là tôi đã nhìn thấy cảnh vật ở đó, những cây dừa và cây vú sữa, những bưng trấp có nhiều bông súng và những cánh đồng có nhiều cây trâm bầu để nghĩ rằng nó với anh em đồng đội đã từng đi lại chiến đấu, đã từn ngó thấy tất cả mọi thứ đó trước khi ngã xuống. Cuối cùng, tôi rời vùng đất ấy, tuy lòng trĩu nặng u buồn nhưng cũng được yên lòng trở lại phần nào vì có một bác nông dân bảo tôi "Cô đừng buồn, chúng tôi hứa sẽ chăm sóc tất cả những ngôi mả ở đây, sẽ đem hài cốt của con cháu mình về nghĩa trang xã. Nếu nhu con cháu nào hy sinh không mồ mả thì tụi nó vẫn còn ở đây hoài với ruộng đồng kinh rạch, vẫn còn ở đây hoài với chúng tôi chứ đâu có mất. Cô về ngoài đó, lâu lâu nhớ trở vô chơi với chúng tôi, với cháu.."
Tôi đã ngồi nghe chị Ninh nói, trong một buổi chiều rất đỗi yên ổn và chắc chắn, hòa bình đang ngự trị trong sắc trời xanh bên ngoài khung cửa, trong tiếng nói cười vui vẻ dưới sân nhà và trong tiếng nhạc của một ca khúc trữ tình đâu đó vẳng lại. Đã hơn một tháng nay, sau chiến thắng, tôi từ chỗ thỉnh thoảng cứ ngỡ là mơ, giờ đây dần dần thấy đó là hiện thực, hiện thực trong bầu không khí vui mừng lớn chưa từng có, hiện thực trong đoàn tụ, trong gặp gỡ, trong các tiệc tùng không ngớt. Một đêm mới đây, tôi vừa dự một tiệc lớn mừng chiến thắng vĩ đại trong dinh Độc Lập cũ, rượu úytxki và sâm banh rót tràn trề. Nhưng bây giờ ngồi trước mặt tôi là chị Ninh, là một trong hàng vạn người mẹ đã dâng con mình cho chiến thắng và suốt trong một tháng tưng bừng hội này, chị lặn lội đi tìm con dưới miệt đồng bưng. Lúc chiều tà, chị từ giã tôi. Tôi hỏi chị đã mua được thứ gì để đem về chưa. Chị lắc đầu:
- Ngày kia tôi đã ra rồi, cũng chẳng thiết mua sắm gì cả anh ạ.
Bây giờ chị Ninh không còn nữa. Từ thành phố Hồ Chí Minh tôi buông thõng ống nghe, ngỡ như tin ấy không có thật. Nhưng sự thật là thế. Trong phút chốc nhớ lại. Tôi điếng người trước sự ra đi của chị Ninh, con người mà cuộc đời bình thường thầm lặng ít ai để ý. Chẳng qua, trước sau chị chỉ là người ở khâu phục vụ cho sự nghiệp sáng tác của chúng tôi mà thôi. Chị đã làm công việc này trên ba mươi năm trời, và bây giờ chị đã nằm xuống. Lâu nay tôi những tưởng một con người như vậy cũng dễ kiếm cũng dễ thay thế. Nhưng thật không phải như tôi nghĩ. Vài tháng sau khi chị Ninh mất, tôi có việc ra Hà Nội, ghé lại cơ quan. Dạo ấy cũng vào độ thu sang. Tôi lại đi trên con đường xưa, giữa ngày đầu thu hiu hiu gió thổi. Khi vào cơ quan tôi thấy ngôi nhà vẫn thế, ngôi nhà mà cách đây hai mươi sáu năm tôi đã đặt chân đến, mang theo cả một niềm hy vọng, và gặp chị Ninh ở đó. Dường như ngôi nhà chẳng chút đổi thay, từ chiếc ghế đá, từ mái ngói rơm rêu phong, từ những con người. Tôi bước vô phòng khách. Bộ xa lông vẫn là bộ xa lông đó, chỉ có cũ đi mà thôi. ở phía gian buồng dành cho văn phòng, bàn ghế đều như thế, mà tôi đã biết. Nhưng trời ơi, có một cái bàn hãy còn trống, không có ai làm việc ở đó cả. Đó là bàn của chị Ninh. Tôi ngồi một lúc, rồi khẽ hỏi cô đánh máy, chính cái cô gọi điện cho tôi, báo tin chị Ninh mất:
- Tới nay chưa có ai thay chị Ninh sao?
Cô dừng tay gõ chữ, nhìn tôi, lắc đầu, rồi mắt rưng rưng. Tôi không hỏi thêm lời nào nữa, và bây giờ tôi biết rầng chỗ của chị Ninh, chỗ cái bàn cũ kỹ còn bỏ trống kia, không ắt gì dễ kiếm ra một người ngồi vô đó mà được như chị, trong khi chính tại ngôi nhà này có bao nhiêu chỗ ngồi đều có thể thay đổi không mấy khó khăn.
1983