Một hôm Lỗ Chiêu Công cùng quan đại phu Thúc Tôn Nhược qua thăm Tề Cảnh Công bày tiệc chiêu đãi. Bọn Tam Kiệt (ba dũng sĩ nổi tiếng đó là Công Tôn Tiệp, Cổ Giả Tử, Điền Khai Cư) chống kiếm đứng hầu dưới thềm, có ý kiêu ngạo. Nguyên ba người này vốn có sức mạnh lại có công lớn, thường hay ỷ mình nên kiêu ngạo với bá quan. Ba tên đó liên kết với nhau, lại còn liên kết một số cường thần trong triều có ý bất hảo. Từ lâu Án Anh muốn trừ chúng mà chưa có dịp.
Nhân dịp này Án Anh tâu:
- Nay vườn kim đào đã có quả chín, xin chúa công cho trẩy để chúc thọ hai vua. Nhà vua sai người đi hái, Án Anh theo giám sát. Một lúc Án
Anh đem đào vào, nói:
- Giống đào quý này có tên là "Vạn thọ Kim Đào", còn gọi là Bàn Đào. Nguồn gốc nó ở Độ Sách Sơn ngoài biển, trồng đã ba mươi năm, từng ra hoa mà chưa từng kết trái. May sao năm nay được lứa đầu tiên. Toàn cây đào có chín quả, chỉ có sáu quả chín, tôi hái vào đây.
Án Anh dâng rượu và mời Lỗ Chiêu Công một quả đào. Tiếp đó Án Anh dâng rượu và mời Tề Cảnh Công một quả. Cảnh Công lại ban cho Thúc Tôn Nhược và Án Anh mỗi người một quả. Ai nấy ăn vào thấy mùi vị ngon ngọt sảng khoái.
Án Anh quay xuống các quan, nói:
- Theo lệnh chúa công truyền cho các quan, quan nào thấy mình có nhiều công trạng được phép tâu lên để lãnh đào.
Dũng sĩ Công Tôn Tiệp đứng ra nói:
- Ngày xưa chúa công đi săn bị con cọp gấm chụp, tôi ra sức giết nó, cứu được chúa công, công ấy như thế nào?
Án Anh nói:
- Cái công bảo giá ấy cao ngất trời, còn gì hơn, đáng được ăn đào lắm.
Nói rồi cho Công Tôn Tiệp một quả.
Cổ Giả Tử đứng ra nói:
- Ngày xưa chúa công qua sông Hoàng Hà bị con giải yêu quái làm nổi sóng, sắp đắm thuyền hại chúa công, tôi nhảy xuống nước giết giải. Công ấy thế nào?
Tề Cảnh Công nói:
- Đó mới là cái công to lớn nhất đời. Đáng được uống rượu và ăn đào.
Án Anh cho Cổ Giả Tử uống rượu và ăn đào. Đào đã hết.
Điền Khai Cương giờ bước ra nói:
- Tôi phụng mệnh chúa công đi đánh nước Từ, bắt được tướng sĩ nước Từ. Các vua Từ, Đàm, Cử cả sợ mới tôn chúa công tôi làm minh chủ. Cái công ấy có xứng đáng để được ăn đào không?
Án Anh nói:
- Công của tráng sĩ lớn gấp mười so với hai người trước, nhưng giờ đào đã hết, tạm uống chén rượu, chờ năm khác vậy.
Điền Khai nói:
- Giết hổ, chém giải chỉ là cái công vặt, còn ta xông pha dưới tên đạn, biết bao khó nhọc, thế mà không được ăn đào, chịu nhục trước mặt hai vua, để tiếng cười về sau, còn mặt mũi nào sống nữa.
Nói rồi rút gươm tự vẫn.
Công Tôn Tiệp giật mình nói lớn:
- Công ta nhỏ mọn mà được ăn đào, không nhường cho bạn sao gọi là liêm, không chết theo bạn sao gọi là dũng?
Công Tôn Tiệp cũng đâm cổ chết theo.
Cổ Giả Tử la lên:
- Ba ta đã kết nghĩa với nhau. Nay hai bạn đã chết rồi, ta sống làm gì?
Nói rồi cũng tự sát.
LỜI BÀN:
Các dũng sĩ ấy thường cho mình là đại dũng sĩ nên nặng chất háo danh, khinh sinh. Công trạng của ba người, chỉ có Điền Khai Cương là vì dân vì nước nhiều hơn, có tính chất là "vị tướng quân của triều đình" hơn hẳn hai người kia. Cương nói sau nên không được ăn đào, vì tự ái mà đâm ra hổ thẹn, dẫn đến tự sát. Hai dũng sĩ còn lại cảm thấy hổ thẹn thật sự, nên cũng tự sát theo. Đây là Án Anh nghiên cứu cách trừ họ. Thực ra nếu Án Anh không muốn giết họ, thì cứ bổ đôi quả đào cho mỗi người một nửa và uống chung rượu. Giải thích cặn kẽ, thì không đến đỗi cái chết đã xảy ra. Bọn Tam Kiệt ngày thường hay tự hào thành tích và sức lực mình, liên kết với đám Lương Khâu Cứ, Trần Vô Vũ là những kẻ quỷ quyệt, chuyên ném đá giấu tay. Tam Kiệt khinh miệt bá quan. Bọn họ có thói vũ phu nhưng không thâm độc như hai ông quan trên đây. Tuy vậy nếu để chúng sống dai cũng bất lợi cho triều đình. Mẹo của Án Anh giết họ rất kín đáo và nhẹ nhàng, không ai bắt bẻ được.