Trước khi vợ chồng Việt Vương Câu Tiễn từ biệt quần thần nước Việt để sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn khóc với các quan:
- Tình thế buộc ta phải về Ngô, ta đành giao nước nhà lại cho các khanh, chớ phụ tấm lòng trông cậy của ta.
Phạm Lãi nói:
- Việc nội trị Lãi không bằng Văn Chủng, nhưng xông pha trận mạc, ứng biến bên ngoài thì Văn Chủng không bằng Lãi tôi. Tôi xin theo chúa công.
Văn Chủng nói:
- Lời của Phạm tướng công nói rất có lý. Tôi ở nhà ra sức chăm lo việc nước.
Quan thái tể Khổ Hành nói:
- Truyền mệnh lệnh để tỏ đức của Đại Vương, khiến dân biết an phận là việc của tôi.
Quan Tư mã Gia Kế Dĩnh nói:
- Chiêu mộ tân binh, luyện tập sĩ tốt, chấn chỉnh quân đội là nhiệm vụ của tôi.
Quan tư nông là Cao Như nói:
- Dạy dân chúng cày ruộng tiết kiệm tài sản là nhiệm vụ của Cao Như này.
Quan Thái sự Kế Nghê nói:
- Thiên văn địa lý, mở mang văn hóa... tôi xin đảm nhận.
...
Câu Tiễn lấy làm cảm động nói:
- Thế là ta yên tâm rồi!
Vua tôi chia tay tại Cố Lăng.
LỜI BÀN:
Cuộc chia tay này rất bi khái. Cái lạ ở đây, trên đất Việt hiện nay không có vua, lại cũng không có quân Ngô chiếm đóng. Người ta thường nói: "Nước một ngày không thể không vua", thế mà
trong ba năm đằng đẵng nước Việt vẫn vắng bóng vua, tịch mịch làm sao! Dân Việt vẫn sống yên ổn trong sự chăm lo của các quan. Muốn được cảnh đó, ít ra các quan phải yêu thương đùm bọc cùng nhau xây dựng, và nhất là trong thâm tâm mỗi người đều hình dung họ có một ông vua hết mực nhân ái đang cùng họ chăm lo cho dân. Một triều đình không có vua, các quan chia nhau mỗi người một việc để trị cho dân, dạy dân cùng nhau giữ gìn kỷ cương xã tắc. Binh bị, kinh tế giáo dục, pháp luật... Họ đều không bê trễ. Tất cả đều sống một cách tin tưởng và đều hướng đến một cuộc chuẩn bị vĩ đại cho ngày mai. Trong suốt lịch sử, ta chưa thấy một quốc gia nào có một tình trạng lạ lùng như thời đó. Nước không vua mà vẫn không loạn. Trong bộ sử ký của Tư Mã Thiên (một sử gia vĩ đại của Hán sau này) dành một chương nói về Câu Tiễn: "Việt Câu Tiễn Thế Gia".